Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Lý sinh ngày 05- 06- 1914 tại làng Kim Bồng, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ học ở Hội An, rồi học Trung học ở Quy Nhơn và Trường Trung học Bảo Hộ ở Hà Nội (trường Bưởi). Năm 1936 ông thi đỗ Tú tài Bản xứ và Tú tài Pháp. Thời học sinh, Huỳnh Lý rất được bạn bè vị nể và các thầy mến vì tính ham học, thông minh và đặc biệt có trí nhớ rất tốt. Mảnh đất Quảng Nam nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều danh sĩ, trong số đó có những nhà chí sĩ hàng đầu của phong trào yêu nước hồi đầu thế kỉ XX, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Tiếp thu được nhiều nét tinh hoa của quê hương, nhất là truyền thống văn chương, tinh thần hiếu học và lòng yêu nước, Huỳnh Lý đã lựa chọn cho mình con đường vào đời là hoạt động giáo dục và văn chương. Năm 1940, ông bắt đầu dạy học ở Trường Trung học tư thục Viên Minh, Hội An, đồng thời viết báo, viết kịch.
... Cách mạng tháng Tám 1945 đã tạo điều kiện cho người trí thức – nhà giáo Huỳnh Lý được phát huy và cống hiến trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình cho đất nước và nhân dân, bằng nhiều hoạt động phong phú trong lĩnh vực giáo dục và văn chương. Từng là trưởng ban Tu thư, thư ký công đoàn ngành giáo dục Liên khu V, năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, công tác ở Nha giáo dục phổ thông, rồi về ban Tu thư của bộ giáo dục. Tại đây, ông cùng các đồng sự đã hoàn thành trong vài năm một khối lượng công việc to lớn và quan trọng: xây dựng chương trình và biên soạn SGK hầu hết các môn trong chương trình giáo dục phổ thông cho lần cải cách giáo dục sâu rộng sau thời kỳ kháng chiến chống pháp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ban Tu thư, ông về làm cán bộ kiểm huấn ở Vụ Phổ thông một thời gian, rồi từ giữa năm 1959 được điều động về làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phụ trách giảng dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại. Trước yêu cầu phải nhanh chóng phát triển giáo dục để tạo cơ sở cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ cho công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, Trường Đại học Sư phạm phải mở rộng quy mô đào tạo, rút ngắn thời gian học tập của mỗi khóa học. Cần có ngay một hệ thống giáo trình các môn học và tập thể cán bộ giảng dạy Khoa Văn đã khẩn trương bắt tay vào việc biên soạn. Chỉ sau vài ba năm, giáo trình của hầu hết các môn học đã được xuất bản, trong đó nổi bật là bộ Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, gồm 6 tập với trên 2.000 trang, bao quát từ văn học dân gian đến văn học đương đại. GS Huỳnh Lý được giao biên soạn chính (cùng với thầy Trần Văn Hối ở Đại học Sư phạm Vinh) tập VI: Văn học Việt Nam 1945-1962, cũng là tập cuối để hoàn tất bộ giáo trình. Cùng với cuốn Văn học Việt Nam hiện đại (1945 - 1960), giáo trình của Khoa Văn Đại học Tổng hợp, cũng được ra mắt cùng thời gian ấy, do GS Hoàng Như Mai biên soạn, Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập VI là một trong hai công trình văn học sử đầu tiên về văn học Việt Nam từ sau 1945. Viết lịch sử văn học đã không dễ, viết lịch sử văn học đương đại lại càng khó, vì chưa có khoảng lùi thời gian để sàng lọc, lại khó tránh khỏi sự chi phối của nhiều yếu tố cả trong và ngoài văn học nên ai đã từng viết về các hiện tượng văn học đương đại đều thấu hiểu cái khó và mọi sự phiền lụy của công việc ấy. Vậy mà, đọc giáo trình của GS Huỳnh Lý, cũng như của GS Hoàng Như Mai, thấy các ông viết với một tâm thế thật hào hứng, tự tin, tuy không phải không có chỗ cách nhìn còn một chiều nhưng thật chân thành. Điều quan trọng hơn nữa ở những cuốn sách ấy, mà nhiều công trình về lịch sử văn học hiện đại của những người sau khó mà có được, đó là cái ưu thế của người trong cuộc. Các ông không chỉ là nhà nghiên cứu mà còn là những người đã tham gia, đã góp một phần của mình vào chính đời sống văn học đương thời. Bởi vậy, các công trình đó không chỉ phong phú về tư liệu và thực tiễn văn học, không chỉ tái hiện sinh động diện mạo đời sống văn học một thời, mà còn là cách nhìn, cách nghĩ, sự đánh giá của những người trong cuộc nói về văn học thời mình. Cuốn Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập VI vẫn được sử dụng làm giáo trình học tập cho nhiều thế hệ sinh viên các trường Đại học Sư phạm cho đến tận đầu những năm 80, khi có giáo trình mới thay thế, viết về cả giai đoạn văn học 1945 - 1975. Thực ra, sự nghiệp nghiên cứu văn học của GS Huỳnh Lý đã mở ra từ sau 1955, khi ông công tác ở bộ giáo dục, với những công trình rất có giá trị, như: lược thảo lịch sử Văn học Việt Nam (3 tập, viết chung với nhóm Lê Quý Đôn), mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng, chèo và tuồng (viết chung với Hoàng Ngọc Phách). GS Huỳnh Lý còn góp phần quan trọng vào việc biên soạn bộ Hợp tuyển văn học Việt Nam của Nhà xuất bản Văn học vào đầu những năm 80. Ông là chủ biên và viết lời giới thiệu mở đầu cho những cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX và Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858 - 1920.
Giữa năm 1964, khi đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, mà trọng điểm là khu IV cũ, đúng vào thời gian ấy, GS Huỳnh Lý được Bộ Giáo dục điều động vào phụ trách Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh. Mặc dù tuổi đã cao, sức không khỏe, lại mắc chứng hen suyễn mãn tính, ông vẫn hăng hái lên đường đi nhận nhiệm vụ mới ở vùng tuyến lửa. Trường Đại học Sư phạm Vinh phải sơ tán lên tận vùng rừng núi huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Kể sao cho xiết những gian khổ, thiếu thốn mà thầy và trò phải chịu đựng và đã vượt qua trong những năm tháng ấy, để tiếp tục công việc đào tạo giáo viên cho đất nước, để duy trì và phát triển nền giáo dục ngay dưới bom đạn của kẻ thù. Thầy Huỳnh Lý kể lại, có những buổi thầy trò lên lớp trong bóng tối ở một cái lán dựng tạm hay trong một nếp nhà sàn của dân, không còn dầu thắp đèn và cũng không thể đốt lửa. Trong bóng tối bao trùm, dưới những cánh rừng sâu, vẫn sáng lên trong trái tim của thầy và trò ánh sáng của niềm tin, của nhiệt tình và trí tuệ. Năm 1968, thầy Huỳnh Lý được điều động trở lại Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, phụ trách Tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Hồi ấy, Khoa Văn sơ tán ở một vùng nông thôn thuộc huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên. Chiến tranh phá hoại của Mĩ vẫn còn tiếp diễn, những lớp học vẫn phải nằm sâu xuống lòng đất, giữa chằng chịt hệ thống hầm hào. Thỉnh thoảng, mỗi tháng một vài lần, những người còn có gia đình ở lại Hà Nội lại đạp xe về thành phố thăm nhà, hoặc đơn giản chỉ là để ngó lại căn phòng của mình và nhìn thấy phố phường cho đỡ nhớ. Những chuyến đi ấy thường là về ban đêm để tránh máy bay giặc, và cũng thường rủ nhau đi chung tốp vài ba người để chuyện trò và giúp nhau dọc đường. Có lần, từ Hà Nội trở lại khu sơ tán, dọc đường tôi đã bị hỏng xe, thầy Huỳnh Lý cũng vui vẻ xuống xe cùng dắt bộ đi gần chục cây số trong đêm bởi không tìm đâu ra chỗ sửa xe. Trong những năm chiến tranh, dù phải di chuyển địa điểm sơ tán nhiều lần và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng việc dạy và học chưa lúc nào bị gián đoạn.
Tuy gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh thời chiến, nhưng hoạt động khoa học của GS Huỳnh Lý cũng như nhiều đồng nghiệp ở các trường đại học, vẫn được tiếp tục. Cũng trong những năm cuối chiến tranh, ông đã làm chủ biên và cùng với một số đồng nghiệp viết lại giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930 - 1945 (2 tập) và sau đó là Lịch sử văn học Việt Nam 1945 - 1954.
... Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, GS Huỳnh Lý mới có dịp trở lại miền Nam và về thăm quê hương Hội An. Đó là lần ông dẫn một nhóm cán bộ của Khoa Văn đi nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975. Đoàn dừng lại ở Huế, rồi Đà Nẵng và vào Sài Gòn, đã gặp và làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, nhiều cán bộ quản lý văn nghệ ở cả vùng đô thị bị tạm chiếm và vùng giải phóng trước đấy. Năm 1979, GS Huỳnh Lý được nghỉ hưu khi ông ở độ tuổi sáu mươi lăm và sức khoẻ đã giảm sút nhiều. Có một điều trớ trêu là đến năm 1980, sau khi ông đã nhận quyết định nghỉ hưu, mới được nhận chức danh Phó Giáo sư, vì Nhà nước đã ngừng việc phong chức danh khoa học trong suốt gần 25 năm (từ 1956 đến 1980), do nhiều lí do khác nhau. Nhưng trong ý nghĩ của đông đảo đồng nghiệp và các học trò, thì thầy Huỳnh Lý đã là Giáo sư từ lâu, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của chức danh ấy. Nhớ lần một số học trò và đồng nghiệp đến thăm và chúc mừng ông sau khi ông nhận được học hàm ấy, ông cười, một nụ cười phảng phất buồn, nhưng vẫn hóm hỉnh, rồi đọc hai câu thơ dựa theo thơ cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Nửa đời đầu bạc như bông; Được chức Phó Giáo, thôi xong đã già!" Đùa thì nói vậy, nhưng ông chẳng bận tâm đến việc đó lâu, mà dành tâm sức còn lại cho sự nghiệp giáo dục và những đề tài nghiên cứu bấy lâu nay theo đuổi. Chính trong thời gian này, hai cuốn sách về Phan Châu Trinh: Thơ văn Phan Châu Trinh (NXB Văn học Hà Nội, 1983) và Phan Châu Trinh- Thân thế và sự nghiệp (NXB Đà Nẵng, 1993), chưa phải là tất cả những gì ông đã tích lũy, thu thập và nghiên cứu về nhà chí sĩ yêu nước lớn, nhà cách mạng dân chủ và cây bút xuất sắc của Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX này đã được hoàn thành. Ông cũng tiếp tục cho in nhiều bản dịch văn học Pháp và các nước phương Tây khác, từ tiểu thuyết của Xtanđan (Stendhal), Ban dắc (Balzac), đến kịch của Raxin (Racine), thơ ngụ ngôn La Phông ten (La Fontaine),... Ông còn viết một truyện dài cho thiếu nhi: Đi tìm một vô địch, đã được NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh in năm 1987. Công trình về Tuồng mà ông đã ấp ủ từ lâu, với nhiều bản tuồng quý có trong tay, được chú giải, khảo đính văn bản cẩn thận, để dành cho một cuốn trong Tổng tập văn học Việt Nam, đang được ông nỗ lực hoàn thành. Vào cuối những năm 80, do sức khỏe quá sa sút, mắt mờ, không thể tiếp tục làm việc để hoàn tất công trình, ông đành gửi cả hòm bản thảo ra cho một người bạn ở Hà Nội cùng cộng tác nghiên cứu đề tài. Tiếc thay vì những lý do khách quan mà bản thảo đã bị mất, người cộng sự nghiên cứu cũng đã qua đời. Thật là một mất mát lớn đối với ông và cũng là một thất thiệt lớn cho giới nghiên cứu sân khấu dân tộc. Cuốn sách cuối cùng của ông về Phan Châu Trinh, hầu như đã được ông hoàn thiện trên giường bệnh, bằng cách đọc từng đoạn cho người bạn đời- bà Phan Thanh Cam, tức nữ sĩ Mai Hương-chép lại.
GS Huỳnh Lý qua đời ngày 21- 05- 1993 tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều an ủi cuối cùng với ông trong những năm cuối đời là vào năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân (NGND). Đây là sự ghi nhận xứng đáng về tài năng, tâm huyết và những cống hiến to lớn suốt nửa thế kỉ của GS Huỳnh Lý cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Trong lễ tưởng niệm ở Hà Nội, đôi câu đối của GS Nguyễn Đăng Mạnh tuy đơn giản mà đã thể hiện được nét nổi bật nhất trong con người GS Huỳnh Lý và tình cảm của tất cả mọi người đối với ông:
“Tên là Lý, dạ thì tình, đất Bắc anh đi xa, vẫn nhớ.
Tuổi đã già, lòng vẫn trẻ, trời Nam người khuất vắng, càng thương”.
GS Nguyễn Đình Chú chuyển sang chữ Hán câu đối trên:
(Danh thị Lý, tâm thị Tình, Bắc xứ biệt li bằng hữu tưởng
Tuế hựu cao, tình hựu lạc, Nam phương vĩnh quyết thế nhân ai)
✵ ✵ ✵ ✵ ✵
... Đã hơn mười năm kể từ ngày GS Huỳnh Lý vĩnh biệt cõi thế, nhưng hình ảnh của ông vẫn như còn nguyên vẹn và lại càng sâu đậm hơn trong kí ức của những bạn bè, đồng nghiệp, người thân và các thế hệ học sinh. Nhớ về ông, tôi và chắc nhiều người khác cũng vậy, cứ thấy hiện lên trên khuôn mặt có dáng thư sinh, nho nhã của ông, một nụ cười thật tươi, thật hiền và hóm hỉnh, cả ở đôi mắt nheo lại sau cặp kính. Hình ảnh ấy hình như đã phác họa trung thành thần thái cốt cách của ông: Một cuộc đời, một sự nghiệp dành trọn cho giáo dục và văn chương cũng là dành trọn cho đời, cho bè bạn, cho học trò. Và ông đã được đền đáp, không phải chỉ bằng những danh hiệu đã được nhận, bằng tấm lòng mến mộ của bè bạn, kính yêu của học trò, mà còn được đền đáp bằng chính niềm vui sâu xa, rộng rãi mà ông đã có được trong suốt cuộc đời mình, ngay cả ở những lúc khó khăn, gian nan nhất!
Hà Nội, tháng 6-7 năm 2004- PGS. Nguyễn Văn Long (trích Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Lý – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2005).