Văn hóa

Di chuyển lao động và một số biến đổi trong quan hệ họ hàng (trường hợp làng Triền, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)


15-06-2022
Trần Hoài

 

 

Mở đầu

Các nghiên cứu trước đây thường coi họ là hình thức mở rộng của gia đình. Quan hệ huyết thống luôn là liên hệ đầu tiên được nhắc đến cho việc hình thành và tồn tại của dòng họ. Ở góc tiếp cận khác, các mối dây nối kết quan hệ họ hàng, theo Cadiere (1958) gồm mối liên hệ “ngôn ngữ học” (qua hệ thống thuật ngữ xưng hô), mối dây liên hệ hành chính (do cách tổ chức theo phương diện dân sự, và thậm chí, một mức độ nào đó, theo phượng diện hình sự hay đúng hơn theo phương diện luân lý của dòng họ) và đặc biệt, mối liên hệ mạnh nhất không thể chối cãi là mối liên hệ tôn giáo (với chức năng thờ cúng tổ tiên của dòng họ). Mối quan hệ dòng họ như đã tạo cho các gia đình liên kết lại và là một điểm tựa cho từng gia đình thành viên1. Công cuộc Đổi mới đã tác động đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Dòng họ với tư cách một thiết chế của xã hội cũng đã có những đổi thay mạnh mẽ và được gọi như là sự “phục hưng” của dòng họ vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX trên vùng đồng bằng Bắc Bộ và ở cả nước (Phan Đại Doãn, 2001).

Những nghiên cứu trong vài thập kỷ trở lại đây tại một làng ở đồng bằng sông Hồng1 cho thấy, từ năm 1975 trở lại đây, quan hệ họ hàng ngày càng được thắt chặt, thể hiện rõ nét nhất qua các nghi lễ thăm viếng giữa bà con họ hàng. Hiện tượng này đã dần tăng lên và phát triển mạnh kể từ giữa những năm 80. Động lực chính, theo tác giả bắt nguồn từ cuộc cải cách trong nền nông nghiệp Việt Nam cùng với sự biến đổi các thông số văn hóa, xã hội. Quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp hợp tác hóa sang sản xuất hộ gia đình trong một nền kinh tế nhiều thành phần đã đem đến cho hộ gia đình vai trò là đơn vị sản xuất chủ yếu, là động lực thúc đẩy mức dôi dư kinh tế. Mặt khác, các hộ gia đình tham gia tích cực hơn vào các hoạt động thương mại có mức rủi ro cao hơn. Khi đó, các quan hệ họ mạc trở thành một nguồn giúp đỡ quan trọng hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở các cộng đồng nội giao và chế độ cỗ bàn có đi có lại càng củng cố quan hệ họ mạc ở một cộng đông nông nghiệp luôn phải đối phó với những đe doạ của thiên nhiên đối với sinh kế. Đây chính là những yếu tố cơ bản thúc đẩy mạnh mẽ việc thắt chặt các quan hệ, trong đó, quan hệ họ hàng giữ một vị trí quan trọng.

Phân tích trên mới chủ yếu xem xét việc gia tăng mối quan hệ họ hàng trong nội bộ làng, với giả định quan hệ này là chỗ dựa vững chắc cho các hộ gia đình trong bối cảnh chuyển biến kinh tế nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro. Vậy, quan hệ này sẽ được thể hiện như thế nào trong những hoạt động kinh tế của các hộ gia đình. Nghiên cứu này của tôi tại một cộng đồng khác ở đồng bằng sông Hồng sẽ đi vào tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa dòng họ trong tương quan với những biến đổi kinh tế đầy sôi động trong những năm sau Đổi mới qua hiện tượng di chuyển lao động tự do.

Trong khoảng hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi Chính sách đổi mới khởi đầu vào năm 1986, đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa ở Việt Nam đã có những thay đổi to lớn với việc cải thiện mức sống của đại bộ phận dân cư và sự gia tăng tình trạng về bất bình đẳng xã hội, làn sóng di dân, đặc biệt là các dòng di chuyển lao động tự do. Những phân tích đưa ra, dù là những phân tích cơ cấu ở cấp vĩ mô hay kinh tế vi mô, đều cho rằng lĩnh vực kinh tế là nguyên nhân chính và đôi khi còn là nguyên nhân duy nhất của sự gia tăng làn sóng di dân1.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà trên cả thế giới, không chỉ hiện nay mà trong những giai đoạn trước đây, di dân là vấn đề kinh tế-xã hội có tính quy luật, là một cấu thành tất yếu của sự phát triển. Trong giai đoạn phát triển hiện nay ở Việt Nam, di dân là một đòi hỏi khách quan trong nền kinh tế thị trường, là biểu hiện rõ nét nhất của sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, vùng miền lãnh thổ2.

Một trong những nguyên nhân chính của di dân là sự khác biệt về mức sống. Khi đó, nông thôn, nơi dư thừa nhiều lao động nhất, lại là nơi có thu nhập thấp nhất, chính là nguồn chủ yếu của các dòng di dân về trung tâm đô thị cũng như về các vùng nông thôn trù phú hơn.

Một số biểu hiện trong mối quan hệ tương tác giữa hiện tượng di chuyển lao động với những biến đổi trong quan hệ họ mạc, trong nghiên cứu này, sẽ được tìm hiểu không chỉ tại địa bàn xuất cư mà còn cả tại điểm đến của các lao động. Tôi sẽ tìm hiểu xem, các mối quan hệ họ mạc sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc thành lập các nhóm làm ăn tại nơi đến, hay đến việc gửi gắm ruộng đất cũng như các hoạt động trong họ mạc ở quê nhà.

1. Vài nét về làng Triền

Làng Triền thuộc xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, nằm trong vùng chiêm trũng đồng bằng sông Hồng, đời sống của người dân ở đây dựa vào nông nghiệp trồng lúa là chính, việc canh tác thêm một số loại hoa màu như: ngô, khoai, đậu... chủ yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong gia đình.

Trước những năm 80, khi nói đến làng Việt truyền thống, nhiều người ta thường xem nó như một thực thể đóng kín, bảo thủ và trì trệ. Lịch sử đời sống của những người dân làng Triền trong quá khứ và những gì có thể quan sát được hôm nay lại cho thấy người nông dân trong các làng đồng bằng sống Hồng có tính năng động xã hội và kinh tế cao hơn những gì mà các nghiên cứu trước đây về làng Việt cổ truyền từng biết.

Xem xét các hình thức di chuyển lao động ở làng Triền trong khoảng những năm đầu thế kỷ đến nay cho thấy, di chuyển lao động không chỉ là một hiện tượng mới nảy sinh. Nếu trước khi được chia ruộng (1956), thành viên trong các gia đình bần cố nông ở làng Triền tận dụng các cơ hội đi làm thuê, kiếm ăn, giải tỏa sức ép về thừa lao động, sự thiếu thốn thì đến thời kỳ Hợp tác xã (đặc biệt là trong thập kỷ 60, 70), các phong trào kinh tế mới đã được nhà nước đẩy mạnh, đưa người dân làng Triền đi xây dựng đời sống mới ở khắp các tỉnh miền núi. Sau khi thực hiện khoán 10 (5/4/1988) và đặc biệt là Luật Đất đai được ban hành (1993), việc giải phóng sự quản lý, trao quyền chủ động tổ chức hoạt động sản xuất về phía hộ gia đình đã tạo cơ hội cho hộ gia đình có khả năng thu xếp hoạt động sản xuất nông nghiệp, yên tâm về nguồn thu nông sản và tiếp đó tận dụng tối đa thời gian nông nhàn như truyền thống vốn có của họ.

Trong những năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hoá nhanh chóng, thị trường lao động tự do với rất nhiều cơ hội việc làm được mở ra cho những người sẵn sàng bán sức lao động để tìm kiếm những công việc có thể đem lại thu nhập thấp nhưng nhanh chóng, bằng tiền mặt, đóng góp cho ngân sách vốn chỉ trông chờ vào những mùa gặt hái của các hộ gia đình nông dân. Tận dụng thời gian nông nhàn để nâng cao mức sống của gia đình trở thành nhu cầu ngày một cấp bách của các hộ gia đình làng Triền trong điều kiện phát triển nhanh chóng của kinh tế đất nước nói chung và đời sống kinh tế trong khu vực xung quanh nói riêng. Bên cạnh đó, với việc nới lỏng chính sách quản lý nhân khẩu, người dân làng Triền tiếp tục rời làng ra đi. “Ở nhà quê mà trông vào sào chín (1,9 sào ruộng) thì chết đói” là câu nói cửa miệng, và trở thành tâm lý chung, suy nghĩ chung của người dân làng Triền khi họ phải ra ngoài tìm kiếm việc làm và thu nhập.

Trong khoảng những năm 90 trở lại đây, quá trình đô thị hoá đi cùng với sự rộng mở của thị trường lao động tự do, sự dư thừa sức lao động ở địa phương, quyền chủ động canh tác của hộ gia đình nông dân là những động lực chính cho phong trào di chuyển lao động ở làng Triền. Thực tế cho thấy, làng Triền sau Đổi Mới, đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây đã chứng kiến một phong trào di chuyển lao động rất mạnh mẽ của hộ gia đình và các cá nhân thành viên. 

Người dân làng Triền ra ngoài làm rất nhiều nghề/công việc khác nhau. Phụ nữ thì chủ yếu làm các công việc “gồng gánh” và “xe đẩy” (làm cửu vạn ở chợ Long Biên, Hà Nội), “sắt gỉ” (thu nhặt phế liệu như vỏ nhựa, kim loại, lông gà, lông vịt… trong làng hay sang các tỉnh khác), bán hàng ăn ở Hà Nội, bán hoa quả, bán cá khô, bán xăng, bán nước ở khắp các vùng như Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, thậm chí lên cả Lạng Sơn, Lào Cai... Đàn ông chủ yếu ra ngoài để làm các công việc như: Xe ôm, Thợ xây, Phụ hồ trên khắp các tỉnh phía Bắc. Các công việc như đánh giầy, hàn xì, mổ gà… thu hút các lao động nam trẻ của làng Triền.

Những hình thức công việc mà người dân làng Triền tham gia là rất đa dạng, nhưng nó có điểm chung là đều đỏi hỏi sức lao động phổ thông, bán sức lao động, không đầu tư về vốn hay trình độ văn hoá cao. Những nghề này thu nhập thường không cao, tính di động lớn, và khả năng bấp bênh cao, môi trường ô nhiễm và tình chất công việc nặng nhọc. 

Nghiên cứu tác động của di chuyển lao động tới cơ cấu kinh tế hộ gia đình ở làng Triền1 cho thấy, việc kết hợp sử dụng thời gian nông nhàn của các lao động chính trong hộ gia đình vào các hoạt động phi nông nghiệp nhằm sử dụng triệt để thời gian và tạo nguồn thu lớn nhất. Vai trò của các thu nhập phi nông nghiệp trong thu nhập của các hộ nông dân cũng được khẳng định, không chỉ ở số lượng lớn hơn hẳn mà còn ở sự đều đặn nhất định và khả năng đóng góp kịp thời và đa dạng trong các khoản chi tiêu ngày càng phong phú và nhu cầu tiêu dùng bằng tiền mặt ngày càng cao của các hộ nông dân. Sự đa dạng các hình thức hoạt động kinh tế đưa đến sự đa dạng các nguồn thu nhập, cân bằng các quyết định trong chi tiêu của hộ gia đình, qua đó thay đổi mức sống, gia tăng những nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình nói riêng và của cộng đồng làng xã nói chung.

Tuy nhiên, các gia đình nông dân vẫn không hoàn toàn thoát ly khỏi nông nghiệp. Điều đó trước hết thể hiện ở việc, các gia đình vẫn giữ quyền sở hữu, mối liên hệ với ruộng đất ở các mức độ khác nhau. Với các gia đình đi làm ăn xa trong thời gian dài (vào miền Nam), hay ở gần nhưng không canh tác, thì ruộng đất được người thân “giữ hộ” dưới các hình thức cho thuê, đợ; các hộ gia đình còn duy trì canh tác nông nghiệp thì luôn trở về nhà trong các dịp đồng áng để chăm sóc mảnh ruộng của mình. Điều đó chứng tỏ phản ánh tâm lý “an toàn trên hết” (safety first) của người nông dân trước những biến cố rủi ro có thể xảy đến mà những nghiên cứu về các xã hội nông dân châu Á đã chỉ ra1. Ruộng đất và nông nghiệp đã và vẫn là chỗ dựa (cả về mặt tài sản, “an toàn lương thực”, nhưng theo tôi, quan trọng hơn là về mặt tâm lý, giữ sự cân bằng về tâm lý khi chưa dứt khoát thoát ly nông nghiệp, làng quê) của người nông dân trước những biến động không lường trước của thị trường lao động tự do đang đem lại cho họ nguồn thu nhập hấp dẫn.

Di chuyển lao động - đi ra khỏi làng - như một  lựa chọn để thay đổi cuộc sống của hộ gia đình cùng cá nhân thành viên và cũng là yếu tố quan trọng, cơ bản tác động tới sự biến đổi các quan hệ trong và ngoài gia đình. Di chuyển lao động đã đem đến nhiều thay đổi trong quan hệ dòng họ, làm bộc lộ một số khía cạnh mới trong quan hệ họ mạc ở làng Triền.

2. Quan hệ họ mạc trong sự thành lập các nhóm nghề

Nghiên cứu trường hợp các nhóm nghề (thợ xây, xe ôm, khuân vác) cho thấy, quá trình thành lập nhóm, phát triển làm ăn và kết nạp các thành viên của nhóm dựa trên các quan hệ họ hàng. 

Trường hợp 1: Đội xe ôm của anh Đoàn Khắc Luận

 

 

Bảng 1: Các thành viên trong đội xe ôm của anh Đoàn Khắc Luận

 

STT

Họ tên

Quan hệ với nhóm và

người lập nhóm

Thời gian

nhập nhóm

1.

Đoàn Khắc Dịu

Người lập nhóm

Tháng Giêng 2001

2.

Đoàn Khắc Luận

Người lập nhóm

Tháng Giêng 2001

3.

Đoàn Khắc Tuân

Anh em trong họ nội tộc

Tháng 2 - 2001

4.

Đoàn Khắc Hào

Anh em trong họ nội tộc

2002

5.

Nguyễn Văn Phú

bạn ông công an ở Quảng Ninh

Tháng 2 - 2002

6.

Đặng Văn Huy

Anh em đằng vợ nhà anh Tuân

2002

7.

Đoàn Đình Thọ

Anh em trong họ ngoại tộc

2002

8.

Đoàn Đình Nương

Anh em trong họ nội tộc

Mới

 

 

Đội này đến Quảng Ninh từ 2001. Anh Luận và anh Dịu là những người của nhóm vào đầu tiên. Anh Luận có anh trai làm phó chủ tịch UBND phường nên được giúp đỡ trong việc ổn định khu vực bến bãi để làm ăn. Anh Luận và anh Dịu vào làm một thời gian thấy tình hình khả quan, sau đó về quê nói chuyện với anh em trong họ, rủ anh em vào lập nhóm cùng làm. Người đầu tiên vào cùng là anh Đoàn Khắc Tuân, là anh em họ trong nội tộc. Sau đó đến năm 2002, có 4 anh khác tham gia cùng đội này, trong đó có 3 anh ở làng Triền (2 anh cùng họ Đoàn Đình; 1 anh họ Đoàn Văn là anh em đằng vợ với anh Tuân). Nguyễn Văn Phú là bạn của một cán công an giúp cho việc làm ăn cho nhóm ở Quảng Ninh. Đến đầu năm 2007 thì anh Nương chán nghề xây, xin được gia nhập nhóm xe ôm này, mua xe máy đi cùng nhóm.

Trên địa bàn Quảng Ninh, nhóm này chia thành 2 tổ ở 2 bến khác nhau: Thọ và Dịu làm ở một bến, các anh em còn lại làm ở bến khác. Nguyên tắc làm việc của nhóm rất rõ: khi bến có khách thì anh em lần lượt đi, không tranh giành khách của nhau; nếu là khách quen của ai gọi đích danh mình thì mình đi.

Cả nhóm thuê một nhà chung trong thành phố Quảng Ninh. Thỉnh thoảng có người về quê sẽ chuyển quà và tin tức cho cả hai bên.

Anh Thọ nói về nhóm của mình

“Trước tôi chạy xe ôm đoạn từ Trương đi Hà Nội trong 2 năm 95-96. Nghỉ một thời gian ở nhà rồi lại chạy tiếp 2 năm 97-98. Hết năm 98, tôi về nhà chạy máy xát. Làm cái máy xát này cũng được, thu nhập khá, không phải đi lại nhiều, nhưng bị cái bụi bặm, lại ồn ào, người trong làng nợ chịu nhiều nên tôi lại thôi. Đến 2001 thấy đội của anh Luận vào chạy xe ôm ở Quảng Ninh kiếm ăn được, về nhà bảo mình có muốn thì đi cùng. Tôi bàn với vợ rồi về xách xe đi cho đến nay. Vào đó thấy làm ăn được thì rủ anh em làm công cho đỡ. Đi thấy về báo có khách, kéo nhau dần đi. Chúng tôi về bảo nhau là đi, không phải bàn nhiều. Anh em họ hàng thân thuộc rồi thì nhường nhịn nhau, nương tựa giúp đỡ nhau mà sống. Trong bến toàn anh em nên ít va chạm. Cả nhóm bây giờ đi lâu rồi nên cũng năng về hơn. Có thằng Nương nó mới đi được từ đầu năm nay, ham kiếm tiền nên ít về, ở đấy làm”.

Trường hợp 2: Tổ thợ xây của ông Đoàn Đình Quân

 

 

Bảng 2: Các thành viên trong tổ thợ xây của ông Đoàn Đình Quân

 

STT

Họ tên

Quan hệ với

người lập nhóm

Thời gian

nhập nhóm

Vai trò

1.

Đoàn Đình Quân

Đội trưởng,            lập nhóm

1998

Chủ cai

2.

Lưu Thị Vượng

Vợ Quân

1998

Vợ chủ cai, hậu cần

3.

Phạm Văn Sơn

Hàng xóm

1998

Thợ

4.

Đặng Văn Bình

Hàng xóm

1998

Thợ

5.

Vũ Văn Hiền

Anh em            đằng ngoại

1998

Thợ

6.

Đoàn Đình Thụ

Anh em họ          nội tộc

2007

Thợ

7.

Đoàn Đình Vững

Anh em họ            nội tộc

2007

Thợ

8.

Vũ Văn Sử

Anh em đằng ngoại

2007

Thợ

 

Tổ thợ này thành lập được gần 10 năm nay. Đoàn Đình Quân là người đứng ra tập hợp anh em, thành lập nhóm, liên hệ công việc. Nhóm chủ yếu nhận làm các công trình trong làng, nếu trong làng ít việc thì đi xây bên ngoài. Lúc đầu nhóm chỉ nhận các công trình đòi hỏi kỹ thuật đơn giản như nhà cấp 4, sau đó thì mới nhận làm nhà tầng. Tiền công thu được anh em thực hiện nguyên tắc “ăn đều tiêu sòng”, chia đều theo ngày công. 

Anh Phạm Văn Sơn, thành viên của nhóm nói về hoạt động của nhóm xây:

“Nhóm chúng tôi do anh Quân đứng ra thành lập, tập hợp anh em trong năm 1998. Lúc ấy chỉ có mấy anh em trong họ hay hàng xóm xung quanh, họp nhau lại. Nghề xây như bọn tôi, chỉ nhận các công trình đơn giản thì không cần tay nghề cao. Anh em biết xây, lại ở nhà rỗi rãi nên rủ nhau lập đội đi xây trong làng ngoài xã trong ngày ba tháng tám cho có thêm thu nhập. Chúng tôi rủ mấy anh em ăn ở với nhau lâu, dễ làm ăn, có gì gọi nhau một câu là đi, công cán thì cứ “ăn đều tiêu sòng”, thoải mái, không có khúc mắc gì, gọi là cho đỡ rỗi rãi, lại thu nhập cũng khá. Nhóm này chơi thân với nhau từ trước. Các nhóm như bọn tôi thường là anh em bạn bè hợp cạ rủ nhau đi, còn toán anh em không hợp cạ thì dễ tan. Như đội của Hạnh: trong đội có Hiền là anh ruột của Hạnh nhưng không hợp nhau nên Hạnh tách ra đi làm với ông Quân. Trong đội ấy cũng có Hà là anh ruột Hạnh nhưng không hợp với Hạnh nên lên Hà Nội làm cai, chuyên nhận làm nhà cấp 4. Xây là bạn bè, hợp thì đi, chia đều, tính toán được thì rủ nhau đi làm. Các nhóm khác như nhóm của 3 anh họ Đoàn Đình (Đoàn Đình Nhi - Tăng - Giám - Tâm) nhận các công trình nhỏ, có vợ đi cùng, anh em với nhau rủ đi”.

Trường hợp 3: Tổ xây của ông Đoàn Đình Lâm

Bảng 3: Các thành viên trong tổ xây của ông Đoàn Đình Lâm

 

STT

Họ tên

Quan hệ với trưởng nhóm

Thời gian nhập  nhóm

Vai trò

1.

Đoàn Đình Lâm

trưởng nhóm

2003

Trưởng nhóm

2.

Đoàn Đình Hon

Anh em nội tộc

2003

 

3.

Đoàn Đình Tá

Anh em nội tộc

2003

 

4.

Đoàn Đình Tăng

Anh em nội tộc

2003

 

5.

Đoàn Đình Khương

Anh em nội tộc

2003

 

6.

Đoàn Đình Mạc

Anh em nội tộc

2005

 

7.

Đoàn Đình Tăng

Anh em nội tộc

2005

 

8.

Vũ Văn Tĩnh

họ ngoại

Mới

 

 

Tương tự nhóm xây trên của ông Quân, nhóm xây của ông Lâm cũng được thành lập dựa chủ yếu trên các anh em trong họ. Các công trình nhóm nhận đều là những công trình nhỏ, đòi hỏi về mặt kỹ thuật không cao (nhà cấp 4 hoặc mái bằng).

Anh Đoàn Đình Khương, thành viên của nhóm nói về nhóm:

“Nhóm thành lập được 4 năm. Đầu tiên có ít, sau đó mới rủ thêm. Công trình nhận có khi không làm kịp thì rủ thêm anh em, nó biết làm thì bảo nó đi làm thêm vào, đi xong công trình. Anh Lâm đứng đầu, đại diện cho anh em nhận công việc, lấy tiền nong. Nhóm chỉ nhận các công trình nhà cấp 4 chứ không nhận 2 tầng. Cao lắm là nhận làm nhà mái bằng. Tiền được thì chia đều, cùng làm cùng hưởng. Làm nhanh thì hưởng nhiều, làm chậm thì hưởng ít”.

Bên cạnh các nhóm xây như của ông Quân và anh Lâm như trên, đã có những nhóm xây theo “cơ chế mới” như anh Khương và anh Lâm mô tả:

“Bây giờ cơ chế mới, có các nhóm xây do “cai” đứng ra lập đội, tự thuê, mua hết các đồ cần thiết như máy trộn, cốt pha cho đến cuốc xẻng, bay… rồi đi nhận công trình. Mình là thợ thì mình đi làm công cho cai, không nhận chung. Những đội như chúng tôi thì chỉ đi trong làng, ngoài xã, nhận các công trình nhỏ. Những đội có tay nghề vững thì nhảy ra ngoài Hà Nội, Quảng Ninh làm nhiều tiền hơn. Như đội của Khoa - Khương làm ở Hà Nội - Hải Phòng. Họ có chân rết, người nhà mới tín nhiệm. Không có thì tiền nó không trả cũng chịu. Làng có nhiều cai bên ngoài, thuê thợ tỉnh khác. Những người đi làm cho cai không căn cứ vào quan hệ, quan trọng là phải có tay nghề. Có tay nghề thì người ta mới bảo mình đi”.

“Trước các nhóm ăn lộc chung, làm việc, sau đó ăn chia, hỏi xem giá này được không, ăn đều chia sòng thì rủ anh em. Bây giờ mình theo cai. Trước chung tiền mua cốt pha, cha chung không ai khóc nên hỏng hóc chỉ bán được 300 - 400, mất mát đi. Bây giờ cai đứng ra mua hết, tiền của họ nên họ phải giữ, thuê thợ theo hợp đồng”.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, các nhóm nhỏ làm việc dù nghề nghiệp khác nhau, nhưng có cùng điểm chung là được thành lập trước hết và chủ yếu trên cơ sở anh em nội tộc, gần gũi. Nó phù hợp với hình thức công việc tranh thủ thời gian nông nhàn, yêu cầu về kỹ thuật không nhiều, đầu tư không cao và thu nhập cũng ở mức trung bình. Điều quan trọng nhất ở đây là sự đoàn kết, thông cảm, nhường nhịn giữa các anh em nhằm có công việc theo kiểu “ăn đều, tiêu sòng”. Cùng với yêu cầu ngày càng cao của các công trình thì có những hình thức tổ nhóm mới được thành lập với cách thức khác hẳn với hình thức trên: các yêu cầu về kỹ thuật, tay nghề được đẩy lên cao nhất; các phương tiện lao động được “cai” đứng ra đầu tư toàn bộ; người lao động đựơc cai trả lương. Đây là hình thức mới mang đúng dáng dấp của hình thức tổ chức của kinh tế thị trường với yêu cầu chất lượng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở làng Triền thì các tổ nhóm làm ăn nhỏ vẫn chiếm ưu thế. Nó phản ánh sự chiếm ưu thế của các hình thức lao động nhỏ, di chuyển ngắn tranh thủ thời gian nông nhàn và không mạo hiểm đầu tư lớn, chuyên sâu một ngành nghề khác của người nông dân. Nó giữ cho người nông dân một tâm lý an toàn khi dù công trình nhiều  hay ít, họ vẫn không phải đối mặt với tâm lý rời xa nông nghiệp và gia đình.

3. Quan hệ họ hàng với việc cho thuê - đợ ruộng đất

Thống kê về tình hình chuyển nhượng ruộng đất dựa trên các thông tin về quan hệ giữa người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng cho thấy

 

Bảng 4: Tình hình thuê - đợ ruộng đất ở làng Triền                     (xét theo quan hệ)

 

Quan hệ

Quan hệ (chi tiết)

Tần số

Số lượng ruộng

Họ nội

Bố mẹ

41

114

Anh em họ

16

38

Anh em ruột

24

57

Cô, dì, chú bác

17

47,5

Tổng 1

98

256.5

Họ ngoại

Bố mẹ

20

38

Anh em họ

8

19

Anh em ruột

8

30,4

Cô, dì, chú bác

8

28,2

Tổng 2

44

115.6

Hàng xóm

66

171

Công điền

12

38

Tổng

220

581,1

 

Nguồn: Điều tra tại các đội sản xuất làng Triền

Các gia đình tham gia di chuyển, không có khả năng canh tác thì thường cho thuê, đợ, hoặc bán ruộng đất có thời hạn, và chủ yếu là chuyển nhượng cho anh em ruột thịt hoặc họ hàng bên nội. Thống kê về tình hình sở hữu, chuyển nhượng, thuê - đợ ruộng đất cho thấy: ruộng đất thường được cho họ hàng thuê đợ (chiếm 64,5% các trường hợp; 64% số ruộng). Những quan hệ họ hàng  tham gia chuyển nhượng ruộng đất được thể hiện khá chi tiết, từ bố mẹ, tới anh em ruột, anh em họ, và cô dì, chú bác. Số lượng bên họ nội chiếm đa số (44,6% số trường hợp và 44,1% số ruộng), hơn hẳn so với các trường hợp thuê/đợ ruộng đất với bên ngoại (20% số trường hợp và 19,9% số ruộng). Điều này được một người dân làng Triền giải thích.

“Ở đây phân biệt nội - ngoại rất rõ. Ruộng đất nếu không sử dụng thì thường cho người ở bên nội thuê - đợ, hoặc cho hẳn. Cũng có trường hợp cho bên ngoại thuê - đợ, nhưng không nhiều. Trong trường hợp là xuất ruộng của con gái, khi lấy chồng sẽ được đem theo xuất ruộng này của mình - vốn được nhà nước chia cho mình, đem về nhà chồng để cấy cày sản xuất, Còn nếu nhà không sử dụng thì hầu hết chỉ cho những người trong quan hệ bên nội (con trai, con cháu…) cho đợ hay mua ruộng, ý là ruộng vẫn ở nhà mình, về lại cày cấy tiếp. Ở đây phân biệt nội - ngoại rõ lắm. Ngay như trong đám ma, cũng chỉ cho người trong họ nội đưa và vài người hàng xóm nữa đến, còn cỗ bàn thì bên ngoại chỉ phải đến ăn thôi, không làm gì, mà muốn làm thì cũng không mượn, chỉ bên nội làm thôi. Phân biệt rất là rõ ràng”. (Đinh Thị Hoan, 44 tuổi)

Số ruộng đất cho thuê đợ sang các quan hệ họ hàng bên họ ngoại khá đáng kể chứng tỏ nhận xét của chị Hoan chưa hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, sự khác biệt nội - ngoại trong quan hệ họ hàng, thể hiện qua quan hệ cho thuê - đợ ruộng đất đáng được ghi nhận.

Trong số các quan hệ họ hàng trong thuê - đợ ruộng đất trên, thì việc thuê - đợ của bố mẹ chiếm số lượng đáng kể nhất tính ở cả hai đằng quan hệ nội - ngoại. Thống kê đó có thể làm chúng ta bất ngờ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra kinh tế hộ gia đình ở làng Triền, chúng tôi nhận thấy một thực tế là, cùng với việc tách ra ăn riêng với gia đình con cái (như đã đề cập ở chương trước), khi bố mẹ không còn đủ sức để cày cấy đã cho gia đình các con hoặc gia đình người khác thuê - đợ ruộng đất cày cấy để thu về lãi, làm lương thực dự trữ.

Hỏi: việc con cái giúp bố mẹ làm ruộng ở đây thế nào?

Anh Tài (cười): ở đây chờ con cái giúp bộ mẹ làm ruộng? khó lắm. Con cái bây giờ có thời gian rỗi là lao đi làm kinh tế hiếm con cái giúp bố mẹ. Giúp ông bà thì làm gì có công (cười). Nếu thiếu thì phải thuê người, không thì cho con cái thuê ruộng, nó trả lại thóc. Bây giờ dịch vụ hết. Như trường hợp ông Loát - bố ông Chủ. Ông này già rồi, phải bỏ ruộng cho con thuê 3 sào, lấy 50cân/sào/vụ. Bao nhiêu thứ tiền: khóc - cười,… chừng ấy tiêu sao đủ được, chắc chắn là thiếu. Con cái nó phải đi làm kinh tế của nó đã, bố mẹ cứ từ từ.

(Phỏng vấn Nguyễn Văn Tài, đội trưởng đội sản xuất thôn 3)

Việc gửi gắm phần ruộng đất của gia đình mình cho họ hàng này cũng giúp người đi làm ăn xa yên tâm về sự bảo quản ruộng đất để có thể khi không còn đủ sức đi làm ăn xa thì quay trở về làm nông nghiệp.

4. Những chuyển biến trong hoạt động của dòng họ ở          quê nhà

Làng Triền trong những năm gần đây ghi nhận sự phát triển trở lại của dòng họ, thể hiện qua việc xây dựng nhà thờ họ, tổ chức giỗ tổ, mở rộng liên lạc trong họ, hội họp bàn các việc trong họ. Các dòng họ khi xây dựng lại họat động rất chủ động trong việc liên hệ với những người trong họ đã chuyển đi sinh sống ở nơi khác. Mặt khác, những người này  vẫn giữ liên lạc với gia đình, dòng họ, quê hương qua những hoạt động cụ thể như thăm viếng, thông tin liên lạc, mời trong các dịp lễ tiết quan trọng… và sẵn sàng đóng góp cho các phong trào, họat động chung của họ.

Các họ lớn làng hiện có hai họ lớn nhất là Đoàn Đình và Đoàn Khắc đã có nhà thờ. Họ Phạm đang xúc tiến liên lạc với các gia đình trong dòng họ trong cũng như ngoài làng Triền để đóng góp, có kế hoạch xây dựng nhà thờ họ. Theo ý kiến của người dân trong làng thì sỏ dĩ việc xây dựng nhà thờ họ phát triển là do “con cháu ăn nên làm ra, dân tình có của ăn của để, có họ có con cháu đi nước ngoài, về cung tiến vài nghìn đô. Các họ có con cháu giàu nghĩ về cội nguồn”. (Ông Phạm Văn Phượng, 75 tuổi)

Các hoạt động khác trong họ cũng được duy trì với sự đóng góp của con cháu trong họ, dù ở nhà hay đi làm ăn xa. Dưới đây là sổ ghi chép việc đóng góp trong năm của họ Đoàn Khắc.

Bảng 5: Thống kê về số lượng người đóng góp của họ Đoàn Khắc

 

Tên trưởng ngành

Số suất Đinh

Ở nhà

Đi vắng

Tẩy

46

21

25

Sỹ

125

75

50

Hảo

90

47

43

Viềng

29

23

06

158

68

90

Tổng

448

234

216

 

Ông Đoàn Khắc Tơ, trưởng chi 3 của họ Đoàn Khắc giải thích cho chúng tôi về việc đóng góp này:

“Họ nhà tôi có 5 ngành. Hàng năm, những ông già của các đầu ngành xem ngành nhà mình có bao nhiêu suất đinh rồi bảo con cháu đóng góp. Ngành bên tôi là ngành 3, có 158 suất đinh nhân lên 100.000đ/suất. Ai hảo tâm đưa về nhiều, chúng tôi ghi tiền đóng góp riêng, tiền ủng hộ riêng, trong nhà thờ họ có bảng ghi lại hết. Tổng cộng họ nhà tôi có 448 suất đinh = 44.800.000đ. Ở nhà có 234 người, số người đi thấp thoáng vẫn tính là ở nhà. Có 214 người đi vắng, nghĩa là đi vắng hẳn, nhưng vẫn liên lạc về thì họ gửi thư hoặc gọi điện thoại báo tình hình sinh hoạt của họ cho con cháu đóng góp và về tham dự. Các hoạt động trong họ không cầu kỳ gì, chỉ có hàng năm, cuối năm về tảo mộ. Các cụ đầu trưởng ngành họp lại, bầu ra ban lãnh đạo kiến thiết, mỗi ông lo 1 việc. Con cháu đi làm bên ngoài ủng hộ nhiều. Cuối năm tảo mộ, tập trung làm giỗ họ mỗi suất đinh đóng 150.000, đánh chén rồi rút kinh nghiệm. Đến ngày giỗ họ thì chủ yếu người ở nhà, chủ yếu mấy trăm suất đinh ở nhà, tập trung ăn ở nhà. Họ cử ra bộ phận hậu cần, mua thực phẩm ăn uống. Con cháu đi làm xa về nhiều nhất trong những dịp Tết”.

Như vậy, với việc các sinh hoạt chung của dòng họ, mà quan trọng nhất là các dịp tảo mộ đầu năm, giỗ tổ, xây dựng nhà thờ họ, ma chay của người trong họ... được duy trì nhằm cố kết dòng tộc, thì những người đi làm ăn xa, ít về nhà vẫn được tính đến. Mối liên kết của những người đi làm ăn xa được duy trì với dòng họ thông qua sự chủ động của hai bên. Những người đi làm ăn xa giữ liên lạc với dòng họ, về thăm quê, đóng góp với dòng họ trong những dịp đầu năm, giỗ họ. Về phía dòng họ mỗi khi có công việc trong họ đều thông báo đến những người còn liên lạc. Mối dây liên kết này giữ gìn cho người di chuyển nơi neo đậu ở quê hương, bản quán, và cho dòng họ sự mở rộng quan hệ, khả năng đóng góp tài chính cho các hoạt động của dòng họ.

Các hoạt động tập thể quan trọng của họ tộc bao gồm: giỗ tổ, gặp mặt đầu năm, ma chay, sang cát của những người trong họ. Người đi xa thường thu xếp về vào những dịp này. Các thống kê về những lần về nhà của những người đi làm ăn xa cho thấy một trong những mục chủ yếu là dự các đám giỗ trong họ. Với các đám giỗ quan trọng bên nội, người chồng nếu ở xa có thể không về, nhưng người vợ (con dâu) phải có mặt để lo việc bếp núc, thực hiện nghĩa vụ dâu con, và có thể đại diện cho chồng.

Việc ma chay trong làng cũng yêu cầu sự tham gia giúp sức với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận” của mỗi thành viên trong cộng đồng. Giáp[1] có Giáp trưởng là người do hàng Giáp bầu lên đứng ra điều hành. Theo trình tự thì mỗi khi một gia đình trong giáp có người mất, gia đình sẽ báo cho Giáp trưởng, Giáp trưởng sẽ báo đến các tổ thời gian đưa tang, cắt cử Ban tết lễ và người phục vụ cho lễ tang trong tất cả các khâu. Mỗi họ có 1 người đại diện trong ban tang lễ để tiện cho việc báo tin và cắt cử công việc. Mọi thành viên trong hàng Giáp đều phải có trách nhiệm tham gia phục vụ lễ tang nếu được cắt đặt.

Trách nhiệm đi lễ tang của thành viên trong Giáp:

“Họ nào họ nấy lo việc thì chủ yếu là lo việc hiếu, hàng năm họp hành cũng việc hiếu. Việc cưới xin là việc xã hội của anh, không ai đếm xỉa đến, cưới tôi đến ông thì ông đến tôi, giả nợ miệng nhau. Còn trong việc đưa tang thì đưa nhau đến lúc cuối cùng. Có ai mất, Giáp sẽ báo cho cả tổ. Có các cụ mất mà ông ra đứng không xem, lảng tránh là không được. Có phải ai cũng đi đưa đâu. Cả tổ đều phải có trách nhiệm. Trong đám tang thì anh em họ khác vào giúp là nhiều, có khăn trắng đưa đi. Nói chung là thừa người. Ông nào lảng vảng không làm thì bị trách, nói xa không được thì nói gần. Ai chả phải chết mà lảng tránh, sợ mất vệ sinh. Họ Đoàn Đình còn may áo, sợ anh này anh kia chuồn nên kiếm người. Như vậy là đóng đinh trách nhiệm của anh. Ngành của anh phải góp mấy người, đến lượt anh để khỏi lảng tránh. Nhưng chúng tôi tự giác là nhiều”. (Ông Đoàn Khắc Lân, 76 tuổi)

Tuy nhiên, trách nhiệm đó cũng có ngoại lệ, thông cảm với những người đi làm ăn xa:

“Với những người đi làm, có nguyên nhân, không về được thì rộng lượng, không gò được, thông cảm cho họ. Như những người đi làm ở Hà Nội, Quảng Ninh thì không cần phải gọi. Ai biết ông chết mà người ta ở nhà. Cái ấy chả ai cần đếm xỉa đến”.

“Chính ra là những người ở nhà vất vả vì ít người. Thôi, có bao nhiêu người chết liên tục đâu, phải xác định cho người ta. Có người có con đi làm trong Nam, bố mẹ vẫn đóng góp tiền đinh cho Giáp, sau này con còn về. Nếu anh mất nơi khác thì hàng Giáp gửi hương đăng. Nếu ông không đóng thì kệ ông. Không đóng thì thôi. Những người “khôn lỏi sỏi vặt” thì mình không đếm xỉa đến”.Ông không đi bao nhiêu đám, đến đám nhà ông người ta không đi. Trước kia họ nào họ ý; bây giờ còn là tình hàng xóm láng giềng”. (Ông Đoàn Khắc Lân, 76 tuổi)

Giáp 4 hàng năm vẫn họp đều đặn vào thời gian là tháng 12 âm lịch hàng năm, đây là những ngày gần Tết, là thời gian thanh nhàn. chủ yếu để bàn chuyện hiếu (tang ma) cho các thành viên trong giáp. Sau mỗi cuộc họp có tổ chức ăn uống, “liên hoan hàng Giáp”. Chi phí cho các hoạt động này được nộp tự nguyện theo các suất đinh trong Giáp. Những người đi làm “gần gũi” (làm gần làng Triền) cũng về tham dự.

“Giáp tôi cứ đến ngày mồng 3-5/12 âm lịch hàng năm là ăn hàng Giáp, chọn ăn tại nhà ông nào rộng rãi. Tuỳ theo kinh tế, giá cả lúc đó, mỗi người góp 15-20.000đ. Hàng Giáp 7 họ đến với nhau, thu tiền phải mấy ngày mới hết”.

“Ăn hàng Giáp chỉ đàn ông con trai 18 tuổi trở lên đi. Đàn ông đi vắng thì đàn bà làm nhiệm vụ. nhưng thường là miễn, ít đi. Hôm ăn có phân công ban cấp dưỡng, đàn ông chủ yếu, các bà đến mời mỗi người giúp một tay. Bây giờ ăn cũng giản đơn. Người nào đi làm xa cố gắng về. Đại bộ phận gần Tết về đủ, kể cả thợ xây cũng về nên thiếu không đáng kể, chỉ thiếu khoảng 10%, còn đâu là về. Quỹ thì khi có việc đều có đóng mỗi suất 3-5.000đ, tiêu không hết thì để sang năm. Cứ nhà nào có có suất đinh thì đè ngửa ra đóng. Người ta cũng thích đóng. Họ Đoàn Khắc đóng cả nữ. Tiền quỹ đóng dùng để để tu sửa, mua bán dụng cụ tang lễ như cờ, trống lệnh… Giáp nào cũng có, họ nào cũng có bộ tang lễ riêng để lo việc trong họ. Trước đây có ruộng Giáp (mấy sào) để lo việc này. Bây giờ thì phải đóng tiền. Giáp 7 họ này lo việc gọn gàng đầy đủ, kể cả ngày mùa cũng còn thừa người. Đưa đón các cụ thì thanh niên làm việc là chính”. (Ông Phạm Văn Phượng, 75 tuổi)

Như vậy, cuộc sống cộng đồng của làng Triền với nhiều hoạt động nhấn mạnh và giữ gìn tính cộng đồng mang dáng dấp của đời sống thôn quê Băc Bộ xưa, vẫn được duy trì và không hề giảm sút ý nghĩa quan trọng, vai trò của nó đối với cộng đồng nói chung cũng như với trách nhiệm của mỗi thành viên dù ở nhà hay đi làm xa nói riêng. Trong các sinh hoạt cộng đồng trên, người đi làm bên ngoài vẫn cố gắng về tham dự các dịp sinh hoạt cộng đồng hay có giỗ trong họ. Tuy nhiên, sự vắng mặt khó tránh của những người đi làm ăn xa cũng đã được tính đến, và nhận được sự cảm thông nếu vắng mặt. Sự cảm thông đó cho thấy sự phổ biến và mức độ quan trọng của việc đi làm ăn xa, như một phần trong cuộc sống của cộng đồng làng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự vắng mặt của các thành viên trong mỗi dịp này cũng không khỏi làm ảnh hưởng đến vai trò của họ, của gia đình, của người cha trong dòng họ như câu chuyện của ông Hiên dưới đây:

Ông Hiên có 5 người con, 2 gái và 3 trai, 2 người con gái của ông Hiên hiện đã lập gia đình, đang ở trong làng Triền. 3 người con trai của ông đều đi làm và sinh sống ở bên ngoài, 2 người ở miền Nam và một người ở Quảng Ninh.

“Con cái (con trai) đi hết cả rồi nhưng có việc gì trong họ tôi đều đóng góp đầy đủ cho bọn nó, mà thường là đóng góp hơn, được họ tuyên dương, ghi trên bảng đóng góp của họ. Nhưng bây giờ, họp hành cái gì trong họ mạc tôi cũng chả có ý kiến gì nữa. Có ý kiến thì nó lại bảo: “Ông cứ nói thế, bây giờ có việc, con nó không có nhà, không có ai làm thì sao? Cháu hỏi ông chứ bây giờ các chú cháu sống ở chỗ khác sướng chứ, không sướng thì tại sao các chú ấy không về? Bọn cháu ở nhà, việc gì cũng đến tay, bê cũng đến, chặt cũng đến; ở nhà khổ bỏ mẹ”. Tôi đành bảo: “Mấy thằng con nhà tôi không giỏi giang, trình độ gì nên phải đi nơi khác làm ăn sinh sống, chứ ở làng được thì đi làm gì cho khổ”. Thằng Bộ con nhà ông Quy, bố nó, nó nói thẳng tưng, chả nể nang gì ai. Ở nhà đám xứ thì nhiều, nhất là những đám bốc mả, phải đi đêm đi hôm. Mình không có con ở nhà, không có người đi làm thì có nói hay đến mấy nó cũng bảo là dở. Cứ mỗi kỳ đêm hôm đi bốc mả, họ hàng họp lại bàn gì mình cũng không dám nói nữa. Con cái đi cả, ở nhà muốn hơn người cũng khó” (Ông Đoàn Đình Hiên, 62 tuổi)

Trường hợp của ông Hiên cho thấy tình cảnh khó xử của người bố đối với dòng họ trong trường hợp các con trai không ở nhà. Một mặt, khi có những người con, đặc biệt là con trai đi làm ăn xa, sinh sống nơi khác, người bố ở nhà giữ gìn mối dây liên kết cho người con với dòng họ bằng việc nộp các khoản đóng góp đúng với nghĩa vụ của mỗi thành viên, mỗi suất đinh trong họ. Tuy nhiên, sự vắng mặt của con trai cũng làm cho tiếng nói, ý kiến bàn bạc trong các dịp quan trọng của họ của người cha bị giảm sút vì không có người (con trai nhà mình) trực tiếp đứng ra gánh vác.

Thay lời kết

Như vậy, di chuyển lao động cùng biến đổi kinh tế - xã hội và các hệ quả của quá trình này đã có những tác động tích cực tới việc tái cấu trúc lại dòng họ và “làm mới” lại các quan hệ họ hàng. Theo đó, tổ chức dòng họ cùng các quan hệ cộng cảm được khôi phục, duy trì, phát triển là chỗ dựa vững chắc cho các thành viên trong cuộc sống làng xã, cũng như lúc qua đời. Mặt khác quan hệ họ hàng trở thành nền tảng cho việc hình thành các nhóm, mạng lưới tạo cơ sở tốt cho các cá nhân có quan hệ họ hàng giúp đỡ nhau tìm công ăn việc làm, và kết hợp, hỗ trợ nhau trong công việc. Bên cạnh đó, sự vắng mặt của người con trai ở nhà cũng làm thiếu hụt lực lượng trong các công việc của dòng họ, và làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiếng nói, vị thế của người cha trong các công việc nhất định của dòng họ.

T.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Đặng Nguyên Anh, (2006), Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

2.     Leopold Cadière, (1997), Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

3.     Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, (1996), Mối quan hệ làng họ và gia đình truyền thống, trong Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam (quyển 2)¸Tương Lai (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.     Trần Hoài, (2010), “Tác động của hiện tượng di chuyển lao động tới sự biến đổi cơ cấu kinh tế hộ gia đình nông dân ở đồng bằng châu thổ sông Hồng (nghiên cứu trường hợp làng Triền, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)”, in trong Những vấn đề Kinh tế - xã hội ở nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.

5.     Lương Văn Hy, (1994), “Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở miền Bắc Việt Nam (1980 - 1990)”in trong Những thách thức trên con đường cải cách Đông Dương, Borje Ljunggren (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.     Lương Văn Hy, (2010), “Dòng quà tặng và vốn xã hội trong 2 cộng đồng nông thôn Việt Nam”, in trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân họcquyển 1, do Lương Văn Hy, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Phan Thị Yến Tuyết biên tập, tr. 397-424. Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

7.     Phillippe Papin, Oliver Tesseier, (2002), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8.     James C. Scott, (1976), The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia. New Haven: Yale University Press.

 


 

1 Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, (1996), Mối quan hệ làng họ và gia đình truyền thống, trong Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam (quyển 2)¸Tương Lai (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

1 + Lương Văn Hy, (1994), “Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở miền Bắc Việt Nam (1980 - 1990)”in trong Những thách thức trên con đường cải cách Đông Dương, Borje Ljunggren (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

+ Lương Văn Hy, (2010), “Dòng quà tặng và vốn xã hội trong 2 cộng đồng nông thôn Việt Nam”, in trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân họcquyển 1, do Lương Văn Hy, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, và Phan Thị Yến Tuyết biên tập, tr. 397-424. Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

1 Phillippe Papin, Oliver Tesseier, (2002), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2 Đặng Nguyên Anh, (2006), Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.9.

1 Trần Hoài, (2010), “Tác động của hiện tượng di chuyển lao động tới sự biến đổi cơ cấu kinh tế hộ gia đình nông dân ở đồng bằng châu thổ sông Hồng (nghiên cứu trường hợp làng Triền, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)”, in trong Những vấn đề Kinh tế - xã hội ở nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội

1 James C. Scott, (1976), The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia. New Haven: Yale University Press

[1] Làng Triền được chia thành 5 hàng Giáp, mà thực chất Giáp là các họ: 3 giáp đầu tiên chính là 3 họ lớn nhất trong làng: Giáp 1 là họ Đoàn Đình; Giáp 2 là họ Đoàn Khắc; Giáp 3 là họ Vũ; Giáp 4 gồm 7 họ bé đến sau (gồm các họ: Trần, Nguyễn, 2 họ Phạm, Hoàng; Đặng; Vũ (đến sau)); Giáp 5 gồm dân tứ chiếng kéo về đây trong thời kỳ làng Triền còn thịnh đạt. Đến thời kỳ giảm tô cải cách, giáp 5 ít người quá nên ghép vào với giáp 4; làng còn 4 giáp. Đến ngày nay hình thức Giáp không chính thức bị xoá bỏ, mà còn lẩn khuất trong các hoạt động mang tính truyền thống của cộng đồng làng: sinh hoạt họ; lên lão, tang ma… như một nét truyền thống của làng Triền xưa.

 

Theo: Thông báo văn hóa 2011 – 2012, Nhiều tác giả, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013.

 

Post by: admin
15-06-2022