Chân dung nhà giáo

KÍNH GỬI THẦY PHÙNG VĂN TỬU


07-03-2022

Thầy kính yêu!

Khi con viết dòng này thì thầy đang trong bệnh viện từ mấy tháng nay, vẫn tỉnh táo và minh mẫn. Thời gian qua vì dịch Covid mà bao lần con muốn thăm thầy nhưng vì nội quy bệnh viện mà không thực hiện được. Trước đó, bao chuyến công tác và công việc chồng chất khiến con không thể đến thầy, nhưng lúc nào con cũng mong mỏi được gặp thầy, chia sẻ bao điều trong cuộc sống.

Thầy Tửu ơi, chúng con vô cùng kính ơn thầy. Từ những ngày đầu tiên được học thầy chúng con đã bị thu hút bởi phong cách mô phạm hiện đại hết sức uyên bác của thầy. Học thầy chúng con có những tiết học vô cùng say sưa, cuốn hút, chúng con như được bước vào mê cung của văn học phương Tây mới lạ, sâu sắc, trí tuệ. Tiết học nào cũng thế, đang say nghe thầy giảng nhất, đang cuốn vào kịch Vòng phấn Kavkaz, truyện Hoá thân, Cái chết của người chào hàng... chúng con bừng tỉnh khi thầy kết thúc tiết học, cũng là lúc trống đánh hết giờ - không chậm một giây. Đến bây giờ, con vẫn không sao học được điều đó ở thầy. Làm sao nói vừa hay, vừa đủ, ghi bảng thì cực kì khoa học, đẹp mắt, học trò chẳng ghi chép nhiều mà vẫn nhớ bài học. Được học thầy, chúng con biết thế nào là sơ đồ tư duy sáng rõ, logic. Cả tác phẩm dài thế mà chỉ một sơ đồ ngắn gọn, sạch đẹp viết bằng phấn trên bảng ngay ngắn, khoa học, thâu tóm cả. Đơn giản vô cùng mà cũng cô đọng, khúc chiết vô cùng.

Với chúng con lúc ấy, khi mà đất nước chưa mở cửa, thế giới châu Âu là vùng đất văn minh, là ước vọng cháy bỏng của bao người, mà thầy dạy phần văn học ấy thì sang trọng cao kính biết bao. Con chỉ là những đứa học trò ở vùng miền núi xa hẻo lánh, yêu kính thầy mà không dám, không đủ mạnh dạn, tự tin để gần thầy tiếp nhận thêm những vùng kiến thức phong phú khác. Nhưng rồi một ngày bạn nào đó trong nhóm chúng con biết địa chỉ nhà thầy ở khu phố cổ, đã xin phép ra thăm có lẽ là để chúc mừng thầy nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo. Khi về, thầy tiễn chúng con ra tận ngõ, chúng con thấy vui lắm. Tự hào vì được gần một người thầy uyên bác và thanh lịch, đẳng cấp, có lẽ là đầu ngành Văn học phương Tây của nước nhà.

Sau này chuyển công tác về Hà Nội, cơ duyên con có cô bạn ở bên Úc biết được tin về thầy, thế là con có cơ hội gặp thầy - người mà con vô cùng ngưỡng mộ. Đúng là “khi bạn thật tâm mong muốn điều gì thì điều mong muốn đó sẽ được hình thành trong cõi tâm linh vũ trụ” và “vũ trụ sẽ chung tay để giúp bạn đạt được ước muốn đó” như tác giả cuốn Nhà giả kim đã viết. Con đã kịp đến gặp thầy và dự lễ tang cô. Rồi năm sau nữa con đến khi thầy ở căn nhà giản dị, sạch sẽ ở ngõ phố Điện Biên Phủ. Con vẫn hẹn ngày trở lại và thỉnh thoảng lại nhận được tin nhắn của thầy. Có lần, thầy gửi cho con ảnh hai thầy trò, qua tin nhắn MMS, con bất ngờ vì thầy vẫn “hiện đại” quá. Một lão niên 83 - 84 tuổi mà công nghệ mới vẫn luôn cập nhật. Lần đến thăm thầy, khi đó chỉ có thầy ở một mình và người giúp việc vì lúc ấy anh Long - con trai thầy đang làm Đại sứ bên Úc không ở nhà, thấy thầy sinh hoạt rất điều độ, giờ ăn, giờ nghỉ đều đặn con rất yên tâm. Thầy dặn con nếu đến tránh giờ đó ra vì thầy đã lên gác rồi mà nếu xuống lại phải phiền đến người giúp việc (vì thầy di chuyển khó khăn, cần có người giúp). Thầy chu đáo, tỉ mỉ đến từng việc nhỏ nhất. Ngay cả sau này, khi thầy đổ bệnh nặng hơn không nói được nữa, dù vẫn rất minh mẫn, có lẽ thầy đã dặn anh Long – con trai thầy thường xuyên thông báo tình hình thầy cho mọi người, nhất là học trò của thầy được biết, vì thầy hiểu chúng con mong mỏi tin tức về thầy thế nào. Thầy đã không để chúng con phải khắc khoải vì lo, vì áy náy, day dứt, ân hận...

Thầy ơi, những phút bên thầy thật ít nhưng con luôn thấy ấm áp, bình tâm. Con cảm tưởng thầy là cha của con, người cha về tri thức đã nhen lên trong con những khát khao học tập, người cha dạy con phương pháp sư phạm qua bài dạy thực tiễn và người cha về nhân cách...

Sau này, bài dạy ra mắt của con lần đầu khi ra trường đã được đồng nghiệp đánh giá cao với bài dạy Bà má Hậu Giang, chính là con đã áp dụng cách khai thác mạch tự sự tác phẩm của thầy về cấu trúc mạch truyện theo lối “đột giáng”, “kết thúc bất ngờ” trong hàng loạt truyện ngắn của O. Henry thầy ạ.

 Gần đây, ngành mình hay nhắc đến một trong những kỹ thuật dạy học hiện đại là sử dụng sơ đồ tư duy nhưng quả thực con đã áp dụng kĩ thuật đó từ thầy dạy trong những ngày đầu tiên lên bục giảng năm 1987 đến nay.

Con mong một ngày được gặp thầy, ít nhất cũng được Facetime với thầy để thầy hiểu rằng bao học trò vẫn nhớ tới thầy và biết ơn thầy vô cùng. Kính cảm ơn thầy!

17/8/2021

Một học trò của thầy

Post by: admin
07-03-2022