Chân dung nhà giáo

Tám mươi xuân trong biển rộng sông dài!


22-07-2021

Năm 1960, tôi từ Trung Quốc về, anh Hà đã được giữ lại Khoa từ mấy năm rồi, như thế anh em quen biết nhau đã hơn nửa thế kỷ có lẻ làm sao nhớ hết được mọi chuyện từ thuở ban đầu? Nhưng nhớ được cái gì tôi cứ kể ra cái nấy. Thời gian địa điểm có thể không chính xác, nhưng sự việc thì không dám bịa, mà các bô lão hiện nay ở Tổ Văn học nước ngoài như anh Tửu, anh Tuyên, chị Đào chưa chắc đã biết vì mãi sau mới về Khoa. Vặt vãnh thôi, nhưng tôi thấy quý, chí ít để cho những thế hệ sau yêu quý anh Hà biết thêm đôi nét chân dung của thầy mình kể cả thời còn trai trẻ.

Anh Hà dong dỏng cao, gầy yếu, nhưng là thanh niên thời ấy cũng hăng hái lắm. Tôi nhớ sinh hoạt chi đoàn khi nào cũng có mục văn nghệ, có khi bắt mỗi anh chị hát hay múa một bài, anh Hà xung phong hát một bài dân ca tuyệt hay của Nam Dương (hồi ấy chưa gọi là Indonésia), không phải Dòng sông Solo, nhưng trong đó có hình ảnh một chú ếch. Thế là anh chàng ngồi xổm xuống hai tay chống hai bên hông, vừa hát vừa nhảy cóc, anh em được một phen cười, nhưng rồi có người, hình như Lê Đăng Bảng can: "Thôi ông ơi, phải giữ sức mà chiến đấu chứ!”. Mà tôi thấy anh Hà ngút hơi thật, là vì vừa mới cưới vợ! Vì đã có gia đình, anh Hà không cùng chung phòng ở mấy dãy nhà đầu với bốn năm chàng còn độc thân như chúng tôi, mà ở các dãy nhà sau thuộc khu gia đình lại càng chật chội lắm, tôi nhớ một gian chừng 20 mét vuông chia đôi với anh Bùi Văn Nguyên, kẻ đi cửa trước, người cửa sau cũng bí bách ẩm thấp lắm. Thỉnh thoảng anh chị mới về đấy, rồi sau về ở hẳn bên cơ quan của chị ở khu văn công Mai dịch.

Anh Hà nói chung là nghiêm nghị, nhưng cũng hóm hỉnh có khi với chút ít ý vị chua cay. Một hôm lên thăm chơi, thấy khu văn công dù sao cũng sạch sẽ thoáng đãng, anh Hà kể thỉnh thoáng làm việc mệt lại lững thững ra quán trước cổng trường làm mấy ngụm chè Thái (chứ không phải café). Một hôm thấy hai cô bán bắp cải xu hào trách móc sao không đợi nhau, một cô nói: "Người ta đợi mình mãi, còn đi lên đi xuống ở tít dưới kia kìa, ở gần cái cổng trường gì thối thối đấy!”. Nghe mà cười ra nước mắt, vì chắc các cô gái ngoại thành bán rau này không phải do thi hỏng mà thù oán gì với ĐHSPHN, chỉ tình cờ trách móc nhau một cách hồn nhiên, mà vô tình nhắc đến một hiện tượng hôi thối kinh niên từ một dãy nhà xí của khu tập thể sinh viên kéo dài đến mấy trăm mét trên đường đi vào khu tập thể cán bộ giáo viên. Chắc ai là thànhviên của ĐHSPHN đầu những năm 60 trở về trước không thể nào quên được cái mùi tởm lợm này. Riêng tôi còn có thêm chút chua chát, vì tình cờ qua lời GS Phạm Huy Thông được biết một cách chính xác rằng trường ĐHSPHN chúng ta vốn sẽ không phải nhếch nhác như vậy: "Đây vốn là địa điểm của Sư phạm trung cấp, Trường ta về ở tạm thôi. Anh Đồng thường nhắc tôi, làm sao dần dần trong tương lai, vai trò của ĐHSPHN phải được như ENS ở Paris, cho nên ngay về địa điểm Thủ tướng cũng đã chấp thuận là bên Hồ Tây, và tôi đã đi khảo sát xong xuôi cả rồi! Nhưng…”

Trở lên chỉ là chấm phá đôi nét, còn ấn tượng chủ yếu về nhau phải từ nhiệm vu cơ bản chung là chuyên môn. Tất nhiên là tôi không khỏi nghe tiếng đồn anh Hà đã thông minh sắc sảo lại cần cù, chăm chỉ lắm. Thông minh thì quý thôi, nhưng nói như Edison,(?) nhà bác học về điện cho rằng phát minh sáng chế của ông, thông minh chỉ chiếm 1% thôi, còn đều do cần cù cả. Nghe nói thời sinh viên, anh Hà ra sức nâng cao vốn liếng tiếng Pháp còn ít ỏi trong thời Trung học kháng chiến. Sau đó chuyển sang tiếng Nga hoàn toàn mới lạ, thế mà khi bắt đầu đứng lớp, anh đã tham khảo được nhiều giáo trình và sách báo tiếng Nga. Và nếu tôi nhớ không nhầm thì khi Khoa Văn ĐHSP bắt đầu đề xướng soạn bộ giáo trình riêng, thì về văn học Nga Xô viết do anh Hà chủ biên. Hồi ấy anh Hà là tổ trưởng Tổ Văn học Nga Xô viết, văn học phương Tây và văn học Trung Quốc cũng hình thành những Tổ bộ môn riêng. Đến năm 1963, anh Đức Nam, PTS, từ Nga về mời nhập cả ba lại thành bộ môn Văn học nước ngoài và làm Trưởng bộ môn. Đến lúc anh Đức Nam đi công tác khác, chính anh Hải Hà lên đảm nhiệm phụ trách Tổ bộ môn chung này. Trong Tổ văn học Nga Xô viết trước kia, hay Tổ văn học nước ngoài sau này, tôi có một số bạn bè từ nước ngoài về, cũng loại khá giỏi cả, nhưng vẫn thừa nhận vai trò đó của anh Hải Hà. Đầu năm 1965 từ Tổ Văn học nước ngoài tôi đã chuyển sang Tổ LLVH, cho nên cũng không thật gần gũi để biết thật rõ, thật cụ thể tình hình anh Hải Hà. Chỉ biết anh em luôn luôn đối xử tử tế với nhau, có thể có những ngộ nhận thoáng qua nhưng chưa hề có gì xích mích gì với nhau cả. Năm 2000 trong đợt xét giải thưởng Nhà nước, tôi có thúc anh Tửu, nhưng vốn rất thận trọng, anh Tửu có hơi ngần ngại cho rằng anh Hải Hà chưa làm, mình làm hơi bất tiện. Tôi chỉ nói ngắn gọn là anh Hải Hà chắc không suy nghĩ gì hẹp hòi chuyện này đâu. Sở dĩ nói chắc như vậy, vì tôi đã từng trải nghiệm đôi việc với anh Hà. Năm 1984 tôi đi Liên Xô về có kể lại ý kiến của GSTSKh Nikolaev cho rằng nội dung luận án PTS là tương đương với ba bài báo liên vấn đề được đăng trên tạp chí chuyên ngành (nếu được 5 bài thì là xuất sắc, có thể phát triển thành luận án Tiến sĩ). Anh Hà có vẻ tâm đắc và cũng có ý tiến hành, nhưng sau thôi, song vẫn rất ủng hộ tôi. Kể cả mấy năm sau đó tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, anh Hà càng hết lòng chúc mừng!

Phải nói hơn 10 năm qua anh Hà gặp phải nhiều rủi ro quá! Nhưng cũng chính từ đây lại càng chứng tỏ anh có một nội lực sống không thể không nói là quật cường. Trước là chuyện anh bị vô cớ cắt bỏ đi phương tiện đi lại do trời cho. Xin lỗi nói, thà vì trọng bệnh mà phải ra đi như các anh Châu, Lạc… thì đã đành đi một nhẽ, đằng này lại chỉ tồn tại gần như cố định tại một chỗ! Tôi cứ nghĩ mình lâm vào tình cảnh đó thì có khi phát điên! Nhưng anh Hà “mất chân mà không bó tay”. Cứ xem những buổi lễ quan trọng, anh Hà vẫn tìm mọi cách đến với Tổ, với Khoa. To hơn, tất nhiên là có dựa vào cháu Bằng công tác bên ngoại giao, anh đi du lịch không ít nơi trên thế giới, khi về say sưa kể lại các hãng bay quốc tế đối xử với người khuyết tật như thế nào. Nhỏ hơn, thỉnh thoảng anh vẫn tìm cách đến với người thân, đặc biệt là con gái ở Cầu Giấy và có lần alô cho tôi: "Ba ơi, ghé chơi một tí”. Nhưng đó vẫn là bên ngoài, còn nội lực quật cường của anh vẫn tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi và suốt đời là nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga. Anh em bạn bè nói đùa, ông này hồi trẻ đã từng giảng say sưa Thép đã tôi thế đấy, bây giờ nó lại vận vào số phận lúc về già. Được đà, tôi lại bổ sung thêm: Khoa ta đã có Pavel! P. CORSAHA cũng là một loại Thép đã tôi!

Hơn 10 năm qua tôi cũng đã thu hẹp dần đến mức tối đa chuyện đi thăm ngày Tết ngay với Tổ bộ môn, nhưng năm nào cũng đến với anh Hải Hà. Vì cứ nghĩ, cánh già chỉ còn lại mấy mống, thôi thì cứ mỗi dịp xuân về, lại cố đến với anh bởi quanh năm ngồi trên chiếc xe lăn thì làm sao tránh khỏi những phút giây lạnh lẽo! Nhưng cũng chính vì hay đến như thế tôi mới hiểu thêm nhiều điều, đặc biệt không phải nói năng lực nữa, mà phải nói là nghị lực chuyên môn của anh Hải Hà khó ai sánh kịp! Tôi đã từng buộc miệng nói thẳng: Xin lỗi gạt hắn khốn cảnh rủi ro ra một bên, thực chất trình độ và đóng góp khoa học của Anh, đáng lẽ phải được Giải thưởng Nhà nước từ lâu rồi! Và tất cả anh em hữu quan, không sót một ai, đều ra sức vun xới cho anh Hà. Nhưng than ôi, anh Hà cũng đã từng giảng rất hay về Số phận một con người của Sholokov, nó đắng cay thật nhưng đều có thể giải thích được bằng những lý cớ gần xa, nhưng bây giờ nó vận vào số phận cuối đời của anh là hoàn toàn vô cớ và phi lý. Dù sao câu chuyện tuy cũng chìm dần trong quá khứ nhưng chắc chắn ít nhiều vẫn còn vẫy gọi đến tương lai. Khi tôi viết những dòng này thì cũng chính thức được biết vẫn theo đúng chu kỳ, đợt xét giải thưởng 2015 sẽ bắt đầu khởi động. Chắc chắn bạn bè đồng nghiệp cùng nhiều thế hệ học trò không hề cầu mong được thông cảm chiếu cố mà hoàn toàn tin tưởng rằng GS, NGND Nguyễn Hải Hà với những công trình có tầm vóc của mình hoàn toàn xứng đáng được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học.

Tôi bỗng nhớ lúc sinh thời anh Huỳnh Lý thường nói sống trên đời phải có lý tưởng và hoài bão lớn, nhưng phải biết tạo ra và tận hưởng những niềm vui nho nhỏ. Được Giải thưởng Nhà nước về khoa học xứng đáng, chắc chắn sẽ mang lại niềm vui không nhỏ cho GS Nguyễn Hải Hà. Nhưng vẫn còn đó sự rủi ro và nỗi buồn khác nhưng không bao giờ xói mòn được nghị lực của anh. Tôi không muốn nhắc lại công lao của bao thế hệ đi trước mới xây đắp được truyền thống ngời sáng cho Khoa ta, mà chỉ lưu ý trong đó còn có cả sự hy sinh thật sự. Nhưng trước mắt chúng ta vẫn còn đây hình ảnh chói lọi của một “Thương binh” theo nghĩa cao cả nhất của từ này là có “Tàn, nhưng không phế"chút nào! Chỉ có thể tự mình xoay xở trong phạm vi mười mét vuông, anh Hà ngồi đó trên chiếc xe lăn, đến thú vui nhỏ nhặt là châm thuốc hút cũng dần dần quên hẳn đi cho những bài giảng với học viên Sau đại học, cho việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, cho những trang sách trong những chuyên khảo về văn học Nga, cho những bản dịch về kịch của L.Tolstoi! Hỏi thử ai trong chúng ta, kể cả trước đây và mai sau có thể quên mình, vươn mình và gồng mình được như thế?

Tình cờ tôi có đọc được câu thơ… Kẻ sĩ đau lòng vì thế sự… của anh Hải Hà, rất đúng với tâm trạng thế hệ chúng tôi lúc cuối đời. Nhưng xin tạm xếp tâm trạng ấy vào phía vạn biến, bởi vì thế hệ chúng tôi, tuy vậy, mặc dù với tất cả khuyết nhược điểm, do chủ quan hoặc khách quan, đã hun đúc được cái bất biến là từ những khía cạnh khác nhau đã tận lực góp được phần nhỏ bé e chỉ là những hạt bụi vào việc lý giải và bồi đắp cho văn hóa văn học dân tộc. Mặc cho sự thế xoay vần, văn hóa văn học Việt Nam rồi cũng sẽ đến lúc thực sự hưng thịnh, mà trong đó vẫn phảng phất mùi hương của tinh hoa văn hóa Nga, của L,Tolstoi! Và vì thế, chúng ta sẽ không bao giờ quên PAVEL CORSAHA của mình!  

Phương Lựu

 

Post by: admin
22-07-2021