Quý danh gồm ba chữ Đặng Thai Mai đã in vào tâm trí tôi từ ngày tôi bước chân vào trường trung học (THCS ngày nay). Bởi ở xứ Nghệ của tôi ngày trước, các bậc phụ huynh, các thầy giáo thường hay kể chuyện những tài danh học vấn của quê hương cho con em, cho học trò nghe. Thời Tây học là Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu. Nguyễn Đức Bính, Hoài Thanh, Lê Thiệu Huy… Chuyện về Đặng tiên sinh là mới mười hai, mười ba tuổi đã ngốn gần hết tủ sách chữ Hán của gia đình vốn có tiếng là tủ sách lớn thứ hai sau tủ sách của gia đình cụ Thượng Cao (Cao Xuân Dục - Thượng thư Bộ Học của triều đình Huế) trên đất Nghệ An. Văn kỳ thanh về thầy Đặng Thai Mai là thế. Nhưng kiến kỳ hình thì phải đến năm 1950. Bấy giờ, Thầy là Giám đốc giáo dục liên khu Bốn đến thăm trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng và thăm hai con gái là Đặng Thanh Lê và Đặng Anh Đào đang cùng học với tôi tại đây. Lần đầu thoáng trông thấy Thầy, tôi rất mừng, ban đầu thấy Thầy xấu giai, nhưng ngay sau đó lại thấy đây là một gương mặt rất hấp dẫn, càng nhìn càng thích bởi có một cặp mắt tinh anh, sâu thẳm vô cùng. Trong dịp này, tôi bắt đầu biết thế nào là trí nhớ tuyệt vời và tri thức uyên bác của Thầy so với nhiều học giả khác mà về sau tôi biết.
Cuối năm 1954, tôi là sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội do Thầy làm Giám đốc. Trong khi thi vào tuy đơn giản nhưng vì lẽ này nọ, tôi vẫn nơm nớp sợ hỏng, không ngờ lại cao điểm nhất và lọt vào mắt xanh của Thầy. Theo chị Hà (phu nhân của Võ Đại tướng) cùng thi nói lại với tôi và vài bạn khác thì khi chấm bài tôi Thầy đã nói: “Cậu học trò Nghệ này có khác”. Thi tốt nghiệp tôi là thủ khoa, duy nhất là hạng bình trong tứ hạng ưu bình thứ liệt, lại gặp được không khí sửa sai cải cách ruộng đất nên được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Có ba thầy chọn tôi làm trợ lý. Thầy Nguyễn Lân chọn làm Giáo dục học. Tôi từ chối. Thầy Đặng Thai Mai chọn tôi làm Văn học Trung Quốc. Thầy Trần Đức Thảo chọn tôi làm Lịch sử tư tưởng (Triết học). Tôi đã nói với Tổ chức là hai thầy, hai môn này, tôi đều quý trọng, đều thích thú, tùy trường xếp đâu tôi ở đấy. Sau đó, tôi được xếp làm trợ lý thầy Thảo, rồi về lại Khoa Văn làm trợ lý cho nhà văn Hoài Thanh vốn là chú vợ tôi… Tưởng thế là yên chuyện. Nhưng mấy lần, nhà văn Hoài Thanh nói với tôi, cụ Mai vẫn bảo trả anh cho Cụ. Tôi nghe vậy nhưng vẫn cứ nấn ná ở lại, vì ngại là trước đó Thầy đã chọn mình mà mình không dứt khoát… Nhưng rồi hôm đó, tôi đến họp Tổ thì nhà văn Hoài Thanh nói: “Dứt khoát từ hôm nay anh Chú không làm việc ở đây nữa vì hôm qua cụ Mai lại đòi trả anh cho Cụ”. Thế là chiều hôm đó, tôi đành phải đến gặp Thầy và không ngờ được nghe Thầy nói những lời quá đỗi thương yêu. Thầy nói: “Mình biết cậu có những điều buồn còn mình thì không à. Một thằng bé mới 5 tuổi, bố làm cách mạng bị đày chung thân Côn Đảo, mẹ bỏ đi lấy người khác, không buồn à. Cải cách ruộng đất đối với cậu như thế, chứ với mình là tốt à. Thôi gác lại tất cả, cố gắng làm việc, tôi dìu dắt”. Thầy còn hỏi hoàn cảnh gia đình. Tôi kể xong. Thầy nói: “Cố viết đôi bài, mình đưa in để kiếm đôi đồng gửi về cho gia đình. Nhưng viết gì thì cũng phải tính đường rút lui”. Lời dặn này đã hướng dẫn ngòi bút của tôi hơn sáu mươi năm nay.
Bắt đầu trợ lý cho Thầy, việc đầu tiên là tôi được nhà trường giao nhiệm vụ đưa Thầy đi nghỉ mát Sầm Sơn một tuần. Chiều nào thầy trò cũng ra bãi biển ngồi chơi và trò chuyện thoải mái. Có hôm, tôi hỏi Thầy câu Kiều nào hay nhất. Thầy nói câu ấy mà cậu không biết à. Tôi thưa lại: “Câu nào ạ?”. Thầy đọc ngay hai câu tả nàng Kiều khỏa thân: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Tôi nói: “Đây là Thầy nói với em giữa bãi biển Sầm Sơn lộng gió. Chứ về giảng đường Thầy có nói thế không ạ?” Thầy nghiêm mặt lại và nói: “Sao lại không”. Tôi sợ không dám nói tiếp. Nhưng suốt mấy chục năm sau tôi vẫn cứ nghĩ về ý kiến của Thầy về câu Kiều hay nhất và nhân dịp mười năm Thầy qua đời (1994), tôi đã viết bài “Giáo sư - học giả Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất” đăng báo Văn Nghệ. Tôi coi đó như là một đề luận Thầy ra cho tôi mà sau 36 năm tôi mới làm xong, tiếc là Thầy không còn để chấm bài cho tôi. Tôi được phân công về Văn học Việt Nam cận đại, theo quan niệm bấy giờ, từ 1858 đến 1960. Nhưng việc đầu tiên Thầy giao là soạn một bài tổng quát văn học Việt Nam. Tôi lo quá vì kiến thức của mình mới ra trường còn lom lem như thế sao mà soạn được bài tổng quát này. Nhưng không dám từ chối. Đành liều mạng mà làm và sau đó đưa vào bệnh viện Việt - Xô nơi Thầy đang điều trị để Thầy duyệt. Không ngờ tôi được Thầy nói: “Thế này là tốt rồi, cứ thế mà lên lớp”, nhưng thực tế thì tôi đang là tập sự trợ lý chưa được lên lớp. Sau này tôi hiểu tại sao tôi làm Văn học cận đại mà Thầy lại bắt tôi soạn bài tổng quát văn học Việt Nam. Ấy là bởi Thầy tránh cho tôi tình trạng nhìn cây mà không thấy rừng, đi vào điểm mà không có diện. Quả thật, đây là một kinh nghiệm vô cùng quý báu có tính định hướng của một bậc đại sư đã truyền cho tôi để thành hướng đi của nghề nghiệp nghiên cứu văn học suốt đời của tôi...
Tôi làm việc với Thầy một thời gian thì có thêm anh Lê Trí Viễn được điều từ Ban Tu thư của Bộ Giáo dục về Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Hàng tuần, hai anh em tôi vẫn có vài buổi đến nghe Thầy hướng dẫn soạn bài và viết giáo trình. Nhưng kiến thức của Thầy mênh mông uyên bác quá, trong khi yêu cầu của các bài giảng thì phải rất cụ thể và cũng vừa phải. Nếu theo hẳn những gì Thầy truyền cho thì không hợp với bài giảng. Cho nên chúng tôi một mặt thì cố ghi chép hết những gì Thầy nói, coi như là của quý dùng ngay được thì dùng, còn thì để làm vốn về sau. Chúng tôi phải chủ động. Từ đó mà có giáo trình về Văn học Việt Nam cận đại để phục vụ việc học tập cho sinh viên Văn của hai trường Đại học Sư phạm HN và Đại học Tổng hợp HN trong năm học 1958 – 1959 và nhiều năm sau. Cuối năm 1959, Viện Văn học thành lập. Thầy được cử làm Viện trưởng. Thầy rủ tôi sang Viện Văn. Tôi từ chối vì rất thích dạy học. Như thế là thầy trò chia tay nhau. Tuy thế, tôi cũng là cộng tác viên của Viện Văn ngay từ ngày mới thành lập. Do đó, vẫn có dịp được gặp Thầy. Dĩ nhiên là không được Thầy trực tiếp dìu dắt sát sao như trước nữa. Nhưng có điều đặc biệt là đến năm 1967, Nhà nước sau khi đã có bộ Sử Quốc gia, chủ trương viết bộ Văn học sử Quốc gia. Không ngờ tôi được mời tham gia. Danh sách những người biên soạn bộ Văn học sử này được Ban Tổ chức Trung ương duyệt và Chính phủ ra quyết định có chữ ký của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Tôi được mời tham gia trong khi ở Khoa Văn có những bậc đàn anh như Lê Trí Viễn, Trương Chính, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Trác lại không được mời. Tôi được mời thì vừa mừng vừa lo. Lo trèo cao ngã đau, nên tôi đến Viện Văn gặp Viện phó Hoài Thanh xin rút lui thì được Viện phó Hoài Thanh bảo muốn thôi phải đến cụ Mai mà xin. Hôm sau, tôi đến nhà Thầy để xin thôi thì bị Thầy mắng. Thầy nói: “Có làm sao tôi mới chọn cậu. Cậu đúng là đồ Nghệ, gàn. Thôi không nói gì nữa. Làm đi, tôi hướng dẫn”. Thế là tôi làm. Tôi còn bị Thầy mắng lần thứ hai. Dạo ấy, tôi sơ tán ở Hưng Yên, vì bị hỏng xe đạp nên không về họp Ban Biên soạn mà không báo. Hôm sau, chập tối về ghé qua nhà Thầy, Thầy hỏi hôm qua sao bỏ họp. Tôi thưa xe đạp bị hỏng. Thầy mắng ngay: “Tôi đã bảo là mỗi lần cần về họp thì báo để cho xe đón, sao không nghe?”. Tôi thưa: “Em ngại”. Thầy mắng ngay: “Cậu là đồ Nghệ gàn, là khuyển Nho”. Nghe Thầy mắng, tôi nói ngay: “Đúng, em là đồ Nghệ. Mà đồ Nghệ là thế này ạ: Ai hiểu mình, thương mình thì mình đội lên đầu. Còn ai khinh mình thì mình kéo xuống thấp”. Nghe tôi nói, Thầy thay đổi thái độ ngay và vào phòng trong lấy ra một cốc nước và bảo tôi: “Cậu uống nước đi. Chịu khó chờ tôi ăn cơm xong ta làm việc nhé”. Và sau đó, thầy trò lại nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Riêng tôi, mãi cho đến bây giờ vẫn hối hận về cách nói năng bồng bột, hỗn láo với Thầy. Trong thời gian biên soạn công trình, tôi đã đến làm việc với Thầy ở các nơi sơ tán Hiệp Hòa (Hà Bắc), Vân Đình (Hà Đông). Tôi thường được Thầy tin tưởng. Ban Biên soạn Văn học sử lúc đầu có chín người. Sau rút bớt còn bốn người thì tôi vẫn còn và có người lại thắc mắc sao còn dùng tôi. Nhưng lúc này Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn đã thay Thầy do kém sức khỏe, điều khiển công việc, đã nói: “Đây không phải là chuyện xôi thịt ở đình làng mà là chuyện khoa học”. Dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, chúng tôi làm lại đề cương tư tưởng của công trình. Trong đề cương này, theo yêu cầu của tập thể, tôi làm thêm phần của anh Vũ Đức Phúc (giai đoạn 1930 – 1945) và được đánh giá tốt nhất (văn bản vẫn còn).
Đúng là quan hệ giữa hai thầy trò tôi về sau lỏng lẻo dần. Có lần gặp tôi trong đám cưới con chị Đặng Anh Đào, Thầy nhếch mép và nói với tôi: “Quên nhau rồi há”. Tôi nghe mà hối hận. Tự thấy là mình ăn ở chưa phải đạo. Nên ngày Thầy vào bệnh viện Việt - Xô trước lúc về cõi thiên thu, tôi đã xin được lập đội sĩ tử vào phục vụ Thầy. Nhưng gia đình cho biết đã có kế hoạch chu đáo rồi. Tôi chỉ còn cách khác là vào một số buổi, cứ 5 giờ sáng, từ Mai Dịch đi xe hàng vào bệnh viện để giúp Thầy làm vệ sinh, ăn sáng, thuốc men theo bệnh viện. Sau đó, ngồi chơi với Thầy đến gần trưa mới ra về. Trong dịp này, mặc dù Thầy đã yếu nhiều nhưng thầy trò vẫn lai rai với nhau nhiều chuyện, chuyện đất nước, chuyện giáo dục, chuyện văn chương, chuyện các giáo sư, các cán bộ giảng dạy bị xử lý thời Nhân văn - Giai phẩm. Ấn tượng rõ nét nhất của tồi về Thầy trong những ngày sắp lâm chung là một tư thế rất bình thản trước tử thần nhưng ít nhiều cũng mang một nỗi buồn nhân thế. Thầy qua đời, tang lễ được tổ chức tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tôi được túc trực bên cạnh quan tài của Thầy và sau đó cùng tiễn đưa Thầy đến nghĩa trang Mai Dịch. Đêm đó, tôi cứ trằn trọc khó ngủ vì cứ nghĩ đến công ơn tái sinh của Thầy cho cuộc đời mình. Phúc bảy mươi đời với tôi là có chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, có Hiệp định Giơnevơ, nửa nước hòa bình, Thủ đô Hà Nội được giải phóng mà cuộc đời tươi tắn lại dù trên mình vẫn còn rỉ máu. Tôi được là sinh viên đại học, học hành thi cũng có kết quả, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, được trợ lý cho một đại sư triết gia duy nhất của Việt Nam. Để hôm nay sau hơn 60 năm trời, tôi có được gì để đỡ xấu hổ khi đứng trước bàn thờ Tiên Tổ, đỡ hổ thẹn trước anh linh của thân phụ, Người “Sinh: nhân đức tuyệt nhiên thế nhân ái mộ/ Tử: tai ương bất trắc thiên địa sầu bi”, đã truyền dạy tôi thuộc lòng từ lúc 5, 6 tuổi lời dạy của tiền nhân: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, “Cần kiệm liêm chính bất đắc dĩ công vi tư”, “tri túc tri chỉ”(1)… Tôi thực sự tin vào âm phù nhưng không thể thiếu dương trợ. Tôi được nhiều Thầy, nhiều quý nhân phù trợ mà người đầu tiên quyết định nhất chính là sư phụ (Thầy mà cũng là cha) Đặng Thai Mai mà trọn đời tôi chịu ơn. Năm nay, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thánh địa của tôi, đất hứa của tôi, sinh địa của tôi, trong đó có Khoa Văn trăm quý ngàn yêu mà đến nay tôi đã từng có mặt 67 năm trong tình thương của đồng nghiệp của bao thế hệ sinh viên mà nay người còn người mất, tôi viết những dòng chữ này để thêm một lần tạ ơn thầy Đặng Thai Mai, nhân đức tuyệt trần, danh nhân văn hóa của đất nước, vị Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Văn đầu tiên của nhà trường, người tái sinh đời tôi. Xin Thầy nhận cho, vị Đại sư phụ vạn vạn lần kính yêu và biết ơn của con!
(Yên Hòa thư trai, 7/2021. Chờ đón lễ Vu lan)
GS.NGND Nguyễn Đình Chú