Chân dung nhà giáo

KHI VỊ GIÁO SƯ DẠY VĂN LÀ MỘT NGƯỜI NGHỆ SĨ


08-01-2022

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn (1919-2012) – cây đại thụ ngành Ngữ văn, một hiện tượng quý hiếm của nền giáo dục Việt Nam. Với 73 năm đứng trên bục giảng, thầy đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên văn, nhiều chuyên gia đầu ngành: Nguyễn Đình Chú, Phan Trọng Luận, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Nghĩa Dân, Bùi Văn Ba, Đoàn Trọng Huy, Trần Hữu Tá, Nguyễn Nghĩa Trọng… và những nghệ sĩ tên tuổi: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Dương Thụ, Hoàng Hưng…

Không chỉ là nhà giáo tài ba, đức độ, thầy còn là một nhà nghiên cứu lớn, một nhà quản lí mẫu mực, một nghệ sĩ tài hoa. Và thầy đã mang nguyên “một lối tài hoa “(đó) qua muôn nẻo lối đời” (1), để rồi hình thành cho mình một bức chân dung khác biệt so với nhiều đồng nghiệp cùng thời. Dưới ánh sáng của tư duy mĩ học, giáo sư Lê Trí Viễn đã hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách của mình theo tinh thần nghệ sĩ: yêu cái đẹp, đam mê, thăng hoa và không ngừng sáng tạo. Bởi khi là một nghệ sĩ, giờ giảng của thầy là giờ giảng văn nghệ thuật, những bài nghiên cứu có hồn, quản lí mà như không quản lí, sức làm việc và hiệu quả công việc ít ai sánh kịp. Dĩ nhiên, sự mực thước của một nhà sư phạm, sự cẩn trọng của nhà nghiên cứu luôn giữ cho người thầy nghệ sĩ tài hoa mà không tài tử. Vì thế, thầy trở thành gương mặt tiêu biểu của đội ngũ nhà giáo Việt Nam hai phần ba thế kỷ qua.

Với những cống hiến lớn lao về nhiều phương diện, thầy đã được phong học hàm cao nhất và sớm nhất: học hàm giáo sư đợt 1 năm 1980, được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt 2 năm 1990, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 ; được trao tặng những Huân chương: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất…và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu chất nghệ sĩ trong nhà giáo, nhà quản lí, nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn, với mong muốn chạm được vào bí quyết thành công của vị giáo sư họ Lê có chí vươn xa.

1. Giáo sư nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn - người thầy nghệ sĩ, nhà quản lí nghệ sĩ.

Do vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nghề trồng người luôn đòi hỏi các nhà sư phạm vừa phải hiểu thấu đáo đối tượng, vừa phải có nghệ thuật truyền dạy kiến thức. Riêng với giáo viên văn - môn nghệ thuật ngôn từ, cần có thêm phẩm chất nghệ sĩ. Có người thì năng khiếu này phát lộ, có người ở dạng tiềm ẩn, cần phải được đánh thức dậy. Nếu thiếu nó, giờ giảng văn không thể hấp dẫn học trò. Nếu khai thác vừa đủ thì việc tiếp nhận kiến thức sẽ đi theo con đường của nghệ thuật: thông qua cái đẹp, bằng cái đẹp. Dĩ nhiên, cái đẹp luôn là sự gặp gỡ giữa hai đối cực. Nếu “Nghề nào cũng có trạng nguyên” (Từ Hy Thái hậu) thì với chúng tôi, giáo sư Lê Trí Viễn chính là vị trạng nguyên của nghề dạy văn ở Việt Nam trong thời đại mới.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên các tân sinh viên khoa Ngữ văn K23 được gặp vị Trưởng khoa uyên bác, có đôi mắt rất sáng, cử chỉ ân tình, giọng nói ấm áp truyền cảm, một tên tuổi chúng tôi đã biết đến trong sách giáo khoa. Rồi thầy đã trở thành thần tượng của nhiều chàng trai, cô gái khoa Văn. Lặng lẽ học theo cách sống, cách làm việc của thầy, chúng tôi cảm thấy thật may mắn vì trong đời đã gặp được người thầy tài năng, tâm huyết. Đó là một người có mĩ cảm đặc biệt, có khả năng cảm thụ văn chương và khả năng truyền cảm hứng. Với quan niệm : “Dạy văn lấy cảm làm đầu(Nhắn gửi), thầy đã dạy văn như một nghệ thuật, thậm chí có khi như một nghệ thuật biểu diễn, vì thế thầy hết sức chú trọng tới khâu đọc diễn cảm. Nhiều lúc, thầy như một diễn viên, còn trò là những khán giả cùng hóa thân và sáng tạo. Trong trạng thái thăng hoa người học được tiếp nhận tác phẩm bằng nhiều giác quan và đi đến tận cùng của chữ nghĩa, giờ văn của thầy thật sinh động và tràn đầy cảm hứng, dù không ghi chép mà những thông điệp nghệ thuật vẫn nhẹ nhàng thấm vào tâm hồn.

Có lần, bất ngờ, thầy rút gan ruột ngâm một câu thơ của Đỗ Phủ: “Gió lộng trời cao vượn hú dài(Đăng cao). Cái ví dụ đắt giá ấy đã tạo nên hiệu ứng kép. Chúng tôi không chỉ thấy được cái hay của Đường thi, cái tài của Đỗ Phủ mà còn cảm nhận được sự khác biệt về giọng điệu của thơ cổ so với thơ hiện đại: một đằng là giọng ngâm, một đằng giọng nói. Lối dạy văn nghệ thuật, trên cơ sở cảm thụ để tìm ra quy luật của cái đẹp, việc dạy văn như một nghệ thuật biểu diễn của thầy đã giúp tôi thắp lửa trong trái tim học trò rồi có không ít giờ giảng thành công.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý nghệ sĩ, thầy cũng quyết định mở thêm môn Nghệ thuật học trong chương trình chính khóa cho sinh viên khoa Văn ngành Sư phạm. Và đến hôm nay, môn Nghệ thuật học vẫn còn trong chương trình hiện hành.

Mãi đến khi sắp sang tuổi bát tuần, vị giáo sư mang trái tim nghệ sĩ vẫn đứng ra thành lập trường PTTH Nguyễn Khuyến - một ngôi trường kết hợp những tinh hoa truyền thống và hiện đại, thầy làm hiệu trưởng cho đến lúc ra đi. Ngược lại, nhà quản lí nghệ sĩ lại kiên quyết chối từ chức hiệu trưởng một trường đại học để dành thời gian viết sách.

2. Giáo sư Lê Trí Viễn - nhà nghiên cứu nghệ sĩ tài hoa và giàu sức sáng tạo.

Thầy Lê Trí Viễn là một nhà nghiên cứu hàng đầu của ngành văn. Thầy là người của nhóm Lê Quý Đôn - những người mở đầu cho lịch sử nghiên cứu văn chương của chế độ mới. Đó là các học giả có tâm hồn lãng mạn, được đào tạo bài bản và hết sức nhiệt huyết. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhóm trí thức yêu nước này đã được giao trọng trách làm nhiệm vụ tu thư, chỉnh lý, biên soạn sách giáo khoa môn Văn phổ thông và viết những giáo trình lịch sử văn học đầu tiên cho các trường đại học. Nhiều câu chuyện như: Trí khôn của ta đây (Cổ tích Việt Nam), Ông lão đánh cá và con cá vàng (A. Puskin) mà những người thầy mang tư tưởng duy mỹ lúc đó đưa vào sách giáo khoa ngày ấy, đến nay vẫn được giữ nguyên trong chương trình.

Sau 1975, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, giáo sư là người đầu tiên tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Văn. Thầy cũng đã hướng dẫn thành công hơn hai chục luận án, luận văn.

Thầy không chỉ nghiên cứu chuyên sâu, mà còn là một nhà nghiên cứu rất rộng. Thông thường, giáo viên đại học chỉ tập trung vào một giai đoạn còn thầy lại bao quát toàn bộ nền văn học nước nhà: từ dân gian đến bác học, từ trung đại đến hiện đại và hầu hết các tác gia ở đàng ngoài và đàng trong...

Công trình của thầy rất đa dạng. Có khi, chỉ là thẩm bình một bài ca dao, lại có những công trình với quy mô rất lớn. Thành tựu nghiên cứu của thầy rất lớn: 46 cuốn sách, 23 cuốn in riêng và 23 cuốn in chung. Trong đó, có hai công trình rất giá trị là: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chủ yếu, được giáo sư được tập hợp trong bộ sách đồ sộ 6 cuốn, gần 6000 trang: Lê Trí Viễn một đời dạy văn, viết văn do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006. Bộ sách là phần tinh hoa, tinh huyết của một nhà giáo nghệ sĩ suốt ¾ thế kỷ, được sắp xếp theo ba nguyên tắc: tính toàn tập, tính hệ thống và tính thẩm mĩ.Tập 1: Bình và giảng. Tập 2 và 3 là phần nghiên cứu phê bình. Tập 4 là các chuyên luận. Tập 5 là Thí luận - sáng tác. Tập 6 là dịch thuật.

Điều thú vị là các công trình của vị học giả không chỉ khúc chiết, uyên bác mà còn rất có văn. Dấu ấn tài hoa nghệ sĩ in đậm làm nên bút hồn của tác giả, làm cho không ít trang lí luận được viết như một trang thơ. Chẳng hạn, đoạn văn viết về mối tình đầu của Kim Kiều: “Nó mơ hồ phảng phất như cánh bướm non, dịu mùi hương thoảng. Nó chưa có được những đường viền, chưa đến cái chỗ có một hình dung nhưng nó đã làm cho người con gái ấy nửa tỉnh nửa mê, nó buộc nàng phải ghé mắt nhìn theo hút người, nó khiến cho cảnh vật thành bâng khuâng, man mác, như có gì vấn vương, quyến luyến, bóng chiều không muốn đi và tơ liễu thêm tha thướt” (2).

Cái trong trẻo, tinh sương ấy đã theo vào những câu thơ tài hoa của thầy:

“Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng

Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn

Anh đến với em đêm thần tiên ấy

Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men”

                        (Đêm ấy đêm này)

Tiếp cận văn chương và cuộc sống bằng trái tim nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn luôn có những linh giác đặc biệt để phát hiện cái mới. Còn tư duy lí tính soi sáng lại giúp nhà khoa học không cực đoan. Vì thế, ông luôn chỉ ra một cách xác đáng những hạn chế mang tính lịch sử của đối tượng nghiên cứu:

“Trong bảng giá trị kia, đối với chúng ta ngày nay, cố nhiên phải xem xét lại đôi nét nào đó kể cả nét tốt đẹp nhất như đức hy sinh. Hy sinh là đức tính cao quý là phẩm chất tuyệt vời của của người phụ nữ làm vợ và làm mẹ. Nhưng hy sinh để cho chồng ỷ lại là trở thành bất bình đẳng, để con không biết tự lập hóa hư thân, thì lại là sai lầm về giáo dục” (3).

Hoặc có lần so sánh bản dịch với văn bản gốc, vị giáo sư đã chỉ ra chỗ lúng túng của dịch giả Đoàn Thị Điểm khi dịch câu thơ “Chín lần gươm báu trao tay..” nhưng ông lại khẳng định bản dịch của Hồng Hà nữ sĩ “là một tuyệt tác”, “tác giả đã sáng tác lại khúc Chinh phụ ngâm, hay đến mức làm cho người ta quên bản gốc” (4).

Tinh thông Hán học, giỏi Pháp ngữ, Lê Trí Viễn còn là một nhà dịch thuật tài hoa có khả năng chuyển dịch hai nền văn hóa. Thầy đã dịch ra chữ quốc ngữ nhiều bài thơ Hán Nôm và không ít tác phẩm văn học Pháp, trong đó có Những người khốn khổ của Vích-to Hu-gô; đồng thời cũng là tác giả của nhiều cuốn cẩm nang hướng dẫn dạy và học văn, nhiều tập bình giảng thơ, là tác giả nhiều bài báo và tập thơ Tinh Sương.

Nếu mỗi số phận chứa một phần lịch sử thì về một phương diện nào đó có thể nói, lịch sử cuộc đời giáo sư Lê Trí Viễn đã phản chiếu những nét cơ bản lịch sử phát triển vẻ vang của nền giáo dục, lịch sử nghiên cứu của ngành văn học Việt Nam thời hiện đại và lịch sử phát triển huy hoàng của khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thuộc thế hệ vàng của nền giáo dục cách mạng, GS - NGND Lê Trí Viễn là người đã góp sức mở đường cho sự hình thành và phát triển của nền giáo dục nước nhà, người gieo mầm cho những tài năng.

 Trần Thị Trâm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội

 

CHÚ THÍCH

1. Vũ Nguyên Hà, Báo Giáo dục & Thời đại, 15.5.2009

2. Lê Trí Viễn, Một đời dạy văn, viết văn, NXB Giáo dục, 2006, Tập 2, trang 440

3. Lê Trí Viễn, SĐD, Tập 3, trang 84

4. Lê Trí Viễn, SĐD, Tập 2, trang 320

 

Post by: admin
08-01-2022