Chân dung nhà giáo

THẦY HOÀNG THUNG


08-03-2022

 

1.Thầy Hoàng Thung trong ký ức của sinh viên

Trong ký ức của nhiều sinh viên Khoa Văn khóa 1969 - 1973, thầy Hoàng Thung là một nhà giáo có cách dạy dễ hiểu, sinh động; có khả năng gây được, tạo được ấn tượng thú vị, khó quên ở người học về tiết dạy, bài dạy. Môn Ngôn ngữ (thời đó gọi là Ngữ ngôn) là môn học “khó nhằn” với không ít thuật ngữ, khái niệm khô khan, trừu tượng mà sinh viên nhiều thế hệ ngán ngẩm gọi là môn “Khô, Khó, Khổ, Khóc”. Hai chuyên ngành ngôn ngữ học mà thầy Thung đảm nhiệm giảng dạy ở Khoa Văn là Ngữ âm học và Ngữ pháp học - là những chuyên ngành điển hình về sự khô khan, trừu tượng, về sự “phong ba bão táp...”. Nhưng thật thú vị, khi dạy môn này, thầy Thung đã có cách để “dễ hóa”, “giản dị hóa”, lại còn “sinh động hóa” các kiến thức khô khan, trừu tượng ấy. Thầy có cách trình bày, diễn giải mộc mạc, dễ hiểu. Đặc biệt, thầy sử dụng những dẫn liệu, dẫn chứng minh họa rất độc đáo, sinh động, dễ nhớ. Dẫn chứng về “câu đặc biệt” là: “Chửi. Kêu. Đấm. Thụi. Bịch.” (Nguyễn Công Hoan). Dẫn chứng về “câu mơ hồ” là: “Dứa thích Na hơn Mít.”... Ngôn ngữ diễn giảng của thầy có màu sắc khẩu ngữ, cùng với cách nói hài hước, dí dỏm và khi “cù” sinh viên cười rúc rích, thầy vẫn giữ gương mặt “lạnh tanh”... đã khiến cho việc học, việc tiếp thu bài giảng của sinh viên trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.

Điều đáng nói ở đây là cách trình bày, diễn giảng các nội dung kiến thức về Ngữ âm học, Ngữ pháp học của thầy rất nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng cũng rất chặt chẽ, minh xác, khoa học. Bởi thầy cũng là một nhà giáo rất nghiêm cẩn, nghiêm túc trong chuyên môn, khoa học.

2. Cuộc đời, năm tháng...

Thầy Hoàng Thung (tên đầy đủ của thầy: Hoàng Văn Thung) quê gốc ở xứ Nghệ. Thầy sinh năm 1934. Năm nay, tuổi ta đã là 88. Ít người biết trước khi vào đại học (Khoa Văn, ĐHSPHN, khóa 1960 - 1963), thầy đã có 10 năm trong quân ngũ (1950 - 1960). Trực tiếp cầm súng, thầy từng tham gia các chiến dịch Biên giới (1950), Hòa Bình (1951 - 1952) và Điện Biên Phủ (1954), cống hiến những năm tháng tuổi xuân trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc. Rời quân ngũ, thầy về học đại học rồi được giữ lại làm giảng viên ở Khoa Văn ĐHSPHN từ năm 1963. Ở Khoa Văn, ngoài công việc chuyên môn,thầy không nề hà bất cứ việc gì khi được đơn vị giao. Từ công tác công đoàn chăm lo đời sống cho các công đoàn viên trong những năm tháng bao cấp cực kỳ gian khổ về đời sống vật chất, đến việc phụ trách đội tự vệ của Khoa, rồi chỉ huy lực lượng trực chiến phòng không trên sân thượng nhà A7 tham gia bắn máy bay Mỹ năm 1972, tạo nên hình tượng “Con mắt phía tây” của Hà Nội trong những năm tháng hào hùng đó.

Về phương diện chuyên môn, thầy là một nhà giáo, nhà khoa học say mê tâm huyết với nghề. Thầy từng là tổ phó tổ Ngôn ngữ (khi GS. Đỗ Hữu Châu làm tổ trưởng). Qua thời gian, những công trình khoa học thầy đã công bố cũng không ít, từ cuốn Giáo trình Tiếng Việt hiện đại - phần Ngữ âm học (viết chung với Cù Đình Tú, Nguyễn Nguyên Trứ) đến các giáo trình, chuyên luận về Ngữ pháp tiếng Việt (viết chung với Diệp Quang Ban) được xuất bản sau này. Thầy còn là tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 4, lớp 5 từ những năm 1984, 1985; là tác giả của không ít sách tham khảo môn Tiếng Việt, Ngữ văn dành cho học sinh tiểu học, THCS và THPT. Có thể nói về phương diện chuyên môn, khoa học, thầy Hoàng Thung không thiên về nghiên cứu các vấn đề có tính lý thuyết, mà đi sâu khám phá những vấn đề có tính ứng dụng, tính thực hành. Những kết quả, những thành tựu mà thầy đạt được trong lĩnh vực này là không nhỏ và thật đáng trân trọng. Nhưng, dường như số phận không mỉm cười với thầy. Thầy chịu nhiều thiệt thòi. Đến khi nghỉ hưu, thầy vẫn chưa có học hàm, học vị, danh hiệu... tương xứng với những công lao đóng góp của thầy cho giáo dục.

3. Thảnh thơi ở chốn thôn quê

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao...”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Chả biết thầy Hoàng Thung có nghĩ như vậy không. Chỉ biết từ hơn 10 năm nay, thầy đã rời chốn phố phường đầy khói bụi, chen chúc, lộn xộn để về vui thú điền viên ở làng Quần Ngọc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên (“Yên Mỹ” chắc là nơi vừa “đẹp” vừa “bình yên”). Nơi thầy nghỉ dưỡng là mảnh đất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đây là quê của cô Ngần, người bạn trăm năm của thầy. Thứ hai, làng này từng là nơi Khoa Văn ĐHSPHN sơ tán về những năm bom đạn 1967 - 1968. Như vậy, mảnh đất này đã “hóa tâm hồn” đối với thầy, bởi sự gắn bó nghĩa tình sâu nặng. Cách đây vài ngày, tôi và anh bạn cùng lớp đại học (lớp M) là Nguyễn Minh Hậu mới đến thăm thầy ở làng Quần Ngọc nói trên, chứng kiến hai cụ hưu (thầy và phu nhân) sống thảnh thơi, thư thái ở một ngôi nhà khang trang trong một khuôn viên rộng chừng hai sào Bắc bộ. Rau cỏ vườn nhà, gà chạy bộ, cây cối vườn tược mướt mát xanh... Chỉ có điều, từ khoảng bốn năm nay, thầy mắc một căn bệnh hiểm nghèo, phải hàng ngày thuốc thang chống chọi với bệnh tật. Theo định kỳ, thầy lên bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội để kiểm tra, điều trị. Về phương diện này, thầy cũng nêu một tấm gương về sự kiên cường chống chọi với bệnh tật, vượt qua bệnh tật. Cho đến hôm nay, nhờ giời, sức khỏe thầy tương đối ổn định. Gương mặt thầy vẫn rạng rỡ, tươi tắn, hóm hỉnh như ngày nào...

Lời kết: Cho đến ngày hôm nay, nhắc đến, nghĩ đến thầy Hoàng Thung, tôi vẫn không thể quên, thậm chí tới mức ám ảnh về tấm card visit (danh thiếp) ghi danh tính của thầy mà vào khoảng những năm 80, 90 thầy cho tôi. Tấm danh thiếp này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc đời thầy, cuộc đời của một nhà giáo, nhà khoa học mà số phận đã không mỉm cười nên chịu nhiều thiệt thòi.

Trên tấm danh thiếp này, thầy ghi vẻn vẹn ba dòng:

Hoàng Văn Thung

Nhà giáo

Cựu chiến binh

Trong khi, nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy có đầy đủ danh hiệu, họ hàm, học vị... thì thầy Hoàng Thung chỉ là một nhà giáo bình thường, một nhà khoa học lặng thầm... Nhưng tôi hiểu, chữ NHÀ GIÁO và chữ CỰU CHIẾN BINH trong tấm danh thiếp nhỏ nhoi của thầy ẩn chứa một cái gì cao đẹp, đáng trân trọng; ẩn chứa những năm tháng hy sinh, cống hiến của thầy cho nền độc lập của dân tộc, cho nền giáo dục của nước nhà... Một cuộc đời chỉ có cống hiến, hy sinh... Thế là quá đủ!

 

Lê Hữu Tỉnh

Cựu SV Khoa Ngữ văn, khoá 19 (1969 - 1973)

Post by: admin
08-03-2022