Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn Lê Trí Viễn là một tấm gương phấn đấu hết mình vì khoa học, vì văn chương, vì sự nghiệp giáo dục.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn Lê Trí Viễn sinh ngày 10 tháng 3 năm 1918 trong một gia đình bần nho tại thôn Bào Đông, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thầy tốt nghiệp trường Sư phạm cấp 1 vào năm 1939 (21 tuổi), sau đó dạy tiểu học Bảo An tại quê nhà trong 5 năm. Để thi tú tài, thầy nghỉ dạy, làm giám thị tại Trường Quốc học Huế. Thầy Lê Trí Viễn đã tự học để nâng cao trình độ cho đến khi đăng ký thi và đỗ tú tài 1 tại Quảng Nam. Sau 6 năm nỗ lực, thầy thi đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài 2 ngành Triết năm 1945 (thi tú tài 2 thời ấy chỉ có hai ngành là Toán và Triết). Nhớ lại “thời thanh niên sôi nổi”, GS chia sẻ: “Tự học mà thi được như thế là vì mình có ý chí, lại biết chuẩn bị kiến thức các mặt đều được chu đáo”.
Năm 1946, thầy Lê Trí Viễn tham gia kháng chiến chống Pháp, đồng thời giảng dạy tại trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh), rồi làm hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Khiết (Quảng Ngãi). Từ năm 1963 đến 1978, thầy làm chủ nhiệm Khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1978, thầy chuyển vào giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 1992. Cùng năm đó, GS Lê Trí Viễn cùng nhà giáo Nguyễn Ngọc Phấn sáng lập Trường Phổ thông Cấp 2 Nguyễn Khuyến (trải qua nhiều đợt đổi tên trường đã chọn tên thành trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến). Đây được xem là một trong những trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp và đại học cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, GS Lê Trí Viễn đã kinh qua đủ các cấp từ tiểu học, trung học, đại học, sau đại học; từ dạy lớp nhất ở trường quê nghèo Bảo An (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến việc hướng dẫn thành công hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các trung tâm đào tạo chuyên ngành Ngữ văn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Không những thế, thầy còn được tôn vinh và ghi nhận trong vai trò của một nhà nghiên cứu uyên bác và tài hoa. Có thể lược qua một số công trình tiêu biểu như: "Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt – Nguyễn sơ" (Nhà xuất bản Tinh tiến, Liên khu V, 1951); "Một số vấn đề Lịch sử Văn học Việt Nam" (Trường Đại học Bắc Kinh xuất bản, 1961); "Những bài giảng văn ở đại học" (Nhà xuất bản Giáo dục, 1982); "Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1996); "Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng" (Nhà xuất bản giáo dục, 1981); "Lê Trí Viễn toàn tập" (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, gồm 7 cuốn với gần 6.000 trang khổ lớn)…
GS Lê Trí Viễn là thư ký khoa học, là thành phần nòng cốt Ban biên soạn bộ giáo trình "Lịch sử văn học Việt Nam" đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội. Thầy chính là người chủ trương mở mã ngành và viết giáo trình cho bộ môn Hán Nôm, là người đầu tiên trong trường ĐHSP Hà Nội đề xuất đưa giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật học vào chương trình giảng dạy của Khoa và Trường.
GS Lê Trí Viễn là chủ nhiệm Khoa Văn - ĐHSP Hà Nội từ 1963 - 1978, đó là 15 năm gian khổ, khó khăn khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Khoa Văn phải hai lần sơ tán ở Đại từ - Thái Nguyên, rồi Yên Mỹ - Hưng Yên. Thầy đã lãnh đạo các thầy cô và sinh viên thế hệ vinh quang ngày ấy viết nên những trang sử vàng cho Trường ĐHSP Hà Nội và Khoa Ngữ văn hôm nay.
Từ năm 1987 tới năm 2000, GS Lê Trí Viễn tham gia tích cực vào việc viết sách giáo khoa cho học sinh và sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên trung học. Ngoài sáng tác và dạy học, nghiên cứu, GS.NGND. Lê Trí Viễn còn là một dịch giả lớn. Với bút danh Dư Lê, thầy đã dịch nhiều bài thơ yêu nước, chống thực dân Pháp của các chí sĩ Việt Nam cuối XIX – đầu XX cùng một số tác phẩm văn học Châu Âu như "Thần khúc" của Dante, tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của V.Hugo…
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục và phê bình nghiên cứu văn học, GS Lê Trí Viễn đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Nhà giáo nhân dân (1990), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2012).
GS Lê Trí Viễn tạ thế vào hồi 8 giờ 50 phút ngày 3 tháng 2 năm 2012 (ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Thìn) tại nhà riêng (68 đường A4, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), hưởng thọ 94 tuổi. Thầy được an táng tại Nghĩa trang Thành phố (huyện Củ Chi).
Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn Lê Trí Viễn là một tấm gương phấn đấu hết mình vì khoa học, vì văn chương, vì sự nghiệp giáo dục.
Đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, GS Lê Trí Viễn không chỉ là người lãnh đạo Khoa trong thời gian dài nhất, là một trong những bậc sư biểu danh tiếng nhất Khoa, thầy còn là một tấm gương ngời sáng về nghĩa tình sâu nặng, tấm gương của người luôn đau đáu cho những thế hệ tương lai của Khoa. Hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội vẫn trao Giải thưởng cho sinh viên nghèo vượt khó - Giải thưởng Lê Trí Viễn, đó là trích ra từ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ của thầy, theo lời dặn dò của thầy trước lúc đi xa.