Ngày 10/4/2013, Khoa Ngữ văn, Tổ Văn học Việt Nam 1 sẽ tổ chức Hội thảo khoa học: Giáo sư Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhân kỉ niệm 95 năm ngày sinh và 10 năm ngày mất của GS Bùi Văn Nguyên. Từ nay đến ngày Hội thảo, chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt các bài viết của các nhà nghiên cứu, của đồng nghiệp và các thế hệ học trò viết về GS Bùi Văn Nguyên.
Đó là giáo sư Bùi Văn Nguyên mà tôi quen gọi là anh trong khi đáng ra phải là thầy vì cách đây 63 năm (1947), tôi và cả vợ tôi về sau đều là học sinh trung học của anh. Nhưng gọi là anh vì sau Cách mạng tháng Tám 1945, một thời theo tâm lý “đổi đời” (!) học trò đều quay ra gọi thầy bằng anh. Riêng anh Nguyên với tôi, lại còn có lý do gia đình. Bà vợ của anh là em ruột hai ông cháu rể của tôi. Anh Nguyên quê xã Nghi Hưng. Tôi quê xã Nghi Hợp. Thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nhà cách nhau khoảng 7 cây số. Anh hơn tôi chừng 10 tuổi. Trước Cách mạng tháng Tám, anh đã đậu tú tài bán phần, có Tây học đã đành, còn có Hán học nhất định, và làm thư ký nhà dây thép (bưu điện) đâu tận Nam Kỳ. Cách mạng thành công, tháng 10 năm 1945. Trường Đại học Văn khoa mở ở Hà Nội. Anh là sinh viên. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), anh về lại quê nhà và dạy học ở trường Trung học Nghi Lộc. Được một năm, anh nghỉ dạy để tiếp tục học lấy bằng chuyên khoa ban cổ điển tại trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng bấy giờ đặt ở Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp chuyên khoa, anh dạy tại một trường cấp III dân lập, cũng trên đất Hà Tĩnh. Một năm sau, nhờ có tiếng dạy giỏi, được chuyển sang dạy ở trường cấp 3 quốc lập Phan Đình Phùng là trường thanh thế nhất của Hà Tĩnh bấy giờ (và hiện nay). Tại đây, anh Nguyên cũng lại nổi tiếng dạy giỏi, say mê chuyên môn, được đồng nghiệp quý nể, nên vào năm 1956, trong hoàn cảnh nhà trường vừa qua cơn khủng hoảng ít nhiều lãnh đạo do ảnh hưởng của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, anh Nguyên dù chưa phải là đảng viên, lại xuất thân địa chủ, vẫn được cử làm Hiệu trưởng. Tôi đã gặp nhiều cựu học sinh Phan Đình Phùng thuở ấy, đến nay, nhắc đến thầy Nguyên đều với thái độ rất kính nể. Mà không phải cựu học sinh, các cựu đồng nghiệp cũng vậy. Hiệu trưởng trường cấp III Phan Đình Phùng được một năm, tháng 7 – 1957, anh được Bộ Giáo dục điều ra Hà Nội, bổ sung vào đội ngũ cán bộ giảng dạy tại khoa Văn mà lúc này còn chung cho cả hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, do giáo sư Đặng Thai Mai là chủ nhiệm, mặc dù lúc này đã có hai trường, hai Ban Giám hiệu, hai đối tượng sinh viên. Tôi, lúc này vừa tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, được giữ lại làm trợ lý. Thế là anh Nguyên và tôi, hai thầy trò, hai anh em, cùng quê, cùng một ngày nhận công tác tại khoa Văn, sau đó thuộc biên chế của khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội suốt mấy chục năm cho tới ngày anh Nguyên nghỉ hưu. Trong nhiều năm thuộc thập kỉ 60 của thế kỷ trước, anh Nguyên là chủ nhiệm bộ môn văn học dân gian và văn học phong kiến thượng kỳ. Còn tôi là người phụ trách và rồi cũng là chủ nhiệm bộ môn văn học phong kiến hạ kỳ và văn học cận đại. Nếu kể cả anh Nguyễn Đức Nam chủ nhiệm bộ môn Văn học nước ngoài thì bấy giờ ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có ba chủ nhiệm bộ môn là người Nghi Lộc. Sau đó, có việc phong học hàm theo chế độ bình bầu thì cả ba đều là giáo sư. Anh Nguyên và anh Nam được trước tôi một đợt. Anh Nguyên nghỉ hưu trước tôi hơn 10 năm. Dầu đã về hưu, nhưng anh Nguyên vẫn được bầu làm Chủ tịch hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Anh và tôi vẫn có quan hệ gần gũi, cùng tham gia một số cuộc hội thảo, cùng tham gia biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. Tôi cùng các bạn vốn là học trò của anh hồi 1947 tại trường Trung học Nghi Lộc đã tổ chức mừng thọ thầy Bùi Văn Nguyên. Tấm trướng thêu chữ “Thọ” là do tôi viết. Tổ Văn I thuộc khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội làm lễ mừng thọ thầy Nguyên, tôi cũng có mặt. Thầy Nguyên qua đời, đám tang rất trọng thể. Đông đảo bạn cũ, học trò đủ các thế hệ, ngoài Bắc, trong Nam đều có mặt để tiễn đưa thầy Nguyên về thế giới bên kia với sự cảm phục một nhân cách lớn, một sự nghiệp lớn.
Riêng tôi, đứng trước quan tài của anh, cũng là dịp nghĩ nhiều về anh và thấy có hai ấn tượng sâu đậm về anh: Một ông đồ ít nhiều là đồ gàn của xứ Nghệ. Một vị giáo sư đích thực chính hiệu, chính phẩm.
Xin được nói đôi điều về ông đồ gàn xứ Nghệ. Không biết với những ai đã đụng phải cái gàn của đồ Nghệ thì nghĩ sao, chắc là có điều khó chịu, chứ với tôi lại có sự thú vị về cái chất gàn này, mặc dù vẫn biết gàn có khi bất lợi.
Gàn, xét cho cùng là một dạng thái có phần quái lạ, nhưng trong đó lại dung chứa nhiều giá trị nhân bản. Tôi đảm bảo rằng ông đồ gàn không hề biết nịnh hót, xu phụ, tham lam, tráo trở trong khi lại biết tạo cho mình một bản lĩnh sống bằng con đường riêng để giữ nhân cách, nhân phẩm. Cứ nhìn vào trường hợp nổi tiếng gàn của một đồ Nghệ là cụ Phan Điện, quê Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh (của xứ Nghệ) mà xem, có đúng thế không. Bề ngoài cứ như điên như dại, nghịch ngộ kiểu như Ba Giai, Tú Xuất. Ngày con trai đã trưởng thành nên danh nên giá, cưới vợ ở Hà Nội, mời cha ra dự đám cưới thì cha ra mà không tiếp khách, chỉ với một bộ quần áo nâu xuềnh xoàng, nằm trên võng lác mà khóc mà kêu: Bà nó ơi! sao không sống mà nhìn con nó sướng. Mấy ngày sau, vợ chồng con từ Hà Nội về quê cúng gia tiên, thăm cha, thăm họ hàng, thì cha đã từ sáng sớm hôm đó, đánh đường từ Tùng Ảnh xuống ga Đức Thọ cắt một gánh cỏ để đó. Tàu đến ga, vợ chồng con trai xách va li xuống tàu, gọi xe kéo, mời cha lên một xe cùng hai xe cho hai vợ chồng. Nhưng cha không chịu lên xe, bảo với vợ chồng con lên xe về trước, bởi cha còn có việc khác. Vợ chồng con hỏi việc gì. Cha không chịu nói. Nhưng sau rồi cũng nói: Cha còn có gánh cỏ đàng kia. Cha sẽ về sau. Con định gọi thêm xe, để chở cỏ. Cha nói: “Ai lại làm thế”. Cuối cùng vợ chồng con đã phải è cổ ra khiêng gánh cỏ, giữa trời hè nóng nực, từ ga về nhà, 4 cây số. Chuyện đã được nghe kể và cách đây nửa thế kỷ trong bài viết: “Phan Điện – nhà thơ trào phúng” đăng trên Tạp chí Văn học số 7 năm 1960, tôi đã kể lại. Đúng là một đồ Nghệ An có hạng.
Nhưng như nhiều người đã biết. Cụ đồ gàn Phan Điện đó đã nuôi dạy hai con trai thành một Tiến sĩ Luật khoa nổi tiếng là Phan Anh, và một Cử nhân là Phan Mỹ mà sau Cách mạng tháng Tám trở thành hai vị Bộ trưởng sáng danh trong chính phủ Hồ Chí Minh. Phan Anh là Bộ trưởng Ngoại thương. Phan Mỹ là Bộ trưởng Phủ chủ tịch. Gàn như thế, hỏi ai gàn được. Trong một bài viết về Bác Hồ, tôi cũng đã mạnh dạn nói rằng ở Bác, ít nhiều cũng có chút gàn của đồ Nghệ, của xứ Nghệ ở khía cạnh chân chính, tinh tuý nhất của nó.
Trở lại với anh Nguyên, tôi cũng coi anh là một ông đồ Nghệ gàn. Trong khi hầu hết mọi người, trừ người bất lực, đã được chuyển ra Hà Nội công tác ở một vị trí như anh, nhất là vào thời đó thì còn dễ, đã xin cho vợ ra đây và vào làm một việc gì đó ở cơ quan nào đó. Vậy mà anh Nguyên thì chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Bao năm ròng rã, anh một mình ở Hà Nội. Chị vẫn ở quê với ba con gái. Về sau, ba cô con gái ra Hà Nội sống, học tập và có gia đình. Nhưng anh vẫn sống một mình. Có người đã kể với tôi và tôi đã hỏi lại anh thì quả có chuyện: một bận, anh cùng các con bàn nhau mời mẹ ra chơi Hà Nội. Có ban đón tiếp do anh làm trưởng ban. Nội dung đón tiếp là trong một tuần lễ. Hết tuần lễ là tiễn mẹ về quê sau bữa liên hoan chia tay thịnh soạn ở một cửa hiệu tại Hàng Buồm. Trong mấy ngày ở Hà Nội, chị vốn có hai ông anh ruột là hai cán bộ cao cấp của quân đội. Một ông là Thượng tướng, Thứ trưởng bộ Quốc phòng mời vợ chồng ông em đến nhà ăn cơm. Thì anh Nguyên đã nói: Tôi đủ cơm để nuôi em anh. Chỉ thiếu ô tô. Nếu anh thương em thì đưa ôtô cho em dạo xem Hà Nội một tua là nhất. Ở Hà Nội bao nhiêu năm lại thuộc giáo sư đầu ngành, là Chủ tịch Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhưng anh vẫn sống một mình ở cái buồng thuộc tầng trên cùng của ngôi nhà 31 Hàng Ngang, chen nhau 6, 7 gia đình và chung một nhà vệ sinh ở tầng một. Muốn đến phòng anh phải đi qua nhiều hộ và phải lần qua cầu thang hẹp và lâu ngày đã hơi long lay. Có bận tôi đến thăm anh, cầu thang tối quá, phải vừa đi vừa sờ, bị điện giật, may không sao. Thế là từ đó, tôi không dám bén mảng tới thăm anh nữa. Trong thời gian này, trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành phố phân nhà để chia cho cán bộ. Một vài vị như anh, dù đã nghỉ hưu, đã có nhà được cấp trước đó, nay vẫn được cấp thêm. Trong khi anh Nguyên chẳng được gì. Mà cũng không nghe anh nói gì. Một bận, phòng anh bị sét đánh. May không trúng chỗ anh nằm. Chỉ vỡ mái ngói. Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân nghe tin, có viết thư thăm hỏi và biếu anh mấy trăm ngàn tiền cá nhân. Gặp anh, tôi hỏi anh cười và nói: Thần Sét chỉ đùa với với chủ tịch Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam Bùi Văn Nguyên này một tí cho vui thôi. Sống ở Hà Nội bao nhiêu năm, anh chỉ toàn ăn cơm quán ở Hàng Buồm. Đó là cách anh tiết kiệm thời gian để làm việc sách vở. Sau này, anh và các con bàn nhau đón chị ra Hà Nội sống vì tuổi chị đã cao, một mình ở quê bất tiện. Nhưng khốn nỗi, anh lại rất sợ mùi nước mắm. Nên việc nấu nướng của chị cùng phải rất ý tứ, phải tìm đủ cách để anh khỏi ngửi thấy. Rất thương cho chị, mới gần chồng được vài ba năm thì đã lâm bệnh qua đời. Trong tang lễ của chị, tự anh làm trưởng ban điều hành. Tôi vào viếng, không ngờ anh đứng cạnh quan tài và giới thiệu: Xin giới thiệu đồng chí Chú đến viếng bà Huệ (tên của chị). Thú thật, tôi hơi có chút buồn cười vì chưa thấy một ông chồng nào làm việc đó vừa trang nghiêm vừa hồn nhiên như thế. Anh Nguyên không có con trai, chỉ ba con gái. May là cả ba con gái và ba con rể đều là những cán bộ nhà nước đứng đắn và rất mực kính yêu cha, tận tình chăm sóc cha hết lòng trong tuổi già cho tới ngày anh về với thế giới bên kia. Con rể đầu của anh là Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Cao Đức Tiến vốn là học trò cũ của anh, rất mực tự hào về vị nhạc phụ của mình.
Ông đồ gàn xứ Nghệ Bùi Văn Nguyên của tôi là thế đó. Nhưng theo tôi, chính từ cái chất gàn này, cộng thêm niềm say mê sách vở từ thuở ấu thơ, cộng thêm ảnh hưởng giáo dục của gia đình, đặc biệt là ở phía bên mẹ thuộc họ Lê là một dòng họ nổi tiếng học vấn trên đất Nghi Lộc… mà anh Nguyên đã quên đi nhiều thú vui trần tục, chỉ tập trung vào một đam mê học thuật mà thành một vị giáo sư văn học đích thực, không dễ có nhiều.
Anh Bùi Văn Nguyên là tác giả của nhiều công trình. Không kể những bài viết đăng trên các tạp chí nghiên cứu, chỉ tính riêng về sách thì có: Giáo trình văn học dân gian (chủ biên), Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam tập II (chủ biên), Việt Nam: truyện cổ triết lý và tình thương, Việt Nam: truyền thống sức sống trường tồn, Thơ ca Việt Nam: Hình thức và thể loại (viết chung cùng Hà Minh Đức), Văn Chương Nguyễn Trãi rực ánh sao Khuê, Lê Thánh Tông: Tao Đàn nguyên soái, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm tập II (thơ văn chữ Hán), Nguyễn Du người tình và Nguyễn Du tình người, Kinh Dịch Phục Hy, Tuyển tập thơ Vân Trình…
Ở đây, chưa thể đi sâu vào thành quả học thuật của giáo sư Bùi Văn Nguyên. Nhưng cũng đã có thể khẳng định: anh là một trong vài chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian Việt Nam tiếp sau Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, về văn học Việt Nam giai đoạn phong kiến thượng kỳ; là người cùng Hà Minh Đức đi đầu trong việc nghiên cứu hình thức và thể loại văn học Việt Nam ở thời buổi trong tình hình nghiên cứu văn học nước nhà hầu như không ai điểm xỉa gì đến các thứ đó trong văn chương. Riêng về thơ văn Nguyễn Trãi, anh là chuyên gia số một và với Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh cũng thuộc số người đi đầu. Đặc biệt, với công trình Kinh Dịch Phục Hy, anh xứng đáng là một học giả uyên bác. Trong khoa học, anh là người trung thực. Biết đến đâu nói đến đấy. Không quen làm “bánh quẩy”, ít xít ra nhiều. Viết gì là tự mình biết, tự mình tìm lấy. Tuyển tập thơ văn Vân Trình (bút danh của anh) cùng cho thấy thêm sự phong phú về tâm hồn, về năng khiếu văn chương của anh. Anh Nguyên đã được giải thưởng nhà nước. Dư luận đó đây vẫn cho rằng anh Nguyên còn đáng được giải thưởng Hồ Chí Minh hơn mấy ai đó đã được. Có lẽ, với anh Nguyên, phần thưởng quí nhất chính là sự kính nể của đồng nghiệp, sự tôn vinh của các thế hệ học trò, trước nhân cách, trước sự nghiệp của anh. Riêng với tôi là người đã viết khá nhiều chân dung về thầy, về bạn và đáng ra đã phải viết về anh Nguyên từ lâu để khỏi phải canh cánh một món nợ lòng. Nay mới trả được, xin anh ở thế giới bên kia chứng giám cho.
GS Nguyễn Đình Chú
Yên Hoà thư trai
Mạnh thu, Canh Dần (8- 2010)