Ngôn ngữ

Giá trị văn hóa- quyền lực được đánh dấu qua hành động cầu khiến trong giao tiếp gia đình người Việt


14-10-2020

Ý thức về cấu trúc quyền lực bất bình đẳng hay tính tầng bậc trong quan hệ gia đình (mở rộng ra là xã hội) đã là nền tảng để các nhân vật giao tiếp lựa chọn các thành phần thực hiện HĐNT cầu khiến. Ngay cả trong giao tiếp gia đình, khi thiên hướng thân mật suồng sã rất có khả năng lấn át áp lực quyền lực thì tính chất bất bình đẳng cũng vẫn thể hiện rất rõ ràng.

 GIÁ TRỊ VĂN HÓA- QUYỀN LỰC ĐƯỢC ĐÁNH DẤU

QUA HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN TRONG GIAO TIẾP GIA ĐÌNH NGƯỜI VIỆT

Ths. Lương Thị Hiền

TẠP CHÍ "NGÔN NGỮ" SỐ 1O. 2010

I. MỞ ĐẦU

Mỗi nền văn hoá có một hệ thống giá trị văn hóa riêng, trong đó giá trị văn hóa- quyền lực cần phải được đề cập khi nghiên cứu về ứng xử ngôn ngữ trong ngữ cảnh giao tiếp văn hóa. Theo giáo sư Geert Hofstede  (1991) thuộc trường Đại học Limburg tại Maastricht, Hà Lan, sự phân cấp quyền lực chỉ ra mức độ phân bố và chấp nhận quyền lực theo định chế trong các tổ chức có thứ bậc như: gia đình (bố mẹ và con cái), trường học (thầy và trò), nơi làm việc (chủ và thợ), các hình thức tổ chức chính trị tập trung hoặc phân chia quyền lực…. Sự bất bình đẳng quyền lực là nhân tố nền tảng trong bất cứ xã hội nào, và các mối quan hệ quyền lực khác nhau trong xã hội đã điều chỉnh các quyết định lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ ở những cách thức và mức độ khác nhau. Vận dụng thước đo của G. Hofstede, trong phạm vi ngữ liệu hội thoại gia đình người Việt, chúng tôi xem xét hành động ngôn từ (HĐNT) cầu khiến trong mối quan hệ với sự phân cấp về quyền lực (power hierachy).

Số lượng cuộc thoại được khảo sát là 114, dựa trên một số quan hệ cơ bản như ông, bà- cháu; cậu, mợ, dì...- cháu;  bố, mẹ- con; vợ- chồng… trong các tác phẩm văn học, bao gồm “Tuyển tập Nam Cao” - tập 1, tập 2, NXB Văn học, H. 2004, “Nguyễn Công Hoan- truyện ngắn chọn lọc”- NXB Văn học, H, 2004, và tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, NXB Văn học, H, 2004.

Về quan hệ quyền lực trong giao tiếp gia đình, xét dưới góc độ lý thuyết, có thể phân chia thành ba loại tương quan chủ yếu căn cứ vào nguồn gốc của quyền lực- vị trí của nhân vật giao tiếp trong tổ chức gia đình, họ tộc: (1) Giao tiếp với người trên quyền (Con với bố, mẹ; cháu với ông, bà, chú, bác...), (2) Giao tiếp với người bằng quyền (vợ và chồng), (3) Giao tiếp với người dưới quyền (bố, mẹ với con; ông, bà với cháu…).

Giá trị của tham biến quyền lực trong việc lựa chọn các thành phần của HĐNT cầu khiến được hiểu như là sự huy động các nguồn lực ngôn từ của các chủ thể giao tiếp nhằm tạo những ảnh hưởng đến đối tượng giao tiếp, cụ thể là gây ra sự tác động, thay đổi, biến chuyển, chỉ đạo… hành động hay thái độ của đối tượng giao tiếp. Nhằm thiết lập một tương quan quyền lực phù hợp với vị trí của mình, người tham gia hội thoại phải tiến hành lựa chọn các thành phần của lời cầu khiến thích hợp để xây dựng chiến thuật giao tiếp, hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Hành động ngôn từ cầu  khiến và quan hệ quyền lực

Bản chất của HĐNT cầu khiến là người nói khiến người nghe thực hiện một yêu cầu hoặc mệnh lệnh nào đó bằng lời nói. Lực ngôn trung chung cho các nhóm HĐNT này là làm cho thực tại tương thích với lời nói (direction of fit). Nhóm này bao gồm các tiểu loại HĐNT như ra lệnh yêu cầu, sai bảo, chỉ bảo, đề nghị, thỉnh cầu, van nài, xin phép.

Về cấu trúc của HĐNT cầu khiến, Evrin- Tripp (1976), Brown và Levinson (1978), Blum- Bulka (1982) và nhiều nhà lý thuyết HĐNT cho rằng những phát ngôn cầu khiến thường có hai phần: (i)Thành phần cốt lõi  (the core request hay head act) và (ii) Thành phần điều biến lực ngôn trung (periphera element) [dẫn theo 1]

Thành phần cốt lõi là mệnh đề chính, đơn vị độc lập với các thành phần khác biểu thị đích ngôn trung, làm thành bản chất HĐNT cầu khiến. Các thành phần điều biến lực ngôn trung là những yếu tố ngôn ngữ kèm theo hoặc xuất hiện trước/sau mệnh đề chính. Chúng không thay đổi nội dung mệnh đề nhưng khiến cho lực ngôn trung tăng cường hoặc làm yếu đi bằng những điều chỉnh cú pháp hoặc từ pháp. Có thể chia các thành phần điều biến lực ngôn trung này thành hai tiểu nhóm: (i) Nhóm điều biến nội bộ (internal modification) và (ii) Nhóm điều biến ngoại vi (external modification). Xem xét một số thành phần điều biến lực ngôn trung thuộc các cấp độ ngôn ngữ khác nhau trong các ví dụ sau:

(1) Thế thì cậu khấn mợ về đi nhé! [6;73]

(2) Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thấy thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết[5, 20]

Ở ví dụ (1), thành phần điều biến nội bộ thuộc cấp độ từ, nằm ngay trong phát ngôn có chứa mệnh đề chính: Tiểu từ tình thái “nhé” làm giảm mức độ áp đặt của lời nói. Còn ở ví dụ (2), thành phần điều biến ngoại vi thuộc cấp độ câu, nằm sau phát ngôn chứa mệnh đề chính: Hành động phụ thuộc “giải thích” có tác dụng tăng cường, bổ trợ lực ngôn trung cho hành động chủ hướng “yêu cầu”.

Như vậy, thực chất lực ngôn trung người nghe tiếp nhận được chỉ là lực ngôn trung thứ cấp. Dưới sự tác động của tương quan quyền lực (power), khoảng cách xã hội (social distance) và mức độ áp đặt của lời cầu khiến (ranking of imposition) trong những ngữ cảnh cụ thể, các thành phần điều biến lực ngôn trung sẽ tham gia làm tăng hoặc giảm lực ngôn trung nguyên cấp, chuyển đổi lực ngôn trung nguyên cấp thành lực ngôn trung thứ cấp. Điều đó cũng có nghĩa là lực ngôn trung nguyên cấp không bao giờ sinh ra lực tác động giống nhau đối với người nghe, bởi vì các yếu tố tác động lên lời cầu khiến luôn thay đổi. Khi tương quan quyền lực thay đổi, hành động ngôn từ cầu khiến cũng thay đổi về cấu trúc thành phần mệnh đề chính cũng như sự lựa chọn các thành phần các thành phần điều biến lực ngôn trung.

2. Cấu trúc mệnh đề chính và quan hệ quyền lực

 Về đại thể có thể phân HĐNT thành hai nhóm cơ bản: Nhóm HĐNT cầu khiến gián tiếp và HĐNT cầu khiến trực tiếp. Tổng số HĐNT cầu khiến được thống kê: 257; trong đó số lượng HĐNT cầu khiến gián tiếp: 23, chiếm 8,95 % tổng số HĐNT cầu khiến; số lượng HĐNT cầu khiến trực tiếp: 234, chiếm 91,05% số HĐNT cầu khiến. HĐNT cầu khiến có thể được biểu thị bằng nhiều phương thức khác nhau: trực tiếp hoặc gián tiếp, dưới hình thức cấu trúc mệnh lệnh, nghi vấn, trình bày hoặc tỉnh lược…Tỷ lệ HĐNT cầu khiến gián tiếp chỉ chiếm dưới 10% so với tổng số HĐNT cầu khiến được thống kê (có mặt trong các phát ngôn ngữ vi của người ở bậc dưới: 5; người bậc trên: 6; nhân vật giao tiếp ở vị trí “vợ”: 1; nhân vật giao tiếp ở vị trí “chồng”: 10). Do số lượng quá ít và sự phân phối không theo quy luật, chúng tôi chưa đưa ra kết luận cho mối liên quan giữa tương quan quyền lực và sự lựa chọn HĐNT cầu khiến gián tiếp.

HĐNT cầu khiến trong giao tiếp gia đình được biểu thị chủ yếu dưới hình thức trực tiếp (234/257 HĐNT, chiếm 91,5% tổng số HĐNT cầu khiến được thống kê). Điều này cho thấy nhiều vấn đề, nhưng trước hết là tính thẳng, tính trực tiếp trong hành động cầu khiến ở phạm vi gia đình là rất mạnh. Các NVGT trong hội thoại gia đình không cần cầu kì lựa chọn hình thức “mềm hóa” đòi hỏi của mình, không che chắn thái độ áp đặt trong lời nói quá nhiều. Khi xem xét sự tác động của quyền lực lên HĐNT cầu khiến không thể bỏ qua đặc thù của giao tiếp gia đình khoảng cách xã hội mật thiết gần gũi thậm chí suồng sã. Chính vì thế, một số yếu tố đánh dấu lịch sự, góp phần làm giảm lực ngôn trung và giảm tính chất đe dọa thể diện có thể sẽ ít xuất hiện hơn trong giao tiếp xã hội. Người nói và người nghe cảm thấy do quan hệ các bên đã gần gũi, việc giữ ý và cẩn thận quá mức trong ăn nói là không cần thiết.

2.1. Cấu trúc mệnh đề chính và quan hệ  quyền lực bất bình đẳng

HĐNT cầu khiến có phương tiện cú pháp chủ lực, đặc trưng là cấu trúc mệnh lệnh. Chúng tôi thống kê tỷ lệ xuất hiện của hai loại cấu trúc mệnh lệnh có chủ ngữ và cấu trúc không có chủ ngữ trong các cuộc thoại thuộc tương quan quyền lực bất bình đẳng. Tần số xuất hiện của từng loại cấu trúc cụ thể được trình bày trong bảng sau:

 

Có chủ ngữ

Không chủ ngữ

Tổng số

Trên

85,7% (24/28)

14,2 % (4/28)

100 % (28/28)

Dưới

37,9 % (41/108)

62,1% (67/108)

100 % (108/108)

Bảng 1. Tỷ lệ cấu trúc mệnh đề chính trong quan hệ bất bình đẳng

Kết quả trình bày trong bảng 1 cho thấy có một sự chệnh lệch đáng kể giữa hai kiểu cấu trúc mệnh lệnh có chủ ngữ và không có chủ ngữ. Thống kê 136 phát ngôn ngữ vi trong hình thức giao tiếp bất bình đẳng về quyền lực, cấu trúc mệnh lệnh có chủ ngữ chiếm 85,7% tổng số phát ngôn của người có quyền lực thấp; chiếm 37,9% tổng số phát ngôn của người có quyền lực cao (tỷ lệ chênh lệch : 47,8% ). Tỷ lệ cấu trúc mệnh lệnh lược chủ ngữ chỉ chiếm 14,2% tổng số phát ngôn của người có quyền lực thấp; 62,06% phát ngôn người có quyền lực cao (tỷ lệ chênh lệch: 47,86%)

Cấu trúc mệnh đề không có chủ ngữ không xuất hiện trong giao tiếp người vị thế thấp với người vị thế cao. Điều này phù hợp với quan niệm của người Việt cho rằng kiểu nói trống không của người dưới với người trên biểu thị sự thiếu tôn trọng, lễ phép… Người ở vị thế thấp sử dụng loại cấu trúc mệnh đề không chủ ngữ này rơi vào hai tình huống:

Một là lời trẻ nhỏ nói với bố mẹ mang tính chất năn nỉ, cầu xin. Ví dụ:

(3)     Con: 5 xu nhé? Ngào bạt nạng. Mợ ạ, chỗ ông Câm ngồi có ngào bạt nạng ngon lắm đấy!...  [5, 473]

Những phát ngôn này hoàn toàn được chấp nhận và không bị coi là vi phạm khoảng cách quyền lực vì trong bối cảnh tương tác này ngưòi nói và người nghe đã ở trong không khí thân mật, yêu thương, “ yêu cầu” và “ đáp ứng yêu cầu” được coi là mối quan tâm hàng đầu .

Hai là lời của con cái nắm quyền về kinh tế chủ yếu trong gia đình, và yếu tố này quy định quan hệ quyền chứ không phải quan hệ tôn ti, huyết thống. Trong ví dụ (4) sau, lời cầu khiến là lời đáp của người con khi bố anh ta đang cố gắng trình bày, giải thích lý do cho việc xin tiền con đi đánh bạc:

(4)     Con: Gớm nữa; thôi đi! …Nói lôi thôi mãi, ai chịu được. [5, 553]

Nhìn chung, việc sử dụng cấu trúc chủ ngữ cho thấy sự thống trị của quan hệ quyền lực tôn ti thứ bậc trong gia đình. Sự thay đổi (không đáng kể) cho thấy thế cân bằng động tạo nên quyền trong từng trường hợp cụ thể.

Cấu trúc mệnh đề có chủ ngữ chiếm vị trí áp đảo trong tương quan người dưới người trên, chiếm quá nửa trong tương quan người trên – người dưới. Câu hỏi đầu tiên trong giao tiếp được đặt ra là câu hỏi “Nói với ai?”. Giá trị ngữ dụng của dạng cấu trúc có chủ từ là nhấn mạnh vai trò tác nhân của hành động trong nhận thức người nói, có tác dụng bổ sung thêm một chút nghĩa “khiêm tốn, lễ độ” của người nói; bởi bản chất chủ từ đã định rõ quan hệ cao thấp trên dưới mà người nói khớp ghép mình vào.

(5)     Con: Đấy bu soi gương xem, con đội khăn cho bu đẹp thế… [5, 471]

(6)     Con: Thầy đừng… đi… lên rừng! [5, 362]

(7)     Con: Này, tiền đây, ông đi đánh chắn thì đi đi, ngồi nói mãi váng đầu không chịu được. [5, 552]

(8)     Cháu: Con biếu bà để bà ăn bánh đúc.  về đi! [5, 273]

Vai trò của chủ ngữ trong các mệnh đề có ý nghĩa như là một yếu tố đánh dấu lịch sự, giảm nhẹ mức độ áp đặt bổ sung ý nghĩa “tôn ti, thứ bậc”, do chủ thể giao tiếp đưa ra một phát ngôn có “địa chỉ” người nhận rõ ràng.

Ngược lại, cấu trúc mệnh đề lược chủ ngữ lại là cấu trúc đặc trưng trong phát ngôn cầu khiến của các nhân vật giao tiếp ở vị thế cao. Ngữ liệu khảo sát được cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng cấu trúc mệnh đề lược chủ ngữ giữa những nhân vật giao tiếp ở vị thế cao và những nhân vật giao tiếp ở vị thế thấp lên đến 47, 9%. Nguyên nhân là do quyền lực của các thành viên này trong gia đình đã được mặc nhiên thừa nhận, những người ở vị trí thấp hơn tiếp nhận sự áp đặt đó như là một lẽ tự nhiên, không cảm thấy bị xúc phạm. Trong các cuộc thoại giữa bố mẹ và con cái, cùng sử dụng loại cấu trúc này, hai nhân vật giao tiếp “bố” và “mẹ” lại có một sự chênh lệch, tuy nhiên không đáng kể. Cụ thể các kết quả thống kê tỷ lệ sử dụng cấu trúc mệnh đề lược chủ ngữ của “bố” và “mẹ” để thực hiện HĐNT cầu khiến được trình bày trong bảng 2 sau:

 

Bố

Mẹ

Số lượng

20

41

Tổng số

31

66

Tỷ lệ

64,51 %

62,1%

Bảng 2. Tỷ lệ cấu trúc mệnh đề không chủ ngữ của “Bố” và “Mẹ”

Bảng 2 cho thấy: trong giao tiếp gia đình, khả năng sử dụng cấu trúc không có chủ ngữ để thực hiện HĐNT cầu khiến của nhân vật giao tiếp “ bố” và “mẹ” là gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, nhân vật giao tiếp “bố” có nhiều hơn nhân vật giao tiếp “mẹ” một chút. Có thể suy đoán một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch đó là do địa vị cao của bố trong gia đình phụ quyền theo quan niệm truyền thống văn hóa của người Việt.

2.2. Cấu trúc mệnh đề chính trong quan hệ bình đẳng

Quan hệ bình đẳng trong gia đình được xem xét trong giao tiếp vợ chồng. Sự bình đẳng tương đối giữa vợ và chồng là một nét độc đáo trong  truyền thống văn hóa của người Việt. Hơn thế, tính chất bình đẳng trong mối quan hệ này còn được về mặt pháp lý trong các bộ luật cổ xưa nhất của người Việt như luật Hồng Đức (“Điều 322 - "Quốc triều hình luật"), luật Gia Long (quan niệm vị thế người vợ cũng ngang hàng với người chồng “thê giả tề gia”).  Nét văn hóa này cũng được phản ánh trong ngôn ngữ, cụ thể tần số xuất hiện của các kiểu loại cấu trúc mệnh đề được trình bày trong bảng sau:

 

Có chủ ngữ

Không chủ ngữ

Tổng số

Chồng

35,38 % (23/65)

64,61 % (42/65)

65/65

Vợ

54,55 % (18/33)

45,45 % (15/33)

33/33

Bảng 3. Tỷ lệ cấu trúc mệnh đề chính trong quan hệ bình đẳng

Các số liệu trong bảng 3 cho thấy tỷ lệ xuất hiện của hai loại cấu trúc mệnh đề có chủ ngữ và không có không có chủ ngữ trong giao tiếp vợ chồng cũng có sự chênh lệch, nhưng mức chênh lệch có giảm đi so với trong quan hệ giao tiếp bất bình đẳng. Tỷ lệ kiểu cấu trúc có chủ ngữ ở “vợ” chiếm 54,54%, ở “chồng” chiếm 35,38%  trong tổng số cấu trúc mệnh đề chính mà nhân vật giao tiếp này sử dụng. Tỷ lệ kiểu cấu trúc không chủ ngữ ở “vợ” chiếm 45,45%, ở “chồng” chiếm 64,61% trong tổng số cấu trúc mệnh đề chính mà nhân vật giao tiếp này sử dụng. Như vậy các kết quả khảo sát trong pham vi quan hệ bình đẳng (vợ chồng) lại cho thấy một tình hình tương tự như các kết quả khảo sát ở trong phạm vi quan hệ bất bình đẳng. Điều đó chứng tỏ: sự bình đẳng giữa vợ và chồng chỉ là trên bình diện lý thuyết và sự bình đẳng mang tính chất tương đối. Trong thực tế ứng xử ngôn ngữ, tương quan quyền lực này bị chi phối mạnh mẽ bởi những tư tưởng tôn ti trong văn hóa truyền thống dưới ảnh hưởng Nho giáo. Cho đến những năm 1930-1945, trong xã hội Việt Nam, quan niệm Nho giáo muốn khẳng định tính tôn ti giữa vợ và chồng theo nguyên tắc “phụ nữ phụ tùy” vẫn là tư tưởng xã hội ăn sâu bén rễ. Mặc dù, trên thực tế đã có những thay đổi về cấu trúc quyền lực trong gia đình như là kết quả những thay đổi xã hội Việt Nam 30- 1945, song đặc điểm “trọng nam” vẫn còn ảnh hưởng mạnh, biểu hiện ở cách ứng xử ngôn ngữ của người chồng là cách ứng xử thường thấy ở những chủ thể giao tiếp có địa vị cao hơn đối tượng giao tiếp. Khi khớp ghép quan hệ bất bình đẳng vào quan hệ vợ chồng, ta có thê nhận thấy cấu trúc gia đình giành sự ưu tiên cho “nam giới” và người nam được coi là ông chủ của gia đình hạt nhân và gia tộc. Một lý do khác cho sự bất bình đẳng tồn tại, đó là do bản tính khiêm nhường của người phụ nữ Việt Nam. Dù người phụ nữ có giữ vai trò gì trong gia đình và xã hội, “núp bóng tùng quân” vẫn được coi là cách ứng xử hợp lý nhất trong quan hệ với người chồng. Có thể coi đó là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người phụ nữ Việt Nam. Người vợ đối với người chồng thì khiêm nhường lễ độ như với người trên còn người chồng cũng tự coi mình là người có quyền cao hơn vợ. Cách thức ứng xử ngôn ngữ này vẫn tồn tại cho đến ngày nay,  mặc dù vai trò người phụ nữ hôm nay đã được cộng đồng thừa nhận, được mở rộng phạm vi hoạt động và xác định vị trí của mình từ gia đình đến cộng đồng xã hội .

3. Thành phần điều biến lực ngôn trung và quan hệ quyền lực

Các yếu tố điều biến lực ngôn trung chỉ giữ chức năng hỗ trợ nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong việc biểu thị tương quan quyền lực giữa người nói và người nghe. Mức độ áp đặt trong lời nói, sự cảm nhận về áp lực quyền lực của người nghe là do thành phần này điều tiết. Chúng tôi chia các thành phần điều biến lực ngôn trung (F) này thành hai loại: (i) Thành phần làm tăng lực ngôn trung và (ii)Thành phần làm giảm lực ngôn trung

Như đã trình bày, mỗi phát ngôn ngữ vi hiện thực hóa HĐNT cầu khiến không chỉ có phần lõi mà thường đi kèm các thành phần làm tăng hoặc giảm mức độ áp đặt của lời nói. Trong giao tiếp bất bình đẳng, số lượng phát ngôn ngữ vi có bổ sung thành phần điều biến lực ngôn trung chiếm 75 % (21/ 28) tổng số phát ngôn trong giao tiếp người dưới với người trên, chiếm 70, 37% (75/108) tổng số phát ngôn trong giao tiếp người trên với người dưới, chiếm 75, 75% tổng số phát ngôn  của “vợ” và chiếm 98 % tổng số phát ngôn của chồng trong giao tiếp vợ chồng.

Tỷ lệ cụ thể của các loại thành phần điều biến lực ngôn trung ở mỗi phạm vi quan hệ giao tiếp được trình bày trong bảng sau:

 

Quan hệ bất bình đẳng

Quan hệ bình đẳng

Trên

Dưới

Vợ

Chồng

Tăng F

21 % (6/28)

40,8 % (44/108)

43,5 % (12/33)

52,5 %  (34/65)

Giảm F

53,5 % (15/28)

32,6 % (32/108)

48,4 % (16/33

41,5 % (27/65)

Bảng 4. Tỷ lệ thành phần điều biến lực ngôn trung trong lời cầu khiến

Có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật giao tiếp ở vị thế thấp khi cầu khiến người trên có xu hướng dùng ít các thành phần điều biến làm tăng lực ngôn trung và dùng nhiều các thành phần làm giảm lực ngôn trung. Ngược lại, nhân vật giao tiếp ở vị thế cao có xu hướng dùng nhiều các thành phần làm tăng lực ngôn trung và dùng ít các thành phần làm giảm lực ngôn trung. Trong quan hệ vợ chồng, ta cũng bắt gặp tình hình sử dụng các thành phần điều biến lực ngôn trung giống như trong ứng xử ngôn ngữ thuộc quan hệ bất bình đẳng- trong đó, người vợ thuộc vị thế thấp; người chồng thuộc vị thế cao. Như vậy mức độ sử dụng các thành phần và các yếu tố làm tăng lực ngôn trung tỷ lệ thuận với mức độ quyền lực mà người nói nắm giữ, các thành phần làm giảm lực ngôn trung tỷ lệ nghịch với mức độ quyền lực mà người nói nắm giữ .

Các kết quả khảo sát tương quan vợ chồng cũng cho phép chúng tôi bước đầu đưa ra kết luận trong cấu trúc quyền gia đình hạt nhân, nam giới sử dụng nhiều thành phần làm tăng lực ngôn trung hơn nữ giới (so sánh 58,9% với 43,4%). Ngược lại nữ giới sử dụng nhiều thành phần làm giảm lực ngôn trung hơn nam giới (so sánh 48,4% với 41,5%). Như vậy, tính chất áp đặt trong lời nam giới sẽ cao hơn nữ giới, hệ quả là mức độ lịch sự trong phát ngôn nam sẽ thấp hơn nữ giới. Các kết quả này đưa ra kết luận thống nhất với kết luận về ảnh hưởng của cấu trúc quyền lực “trọng nam” trong gia đình đã rút ra từ khảo sát về cấu trúc mệnh đề có chủ ngữ và không có chủ ngữ ở trên.

III. KẾT LUẬN

Trong văn hóa giao tiếp của người Việt lựa chọn các phương thức diễn đạt ý muốn của người nói sao cho khéo léo là việc xưa nay được khuyến khích: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Các nhân vật giao tiếp đã sử dụng phương tiện cấu trúc như một nguồn lực để thực hiện chiến lược giao tiếp của mình và đi đến mục đích cuối cùng là cầu khiến. Ý thức về cấu trúc quyền lực bất bình đẳng hay tính tầng bậc thang bậc quan hệ gia đình (mở rộng ra là xã hội) đã là nền tảng để các nhân vật giao tiếp lựa chọn các thành phần thực hiện HĐNT cầu khiến. Ngay cả trong giao tiếp gia đình, khi thiên hướng thân mật suồng sã rất có khả năng lấn át áp lực quyền lực thì tính chất bất bình đẳng cũng vẫn thể hiện rất rõ ràng. Các nhân vật giao tiếp nhìn chung có khả năng tự điều chỉnh cách ứng xử ngôn ngữ cho phù hợp tính chất của từng mối quan hệ, nhằm thể hiện được quyền lực của người giữ vị trí cao trong gia đình hoặc thể hiện sự tôn trọng đối tượng giao tiếp có địa vị và quyền lực cao hơn. Điểm chủ chốt trong tương quan quyền lực vẫn là tính tôn ti thứ bậc và sự bình đẳng thực chất chỉ ở mức quan niệm và lý thuyết.

Sự lựa chọn các thành phần trong phát ngôn ngữ vi của các nhân vật giao tiếp nhằm hiện thực hóa HĐNT vừa phải đảm bảo được đích ngôn trung, vừa phải tính đến yếu tố quyền lực ở tầm sâu quá trình giao tiếp. Sự phân cấp quyền lực trong gia đình người Việt được tạo nên từ hai nguồn gốc chủ yếu: (i) Vai trò thế hệ, tuổi tác (quan hệ bất bình đẳng); (ii) Vai trò nam giới (quan hệ bình đẳng tương đối hay quan hệ vợ chồng). Dù hiện diện dưới dạng áp lực hay chỉ là những dấu tích thì yếu tố quyền lực vẫn là một trong những tham biến văn hóa đặc thù và điển hình, tạo nên các khác biệt trong việc lựa chọn các thành phần trong cấu trúc lời cầu khiến của các chủ thể văn hóa trong giao tiếp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Alcón, E., Safont, MP & Martínez-Flor (2005), Towards a typology of modifiers for the speech act of requesting: A socio-pragmatic approach. RœL: Revista Electrónica de. Lingüística Aplicada 4: 1-35

2.  Nguyễn Văn Độ (2004), Hành động thỉnh cầu trong tiếng Anh và tiếng Việt (Dưới ánh sang đối liên văn hóa), Ngôn ngữ, số 2.

3.  Hofstede G. H (1991), Cultures and organizations: Software of the mind, New York : McGraw-Hill.

4.  Lương Văn Hy (chủ biên) (2000), Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội.

5.  Ngân hàng Thế giới (2002), Đưa vấn đề Giới vào phát triển thông qua sự bình đẳng Giới về Quyền, Nguồn lực và Tiếng nói (sách dịch), NXB Văn hóa – Thông tin.   

NGUỒN NGỮ LIỆU

6.   Nam Cao. Tuyển tập Nam Cao - tập 1, tập 2, NXB Văn học, H. 2004

7.   Nguyễn Công Hoan. Nguyễn Công Hoan- truyện ngắn chọn lọc- NXB Văn học, H, 2004

8.   Vũ Trọng Phụng. Số đỏ. NXB Văn học, H, 2004 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020