TÍNH QUAN YẾU CỦA DIỄN NGÔN
(Relevance of Dicourse)
PGS.TS Trần Kim Phượng
Trường Đại học Sư phạm HN
1. KHÁI NIỆM TÍNH QUAN YẾU (Relevance)
1.1. Tính quan yếu là một khái niệm chưa được nhắc đến nhiều trong phân tích diễn ngôn. Theo quan sát của chúng tôi, trong các tác giả viết về phân tích diễn ngôn ở Việt Nam như Trần Ngọc Thêm [11], Diệp Quang Ban [1], [2], Đinh Văn Đức [5], Đỗ Hữu Châu [3], Nguyễn Thiện Giáp [6], Cao Xuân Hạo [8], Nguyễn Hòa [9],… rất ít người bàn tới tính quan yếu. Đỗ Hữu Châu có nhắc tới tính quan yếu của hoàn cảnh giao tiếp nhưng không trình bày khái niệm và phân tích cụ thể [3, tr23]. Cao Xuân Hạo cũng nhắc tới tính quan yếu nhưng để nói về một cái khác (Nghĩa văn bản là tính quan yếu (relevance) đối với ngôn cảnh (văn cảnh): phần văn bản đi trước (và đi sau), và đối với tình huống bên ngoài [8, tr25]). Có lẽ chỉ có duy nhất tác giả Nguyễn Hòa viết kỹ về tính quan yếu [9, tr59-67]. Quan điểm của ông kế thừa quan điểm của Z.Harris (1951), Brown & Yule (1983), Sperber và Wilson (1986). Tác giả cũng lấy ví dụ trên tư liệu diễn ngôn tin báo chí tiếng Việt để minh họa, từ đó rút ra được một số đặc trưng về tính quan yếu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khái niệm này vẫn hết sức trừu tượng. Vì vậy, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói để giải mã khái niệm này một cách cụ thể hơn.
1.2. Trong địa hạt phân tích diễn ngôn, người ta thường quan tâm tới ngữ vực (register), ngữ cảnh (context), liên kết (cohesion), mạch lạc (coherence), mạng mạch (texture), thậm chí cả suy luận (inference) và lập luận (argument) – những khái niệm có thể được nghiên cứu cả từ góc độ dụng học hoặc logic học. Tính quan yếu ít được quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nó liên quan chặt chẽ với hai khái niệm có thể xem là cốt lõi trong phân tích diễn ngôn, đó là mạch lạc và liên kết. Nghiên cứu sâu về tính quan yếu trong mối quan hệ với mạch lạc, liên kết cũng như hiệu quả giao tiếp là một vấn đề thú vị. Nó góp phần cho thấy chiều sâu của một diễn ngôn cả từ góc độ người sản sinh diễn ngôn lẫn góc độ người tiếp nhận.
1.3. Để hiểu tính quan yếu, cần quay trở lại với hai khái niệm quen thuộc của phân tích diễn ngôn, đó là mạch lạc và liên kết.
Mạch lạc (coherence) và liên kết (cohesion) có chung nguồn gốc từ động từ cohere (có nghĩa là dính vào nhau, kết lại với nhau, hay kết dính) mà ra. Do vậy, chúng có nhiều điểm chung, khó phân biệt thật rạch ròi. Tuy nhiên, cho đến nay, trong phân tích diễn ngôn, các nhà ngôn ngữ học đã đi đến thống nhất rằng mạch lạc là cái có tính chất quyết định cho một sản phẩm ngôn ngữ là văn bản (chứ không phải là liên kết). Liên kết thiên về phương diện tổ chức diễn ngôn, còn mạch lạc thì thiên về phương diện ngữ nghĩa. Liên kết là một trong những biểu hiện của mạch lạc. Đinh Văn Đức cho rằng: Sự liên hội giữa các ý cũng cần đến các liên kết hình thức, vì vậy, cùng với liên kết, mạch lạc là tất yếu cho mọi diễn ngôn. Mạch lạc đóng vai trò tổ chức ngầm ẩn các sự thể rồi cùng với hoặc thông qua phép liên kết để tạo lập diễn ngôn [5, tr501].
Vào khoảng những năm 70 – 80 của thế kỷ trước (thế kỷ XX), khi sự quan tâm tới những biểu hiện hình thức của diễn ngôn (như các phép liên kết) dần lắng xuống, mạch lạc nổi lên như một thành tố chủ đạo điều khiển nội dung diễn ngôn. Chức năng mạch lạc là loại trừ tính ngẫu nhiên của các sự kiện và biến khối vật liệu ngôn từ trở thành có lí [5, tr501]. Mạch lạc cho thấy sự có mặt của các yếu tố trong diễn ngôn (sự kiện này hay sự kiện kia, câu này hay câu kia), sự sắp xếp các câu theo một trật tự nào đó,… không phải là ngẫu nhiên, mà là có lí do. Xa hơn, người ta nhận thấy yếu tố tác động vào nội dung diễn ngôn, làm nên mạch lạc cho diễn ngôn chính là tính quan yếu.
1.4. Relevance trong tiếng Anh được hiểu theo nghĩa chung nhất là sự thích đáng, tính thích hợp. Nó được Cao Xuân Hạo (1991) dịch sang tiếng Việt là “tính quan yếu”. Chúng tôi thiết nghĩ đây là một cách dịch hay. Hiểu theo lối chiết tự, quan là quan trọng và yếu là thiết yếu/ cần yếu; quan yếu có nghĩa là những yếu tố quan trọng và cần yếu đảm bảo cho tính mạch lạc của một diễn ngôn.
Theo R.E. Asher, trong The Encyclopedia of Language and Linguistics [12], tính quan yếu được nói tới nhiều trong công trình của Sperber và Wilson (1986). Lý thuyết về tính quan yếu đã cung cấp cái nhìn bên trong, giữa các yếu tố, suy luận, hàm ý, biếm dụ (sự châm biếm) và ẩn dụ. [12, tr3524]
Theo Nguyễn Hòa, tính chất quan yếu được hiểu là sự phù hợp về nội dung của các đóng góp (contributions) trong quá trình giao tiếp. Các đóng góp này chính là các yếu tố quan yếu phát triển nội dung của chủ đề, tức là hãy làm cho phần đóng góp của anh vào văn bản sao cho có quan hệ với khung chủ đề đang có. Suy rộng ra, chúng ta có thể hiểu, một ai đó sẽ được coi là nói vào chủ đề khi sự tham gia đóng góp của anh ta phù hợp chặt chẽ với các yếu tố mới được đưa vào trong khung chủ đề [9, tr60].
Chúng tôi cho rằng tính quan yếu là sự phù hợp và cần thiết của tất cả các yếu tố (có thể là từ, cụm từ, câu hoặc một phạm trù nào đó) khi được đưa vào diễn ngôn, cả vị trí của nó trong diễn ngôn, trong sự tương tác với các yếu tố khác tương ứng với nó đang có mặt trong diễn ngôn.
Tính quan yếu không chỉ liên quan đến những yếu tố hiện diện trong diễn ngôn mà còn liên quan đến những yếu tố ngầm ẩn, tác động tới việc hình thành một diễn ngôn. Nó có thể cho phép hoặc không cho phép một yếu tố nào đó xuất hiện hay vắng mặt trong diễn ngôn. Chính vì vậy, nó có phần mơ hồ và khó nhận biết như mạch lạc.
1.5. Hãy thử phân tích bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có.
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Việc đưa vào trong bài thơ các yếu tố: bọn trẻ, chợ, ao cá, gà qué, các loại rau cỏ trong vườn, trầu… đều là quan yếu. Quan yếu là bởi nó liên quan tới những gì người Việt thường mang ra đãi khách. Bây giờ ta hãy phân tích từng yếu tố để hiểu tại sao chúng lại được đưa vào. Khi có khách đến chơi nhà (mà lại là khách quý, lâu lắm mới gặp), người Việt bao giờ cũng muốn đãi bạn một chút gì đó, thường là một chén rượu với một bữa cơm. Nhưng để có chén rượu, bữa cơm thì phải có:
- Bọn trẻ: để sai chúng đi mua rượu.
- Chợ: để đến đó mua đồ nấu cơm.
- Ao: để câu một vài con cá (Ở quê hầu như nhà ai cũng có ao thả cá)
- Gà: để bắt một con làm thịt (Ở quê nhà ai cũng thường nuôi dăm con gà).
- Cải, cà, bầu, mướp: để hái nấu ăn (đây là các loại rau quen thuộc thường được trồng trong vườn quê người Việt).
- Trầu: để mời nhau nhai một miếng trầu, vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Yếu tố “trầu” được liệt kê cuối cùng trong một danh sách những thứ “không có” của nhà thơ. Đây là một yếu tố rất riêng, mang đậm sắc thái văn hóa của người Việt.
Nhà của Nguyễn Khuyến thật là “hoàn cảnh”. Chợ thì xa, trẻ thì không có nhà, ao thì sâu không câu được cá, vườn thì rộng không bắt được gà, tất cả mọi loại rau cỏ trong vườn (cải, cà, bầu, mướp) đều chưa đến ngày ăn được, ngay cả miếng trầu cũng không có nốt. Kể đến miếng trầu thì thôi rồi, không còn gì kể thêm được nữa. Yếu tố này chỉ phù hợp với văn hóa Việt, không phù hợp với phương Tây, nơi người ta không dùng trầu tiếp khách. Vậy trầu là một yếu tố quan yếu trong diễn ngôn này, nhất là đây là một diễn ngôn ra đời trong thời kỳ văn học cận đại Việt Nam (Trong xã hội hiện đại ngày nay, có lẽ chỉ còn rất ít các gia đình nông thôn người Việt dùng trầu để tiếp khách).
Quay trở lại bài thơ này, vì tất cả những thứ kể trên đều không có nên cuối cùng nhà thơ mới chốt lại (sau một hồi thanh minh, giãy bày): Ta chỉ có thể tiếp bạn bằng tình cảm của ta – thứ lúc nào ta cũng có. Bài thơ chứa nhiều cung bậc tình cảm: có sự áy náy nhưng cũng có sự hài hước, hóm hỉnh, lại có cả sự thiết tha nồng hậu của chủ nhà.
Như vậy, việc đưa các yếu tố nói trên vào bài thơ là “có lí”, là nói đúng vào chủ đề, tức là quan yếu, và do vậy, nó tạo ra mạch lạc cho cả bài thơ.
2. ĐẶC TRƯNG CỦA TÍNH QUAN YẾU
2.1. Mối quan hệ giữa tính quan yếu và văn hóa
Tính chất quan yếu bị quy định bởi nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố văn hóa. Một bài văn nghị luận xã hội (trong các trường THPT ở Việt Nam) sẽ phải đảm bảo bốn yếu tố, đó là: (1) giải thích, (2) bình luận, (3) liên hệ, (4) rút ra bài học. Như vậy, bốn yếu tố này sẽ được xem là quan yếu đối với một bài văn nghị luận xã hội trong trường phổ thông ở Việt Nam. Nếu chỉ đề cập đến ba yếu tố thôi thì bài văn sẽ không thực sự đầy đủ, trọn vẹn. Song ở nước ngoài thì có thể việc đề cập đến bốn yếu tố này lại không phải là quan yếu, họ có thể sẽ chọn những yếu tố khác.
Một quảng cáo để thu hút khách sẽ đòi hỏi những yếu tố quan yếu nhất định. Chẳng hạn một quảng cáo nha khoa ở Việt Nam trong thời đại này sẽ phải đề cập đến: (1) Tác dụng của một hàm răng khỏe đẹp (phải nói sao cho ai cũng thích), (2) Một địa chỉ uy tín, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của bạn (chỗ tin tưởng được, vừa tốt vừa rẻ) và (3) Một slogan để dễ nhớ và dễ gây ấn tượng. Chẳng hạn quảng cáo sau đây:
(1)Bạn muốn có một hàm răng đẹp với nụ cười trắng sáng và rạng rỡ? (2)Bạn muốn thu hút người đối diện mỗi khi nói chuyện bằng khuôn miệng xinh xắn, thơm tho? (3)Bạn muốn có những giấc ngủ ngon mà không phải trằn trọc hàng đêm vì hàm răng đau nhức? (4)Bạn muốn thưởng thức mọi món ăn mà bạn yêu thích, dù nóng - lạnh hay cứng - mềm?
(5)Bạn không cần phải thực hiện ước mơ của bạn ở châu Âu, châu Úc hay châu Mỹ. (6)Hãy đến với chúng tôi – Nha khoa Quốc tế Việt Pháp. (7)Chúng tôi sẽ làm bạn hài lòng! (8)Chắc chắn bạn sẽ có tất cả những điều đó mà không tốn quá nhiều tiền!
(9)Bởi chúng tôi có:
(10) Một đội ngũ y bác sĩ tận tình và dày dặn kinh nghiệm.
(11) Những trang thiết bị hiện đại, tiên tiến bậc nhất trong lĩnh vực Nha khoa như máy Xquang Kĩ thuật số 3D, máy Laser, trồng răng IMPLANT, Răng sứ thẩm mỹ…
(12)Chúng tôi đã nhận được nhiều giải thưởng của Bộ Khoa học Công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là danh hiệu Phòng khám Nha khoa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 – 2008.
(13)Và trên hết, chúng tôi luôn tâm niệm: Nụ cười rạng ngời của bạn là hạnh phúc vô bờ của chúng tôi!
Trong diễn ngôn này, tất cả các phát ngôn đều tập trung vào chủ đề quảng cáo cho phòng khám nha khoa, trong đó các phát ngôn được bố trí như sau để đáp ứng yêu cầu về tính quan yếu:
(1) Tác dụng của một hàm răng khỏe đẹp: từ câu 1 đến câu 4 (Người Việt hiện nay không chỉ quan tâm đến việc có một hàm răng khỏe (chữa bệnh về răng), mà còn cần đến hàm răng đẹp (làm răng thẩm mỹ).
(2) Phòng khám nha khoa của chúng tôi có đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của bạn: từ câu 5 đến câu 12 (vừa chất lượng, vừa gần, vừa rẻ).
(3) Slogan: câu 13 (tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là vì sự hài lòng của bạn).
Như vậy, quảng cáo này có tính quan yếu rõ ràng, phù hợp với văn hóa Việt. Điều đó tạo mạch lạc cho diễn ngôn.
2.2. Mối quan hệ giữa tính quan yếu và hiệu quả giao tiếp
Theo The Encyclopedia of Language and Linguistics, tính quan yếu có nhiều mức độ khác nhau. Càng phải bỏ ra nhiều cố gắng để hiểu giao tiếp thì hiệu ứng nhận thức tích cực càng nhỏ và như vậy, mức độ quan yếu càng thấp [12, tr3525]. Tức là mức độ quan yếu của một phát ngôn hay văn bản được xác định như là tỉ lệ giữa việc xử lí thông tin và hiệu ứng nhận thức tích cực.
Trong Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lý luận và phương pháp, Nguyễn Hòa trình bày quan điểm của Sperber và Wilson (1986), xác định quan yếu từ góc độ tâm lý học nhận thức, theo đó tính quan yếu được hiểu như là mối quan hệ giữa một phát ngôn với toàn bộ diễn ngôn. Thông tin sẽ được coi là quan yếu đối với một cá nhân nếu nó tương tác phù hợp với giả thiết của anh ta về thế giới. Quan yếu là sự tương thích giữa nội dung mệnh đề và giả định trong đầu người nói và người nghe. [9, tr61,62].
Tính quan yếu và hiệu quả giao tiếp có thể tỉ lệ nghịch với nhau.
Chúng ta xét vd1: Với câu hỏi Anh có yêu em không? có thể có hai cách trả lời:
Thứ nhất: - Có.
Thứ hai: - Có người đàn ông nào mà lại không yêu em?
Người nghe có thể dễ dàng hiểu câu trả lời thứ nhất. Còn với câu trả lời thứ hai, để hiểu nó, phải thông qua suy luận (theo kiểu tam đoạn luận):
- Mọi đàn ông đều yêu em.
- Anh là đàn ông.
=> Anh cũng yêu em.
Như vậy, nếu trả lời là Có thì phát ngôn có tính quan yếu cao, nhưng hiệu quả giao tiếp lại có thể thấp. Còn nếu trả lời Có người đàn ông nào mà lại không yêu em? thì tính quan yếu thấp nhưng hiệu quả giao tiếp cao. (Thông thường phụ nữ sẽ thích câu trả lời thứ hai hơn vì phụ nữ thường thích nịnh).
Xét ví dụ 2:
- Cô ấy có xinh không?
- Thị Nở còn gọi bằng chị.
Hàm ý của câu trả lời này là Cô ấy rất xấu. Để hiểu nó, phải thông qua suy luận:
- Thị Nở xấu (đây là một tiền giả định phổ thông mà người Việt Nam ai cũng biết nhờ đọc truyện Chí Phèo).
- Cô ấy còn xấu hơn cả Thị Nở.
Câu trả lời này ấn tượng hơn rất nhiều so với câu trả lời tường minh: Cô ấy rất xấu, tức là hiệu quả giao tiếp cao trong khi tính quan yếu thấp (vì phải đi đường vòng, phải tốn công sức để giải mã). Câu này chỉ người Việt hoặc những người nước ngoài hiểu sâu văn hóa Việt mới hiểu được.
Ví dụ 3: Trả lời của anh Chánh Văn trên báo Hoa học trò.
- Theo anh thì tụi em cầm tinh con gì là dở nhất?
- Tuổi học trò, trong lớp nghe giảng, dở nhất là cầm tinh con vịt (vịt nghe sấm). Khi làm bài kiểm tra, tệ nhất là cầm tinh con ngỗng. Khi bạn bè tranh luận, bực nhất là cầm tinh con cua. Đi hội khoẻ hoặc chơi thể thao, tệ nhất là cầm tinh con rùa. Còn làm thi sĩ trong lớp lại kỵ nhất là cầm tinh con cóc.
(Báo Hoa học trò)
Để hiểu câu trả lời trên, phải nắm được một số quan niệm của người Việt đã được đúc kết qua các thành ngữ hoặc các cách nói quen thuộc:
- Vịt nghe sấm: nghe mà không hiểu gì cả,
- Con ngỗng: hình vẽ của điểm 2,
- Ngang như cua: cua chuyên bò ngang,
- Chậm như rùa: rùa là loài vật chậm chạp,
- Thơ con cóc: thơ không vẫn điệu, nôm na, không ý nghĩa.
Những trường hợp trả lời như thế này thì tính quan yếu thấp nhưng hiệu quả giao tiếp cao. Người nghe cảm thấy thú vị trong quá trình suy luận để hiểu câu trả lời.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tính quan yếu cũng tỉ lệ nghịch với hiệu quả giao tiếp. Có những ngữ cảnh luôn đòi hỏi tính quan yếu cao thì hiệu quả giao tiếp mới cao. Ví dụ trong giao tiếp dạy học, khi học sinh trả lời câu hỏi của thầy cô thì câu trả lời phải là trực diện, tường minh, tức là học sinh cần nói thẳng vào vấn đề, không được nói vòng vo. Trong trường hợp này, tính quan yếu tỉ lệ thuận với hiệu quả giao tiếp.
Trong một diễn ngôn, khi tính quan yếu thấp, quá trình giải mã diễn ngôn sẽ phức tạp hơn. Vì vậy nảy sinh vấn đề người nghe không hiểu hết ý của người nói. Câu chuyện vui dưới đây là minh chứng cho việc người nói đã lựa chọn cách nói vòng vo làm người nghe hiểu sai vấn đề.
Nói thẳng có phải hơn không
Chuyện trò mãi với người yêu bên gốc cây, cô gái đói bụng, muốn ăn một chút gì đó, bèn gợi ý:
- Anh yêu, “kiến bò bụng” em đây này.
- Chết chửa – chàng trai hốt hoảng – Thôi, ta lại ghế đá vậy, ở đây chắc có tổ kiến.
Ngồi ghế đá một lúc, nàng lại nói: Em muốn “ấm bụng” một chút.
- Ôi, anh sơ ý quá để em bị gió lạnh. Dầu xoa đây em.
Buồn quá, cô gái liền chuyển hướng:
- Anh chẳng hiểu gì em cả. Em “hoa cả mắt” rồi đây này.
- A, chắc em không quen với đèn cao áp đấy. Vừa nói, chàng trai vừa kéo cô gái vào bóng tối.
Đến nước này, cô gái đánh liều:
- Anh ạ, em nhạt mồm nhạt miệng lắm, chỉ muốn…
Chưa nghe hết câu, chàng trai như đã hiểu ý, vội kéo nàng vào lòng và hôn tới tấp lên môi.
(Sưu tầm)
Như vậy, tính quan yếu có thể tỉ lệ thuận với hiệu quả giao tiếp, có thể không, tùy thuộc vào ngữ cảnh. Nó thực chất là một suy luận lôgic để kết nối các câu. Tính quan yếu, do vậy, tạo nên mạch lạc cho diễn ngôn.
Tóm lại, từ quan niệm của Nguyễn Hòa và những phân tích trên đây của chúng tôi, có thể hình dung những đặc trưng nổi bật nhất của tính quan yếu như sau:
- Các yếu tố quan yếu được tổ chức theo những cách thức nhất định, phụ thuộc vào từng thể loại diễn ngôn hay văn bản và hoàn cảnh giao tiếp. Mỗi một thể loại diễn ngôn, mỗi hoàn cảnh giao tiếp sẽ có những yếu tố quan yếu khác nhau.
- Các yếu tố quan yếu thực hiện chức năng duy trì và triển khai đề tài theo những mối quan hệ nghĩa – lôgic nhất định. Những mối quan hệ nghĩa đó có thể biểu hiện ở bề mặt, cũng có thể biểu hiện ở bề sâu. Có thể phải vận dụng cả những yếu tố ngoài diễn ngôn để hiểu diễn ngôn.
- Tính quan yếu bị quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố văn hóa.
- Các yếu tố quan yếu cần phải thể hiện khả năng tương thích về hành động nói. Do vậy, tính quan yếu liên quan chặt chẽ với mạch lạc, hay nó là một trong những biểu hiện của mạch lạc.
- Dưới góc độ dụng học, tính quan yếu liên quan đến vấn đề nghĩa tường minh và hàm ẩn. Những phát ngôn mang nghĩa tường minh có tính quan yếu cao hơn những phát ngôn mang nghĩa hàm ẩn. Mạch lạc trong các phát ngôn mang nghĩa tường minh bao giờ cũng được biểu hiện rõ ràng hơn so với các phát ngôn mang nghĩa hàm ẩn.
- Tính quan yếu tỉ lệ thuận với hiệu ứng nhận thức tích cực và tỉ lệ nghịch với việc xử lí thông tin. Mất nhiều công sức để hiểu thông tin thì hiệu ứng nhận thức tích cực giảm và tính quan yếu giảm.
- Tính quan yếu có thể tỉ lệ thuận hoặc nghịch với hiệu quả giao tiếp, điều này phụ thuộc vào ngữ cảnh của diễn ngôn.
Đặc trưng về tính quan yếu như trên cho thấy mối liên quan của nó với nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa học, ngôn ngữ học tri nhận, tâm lí học nhận thức,… Nghiên cứu sâu hơn về tính quan yếu còn cho thấy mối quan hệ của nó với thể loại diễn ngôn hay văn bản. Điều này sẽ giúp ích nhiều trong việc dạy học sinh môn đọc hiểu và xây dựng văn bản. Hy vọng chúng tôi có dịp quay trở lại vấn đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Tiếng Việt
1. Diệp Quang Ban (1998), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, NXB GD.
2. Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, HN.
4. David Nunan (1998), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, NXB Giáo dục, HN.
5. Đinh Văn Đức (2012), Ngôn ngữ học đại cương – Những nội dung quan yếu, NXB Giáo dục Việt Nam.
6. Nguyễn Thiện Giáp (2000), Dụng học Việt ngữ, NXB Đại học Quốc gia HN.
7. Gillian Brown – George Yule (2002), Phân tích diễn ngôn, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, HN.
8. Cao Xuân Hạo (2006), Sơ thảo Ngữ pháp chức năng, NXB Giáo dục (tái bản lần 1).
9. Nguyễn Hòa (2008), Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lý luận và phương pháp, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
10. Trần Kim Phượng, (2013), Phân tích diễn ngôn, ứng dụng vào phân tích một truyện cười, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, số 3.
11. Trần Ngọc Thêm (1985), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, HN.
Tiếng Anh
12. R.E. Asher, The Encyclopedia of Language and Linguistics, Volume 7, Pergamon Press, Oxford – New York – Seoul – Tokyo, (tr3524 -3528).
13. M.A.K Halliday, 1985, An Introduction to Functional Grammar, Second Edition, London: Arnold
14. Dan Sperber and Deirdre Wilson, 1996, Relevence – Communication and Cognition, Blackwell, Oxford UK & Cambridge USA
Nguồn: Bài đã đăng trên Ngôn ngữ và đời sống (bằng tiếng Anh), số tháng 6/2018