Chân dung nhà giáo

Giáo sư Bùi Văn Nguyên - người tổ trưởng đầu tiên của Tổ Văn học dân gian và trung đại Việt Nam


01-10-2020

Với tinh thần tự học về Hán học, triết học Đông phương nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam, sau khi tốt ngiệp Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Liên khu IV) và Cao đẳng sư phạm, nhà giáo Bùi Văn Nguyên dạy học ở trường PTC/2 Phú Việt (Thanh Hà, Hà Tĩnh) sau đó dạy cấp cấp 3 rồi làm hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng từ năm 1957-1959. Đầu năm học 1959-1960 nhà giáo Bùi Văn Nguyên được Bộ Giáo dục cử làm trợ lý nghiên cứu Văn học Việt Nam ở khoa Văn Sử do GS Nguyễn Lương Ngọc làm chủ nhiệm khoa. Trước tháng 6-1958, hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học sư phạm, tuy có quản lý hành chính là hai trường nhưng các khoa xã hội và tự nhiên, sinh viên hai trường đều học chung với nhau tại nội thành Hà Nội, trụ sở chính là trường Đại học Đông dương cũ ở phố Lê Thánh Tôn và trụ sở phụ ở số 9 Hai Bà Trưng. Các giáo sư, trợ lý đều là cán bộ giảng dạy chung cho hai trường. Đến đầu năm học 1958-1959, Bộ Giáo dục quyết định tách riêng hai trường và Đại học sư phạm được chuyển lên cây số 8 Cầu Giấy huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội - Nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại học sư phạm là xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Lúc này các giáo sư Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc cùng với các trợ lý các bộ môn văn học Việt Nam và nước ngoài tham gia giảng dạy. Nhà giáo Bùi Văn Nguyên được GS Nguyễn Lương Ngọc giao trách nhiệm xây dựng bộ môn Văn học dân gian và phong  kiến thượng kỳ (Thế kỷ X-XVII),  nhà giáo Lê Trí Viễn xây dựng bộ môn Văn Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến 1930, nhà giáo Nguyễn Trác xây dựng bộ môn Văn Việt Nam từ 1930-1954.

Tổ văn I do nhà giáo Bùi VĂn Nguyên làm tổ trưởng có hai nhóm văn học dân gian và nhóm văn học phong kiến thượng kỳ lúc này có nhà giáo Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Phan Sĩ Tấn, Lý Hiếu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, đến 1960 thêm Đỗ Bình Trị, Nguyễn Nghĩa Dân, Trần Gia Linh. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Côn làm tổ phó phụ trách nhóm Văn học dân gian, nhà giáo Bùi Văn Nguyên trực tiếp phụ trách nhóm Văn học phong kiến thượng kỳ. Ở Đại học Tổng hợp cũng như Đại học sư phạm, ngoài một số tổ giáo sư, các thầy đều có tên chung là “cán bộ giảng dạy”.

Là người khởi đầu sự nghiệp của Tổ Văn I, nhà giáo Bùi Văn Nguyên vừa phải nghiên cứu chuyên môn được phân công, vừa phải xây dựng bộ môn Văn học dân gian và phong kiến thượng kỳ.

 Nhiệm vụ lớn của cán bộ giảng dậy tổ Văn I bắt đầu từ nghiên cứu phần giáo trình được phân công lên lớp cho các lớp Văn I, mỗi cán bộ phụ trách một số chương mục, cùng làm việc chuẩn bị giáo án với tổ trưởng, nhóm trưởng. Buổi đi ban đầu của Tổ rất vất vả, trình độ chuyên môn còn thấp, từng cán bộ giảng dậy trong tổ làm việc ngày đêm, cố gắng tối đa trong tự học, tự nghiên cứu với sự giúp đỡ - nói thật - cũng ở mức độ nhận định về chuyên môn; điều quý nhất là nhà giáo Bùi Văn Nguyên rất nhiệt tình trao đổi nội dung bài giảng của từng cán bộ giảng dậy, dự giờ lên lớp, nhận xét, bổ sung kiến thức…

Đầu năm 1961, Trường và khoa có chủ trương lớn là viết lại giáo trình của các bộ môn trong một thời gian ngắn (không đầy 1 năm). Tất nhiên có giáo trình được kế thừa và cũng có giáo trình hoàn toàn mới. Tổ trưởng bộ môn Bùi Văn Nguyên vừa phải nghiên cứu viết giáo trình văn học phong kiến thượng kỳ lại phải viết giáo trình phần chung về văn học dân gian. Nhà giáo Bùi Văn Nguyên đã đảm nhận nốt số chương mục của giáo trình lịch sử Văn học dân gian Việt Nam, riêng về giáo trình Văn học phong kiến thượng kỳ, nhà giáo Phan Sĩ Tấn viết chương mở đầu còn đại bộ phận các tác giả từ Văn học Lý Trần đến Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ…, nhà giáo Bùi Văn Nguyên phụ trách. (Tích lũy chuyên môn ban đầu này tạo điều kiện cho GS Bùi Văn Nguyên đi sâu trở thành chuyên gia đầu ngành về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và được tặng giải thưởng Nhà nước). Giáo trình lịch sử Văn học Việt Nam nói chung và lịch sử văn học phong kiến thượng kỳ nói riêng mãi cho đến nay vẫn là kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam được sử dụng trong cả nước ở các trường Đại học sư phạm và Cao đẳng sư phạm. Có thể xem đây là thành công lớn từ buổi sơ khai của Tổ bộ môn Văn I mà công sức lớn thuộc về nhà giáo Bùi Văn Nguyên. Đó cũng là đóng góp quan trọng và được phong học hàm giáo sư của nhà giáo Bùi Văn Nguyên.

Từ lương tâm, trách nhiệm đặc biệt năng khướu và say mê Văn học, Triết học, GS Bùi Văn Nguyên đã xây dựng tập thể Tổ Văn I ngày càng phát triển với những thành tích đáng ghi nhận từ sự đóng góp có hiệu quả mình. Tuy sức khỏe không được tốt lắm nhưng GS Bùi Văn Nguyên đã chủ trì hướng dẫn cán bộ giảng dậy trong Tổ đi nghiên cứu điền dã (có sinh viên tham gia): nghiên cứu, trực tiếp cán bộ tập kết là người dân tộc đang học tập ở Chi Nê (Hòa Bình) để thu nhận ghi chép về nội dung, nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn Trường ca Tây Nguyên; nghe kể, ghi chép truyện cổ các dân tộc Cà Tu, Ba-na…, đi Cao Bằng để nghiên cứu Văn học dân gian đồng bào Tày, Nùng (về sau đã xuất bản các truyện cổ này). Về nghiên cứu văn học phong kiến, GS Bùi Văn Nguyên đã tổ chức nhiều chuyến đi về Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Sơn Bình, tham gia lễ hội vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đi Thanh Hóa, vào Lam Kinh, đi Hải Phòng…từ đó, qua tham quan nghiên cứu, thành viên Tổ Văn I thu nhận thêm nhiều kiến thức rất bổ ích cho giảng dạy và nghiên cứu. Nhớ lại bao lần đi thực tế với mỗi người một chiếc xe đạp, năm học nào cũng dành thời gian hàng tuần GS Bùi Văn Nguyên cùng Tổ I có lúc hàng tháng để nghiên cứu điền dã, nghiên cứu di tích văn hóa, lịch sử, đền thờ, gia phả muôn màu muôn vẻ với mục đích bổ sung kiến thức khoa học, tư liệu cho bài giảng. Từ năm 1962 cho đến năm 1965 và sau đó, năm nào GS Bùi Văn Nguyên cũng tổ chức cho Tổ Văn I đi thực tế nghiên cứu văn học dân gian nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, di tích lịch sử, văn hóa, văn học Lý, Trần, Lê, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ giảng dậy trong Tổ. Với tinh thần tự học, tác phong nghiên cứu thận trọng, trình độ Hán học khá vững lại học thêm Tiếng Nga nên GS Bùi Văn Nguyên đã động viên cán bộ từng tổ tự học ngoại ngữ Hán nôm (phối hợp với Tổ Văn II theo học với cụ Nguyễn Kỳ Nam về Tứ Thư, ngũ kinh, triết học, Đông phương theo chủ trương của GS Lê Trí Viễn) tổ chức biên dịch tài liệu văn học cổ, ly luận văn học dân gian Nga để bồi dưỡng trình độ cho cán bộ giảng dậy của Tổ xây dựng thêm nhiều tư liệu tham khảo cho Tổ Văn I thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để giảng dạy. GS luôn luôn nhắc cán bộ trong tổ điều dễ hiểu là phải quyết tâm, kiên nhẫn, nhiệt tình là tự học, nghiên cứu khoa học phục vụ cho giảng dậy, đào tạo sinh viên. Tự mình GS nhiệt tình giảng dậy đặc biệt khi có năm thứ 4, cao học, với vốn kiến thức và công trình nghiên cứu của mình, GS Bùi Văn  Nguyên đã góp phần đào tạo các lớp sinh viên theo trình độ đại học, hướng dẫn sinh viên nhiều luận văn, luận án Văn học dân gian, các tác giả Văn học phong kiến. Hàng năm được sự đồng ý của Trường, của Khoa, Tổ Văn I có thêm nhiều cán bộ giảng dậy mới, được GS Bùi Văn Nguyên hướng dẫn tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, về sau nhiều cán bộ của Tổ đạt trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Văn học dân gian hoặc Văn học cổ Việt Nam… Quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn của Tổ Văn I có sự chăm lo của GS Bùi Văn Nguyên. Một thành tích của Tổ Văn I mà GS Bùi Văn Nguyên góp phần tạo dựng là chi hội Văn nghệ dân gian của trường Đại học Sư phạm trong đó thành viên chủ yếu là của Tổ Văn I từ năm 1968, cho đến nay tổ chức này vẫn tồn tại, phát triển và là một trong số các chi hội Văn học dân gian đầu tiên của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thành lập từ năm 1967 đến nay. Riêng GS Bùi Văn Nguyên đã tham gia làm chủ tịch Hội toàn quốc trong nhiệm kỳ 2, thời gian chống Mỹ với không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan gây nên.

Năm tháng trôi đi những công sức ban đầu và sau đó có sự đóng góp rất quan trọng của GS Bùi Văn Nguyên từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước của tập thể Tổ Văn I nói chung và của GS Bùi Văn Nguyên nói riêng thật đáng tự hào trong niềm tự hào của Khoa Văn cũng như của trường Đại học Sư phạm từ nửa thế kỷ trước đây. Các buổi ban đầu gian nan mà rất đỗi tự hào ấy mãi mãi là dấu ấn đậm nét son về Tổ Văn I với “chủ soái” đầu tiên là GS Bùi Văn Nguyên!

                                                                            Tháng 3.2013

                                                                                  N.N.D

VĂN CHƯƠNG NỢ MÃI LÒNG KHÔNG DỨT,

GIÁO DỤC XÂY HOÀI, SỨC CHỬA VƠI…

Đó là hai câu thực trong bài “Trên đà tám mươi”(1) của GS Bùi Văn Nguyên, là tấm lòng, là sự nghiệp, là tâm hồn trong sáng, là tấm gương tự học của Anh, người bạn học, bạn cố tri, đồng nghiệp của tôi từ 1947 cho đến khi Anh qua đời và mãi mãi là niềm thương cảm sâu sắc của tôi với Anh.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, mặc dù đã lớn tuổi, anh Bùi Văn Nguyên xin vào học trường Trung học Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Liên khu IV). Anh rất chăm học, vào loại học sinh giỏi ban Văn - Sinh ngữ. Cùng thời gian đó Anh học ban Cao đẳng sư phạm. Ra trường, Anh dạy cấp 2 phổ thông một thời gian ngắn, do năng lực chuyên môn khá giỏi, Anh được cử dạy cấp 3 trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) sau đó làm hiệu trưởng trường này sau hòa bình lập lại năm 1954. Đến năm 1959, Anh được cử ra nghiên cứu để chuẩn bị tham gia giảng dạy ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi được cử làm tổ trưởng (Chủ nhiệm bộ môn) Văn học dân gian và phong kiến thượng kỳ (Thế kỷ X - XVII), gọi tắt là Tổ Văn I. Việc quan trọng nhất trong thời gian này là cùng thầy Lê Thế Viễn, GS Bùi Văn Nguyên chủ trì tổ bộ môn viết “Lịch sử văn học dân gian Việt Nam” và “Lịch sử phong kiến thượng kỳ”, trong nội dung hai giáo trình này nhất là văn học phong kiến, anh đã ngày đêm nghiên cứu để viết giáo trình khái quát về Nho-Phật-Lão, về thơ văn Lý-Trần về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn… từ nghững năm 60 của thế kỷ trước, cùng tổ bộ môn, anh tham gia thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian của trường Đại học Sư phạm, sau đó được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian toàn quốc suốt nhiệm kỳ 2 trong tình hình Hội gặp nhiều khó khăn không “thuận buồm xuôi gió” lắm.

Trong quá trình học tập, công tác, anh Bùi Văn Nguyên luôn biểu lộ tâm hồn trong sáng, say mê, tận tâm vì sự nghiệp giáo dục và về văn chương, sống có tình nghĩa, được đồng nghiệp cảm phục về đức về tài, được học sinh, sinh viên quý trọng. Anh có vốn Hán học ,văn học dân gian, biết ngọai ngữ Anh, Pháp, tự học tiếng Nga và đặc biệt là đi sâu vào kho tàng văn học cổ với tác phong nghiên cứu sâu sắc, luôn luôn tìn đến gốc ngọn của nhiều vấn đề văn học. Ở anh Bùi Văn Nguyên, nghiên cứu khoa học là để giảng dạy, quá trình giảng dạy cũng là quá trình nghiên cứu khoa học. Với công tác giảng dạy cũng như xây dựng Tổ Văn I, anh chủ trì nhiều đợt nghiên cứu điền dã, nghiên cứu văn bia, di tích lịch sử văn học dân gian từ Cao Bằng, Hòa Bình (Chi Nê – nơi có trường dân tộc của cán bộ Tâ[1]y Nguyên tập kết), đến Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tây, Thanh Hóa… Anh bỏ thì giờ để nghiên cứu ở thư viện Trung ương kết hợp tìm hiểu nhiều Nhà thờ các tộc họ, nhiều gia phả để truy nguồn tài liệu gốc. Từ vốn hiểu biết về nghiên cứu, Anh nghiên cứu, viết trên ba mươi đầu sách về [2]văn học dân gian, văn học phong kiến, tham gia chủ trì một số tập của Tổng tập văn học Việt Nam. Cho đến nay nhiều công trình nghiên cứu của Anh vẫn là những nguồn tư liệu quý, đặc biệt về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hội Tao Đàn và Lê Thanh Tôn… Quá trình nghiên cứu của Anh cũng là quá trình tự học, học ở thư viện, học ở thực địa, học hỏi các giáo sư Trần Văn Giàu, GS Đặng Thai Mai, các cụ Trần Văn Giáp, Lê Thước, Phạm Trọng Điềm… Anh được phong Giáo sư và thời gian gần đây, xét cụm công trình nghiên cứu của Anh về Nguyễn Trãi, Anh được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Với tâm hồn trong sáng, vô tư, GS Bùi Văn Nguyên đã làm việc suốt đời mình vì sự nghiệp nghiên cứu văn chương và sự nghiệp giáo dục. Trong kháng chiến dài lâu, tư liệu khó tìm, GS luôn chịu khó với chiếc xe đạp thô sơ đi nơi này nơi khác có khi chỉ đễin đọc mấy trang gia phả của một tộc họ nào đó, có khi cùng sinh viên vượt hàng trăm cây số để tham quan nghiên cứu thực địa – chịu khó học tập, say mê đến mức có lúc quên ăn, ở riêng gian nhà gác ba số 31 Hàng Ngang, vợ mất sớm, con ở xa, GD sống như một ẩn sĩ nhưng ẩn sĩ này giàu suy nghĩ, trí tuệ luôn hướng về văn chương giáo dục:

                       Văn chương phận thấp dăm ba chữ,

                        Giáo dục tình cao cả cuộc đời

                       (Trên đà bảy mươi)

Tâm hồn vô tư, thanh thản, không chút tham vọng, ngoài nghiên cứu văn học, giáo dục, triết học Đông phương (3), Giáo sư gửi tâm hồn mình vào sáng tác thơ. Từ thời thanh niên, Anh Bùi Văn Nguyên đã tập làm nhiều thể loại thơ. Lúc ở Đại học GS Hà Minh Đức, GS Bùi Văn Nguyên xưa trong công trình viết nghiên cứu về các thể thơ xưa trong công trình “Thơ ca Việt Nam” (hình thức và thể loại) (2) với nhiều tư liệu q[3]uý về các thể thơ cũ, mới. Sáng tác thơ của Anh thiên về đạo đức, nhân tình thế thái, ca ngợi truyền thống yêu nước, kết hợp đạo đức dân tộc với tư tưởng Hồ Chí Minh, ca ngợi cá anh hùng liệt sĩ dân tộc và cũng không quên phê phán các thói hư tật xấu của xã hội hiện đại. Điểm nổi bật là GS Bùi Văn Nguyên đã sáng tạo thể thơ “ Việt Nam bát trân” (gọi tắt là Việt Trân) – Cảm hứng “ Việt Trân” bắt nguồn từ kinh dịch phục hy với 4 phương 8 hướng và với con số 8 của sản phẩm vật chất, tinh thần, văn hóa, đạo đức Việt Nam, kết tinh của bao điều tốt lành. Cảm hứng này đến với GS Bùi Văn Nguyên khá đặc biệt – GS viết: “Không roc một luồng điện vô hình nào từ xa xăm đã siêu dẫn tâm tư tôi, khiến tôi đã thành công đi từ thể “ nam đàn bác châu” khởi đầu sang song thể “Việt Nam báo trân” hoàn chỉnh không?...”. Việt Trân(4) là thể tứ tuyệt thất ngôn và 2 câu cuối theo thể lục bát kết hợp nhuần nhuyễn về vần, có thể đối (trong 4 câu tứ tuyệt) hoặc không. Năm 1994, anh Bùi Văn Nguyên đã sáng tác bài đầu tiên theo thể viết Trân:

Tiễn năm cũ chào xuân Giáp Tuất,

Miệng tươi cười tay chuốt đào xinh.

Dân giàu cha chú mừng thêm tuổi,

Nước mạnh con em góp sức mình.

Đọc lập tài cao lừng Bắc Đẩu,

Tự do cờ phất rạng Nam Minh.

Cầu cho đất nước thanh bình,

Cho đời sáng rực cho tình nở hoa.

 (Chào xuân Giáp Tuất 1994)

Thơ Việt Trân có thể được xem là một sáng tạo nghệ thuật của GS Bùi Văn Nguyên. Từ gần 20 năm qua, nhiều câu lạc bộ thơ ở Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây…sáng tác, xướng họa và đang phát triển. Riêng tôi (N.N.D) có tập “Anha sao đất nước” (với nội dung viết về danh nhân lịch sử, văn hóa của nước ta, được sáng tác theo thể thơ này).(5)

GS Bùi Văn Nguyên còn nhiều bài thơ với đề tài phong phú, tình cảm sâu nặng với vợ con, ấn tượng sâu sắc. Xin đơn cử mấy câu thơ do thần giao cách cảm với vợ nhân ngày mừng thọ anh 80 tuổi, anh nghe vọng từ bàn thờ của vợ, tiếng nói của vợ, từ đó anh viết:

Buổi mừng thọ bát tuần trân trọng,

Mà hiền thê vắng bóng thật ư?

Văn chương anh mãi quên ngày tháng,

Hương hỏa em từng đợi sớm trưa.

Xa nhau quen nếp từ xưa,

Tính ngày sum họp quả thưa thớt nhiều…

   (Tưởng nhớ vợ vắng bóng ngày vui).

Kể cũng là hiện tượng lạ!    

                                                       Tháng 3.2013

                                                   Nguyễn Nghĩa Dân

[1] Tuyển tập thơ Vân Trình – NXBKHXH-Hà Nội 1997 (Vân Trình – Bút danh của GS.Bùi Văn Nguyên)

(2) Nhà Xuất bảnKhoa họcxã hội-1974( in lần thứ 2)

(3) Xem: Bùi Văn Nguyên-Kinh dịch Phục Hy-Đạo người trung chính thức thời-NXB KHXH-1997)

(4) Xem thêm Tuyển taapj thơ Vân Trình – sđd 109-121

(5) Nghĩa Phương – Vân Trình - ánh sao đất nước – NXB Giáo dục - 1012

Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020