Chân dung nhà giáo

Thầy Na mài chữ


01-10-2020

(PL&XH) - PGS.TS Nguyễn Đăng Na là cán bộ thuộc Khoa ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. Trước khi ông trở thành nhà giáo- nhà nghiên cứu uy tín, ông đã sớm bước vào đời… làm thầy.

Sinh viên Ngữ văn ĐHSP Hà Nội đến thụ… chữ thầy Na, thường hỏi nhau:
- Thầy đang làm gì? 
Câu trả lời như ở cửa miệng của mấy nghiên cứu sinh vui tính là: Thầy đang mài chữ. 

Tuy có vẻ như tếu táo, nhưng đó cũng là sự kính trọng người thầy nhiều chữ nghĩa của mình. Với PGS.TS Nguyễn Đăng Na, “mài chữ”, đúng cả nghĩa thật, cụ thể nhất, lẫn nghĩa tượng hình theo ý “dùi mài kinh sử” của các cụ  khoa bảng ngày xưa. Để đọc được những chữ mờ mịt trên các bia đá, thầy phải mất nhiều giờ “mài” tay trên mặt đá sù sì để soi tỏ những vết khắc chắp nối trên bia. Để đọc được những cuốn sách cổ đã phai nhạt ố vàng trên nền giấy dó cũ,  phải cậy nhờ đến cả kính lúp, mới soi tỏ từng nét. Đối chiếu nhiều văn bản, mới hy vọng luận ra được ý nghĩa của nó. Chỉ cần một đôi chữ không  “soi” tỏ, khó mà “luận” ra được cả bài văn, ông là một người làm việc chắc chắn, khoa học trên các tư liệu đã được thẩm định nguồn gốc xuất xứ, để bình và để giải. Có thể nói, mỗi cuốn sách ông cho ra mắt là một công trình nghiên cứu, thẩm định nghiêm túc, cơ sở rất đáng tin cậy cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh và nhiều nhà nghiên cứu tham khảo, làm tư liệu. Ngày nay những người như ông, thật hiếm. Đó là công việc thầm lặng, nặng nhọc, nhưng là sự cống hiến dài lâu cho việc nghiên cứu văn bản nền văn hóa - văn hiến -văn học – sử học nước nhà trong nhiều thế kỷ.

                 [Thầy Na - đứng thứ 2 từ bên trái sang]

PGS.TS Nguyễn Đăng Na là cán bộ thuộc Khoa ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. Trước khi ông trở thành nhà giáo- nhà nghiên cứu uy tín, ông đã sớm bước vào đời… làm thầy. Kết thúc năm cuối trường cấp 3 Chu Văn An năm 1962, mấy tháng sau ông đã thắng bộ nghiêm chỉnh, đứng trên bục giảng tại một trường làng thuộc huyện Đông Anh. Đó là thời kỳ ngành giáo dục thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng. Là thanh niên, theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên, ông đã “xung phong”… rẽ ngang, làm phận sự “gõ đầu trẻ”. Nhưng khát vọng nghiên cứu văn học,  như  tiếng chuông, luôn  âm vang, thôi thúc trong tâm trí ông. Sau 5 năm làm thầy,  được trở lại cắp sách, làm sinh viên “luống tuổi”, ông nhận ra một điều: Đây chính là nơi tuổi thanh xuân ông từng ao ước. Sau những năm say mê học tập, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Ông ngộ thêm về mình: Cuộc đời  đã sắp đặt để ông gắn bó suốt đời với trường học. Ông chuẩn bị tâm thế để  đi trên hai nhánh đường: Dạy học và nghiên cứu. Nghiên cứu để  bài giảng sâu sắc, khoa học. Và trong giảng dạy, đưa dẫn ông đến những vấn đề cần nghiên cứu.  Văn học thời kỳ Trung - Đại còn nhiều vùng rộng lớn chưa được khai mở. 

Một lần tôi nhắc ông về cách  “tiếp cận” thầy của đám sinh viên thường lui tới xin chữ. Ông cười xòa: 

- Học trò ngày nay, “ma”,“quỷ” cũng phải chịu lùi xuống chiếu dưới. Nhưng có khi lại hay. Chúng tếu táo vậy, dễ chuyện trò. Đã là “kinh”, là “sử”, không “mài”, không đủ chữ, lấy gì mà dạy.

      Kính Hiền

Nguồn:http://phapluatxahoi.vn/doi-song/suc-khoe/thay-na-mai-chu-33432

Post by: Vu Nguyen HNUE
01-10-2020