Chân dung nhà giáo

Giáo sư Bùi Văn Nguyên của chúng tôi


01-10-2020

Lứa chúng tôi- những sinh viên khoa Văn hệ 3 năm đầu tiên(1962-1965) được học thầy Bùi Văn Nguyên từ bài giảng mở đầu chương trình văn học Việt Nam ở năm thứ nhất. Sau đó là các bài khái quát văn học phong kiến thượng kỳ, phần văn chương Lý- Trần – Lê. Số anh chị em nhà trường giữ lại khoa được Thầy giảng chuyên đề thơ văn Nguyễn Trãi. Đó là những bài giảng sâu sắc, tâm huyết đem đến cho chúng tôi lòng yêu quý, tự hào về nền văn hóa Đại Việt, lòng ngưỡng mộ các bậc tiền nhân đã ra sức xây dựng, bảo vệ non sông với tấm lòng yêu nước, yêu dân thiết tha, với ý chí anh hùng bất khuất cùng lòng nhân ái bao la. Hồi đó thầy Nguyên đã vào tuổi tri thiên mệnh, người gầy, phải đeo kính lão, đạp xe 8 km từ nội thành ra ngoại ô đi dạy nhưng lên lớp rất đúng giờ, lời giảng lúc nào cũng đầy nhiệt tâm, rất rành rẽ, cụ thể trong từng giải thích về điển tích, lịch sử, chữ nghĩa.Tôi còn nhớ Thầy nói về nguồn gốc Bách Việt, về vùng Ngàn Hống, sông Lam đã một thời là cố đô của Kinh Dương Vương. Sau này trong sách “Kinh Dịch Phục Hy, đạo người trung chính thức thời” hoàn thành mùa xuân Bính Tý (1996), nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1997, khi nói về “Hình thức nhà Minh đường” (Nhà sáng) ở ô chính nam trong cửu cung được hoàn chỉnh từ thời Nghiêu, Thuấn, Thầy đã ghi rõ: “Ở cố đô Ngàn Hống (Hà Tĩnh) của Kinh Dương Vương đã có nhà Minh đường, các vua Hùng cũng dựng nhà Minh đường ở cố đô Ao Việt (Việt Trì)”(1).

Thầy là người rất say mê, cẩn trọng trong nghiên cứu khoa học. Những gì còn mơ hồ, khó hiểu, nghi hoặc, Thầy đều bỏ nhiều công sức tìm tòi tra cứu. Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Trì trong một lần làm việc với GS Bùi Văn Nguyên, được GS cho biết: “phải mất gần 30 năm tìm tòi, suy ngẫm, đối chiếu các tài liệu tôi mới tìm ra được tên thật của bà”(2) (huyện Thanh Quan- NNT) là Nguyễn Thị Hinh mà Thầy từng băn khoăn không hiểu tên thật của bà từ thời trung học phổ thông.

Một đời đi dạy, say mê khoa học, tìm tòi chân lý, lẽ phải, hướng đến các giá trị nhân văn cao đẹp, GS Bùi Văn Nguyên luôn xem trọng việc tự học, khảo cứu. Ngoài việc đào tạo nhiều lớp học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, Thầy còn để lại gần 30 tác phẩm từ văn học dân gian, văn học viết Việt Nam thế kỷ XI- XVIII; các chuyên khảo thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Thánh Tông; chủ biên Tư liệu tham khảo văn học dân gian, văn học viết, các tổng tập Văn học Việt Nam (tập 4, tập 5); “Giảng văn đại học” đến các sách dịch và hiệu đính như “Tân đính Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh”, “Kinh Dịch Phục Hy”; sáng tạo thể thơ “Việt Nam bát trân”, gợi tắt là Việt trân (Tuyển tập thơ Vân Trình), cùng viết với Hà Minh Đức cuốn “Thơ ca Việt Nam (hình thức và thể loại)”. Thầy rất chú ý đến truyền thống văn hóa dân tộc trong các tác phẩm “Việt Nam truyện cổ với triết lý tình thương” (1992), “Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn” (1980), “Việt Nam, truyền thống, sức sống trường tồn” (1996). Không chỉ dồn sức cho việc hiểu biết sâu sắc, chính xác phần văn học dân gian và văn học Việt Nam trung đại, giáo sư Bùi Văn Nguyên còn say mê nghiên cứu quan niệm triết học cổ đại Đông phương. Cuốn “Kinh Dịch Phục Hy- Đạo người trung chính thức thời” Thầy viết sau khi nghỉ hưu là một công trình rất có giá trị, mang nhiều tâm huyết, sức lực và tính cách, nhân phẩm của giáo sư. Cuốn sách dày 614 trang, ngoài phần dẫn nhập và kết thúc, gồm 4 phần chính. Phần một 60 trang trình bày “Nguyên ủy nhận thức tự nhiên và quá trình cấu trúc biểu đồ Bát Quải Phục Hy”. Ở đây nêu lên bối cảnh lịch sử từ cổ sơ, cơ sở lý luận khái niệm và kí hiệu khoa học từ địa bàn phương Đông, đồ hình kí hiệu tám quẻ đơn và sáu mươi tư quẻ kép của Tiên thiên và Hậu thiên Bát Quải cùng các quy ước đọc các quẻ, các hào, quy cách xóc quẻ và ghép quẻ trong phép bói Dịch và đại cương về phép đoán quẻ qua Thời và Vị…Phần hai 75 trang nói về quá trình hình thành văn bản Kinh Dịch và ý nghĩa cổ truyền triết lý Kinh Dịch từ Bát Quải Đồ Phục Hy gồm vũ trụ quan với thiên văn và tự nhiên, nhân sinh quan với nhân văn và xã hội.Phần ba 288 trang là phần nói về phương vị và nội dung 64 quẻ kép theo Bát Quải Đồ Phục Hy từ quẻ Thuần Khôn đến quẻ Thuần Kiền. Phần bốn 139 trang có tính chất phụ lục gồm các loại đồ hình, các loại hệ thống kí hiệu, bản dịch trọn Hệ từ đại truyện và Tựa Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hy kèm bản chữ Hán 64 quẻ cùng với Hệ từ đại truyện và Tựa Chu Dịch. Tuy là phụ lục nhưng đó là cơ sở quan trọng để bạn đọc có thể so sánh, đối chiếu hệ thống Hy Dịch và hệ thống Chu Dịch. Cuốn sách là một công trình khảo cứu kĩ lưỡng chứa đựng nhiều ý tưởng sâu sắc, những tri thức rộng lớn văn hóa cổ kim Đông Tây bắt nguồn từ lòng ham hiểu biết tường tận tác phẩm triết học cổ đại phương Đông của giáo sư trong hơn nửa thế kỷ. Thầy cho biết “Năm 1944 tôi đã đọc Kinh Dịch theo bản dịch của Ngô Tất Tố nhưng tôi không hiểu, mãi đến khoảng năm 1960 đọc lại, chỉ hiểu được ít (….) cho đến năm 1975 mới lại mua các bản dịch của Nguyễn Duy Tinh (2 cuốn ), rồi đến năm 1992 mới đọc bản của Nguyễn Hiến Lê và chuẩn bị tư liệu khôi phục Hy Kinh (tức Kinh Dịch theo hệ thống Phục Hy)”(3). “ Tôi đọc cuốn “ Một nhận xét về Kinh Dịch” của Nguyễn Uyển Diễm được in năm 1953 từ một bài báo 1936, dưới nhan đề: “Nói chuyện với cụ Nguyễn Quyền về Kinh Dịch”. Như vậy về nội dung xoay quanh Kinh Dịch, tôi đã có chủ trương tập họp tư liệu từ trước Cách mạng tháng Tám, nhưng chỉ với mục đích tìm hiểu Kinh Dịch, chứ không hề có tham vọng viết một chuyên khảo về Kinh Dịch, chứ nói gì đến chuyện dám khôi phục Kinh Dịch ?. Chuyện này đối với tôi quả như trong giấc mơ, quả nhiên, trước Cách mạng tháng Tám, trình độ học thức của tôi quả là thấp kém, và nhờ Cách mạng thành công, nhờ tôi kiên trì làm nghề thầy giáo từ cấp 2 đến cấp 3, đến đại học, ròng rã nửa thế kỷ, rồi về hưu cho đến nay, vừa học vừa dạy, học để mà dạy, ngược lại dạy cũng để mà học, về sau, thêm vừa dạy vừa viết, viết để mà dạy, và ngược lại, muốn dạy có hiệu quả, cũng phải viết thành công”(4). “ Ở tuổi gần 80, tuy tâm thành nhưng lực kiệt, chắc tôi còn nhiều điều bất cập mong được bạn đọc bổ chính, chờ khi tái bản, tôi xin sửa chữa”(5).

Đọc Kinh Dịch Phục Hy có thể thấy công sức lao động miệt mài và lòng trung thực khoa học của Thầy trong việc tìm lại những ý tưởng sâu xa về mặt triết học của người xưa cũng như những ý đồ chính trị thay đổi vị trí các quẻ ở Bát Quải Đồ Tân Đính tức Hậu Thiên Bát Quải Đồ của nhà Chu, gọi là Chu Dịch. Cũng nhờ trở lại với tính khách quan khoa học của Kinh Dịch Phục Hy mà Thầy đã chỉ ra những thiếu sót chỗ này chỗ khác của những người nghiên cứu, biên soạn về Chu Dịch và ghi nhận công lao, những ý tưởng đúng đắn sâu sắc của nhiều học giả như Phan Bội Châu, Nguyễn Hiến Lê, Leibniz….

Giáo sư Bùi Văn Nguyên là người rất thẳng thắn, yêu quý lẽ phải, giàu tình cảm, thương mến học trò. Tôi có nhiều kỉ niệm với Thầy. Thầy dạy chúng tôi không chỉ tri thức khoa học mà bằng nhiều cách khác dạy chúng tôi về cách sống, nhân phẩm. Những lần đến thăm Thầy ở 31 Hàng Ngang, chúng tôi được Thầy nói chuyện về lịch sử và cả những vấn đề thời sự đổi mới. Thầy dặn phải đổi mới nhưng phải đúng hướng và phải sống trung chính. Chụp ảnh kỉ niệm với Thầy, Thầy đã in ảnh và gửi tặng từng người trong số anh chị em có mặt hôm đó với lời thân ái. Hình ảnh Thầy, lời dạy, bài giảng, các công trình khoa học, sáng tác thơ ca của Thầy cùng cách sống giản dị, khiêm nhường, nghiêm cẩn của Thầy luôn ghi đậm trong tâm trí chúng tôi- những học trò của Thầy khóa Nguyễn Văn Trỗi 1962-65.

Xin cho phép tôi ghi lại đây bài thơ “Kính viếng Thầy” viết ngày 14 tháng 4 năm 2003 khi Thầy qua đời như một nén tâm nhang kính dâng linh hồn Thầy nhân lễ kỉ niệm 95 năm năm sinhvà 10 năm ngày mất của Giáo sư, Nhà Giáo Ưu Tú Bùi Văn Nguyên.

Trọn một đời Thầy yêu quý văn chương

Hết lòng vì môn sinh trẻ già bao thế hệ

Vóc hạc cần cù mò ngọc trai đáy bể

Ngậm ngãi tìm trầm trong rừng thẳm cổ văn

Chắt lọc “tình thương trong văn học dân gian”*

Viết “Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo”*

Khái quát sức mạnh trường tồn Việt Nam truyền thống*

Đồng cảm với Nguyễn Du người tình và tình người Nguyễn Du*

Yêu “Nguyễn Bỉnh Khiêm”*  và “Kinh Dịch Phục Hy”*

Sống trung chính, thanh bần với tấm lòng cộng sản

Mãi mãi Thầy một tấm gương trong sáng

Vĩnh biệt Thầy! Thương tiếc quá Thầy ơi !

                                                                  

                                                                      24/2/2013

                                                    PGS- TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng

 

Chú thích:

(1)GS Bùi Văn Nguyên, Kinh Dịch Phục Hy, NXB KHXH, 1997, tr.63

(2)Khoa Ngữ văn- ĐHSPHN, 60 năm chân dung và hồi ức, 2011, tr.116-117

(3)(4) (5) Kinh Dịch Phục Hy, sđd, các trang 21, 599-600, 21.

*LCác tác phẩm của GS Bùi Văn Nguyên

Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020