Chân dung nhà giáo

GS Đặng Thanh Lê - Một nữ trí thức tiêu biểu


15-07-2021

Như có lần tôi đã kể Lớp Dự bị Đại học chúng tôi là “lũ người tứ xứ”. Bạn Bình Trị Thiên mặc bà ba đen, bạn Khu V mặc xita màu tro. Các bạn khu IV mặc màu nâu màu xanh… Có anh chị từ vùng địch hậu ra. Có anh đã là huyện ủy viên. Có anh đã là thầy giáo cấp 2. Và một số học sinh chuyên khoa hay lớp 9 (tương đương lớp 12 bây giờ). Đặng Thanh Lê, Trọng Bằng, Nguyễn Phan Quang thuộc đám này. Song dưới con mắt bọn tôi hồi bấy giờ, Thanh Lê có gì đó xa cách. Xa cách vì không cùng đẳng cấp. Con gái thầy Mai, con nhà “danh gia vọng tộc”. Con gái vị dân biểu cộng sản sáng danh trên chính trường thời Pháp thuộc và là một nhà văn hóa tên tuổi của đất nước kết tinh từ truyền thống Nho học và yêu nước của gia tộc và xứ sở. Thế nhưng càng tiếp xúc càng nhận ra ở người con gái “quí tộc” ấy không có gì kiêu sa. Có lẽ nếp sống gia đình nhân hậu đã hun đúc cho Đặng Thanh Lê một đức tính hòa nhập cùng bạn bè. Hồi đó, bọn tôi lớp sinh viên nghèo ăn uống kham khổ ốm đau chẳng có viên thuốc dự phòng. Nhưng may mắn hễ ai cảm mạo gì là chị Lê mang thuốc cho. Nhiều bạn dân Bình Trị Thiên, Khu V ra học, xa gia đình thiếu thốn tình cảm rất cảm kích trước những cử chỉ chăm sóc của người bạn gái. Cái đức hạnh của người con gái bao giờ cũng là điều hấp dẫn hơn cả. Lê được nhiều bạn trai quý mến và đã tìm được hạnh phúc lứa đôi trước ngày ra trường đi nhận công tác. Hôm tổ chức hôn lễ cho hai người vừa tốt nghiệp đại học xong, Thầy Trần Văn Giàu - người chủ hôn đám cưới nói vui: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”.

Cùng ở khoa Văn hơn mấy chục năm, mỗi người một chuyên ngành song vẫn gần gũi trong sinh hoạt thường kỳ ở Khoa, ở Đảng bộ, nhất là qua những cuộc trò chuyện bạn bè vốn hiểu biết và quý trọng nhau. Đặng Thanh Lê là giảng viên nữ lâu năm của trường, của khoa đã sớm xây dựng được một vị thế đáng nể trọng về nhân cách và chuyên môn. Nhiều bạn sau này hay nói vui một cách kính trọng là “quốc mẫu”. Lãnh đạo Khoa và Trường hay tham khảo ý kiến của chị. Vì chị luôn quan tâm đến phong trào chung, là người có thâm niên cao, đáng tin cậy. Chị luôn có chính kiến riêng, vừa khách quan vô tư, không tư lợi. Chị từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

Trong quan hệ xã hội, nhất là trong khoa học, điểm nổi bật đáng kính trọng là Đặng Thanh Lê không cơ hội, không hữu khuynh. Chị là người luôn nhạy cảm và sắc bén trong việc nhìn nhận những biểu hiện quá đà trong nghiên cứu phê bình văn học. Về một số hiện tượng văn học sau Đổi mới, tuy không phải là chuyên gia văn học hiện đại nhưng chị luôn theo dõi và bày tỏ chính kiến của mình. Gần đây trong việc đánh giá triều Nguyễn… chị luôn có cách nhìn lịch sử khách quan và bày tỏ quan điểm của mình từ những tư liệu khoa học cụ thể.

Là chuyên gia về Lịch sử văn học trung đại và Truyện Kiều, chị đã có những công trình gây được sự chú ý của giới nghiên cứu. Về cuốn Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm in năm 1973, GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu phê bình Trương Chính đã có những đánh giá cao công trình đầu tay của Đặng Thanh Lê… Với phong cách làm việc cẩn trọng, khoa học, tác giả đã đề xuất được những kiến giải mới mẻ về thể loại truyện, một lĩnh vực bấy giờ hầu như chưa được mấy chú ý. Tiếp sau công trình nghiên cứu trên, Đặng Thanh Lê đã cho ra cuốn Giảng văn Truyện Kiều. Công trình này bộc lộ khá nổi bật tư duy lí luận và khả năng cảm xúc thẫm mĩ của người viết. Những trang bình giảng về Truyện Kiều vừa có độ sâu của những nhận định khái quát mới mẻ, vừa có được cái tinh tế trong cảm thụ văn chương.

Non sáu mươi năm làm công tác giáo dục, trải qua nhiều cương vị khác nhau: Giáo sư chuyên gia về Truyện Kiều, Chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phụ nữ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố,… Đặng Thanh Lê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo được một uy tín về nhân cách và về khoa học.

Phan Trọng Luận

Post by: admin
15-07-2021