Chân dung nhà giáo

TÌNH THẦY”, TRÒ: “KHẮC CỐT GHI TÂM


01-10-2020

NCS. Xay Nhạ Sản còn nhớ như in hình ảnh người thầy luôn cặm cụi bên chồng sách, nhớ thầy, nhớ vầng trán rộng, sống mũi cao và nhớ cả hình ảnh điếu thuốc lá luôn thường trực trên môi thầy.

Là một NCS người nước ngoài với vốn tiếng Việt chưa thạo, anh được thầy thông cảm, ưu ái ấn định cho quĩ thời gian nhiều gấp đôi các bạn người Việt. Tức là nếu thầy cho NCS người Việt 10 phút cho mỗi lần gặp thầy thì anh được 20 phút, đôi khi còn hơn. Do vậy, mỗi lần đến gặp thầy anh phải chuẩn bị kỹ càng và đánh số 1, 2, 3, … những điều cần hỏi, cần trao đổi. Mỗi lần anh gọi điện đến, điện thoại chưa kêu hết hồi chuông, anh đã nghe thấy giọng thầy ở phía bên kia đầu máy trả lời. Tình cảm anh giành cho thầy là một tình cảm hết sức thiêng liêng và kính trọng. Anh chỉ trách số phận mình đen đủi với những rủi ro liên tiếp đã gần như vắt kiệt sức của cả thầy và trò. Đó là lần anh gặp trục trặc về vấn đề xin gia hạn NCS, thầy đã không nề hà gọi điện đến các nơi: phòng Quan hệ Hợp tác Quốc tế, phòng QLKH, BGH trường ĐHSPHN, Tham tán Văn hoá Giáo dục, ĐSQ Lào và thầy còn điện cho TS. Lê Hương- chuyên viên Vụ Sau Đại học, Bộ GD & ĐT để đảm bảo rằng về chuyên môn NCS không có vấn đề gì, việc hoàn thành luận án là chắc chắn, khó khăn chỉ là cần gia hạn thêm thời gian mà thôi. Do vậy, thầy đề nghị các bên liên quan sớm xem xét giải quyết . Kể từ giờ phút đó thầy đốc thúc trò cấp tốc đánh máy xong luận án để nộp lên Vụ QL Sau đại học. Tiếp đó là những ngày thầy trò thấp thỏm lo âu chờ đợi và vạch ra các trường hợp cụ thể để cùng bàn bạc tìm các giải pháp tối ưu nhất. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của TS. Nguyễn Thị Lê Hương, của GS.TS. Đỗ Đình Thanh – nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐHSPHN của anh Bun Ma – nguyên Bí thư thứ nhất tham tán GD và Văn hóa ĐSQ Lào tại VN. Không phải chờ lâu, quyết định mới đã gửi về trường với nội dung: “Căn cứ vào Công hàm của ĐSQ Lào, công văn của trường ĐHSPHN, vụ QL Sau Đại học đồng ý cho NCS Xaynhasản tiếp tục được gia hạn từ tháng 5 năm 1999 đến hết năm 1999. Yêu cầu các bên có liên quan giải quyết mọi chính sách cho NCS theo chế độ hiện hành”. Đến lúc đó cả thầy và trò mới nhẹ bớt gánh nặng về tâm lý.

Nhờ trục trặc đó mà anh càng thấu hiểu “ CÁI TÂM” của một người thầy, thầy không những vui với niềm vui của NCS mà thầy còn cảm thông, chia sẻ với NCS bằng những việc làm hết sức thiết thực. Vợ anh vẫn nhớ như in: có những sáng chưa đến 6 giờ, điện thoại đã reo vang và đầu dây bên kia là giọng thầy ân cần hỏi han : “Mọi việc đã có gì tiến triển chưa?”. Có những đêm cô đi dạy gia sư ở trong phố, 11 giờ đêm mới về đến nhà, cô vẫn nhận được tin thầy nhắn qua các bạn cùng phòng : “Về đến nhà khuya mấy cũng phải điện cho thầy để thầy biết tin tức”. Thầy đã hao tâm tổn trí, ăn không ngon ngủ không yên vì lo lắng cho sự thành bại của NCS, tấm lòng cao cả đó thật đáng trân trọng. Thời gian cứ trôi đi, ngày bảo vệ luận án của anh đã đến gần kề thầy CẤM ANH RA ĐƯỜNG nếu không có việc gì thật cần thiết chỉ với một lý do đơn giản thầy SỢ TÂM TRẠNG BẤT ỔN CỦA TRÒ KHI ĐI ĐƯỜNG DỄ XẢY RA TAI NẠN. Thầy giao mọi việc liên hệ đi lại, đưa giấy mời cho cô người yêu của anh đảm nhiệm. Đặc biệt thầy còn giữ lại cây thuốc lá A Lào mà anh đã biếu thầy mỗi lần anh về nước sang, thầy đợi đến sát ngày bảo vệ mới gọi anh đến đưa cây thuốc cho anh cùng một số tiền bắt anh phải nhận. Thầy còn vận động NCS người Việt mỗi người góp ít tiền giúp anh thêm vào việc bảo vệ luận án cho thật tốt đẹp. Thầy nói : “Thầy nhận tấm lòng của anh, giờ anh đang khó khăn về kinh tế, anh không phải nghĩ ngợi gì nhiều, sau này anh có điều kiện trở lại thăm thầy mua quà tặng thầy thì thầy không từ chối”. Thế nên, dù cho chất lượng thuốc lá A Lào hiện nay không còn thơm, ngon như ngày trước nhưng cây thuốc đó đã tạo thêm hương vị Lào - Việt trong buổi bảo vệ. Thậm chí, trước và sau ngày anh bảo vệ luận án, thầy không quên gọi điện cho TS. Lê Hương để gửi lời cảm ơn chân thành.

Thầy lúc nào cũng thế, chỉ nghĩ cho trò nhiều hơn cho mình. Cả đến khi nghe tin vợ chồng anh và con gái sẽ về dự ngày vui mừng thọ 70 tuổi( năm 2006) của thầy mà thầy còn gửi email sang dặn dò : “Thầy thật sự cảm động về tấm lòng của các em đã nghĩ đến thầy nhưng kinh tế của các em còn khó khăn, các em không về được thầy cũng không trách cứ gì”. Tấm lòng của thầy trước sau vẫn vậy, luôn tràn đầy lòng nhân ái và bao dung.

Giờ đây, mỗi lần ngắm tấm hình thầy trò tươi cười rạng rỡ trong ngày bảo vệ luận án, vợ chồng anh vừa tự hào vừa rưng rưng ngấn lệ như không tin vào hiện thực. Anh cứ tự hỏi: Tại sao? Tại sao? Chỉ vì một chút nhỏ nhen, đố kị hay sự tắc trách vô trách nhiệm của một ai đó suýt nữa đã đem bất hạnh đến cho một NCS nước ngoài. Giờ đây, mỗi lần vợ chồng anh về thăm quê vợ, dù vợ anh có về quê một năm tới 3 hoặc 4 lần cũng đều đến thăm thầy và cô Thi. Vợ chồng anh hết sức vui mừng khi thầy có một ngôi nhà đẹp, con cái thành đạt. Thầy được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010. Nhưng thầy  đã trực tiếp tới Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trao toàn bộ số tiền thưởng 200 triệu đồng tặng các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Năm 2015, mẹ thầy lại vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Học trò không biết nói gì hơn là mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn to lớn của thầy và cả gia đình thầy. Thầy đã góp phần cứu sống anh, cho anh một cuộc đời mới. Tấm lòng của thầy, ước vọng của thầy là đào tạo ngày càng nhiều các học trò giỏi, có tâm với nghề, với đất nước. Thầy đã truyền sang cho anh niềm say mê nghiên cứu khoa học, anh nguyện sẽ phấn đấu hết mình cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhất là cho nền lý luận văn học còn non trẻ ở Lào.

Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020