Chân dung nhà giáo

HỘI NGỘ VÀ CHIA LY- MỘT NÉN TÂM HƯƠNG DÂNG THẦY GS.TS.NGƯT LÊ A


05-03-2022

Khi con ngồi đây cầm bút viết những dòng chữ này, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày tròn ba năm Thầy ra đi. Cảm xúc về cuộc sống ngắn ngủi, sinh ly tử biệt chưa bao giờ hiện hữu trong con rõ đến thế. Nhớ về Thầy, con nhớ về những mùa hè thật đặc biệt, của sự khởi đầu và kết thúc, của nụ cười và giọt nước mắt, của hội ngộ và chia ly...

Mùa hè hội ngộ

Mùa hè đầu tiên là mùa hè con được gặp Thầy, mùa hè năm 2014. Đó là mùa hè khi con chập chững bước những bước đầu tiên đầy háo hức và say mê vào con đường khoa học của một nghiên cứu sinh chuyên ngành Phương pháp dạy học. Trước đó, lứa chúng con không có may mắn được học Thầy. Con cũng không phải là “dân gốc Phương pháp”. Nhưng con đã được biết đến Thầy qua rất nhiều trang sách, qua lời giới thiệu của các thầy cô Khoa Ngữ văn, qua lời ngợi ca của bao thế hệ học trò dành cho Thầy. Tên tuổi của Thầy gắn với những bộ giáo trình Tiếng Việt và Phương pháp dạy học Tiếng Việt từ Tiểu học đến Trung học phổ thông. Sách giáo khoa môn Ngữ văn Trung học qua nhiều lần thay đổi, nhưng người chủ biên phần Làm văn vẫn luôn là GS. TS Lê A. Quan điểm “dạy tiếng Việt là dạy một hoạt động và dạy qua hoạt động”, dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp chính là nhờ công Thầy khởi xướng từ những năm 80 của thế kỉ XX. Thầy nổi tiếng là người sắc sảo và nghiêm cẩn về khoa học, thậm chí rất nhiều học trò sợ Thầy vì Thầy “khó tính”. Trên con đường “tầm sư học đạo” của mình, con đã may mắn được Thầy nhận hướng dẫn Luận án. Qua những bỡ ngỡ, sợ sệt ban đầu, con dần nhận ra ở thầy một sự tinh tế và hiện đại trong việc tiếp nhận và giải quyết các vấn đề khoa học; một tinh thần tự học không mệt mỏi; niềm say mê nghiên cứu; phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, hiệu quả; tấm lòng bao dung và trái tim nhân hậu của một bậc thầy; sự gần gũi, chân tình với mọi người. Chính thầy đã khai mở cho con những bước đi đầu tiên của đề tài, cổ vũ và động viên con đi theo một hướng nghiên cứu mới, thường xuyên nhắc nhở con việc đọc các tài liệu bằng tiếng nước ngoài và tìm tòi hướng thực nghiệm mới theo chuẩn quốc tế. Với một đề tài vừa mới vừa khó, kết hợp cả khoa học cơ bản và khoa học giáo dục như của con, Thầy đã không ngần ngại bỏ công sức để đọc và cùng con tìm hiểu các lí thuyết mới. Con nhớ đã có rất nhiều lần con ngỡ ngàng vì những tư tưởng khoa học mới mẻ và hiện đại của Thầy. Có nhiều hôm, thầy trò ngồi bàn luận về đề tài đến tận trưa, và lần nào từ nhà Thầy về, con cũng thấy mình được truyền thêm rất nhiều cảm hứng và nguồn năng lượng để làm việc. Và bất cứ khi nào con gửi bản thảo cho Thầy, dù chỉ là cái đề cương hay bài tạp chí, Thầy cũng dành thời gian đọc và sửa cho con ngay sau đó, cho dù có phải thức đêm, cho dù ngày hôm sau Thầy phải đi công tác sớm. Luôn luôn là như thế, thầy tận tình, tỉ mỉ, nghiêm túc và cẩn trọng đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Thầy cho con một bài học về việc không được tự bằng lòng với chính mình, nhất là trong khoa học, cho dù chúng ta có đầy những giới hạn của bản thân, về thời gian, về sức khỏe, về tinh thần... Rồi chặng đường đi đến cái đích cuối cùng của khoa học không phải lúc nào cũng trải toàn hoa hồng. Bên cạnh những khó khăn về đề tài, con cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của cuộc sống. Lần nào cũng vậy, Thầy luôn hỏi han, động viên con. Con nhớ những dòng tái bút của Thầy trong mỗi bức thư, sau những góp ý về chuyên môn, luôn luôn là thế này: “À, thế việc xin học của cháu nhỏ đến đâu rồi?”; “Con bé nhỏ nhà em biết làm gì rồi? Hôm nào cho cháu đến nhà Thầy chơi nhé!”... Nhiều lần, con nản chí lắm, con muốn đổi đề tài, con muốn gia hạn, muốn bỏ cuộc. Những lúc đó, nếu không có Thầy động viên, làm sao con về đích được như ngày hôm nay? Nhưng... cái ngày con về đích ấy, thì lại không có Thầy, Thầy ơi!

Mùa hè chia ly

Đó chính là mùa hè cuối cùng, mùa hè khắc nghiệt của năm 2018, đúng vào giai đoạn con đang tăng tốc để viết và hoàn thành bản thảo Luận án. Vẫn là cái nắng tháng hạ vàng như rót mật, vẫn cái không khí nóng bỏng của mùa hạ ngày nào, vẫn vẹn nguyên cái háo hức và say mê Thầy truyền cho con từ mùa hè năm ấy. Nhưng con không bao giờ có thể tưởng tượng được lần gặp Thầy hôm đó lại là lần cuối cùng. Bóng dáng Thầy ở nơi bậc cửa, mái tóc trắng và nụ cười hiền như ông Tiên của Thầy vẫn còn đây. Bài học Thầy nói với con vẫn đang còn dang dở, trang bản thảo chưa kịp in ra để Thầy sửa chữa cho con. Lời hứa với Thầy về lần gặp sau con sẽ không bao giờ còn cơ hội thực hiện nữa. Đường phố Hà Nội vô tình là thế, đã cướp đi người thầy đáng kính của chúng con. Ngọn lửa nhiệt huyết đang cháy hết mình cho công việc, cho những săn sóc, dìu dắt ân tình với bao thế hệ học trò, cho yêu thương đối với gia đình và bè bạn bỗng lặng tắt. Thầy đi không kịp nói một lời trăng trối. Còn chúng con, ở lại câm lặng trong một nỗi đau không thể diễn tả thành lời!

“Hội ngộ và chia ly, cuộc đời vẫn thế...”. Dẫu biết là như vậy, nhưng đến bây giờ, con vẫn tin rằng: Không có sự chia ly nào hết! Vì Thầy vẫn luôn ở đây, trong trái tim đầy lòng yêu kính của chúng con! Thầy ra đi, nhưng nụ cười ở lại, và tài năng, nhân cách của Thầy vẫn sống mãi. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”!

Và mùa hè năm nay, mái nhà Khoa Ngữ văn thân yêu - nơi Thầy gắn bó hơn nửa thế kỉ dạy học, đã sắp tròn 70 năm tuổi đời. Bao thế hệ thầy cô đáng kính, người còn người mất. Nhớ về rất nhiều những người “muôn năm cũ”, chúng con xin dành một nén tâm hương tưởng nhớ Thầy - người Thầy của những người thầy bao thế hệ Văn khoa!

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2021

TS. Đỗ Phương Thảo

(Cựu sinh viên K53, Khoa Ngữ văn)

Post by: admin
05-03-2022