Chân dung nhà giáo

HUY THÔNG, NGƯỜI MỞ RỘNG NHỮNG BIÊN ĐỘ TƯ TƯỞNG – THẨM MỸ CHO PHONG TRÀO THƠ MỚI


01-10-2020

Nhà thơ Huy Thông sinh đúng vào ngày Hai mươi hai tháng mười một (1916) như có chút gì tiền định cho tư cách nhà giáo đã nhiều dịp gắn bó trong cuộc đời ông.

 Quả vậy, mà điều này không phải đợi đến lúc ông trở về thủ đô liền được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên (kiêm Giáo sư Sử học) của Đại học Sư phạm Hà Nội (1956), mà lúc còn ở Pháp, mới 31 tuổi (1947), ông đã được phong hàm Giáo sư và giữ chức Ủy viên Hội đồng giáo dục tối cao, tiếp theo còn tham dự Đại hội sáng lập Hội liên hiệp công đoàn giáo dục quốc tế (FISE). Tất nhiên sự nghiệp giáo dục vẫn chỉ là một phần không lớn trong cuộc đời hoạt động sôi nổi từ trong đến ngoài nước của Huy Thông. Ông cũng là người tham gia Đại hội sáng lập Hội luật gia dân chủ thế giới. Và quên làm sao được năm 1946 khi phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Pháp thương thảo, ông đã được cử làm thư ký riêng cho Hồ chủ tịch và chung cho cả phái đoàn; sau đó làm Tùy viên văn hóa và tiếp theo là tổng cố vấn cho phái đoàn thường trực nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Và trong thời kỳ trở về nước hoạt động sau này,  ngoài mấy năm làm Hiệu trưởng ĐHSPHN, ông lại được giao giữ nhiều trọng trách trong giới khoa học như Viện trưởng Viện khảo cổ, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội trong một thời gian dài cho mãi đến lúc qua đời (1988). Tất cả những điều trên được trải dài từ tuổi “nhi lập” đến tuổi “cổ lai hy” qua hơn bốn thập kỷ tuy thi thoảng có làm thơ, nhưng không đáng kể. Cho nên không phải ngẫu nhiên, người ta thường chỉ nhắc đến nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa xã hội, nhà khoa học Phạm Huy Thông, mà tuy không hẳn là quên, nhưng chắc không còn nhiều người nhớ rõ với ấn tượng sâu sắc đến nhà thơ Huy Thông nổi tiếng vang lừng cả một thời Thơ Mới.

Quả vậy ngay trong buổi đầu của phong trào, từ lúc mới 17 tuổi đến khi sang Pháp du học (1937), chỉ vẻn vẹn trong 4 năm, Huy Thông đã cho công bố các tập thơ Tiếng sóng, Yêu đương; Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc; Tây Thi (1937) v.v…, và còn cho đăng rải rác nhiều kỳ các bài thơ trường thiên và kịch thơ Tân Hồng Châu, Kinh Kha, Hậu chiến sĩ, Lòng hối hận trên các tờ Hà Nội báo, Tân thiếu niên, Phong hóa, Tiểu thuyết Thứ Năm v.v… Thật là một suối thơ tuôn trào từ con tim thi sĩ mới trên dưới đôi mươi. Ấn tượng này càng thêm sâu đậm, nếu chúng ta nhớ rằng tập Mấy vần thơ duy nhất của Thế Lữ mãi đến năm 1935 mới được công bố, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư xuất bản vào năm 1939, còn Thơ thơ của Xuân Diệu ra đời năm 1938, v.v…Tất nhiên thi tập dày mỏng có khác nhau, việc công bố sớm muộn nhiều ít còn do điều kiện và hoàn cảnh, và nhất là cũng như nhan sắc, thi tài không nằm ở số lượng. Quan trọng nhất ở đây là chất lượng, và về mặt này, tưởng tốt nhất là nên nhường lời cho chính những thi văn tài đương thời ấy. Ngay 1934 Khái Hưng đã cho rằng thơ Huy Thông “có nhiều sáng tạo trong cách chọn hình ảnh và dùng ngôn ngữ” (Lời tựa Tiếng sóng, Yêu đương). Năm 1935, Thế Lữ khẳng định: “ Nàng thơ Huy Thông có nhiều tình cảm, nhiều tư tưởng hay…” (Phong hóa ngày 21/1). Năm 1936, Lê Tràng Kiều ca ngợi: “Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần thấy một tâm hồn hùng tráng như Huy Thông” (Những áng thơ hay) v,v,,,Tất nhiên thơ Huy Thông không tránh khỏi những nhược điểm, “chưa toàn thiện toàn mỹ” (Khái Hưng). Nhưng đó thường là những bài thơ tình thuần túy, mà trong bài viết nói trên, Thế Lữ có trêu rằng: “Gớm, làm gì mà phải ầm ĩ lên thế, nói nhỏ thôi, để những lời ở cái miệng đa tình lọt vào cái tai đa tình chứ”. Nhưng những sáng tác mang dáng dấp anh hùng ca mà tiêu biểu là Tiếng địch sông Ô v.v…, thì khác. Theo người thân trong gia đình, thì ngay bà nội cũng thuộc làu rất nhiều đoạn, và cụ có nhớ lại vào năm Tỵ (1929), khi đọc truyện Hạng Võ biệt Ngu Cơ cho bà nghe thì Huy Thông đã bắt đầu làm bài này lúc mới mười ba tuổi! Hơi có chút khó tin, nhưng chúng ta thử nhớ lại khái niệm thần đồng với xiết bao minh chứng trong nền thơ văn nước nhà, kể cả thời hiện đại.

Như thế có thể đặt ngay vấn đề về chỗ đặc sắc nhất trong tài thơ Huy Thông làm cho Thơ Mới giàu có thêm lên là gì? Trong khi tổng kết lại cả một thời đại thơ ca, Hoài Thanh… đã viết: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện… một hồn thơ… hùng tráng như Huy Thông… Huy Thông… đã… nhập tịch vào thơ Việt…cái giọng hùng tráng của Victor Huygo… Đặc sắc của Huy Thông chính ở những bài anh hùng ca… Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy… Anh hùng ca của Victor Huygo tưởng cũng chỉ có thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đang chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh…” (Thi nhân Việt Nam). Như thế, theo ý kiến nhà phê bình thì trong thơ Huy Thông chan chứa một giọng điệu hùng tráng, được đan dệt bằng những lời thơ hùng tráng, nhưng đó chỉ là sự hình thức hóa ra bên ngoài cái hồn thơ hùng tráng bên trong, phân biệt với những hồn thơ ủy mỵ, ẻo lả, làm nên những bài anh hùng ca đắc sắc của riêng ông. Sau này nhà thơ qua đời, Huy Cận lại viết: “ Huy Thông sớm nổi tiếng với những bài thơ mang hơi anh hùng ca mà bài nổi tiếng nhất là Tiếng địch sông Ô…, cũng viết một số bài tráng ca khác như Hận chiến sĩ, Con voi già (tặng Phan Bội Châu)… Anh còn viết một số kịch ngắn theo nguồn cảm hứng ấy như Huyền Trân công chúa, Tần Hồng Châu, Kinh Kha… Huy Thông cũng có làm thơ tình như nhiều nhà thơ đương thời. Có điều là thơ tình của anh không đạt lắm khi biểu hiện trực tiếp những mối tình của bản thân anh. Nhưng lại có một mảng thơ tình khác của Huy Thông, đó là những đoạn trong các bài hay trong các vở kịch ngắn, mô tả các mối tình của các nhân vật lịch sử như Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung, như Hạng Võ và Ngu Cơ…, tình yêu cũng phải “lịch sử hóa” mới đằm thắm thiết tha được… Hơi anh hùng ca là đóng góp độc đáo của Huy Thông trong Thơ Mới. Anh sẽ tồn tại trong lịch sử thơ ca  Việt Nam với đóng góp xuất sắc này” (Kỷ niệm và suy nghĩ về nhà thơ Huy Thông). Hoàn toàn thống nhất với Hoài Thanh, nhưng ở đây Huy Cận không dùng chữ “hồn thơ”, mà nói đến “cảm hứng”, tức là trạng thái phấn hứng cao độ của hồn thơ khi bắt gặp một đối tượng tương hợp. Cảm hứng không thoát ly tư tưởng, nhưng còn rất liên quan với đề tài. Trên cơ sở những dẫn chứng Huy Cận nêu ra, trước hết có thể thấy thêm rằng, thơ tình yêu thuần túy của Huy Thông cho dù có hay cũng không thể nào mang chất hùng tráng được. Nhưng khi tình yêu kết hợp với vận mệnh người anh hùng thì có thể xuất hiện anh hùng ca mà tiêu biểu nhất là Tiếng địch sông Ô. Cũng có khả năng như vậy khi tình yêu kết hợp với lòng yêu nước, đó là trường hợp Huyền Trân công chúa viết về tình duyên trắc trở giữa Huyền Trân với Khắc Chung, nhưng rồi được giải quyết theo hướng đặt lợi ích của đất nước lên trên, cho nên vẫn chan chứa một giọng thơ hùng tráng. Thật ra chất hùng tráng trong thơ Huy Thông còn có thể bắt nguồn từ những cảm hứng riêng lẻ về lòng yêu nước như Giấc mộng Lê Đại Hành, về vận mệnh người anh hùng như Kinh Kha, hoặc kết hợp cả hai loại cảm hứng này như Con voi già v.v… Tóm lại, sở dĩ Huy Thông làm cho Thơ Mới giàu có thêm bằng phong cách thơ hùng tráng là vì nhà thơ đã mở rộng cảm hứng thơ từ tình yêu cá nhân đến lòng yêu nước và vận mệnh người anh hùng, cả trong hai dạng đơn lập hoặc liên kết, kể cả liên kết với cả cảm hứng về tình yêu. Nhưng đây mới chỉ là đóng góp thiên về mặt nội dung.

Cống hiến thiên về mặt hình thức, thì có thể nói đến phương diện thể loại với tư cách là hình thức chỉnh thể tác phẩm trong sáng tác của Huy Thông. Ở trên nói Thơ Huy Thông là theo nghĩa rộng rãi không thật chặt chẽ, bởi vì rất khác với tất cả các nhà thơ cùng thời (trước năm 1937), ông còn sáng tạo ra thể loại kịch thơ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn nước nhà. Công lao này đã được chính thức ghi nhận ngay từ thời trước cách mạng. Năm 1944, trong bài Kịch viết bằng thơ, nhà phê bình Lê Thanh đã khẳng định: “Huy Thông là người khởi xướng ra lối viết kịch bằng thơ…” (Tri tân, số 133). Tất nhiên đây phải là một quá trình thử nghiệm, từng bước. Sự mở rộng cảm hứng nói trên ít  nhiều đã kéo theo một sự mở rộng không gian cho thơ. Lúc đầu, Huy Thông đã viết hàng loạt bài thơ dài từ bảy tám chục đến hơn ba trăm câu: Chiều hôm qua, Lòng son sắt, Trên bãi bể v.v… Đặc biệt trong những bài thơ dài này đã xuất hiện có hệ thống những đối thoại, chứng tỏ lời thơ là sự liên kết ngôn từ của những chủ thể khác nhau. Nhưng đây mới chỉ là dấu hiệu của thể loại kịch bản về mặt hình thức, cho nên chưa phải là kịch, chỉ có thể tạm hình dung là “thơ đối thoại”. Nhưng rồi Huy Thông đã tiến lên đưa yếu tố xung đột vào, mà tiêu biểu là Tiếng địch sông Ô: Hạng Võ tuy quyết chí phá vây, nhưng còn vương vấn với vận mệnh Ngu Cơ, trái lại Ngu Cơ thì không muốn vì mình mà Hạng Võ hy sinh nghiệp lớn, cộng với tiếng địch Trương Lương như một vũ khí “tâm công” đặc hiệu, dần dần làm tan rã ý chí của đấng anh hùng. Nhưng nổi bật lên trong tác phẩm vẫn là vai trò trần thuật của chủ thể trữ tình trong việc dẫn dắt nhân vật và giới thiệu tình huống, rồi bình luận hoặc suy cảm. Tác phẩm chỉ có thể ngâm, chứ không thể diễn trọn vẹn trên sân khấu, nhiều lắm cũng chỉ được một số hoạt cảnh mà thôi. Tiếng địch sông Ô, do đó, tuy rằng đã có yếu tố kịch, nhưng chủ yếu vẫn là thơ. Đặc điểm thể loại này vốn đã có một thuật ngữ quốc tế để hình dung, đó là thơ kịch (dramatic poetry, poésie dramatique). Nhưng Huy Thông không dừng lại ở đây, mà đã vươn lên dùng lời thơ diễn tả những mâu thuẫn xung đột qua những đối thoại của nhân vật, có thể tự biểu diễn trọn vẹn trên sân khấu, loại bỏ được vai trò có tác dụng trần thuật, dù là hàm ẩn ở bên ngoài. Vẫn có yếu tố thơ, nhưng loại tác phẩm này  đã chuyển hẳn sang thể loại kịch, và đây mới đúng là kịch thơ (poetic drama, drame en vers). Chỉ trong vòng mấy năm, Huy Thông đã viết sáu bản kịch thơ. Ngoài Lòng hối hận, Cờ nghĩa Tây Sơn đã thất lạc, chỉ còn Anh Nga (1934), Tần Hồng Châu (1935), Huyền Trân công chúa (1935), Kinh Kha (1936). Khách quan mà nói, những kịch thơ này không thể sánh đẹp với tác phẩm thơ kịch Tiếng địch sông Ô. Bởi vì thể loại không quyết định được gía trị thẩm mĩ của tác phẩm. Vả chăng Huy Thông chủ yếu là thi sĩ, dù đã mở rộng cảm hứng đến những mâu thuẫn xung đột trong cuộc sống, thì cũng chỉ có thể biểu hiện hay nhất những phương diện này chủ yêu bằng chính phương thức của thơ. Điều đó cũng giải thích tại sao để đến được với kịch thơ, một thể loại lưỡng tính, vừa văn học vừa sân khấu, Huy Thông đã phải trải qua một quá trình thử nghiệm mò mẫm vất vả như vậy. Nhưng dù là thơ kịch hay kịch thơ, xét về tính chất thuần túy thể loại, thì không phải do chính Huy Thông sáng tạo ra, vì chúng đã có sẵn trong văn học phương Tây mà ngay từ thuở thiếu thời ông đã đọc nhiều của Byron và Huygo. Công lao của Huy Thông là dẫn nhập, vận dụng chúng vào văn đàn nước nhà. Tất cả những điều trên là nói cho cạn nhẽ, còn vai trò đặt nền móng của Huy Thông cho kịch thơ (kể cả thơ kịch) Việt Nam là một sự thật lịch sử không cần thiết mà cũng không có thể thay thế được.

Trở lên, đã có thể thấy bằng phong cách hùng tráng bắt nguồn từ cảm hứng thơ đã vươn đến tinh thần yêu nước và vận mệnh người anh hùng, và bằng sự dẫn nhập thể loại kịch thơ vào văn đàn nước nhà, Huy Thông đã mở rộng nhưng biên độ tư tưởng thẩm mỹ của Thơ Mới như thế nào rồi. Nhưng đó mới chỉ là xét vấn đề từ góc độ bản thể tự có của Huy Thông, song còn đáng quý là gắn liền với nó, trên bình diện tác động, lại thấy phong cách ấy thể loại ấy, đã gây ảnh hưởng đến các nhà thơ khác, nghĩa là có sự tiếp nối ngay trong lòng phong trào Thơ Mới… Mà điều này vốn cũng đã được người đương thời xác nhận. Sau khi xác định phong cách (hồn thơ, giọng thơ, lời thơ) hùng tráng như trên, Hoài Thanh viết tiếp: “Huy Thông đã lập ra một trường thơ nhỏ, trong ấy có: Lam Giang, Phan Khắc Hoan và một nhà thơ sau này sẽ đi xa: Chế Lan Viên” (Thi nhân Việt Nam). Ý nhà phê bình muốn nói cái hồn thơ, giọng thơ, lời thơ Huy Thông đã gây ảnh hưởng đến các nhà thơ khác, tạo ra được loại hình phong cách hùng tráng trong thơ Mới. Quả vậy nếu thơ Huy Thông, chưa cần những bài anh hùng ca, vốn cũng đã thường nói đến “chí làm trai” như: “Tôi dấn thân vào cuộc đười rộng rãi. Tôi hằng mơ, hằng chờ, hằng đợi mãi. Đường giong phi ai kẻ hãm gót tôi băng. Và nan thưa đâu cản nổi sức chim bằng?” (Trên bãi bể), thì Phan Khắc Khoan cũng viết bài Hồn nam nhi với những câu thơ như: “Người xưa ném bút theo đao cung. Còn bút ta nâng luống thẹn thùng. Ví bằng bút phụ lời ta nguyện. Biết kiếp nào dây sáng nghiệp hùng?” v.v… Năm 1935 Huy Thông viết Con voi già đăng trên báo Tân thiếu niên với lời đề tặng cụ Phan Sào Nam, mật thám Pháp liền đến nhà hăm dọa và chẳng bao lâu sau tờ báo bị đình bản. Con voi già, thật ra là một hình ảnh ẩn dụ về cụ Phan Bội Châu, một đấng anh hùng đang lỡ vận, trong đó có những câu thơ hồi tưởng lại một thời oanh liệt gây tiếng vang lớn trên văn đàn lúc bấy giờ: “ Nó ngang dọc vẫy vùng trên non biếc. Hống hách thay những buổi sức mạnh đầy. Nó làm chúa muôn cầm thú cỏ cây…”. Như là một hồi âm, năm 1937 Chế Lan Viên viết bài Chiến tượng cũng có thể xem như một ẩn dụ về số phận của dân tộc Chàm, nếu chưa muốn nói còn xa rộng hơn, trong đó cũng có những câu thơ ngợi nhớ đến một quá khứ huy hoàng: “…Chiến thắng vang lừng mãnh liệt. Muôn binh Chàm thắng trận giở quân về… Nơi một lối máu gào vang chiến địa. Nơi vang lừng tiếng hát vạn dân Chiêm”. Đây chỉ là nhắc qua một vài dẫn chứng trong sáng tác của một số nhà thơ mà Hoài Thanh… có trực tiếp nhắc đến, nhưng như là một sự tiếp tục khơi dòng cho một mạch thơ hùng tráng còn xuyên thấm qua Thơ Mới vào nửa đầu những năm bốn mươi như Trần Bình Trọng của Nguyễn Văn Cổn, Lòng chiến sĩ (với lời “Kính tặng hương hồn Phạm Ngũ lão”), Độc hành ca của Trần Huyền Trân, nhất là với Vọng nhân hành, Tráng ca, Lưu biệt của Thâm Tâm v.v…

Về thể loại kịch thơ, thì cũng chính Lê Thanh, sau khi khẳng định vai trò khởi xướng, còn tiếp tục xác nhận Huy Thông “đã có ảnh hưởng và vạch lối đi cho những nhà viết kịch thơ sau này” (Kịch viết bằng thơ). Quả vậy, chỉ sau mấy năm khởi xướng bằng thực tiễn sáng tác của Huy Thông , một phong trào viết kịch thơ liên tục xuất hiện từ cuối những năm 30 cho mãi tận năm 1945. Nếu kể từ Hàn Mặc Tử với Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội (1939) đến Lưu Quang Thuận với Người Hoa Lư và Yêu Ly (1945) thì có non mười nhà thơ ít nhiều quen thuộc như Phan Khắc Khoan, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Yến Lan, Vũ Hoàng Chương, Thao Thao, Hoàng Cầm với trên dưới hai mươi kịch thơ chào đời. Nhưng vấn đề không chỉ là noi theo về mặt thể loại, mà còn là thể loại mới xuất hiện này thì trong buổi đầu viết về cái gì là thích hợp nhất? Không phải ngẫu nhiên mà ngoài những chữ khởi xướng, ảnh hưởng ra, Lê Thanh còn nói đến chuyện vạch lối đi. Bởi vì thực tế cho thấy những nhà viết kịch thơ về sau, mặc dù có nhiều sáng tạo, nhưng họ cũng viết lại theo bốn loại chủ đề mà Huy Thông đã từng trải nghiệm. Nếu Anh Nga của Huy Thông viết về tình yêu lãng mạn, thì đã được tiếp nối với Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội (1939) của Hàn Mặc Tử, Vân Muội (1942), Trương Chi và Hồng Điệp (1944) của Vũ Hoàng Chương. Nếu Kinh Kha của Huy Thông viết về vận mệnh người anh hùng, thì cũng được tiếp nối với Quán biên thùy (1943) của Thao Thao. Còn Huyền Trân công chúa viết về mối quan hệ giữa tình yêu và tinh thần yêu nước, đã được tiếp nối với Lý Chiêu Hoàng (1942) của Phan Khắc Khoan và Viễn khách (1943) của Hòa Thu. Cuối cùng, Tần Hồng Châu viết về mối quan hệ giữa tình yêu và sự nghiệp người anh hùng, thì cũng được tiếp nối với Trần Can, Phạm Thái, Trương Quỳnh Như (1942) của Phan Khắc Khoan và Hận nam quan (1942) của Hoàng Cầm v.v… Hiển nhiên, những người đi sau còn viết về một số chủ đề khác nữa, nhưng ngày ở những chủ đề được tiếp nối này, họ đã viết linh hoạt phong phú hơn, nhất là đã tăng cường được tính chất sân khấu trong kịch bản, cho nên lần lượt đã được trình diễn trên sân khấu. Điều này không hề làm suy giảm, trái lại càng tôn vinh thêm vai trò khai sinh của Huy Thông đối với nền kịch thơ hiện đại của nước nhà.

Tóm lại, nghiên cứu sáng tác Huy Thông từ hai mặt bản thể và tác động, càng làm rõ thêm Thơ Mới đâu chỉ có tình yêu riêng tư, mà còn chan chứa tình cảm công dân với đất nước, đâu chỉ có thân phận cá nhân, mà còn có vận mệnh của người anh hùng của dân tộc và thời đại. Và chính là phong trào Thơ Mới, chứ không phải là phong trào Tân kịch (Kịch nói) mới là mảnh đất sinh thành cho dòng kịch thơ nước nhà mà gần đây dường như được tái sinh lại. Và xin tạm không nêu ra tư cách học giả, chính khách chủ yếu trong cuộc đời hoạt động sôi nổi đằng đẵng gần nửa thế kỷ của GS.Phạm Huy Thông, chỉ nhắc đến thi sĩ trẻ tuổi trên ít dưới nhiều tuổi đôi mươi Huy Thông, thì không những đã là người góp phần mở đầu cho Thơ Mới, mà còn chỉ vẻn vẹn trong ba, bốn năm, từ tuổi mười bảy đến hai mốt đã sáng tạo ra một gí trị tư tưởng thẩm mỹ độc đáo mà lan tỏa, biểu dương mạnh mẽ cho tâm hồn và trí tuệ sáng tạo ngời ngời của tuổi trẻ Việt Nam.

Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020