Tìm hiểu đặc điểm VĂN HOÁ ỨNG XỬ trong GIAO TIẾP của NGƯỜI VIỆT từ LÍ THUYẾT HÀNH ĐỘNG NGÔN TỪ
ĐÀO THANH LAN
(PGS TS, Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội)
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của xã hội loài người, đồng thời là phương tiện thể hiện tư duy, suy nghĩ của con người, qua đó mà thể hiện đặc điểm tâm lí – văn hoá của dân tộc. Cho nên, việc nghiên cứu văn hoá qua ngôn ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhất là ở địa hạt từ vựng, chẳng hạn như: mối quan hệ giữa từ ngữ và sự vật được định danh phản ánh cách tri nhận của tộc người này khác với tộc người khác. Ví dụ: người Việt gọi quả thanh long còn người Trung Quốc gọi là hủo lóng gủa – hoả long quả, tức là: quả rồng lửa. Cách dùng giới từ trên, dưới hay động từ xuống, lên của người Việt thể hiện thói quen tâm lí lấy người nói làm trung tâm. Ví dụ: ngữ xuống dưới nhà trong câu Cô ấy xuống dưới nhà rồi được dùng khi người nói đang ở trên gác, ngữ trên máy bay trong câu Anh ấy đã ở trên máy bay rồi biểu hiện nghĩa ở trong máy bay được dùng khi người nói đang ở dưới máy bay. Càng đi sâu nghiên cứu quy luật dùng ngôn từ của người Việt trong giao tiếp ta càng phát hiện ra sự tương ứng giữa hình thức ngôn từ và ý nghĩa tình thái ứng xử thể hiện văn hoá ứng xử của dân tộc Việt Nam. Bài viết này xin trình bày hướng phân tích giúp ta phát hiện mối tương quan trên. Đó là phương pháp vận dụng lí thuyết hành động ngôn từ trong ngôn ngữ học của Searle [5] để phân tích lời theo mục đích nói với các sắc thái tình thái cụ thể trong bối cảnh giao tiếp (ngôn cảnh) nhất định.
Vận dụng lí thuyết này vào phân tích hành động ngôn từ trong tiếng Việt, ta thấy mỗi lời nói đều gắn với một ngôn cảnh nhất định, hướng tới người nghe, nhằm một mục đích nhất định gọi là đích ngôn trung. Để cho người nghe hiểu được, mỗi lời đều có cấu trúc ngôn từ thể hiện phần nghĩa cơ bản – nghĩa biểu hiện nhằm phản ánh thực tại khách quan theo mệnh đề logic (còn gọi là nghĩa mệnh đề/ nghĩa sự tình) và dấu hiệu ngôn từ (từ tình thái, kiểu cấu trúc, phó từ, ngữ điệu,…) biểu hiện phần nghĩa tình thái phản ánh mục đích, tình cảm, thái độ, sự đánh giá của người nói khi nói ra. Nghĩa tình thái có thể được chia thành hai kiểu: tình thái nhận thức và tình thái ứng xử. Tình thái nhận thức thể hiện sự nhận thức, đánh giá của người nói đối với sự tình được thông báo là tất yếu hay khả năng, xác nhận hay phỏng đoán,… thuộc phạm vi nghĩa học (semantics). Tình thái ứng xử liên quan đến ý chí, nguyện vọng, thái độ, cảm xúc của người nói. Nó là kiểu tình thái thể hiện sự ứng xử của người nói trong từng tình huống giao tiếp cụ thể nên luôn gắn với lời và chỉ được bộc lộ đầy đủ trong ngôn cảnh, thuộc về phạm vi dụng học (pragmatics). Lí thuyết hành động ngôn từ nghiên cứu mục đích nói ở lời chính là nghiên cứu nghĩa tình thái ứng xử được biểu hiện ở lời. Hướng nghiên cứu này yêu cầu người nghiên cứu phải xuất phát từ mục đích đến phương tiện, từ ý nghĩa bên trong đến hình thức biểu hiện. Hướng nghiên cứu này cho phép ta khai thác tất cả các nhân tố liên quan đến đích ngôn trung như vai giao tiếp, vị thế giao tiếp thể hiện quan hệ liên nhân giữa người nói và người nghe, lực ngôn trung (hiệu lực ở lời mạnh hay yếu), tính lịch sự và phương thức, phương tiện ngôn từ biểu hiện chúng. Do đó, ta có thể tìm ra sự tương ứng giữa hình thức ngôn từ và các sắc thái tình thái ứng xử. Chẳng hạn, cùng đích ngôn trung khái quát là cầu khiến người nghe thực hiện việc mà người nói yêu cầu (gọi là nội dung lệnh), tiếng Việt có nhiều vị từ ngôn hành khác nhau để biểu hiện những lực ngôn trung cầu hay khiến khác nhau. Bảng dưới đây là kết quả phân loại hành động cầu khiến xếp theo mức độ lực khiến giảm dần, lực cầu tăng dần, trong đó, tên gọi của từng hành động cầu khiến cụ thể thường do vị từ ngôn hành cầu khiến tường minh đảm nhiệm (trừ một vài hành động không có vị từ ngôn hành cầu khiến tường minh như giục, ngăn, dặn, rủ, nài).
TT |
Hành động cầu khiến |
Vị thế giao tiếp |
Mức độ cầu khiến |
Nội dung lệnh |
Hình thức biểu đạt điển hình |
1 |
Ra lệnh |
C > T |
Khiến mạnh nhất |
Làm |
Vnh = ra lệnh; hãy, đi |
2 |
Cấm |
C > T |
Khiến mạnh nhất |
Không làm |
Vnh = cấm; không được |
3 |
Giục |
C > T |
Khiến mạnh nhất |
Làm nhanh hơn |
Hãy, đi, V+lên+ ngữ điệu mạnh |
4 |
Ngăn |
C > T |
Khiến mạnh |
Không làm |
Chớ, đừng |
5 |
Cho/cho phép |
C > T |
Khiến mạnh |
Làm |
Vnh = cho/cho phép;
hãy, đi |
6 |
Yêu cầu |
C > T |
Khiến mạnh |
Làm |
Vnh = yêu cầu; hãy, đi |
7 |
Đề nghị |
C > T, C = T |
Khiến trung bình, cầu yếu |
Làm |
Vnh= đề nghị;
hãy, nào/nhé |
8 |
Dặn |
C > T, C = T |
Khiến yếu, cầu yếu |
Làm |
V(nhớ) + nhé |
9 |
Khuyên |
C > T, C = T |
Khiến yếu, cầu yếu. |
Làm/ không làm |
Vnh = khuyên; nên/
Vnh + không nên |
10 |
Rủ |
C = T |
Cầu trung bình |
Làm |
Nhé, có… không |
11 |
Mời |
C = T, C < T |
Cầu mạnh |
Làm |
Vnh = mời;
nhé, có…không |
12 |
Nhờ |
C < T |
Cầu mạnh |
Làm |
Vnh = nhờ; với |
13 |
Chúc |
C < T |
Cầu mạnh |
Làm |
Vnh = chúc; nhé |
14 |
Xin, xin phép |
C < T |
Cầu mạnh |
Làm |
Vnh = xin/ xin phép; nhé |
15 |
Cầu |
C < T |
Cầu rất mạnh |
Làm |
Vnh = cầu; với |
16 |
Nài |
C < T |
Cầu rất mạnh |
Làm |
Vnh = xin, van, lạy; với |
17 |
Van |
C < T |
Cầu rất mạnh |
Làm |
Vnh = van; với |
18 |
Lạy |
C < T |
Cầu rất mạnh |
Làm |
Vnh = lạy; với |
Ghi chú:
1) Vnh = vị từ ngôn hành; hãy, đi, nhé, với…= từ có vai trò làm phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung cầu khiến.
2) C = chủ ngôn/ người nói, T = tiếp ngôn/ người nghe.
Bảng trên cho thấy, bên cạnh các vị từ ngôn hành gọi tên từng hành động cầu khiến với lực ngôn trung mạnh yếu khác nhau còn có các tiểu từ tình thái tương ứng với lực ngôn trung nhất định. Từ hành động 1 đến hành động 6: ra lệnh, cấm, giục, ngăn, cho phép, yêu cầu là những hành động chỉ chứa lực khiến. Ba hành động (từ số thứ 7 đến 10): đề nghị, dặn, khuyên chứa cả lực khiến và lực cầu. Chín hành động còn lại: rủ, mời, nhờ, chúc, xin/ xin phép, cầu, nài, van, lạy chỉ chứa lực cầu.
Về ý nghĩa, lời chứa lực cầu (gọi là lời cầu) phân biệt với lời chứa lực khiến (lời khiến) ở chỗ: người nói được hưởng lợi khi người nghe thực hiện hành động. Lời cầu không áp đặt, bắt buộc người nghe hành động mà dựa vào sự tự nguyện của người nghe. Để thuyết phục người nghe tự nguyện làm thì người nói phải dùng lời lịch sự, có tính thuyết phục cao, tức là tác động vào tình cảm của người nói. Do đó vị thế giao tiếp của người nói thường bằng hoặc thấp hơn người nghe. Cho nên, về hình thức, lời cầu thường đầy đủ các từ chỉ ngôi/ vai giao tiếp, đồng thời từ chỉ ngôi 2 (người nghe) thường ở bậc cao hơn từ chỉ ngôi 1 (người nói) tạo thành cặp: tôi/em – anh/chị, tôi/cháu – ông/bà,… (Ví dụ: Em nhờ chị mua giúp em một đôi giày). Nếu người nói có vị thế xã hội cao hơn người nghe thì khi dùng lời cầu, người nói thường kèm thêm từ tình thái biểu hiện tính thân mật, lịch sự như nhé, hoặc tính cầu khẩn thiết như với. (Ví dụ: Em mua giúp chị một đôi giày nhé; em đợi chị với). Lời khiến mang tính áp đặt, bắt người nghe phải thực hiện yêu cầu của người nói, dùng trong trường hợp việc công, hoặc người nói có quyền yêu cầu, tức là có vị thế giao tiếp cao hơn người nghe. Do đó lời khiến thường thiên về lí trí, ít tính lịch sự.
Việc xác định từng lời cụ thể mang ý nghĩa tình thái nguyện vọng gì đều dựa vào các tiêu chí ý nghĩa như nội dung mệnh đề, đích ngôn trung, lực ngôn trung, quan hệ về vị thế giao tiếp giữa người nói với người nghe và các hình thức ngôn từ biểu hiện chuyên dụng. Chẳng hạn, ý nghĩa của hành động ngăn là dùng lời nói để ngăn cản một hành động nào đó, không cho nó tiếp tục hoặc hoạt động chậm lại. Vậy lời: (Anh) Đừng nói nữa là lời ngăn hành động nói của đối phương. Khuyên là nói với thái độ ân cần để người nghe biết điều nào đó là nên làm hay không nên làm. Nếu nội dung lệnh là điều không nên làm ta có thể gọi là khuyên ngăn. Lời Anh đừng nói như vậy không ngăn hành động nói của đối phương mà khuyên đối phương không nên dùng nội dung không thích hợp để nói, tức là biểu hiện tình thái khuyên.
Cấu trúc lời cầu khiến cũng góp phần thể hiện tính lịch sự, quan hệ vị thế giữa các vai giao tiếp. Lời có cấu trúc đầy đủ (có từ chỉ ngôi/ vai giao tiếp) có tính lịch sự hơn lời rút gọn từ chỉ ngôi. So sánh ví dụ: Con học bài đi với Học bài đi; Con nín đi với Nín! Đặc biệt, đối với lời khiến, cấu trúc càng rút gọn thì càng phải dùng phương tiện ngữ điệu hỗ trợ (giọng nói mạnh, dứt khoát) nên hiệu lực sai khiến càng mạnh. Tức là tính lịch sự ở lời khiến tỉ lệ nghịch với lực khiến.
Phương thức biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp đích ngôn trung cũng góp phần làm phong phú sắc thái ý nghĩa tình thái ứng xử. Cùng một đích khiến có thể được biểu hiện bằng lời khiến trực tiếp (ví dụ phía trên) hoặc lời gián tiếp (qua lời hỏi, trần thuật, cảm thán). Chẳng hạn: người nói có thể thực hiện hành động ngăn dự định đi về của đối phương bằng lời khiến: Đừng về (lời ngăn), Ở lại đi cho vui (lời đề nghị hành động ngược lại), hoặc bằng lời hỏi – cầu khiến: Về làm gì vội? với mục đích ngăn. Hình thức cầu khiến cũng có thể kết hợp với hình thức hỏi để biểu hiện sắc thái nghĩa tình thái mới. Chẳng hạn, lời Im đi là lời khiến yêu cầu tiếp ngôn thực hiện hành động Im (ngừng khóc, ngừng làm ồn). Nếu tiếp ngôn vẫn chưa im thì chủ ngôn có thể nói: có im đi không? (1) hoặc Có im không thì bảo? (2). Lời (1) hỏi về nội dung đã cầu khiến nhằm cảnh báo người nghe là người nói sẽ có một hành động trừng phạt nếu người nghe không thực hiện ngay nội dung lệnh. Lời (2) hỏi và yêu cầu thêm hành động mới đến người nghe (bảo) nhằm mục đích đe doạ (cao hơn mức cảnh báo): người nói chắc chắn sẽ có hành động trừng phạt người nghe nếu người nghe không thực hiện nội dung lệnh ngay. Lời (1) và (2) là lời cảnh báo, đe doạ gián tiếp với dụng ý làm tăng hiệu lực cầu khiến. Dụng ý ở lời chính là nghĩa hàm ẩn được nhận biết qua thao tác suy ý trên cơ sở hiểu biết về quy tắc ngôn từ, văn hoá, tâm lí của người nói,…
Cùng với các phương tiện vị từ ngôn hành, cấu trúc của lời, phương thức diễn đạt trực tiếp hay gián tiếp như đã nêu trên, tiếng Việt có một hệ thống từ tình thái rất phong phú góp phần diễn đạt tinh tế ý nghĩa tình thái ứng xử trong giao tiếp của người Việt. Chẳng hạn, tiếng Việt có nhóm từ chuyên dụng để biểu hiện tình thái hỏi như: à, ư, nhỉ, hử/hở/hả, chứ; chuyên biểu hiện tình thái cầu khiến như: đi, với, xem, đã, thôi, nào, nhé/nhớ/nhá/nha/nghen gọi là tiểu từ. Tiểu từ đi biểu hiện lực khiến mạnh, mang tính thúc giục, tiểu từ với biểu hiện lực cầu mạnh, ngược hướng với đi. Tiểu từ xem yêu cầu hành động kèm thêm sự quan sát, đánh giá (ví dụ: Bột giặt Omo đánh bật mọi vết bẩn. Hãy dùng thử xem!). Tiểu từ đã yêu cầu thực hiện hành động được nêu ra trước nhất (ví dụ: Cháu ngồi xuống đây đã). Tiểu từ thôi đứng cuối lời biểu ý rủ rê hành động (ví dụ: Ta nghỉ thôi; Ta về thôi) nhưng khi đứng đầu lời như ví dụ dưới đây, thôi là vị từ kèm ngữ điệu theo mô hình V + ngữ điệu biểu ý ngăn cản nhằm chấm dứt hành động đang diễn ra nên nó là một lời độc lập đứng trước một lời khác.
Ví dụ:
– Đừng chạm vào tao… Đừng băng nữa…
Ô… ô… đừng… Kiên vẫn loay hoay tìm cách băng bó.
Thôi… ôi thôi… Giời ơi! – Quảng nấc, mép ứa máu.
(Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh, tr. 116)
Tiểu từ nào biểu ý kêu gọi, khuyến khích hành động, mang sắc thái cầu (ví dụ: Ngoan nào). Tiểu từ nhé biểu ý đề nghị tiếp ngôn chấp nhận và làm theo yêu cầu của chủ ngôn một cách lịch sự, thân thiết (ví dụ: Chúng ta im lặng nhé). Do đó, nó thường xuất hiện trong 7 kiểu hành động ngôn từ: đề nghị, dặn, khuyên, rủ, mời, nhờ, chúc, xin/ xin phép với tình thái cầu (mang lực ngôn trung cầu), có tính lịch sự. Xét về phương diện cấu trúc, từ nhé thường xuất hiện trong ba kiểu cấu trúc lời tương ứng với ba kiểu ý nghĩa cầu khiến sau:
Cấu trúc kiểu 1) có sơ đồ:
D1 + V + D2 + nhé
Người nói hành động người nghe tiểu từ cầu khiến |
Ví dụ: Con đi chợ mẹ nhé.
Ý nghĩa: người nói đề nghị người nghe cho phép mình thực hiện hành động. Kết quả: người nói làm.
Kiểu 1) có thể diễn đạt theo kiểu đảo từ trỏ người nghe lên đầu lời thành từ hô gọi: Mẹ ơi, con đi chợ nhé hoặc rút gọn từ chỉ ngôi 2 thành: Con đi chợ nhé.
Lời cầu khiến kiểu này có thể dùng thay lời chào chia tay khi vị từ hành động là vị từ chuyển động như đi, về (ví dụ: Chúng con đi mẹ nhé.). Khi quan hệ liên nhân giữa các vai giao tiếp là ngang bằng, thân thiết thì người nói có thể rút gọn cả từ chỉ ngôi 1 chỉ còn vị từ + nhé như: đi nhé, về nhé, tạm biệt nhé, chào nhé. Từ đó, ta có sự đối lập của hình thức chào khi gặp mặt là dùng từ chào + từ chỉ tiếp ngôn như: chào anh/chị/ông/bà/em/cháu,… và hình thức chào chia tay thì có thêm từ nhé như: chào anh nhé, chào ông nhé,… bên cạnh cách nói: chào nhé, đi nhé, về nhé, tạm biệt nhé.
Cấu trúc kiểu 2) có sơ đồ:
D2 + V (+ giúp/hộ/cho + D1) + nhé
Người nghe hành động giúp hộ cho người nói từ cầu khiến |
Ví dụ: Chị tìm hộ bu em nhanh lên nhá.
Ý nghĩa: Người nói đề nghị người nghe đồng ý thực hiện hành động mà người nói nói ra. Kết quả: người nghe làm.
Lực ngôn trung cầu khiến ở cấu trúc kiểu 2) mạnh hơn cấu trúc kiểu 1). Khi dùng cấu trúc kiểu 2), bên cạnh việc yêu cầu tiếp ngôn thực hiện một nội dung cụ thể, trong một số trường hợp, chủ ngôn còn muốn thăm dò ý kiến của tiếp ngôn đối với lời mà mình đưa ra.
Ví dụ: Em ăn cháo nhé.
Lời đề nghị trên đòi hỏi một phản ứng đồng ý hoặc phản bác. Nó được dùng như một sự gợi ý, một cánh cửa mở để đón nhận thông tin từ phía người nghe, để tiếp tục cuộc thoại giữa hai người.
Cấu trúc kiểu 3) có sơ đồ
Dg + V + nhé
Người nghe người nói hành động tiểu từ cầu khiến |
Ví dụ: Bác Trương Ba ạ, hay là… tôi nhập hồn bác vào xác tôi, ta cùng sống nhé. (Hồn Trương Ba, Kịch, Lưu Quang Vũ)
Ý nghĩa: người nói đề nghị người nghe đồng ý cùng hành động với mình. Kết quả: người nói và người nghe cùng làm. Từ chỉ ngôi ở cấu trúc này ít bị lược bỏ hơn ở cấu trúc 2).
Ngoài các kiểu trên ta còn bắt gặp từ nhé trong các dạng lời sau: Ví dụ:
a) Thôi, để thứ bảy sau vậy, đúng hẹn đấy nhé. (Tắt đèn, Ngô Tất Tố)
b) Một hào của chị đưa trả tiền các, trừ chỗ này hết 8 xu rồi, còn thiếu 4 xu nữa nhé.
(Tắt đèn, Ngô Tất Tố)
c) Anh thổi tiêu đấy ư, em thích nghe lắm đấy nhé. (Mùa lạc, Nguyễn Khải)
d) Tôi còn thiếu chị 4 xu nữa nhé.
Thoạt nghe/nhìn, ta có thể cho rằng ví dụ a và c giống nhau và cùng có các từ đấy nhé ở cuối lời, ví dụ b và d giống nhau và cùng có các từ nữa nhé ở cuối lời; và cả 4 ví dụ đều nhằm mục đích dặn dò (một kiểu loại cầu khiến). Khi tiến hành thao tác phân tích, ta thấy biểu thức của phần lời chứa nhé trong ví dụ a, b đều là: (D2) + V + nhé. Trong hai trường hợp này, người nói đề nghị người nghe nhớ và thực hiện hành động đúng hẹn, nhớ còn thiếu 4 xu phải trả cho người nói và thực hiện hành động trả. Tức là người nói cầu khiến người nghe thực hiện hai hành động liên quan với nhau theo quan hệ kéo theo. Nhưng lời a là lời dặn tức là cầu khiến trực tiếp, còn lời b là lời giao hẹn về nội dung thiếu 4 xu với mục đích cầu khiến người nghe trả tiền cho người nói. Mục đích cầu khiến không hiển ngôn mà là hàm ẩn quy ước, mang tính gián tiếp nên có tính tế nhị, lịch sự. Hai ví dụ c, d có biểu thức của phần lời chứa nhé đều là D1 + V + nhé mà từ xưng hô ở ngôi 1 (em, tôi) khác với ví dụ a, b có từ xưng hô ở ngôi 2 (ví dụ a bị ẩn, ví dụ b là chị). Tức là, lời c, d có biểu thức của lời trần thuật kèm thêm từ nhé. Sự hiện diện của từ nhé giúp ta nhận biết đây là lời hội thoại hướng đến người nghe, giao hẹn với người nghe để người nghe đồng ý với ý kiến của người nói. Ở c, người nói thông báo sở thích của mình với hàm ý khuyến khích người nghe tiếp tục thực hiện hành động thổi tiêu cho nên có mục đích cầu khiến. Đích cầu khiến này được thực hiện thông qua lời trần thuật tạo thành lời cầu khiến gián tiếp, cầu khiến một cách tế nhị. Ở ví dụ d, người nói giao hẹn với người nghe về nội dung người nói còn thiếu 4 xu. Lời giao hẹn này biểu thị hàm ý người nói sẽ thực hiện hành động kéo theo liên quan đến nội dung giao hẹn là trả nốt 4 xu. Đây là lời hứa hàm ngôn/gián tiếp.
Như vậy, việc vận dụng lí thuyết hành động ngôn từ kết hợp với sự phân tích toàn diện các mặt cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của câu/lời tiếng Việt sẽ giúp ta phát hiện ra những ý nghĩa tình thái ứng xử thể hiện văn hoá ứng xử tinh tế, đa dạng trong giao tiếp của người Việt.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. Đỗ Hữu Châu, Ngôn ngữ học đại cương – T2: Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
2. Đào Thanh Lan, Một số vấn đề ngữ pháp – ngữ nghĩa của lời, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.
B. Tiếng nước ngoài
3. Yule G., Dụng học – Một số dẫn luận nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
4. Palmer. F.R., Mood and modality, Cambridge University Prees, 1986.
5. Searle. J.R., Speech acts, Cambridge University Prees, 1969.