Chân dung nhà giáo

CÔ ĐẶNG THỊ LANH- TRÁI TIM NHÂN HẬU VÀ BAO DUNG


05-03-2022

Những năm học Đại học tôi chỉ được học với cô môn Ngữ âm. Tỷ lệ giảng viên nữ ở Khoa Văn bấy giờ rất thấp, với tổ Ngôn ngữ, càng khiêm tốn hơn. Vì thế tôi đặc biệt chú ý đến các cô giáo và càng ngưỡng mộ những cô giáo dạy Ngôn

ngữ. Trong cái đầu bé hạt vừng và tâm hồn sướt mướt, sến sẩm chuyên Văn của tôi, Ngôn ngữ là ngành học khó, khô, khổ... chỉ phù hợp với nam giới. Khi cô dạy chúng tôi, cô là Phó Tiến sĩ mới từ Nga về. Quần tây, áo vest khoác nhẹ, tóc tết gọn gàng kẹp sau gáy, cô luôn nhanh nhẹn và có phần tất bật. Cô không bao giờ ngồi giảng bài, luôn đi lại, giảng rất nhiệt tình. Thỉnh thoảng tôi thấy trên những chiếc áo khoác, có hình thêu xinh xinh một bông hoa, hay một loại quả, khiến những bước đi trên bục giảng của cô thêm sinh động. Dẫu cô giảng to và rõ ràng về những vấn đề ngữ âm rất thú vị nhưng đôi khi tôi lại chỉ để tâm đến những hình thêu sắc màu đó mà mơ màng nghĩ về văn minh nước Nga xa xôi. Sau khi tốt nghiệp, tôi về giảng dạy tại Khối Phổ thông Chuyên ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Tôi rất mừng được gặp lại cô, vì chồng cô, thầy Trương Đông San bấy giờ là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Biết tôi là sinh viên cũ, cô đặc biệt quan tâm. Bộ sách Giảng văn của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, bao gồm các bài giảng văn của những tên tuổi gạo cội: Bùi Văn Nguyên, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Văn Long, Phan Trọng Luận... thật giá trị và quý hiếm bấy giờ, cô vui vẻ, hào phóng tặng cho tôi. Và sẽ luôn, mãi là như thế, đối với tôi, cô chỉ cho mà không nhận. Tôi gần gũi với cô chỉ trong cuộc sống đời thường. Nhiều lúc ái ngại với sự xởi lởi, quý mến, tốt tính của cô. Đến nhà cô chơi thì chỉ mang thêm quà về! Cuộc sống bấy giờ nhìn chung đều khó khăn, hiếm có gia đình nhà giáo nào dư dả. Nhà cô cũng như nhiều gia đình khác ở khu tập thể Đồng Xa và cô cũng tần tảo như bao phụ nữ khác, chút hành lang nhỏ phía trước nhà dành nuôi gà công nghiệp, cải thiện bữa ăn. Thỉnh thoảng thầy cô bận việc trường, lại gửi Đông Dương, con trai của cô lúc bấy giờ chưa vào lớp một, sang nhà tôi chơi. Mỗi lần Đông Dương sang đều mang theo cả bọc thịt gà với đủ gừng, hành khô! Nước Nga xa xôi trong tôi trước kia, bỗng thật gần với những điều mộc mạc, chân tình ở cô.

Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo. Chất nền nã, gia giáo cứ tự nhiên lan tỏa trong cô. Từ trong câu chuyện đến cách nói chuyện cô luôn thoải mái nhưng không thái quá; từ bữa cơm gia đình, không cầu kỳ, thịnh soạn nhưng luôn tươm tất, kỹ càng; những món quà luôn mang hương vị bốn mùa của đất Bắc... Cân bột sắn trắng ngần bao giờ cũng được ướp hoa bưởi mùa xuân, uống vào thơm mát. Mùa thu là hồng ngâm giòn tan, cốm làng Vòng mềm thơm gói trong lá sen xanh. Cô không quá cầu kỳ tìm kiếm mà hay hẹn hò với những cô gánh hàng rong mang cho loại cốm mới, vừa giã còn thơm mùi nếp non. Khi chúng tôi đã chuyển vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng cô vào công tác, chúng tôi vẫn nhận được những món quà tươi mới như thế. Đợt công tác nào tương đối rộng thời gian, cô ghé chơi nhà, ăn bữa cơm thân với gia đình tôi, và cô như chiêu đãi chúng tôi vậy, với những món giò chả cổ truyền Hà Nội, và ô mai mơ, mận... Khi tôi làm nghiên cứu sinh, phải ra Hà Nội đọc tư liệu, tôi đã ở nhà cô hàng tuần. Bấy giờ cô cũng đã chuyển ra Bộ Giáo dục và Đào tạo công tác. Công việc hành chính chiếm hết thời gian trong ngày. Hàng đêm tôi thấy cô đều dậy từ bốn giờ sáng để làm việc chuyên môn. Tôi nghe rõ từng trang sách lật khi tất cả còn đang trong giấc ngủ say nồng, càng thêm cảm phục và yêu mến cô hơn. Quê hương cô, làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định là làng quê có truyền thống hiếu học, được mệnh danh là làng “khoa bảng” từ xưa. Ngày nay có rất nhiều nhà chính trị, trí thức thành đạt, nổi danh.

Cô đặc biệt yêu thích trẻ con. Bọn trẻ nhà tôi hay được cô mua sắm sách vở, quần áo, đồ chơi... Trong câu chuyện trực tiếp hay qua điện thoại bao giờ cô cũng dành một khoảng thời gian để hỏi chuyện về các cháu. Chuyển ra công tác ở Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, tôi nghĩ, thật thích hợp với cô. Cô làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp một (2002). Bộ sách ra đời đánh dấu bước chuyển biến căn bản trong biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp một. Bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết được coi trọng, bài soạn đều theo hướng tích hợp nội dung dạy học tiếng Việt với các môn học khác. Với chủ trương biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay, tôi thấy cô đã phát biểu cách đây nhiều năm: “Cá nhân tôi cho rằng không nên có một bộ sách. Vì một bộ sách khó có thể phù hợp tất cả các vùng miền. Nên có ít nhất hai bộ sách. Cả nước một bộ sách, không tránh khỏi từ khó”(Vietnamnet, 9/12/2011).

 Nay tuổi cô đã cao, lại vừa qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe suy giảm nhiều. Cô không còn đi lại nhanh nhẹn, tháo vát công việc như ngày xưa nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, mẫn tiệp. Chúng tôi bây giờ lại bước vào con đường soạn sách giáo khoa gian nan như cô từng trải, nhiều lúc không khỏi nản lòng.

Tâm sự với cô, cô luôn động viên cố gắng, “đừng bỏ cuộc”, và luôn đồng cảm, thấu hiểu những vất vả của chúng tôi trong công việc.

Từ ngôi nhà Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội tỏa đi khắp mọi miền đất nước, chúng tôi không chỉ mang theo hành trang tri thức, những kỷ niệm thời hoa niên gắn với nhà A7, bể nước, khoảng sân trường, thư viện... mà còn là hình bóng thầy cô. Những thầy cô với tầm cao tri thức và nhân cách, lẽ sống đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

Từ nền tảng tri thức và nhân cách đó, các thầy cô đã xây dựng Khoa Ngữ văn thành cơ sở giáo dục uy tín trong cả nước. Chúng tôi tự tin và tự hào được đào tạo từ môi trường giáo dục tinh hoa và nhân văn như thế!

TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2021

Đinh Phan Cẩm Vân

Post by: admin
05-03-2022