Ngôn ngữ

CƠ SỞ NHẬN DIỆN CÁC THÀNH PHẦN TRONG CẤU TRÚC THÔNG TIN CỦA CÂU TIẾNG VIỆT


02-02-2023

                                                                                                    TS. ĐOÀN TIẾN LỰC

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chức năng xã hội quan trọng của ngôn ngữ là thông tin nên vệc nghiên cứu và chỉ ra bằng cách nào con người có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả nhất trong chức năng thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngôn ngữ học. Theo Andrew McIntyre, nghiên cứu cấu trúc thông tin giúp giải quyết vấn đề “tối ưu hoá sự truyền tải thông tin trong giao tiếp bằng ngôn ngữ” (McIntyre, 2007, tr.1). Và Wallace Chafe cũng nhấn mạnh: “Việc xem xét vấn đề thông tin cho sẵn, thông tin mới có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với cách hiểu về cơ chế hoạt động của ngôn ngữ. Một sự hiểu biết đầy đủ về vấn đề này giúp giải thích được hàng loạt các sự kiện căn bản mà ngày nay vẫn còn chưa sáng tỏ” (Chafe,1970/1998, tr. 271).

Cấu trúc thông tin (information structure) được hiểu như một mức độ khác để miêu tả cấu trúc câu. Lí thuyết về cấu trúc thông tin có lịch sử nghiên cứu hàng trăm năm và có các tên gọi khác là phân đoạn thực tại câu (actual divison of the sentence), phối cảnh chức năng câu (functional sentence perspective), đóng gói thông tin (information packaging), … Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về việc định danh, nhận diện các thành phần trong cấu trúc thông tin của câu. Và Wallace Chafe đã phải bình luận về việc này như sau: “Thuật ngữ ấy vẫn còn và tiếp tục làm các nhà ngôn ngữ học lầm lạc và cả các nhà ngôn ngữ học tâm lí dùng nó” (dẫn theo Brown và Yule, 1983/2002, tr. 281).

Dựa vào lí thuyết cấu trúc thông tin và tiếp thu những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, chúng tôi thực hiện nghiên cứu trên ngữ liệu câu tiếng Việt trong giao tiếp đơn thoại (kênh giao tiếp không có sự tương tác trực tiếp giữa những người tham gia giao tiếp qua kênh nói mà tương tác gián tiếp qua kênh viết) để xác định những cơ sở nhận diện thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu câu tiếng Việt trong giao tiếp đơn thoại bởi nhận thấy các nhà Việt ngữ học cũng như các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới mới chỉ tập trung nhiều vào nghiên cứu cấu trúc thông tin của câu trong giao tiếp đối thoại. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết này hướng tới việc làm rõ cơ sở nhận diện các thành phần thông tin và những biểu hiện cụ thể của chúng trên bề mặt ngôn từ của câu tiếng Việt trong giao tiếp đơn thoại. Điều này sẽ hữu ích với việc tổ chức các thông tin trong quá trình tạo lập văn bản sao cho đảm bảo tính mới, tính hấp dẫn và việc nhận diện nhanh các thông tin mới khi đọc nhanh, đọc lướt - cách thức đọc, tiếp nhận thông tin phổ biến trong thời đại bùng nổ thông tin.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Cơ sở lí thuyết

Để xác định “thông tin” (information) là gì cần phân biệt các nội dung thông tin trong một câu/phát ngôn. Và thường sẽ có hai loại thông tin khác nhau trong nội dung của câu được phân biệt là thông tin về sự kiện nói chung được thể hiện qua cấu trúc cú pháp – ngữ nghĩa của câu (material information) và thông tin về một phương diện của sự kiện (còn được gọi là thông tin thực tại (actual information)) được người nói cho là quan trọng, là cần phải chú ý trong tình huống giao tiếp đó. Thuật ngữ “thông tin” đề cập trong bài viết này tương ứng với loại thông tin thứ hai ở trên (thông tin thực tại) và được Halliday định nghĩa “Thông tin là độ căng (tension) giữa cái đã được biết hoặc có thể dự đoán được và cái chưa được biết, không thể dự đoán được. Nó là sự tác động lẫn nhau giữa cũ và mới để tạo thông tin theo nét nghĩa ngôn ngữ học” (Halliday, 1998, tr. 472). Từ đây, Halliday mô tả bức tranh chung về cấu trúc thông tin bao gồm hai phần đối lập nhau: một phần có tính cung cấp thông tin nhiều hơn (gọi là thông tin MỚI (NEW) và phần có tính cung cấp thông tin ít hơn gọi là thông tin CHO SẴN (GIVEN). Ông viết: “Trong hình thức lí tưởng, mỗi đơn vị thông tin (information unit) bao gồm một thành phần CHO SẴN được kèm theo bằng một thành phần MỚI”.

Thực tế, trong vòng hơn một trăm năm qua đã có rất nhiều thuật ngữ được sử dụng để mô tả các thành phần của cấu trúc thông tin (xem phụ lục Sơ đồ tổng hợp các mô hình cấu trúc thông tin của Ivana Krijff korbayová và Mark Steedman năm 2003). Phần lớn các thuật ngữ được dùng trong những thuyết khác nhau theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, tìm hiểu kĩ chúng ta vẫn thấy có một một liên hệ nhất định giữa các thuật ngữ diễn đạt các thành phần của cấu trúc thông tin qua mỗi giai đoạn, mỗi nhà nghiên cứu. Cân nhắc từ các quan điểm và kết quả nghiên cứu đã có về cấu trúc thông tin, trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ cấu trúc thông tin với ý nghĩa là cấu trúc của một đơn vị thông tin. Nó là cách người nói/viết tổ chức các thành phần thông tin trong một đơn vị thông tin (một câu có thể có một đơn vị thông tin nhưng cũng có thể có hơn một đơn vị thông tin). Hai thành phần của cấu trúc thông tin là thông tin CHO SẴN và thông tin MỚI. CHO SẴN là phần thông tin được người nói/viết xử lí như có thể tìm lại được bằng phép trùng lặp hay nhờ ngữ cảnh, là phần thông tin mà cả người nói/viết lẫn người nghe/đọc đều đã đoán định được trong lúc phát ra câu, là phần không mang tin, theo đúng nghĩa của từ “tin”. Thông tin MỚI là phần thông tin lần đầu tiên được đưa vào ý thức người nghe. Nó được người nói/viết trình bày như là không thể tìm thấy ở câu/phát ngôn đi trước. Nó nghịch đối với thông tin CHO SẴN và là phần mang thông tin.

Do có những quan điểm ít nhiều thiếu thống nhất trong việc định danh, nhận diện cấu trúc thông tin và các thành phần của nó trong câu nên tất yếu tồn tại những quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ sở nhận diện thành phần CHO SẴN và MỚI. Theo Halliday (1998), nhóm thanh điệu (tone groups) được dùng để tổ chức ngôn bản thành các đơn vị thông tin và cái mà cấu trúc thông tin được hiện thực hoá về cơ bản là “tự nhiên” (phi võ đoán) ở hai khía cạnh : (i) Thông tin mới được đánh dấu bằng sự nổi bật, (ii) Thông tin cho sẵn điển hình đứng trước thông tin mới. Chafe (1970/1998) dựa vào cấu trúc nổi, ngữ điệu, các căn tố, biến tố danh từ, động từ; lượng từ… Lambrecht (1998) dựa trên các phạm trù cơ sở là khả năng nhận diện được ( identifiability), sự kích hoạt (activation) và điểm neo (anchored)….

Dựa trên cơ sở lí thuyết là những quan điểm về cơ sở nhận diện các thành phần trong cấu trúc thông tin của câu đã được đưa ra và từ thực tiễn nghiên cứu vấn đề này với câu tiếng Việt trong giao tiếp đơn thoại, chúng tôi cho rằng có hai cơ sở quan trọng để nhận diện thành phần thông tin CHO SẴN và thành phần thông tin MỚI trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt ở giao tiếp đơn thoại là ngữ cảnh và các phương tiện từ ngữ đánh dấu.

2.2. Nhận diện thành phần trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt ở giao tiếp đơn thoại qua ngữ cảnh

Ngữ cảnh là “tất cả các yếu tố của cấu trúc ngôn ngữ và phi ngôn ngữ quan yếu với biểu thức ngôn ngữ đang xét. Biểu thức ngôn ngữ này thường có thể là một câu nhưng cũng có thể là một từ hoặc một đơn vị diễn ngôn” (Asher,1994, tr.73-Vol 2). Định nghĩa này của Asher đã chỉ rõ các bộ phận thuộc ngữ cảnh được xác định là ngữ cảnh ngôn ngữ ngữ cảnh phi ngôn ngữ. Ngữ cảnh ngôn ngữ (cũng được gọi là văn cảnh hay đồng văn bản (cotext)) là những yếu tố ngôn ngữ xung quanh của đơn vị ngôn ngữ đang xét. Còn ngữ cảnh phi ngôn ngữ (cũng được gọi là ngữ cảnh tình huống (situation of context) hay ngắn gọn là tình huống (situation)), theo Pinkal, là “toàn bộ khung cảnh giao tiếp, tiểu sử của người tham thoại, môi trường xung quanh, yếu tố xã hội, nền tảng lịch sử và văn hoá cùng với những yếu tố này là những sự kiện ngày tháng tồn tại bất kể đã được tách khỏi chiều không gian và thời gian” (dẫn theo Asher, 1994, tr.733-Vol 2).

Mỗi câu/phát ngôn đều được tạo ra trong một ngữ cảnh cụ thể và thường hướng tới người khác. Để tạo ra và hiểu các câu cần xác định được các sở chỉ của các từ tạo nên câu và sở chỉ của cả câu trong hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Ngữ cảnh với chức năng quy chiếu có vai trò quan trọng trong việc xác định các sở chỉ đó. Quy chiếu ở đây được hiểu “như là một hành động trong đó một người nói, hay người viết sử dụng các hình thái ngôn ngữ làm cho một người nghe hay người đọc có thể nhận diện được cái gì đó.” (Yule, 1996, tr. 43). Những “hình thái ngôn ngữ” được nhắc đến trong định nghĩa trên chính là các biểu thức quy chiếu (refering expressions). Nó có thể là các danh từ riêng, các biểu thức miêu tả…

Khi thực hiện quy chiếu với ngữ cảnh ngôn ngữ - nội chiếu (thiết lập mối quan hệ đồng nhất hay tương tự giữa hai (hơn hai) yếu tố ngôn ngữ thuộc về hai đơn vị ngữ pháp trong một văn bản), chúng ta sẽ thấy “Trong phần lớn lời trò chuyện và lời viết lách, cùng một lúc chúng ta thường phải lưu giữ dấu vết của người hoặc vật mà ta đang nói đến trong hơn một câu. Sau phần giới thiệu ban đầu về một thực thể nào đó, người nói sẽ dùng những cách diễn đạt khác nhau để duy trì sự quy chiếu” (Yule, 1996, tr. 53). “các cách diễn đạt khác nhau” ở các câu kế theo trong một tập hợp câu hoặc một đoạn văn là các yếu tố hồi chỉ. Chúng có chung sở chỉ với biểu thức giới thiệu thực thể lần đầu nên chúng là phần mang thông tin đã biết, phần CHO SẴN. Ví dụ (1):

(a)Tối 6/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca Covid-19, nâng tổng số ca mắc cả nước lên 245, trong đó 95 ca đã khỏi bệnh… (b) Liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, thêm ca thứ 45 - "bệnh nhân 243", nam, 47 tuổi, ở Mê Linh, TP Hà Nội. (c) Ngày 12/3, anh đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai, về trong ngày, dừng ăn tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. (d) Từ đó đến nay, anh chưa quay lại bệnh viện.

                                                                                            (Nguồn: Vietnamnet)

Ở ví dụ trên, nhờ hồi chiếu, chúng ta xác định được anh trong câu (1c), (1d) là thành phần thông tin CHO SẴN bởi nó là yếu tố hồi chỉ của "bệnh nhân 243", nam ở câu (1b). Tương tự như vậy, biểu thức Từ đó đến nay, bệnh viện trong câu (1d) cũng là phần thông tin CHO SẴN bởi đó thay thế cho ngày 12/3 (đã được nhắc đến ở câu 1c), nay thay thế cho ngày 6/4 được nhắc đến ở câu (1a) và bệnh viện thay thế cho Bệnh viện Bạch Mai được nhắc đến ở câu (1b) và (1c). 

 Dựa vào ngữ cảnh ngôn ngữ, chúng ta cũng xác định được đơn vị “khởi xướng” văn bản sẽ mang thông tin MỚI. Ví dụ (2):

(a)Sản phụ hôn mê do mất máu. (b) Người đàn ông ngồi bên cạnh đăm đăm nhìn khuôn mặt xinh đẹp giờ trắng bệch. (c) Mảnh mai. (d) Liễu yếu. (e) Nhưng ghê gớm. (g) Giận chồng đến nỗi cơn đau đẻ đến mà không gọi.

                                                          (Lê Minh Khuê, Đầu máy hơi nước)

Ví dụ (2) là những câu đầu tiên trong truyện ngắn “Đầu máy hơi nước” của Lê Minh Khuê. Khi đọc câu đầu tiên, người đọc chưa thể biết được sản phụ là ai? Vì sao lại ở trong tình trạng hôn mê do mất máu. Vì chúng là những thông tin thuộc câu đầu tiên của văn bản, lần đầu tiên được đưa vào trong ý thức người đọc – cả câu này mang thông tin MỚI. Muốn “biến” chúng trở thành những thông tin đã biết, người đọc phải tiến sâu hơn vào văn bản. Suy rộng ra, những thành phần thông tin biểu thị qua các biểu thức ngôn ngữ lần đầu tiên được đưa vào trong văn bản, không thể thực hiện hồi chiếu để xác định sở chỉ thì đó là thông tin MỚI.

Cũng dựa vào ngữ cảnh ngôn ngữ, chúng ta xác định được, biểu thức ngôn ngữ chứa thông tin CHO SẴN của câu có thể sẽ được tỉnh lược. Ví dụ (3):

(a) Hai bàn tay của Kỳ lạnh ngắt trong túi áo. (b) Hắn bước xiêu vẹo. (c) (Ø)Tránh không nghĩ ngợi gì hết. (d) (Ø) Cố tập trung tinh thần vào từng bước đã bắt đầu nghe mỏi.

                                                       (Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Chuyện tình)

Ở ví dụ (3), câu (3c) và câu (3d) phần thông tin CHO SẴN đã bị tỉnh lược (Ø). Tuy nhiên người đọc hoàn toàn có thể phục hồi lại được (phần tỉnh lược là Kỳ (hắn)). Sự nhận diện qua biểu thức ngôn ngữ không có mặt như vậy, Yule (1996) gọi là “hồi chiếu zero” (zero anaphora). Như thế, ở một chừng mực nhất định, trên cấu trúc bề mặt của câu, ta cũng có thể nhận định: phần thông tin CHO SẴN của câu có thể được biểu thị bằng hình thức zero (Æ).

Ngữ cảnh ngôn ngữ “chỉ là một phần thuộc ngôn ngữ trong cái môi trường mà biểu thức quy chiếu được sử dụng” (Yule, 1996, tr.51). Phần còn lại phải kể đến đó là ngữ cảnh phi ngôn ngữ. Bởi, “Sự phân tích quy chiếu lệ thuộc vào ngữ cảnh tại chỗ và sự hiểu biết cục bộ của những người tham dự. Việc này (sự phân tích) có thể lệ thuộc nhiều vào sự hiểu biết cặn kẽ về những quy ước văn hoá - xã hội địa phương với tư cách là cơ sở của sự quy chiếu” (Yule, 1996, tr.52). Như vậy, các yếu tố ngữ cảnh phi ngôn ngữ như không gian, thời gian, các tham thoại (ngữ cảnh tại chỗ) và đặc biệt là những hiểu biết của các tham thoại trong giao tiếp. Các phạm trù thuộc hiểu biết của các tham thoại và vai trò của chúng trong việc nhận diện thành phần trong cấu trúc thông tin của câu trong giao tiếp đơn thoại tiếng Việt là tri thức nền (background knowlegde), kiến thức chung (common ground) và tiền giả định (presupposition). Mối quan hệ của các phạm trù này có thể diễn giải như sau: người nói/người viết phải dựa vào những tri thức nền (người nói/ người viết trông đợi là người nghe/người đọc biết), những kiến thức chung của hai người dần lĩnh hội được từ đầu cuộc giao tiếp để tiền giả định. Nếu không nắm chắc được điều này sẽ dẫn đến tiền giả định sai, đích giao tiếp sẽ thất bại (tất nhiên chúng ta không xét đến các trường hợp người nói/người viết cố tình giả định sai để nhằm những mục đích giao tiếp khác). Trong giao tiếp, người nói thường giả định từ trước rằng người nghe cùng mình biết một thông tin nhất định nào đó (cái thông làm cơ sở để anh ta đưa ra thông tin mới của mình) và điều này chi phối đến cách người nói sẽ cấu trúc thông tin (hay cũng gọi là đóng gói thông tin). Ví dụ (4):

Như F. Cðline đã nói trong cuốn “Bagatelles pour un massacre”, họ không thể nói tới cái gì khác được ngoài cái “bản ngã kiêu ngạo” của họ.

                                                                 (Thạch Lam, “Theo dòng”)

Trong ví dụ trên, có thể thấy khi viết câu này, Thạch Lam đã tiền giả định người đọc biết F. Cðline và cuốn “Bagatelles pour un massacre”. Cũng có nghĩa là trong câu, đó là phần thông tin CHO SẴN. Thực tế, có thể người đọc chưa chắc đã biết F. Cðline và cuốn “Bagatelles pour un massacre” và người viết cũng có thể biết điều đó nhưng giả định “giả vờ người đọc biết” của người viết ở những trường hợp này bao hàm một bị chú mà nói như Shmelev (1988): “Anh cứ hẵng biết là có một sở chỉ như thế, khi cần tôi sẽ chỉ rõ cho anh” (dẫn theo Cao Xuân Hạo, 2004, tr.181).

            Nói đến ngữ cảnh và quy chiếu cũng cần phải nói đến chỉ xuất bởi chỉ xuất thực chất cũng là một phương thức quy chiếu. Chỉ xuất là sự chỉ trỏ bằng ngôn ngữ. Bất cứ hình thức ngôn ngữ nào được dùng để chỉ trỏ đều được gọi là biểu thức chỉ trỏ (deictic expression) hay các yếu tố trực chỉ (deixis, indexical). Chỉ xuất được đưa vào để xử lí các đặc điểm định vị của ngôn ngữ liên quan tới không gian, thời gian. Khác với các định ngữ miêu tả, các yếu tố trực chỉ thực hiện sự quy chiếu không thông qua chức năng miêu tả mà thông qua chức năng định vị, tức là xác định vị trí của vật được nói tới, phân biệt vật được nói tới với các vật khác về không gian, thời gian và về các quan hệ khác. Theo Nguyễn Thiện Giáp (2004), các yếu tố trực chỉ có thể tập hợp vào ba nhóm:

- Nhóm thứ nhất là nhóm các đại từ nhân xưng (gồm các đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (trong tiếng Việt là các từ như: tôi, tớ, mình, mày, chúng mình, chúng ta …). Bên cạnh đó, trong giao tiếp, người ta còn có thể dùng các nhóm từ ngữ khác để xưng hô. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, người ta còn dùng tên riêng, các danh từ thân tộc (ông, , anh, chị, chú, bác, …), các từ chỉ  chức nghiệp (chủ tịch, giám đốc, bác sĩ, thầy… Khi ấy, các từ ngữ kể trên cũng được xếp vào nhóm các yếu tố ngôn ngữ có chức năng trực chỉ.

- Nhóm thứ hai là nhóm các từ trực chỉ vị trí: đây, đấy, đó, kia, này, nọ, ấy, …

- Nhóm thứ ba là nhóm những từ trực chỉ thời gian như: hiện nay, bây giờ, lúc này, năm ngoái, …

Halliday chỉ ra rằng: “Trong ngôn ngữ có một số thành phần về cố hữu có chức năng thông tin CHO SẴN theo ý là chúng không thể giải thích được trừ khi chúng được liên hệ với một cái gì đó đã được nói trước hay một đặc điểm nào đó của tình huống: các yếu tố hồi chỉ (những yếu tố quy chiếu các sự vật đã được nhắc đến trước đó) và các yếu tố trực chỉ (các yếu tố được giải thích trong mối quan hệ với thời gian và không gian bằng cách quy chiếu đến “ở đây” và “bây giờ” trong diễn ngôn đó)” (Halliday, 1998, tr. 298). Ví dụ (5):

Hôm nay, cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam-bộ và miền Nam Trung-bộ vừa đúng hai năm. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc.

(Trích Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam-bộ, miền Nam Trung-bộ của Hồ Chí Minh ngày 23-9-1947)

Ví dụ trên có các yếu tố trực chỉ thời gian hôm nay và nhân xưng tôi. Ngữ cảnh tình huống của ví dụ sẽ cho phép người đọc hoàn toàn có thể xác định được “hôm nay” là ngày nào, “tôi” là ai. Bởi vậy, chúng là những yếu tố biểu thị thông tin CHO SẴN.

Đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng ngữ cảnh và những yếu tố thuộc nó có một vai trò quan trọng trong việc xác định người viết định thông tin gì và người đọc cần dựa vào đâu để xác định đúng thông tin mà người viết cần truyền tải. Dựa vào ngữ cảnh, chúng ta có thể xác định được: Phần thông tin CHO SẴN trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt là các yếu tố hồi chỉ (anaphoric) và các yếu tố trực chỉ (deictics), các biểu thức ngôn ngữ chứa thông tin quen thuộc với người đọc (có thể đoán định được) và có thể được tỉnh lược, những thông tin người viết muốn thể hiện như là đã biết (hiểu biết chung). Phần thông tin MỚI trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt biểu hiện qua biểu thức ngôn ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản (lần đầu tiên người nói đưa vào trong ý thức của người nghe) hoặc qua các biểu thức ngôn ngữ trong câu không thể tỉnh lược.

2.3. Nhận diện thành phần trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt ở giao tiếp đơn thoại qua các phương tiện từ ngữ đánh dấu

Theo Đỗ Hữu Châu, “Những biểu hiện cá thể, cụ thể của sự vật, hiện tượng rất phức tạp và vô tận nếu nói thêm sự phối hợp giữa chúng. Trong số đó, có một số mà do nhiều lí do khác nhau - trước hết là lí do cú học - được cố định lại không phải bằng sự tổ hợp các từ riêng rẽ. Phần lớn đó là những biểu hiện thường xuất hiện ở nhiều sự vật, hiện tượng, cùng loại hay khác loại. Những từ biểu hiện chúng là những hư từ tình thái như “những”, “các”, “mọi”, “mỗi”, “rất”, “hơi”, “khá”, “đã”, “sẽ”, “đang”, …Những thông điệp miêu tả thường phải có những hư từ miêu tả này thì thông tin nó diễn đạt mới hoàn chỉnh” (Đỗ Hữu Châu, 1998, tr. 109).

Vậy hư từ tình thái là gì? Trước đó, Đỗ Hữu Châu đã chỉ ra: “hư từ tình thái là những hư từ có chức năng diễn đạt các biểu hiện khác nhau của sự vật, hiện tượng, tính chất, trạng thái” (Đỗ Hữu Châu, 1998, tr. 108). Trong tiếng Việt, các hư từ tình thái có thể kể ra là (tất nhiên còn có thể kể ra một vài tiểu loại nữa thuỳ theo mỗi quan điểm phân chia từ loại tiếng Việt vốn không thật thống nhất):

- Các phụ từ (cũng còn được gọi là phó từ hay từ kèm): đã, từng, vừa, mới, sắp, sẽ, đang, cũng, vẫn, cứ, không, chưa, chẳng, rất, hơi, quá,

- Các trợ từ: chính, cả, những, đích, chỉ, đến, tận, ngay,

- Các lượng từ: một, những, cả, các, mỗi, mọi,

Hư từ nói chung và hư từ tình thái nói riêng có chức năng làm dấu hiệu của một quan hệ ngữ pháp nào đó, một tình cảm hoặc một thái độ nào đó hay “biểu thị các quan hệ ngữ nghĩa – cú pháp khác nhau giữa các thực từ” (Nguyễn Văn Tu, 1968, tr.196). Nghĩa là nó không thuần tuý biểu thị các quan hệ về mặt ngữ pháp mà còn có thể biểu hiện quan hệ về mặt ngữ nghĩa. Nói cụ thể hơn thì nó có tác động vào việc thuyết giải ngữ nghĩa của câu qua chức năng như một phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái. Trong ý thức của người nói/người viết, hư từ tình thái được sử dụng để tạo điểm nhấn cho ngữ đoạn mà nó bổ nghĩa bằng việc bổ sung ý nghĩa nào đó, hay đánh dấu thành phần thông tin MỚI trong cấu trúc thông tin của câu. Ví dụ (6), (7), (8):

Lực lượng QLTT đã xử lý vi phạm hành chính và thu giữ gần 20 chiếc MBH không đảm bảo các điều kiện về nhãn mác, không rõ nguồn gốc, cơ sở sản xuất.

                                                         (Báo Công an Nhân dân)

Plexiglas không bị vỡ vụn khi va chạm và bền với nhiệt. Nó cũng bền với nước, axit, bazơ, xăng, ancol.

                                                          (khoahoc.vietjack.com)

Có một nhà vua sinh được một nàng công chúa. Con cái đã hiếm, lại mang tật, công chúa không mắc bệnh câm, nhưng thỉnh thoảng, có khi cả năm mới bật nói một hai câu. Nhà vua thật buồn. (…).

Một hôm, có một chàng trai trẻ tuổi đến xin vào triều thi kén phò mã…

                                                                        (Tô Hoài, “Công chúa nói ba lần”)

Phụ từ đã, theo Trần Kim Phượng (2008), trong cách tri nhận thời gian của người Việt, là một nhân tố động. Nó động là ở chỗ nó luôn biểu hiện một sự chuyển biến. Cũng vậy, biểu thức ngôn ngữ sau đã chắc chắc phải là một sự chuyển biến (trạng thái, kết quả…) – một thông tin MỚI. Điều này thấy rõ ở ví dụ (6). Ở ví dụ (7), trợ từ cũng với nét nghĩa phụ trợ là biểu thị ý nhấn mạnh về một sự giống nhau của hiện tượng, trạng thái, hoạt động, tính chất đã có chức năng đánh dấu ngữ đoạn sau nó là phần thông tin MỚI. Ở ví dụ (8), với tư cách là một số đơn phiếm định, lượng từ “một” tạo tính bất định cho thực thể (do danh từ sau nó biểu thị), cũng nghĩa là thực thể này trong câu là phần mang thông tin MỚI.

Để khẳng định hư từ tình thái có chức năng nhận diện thành phần trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt ở giao tiếp đơn thoại, chúng tôi còn dựa vào một phát hiện của các nhà nghiên cứu thuộc trường phái ngữ pháp tạo sinh. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Ngữ pháp tạo sinh đã nhận ra rằng cấu trúc bề mặt của câu có những tác động đến việc thuyết giải ngữ nghĩa. Và thuộc những hiện tượng ngữ nghĩa do cấu trúc bề mặt mà có, Chomsky dẫn ra hiện tượng được gọi là trường tác động (scope) của các yếu tố tình thái. Ví dụ (9):

a. Chỉ Lan đi Hải Dương.

b. Lan chỉ đi Hải Dương.

c. Lan đi chỉ Hải Dương

Ba câu trên đều có yếu tố tình thái “chỉ”. Vị trí của yếu tố này khác nhau ở mỗi câu nên theo đó, ý nghĩa của mỗi câu cũng khác nhau.

Câu (9a) có tiền giả định là “ngoài Lan ra còn có những người khác”; “những người này cũng thực hiện hành động đi nhưng đi các địa phương khác, không phải Hải Dương”; hoặc: “ngoài Lan ra còn có những người khác”, “họ cũng phải đi Hải Dương nhưng họ đã không đi”; hoặc: “ngoài Lan ra còn có những người khác”, “họ không được (lãnh đạo) chọn cho đi Hải Dương”.

Câu (9b) có tiền giả định là “ngoài Hải Dương ra còn có những tỉnh khác mà Lan phải đi” hoặc “Lan thực hiện hành động đi và người ta nghĩ Lan đi nhiều nơi”

Câu (9c) có tiền giả định trùng với tiền giả định thứ hai của (9b).

Đây là hiện tượng những trường tác động khác nhau đem lại cho câu những ý nghĩa khác nhau. Nói cách khác thì chính sự tác động của hư từ tình thái lên cấu trúc bề mặt dẫn đến nghĩa tiền giả định thay đổi qua từng câu mà tiền giả định ở mỗi câu lại thể hiện những cách cấu trúc/đóng gói thông tin khác nhau của người người viết.

Câu (9a): nếu ngữ cảnh tương ứng với tiền giả định (1) thì cả câu mang thông tin MỚI. Nếu ngữ cảnh tương ứng với tiền giả định thứ hai và thứ ba thì ngữ đoạn “Chỉ Lan” là phần mang thông tin MỚI - biểu hiện qua hư từ đánh dấu “chỉ”, phần còn lại là thông tin CHO SẴN (thuộc thông tin tiền giả định của phát ngôn). Tương tự như vậy, câu (9b) có cấu trúc thông tin là:

 Lan              chỉ đi Hải Dương.

CHO SẴN           MỚI

Và câu (9c) có cấu trúc thông tin là:

Lan đi          chỉ Hải Dương.

CHO SẴN     MỚI

Những trình bày trên đã chỉ ra rằng, sự xuất hiện của hư từ tình thái trong câu ở các vị trí khác nhau, trường tác động ngữ nghĩa sẽ khác nhau, vị trí của nó trong câu chi phối đến cấu trúc bề mặt, thể hiện rõ nét cách cấu trúc thông tin/đóng gói thông tin của người nói/người viết. Và khi ấy, nó có chức năng như điểm đánh dấu ranh giới giữa phần thông tin CHO SẴN và phần thông tin MỚI (thường thì ngữ đoạn mà hư từ bổ nghĩa sẽ là phần thông tin MỚI).

3. KẾT LUẬN

Nghiên cứu cấu trúc thông tin của câu nói chung, nghiên cứu cơ sở nhận diện các thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt nói riêng giúp tiếp tục giải quyết những vấn đề lí luận về cấu trúc thông tin, về quá trình tối ưu hóa trong việc truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ.

Nhận diện thành phần của cấu trúc thông tin của câu trong văn bản đơn thoại có thể dựa vào ngữ cảnh và những phương tiện từ ngữ đánh dấu (hư từ tình thái). Ngữ cảnh với chức năng quy chiếu giúp người đọc nhận biết được đâu là thông tin MỚI, đâu là thông tin CHO SẴN trong câu. Những hư từ tình thái tiếng Việt, khi được sử dụng trong câu, có tác động về mặt ngữ nghĩa và chi phối đến cách cấu trúc thông tin của câu.

Nắm vững cơ sở nhận diện các thành phần trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt (đặc biệt là câu tiếng Việt trong các văn bản đơn thoại như văn bản báo chí, chính luận, khoa học…) hữu ích với thực tiễn tổ chức và tiếp nhận thông tin.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Asher, R. E., The encyclopedia of language and linguistics, Pergamon Press, 1994.
  2. Brown, G., Yule, G. Phân tích diễn ngôn (Trần Thuần dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1983/2002.
  3. Chafe, W., Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ (Nguyễn Văn Lai dịch), NXB Giáo dục, 1970/1998.
  4. Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB Giáo dục, 1998.
  5. Nguyễn Hồng Cổn, Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt (trên ngữ liệu ngôn ngữ đối thoại), Tạp chí Ngôn ngữ (5/2001).
  6. Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, NXB Giáo dục, 2004.
  7. Halliday, M. A. K., Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
  8. Lambrecht, K., Information Structure and Sentence Form, Cambridge University Press, 1998.
  9. McIntyre, A., Information Structure, Lecture Advanced in topics in English Linguistics, nguồn http://www3.unine.ch, 2007.
  10. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 2004.
  11. Nguyễn Văn Hiệp, Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.
  12. Trần Kim Phượng, Ngữ pháp tiếng Việt những vấn đề thời thể, NXB Giáo dục, 2008.
  13. Lý Toàn Thắng, Giới thiệu lí thuyết phân đoạn thực tại của câu, Tạp chí Ngôn ngữ (1/1981).
  14. Bùi Minh Toán, Câu trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012
  15. Bùi Minh Toán, Hư từ tiếng Việt trên các bình diện ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
  16. Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, NXB Giáo dục, 1968.
  17. Yule, G., Pragmatics, Oxford University Press, 1996.

(Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, tr. 20-26, số 1(307), 2021)

Post by: Khoa Ngữ văn
02-02-2023