Chân dung nhà giáo

Nhớ bạn Lưu Đức Trung


01-10-2020
Lưu Đức Trung là một hình mẫu hoàn hảo về kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, người thầy giáo Đại học đích thực mang cốt cách của một nhà khoa học có tầm cỡ. Lấy nghiên cứu làm cơ sở giảng dạy, giảng dạy hiệu quả dựa vào nghiên cứu.

Lưu Đức Trung là một hình mẫu hoàn hảo về kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, người thầy giáo Đại học đích thực mang cốt cách của một nhà khoa học có tầm cỡ. Lấy nghiên cứu làm cơ sở giảng dạy, giảng dạy hiệu quả dựa vào nghiên cứu.

NHỚ BẠN LƯU ĐỨC TRUNG

 

Trong số giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội phiêu bạt vào Sài Gòn có hai cánh chim “lạc loài” Lưu Đức Trung và Đoàn Trọng Huy.

Hầu hết  đại diện Sư phạm Hà Nội vào đây đều là danh giá và có chân trong các cơ sở đào tạo Đại học có tên tuổi như Khoa Ngữ Văn Đại học Sư Phạm và Khoa Văn Học – Ngôn Ngữ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn…Đó là do các đợt sẻ chia lực lượng từ sau 1975.

Tôi và Lưu Đức Trung có nhiều tình cảnh giống nhau, cùng có thâm niên giáo dục trên dưới 60 năm. Riêng ở đại học, trên dưới bốn mươi năm ở Khoa Ngữ Văn Hà Nội và cùng nhận quyết định hưu năm 2003. Sau đó đến quãng cuối đời cả hai đều vào trụ ở Sài Gòn. Chúng tôi hoàn toàn “tự do” vì tuyệt nhiên không phải hội họp ở bất kỳ tổ chức nào.(trong Đảng, tuổi cao, sức yếu cũng được miễn sinh hoạt). Giá cứ ở Hà Nội, sẽ vào danh sách và  họp hành ở chi hội Cựu giáo chức  của Khoa.

Thời còn ở Hà Nội, chúng tôi coi như hàng xóm của nhau. Cùng khu tập thể Giảng Võ, tôi ở B2 sang chơi nhà bạn ở D6, bên này sang bên kia một con hồ. Tôi đã cảm thông cảnh cô đơn vất vả của bạn nhưng cũng thấu hiểu một tâm hồn nghệ sĩ thường ngắm hoa, thưởng trăng của bạn.. Vào đây lại gắn bó với nhau  ở hai quận liền kề, thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ trò chuyện thân tình tuổi già. Đặc biệt cả hai còn đồng cảm trong nhiệt tình động bút văn chương. Tôi thỉnh thoảng còn viết lách phê bình, nghiên cứu, bạn lại say mê với sáng tác văn chương truyện ký, nhất là thơ. Nghĩa là cùng cảnh hưu nhưng chưa nghỉ, chưa định “rửa tay, gác bút”.

Lưu Đức Trung có sách mới lại tặng tôi: các tập thơ Haiku nở quanh năm như Bốn mùa hoa, Hoa bốn mùaNăm 2011 là cuốn tự truyện dày dặn Kỷ niệm ấm lòng  rồi sau đó, 2012  Đuổi bắt bong bóng – truyện cực ngắn. Mấy năm tôi vận hạn ốm đau, bạn đến tận nhà thăm hỏi. Vậy mà khi bạn nằm viện cho đến khi từ giã cõi đời tôi lại không biết kịp thời để đến chia sẻ động viên với người bạn thân thiết.Điều an ủi là dịp 49 ngày vừa qua tôi đã đến thắp hương, dự lễ tưởng niệm.

Lưu Đức Trung đã chọn nghề dạy học hay đúng ra, ngành sư phạm đã chọn được đúng người làm nghề.. Thời trẻ, bạn đã từng dạy học.tận vùng tuyến lửa Vĩnh Linh. Tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp  Nam Khai , Thiên Tân Trung Quốc, lại về nhận nhiệm vụ giảng dạy ở tổ Văn học Nước ngoài trường Đại học Sư Phạm Hà Nội từ 1966. Gần 40 năm trên bục giảng đường Đại học, Lưu Đức Trung thể hiện rõ rệt một nhân cách nhà giáo thật sáng đẹp, tạo ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng đồng nghiệp và các thế hệ môn sinh .Đó là hình ảnh một thầy giáo say mê tận tuỵ hết lòng vì công việc đào tạo với tất cả trí tuệ và tâm hồn người trí thức cách mạng. Đặc biết quý là tinh thần học hỏi, sáng tạo như một động lực mạnh mẽ được phát huy trong chuyên môn. Lưu Đức Trung chính là một trong những giảng viên đã tham gia xây dựng những trang giáo trình đau tiên của ngành chuyên môn hẹp. Với cốt cách quân sự  từ kháng chiến chống Pháp anh lính quả cảm còn mở mũi nhọn xung kích vào trận địa mới. Trong sự phát triển khoa học của Khoa, Lưu Đức Trung là người mở đột phá khẩu vào một địa hạt văn chương mới: Văn học Ấn Độ và tiếp theo đó là Nhật Bản. Đó là hai nên văn học có phong khí thật khác xa nhau như nhân xét của một môn đệ: “Xứ Ấn Độ huyền bí uyên ảo, duy linh trong khói sương siêu thoát, xứ Phù Tang duy mỹ, duy tình trong niềm yêu sống dạt dào giữa lòng trần thế” (Nguyễn Thị Mai Liên – Người thơ phong vận như thơ ấy). Đi khai hoang, phá rậm ở miền xa lạ, đó là tâm trạng bức xúc ban đầu khi nhận nhiệm vụ mở rộng nghiên cứu. Đúng như hồi ức ghi  trong kỷ Kỷ niệm ấm lòng tôi như một người đứng trước khu rừng rậm đầy gai góc, tự mình khai phá lấy đường đi vào bên trong rừng thật không phải dễ”. Nhưng rồi với quyết tâm khám phá để xây dựng Lưu Đức Trung đã miệt mài vào thư viện tìm kiếm  tài liệu và bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi những vẻ đẹp kỳ bí văn chương Ấn Độ. Đọc Tìm hiểu thần thoại  của Cao Huy Định và đến tận giường bệnh của nhà nghiên cứu ấy để tầm sư học đạo. Được tổ trưởng bộ môn Giáo sư Nguyễn Đức Nam khuyến khích xây dựng kế hoạch nghiên cứu và dự giờ lên lớp đầu tiên với lời “động viên có cánh”,  Lưu Đức Trung đã hăng hái dấn bước từ đó tới những miền miên viễn của văn học, văn hoá. Cùng với  công trình tập thể xây dựng, các tập giáo trình và nghiên cứu công phu lần lượt xuất hiện :. Lịch sử Văn học Tring Quốc, Văn học Ấn Độ - Lào – Campuchia, Văn học Ấn Độ, Yasunari Kawabata – cuộc đời và tác phẩm, Rabindranath Tagore, Bước vào vườn hoa văn học châu Á. Tình yêu văn hoá châu lục đã nâng bước Lưu Đức Trung để nhà giáo có được những công trình có giá trị để đời. Lưu Đức Trung quả là một chuyên gia hàng đầu về văn học Châu Á, sở hữu tri thức phong phú của hầu hết các nền văn hoá lớn đặc sắc của Khu vực, là người sớm hội nhập của thời kỳ đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy.

Đi làm nhiệm vụ thỉnh giảng của nhiều trường Đại học trong nước và cả ở Đại học Phnom Penh, Lưu Đức Trung như một nhà truyền giáo mẫn cán đầy uy tín.

Đặc biệt Lưu Đức Trung còn có công lao đóng góp trong việc đào tạo lớp kế cận, từng hướng dẫn nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh thành công trong bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Đến lúc có thể tự mình điểm lại một chặng đường đầy khổ ải nhưng biết bao vinh quang trong nghề thầy ở Đại Học: “Từ khi bước vào khu rừng rậm tôi đã tự mình phát quang khai phá cho đến nay đã xây được một vườn hoa. Vườn hoa đó ngày càng nở hoa. Tôi đã đào tạo được nhiều người làm vườn trẻ trung, siêng năng, chăm chỉ, cần cù, thông minh đang chăm sóc và phát triển vườn hoa đó” ( Kỷ niệm ấm lòng ). Đó là hình ảnh những Phan Thu Hiền, Nguyễn Thị Bích Thuý, Nguyễn Thị Mai Liên, Nguyễn Văn Hạnh…Những môn đệ xuất sắc đã có học vị, học hàm, kinh qua và hiện còn đang đảm nhiệm chức trách ở các trong đại học trong Nam ngoài Bắc. Giáo Sư Lê Trí Viễn trong thư cảm ơn tặng sách có viết cho Lưu Đức Trung : “Đời bảo ông Ngu (Ngu Công – ĐTH) dời núi còn được cũng như mài có công, sắt cũng nên kim. Vậy sao vui bằng được phép nghĩ rằng đây là “Mài sách lại ra sách”, ra sách mà văn chương quá hay”.

Lưu Đức Trung là một hình mẫu hoàn hảo về kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, người thầy giáo Đại học đích thực mang cốt cách của một nhà khoa học có tầm cỡ. Lấy nghiên cứu làm cơ sở giảng dạy, giảng dạy hiệu quả dựa vào nghiên cứu. Góp phần đào tạo tiến sĩ tức là đạo tạo những người bước đầu làm khoa học. Đó là thành công tiêu biểu cũng là công lao đóng góp của người thầy Đại học chân chính mà ảnh hưởng còn lâu dài đến nhiều thế hệ và cả với sự nghiệp Gia1o dục xã hội. Là nhà nghêin cứu đầu ngành, danh hiệu Phó giáo sư Lưu Đức Trung gắn với các công trình tham gia trực tiếp hoặc chủ biên các bộ sách giá  trị Từ điển tác gia, tác phẩm nước ngoài trong nhà trường, Giáo trình văn học thế giới, Chân dung các nhà văn thế giới.

 Hoạt động xã hội của Lưu Đức Trung cũng có tính điển hình. Từ bục giảng đến văn đàn là một công trình chung ghi nhận những hoạt động phê bình, tiểu luận của các nhà giáo hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và những người làm công tác giáo dục nhưng có sáng tác được xuất bản.  Vì là Tuyển tập Kỷ niệm  60 năm Hội Khoa (2010) cần “show hàng” nên có khuôn khổ hạn chế. Chu Văn Sơn trong ban tuyển đã tâm sự rằng nhiều thầy cô nổi tiếng trong giảng dạy, nghiên cứu văn học cũng bị gạt ra vì chưa là hội viên Hội Nhà văn. Lại nữa, sáng tác thành một tác giả văn học cũng phải được dư luận đánh giá cao. Nhìn lại, tác giả Lưu Đức Trung cũng đã có tới 5 tác phẩm riêng, chung: Tươi mãi với thời gian ( 2 tập, 2006, 2007), Bốn mùa hoa (2010), Tuyển tập thơ Haiku (2 tập, 2008, 2010)Vậy là Lưu Đức Trung được lựa chọn ở vòng chung kết.

Thực ra nhà giáo đã có tâm hồn nghệ sĩ từ lâu không phải chỉ từ khoảng cuối đời,. rẽ sang nẻo đường sáng tác như một lẽ tất yếu.

Theo tự truyện, từ thuở thiếu thời và tuổi trẻ anh đã ôm mộng văn chương tuy còn là giấc mơ bảng lảng.

Có nét gần gũi như Chế Lam Viên, từ tấm bé, cậu Trung đã sống ở vùng biển Nha Trang, Bình Định. Biển đẹp và hiền hoà. Cùng với biển xa nhấp nhô những hòn đảo xanh và những cánh buồm trắng là ngọn tháp nhà thờ đá và cả chùa Phật. Cậu bé đã thích thú vẻ tôn nghiêm, thanh thoát của giáo đường, nhất là vẻ trầm mặc, u tịch của mái chùa rêu phong, với cây hoa đại phảng phất mùi hương nhẹ toả. Có lẽ cả những vần thơ mơ màng của thi sĩ Lưu Kỳ Linh đã đập vào tâm trạng tuổi thơ qua Con bướm vàng: “ Bướm kia ai biết là thi sĩ/ Kiếp trước đa tình phải hoá thân”.  Tuồi mười tám đi bộ đội, vẫn giữ tấm hồn bay bổng và mơ mộng của người yêu văn chương. Rồi anh bộ đội trẻ xuất ngũ ấy đã viếng mộ cô gái quê đem lòng yêu và tặng anh chiếc khăn tay kỷ niệm lúc tiễn chân. Bài thơ hồn nhiên mang thấp thoáng bóng dáng như Núi Đôi hoặc Màu tím hoa sim: “Anh tìm em/em không còn nữa/ Chỉ còn ngôi mộ nhỏ/ Bạn bè đã chôn cất em trên đồi cỏ/ Anh đặt lên mộ bó hoa sim/ Màu tím thường ngày em thích nhất”.  Đấy là giọt nước mắt chất ra từ “trái tim anh rất mực yêu em”. Có thể coi đó là một sáng tác đầu đời từ một tâm hồn chân thành cảm xúc. Vậy mà, trong thực tế, đến tuổi hoàng hôn cuộc đời, Lưu Đức Trung mới đụng bút làm thơ mà là một loại thơ đặc biệt Haiku.

Trong tâm hồn một người yêu văn chương, dù làm công việc giảng dạy, nghiên cứu hoặc công việc nào khác hình như bao giờ cũng tiềm ẩn một nhà văn, một nhà thơ. Lưu Đức Trung đến với sáng tác văn chương như một lẽ tự nhiên có nguồn cớ sâu xa từ lâu, lại được tiếp sức bằng tri thức và mỹ cảm văn học. Tuy nhiên, việc chuyển manh sang sáng tác có nhiều cơ duyên riêng.

Gần như một đời, dù trong mọi môi trường, hoàn cảnh, tâm hồn ấy vẫn gắn bó với thiên nhiên. Cho dù là phong cảnh miền sơn cước, vùng duyên hải hoặc đồng bằng, cao nguyên, hay đến một căn phòng gác 5 Thủ Đô nhìn ra con hồ Giảng Võ. Thiên nhiên ngoài đời, thiên nhiên trong phòng và nhất là thiên nhiên trong hồn người. Tôi đã ngắm chậu quỳnh nở hoa bên góc ban công mà bông nào cũng như hướng ra hồ, tôi cũng từng ngắm tờ lịch có bức thư pháp “Thuỷ nguyệt” trong phòng, nhiều tấm ảnh bạn chụp chung với cây cảnh, hoa trái. Và thơ Haiku Lưu Đức Trung tràn ngập thiên nhiên. Đó là một quan niệm sáng tác: “Thơ ca Phương Đông không thể thiếu phong – hoa – tuyết – nguyệt, do vậy tuỳ theo môi trường thiên nhiên mà linh hoạt vận dụng quý ngữ (từ chỉ mùa)” (Lời tác giả - Bốn mùa hoa).

Chu Văn Sơn (Góc khuất hoa thầm) đã kể tỉ mỉ về một đêm thưởng nguyệt ngắm hoa đặc biệt nơi căn phòng trông ra hồ. Thầy  và  mấy trò tri kỷ  trà rượu xem hoa quỳnh nở một đêm trăng. Trăng trong “Bốn mùa hoa” của Nhật Chiêu lại là một bình luận chuyên đề tôn vinh Lưu Đức Trung như “ Một người Chơi trăng bốn mùa”, một cuộc chơi say đắm nhất mà cũng dịu dàng nhất. Đấy là trăng có nghĩa lý, đầy triết lý qua hình ảnh diệu huyền: “Trăng mờ/leo đồi: vướng gai trinh nữ. Trăng và người cùng leo đồi cùng vướng vào gai của cuộc đời, của tục luỵ. Phúc cho ai đã “vướng” và phúc cho ai đã “thoát”. Nếu không vướng thì thoát có nghĩa gì? .Có thể vướng, có thể thoát biết đâu là Niết Bàn?”

Lưu Đức Trung đã tự nhận thơ mình có thiền tính. Thiền từ trong lối sống đạm bạc, tĩnh tâm, thanh thoát, trầm tư đến phong khí văn chương. Bạn bè tri âm dù lớn tuổi hay trẻ tuổi dễ nhận ra cái phong thái của một nghệ sĩ – thiền sĩ. Không chỉ ở những câu thơ đậm mùi thiền: “Chuông chùa ngân vang/ ngôi nhà vắng chủ/ hoa sứ đầy sân… Đôi chút trầm hương/ trong đêm giá lạnh/ hồn thơ vấn vương… Bước chân hành hương/ vào chốn bụi trần/ gieo mầm an lạc…” mà đến cả những hình ảnh đậm đời thường như uống nước dừa mà cảm nhận: “Hút đại dương/ vào vũ trụ” ăn cuộng rau muống khác nào: “Ruột trống rỗng/ nuốt hư không”.

Có nguồn gốc sâu xa của tinh hoa văn hoá phương Đông trong trí tuệ, tâm hồn một nhà nghiên cứu. Nhưng cái mới của Haiku Việt mà Lưu Đức Trung là một thủ lĩnh là kết hợp đạo và đời, thế sự gắn chính sự, đa dạng và hiện đại.

Tìm đến và phát lộ tài năng còn do tạng người, tính người trong một số phận riêng tư: tài hoa và đào hoa, đa tình và đa đoan với “Tình yêu là một kho tàng kỷ niệm” (Honoré de Balzac). Nhà thơ tìm nguồn an ủi, khích lệ qua công việc, qua vần thơ cũng để khoả lấp phần nào cảnh cô đơn của cuộc đời từ tuổi tri thiên mệnh đến tuổi thượng thọ cũng như cái cô đơn bản ngã của một thi sĩ đã bao đời.

Có một tấm ảnh rất điển hình cho tâm trạng thi sĩ: Lưu Đức Trung ngồi trên một mỏm của bãi đá lô xô mắt vọng nhìn tít tắp xa khơi. Bạn thơ đã tặng bài Trước biển để minh hoạ thần thái ấy:

                                    Anh lắng nghe
                                                sóng vỗ
                                                   mài mòn những
                                                          đêm thâu

                                    Biển xanh xa
                                                lấp lánh
                                                          bạc đầu
                                    Anh vẫn đợi
                                                dẫu hoá thành
                                                          tượng đá
                                                                   giữa trùng khơi
.

                                                                                 T.B.M

Cô tịch trong chiêm nghiệm. Cô đơn trong giao lưu . Cô độc trong tâm sự. .Nhưng vẫn đợi chờ. Hy vọng hay ảo tưởng trong cõi lặng?.

Trong thực tế cuộc đời thi nhân là sự kiếm tìm hạnh phúc dù là nhỏ nhoi thường nhật. Bởi cộng lại vẫn trở thành hạnh phúc: “Hạnh phúc, dù có ngắn ngủi, chốc lát hay lâu dài …đều là hạnh phúc” (Phiến khúc vĩ thanh 2)

Làm thơ cực ngắn Haiku và viết truyện cực ngắn là hai kiểu viết liền mạch tư duy nghẹ thuật. Tập Đuổi bắt bong bóng (2012) gồm những truyện thế sự có thoáng thời sự với bút pháp vừa thực vừa ảo như những mảnh vỡ góp  gom nên bức toàn cảnh cuộc đời nhân sinh.

Cũng từ cái tạng con người mà ra: hiền hậu, nhu mì, chân thành, trung thực. Nhất là thâm trầm sâu sắc, chín chắn, kiệm lời.

Truyện có dáng dấp như lời tự nhủ, khuyến cáo. Lại như châm ngôn, ngụ ngôn qua những thông diệp minh triết mang sức nén tư tưởng qua tinh tuý ngữ ngôn.

Qua truyện vẫn nổi lên một hồn cốt thiền sư qua sự rèn luyện tâm linh. Vẫn là một mùa tươi nở những bông hoa thiền.

Đây là đôi lời nhận xét của bạn đọc tri âm “Chàng phơi bày một thế giới đam mê và tất nhiên sau đó là khổ luỵ. Chàng chới với giữa hai bờ hư thực đuổi bắt bong bóng bảy màu để rồi nhận thấy toàn là hoa đốm giữa hư không” (Hoàng Long - Ảo ảnh trêu người và những mảnh vỡ của niềm tuyệt vọng). Điều quan trọng là những niềm vui vừa hiện hữu, chân thực vừa mơ hồ, trừu tượng, dù là những hư ảo bay qua một thoáng đời hay suốt cuộc đời vẫn như điều kỳ diệu làm xanh lại làn tóc bạc , làm thắm thêm tâm hồn thi nhân đã vào tuổi thượng thọ.

Nhật Chiêu giới thiệu hãy thử đọc Ông già bên cửa sổ khi đọc truyện ngắn trong lòng bàn tay của Lưu Đức Trung để thấy Đôi mắt toả màu xanh:

Khung cửa sổ mà ở đó ta nhìn đời. Nhưng thật ra chính là đời đang nhìn ta. Hồng vàng vẫn nở, đứa bé vẫn đến trường, nắng vẫn xanh. Dường như ở ông, tóc càng bạc đi thì màu xanh càng lan dần.

Vì đôi mắt đó toả màu xanh

***

Lưu Đức Trung sớm trưởng thành trong cuộc đời. Lập nghiệp, lập thân sớm và cũng có thể gọi là  sớm thành đạt, có công danh. Tuy nhiên, đây là con người biết minh, biết người, cái gì cũng chỉ cần vừa đủ, là người tri túc và tri chỉ, biết chọn nơi dừng và điểm dừng.

So với anh em cùng trang lứa, là người vào Đảng sớm nhất (1949), vậy mà thường từ chối khi được giới thiệu vào cấp uỷ. Chức trách, nhiệm vụ đến và đáp ứng theo yêu cầu với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Khi cần, xuất hiện như một xung kích xung trận. Không ít chiến công thầm lặng, mở đường cho đồng đội. Nhưng, luôn chỉ muốn là người ẩn mình sau  những vinh quang.

Chính đó lại là điều bè bạn và môn sinh trân trọng  và yêu quý nhất: một nhân cách cao đẹp có sức toả sáng mãi trong lòng các thế hệ và lương tri xã hội.

Lưu Đức Trung là con người của tình nhân ái. Trong kho tàng kỷ niệm cuộc đời là đầy ắp tình yêu. Tình yêu lứa đôi, tình yêu thân quyến, bè bạn, môn sinh, tình yêu con người. Đó là một phức điệu của tình yêu. Yêu nghề, yêu nghiệp, yêu đời thiết tha trầm bổng, hân hoan sôi nổi về niềm vui dâng trào mãnh liệt cũng như lắng dịu âm thầm nỗi xa xót buồn đau. Tất, tất cả đã tạo nên Kỷ niệm ấm lòng.

Bạn văn trẻ tặng Lưu Đức Trung danh xưng “Góc khuất hoa thầm”. Để nói về một “hot teacher” sau bục giảng, để nói về một chiến tích lớn lao mà bình dị không chút khoa trương của một danh sĩ luôn muốn ẩn dật giữa muôn son nghìn tía cuộc đời phù hoa. Chỉ xin bổ sung đôi nét đặc sắc. Đó là bông hoa đặc biệt nơi mênh mông đất trời:

 Bông hoa thắm sắc ngát hương luôn  giấu mình nơi góc khuất cuộc đời.

Tài trí Lưu Đức Trung tinh tuý. “Những lời thơ Lưu Đức Trung/ Diệu mật” (Trụ Vũ).  Lời giới thiệu cho một tuyển thơ Hoa bốn mùa, trăm lẻ một bài trong  nghìn bài ( 101/1000 )với ghi chú: “Ngõ vắng Sài Gòn – Mùa xuân 2012” .Rồi, đến một mùa hoa không định, nhà giáo – nhà khoa học – thi  nhân đã ra đi mãi mãi.

Sắc sắc, không không là thế. Lặng lẽ âu sầu và tưng bừng náo nhiệt,, héo úa lụi tàn với  tươi nở  sống động. Tất cả , Ngõ vắng…Mùa Xuân…như  ẩn  như hiện qua những  Con chữ…  Cuộc đời….

Sau đây, cùng với đôi lời tiễn biệt là mấy dòng thơ như  mấy nén tâm nhang gửi theo hương hồn người bạn thân thiết quá cố!

 HOA THẦM GÓC KHUẤT

Trời xanh  một đoá hoa thầm

Đã sinh, đã sống trăm phần kiếp hoa

Dịu dàng ẩn hiện gần xa

Trắng trong huyền nhiệm, kiêu sa bông quỳnh

 

Hoa thầm góc khuất tươi xinh

Còn hơn trổ mẽ phơi hình hở hang

Đời hay gì thói phô phang

Mà người qua lại chẳng màng ngó nghiêng

Hoa thầm vẫn giữ hồn thiêng

Vẫn là điểm sáng thiên nhiên chói loà

Sống đầy đủ một đời hoa

Toả hương, khoe sắc chan hoà trời mây

 

Hoa thầm góc khuất là đây

Ung dung tự tại tháng ngày thảnh thơi

Cánh hoa dù vắng  bóng rồi

Hương còn thơm mãi với đời mai sau

Dịp giỗ 100 ngày, tháng 8/2017

Source: Đoàn Trọng Huy Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020