Tôi không nằm trong số những học trò ruột của thày. Nhưng với tôi, thày Đỗ Hữu Châu đã để lại những kỉ niệm vô cùng sâu sắc, những hình ảnh chẳng thể nào quên.
Hồi ấy là hình như là vào năm 1983...Lớp văn 5C đặc biệt ( kiểu như lớp Chất lượng cao bây giờ) chúng tôi được học các chuyên đề Cao học song song với các môn học của chương trình đại học. Thày Châu giảng chuyên đề “ Cơ sở ngôn ngữ học của việc phân tích tác phẩm văn học”. (Về sau, tôi mới hiểu rằng đó là tiền thân của chuyên đề Ngôn ngữ và văn học, rồi sẽ thành Ngữ dụng học- một hướng nghiên cứu mà thày Châu là người mở đường và dày công tạo dựng) Mấy chục năm đã qua, trí nhớ của tôi đã suy tàn nên không thể kể được thật chi tiết, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác say sưa khoái thú của mình và bè bạn khi nghe thầy giảng. Giọng thầy khào khào, rin rít.. nhưng lời thầy như có sức thôi miên. Cả lớp chúng tôi mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe thầy diễn giải rồi minh họa bằng những ví dụ trong thơ ca VN. Cũng vẫn là phân tích từ ngữ, âm điệu, vần luật trong những bài thơ không mấy xa lạ như Bầy ong trong đêm sâu ( Lưu Quang Vũ), Ngậm ngùi ( Huy Cận)... hoặc là những đoạn trích quen thuộc như Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều ( Nguyễn Du), ... nhưng thầy giải thích, cắt nghĩa mới thú vị và xác đáng biết chừng nào! Cả lớp chúng tôi chết lịm trong bể tri thức và cảm xúc của thầy...Có lẽ, những buổi học chuyên đề của thày Châu là những giờ phút hạnh phúc nhất trong thời sinh viên của chúng tôi. Sau này, nhiều lần lớp chúng tôi kể cho nhau nghe về cảm giác ngây ngất say sưa thuở ấy. Và mỗi lần kể lại, ai cũng tỏ rõ vẻ thèm thuồng tiếc nuối...” Giá mà được học thêm vài buổi nữa”...”Giá mà ghi âm được bài thầy giảng”... “Giá mà ghi hình được những giờ học kỳ thú ấy của lớp mình”...Nghe bạn bè xuýt xoa, tôi càng tiếc hậm tiếc hụi... Giá mà khi ấy tôi ghi chép kỹ lưỡng thì đã tích cóp thêm được bao nhiêu ví dụ tuyệt vời để làm phao cứu trợ cho những giờ dạy của mình sau này ! Dẫu không thể đi ngược thời gian, nhưng cảm giác ngây ngất mê say thuở ấy đã làm chúng tôi luôn trầm trồ ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến tên thày Đỗ Hữu Châu- một thày giáo tâm huyết, một nhà khoa học tài hoa của khoa Văn...
Lại nhớ... thuở ấy, trường Đại học Sư phạm Hà nội còn được gọi là Đại học Sư phạm Lầy lội(!) Chỗ nền nhà thư viện bây giờ là mấy dãy nhà vách đất mái nứa lụp xụp xiêu vẹo nhìn ra mảnh ao nhỏ thuộc đất của chùa Thánh Chúa (nay là sân và vườn hoa trước cửa thư viện). Cái ao nhỏ xíu, tù đọng, nước xanh lè, nổi váng... Nhưng ở cái thời mà nhà nhà phải mang xô chậu xếp hàng hứng từng ca nước máy thì nước ao tù cũng trở thành nguồn thanh tẩy quí giá cho các gia đình trong khu tập thể B2, B3. Ấy là vì nhà nào cũng nuôi gà để “ tăng gia”, cải thiện đời sống. Chuồng gà đặt ngay trước cửa phòng. Cả dãy chuồng gà xếp hàng suốt hành lang khu tập thể . Để chống xú uế, nhà nào cũng phải trải một tấm ni lông dưới chuồng gà để hứng chất thải, rồi ngày ngày đem ra ao chùa cọ rửa..Vì thế, cư dân B2, B3 có một thêm một thuật ngữ là “giặt tã gà” (!) để chỉ công việc “ cao quí” này. Thế là , một ngày đẹp trời nọ, tôi lâm vào một tình huống bất ngờ. Đang trên đường từ Hiệu bộ về A9, tôi mới chớm đến đầu ao chùa, thì nhìn thấy trên đường ra góc bờ ao bên kia, thày giáo đáng kính của chúng tôi vận quần đùi tầu tầu thõng thẹo, áo may ô ngả màu nước dưa , một tay cầm chổi sể cùn, một tay xách tã gà, dò dẫm từng bước trên đoạn đường đất lầy lội tiến về phía ao... Thế là tôi đành giả vờ như không trông thấy , để không phải lên tiếng chào thầy, rồi rảo bước đến chỗ lùm cây đầu đãy nhà lá đứng im không động đậy. Chờ một lúc lâu lâu, đoán là thầy đã làm xong việc và về nhà rồi, tôi mới dám thò mặt ra, đi tiếp.. Hình ảnh “thần tượng giữa đời thường” khi ấy , quả tình là làm tôi ngượng ngùng và thất vọng. Nhưng sau này nó lại thường hiển hiện trong tâm trí tôi với rất nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Tôi bằng tuổi con gái thầy. Và rồi cũng đủ lớn khôn hơn để hiểu được những chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”, hiểu được những cố gắng âm thầm của một người cha, một người đàn ông trong gia đình. Nhưng càng hiểu , càng thấy xót, thấy thương quá đỗi! Đáng lẽ ra, thời gian ấy, công sức ấy của những người như thầy không phải dành cho những công việc kiểu ấy...Rồi tôi cũng nhận ra rằng, nhà khoa học đáng kính của lũ học trò chúng tôi cũng phải chịu khó “ tăng gia” để bữa cơm ngày thường đỡ phần đạm bạc .Và có khi, cả những học trò nghèo túng cơ nhỡ cũng được nhận thêm những trợ giúp ấm lòng và... ấm bụng!
Số phận may mắn đã cho tôi trở thành giảng viên khoa Ngữ Văn, thành cán bộ đưới quyền chủ nhiệm khoa Đỗ Hữu Châu để có thêm nhiều kỉ niệm sâu sắc về thầy. Những năm 1986, 1987.. Trường ĐHSP vẫn còn đói nghèo tăm tối lắm! Bữa cơm thường ngày vẫn độn ngô, độn sắn. Nước máy chảy rỉ rỉ, xếp hàng cả buổi mới được một xô. Điện đóm thì chơi trò ú tim, lúc sáng lúc tắt, chẳng theo quy luật nào. Catset, TV đen trắng là của quí hiếm, nhà nào khá giả lắm mới sắm được. ..Thế mà liên chi đoàn khoa Văn thường xuyên tổ chức vũ hội! Khi ấy, chi đoàn cán bộ chỉ có 4 người. Tôi và Phan Thị Hồng Xuân được giao nhiệm vụ “ hậu cần”. Nghĩa là phải chia nhau đi mượn phòng, đi lấy chìa khóa, rồi kê dọn bàn ghế, rồi ngắm nghía xem xung quanh hàng xóm nhà nào có cái đèn dầu hỏa to to thì mượn sẵn để đề phòng điện tắt!...Thường là phải chạy tới chạy lui suốt buổi chiều. Tối đến, phần quan trọng nhất của bộ phận “hậu cần” mới xuất hiện. Đó là chủ nhiệm khoa Đỗ Hữu Châu đích thân xách catset của nhà đến , bật băng lên...Vũ điệu cha cha cha, rum ba tưng bừng dìu dặt..Sinh viên khoa Văn và cả các khoa khác cùng vỗ tay đập nhịp rồi lắc lư nhún nhảy, rồi múa tay dập chân loạn xạ..Thế là thành vũ hội!Trong đám nữ sinh , mấy cô Hải phòng táo tợn nhất sẽ uốn lượn lòng vòng rồi nhún chân nghiêng người mời chủ nhệm khoa “ ra sàn”. Thế là thành “cặp đôi hoàn hảo” nhất đêm hội. Thủ trưởng của chúng tôi dáng hình “bóng nhựa” dìu một “tiểu thư chuồn chuồn kim” lắc lư qua phải qua trái, tiến lên lùi xuống vô cùng nhịp nhàng ..Mọi người dạt ra nhường chỗ và vỗ tay hoan hô. Hết bài, “ cặp đôi hoàn hảo” khuỵu chân chào nhau như quí tộc Pari (!) Tôi và Hồng Xuân ngồi ở góc phòng, cũng vỗ tay nhiệt liệt. Xong phần biểu diễn “làm nóng hội trường”, thầy Châu thường ngồi xem các học trò nhảy nhót. Thỉnh thoảng tôi nghe được những lời thày nhận xét, có khi chẳng liên quan gì đến âm nhạc và nhảy múa :” Cậu kia là dân giao thông ấy mà...”, “ Em Hà đang giận ai à..”, “ Anh chàng áo kẻ kia mê em Nga rồi!”...Đôi khi có tiếng ai đó bạo miệng đề nghị “ Đổi băng ABBA đi thày ơi!” Thế là thày đứng lên, thay băng nhạc theo yêu cầu , rồi hứng chí cũng làm vài nhịp lắc mông lắc vai rất trẻ trung điệu nghệ. Cũng có khi cuộc chơi đang vui thì điện tắt. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nên lập tức xòe diêm, bật lửa, châm đèn , đặt lên một cái bàn ở giữa phòng cho sáng ..Chủ nhiệm khoa của chúng tôi cũng mở túi, lấy ra mấy cục pin con thỏ, lắp vào catset. Thế là nhạc lại nổi lên. Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, các bạn nhảy có vẻ hào hứng hơn cả khi có điện! Chừng 10 giờ khuya thì vãn cuộc. Chúng tôi thu dọn “ chiến trường”.Thày Châu cũng rút phích cắm, cuốn dây ,tháo pin rồi xách đài ra hiên đứng chờ chúng tôi khóa cửa... Vậy là không chỉ cán bộ trẻ chúng tôi phải lăn lóc tổ chức hoạt động cho sinh viên, mà cả chủ nhiệm khoa cũng mang đồ quí trong nhà ra phục vụ học trò ! Sau này gặp lại, nhiều bạn sinh viên thuở ấy vẫn sụt sùi kể tiếp những chuyện khóc chuyện cười, những tình bạn tình yêu có dây mơ rễ má từ những đêm vũ hội catset đèn dầu của khoa Văn.. Riêng tôi lại nhớ nhất hình ảnh thày lúc bĩu môi nheo mắt nhìn tôi mắng mỏ: “ Học nhảy đi chứ! Con gái khoa Văn gì mà đụt thế! ”..
Là con gái khoa Văn, theo lời thày, tôi đã học thêm rất nhiều thứ ! Nhưng tôi có học hết kiếp này và nhiều nhiều kiếp nữa..thì cũng chẳng thể nào hết “đụt”. Có chăng, may lắm thì tôi sẽ đủ sáng tâm để thêm hiểu, thêm ngưỡng mộ, thêm thương quí những đấng bậc ngời ngời trí tuệ, lấp lánh tài hoa,bừng bừng nhiệt huyết như thày Châu của chúng tôi...
Thấm thoắt thế là đã tròn mười năm khoa Văn tiễn thầy về cõi vĩnh hằng. Có người bảo rằng đó là “ xứ không màu”... Nhưng tôi tin rằng thầy Đỗ Hữu Châu ở đâu thì nơi đó sẽ tưng bừng rực rỡ . Bởi vì, cũng sẽ như khi còn ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà nội , thầy đã đem đến cho chúng tôi “ một khoảng trời vĩnh viễn ướp hương hoa” ...