Vĩnh Thông
1. Mở đầu
Người Hoa là một trong những tộc người có mặt ở Nam Bộ từ khá sớm và có nhiều đóng góp vào kho tàng văn hóa phong phú trên vùng đất mới này. Châu Đốc là nơi tập trung đông đảo người Hoa sinh sống, đến nay họ còn bảo lưu nhiều hình thái tín ngưỡng - tôn giáo đa dạng, trong đó đặc biệt cộng đồng Triều Châu có nghi lễ nhập đồng hết sức độc đáo. Đây là hình thức ma thuật kết nối giữa thế giới thiêng và phàm, thể hiện quyền uy của thần thánh và củng cố niềm tin cho con người. Thực hành tín ngưỡng này được người Triều Châu mang đến và duy trì hơn hai thế kỷ, trở thành sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu về nghi lễ nhập đồng của người Hoa ở thành phố Châu Đốc và một số địa bàn lân cận, đặc biệt là những nơi tập trung đông đảo người Hoa Triều Châu sinh sống. Trải qua hàng trăm năm, nghi lễ nhập đồng của người Hoa tại Châu Đốc có trường hợp còn bảo lưu được, nhưng cũng có trường hợp đã biến đổi hoặc mai một. Bài viết này sẽ tập trung phân tích diện mạo, đặc trưng và giá trị của nghi thức nhập đồng này trong văn hóa tộc người Hoa ở không gian nêu trên.
2. Khái quát về nghi thức nhập đồng của người Hoa
Trong nghiên cứu văn hóa, thuật ngữ ma thuật được dùng để chỉ những hình thức vận dụng các năng lực tâm linh kỳ bí của con người tác động vào tự nhiên và tạo ra những hiện tượng không thể giải thích được. Theo Sigmund Freud, ma thuật là phương tiện dùng để tác động đến thần linh, bộ phận khởi nguyên và có ý nghĩa của kỹ thuật vạn vật hữu linh, sử dụng những phương pháp đặc biệt hơn những phương pháp tâm lý học tầm thường… (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: 126). Một cách đơn giản hơn, ma thuật có thể được hiểu là “nghệ thuật thực hiện các hành động thông qua động tác, lời nói, thần chú mang tính huyền bí của thầy cúng, thầy pháp có khả năng giao tiếp với lực lượng siêu nhiên để đạt được mục đích mong muốn” (Nguyễn Thị Hiền 2014: 61). Ở Việt Nam hiện nay khi nói đến ma thuật, người ta thường biết đến hoạt động lên đồng, hành xác, bùa chú, cầu đảo, ban phép…
Nhập đồng còn được dân gian gọi là lên đồng, lên xác, nhập xác… là hiện tượng được cho rằng thần thánh hay vong hồn nhập vào thân xác một người để răn dạy, giải đáp, phù hộ… cho dân chúng. Người nhập đồng (shaman) có vai trò làm trung gian trong giao tiếp thiêng - phàm. Theo các nhà nghiên cứu, nhập đồng có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các dân tộc vùng Nam Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Nam Trung Hoa… (Từ Thị Loan 2016: 74). Tiếp cận phân tâm học trong nghiên cứu văn hóa, Carl Jung đưa ra lý thuyết vô thức tập thể để lý giải trạng thái này. Ông cho rằng khi đó “con người bộc lộ những khả năng, chứng minh những hiểu biết, vốn thiếu vắng ở họ trong trạng thái bình thường” (A.A. Belik 2000: 101).
Đối với nghi thức nhập đồng của người Hoa, theo tư liệu điền dã của chúng tôi, nó bắt nguồn từ tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương. Ba vị sơn thần này được dân gian gọi là Nhứt Vương, Nhị Vương và Tam Vương. Đây là một loại hình tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng người Hoa nhóm phương ngữ Triều Châu, có nguồn gốc từ quan niệm sùng bái núi non của cư dân cổ xưa. Về nguồn gốc, tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương ra đời ở vùng Yết Dương - Triều Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông) gắn liền với ba ngọn núi là Minh Sơn, Độc Sơn và Cân Sơn. Tam Sơn Quốc Vương là ba vị thần vâng lệnh Ngọc Đế xuống trần cai quản ba ngọn núi này từ thời nhà Tùy và thường xuyên hiển linh.
Bên cạnh đó còn nhiều giai thoại dân gian khác về Tam Sơn Quốc Vương. Chẳng hạn chuyện kể năm 970, quân Tống tiến đánh Nam Hán, đã cầu xin Tam Sơn Quốc Vương phò hộ. Sau khi thắng trận, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận sắc phong cho thần Minh Sơn là Trợ Chánh Minh Túc Ninh Quốc Vương, thần Độc Sơn là Huệ Uy Hoằng Ứng Ninh Quốc Vương và thần Cân Sơn là Thanh Hóa Uy Đức Báo Quốc Vương (Lâm Thanh Quang 2017: 5). Ở một câu chuyện khác, ba ông vốn kết nghĩa huynh đệ với nhau và tu hành trên núi, có lần đã cứu giá Tề Vương đi tuần gặp nạn, được vua phong vương và cho cai quản vùng núi Tam Sơn, sau đó ba vị tiếp tục tu hành cứu nhân độ thế (Lâm Tâm 1994: 98-99).
Người Hoa Triều Châu đi đến đâu cũng duy trì phát triển tín ngưỡng này. Tuy nhiên khi xa quê cũ, các nhóm người Hoa sống gần gũi nhau hơn dẫn đến ảnh hưởng qua lại, từ đó nghi thức nhập đồng được một số cộng đồng tiếp nhận và đưa vào lễ cúng những thần linh khác (Quan Đế, Thiên Hậu, Cảm Thiên Đại Đế…). Dấu hiệu nhận diện những ngôi miếu có nhập đồng là ba chiếc ghế sơn màu đỏ được đặt trong chánh điện, một ghế có gắn nhiều lưỡi dao và hai ghế có gắn nhiều đinh nhọn. Điểm đặc biệt trong nghi lễ nhập đồng của họ là các hình thức “hành xác”. Người nhập đồng xẻ lưỡi lấy máu vẽ bùa, xỏ cây qua miệng, đập trái đinh vào người, ngồi ghế dao, đi trên than lửa… Sau khi nghi thức kết thúc, người ta không phát hiện vết thương trên cơ thể họ.
Ngày nay, nhập đồng vẫn còn tìm thấy ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương… Tại thị xã Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng, Phước Đức cổ miếu (dân gian gọi là chùa Xà Bế) cũng thờ Ông Bổn là Tam Sơn Quốc Vương và có nghi thức nhập đồng, trong lễ cúng Cảm Thiên Đại Đế ở Thanh Hòa cổ miếu cũng có nghi thức nhập đồng với ba chiếc ghế như trên. Ở huyện Cầu Kè - tỉnh Trà Vinh, vào lễ Vu lan hằng năm, sáu ngôi miếu thờ Ông Bổn đều có nghi thức nhập đồng (Vạn Niên Phong cung, Minh Đức cung, Vạn Ứng Phong cung, Thiên Đức cung, Vạn Đức Phong cung, Niên Phong cung). Tại huyện đảo Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang, nghi thức này xuất hiện ở Huê Quang Đại Đế miếu (tên dân gian là chùa Ông Gành Gió). Tại thành phố Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương, có hình thức nhập đồng ở Phước An miếu thờ Thất Phủ Đại Nhân của người Phước Kiến. Với tỉnh An Giang, nghi thức nầy có mặt ở thành phố Châu Đốc (Tam Sơn miếu), thị xã Tân Châu (Quan Đế miếu) và huyện An Phú (Nhị Vương miếu).
3. Đặc điểm nghi thức nhập đồng của người Hoa ở Châu Đốc
3.1. Nhập đồng trong tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương
Miếu Tam Sơn ở phường Vĩnh Mỹ có niên đại khoảng 200 năm. Tương truyền, những người Triều Châu đầu tiên đến Châu Đốc đã mang theo ba pho tượng của Tam Sơn Quốc Vương và lập miếu thờ: miếu Nhứt Vương ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), miếu Nhị Vương ở xã Đa Phước (huyện An Phú) và miếu Tam Vương ở phường Vĩnh Mỹ (thành phố Châu Đốc) đều thuộc tỉnh An Giang. Ngoài ra, người Hoa ở Châu Đốc còn lưu truyền một giai thoại khác. Họ kể rằng nơi đây ngày xưa vốn là miếu nhỏ ven đường thờ thổ thần, một lần nọ có người phụ nữ bị tà nhập hóa điên, khi đi ngang miếu đã vào xin nhập đồng trị bệnh. Bấy giờ có một người Minh Hương bán rau cải đã nhập đồng và xưng là Sam Quán Lái, rồi dùng hình thức ma thuật chữa khỏi cho người nữ ấy (Tư liệu điền dã 2017).
Mặc dù đối tượng được thờ chính trong miếu là Tam Sơn Quốc Vương, nhưng cư dân địa phương thường gọi ngôi miếu là miếu Ông Bổn. Sở dĩ có hiện tượng này vì Ông Bổn hay Bổn Đầu Công là một vị thần mang tính biểu tượng chứ không hẳn là nhân vật lịch sử cụ thể. Người Hoa xem Ông Bổn là phúc thần của vùng đất sở tại, có vai trò bảo hộ cộng đồng, tương tự Thành hoàng của người Việt hay Neak Ta của người Khmer. Mặc dù mỗi cộng đồng người Hoa từng nơi có quan niệm riêng về Ông Bổn, nhưng chung quy họ vẫn xem đây là vị thần mang lại cuộc sống ấm no cho mọi người.
Ông Bổn đôi khi được đồng nhất với Trịnh Hòa (1371 - 1433), một viên quan triều Minh cũng là nhà hàng hải nổi tiếng của Trung Quốc, chỉ huy các chuyến thám hiểm nhiều nơi trên thế giới. Có nơi lại cho rằng Ông Bổn là Châu Đạt Quan (1266 - 1346), một vị quan triều Nguyên từng là sứ thần sang Chân Lạp và để lại tác phẩm nổi tiếng Chân Lạp phong thổ ký. Nguyễn Hữu Hiếu (2010) cho biết với người Triều Châu và Hải Nam thì Ông Bổn là chức Bổn Đầu Công của Trịnh Hòa, người Phước Kiến cho Ông Bổn là Châu Đạt Quan. Nhiều nơi khác, người Hoa đồng nhất Ông Bổn với Thổ Thần, Phước Đức Chánh Thần, Tam Sơn Quốc Vương…
Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa (1984: 195- 196) phân tích: “Đồng bào Hoa quan niệm Ông Bổn là vị thần cai quản một khu vực đất đai và cả những con người sống trên địa vực đó. Nói cách khác, họ quan niệm đây là một vị thổ thần. Đối với các cư dân nông nghiệp, cũng như đối với đồng bào Hoa có nguồn gốc là nông dân, vị thần đất chính là vị thần đem lại của cải, sự giàu có, thịnh vượng, hạnh phúc và sự bình yên cho mọi người. […] Tín ngưỡng ông Bổn, mặc dù có nguồn gốc xa xưa là tục thờ thần đất của các cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, đã bị phong kiến hóa phần nào và đã được người di dân Hoa nhân cách hóa…”.
Trong nghi thức nhập đồng ở miếu Tam Sơn, người nhập đồng thường là người cố định, được gọi là xác đồng hay phần xác. Dân chúng xem đó là “người được chọn”, nghĩa là do “bề trên” chỉ định và không ai có quyền thay đổi. Nếu xác đồng qua đời, thần linh sẽ chọn người phù hợp khác. Về diễn tiến, ban đầu xác đồng ở trần và mặc quần dài trắng, đứng trước bàn thờ chính để cầu nguyện. Sau khi Ông Bổn “về xác”, xác đồng sẽ bôi mặt bằng bột màu đỏ, mặc vào người bộ trang phục màu đỏ và đội mũ đỏ. Theo truyền thuyết, do ba ngọn núi Minh Sơn - Độc Sơn - Cân Sơn lần lượt có ba màu xanh - trắng - đỏ, nên hình tượng Tam Sơn Quốc Vương được thể hiện với gương mặt có ba màu trên. Trong buổi lễ, nếu xác đồng bôi mặt đỏ và mặc trang phục đỏ thì là Tam Vương “về xác”.
Tiếp đến, xác đồng sẽ múa đao, múa kiếm, múa võ… Ông dùng dao xẻ vào lưỡi cho ra máu, ban quản trị ngôi miếu chuẩn bị sẵn nhiều mảnh giấy nhỏ màu vàng để ông liếm lưỡi cho máu thấm vào. Chúng sẽ trở thành những lá bùa được người dân thỉnh về sau đó. Theo lời kể dân gian, trước đây ngoài xẻ lưỡi lấy máu, xác đồng còn cắt một phần chót lưỡi ra, cho vào dĩa rồi lấy cái chung úp lại. Khi xong buổi lễ, ông lấy chót lưỡi gắn lại vào miệng thì sẽ tự lành.
Sau nghi thức ở chính điện, ghế dao hoặc ghế đinh sẽ được xác đồng ngồi lên, thanh niên khiêng ghế ông diễu hành quanh xóm, gọi là đi nghinh. Khi đi nghinh, xác đồng sẽ xỏ một cây xiên quai từ má này trổ sang má kia, cầm kiếm trên tay, cổ đeo trái đấm (khối tròn làm từ gỗ và đóng nhiều đinh nhọn xung quanh). Qua những nơi ô uế (bệnh viện, nghĩa địa, chuồng gia súc…) thì Ông Bổn sẽ rời xác, phải có người đi bên cạnh đọc bài triệu để mời ông lại. Ngày nay hành trình đi nghinh rút ngắn chỉ còn từ miếu ra bờ sông Hậu rồi quay về miếu.
Để liên hệ mở rộng, chúng tôi giới thiệu sơ lược về nghi thức nhập đồng ở Nhị Vương miếu tại xã Đa Phước - huyện An Phú, đối diện với thành phố Châu Đốc bên kia sông Hậu. Nhị Vương là một trong Tam Sơn Quốc Vương, nhưng sau năm 1975 do sợ chính quyền mới gây khó dễ nên các cụ đã sửa lại giai thoại. Họ kể rằng, Nhị Vương là ẩn sĩ tên Lương Hà, đã cùng với hai anh em kết nghĩa giúp Đinh Bộ Lĩnh trong một lần bị vây bắt. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng phong cho ba ông là Nhứt Vương, Nhị Vương và Tam Vương.
Miếu Nhị Vương có kiến trúc đơn giản, nội thất có cấu trúc thờ tự điển hình của người Hoa là bộ ba Thiên Hậu - Phước Đức Chánh Thần - Quan Đế. Trong những lần nhập đồng ở nơi đây, phần xác cũng bôi mặt, xỏ xiên quai, ngồi ghế đinh và ghế dao… tương tự miếu Tam Sơn. Tuy nhiên, nếu như miếu Tam Sơn chỉ có một xác đồng cố định, thì ở miếu Nhị Vương có tính đồng tham dự của cộng đồng. Bên cạnh “người được chọn”, hiện tượng nhập xác còn xuất hiện ở nhiều dân thường tham dự buổi lễ.
3.2. Nhập đồng trong tín ngưỡng Quan Công
Như đã trình bày ở trên, nghi thức nhập đồng trong tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương của người Triều Châu được một số nhóm phương ngữ khác hoặc một số hình thái tín ngưỡng khác tiếp nhận. Ở khu vực Châu Đốc, điển hình cho trường hợp này là nghi thức nhập đồng ở miếu Quan Đế ở phường Châu Phú A và miếu Quan Đế ở xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú) cách đó không xa. Quan Đế miếu ở phường Châu Phú A ra đời năm 1847 còn Quan Đế miếu ở xã Mỹ Đức ra đời khoảng thập niên 1880 và đến năm 1895 miếu được xây dựng lại kiên cố.
Trong những lần nhập xác, có khi một phần xác được một vị thần nhập vào, nhưng cũng có khi nhiều phần xác được nhiều vị thần nhập cùng một lúc. Họ xưng danh tính là Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Chánh Soái Đại Càn, Ông Hổ… Sau khi được thần linh nhập, xác đồng bắt đầu múa đao, múa kiếm, phun trà và rượu quanh chính điện. Trong lúc diễn ra nghi thức, phần xác sẽ dùng một cây xiên quai xỏ từ má bên này trổ sang má bên kia và giữ nó trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ.
Người nhập đồng bắt đầu thực hiện nhiều hình thức “hành xác” như cắt lưỡi lấy máu vẽ bùa lên những mảnh giấy nhỏ màu vàng để ban phát cho dân chúng. Có khi ông thọc tay vào nồi nước sôi rồi tát nước lên mình, đi chân không trên than lửa, dùng trái đấm đập vào cơ thể… Ngoài nghi thức diễn ra ở miếu còn có hoạt động đi nghinh để diễu hành xung quanh làng. Phần xác sẽ ngồi lên những chiếc ghế dao hoặc ghế đinh và được các thanh niên cùng nhau khiêng đưa ông đi. Trên đường gặp những nơi dơ bẩn thì ông phóng nhang để tẩy uế hoặc kêu đệ tử đi trước để cắm nhang tẩy uế rồi đoàn rước mới đến sau.
Trước hoặc sau lúc đi nghinh, người dân có thể đến hỏi về những chuyện gia đạo, làm ăn, rủi ro, bệnh tật… và sẽ lần lượt được ông giải đáp. Lúc nào không còn ai hỏi gì nữa, vị thần sẽ tự xuất khỏi phần xác. Lúc sắp thăng, ông họa một đạo bùa dán vào má rồi rút cây xiên quai ra, trên má ông không có lỗ thủng. Sau khi nghi lễ kết thúc, cơ thể xác đồng không để lại bất kỳ vết thương hoặc vết máu. Điều đặc biệt là bộ quần áo vải mà người ấy mặc cũng không có vết rách, mặc dù họ đã dùng trái đấm đánh vào người và đã ngồi trên ghế dao, ghế đinh.
Sau năm 1975, nhập đồng ở cả hai miếu Quan Đế không được chính quyền địa phương cho phép thực hiện. Song, nghi thức nhập đồng Quan Đế đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian của người Việt trên cùng địa bàn và đến nay vẫn còn duy trì. Đó là trường hợp miếu Âm Nhơn ở phường Núi Sam - thành phố Châu Đốc. Tương truyền, đây là ngôi miếu do Thoại Ngọc Hầu xây dựng để thờ cúng vong hồn những nhân công thiệt mạng trong quá trình đào kinh Vĩnh Tế. Vào rằm tháng Giêng hằng năm, người Việt thực hiện nghi thức nhập xác ba ông Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và diễu hành quanh núi Sam. Hành trình bắt đầu từ trưa, dù đoạn đường đi qua chỉ khoảng 5 km nhưng do số người dân tham gia đông đảo nên kéo dài đến tối mới kết thúc.
4. Chức năng của nhập đồng trong văn hóa tộc người Hoa ở Châu Đốc
Malinowski với tác phẩm kinh điển Ma thuật, khoa học và tôn giáo đã phân chia hai phạm trù: cái thiêng (tôn giáo và ma thuật) và cái trần tục (khoa học). Ông cho rằng không một nhóm người nào dù nguyên thủy đến đâu mà không có tôn giáo và ma thuật, cũng không một chủng tộc nào dù mông muội đến đâu lại không có quan điểm khoa học (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: 147). Trong mối quan hệ với ma thuật, tôn giáo góp phần định hướng các giá trị đạo đức truyền thống và khoa học đóng vai trò hỗ trợ những phương pháp thực tiễn. Nhìn vào hình thức nhập đồng của người Hoa Triều Châu, có thể thấy yếu tố tôn giáo và khoa học đã tác động hai chiều vào ma thuật.
Về phía tôn giáo, các phương thức ma thuật được lồng ghép vào tín ngưỡng (tôn giáo sơ khai) và được định hướng bởi những giá trị đạo đức từ tín ngưỡng - tôn giáo. Khi người dân tôn thờ vị thần chung của cộng đồng và cùng nhau tham gia vào các sinh hoạt nghi lễ này, những chuẩn mực đạo đức của “thế giới thiêng” (mà chính cộng đồng đặt ra) được xem như quy ước “bất thành văn” để mỗi thành viên phải tuân thủ. Những chuẩn mực chân - thiện - mỹ ấy định hướng cho mỗi cá nhân điều chỉnh hành vi ứng xử của của mình.
Về phía khoa học, các phương thức trị liệu dân gian thông qua những năng lực tiềm ẩn của con người đã được vận dụng vào ma thuật, đó là một dạng khoa học nguyên thủy - nói theo cách của Malinowski là “nguyên lý sơ đẳng của khoa học”. Các hình thức nhập đồng nói trên là những phương pháp trị liệu về mặt tâm lý do dân gian sáng tạo ra. Chúng giúp mỗi cá nhân có thể phần nào bình ổn tâm hồn và tăng thêm niềm tin khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Nếu không nắm “nguyên lý sơ đẳng của khoa học”, người Hoa khó có thể thực hiện được các động tác “hành xác” đau đớn như thế.
Theo A.A. Belik (2000), những trạng thái xuất thần có ý nghĩa nhất định trong sự hình thành con người như một thành viên của cộng đồng, những nghi thức đó giúp đạt tới mối tương quan tối ưu giữa đơn độc và giao tiếp những nhu cầu quan trọng hàng đầu của đời sống con người. Qua hình thức nhập đồng của người Hoa, có thể thấy đây là sự sử dụng kết hợp các phương thức khai thác tiềm năng bí ẩn của con người nhằm đáp ứng nhu cầu tâm lý và giúp điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, từ đó góp phần duy trì sự ổn định cho cộng đồng.
Xuất hiện từ thập niên 1960 gắn với tên tuổi của Victor Turner và Clifford Geertz, lý thuyết diễn giải biểu tượng cho rằng văn hóa được kết nối với nhau bằng hệ thống các biểu tượng và mỗi biểu tượng mang ý nghĩa riêng, từ đó họ tiến hành diễn giải ý nghĩa của các biểu tượng được thu thập từ thực tế. Một trong những hệ thống biểu tượng được các nhà nghiên cứu quan tâm là biểu tượng nghi lễ. Nghi lễ được Victor Turner đánh giá là một cách thức riêng để con người điều chỉnh bản thân và giải quyết các mâu thuẫn, sự ổn định của cộng đồng được duy trì không nằm ở cách tổ chức xã hội mà nằm ở các yếu tố tôn giáo trừu tượng được biểu hiện qua nghi lễ (Phạm Quỳnh Phương - Hoàng Cầm 2013: 41).
Vận dụng quan điểm này để xem xét nghi lễ nhập đồng, có thể thấy đây là một dạng thực hành tín ngưỡng dưới hình thức ma thuật mang màu sắc thần quyền, vừa thể hiện quyền uy của thần linh với dân chúng, vừa tạo niềm tin tâm lý cho họ. Từ đó, nó góp phần duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự vận hành của xã hội. Trong các nghi lễ này, người nhập đồng được xem là biểu tượng cho sức mạnh và quyền năng của thần linh. Các biện pháp ma thuật trong lúc xuất thần cùng với những lá bùa được vẽ bằng máu từ lưỡi người nhập đồng trở thành những biểu tượng trị liệu tập thể mang lại tác dụng quan trọng. Sau những nghi lễ đó, dân chúng mặc nhiên ngầm “quy ước” với nhau phải tin tưởng vào vị thần chung mà cộng đồng đang tôn thờ, từ đó không dám phá vỡ những nguyên tắc cộng đồng, nhờ vậy tính bền vững của cộng đồng được đảm bảo.
Khi cùng đứng trước thần linh, người Hoa cùng hướng đến những tâm nguyện chung là cầu mong bình an trong cuộc sống, tạ ơn sự che chở của thần linh khi họ gặp khó khăn… điều đó góp phần tạo nên sự tương tác trong nhận thức của cư dân. Từ nhận thức, họ hiện thực hóa thông qua những hành vi ứng xử mang tính phổ quát là đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cả những lúc thuận lợi lẫn khó khăn. Niềm tin vào cái thiêng là yếu tố thuộc đời sống tinh thần, tuy nhiên từ đó mà phần nào đã ảnh hưởng đến việc hình thành những tổ chức tương trợ trong đời sống vật chất như hệ thống bang, hội quán, hội tương tế… Sự gắn kết thông thường vốn dĩ đã quý báu, trong những trường hợp này lại còn đi kèm với yếu tố thiêng, càng góp phần củng cố cho cộng đồng thêm bền chặt.
5. Kết luận
Đối với người Hoa gốc Triều Châu cư trú ở Châu Đốc, họ xem Tam Sơn Quốc Vương là Ông Bổn của cộng đồng mình. Đây là tín ngưỡng bản địa được họ mang theo hành trình di cư đến nhiều nơi, nó thể hiện tâm thức hướng về nguồn cội bởi đó là ba vị thần cai quản ba ngọn núi ở quê cũ của họ. Cùng với tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương, nghi thức nhập đồng cũng đã tồn tại hàng trăm năm từ khi người Hoa có mặt ở Châu Đốc, trở thành một trong những sắc thái văn hóa đặc thù, góp phần nhận diện cộng đồng người Hoa nhóm phương ngữ Triều Châu.
Nếu nói rằng “khám phá bản sắc nghĩa là tìm hiểu chúng ta nhìn nhận bản thân như thế nào và những người khác nhìn thấy chúng ta như thế nào” (Chris Barker 2011: 298), thì có thể dễ dàng nhận thấy tín ngưỡng - tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo bản sắc của mỗi cá nhân và góp phần hình thành bản sắc tập thể. Bởi lẽ, tín ngưỡng - tôn giáo mang trong mình chức năng cố kết mối liên hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, đồng thời lại vừa chi phối tư tưởng và đời sống tâm lý xã hội của cộng đồng ấy. Chúng thực sự là môi trường tạo cho mỗi thành viên nhận thức được sự “thuộc về” của bản thân trong cộng đồng và thúc đẩy sự hình thành những đặc tính chung của cộng đồng đó.
Tuy nhiên, những thách thức cũng được đặt ra trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng. Sau năm 1975, sự chuyển đổi giữa hai chể thể chính trị khác nhau đã ảnh hưởng đến sự biến đổi văn hóa tộc người. Theo nghiên cứu của Hoàng Cầm và Phạm Quỳnh Phương, do cách nhìn nhận về sự đa dạng của các thực hành văn hóa theo tiến hóa luận nên trong một thời gian dài, các tộc người thiểu số phải từ bỏ nhiều thực hành văn hóa bị cho là “mê tín dị đoan”. Bởi lẽ, văn hóa của tộc người thiểu số ở Việt Nam bị quy chiếu theo tiêu chuẩn của tộc người đa số, nên nhiều thực hành văn hóa truyền thống bị định hướng theo các nhận thức của những người làm công tác quản lý (Hoàng Cầm - Phạm Quỳnh Phương 2012). Trong bối cảnh đó, sự mai một của nghi thức hầu đồng của người Hoa ở Châu Đốc cũng không phải là một ngoại lệ./.
Tài liệu tham khảo
1. Chris Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa: Lý thuyết và thực hành, Đặng Tuyết Anh dịch, Nxb. Văn hóa - Thông tin.
2. A.A. Belik (2000), Văn hóa học - Những lý thuyết nhân học văn hóa, Đỗ Lai Thúy, Hoàng Vinh, Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật xb.
3. Hoàng Cầm & Phạm Quỳnh Phương (2012), Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa - sinh kế tộc người, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường.
4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2006), Những vấn đề nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa & Nay - Nxb. Đà Nẵng xb.
5. Nguyễn Hữu Hiếu (2010), Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thời đại.
6. Nguyễn Thị Hiền (2014), “Ma thuật nhận diện và nghiên cứu trong nhân học”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 09 (135).
7. Từ Thị Loan (2016), “Lên đồng và vấn đề sức sống của di sản trong xã hội đương đại”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 74.
8. Nguyễn Xuân Nghĩa (1984), “Ý nghĩa xã hội của các tín ngưỡng cộng đồng ở người Hoa vùng đồng bằng sông Cửu Long”, in trong Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Văn hóa.
9. Phạm Quỳnh Phương - Hoàng Cầm chủ nhiệm (2013), Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, Đề tài cấp bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
10. Lâm Thanh Quang (2017), “Tam Sơn quốc vương”, Bản đánh máy của tác giả.
11. Lâm Tâm (1994), Người Hoa An Giang, Chi hội Văn nghệ dân gian An Giang & Hội Văn nghệ Châu Đốc.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, số 5 (185), 2019, tr.26-31.