Bộ sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại (Nguyễn Đăng Na biên tuyển) đã cung cấp được một diện mạo tương đối đầy đủ về văn xuôi tự sự trung đại...
VỀ BỘ BA TÁC PHẨM TRUYỆN NGẮN - KÝ - TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI
LẠI VĂN HÙNG
Dưới tiêu đề chung: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại thì việc phân định thể loại thành ra: t ruyện ngắn - ký - tiểu thuyết chương hồi(1) là hợp lý. Tác giả Nguyễn Đăng Na đã theo đuổi đề tài vào cỡ có thể nói là ôm trọn hầu hết các thể tự sự quan trọng suốt dọc lịch sử văn học Hán Nôm. Và ông đã phải làm việc nhiều thập kỷ để hoàn thành công trình dài hơi, dày dặn và công phu này.
Cả ba tập đều có một kết cấu chung: 1- Phần Giới thiệu chung và 2 - Phần Tác phẩm tuyển chọn. Nhưng thường thì phần sau phải làm trước và phần trước tuy ghi là giới thiệu mà thực chất là sự tổng kết trên lượng tư liệu đã được chuẩn bị, tích góp và dàn sẵn theo một ý đồ khoa học nhất định. Và tôi đặc biệt chú ý đến các phần Giới thiệu chung ở đầu mỗi tập ấy. Bởi lẽ, việc phiên dịch, tập hợp các tác phẩm văn xuôi cổ trước nay đều đã có nhiều người làm. Thế hệ các cụ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Kế Bính, Đông Châu, Ngô Tất Tố, Trúc Khê, Trần Văn Giáp... là những người khai phá. Các thế hệ sau có người tuyển tập, có người dịch thêm, thậm chí có người gom gộp... Nhưng có lẽ vẫn thiếu một công trình giới thuyết cho thật sáng sủa về tiến trình văn xuôi cổ và phân loại nó thành các thể.
Trong tình hình ấy thì Giới thiệu chung ở đầu tập Truyện ngắn đã đáp ứng rất tốt yêu cầu trên. Mở đầu phần này, tác giả Nguyễn Đăng Na cho người đọc thấy một cách khái lược về tiến trình văn học trung đại nói chung và sự vận hành của tiến trình đó dựa trên ba bước nhảy vọt: mốc thế kỷ X “khai sinh ra nền văn học Việt Nam” - bước nhảy vọt thứ nhất; thế kỷ XII - XIII với việc “sáng chế ra chữ Nôm” văn tự dân tộc - bước nhảy vọt thứ hai; đến thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XIX, “văn học trung đại đạt độ chín muồi” - là bước nhảy vọt thứ ba. Trong ba bước nhảy vọt thì bước nhảy ban đầu được tác giả nhìn nhận như là bước nhảy tạo đà về mặt xã hội, bước thứ hai là văn tự và bước thứ ba là sự nhảy vọt có ý nghĩa tự thân của tiến trình văn học. Văn xuôi tự sự nương theo sự chuyển mình ấy mà phát triển. Cũng ở phần này, tác giả còn chỉ ra mối quan hệ giữa văn học chức năng và văn học nghệ thuật, sự tách dần của văn học nghệ thuật ra khỏi văn học chức năng, sự tồn tại song hành của hai loại văn học đó. Tách dần, cùng tồn tại; cả hai khả năng thực tế đó của văn học đã cho phép người nghiên cứu đi sâu phân loại chuyên biệt hơn về thể và loại, hay nói chung là thể loại.
Về mặt lý thuyết là như thế, nhưng đi vào “rừng” văn xuôi cổ lại thường gặp phải không ít những vấn đề nan giải. Thế nên đây đó đã có trường hợp, người ta quy chúng vào một thể: tiểu thuyết. Quy thế cho tiện, cho nhanh nhưng rõ ràng có sự bất ổn. Nguyễn Đăng Na không bằng lòng với cách làm đó. Nhà nghiên cứu đã dám đối diện với những rắc rối khó vượt: đó là tính không rõ ràng và không thuần nhất về mặt thể loại của tự sự cổ.
Lần sâu vào quá khứ, ông đã tìm thấy những manh mối mà các học giả đi trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú cũng đã từng hướng tới nhưng chưa có điều kiện giải quyết triệt để. Ông cũng tham khảo ý kiến của một nhà nghiên cứu Đông phương nước ngoài (B.L.Riptin) để đi tìm thể loại tác phẩm. Nhưng những kiến giải của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... dẫu có vai trò cơ sở lý luận đầu tiên cũng còn nhiều bất cập; còn ý kiến của B.L.Riptin thì cũng chỉ đúng một phần. Phát hiện ra điều đó, Nguyễn Đăng Na đã tìm được giải pháp theo tôi là thỏa đáng. Ông đã căn cứ chứ không bị lệ thuộc hẳn vào cách gọi tên tác phẩm cổ (lục, truyện, chí, ký, tập, ngữ, ngữ lục...), để từ thực trạng tác phẩm mà trả chúng về đúng chỗ. Thứ nữa, ông đã lấy tiêu chí “thiên” để phân loại tác phẩm chứ không chỉ dựa vào việc định danh thể loại ở tác phẩm “mẹ” (thí dụ: Cùng ởTruyền kỳ mạn lục, nhưng thiên Đền Hạng Vương được xếp vào thể ký, còn Người con gái Nam Xương lại thuộc về truyện ngắn...). Trong một tác phẩm lại có nhiều thiên là tình trạng khá phổ biến của tự sự cổ. Việc tách riêng chúng là cần thiết để thấy thể loại nhiều khi lại nằm ở dưới tầng sâu của một tác phẩm.
Với cách nhìn thấu đáo về văn xuôi tự sự cổ như trên, Nguyễn Đăng Na đã đi đến việc phân chúng thành ba thể loại chính là: truyện ngắn, ký và tiểu thuyết chương hồi. Thật ra, tiểu thuyết chương hồi là thể loại được nhận biết không mấy khó khăn, nhưng vấn đề là ở chỗ phải phân biệt đâu là một thiên truyện ngắn và đâu là một thiên ký.
Khi đã xác định được thể loại rồi, tác giả lược khảo lại những bước đi của văn xuôi tự sự, trải dài gần 10 thế kỷ. Bước thứ nhất: từ thế kỷ X - XIV, đây là thời kỳ đặt nền móng cho tự sự nghệ thuật. Thời này là thời kỳ của văn học Lý - Trần, phát triển khá phong phú và đa dạng, nhưng tự sự nghệ thuật thì chưa nhiều. Số lượng tác phẩm - nói như tác giả - đều lấy cơ sở từ văn học dân gian và văn học chức năng. Tôi rất tán đồng nhận xét ấy. Chỉ có điều khi ngẫm nghĩ kỹ, tôi cứ băn khoăn là phải có cái gì đó khiến cho văn học chức năng của thời ấy khác với văn học chức năng các thời sau đó. Tuy đều thoát thai từ những cơ sở như vậy, nhưng chỉ cần thành công của một Lĩnh Nam chích quái lục thôi cũng đã đánh một dấu ấn đậm của văn xuôi tự sự, nhất là ở thể truyện ngắn. Bước thứ hai, thế kỷ XV - XVII được tác giả gọi là “thời kỳ đột khởi”. Nếu như ở giai đoạn X - XIV, vấn đề con người và thân phận con người chưa trở thành tiêu điểm, thì ở thời này, con người đã thực sự trở thành “đối tượng và trung tâm phản ánh nghệ thuật”. Đây cũng là thời của tự sự truyền kỳ với phương thức đan xen các yếu tố trữ tình. Dưới vỏ bọc kỳ ảo, các tác phẩm xuất sắc nhất của giai đoạn như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục đã chủ trương đưa cái “sinh hoạt thường ngày” vào văn chương. Đó là một bước tiến dài, không những chỉ khẳng định thành công của tự sự mà nói rộng ra, còn là thành quả của tư duy nghệ thuật trong quan niệm về cuộc sống và con người. Do đó, đây là thời kỳ có bước chuyển quan trọng về cảm hứng sáng tác chủ đạo - bước chuyển từ cảm hứng yêu nước sang cảm hứng nhân văn. Bước thứ ba, thế kỷ XVIII - XIX, tác giả gọi là thời kỳ của các thể loại ký và tiểu thuyết chương hồi. Tuy vậy, người viết cũng nhận định rất đúng là truyện ngắn vẫn đang trên đà hoàn chỉnh cùng với hai thể loại chính kia. Theo tác giả, ký và tiểu thuyết chương hồi nở rộ là do những yêu cầu cấp thiết của lịch sử. Đúng vậy ! Hiện thực xã hội lúc bấy giờ đã dần dần làm phát sinh quan niệm văn học theo chiều hướng ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe. Nó lấn át quan niệm văn học truyền thống là chở đạo và nói chí.
Xem lại cả chặng đường văn xuôi tự sự, người đọc không khỏi còn điểm này điểm khác muốn vấn thoại với tác giả (như cách lý giải về vai trò đuối dần của thể loại truyền kỳ, hay việc vắng bóng của văn xuôi tự sự thế kỷ XVII), nhưng người ta lại thích thú với kết luận rằng: “Sau ngót mười thế kỷ với ba chặng đường lịch sử, văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại đã tiến gần đến văn học hiện thực”.
Dõi theo từng bước đi của văn xuôi tự sự, tác giả Nguyễn Đăng Na đã tổng kết thành ba xu hướng phát triển: 1- Xu hướng dân gian, 2- Xu hướng lịch sử, 3- Xu hướng thế tục. Đó là ba xu hướng tất yếu và có tính quy luật. Có nghĩa là khó có con đường nào khác cho văn xuôi tự sự ở giai đoạn định hình. Còn việc chúng có quay đi, trở lại hay đan xen nhau từ sau thời kỳ đã ổn định lại là chuyện khác, chuyện của chủ thể sáng tạo. Cũng như ta thấy ở văn học đương đại, nhà văn vẫn có thể khai thác đề tài từ lịch sử hay các típ truyện dân gian... Nhưng cũng ở thời kỳ định hình, người viết đã lưu ý bạn đọc rằng cần nhận ra “quá trình văn học hóa truyện dân gian”, hay việc truyện lịch sử thường bị dân gian hóa cho nó trở thành ly kỳ, hấp dẫn; còn truyện dân gian lại được lịch sử hóa để tỏ ra nó là có “thật”. Trên cơ sở dân gian và lịch sử, xu hướng thế tục là sự chuyển mình của tự sự nghệ thuật hướng tới thể hiện đời sống xã hội, con người.
Gần 50 trang sách ở đầu Tập I là giới thiệu chung của toàn bộ văn xuôi tự sự kèm theo phần giới thiệu về truyện ngắn. Truyện ngắn trung đại, theo như tác giả, có những đặc điểm đặc thù, không thể bê nguyên xi quan niệm truyện ngắn hiện đại để áp đặt vào. Điểm này rất đáng lưu ý.
Nếu như truyện ngắn được giới thiệu kèm với cả văn xuôi tự sự thì lời Giới thiệu chung ở đầu Tập II là dành riêng cho thể loại mà tập sách mang tên: Ký.
Với gần 80 trang sách, phần viết về ký theo chúng tôi, còn kỹ lưỡng và dày công hơn cả phần viết về văn xuôi tự sự (và truyện ngắn). Phần này gồm hai nội dung: đi tìm một định nghĩa thể loại và các bước phát triển của thể loại đó.
Ký là gì ? Câu hỏi này thật khó ! Ký trung đại là gì ? Câu hỏi này còn có phần khó hơn. Chẳng thế mà xưa nay các sưu tập truyện ngắn và tiểu thuyết cổ thường xuất hiện nhiều, còn muốn tìm một tuyển tập ký của tiền nhân thật khó ! Ngay cả với tác giả sách cũng thế. Không phải vô cớ mà trong bộ ba: Truyện ngắn - Ký - Tiểu thuyết chương hồi, thì lẽ ra Ký là tập hai, phải ra trước, thế mà tập ấy lại được in ra sau cùng. Và chính tác giả cũng phải thừa nhận “ký là loại hình văn học phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự trung đại”. Biết là phức tạp, là khó, nhưng không thể tránh né. Chúng tôi không dám nói nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã giải quyết được hết các vấn đề đặt ra xung quanh thể ký, nhưng có thể khẳng định rằng ông đã nêu được những sở cứ căn bản và cũng có thể nói ông đã đánh thông được một con đường vốn mờ mịt và nhiều gai góc.
Tìm vào lý luận cổ Trung Hoa, nhà nghiên cứu nắm bắt được đúng chỗ mà Lưu Hiệp nói - ở khái niệm gốc về văn và bút: “Loại văn không vần là bút; loại có vần là văn”. Chỉ cần trích mấy chữ như vậy, cốt lõi của vấn đề đã dần sáng tỏ. Cái gọi là bút - phi vận văn đó, chính là manh nha của ký. Sau Lưu Hiệp, những lý luận gia của Trung Quốc như Diêu Huyễn, Chân Đức Tú tiếp tục phân loại văn học. Với Diêu Huyễn, văn học được chia thành 23 thể, trong đó có truyện lục, ký sự và ký. Với Chân Đức Tú qua Văn chương chính tông, văn được chia làm bốn loại lớn (tứ đại môn), trong đó có đại môn Tự sự. Nguyễn Đăng Na cũng vạch ra giới hạn bởi thời đại của Lưu Hiệp (chỉ khái quát được văn học thời Tiên Tần đến Nam - Bắc triều, ông này mất năm 532) và những cách phân loại không khái quát được bản chất thẩm mĩ của văn học sau Chân Đức Tú.
Trở lại với Việt Nam, tức là trở lại với thực tế tác phẩm ký, và cả thực tế lý luận - vẫn của hai tên tuổi lớn là Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú. Trong cách chia loại của Lê Quý Đôn có xuất hiện loại truyện ký. Thoạt nghe, cứ tưởng đó là truyện, ký và truyện ký, nhưng thực ra đó là sự hợp dung của sử, sách dạy làm vua và binh pháp yếu lược, chỉ có 7/19 bộ sách thuộc các thể: lục, tạp ngữ, ngữ lục, mạn lục. Thế là đến tận Lê Quý Đôn (cuối thế kỷ XVIII) - vẫn theo Nguyễn Đăng Na - thì tiêu chí của thể ký vẫn “không rõ ràng”. Đến Phan Huy Chú, nhà thư tịch học này đã đưa ra cách phân loại sách thành 4 loại: Hiến chương, Kinh sử, Thi văn và Truyện ký. Phan Huy Chú vẫn dùng chữ truyện ký như Lê Quý Đôn. Nhưng số sách Phan đưa ra ở loại này lên tới 54 bộ, gồm 31 thể. Con số đó nói lên sự phức tạp, sự “đa chức năng” về loại thể tự sự cổ đối với truyện, và nhất là với ký. Thế nên, đi tìm một định nghĩa về ký là cực khó. Ký là ghi chép. Đúng rồi ! Nhưng nghĩa gốc ấy không còn đủ khi thể ký phát triển. Chỉ có thể tìm hiểu quá trình phát triển, hình dung về nó, còn để đưa ra một định nghĩa cho thể loại thì thật nan ngôn. Tôi cũng không tìm thấy một định nghĩa nào về thể loại qua những trang viết của tác giả. Nhưng người đọc cũng rất tán đồng với cách làm chừng mực, cách không định nghĩa mà như đã định nghĩa rồi ấy của ông.
Đi vào thể ký trung đại, Nguyễn Đăng Na lược quy thành ba giai đoạn tiến triển: từ thế kỷ X - XIV, thế kỷ XV - XVII và thế kỷ XVIII - XIX. Mới nhìn, kết cấu này có phần trùng với phần giới thiệu chung về văn xuôi tự sự trung đại. Nhưng đấy là sự trùng lặp có thể chấp nhận được, vì cũng khó đưa ra một kết cấu khác khi nói về cái bộ phận nhìn trong cái toàn thể, cái bao chứa nó. Ký ở giai đoạn đầu gắn với (hay dựa vào) “văn học chức năng lễ nghi”, hiện còn dưới hai thể chính là văn khắc và tự bạt. Thể văn khắc (mà chủ yếu là văn bia khắc trên đá) được tác giả thống kê, phân tích một cách khá chi tiết từ cấu trúc, nội dung đến văn thể. Cũng từ sự thống kê, phân tích chung về cả văn khắc và tự bạt, tác giả còn đưa ra những nhận xét khá tinh, ví như nhận xét rằng mỗi bài văn bia “thường là sự kết hợp tả cảnh, tả tình, kể việc, kể người với phát biểu trực tiếp cảm nghĩ cá nhân người cầm bút khiến chúng mang đậm chất ký”; hay như nhận xét về văn khắc “không đồng hành cùng thể ký” ở giai đoạn sau, còn tự bạt thì “bị chìm đi trước những tác phẩm trường thiên” và đóng một vai trò khác.
Ở giai đoạn thứ hai, tự bạt “bùng nổ” (chữ dùng của tác giả). Nhưng quả là chúng đã mang tính lưỡng phân: vừa là ký, vừa là tác phẩm khảo cứu, phê bình, lí luận. Cũng ở giai đoạn này, “ký nghệ thuật đích thực mới bắt đầu nảy mầm”. Tách các thiên ký dựa vào ba tác phẩm lớn: Nam Ông mộng lục, Thánh Tông di thảo và Truyền kỳ mạn lục, nhà nghiên cứu nhắc lại sự khó khăn trong việc phân định ra đâu là truyện, đâu là ký. Nhưng tiến thêm một bước, tác giả khẳng định: “Điều làm nên sự phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút. Nếu người cầm bút tách mình khỏi các sự kiện, khỏi các nhân vật mình miêu tả như người ngoài cuộc thì đấy là truyện; còn tác giả ẩn mình vào các sự kiện, các nhân vật với tư cách là người trong cuộc thì đấy là ký”. Thật khó có cách nói nào thẳng thắn và mạch lạc hơn. Vượt qua giai đoạn “nảy mầm”, sang giai đoạn thứ ba, ký thực sự đơm hoa kết trái. Mở đầu bằngCông dư tiệp ký, kết thúc bằng Giá Viên biệt lục, tác giả còn lần lượt khảo luận hơn mười tập ký: Cát Xuyên tiệp bút, Tiên tướng công phả lục và Trần Khiêm Đường niên phả lục của Trần Tiến (1709 - 1777),Tục công dư tiệp ký của Trần Trợ, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Vũ trung tùy bút và Châu phong tạp thảo của Phạm Đình Hổ, Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức, Hải trình chí lược của Phan Huy Chú và một số tác phẩm của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ... Tất cả các tập ký đó đều được tìm hiểu khá cặn kẽ và người viết ngoài việc vạch ra lịch trình của thể loại, còn nêu bật được những đóng góp có giá trị cũng như những điểm còn hạn chế của từng tác giả, tác phẩm. Như là, vớiCông dư tiệp ký: “Có thể đoán chắc rằng, lần đầu tiên ở Việt Nam có một tác phẩm mà cả 43 thiên của nó đều được tác giả xác định là ký” và Vũ Phương Đề “là người có công xới lên trào lưu viết ký”. Hay như đóng góp của Trần Tiến khi cố vượt ra khỏi phạm vi gò bó của thể liệt truyện (Tiên tướng công niên phả lục), và khi là tác giả văn xuôi tự sự Việt Nam đầu tiên viết thể ký tự thuật (Trần Khiêm Đường niên phả lục). Còn về Thượng kinh ký sự thì được đánh giá “là tác phẩm ký nghệ thuật đích thực đầu tiên của văn học Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết ký sau này”. Hoặc như với Bắc hành tùng ký là tập ký vừa “làm tăng thêm độ dày cho dòng văn học hải ngoại” vừa có nội dung hiếm thấy là “viết về cảnh người Việt Nam trong ngục tù Trung Hoa”, có phong cách cũng hết sức riêng biệt là “lối mỉa mai quá đỗi sâu cay”. Hoặc về Phạm Đình Hổ, được đánh giá là một tác giả đã làm cho thể loại thêm đa dạng, phong phú – là người vừa viết ký phong cảnh, vừa viết ký du ngoạn, cả ký khảo cứu và ký ghi người ghi việc. Người đọc cũng hoàn toàn bị thuyết phục với lời kết luận: “Hai cột mốc cũng là hai đỉnh cao của ký thế kỷ XVIII - XIX là Thượng kinh ký sự và Tây hành kiến văn kỷ lược.Cột mốc thứ nhất đánh dấu sự ra đời của ký; cột mốc thứ hai đánh dấu khả năng to lớn trong việc phản ánh hiện thực của ký (...); ký có thể phản ánh những vấn đề trọng đại mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Hơn nữa, người ta không khỏi giật mình trước những nghiệm suy sâu về thể loại: “Chỉ khi con người ta ý thức được giá trị của mình, ý thức và chịu trách nhiệm về cái tôi của mình trước cuộc sống thì ký mới có thể ra đời. Ký là nơi để người viết bộc lộ trực diện nhất, rõ ràng nhất về bản thân mình”, rồi như “bỗng chốc” diệu ngộ ra rằng: “Nghiên cứu cái tôi cá nhân trong văn học trung đại mà bỏ qua ký là điều thật đáng tiếc”. Thế là, nhà nghiên cứu đã từ một thể loại mà gợi mở được một hướng tiếp cận với một trong những vấn đề hết sức có ý nghĩa của văn học sử - vấn đề quan niệm về con người, về cái tôi (cá nhân) - một vấn đề mà nơi này, nơi khác cũng đã có người này khác mạnh bạo luận bàn.
Về cơ bản, chúng ta đã theo dõi xong hai lời Giới thiệu chung ở đầu tập Truyện ngắn và Ký. Tác giả đã vượt được hai phần ba chặng đường và giải quyết được không ít trở ngại. Có cảm giác như tác giả đã dồn sức vào chặng đường cuối khi viết tới 120 trang cho Giới thiệu chung về Tiểu thuyết chương hồi đầu Tập III.
Như đã nói, tiểu thuyết chương hồi dễ nhận diện hơn. Nó cũng ra đời chậm hơn ký và truyện ngắn. Điều ấy có duyên do từ bối cảnh lịch sử - xã hội của các thế kỷ XVI - XVII như tác giả đã chứng minh. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên là Nam triều công nghiệp diễn chícủa Nguyễn Khoa Chiêm. Tác phẩm hoàn thành năm 1719 ở Nam Hà (Đàng Trong), cũng là cuốn sách ở vị trí “khai sinh ra nền tiểu thuyết chương hồi Việt Nam”. Tuy nằm ở vị trí mở đầu, mà Nam triều công nghiệp diễn chí đã có ngay những thành công rất đáng kể. Không phụ thuộc vào cách đặt tên sách ở ngoài nguyên bản là Việt Nam khai quốc chí truyện do người sau lạm chữa, Nguyễn Đăng Na đã “sục” vào gia phả và các bản sử sách chính thống để trả lại “nhan đề chính thức” cho tác phẩm. Việc khám phá ra tên thật của tác phẩm và trả nó về đúng cái mà nó mang danh như thế, chẳng những có ý nghĩa về văn bản học và cón có ý nghĩa như một phát hiện về mặt thể loại. Nhà nghiên cứu đã nhận ra thâm ý của người viết tiểu thuyết: “Với nhan đề Diễn chí đặt cho sách, Nguyễn Khoa Chiêm đã chỉ ra rằng đây là tác phẩm văn học. Diễn chí thực chất là lối diễn sử, giảng sử giống kiểu diễn nghĩa của Trung Hoa. Lần đầu tiên và cũng có lẽ là trường hợp duy nhất trong văn học Việt Nam trung đại có một tác giả thẳng thắn tự nhận mình viết văn chương chứ không phải viết lịch sử”. Việc nhắc lại và phê phán quan niệm coi thường tiểu thuyết từng tồn tại khá dai dẳng cũng là hết sức cần thiết giúp cho bạn đọc hôm nay thêm thấu hiểu rằng có những điều tưởng như đơn giản đã diễn ra không giản đơn chút nào. Hiển nhiên là tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm đã mô phỏng cách viết của tiểu thuyết chương hồi kiểu như Tam quốc chí diễn nghĩa, nhưng khi so sánh một cách cặn kẽ giữa chúng, nhà nghiên cứu đã nêu bật được những đóng góp nhiều mặt của tác giả Việt Nam. Đấy là cách chép thời gian đến tận can, chi. Đấy là quá trình hình thành tác phẩm:Diễn nghĩa của Trung Quốc vốn xuất phát từ Tam quốc chí với quãng cách thời gian cực xa, qua cả sự trải truyền dân gian, huyền thoại; còn diễn chí của Việt Nam thì hầu như “hiện thực lịch sử đi thẳng vào tác phẩm nghệ thuật”, “tác giả của nó tự mình tạo dựng ra tất cả từ cốt truyện, tình tiết, sự kiện đến nhân vật, tính cách nhân vật… Tác giả của nó vừa phải trung thành với sự thực lịch sử, vừa phải có trình độ khái quát hóa nghệ thuật…”
Sau khi thuyết giải khá tường tận về tiểu thuyết đầu tiên của Nam Hà, tác giả Nguyễn Đăng Na điểm qua về cuốn tiểu thuyết chương hồi đầu tiên của Bắc Hà: Thiên Nam liệt truyện. Điểm qua mà vẫn cho người đọc thấy được những nét nổi trội của cuốn sách này, như việc “dung nạp nội dung gia phả trong hình thức tiểu thuyết chương hồi” và việc đó là tác phẩm đầu tiên và duy nhất lấy đề tài từ cuộc nội chiến Lê - Mạc. Thiên Nam liệt truyện ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, phải đến cuối thế kỷ đó đến đầu thế kỷ XIX, khi Hoàng Lê nhất thống chí do các tác giả Ngô gia sáng tác thì tiểu thuyết chương hồi mới đạt tới độ chín và là đỉnh cao của thể loại. Đã từng có nhiều người viết về tác phẩm này, thậm chí nó từng là đối tượng nghiên cứu của một số luận văn khoa học từ Cử nhân, Thạc sĩ đến Tiến sĩ; và lần này, tác giả Nguyễn Đăng Na đã tinh kết thành bảy điểm đặc sắc: Thứ nhất, “có thể nói Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất phá bỏ lối kể chuyện theo trình tự thời gian”, đây là nhận xét sâu sắc và sáng giá sau khi tác giả đã dày công so chiếu giữa Hoàng Lê nhất thống chí và các tiểu thuyết cùng loại của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Thứ hai, “biết chọn thời điểm nóng bỏng, thời điểm bùng nổ những xung đột gay gắt nhất, thời điểm xảy ra những biến cố quyết định bước ngoặt lịch sử để đưa vào tác phẩm” và kèm theo đó là khả năng “cô cất hiện thực” trong quãng thời gian dồn nén vào chỉ một năm “gấp 3,5 lần Nam triều công nghiệp diễn chí… gấp 9,5 lần Thiên Nam liệt truyện”, và nữa là “tác phẩm độc nhất vô nhị phản ánh và phản ánh một cách tuyệt vời phong trào Tây Sơn”. Thứ ba, “họ Ngô đã đưa vào tác phẩm một không gian nghệ thuật cực kỳ rộng lớn trải dài khắp đất nước (…) và vượt khỏi biên giới lên đến vùng Nhiệt Hà, Bắc Kinh của Trung Hoa”. Thứ tư, là tác phẩm cho thấy cả một thế giới những con người có thực, những “yếu nhân lịch sử” và cả những “hạng người dưới đáy hoặc thấp cổ bé họng”. Thế nên, nhiều khi nghiên cứu về các nhân vật lịch sử giai đoạn đó, người ra có thể tham khảo Hoàng Lê nhất thống chí. Thứ năm, chính các nhân vật lịch sử có thật ấy được xây dựng thành các nhân vật văn học và “nhiều nhân vật được xây dựng thành công tới mức có thể nói là xuất sắc”. Nghĩa là các tác giả Ngô gia đã chọn được những lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật để khắc họa tính cách của từng loại nhân vật, khiến nhân vật có cá tính và rất sống động, rất dễ nhớ. Nhân vật không bị nhòa chìm trong sự kiện mà như tỏ nổi từ sự kiện. Thứ sáu, ngoài hệ thống hàng mấy trăm nhân vật “người” hữu hình, Hoàng Lê nhất thống chí còn có hai nhân vật “thực thực hư hư” là “nhân vật dân gian và trời”. Các cây bút Ngô gia đã “triệt bỏ hình thức thơ ca” ở cuối mỗi sự kiện, thay kiểu lời bình bằng thơ bằng các phẩm bình “khoác áo” rất khách quan kiểu: người ta nói, thiên hạ cho là, bầu trời cũng phải tối tăm... Và đặc sắc thứ bảy của tác phẩm chính là giọng điệu: “trong Nhất thống chí có cả cái hào hùng, cái bi tráng và cái hài hước. Hai giọng điệu ngợi ca và trào lộng dường như song hành và hỗ trợ cho nhau tạo thành tiếng nói vừa riêng, vừa mới, vừa độc đáo…”
Tiếp nối Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Giáp Đậu cũng là con cháu của Ngô gia viết Hoàng Việt long hưng chí. Ở trên, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc sắc của Hoàng Lê nhất thống chí thì đến đây, ông cũng nói rõ những bước thụt lùi của Hoàng Việt long hưng chí,đồng thời cũng là sự suy thoái của thể loại trước khi bước vào hồi kết.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng được nhắc tới là Việt Lam tiểu sử, có thể do Lê Hoan (?) viết về giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XV. Việc dùng cái không khí “nhá nhem” của quá khứ để ngầm “thanh minh”, “giãi bày” cho hiện tại đã làm cho tác phẩm rơi vào “văn học minh họa”. Nhưng trong khi phê điểm hai tập Hoàng Việt long hưng chívà Việt Lam tiểu sử, người viết cũng tỏ ra thấu tình đạt lý và khách quan khi “thanh lọc” ra những chỗ được của hai tác phẩm trên.Hoàng Việt long hưng chí có những đoạn văn tả, kể rất hay và khích lệ được người cầm bút đi sau; còn Việt Lam tiểu sử lại được sáng tác theo một phương pháp hiện đại - cách sưu tầm tìm hiểu tài liệu từ điền dã và thực địa…
Như vậy, cả ba lời Giới thiệu chung gộp lại có tới 224 trang in, bằng một tập chuyên luận khảo cứu về văn xuôi tự sự Hán văn Việt Nam. Đến nay, có lẽ chưa có ai viết được về mấy thể loại ấy dày dặn và chuyên sâu như thế. ít nhất, đọc xong người ta cũng có sự “lắng đọng” hữu ích về diễn tiến của các thể loại: truyện ngắn và ký tách dần thành những thể loại riêng biệt và đều có thành quả nghệ thuật rõ rệt; còn tiểu thuyết chương hồi xuất hiện sau và đạt tới đỉnh cao là biểu hiện của sự trưởng thành tư duy nghệ thuật tự sự trường thiên của cả nền văn học. Nhưng như trên đã nói, các lời giới thiệu được trả về nằm trong kết cấu của từng tập, và cũng ở mỗi tập này còn một phần quan trọng không kém là phần Tác phẩm tuyển chọn.Phần này gồm 117 truyện ngắn, 70 tác phẩm ký và 5 tiểu thuyết chương hồi với cả thảy khoảng 2000 trang sách. ở đầu mỗi tác phẩm lớn, nhà nghiên cứu còn giới thuyết về tác giả, các loại văn bản, tên gọi chính thức (và chính xác nhất), nội dung và đặc điểm nghệ thuật cơ bản. Có hàng chục lời giới thuyết viết khá tỉ mỉ như một bài tiểu luận, chẳng hạn các lời đặt ở đầu Truyền kỳ mạn lục, Tiên tướng công niên phả lục, Bắc hành tùng ký, Tây hành kiến văn kỷ lược, Giá Viên biệt lục, Nam triều công nghiệp diễn chí, Thiên Nam liệt truyện, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí, Việt Lam tiểu sử…; các giới thuyết cũng chiếm hàng trăm trang in và tôi thực sự khâm phục cách làm việc rất kỳ khu ấy. Vì ai cũng biết rằng viết một trang giới thiệu cho một tác phẩm cổ trung đại là một việc không dễ. Nhiều khi chỉ mắc một niên đại, một vài chữ dị biệt thôi cũng đã tốn nhiều công sức.
Nếu phần khái quát mang đến cho người đọc một hình dung chung nhất thì phần giới thuyết mang đến cho người ta những thông tin cần, đủ khi đọc vào tác phẩm. Các tác phẩm được chọn in gồm 2 mảng: mảng mới được dịch và mảng dùng bản dịch cũ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đồng thời cũng là một dịch giả với vốn Hán ngữ, Việt ngữ dồi dào. Tác giả dịch và giới thiệu khá nhiều tác phẩm mới. Với người làm văn học cổ thì việc kiên nhẫn sưu tầm, phát hiện và dịch chú các tác phẩm mới, hỗ trợ rất nhiều cho thao tác nghiên cứu, và nói cho thật chính xác, nó cũng là một phần của quá trình nghiên cứu. Còn việc nói chay, nói trên bản dịch của người khác thì hiệu quả không được là bao. Tóm lại, tác giả là người có thẩm quyền dịch thuật và có công lao đáng nể trong việc cho ra đời nhiều tác phẩm văn xuôi tự sự mới. Tác giả cũng rất nghiêm túc trong khi dùng lại những bản dịch cũ. Nghiêm túc ở chỗ: vừa rà soát, xem xét kỹ những chỗ bản dịch cũ còn sơ xuất, vừa cẩn thận ghi rõ tên người đã dịch. Trong tình trạng sách vở “xào nấu” cốt in cho nhanh, cho có danh, có nhiều đầu sách như những năm vừa qua; thì thái độ nghiêm túc, khoa học, tôn trọng bản quyền như thế rất nên được đề cao.
Chung quy lại, cả mới và cũ, bộ sách đã cung cấp được một diện mạo tương đối đầy đủ về văn xuôi tự sự trung đại. Ba tập của bộ sách đều có độ vững của nền tảng lý luận, có bề dày của các văn phẩm được chọn tuyển. Tất cả nói lên sức lao động bền bỉ và sự tham bác sâu rộng của tác giả bộ sách. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những bộ sách có giá trị trên văn đàn mà Nhà xuất bản Giáo dục là nơi có cơ duyên được ấn hành. Bộ sách là công cụ tham khảo cần thiết và rất đáng tin cậy cho nhiều học sinh, sinh viên, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu… và đông đảo công chúng yêu thích văn học cổ. Tôi viết bài đọc sách này, mà tự nghĩ như viết một bản thu hoạch sau khi đã đọc xong.
Hà Nội, tháng 3 năm 2002
L.V.H
CHÚ THÍCH:
(1) Xin xem Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Tập Một:Truyện ngắn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997; Tập Hai: Ký, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001; Tập Ba: Tiểu thuyết chương hồi, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000. (Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn).
[Theo Tạp chí Hán Nôm, số 3/2002]