BỘ MÔN LÍ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NGỮ VĂN

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ

Có thể nói Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội được khai sinh từ lúc nào thì chỉ sau đó ít lâu đã có sự xuất hiện của Bộ môn Phương pháp giảng dạy. Các thầy Nguyễn Hữu Tảo, Nguyễn Lân, Vũ Đình Liên, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ là thế hệ những nhà giáo đi đầu, là những gương mặt thủy chung với nghề văn, sáng tạo và tái tạo văn chương (dạy văn) làm say mê bao thế hệ học trò.

Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay của Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội là sự hợp nhất của hai Bộ môn: Bộ môn Phương pháp dạy học văn (vốn là Bộ môn Giáo học pháp văn và Bộ môn Phương pháp dạy tiếng Việt (vốn là Bộ môn Tiếng Việt – Làm văn cũ). Vào những năm 1996 – 1997, đứng trước tình hình mới của cải cách giáo dục và sự thay đổi trong tinh thần đào tạo, Ban lãnh đạo Trường ĐHSP Hà Nội và Khoa Ngữ văn quyết định sáp nhập hai Bộ môn trên thành Bộ môn  Lí luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Văn và Tiếng Việt. Người đảm nhiệm vị trí Trưởng Bộ môn hiện nay là PGS.TS Phạm Thị Thu Hương.

          Bộ môn Giáo học pháp văn vào những năm 1963 – 1964 là lớp thế hệ của các nhà phương pháp: thầy Hoàng Lân, thầy Bùi Hoàng Phổ… Người quản lí Bộ môn lâu năm nhất là thầy Bùi Hoàng Phổ (từ năm 1962 cho đến khoảng 1988). Thầy là người có khả năng tổ chức, tập hợp đội ngũ bằng sự đoàn kết chân thành và chú ý tới việc phát triển đội ngũ. Từ năm 1967 đến năm 1975, đội ngũ Bộ môn đã ít lại bị trưng dụng điều chuyển công tác. Thầy Quách Hy Dong nhận trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Khoa Văn. Nhờ thầy, những năm sơ tán chống Mỹ cứu nước, cuộc sống gian nan của cán bộ giảng dạy và sinh viên có được sự ổn định. Một thời gian sau, thầy Phan Sĩ Tấn được cử làm Chủ nhiệm Khoa Giáo dục chính trị. Giải phóng miền Nam, thầy Trần Thanh Đạm từ Tổ phó lên Phó Chủ nhiệm Khoa, sau đó về công tác ở Viện Khoa học Giáo dục rồi được cử vào tiếp quản và làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này, Bộ môn được bổ sung thêm một số cán bộ có năng lực, gắn bó nhiều với sự nghiệp giáo dục và phổ thông như thầy Phan Trọng Luận, thầy Nguyễn Tiến Hùng, thầy Nguyễn Thanh Hùng, thầy Nguyễn Thanh Bình, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, thầy Trần Phú, thầy Hoàng Dư, thầy Trần Thanh Xuân, thầy Nguyễn Bình Sơn, thầy Nguyễn Viết Chữ...

Bộ môn Giáo học pháp văn cũng là nơi tập hợp được những người có khả năng toàn diện, nhiều người trưởng thành và giữ những trọng trách cao hơn: từ Chủ nhiệm Khoa Tại chức Đại học Huế - thầy Nguyễn Tiến Hùng, đến Hiệu trưởng Trung học Sư phạm Thái Bình - thầy Nguyễn Thái Bình, từ Chánh phó Chủ nhiệm khoa lớn ở các trường đại học như thầy Quách Hy Dong, thầy Phan Sĩ Tấn đến Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh như thầy Trần Thanh Đạm. Đến nay, các thầy đã nghỉ hưu và đóng góp cho xã hội theo cách riêng của mình.

Bộ môn Phương pháp dạy học tiếng Việt được hình thành trên cơ sở của nhóm Tiếng Việt  - Làm văn (hay nhóm Tiếng Việt thực hành thuộc Bộ môn Ngôn ngữ). Đây là nhóm do GS. Lê Trí Viễn kiên trì đề nghị thành lập. Tới những năm đầu 80 của thế kỉ XX, sau Hội nghị toàn quốc về “Dạy tiếng Việt trong nhà trường”, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội- GS Đỗ Hữu Châu, Bộ môn Phương pháp dạy học tiếng Việt đầu tiên trong cả nước đã ra đời. Nhắc đến quá trình hình thành Bộ môn Phương pháp dạy tiếng Việt cần ghi nhận công lao của một thế hệ các thầy cô gắn bó với Bộ môn ngay từ những ngày đầu tiên như: thầy Nguyễn Xuân Khoa, thầy Nguyễn Đình Cao, thầy Nguyễn Quang Ninh C, thầy Nguyễn Tiến Mâu, thầy Nguyễn Quang Ninh B, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu, cô Tạ Thanh Kim, cô Ngô Thị Thắng… Sau đó Bộ môn được bổ sung lực lượng với các thầy cô như: thầy Lê A, cô Phan Thị Hồng Hạnh, cô Phan Thị Hồng Xuân. Nhiều thầy cô trong  Bộ môn đã giữ những trọng trách trong Trường và trong Khoa như: thầy Lê A sau này là GS.TS Tổng biên tập NXB ĐHSP, thầy Nguyễn Quang Ninh là PGS.TS, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn ĐHSP HN, cô Trịnh Thị Lan là PGS.TS, Đảng uỷ viên Khoa Ngữ văn.

Sự sáp nhập hai Bộ môn thành Bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Văn và Tiếng Việt thực sự tạo ra thế mạnh về chuyên môn và các mặt công tác khác. Biên chế sau khi sáp nhập được bổ sung thêm cô Phạm Thị Thu Hương, cô Trịnh Thị Lan, sau này là cô Lê Thị Minh Nguyệt, cô Đoàn Thị Thanh Huyền và tiếp tới là cô Trần Hoài Phương, thầy Nguyễn Thế Hưng. Việc vận dụng nghiên cứu khoa học liên ngành, việc nghiên cứu về sự tích hợp trong dạy học văn và dạy học tiếng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường đại học, chuyển hướng mạnh vào trau dồi lí thuyết cơ bản, hiện đại, rèn luyện khả năng tự học, kĩ năng giảng dạy cho sinh viên cũng như việc nghiên cứu thận trọng giáo trình phương pháp giảng dạy thế giới là bước chuẩn bị khoa học để xây dựng bộ giáo trình và sách tham khảo cập nhật, hiện đại, hướng đến nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên Ngữ văn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.

II. THẾ MẠNH TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA BỘ MÔN

          Là Bộ môn nghiệp vụ gắn bó với  việc đào tạo sinh viên và giáo viên các cấp nên vị trí khoa học của Bộ môn rất quan trọng. Cùng với sự trưởng thành của từng cán bộ giảng viên, các giáo sư, tiến sĩ như GS. Phan Trọng Luận, GS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, GS.TS Lê A, PGS.TS Nguyễn Quang Ninh, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương, PGS.TS. Nguyễn Viết Chữ GVC Trần Phú, GVC Hoàng Dư, GVC Nguyễn Bình Sơn, GVC Nguyễn Tiến Mâu, GVC Trần Thanh Xuân, GVC Nguyễn Thị Ngọc Diệu, GVC Phan Thị Hồng Hạnh … cho tới lớp kế cận như PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, PGS.TS. Trịnh Thị Lan, TS. Lê Thị Minh Nguyệt, TS. Đoàn Thị Thanh Huyền, TS. Trần Hoài Phương...,  Bộ môn tiếp tục trở thành một đơn vị có uy tín trong đào tạo về phương pháp dạy học, có nhiều nhà khoa học đầu ngành. Nhiều công trình khoa học thường xuyên được xuất bản, trong đó có những công trình tiêu biểu như Phân tích tác phẩm văn họcGiáo trình phương pháp dạy học văn (chủ biên), Xã hội- văn học- nhà trường, Đổi mới giờ học tác phẩm văn chương, Rèn luyện tư duy qua giảng dạy văn học của giáo sư Phan Trọng Luận; Văn học và nhân cách, Văn học, tầm nhìn biến đổi, Hiểu văn dạy văn; Giáo trình phương pháp dạy học văn của GS.TS Nguyễn Thanh Hùng; Phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học ở trường phổ thông của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương; giáo trình Làm văn của GVC Nguyễn Đình Cao và GS.TS Lê A, Giáo trình Phương pháp dạy học tiếng Việt của GS.TS Lê A , PGS.TS Nguyễn Quang Ninh và GS.TS Bùi Minh Toán, Giáo trình Tiếng Việt thực hành A của PGS Nguyễn Quang Ninh, Giáo trình Tiếng Việt thực hành B của GS.TS Lê A, ... Tiếp nối truyền thống đó, năm năm trở lại đây, thế hệ kế cận tiếp tục tham gia biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông. Có thể kể đến cuốn giáo trình Thực hành dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông do tất cả thành viên Bộ môn tham gia xây dựng; Đọc hiểu và chiến thuật đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông của PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương; Văn bản và việc dạy học văn bản ở trường trung học (Vận dụng vào dạy học truyện dân gian) của PGS.TS. Trịnh Thị Lan; Dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn THPT, Hướng dẫn dạy học môn Ngữ văn THCS theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của TS. Lê Thị Minh Nguyệt (đồng tác giả). Ngoài ra cũng cần phải khẳng định đóng góp của Bộ môn  đối với việc biên soạn SGK phổ thông. Với chương trình hiện hành, có thầy là Tổng chủ biên sách THPT như GS Phan Trọng Luận, có thầy là chủ biên từng phần như GS. Lê A (chủ biên phần Làm văn sách THPT), có thầy là tác giả như PGS.TS. Nguyễn Quang Ninh, có thầy là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu như GS.TS Nguyễn Thanh Hùng… Với chương trình 2018, tất cả các thầy cô đang công tác tại Bộ môn đều là tác giả của các bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, là thành viên của hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Đóng góp của các thầy cô trong Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn đối với sự nghiệp giáo dục là điều hoàn toàn có thể khẳng định được.

          Bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Văn và Tiếng Việt là một trong những bộ môn mạnh về tiềm lực nghiên cứu và đào tạo của Khoa. Hiện nay lực lượng của Bộ môn tham gia đào tạo NCS, thạc sĩ và cử nhân có: 1 GS, 6 PGS, 3 TS  và 1 NCS đang chuẩn bị bảo vệ luận án TS. Tất cả các thành viên trong Bộ môn đều có dự định và kế hoạch nghiên cứu riêng, hàng năm thường xuyên có những công trình nghiên cứu, những bài báo, những sách tham khảo xuất bản. Sinh hoạt học thuật của Bộ môn theo sát những vấn đề thời sự giáo dục và những trọng tâm đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy của Bộ môn. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, Bộ môn đã thực hiện các hướng nghiên cứu sau đây:

- Phát triển chương trình nhà trường

- Dạy học đọc hiểu theo hướng phát triển năng lực

- Dạy học tạo lập văn bản theo hướng phát triển năng lực

- Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực

- Dạy học văn bản đa phương thức ở trường phổ thông

Bên cạnh đó, Bộ môn đã xúc tiến xây dựng phòng rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên cho sinh viên để nâng cao hiểu biết và năng lực vận dụng kĩ năng giảng dạy cho họ. Từ đó, Bộ môn PPDHNV có thể xây dựng, phát triển thành một trung tâm tư vấn về phương pháp giảng dạy của cả nước. Ngoài ra trong nhiều năm, các giảng viên của Bộ môn còn tham gia dạy tiếng Việt cho sinh viên và nghiên cứu sinh Lào, Campuchia ở Hà Nội và ở Phnômpênh, Viêng Chăn.

Có thế thấy, Bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Văn và Tiếng Việt ngày nay đã trở thành Bộ môn giữ vị trí quan trọng trong việc đào tạo nghiên cứu sinh, thạc sĩ và cử nhân cũng như nghiên cứu các công trình khoa học chuyên ngành trong cả nước.

Hình ảnh một số công trình tiêu biểu do Bộ môn và các thành viên chủ trì:

                    

                       

           

 

                               

                         

            

 

                      

            

 

         

   

 

Ảnh gặp mặt các thầy cô trong Bộ môn nhân dịp 20-11- 2020

III. NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA BỘ MÔN

Tính đến nay, Bộ môn đã cùng với Khoa đào tạo thành công hàng nghìn giáo viên các cấp, rất nhiều thạc sĩ và tiến sĩ cho ngành giáo dục. Hiện số tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên theo học chuyên ngành phương pháp dạy học Ngữ văn rất đông. Nhiều năm gần đây, Bộ môn đã thu hút được nhiều sinh viên khá giỏi, thậm chí xuất sắc và các giáo viên ưu tú của chuyên ngành về học tập, nghiên cứu.

Về giáo trình cũ và mới đã có 10 bộ hoàn thành. Số đầu sách của bộ môn tính đến nay đã có 50 cuốn, không kể các tài liệu khác in ở địa phương.

Trong những hội thảo quan trọng, trước những vấn đề khoa học nổi bật trong ngành văn và ngành giáo dục đều xuất hiện tiếng nói của các cán bộ Bộ môn. Bộ môn Phương pháp dạy học tiếng Việt đã tổ chức được hội nghị khoa học tầm cỡ quốc gia, hội nghị “Dạy tiếng Việt trong nhà trường” tiến hành trong 3 ngày 23, 24, 25 tháng 12 năm 1982 (với sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Giáo dục GS.Nguyễn Cảnh Toàn, Viện trưởng Viện ngôn ngữ học GS Hoàng Tuệ, Cục phó Cục Đào tạo bồi dưỡng Đỗ Bình Trị…). Ngoài ra còn nhiều Hội thảo khác với các chủ đề như Đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hoặc Đổi mới phương pháp dạy học ở đại học… , cán bộ của Bộ môn đều đóng vai trò nòng cốt. Công tác nghiên cứu và tự nâng cao trình độ của Bộ môn đi vào chiều sâu, hình thành từng hướng nghiên cứu khoa học khác nhau và đã có những khác biệt về phong cách nghiên cứu lĩnh vực phương pháp dạy học Ngữ văn, làm phong phú đa dạng diện mạo khoa học phương pháp. Bộ môn cũng luôn đóng góp phần quan trọng vào các mặt công tác của Khoa và Trường như công tác Đảng, công đoàn, chủ nhiệm, thực tập sư phạm, hội đồng khoa học, công nghệ giáo dục và các công tác ngoài trường.

Số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ vẫn được Bộ môn thực hiện đều, nghiêm túc. Các đề tài đều được nghiệm thu và đánh giá cao. Bộ môn đảm bảo một khối lượng lớn về việc viết giáo trình, soạn chương trình, giảng dạy hệ chính quy và các hệ đào tạo ngoài trường như hệ từ xa, hệ chính quy địa phương, hệ tại chức, hệ chuyên tu. Trong xu thế đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, bộ môn đã tham gia biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà. Các thành viên trong Bộ môn đã trực tiếp biên soạn các mô đun tập huấn: Mô đun 1 – Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018,  Mô đun 3 -Kiểm tra, đánh giá học sinh THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực môn Ngữ văn. Ngoài ra, các thành viên trong Bộ môn đã tham gia tập huấn cho giáo viên phổ thông trong cả nước các vấn đề: đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Ảnh trong Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm 2020

IV. THÀNH TÍCH VÀ KHEN THƯỞNG

- Huy chương kháng chiến chống Pháp: Nguyễn Đình Cao

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất: Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Xuân Khoa, Nguyễn Thanh Hùng

- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang: Nguyễn Bình Sơn

- Huân chương kháng chiếng chống Mỹ hạng Nhì; Trần Thanh Xuân, Nguyễn Tiến Mâu

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba: Nguyễn Thị Thanh Hương, Trần Phú

- Huân chương Ăngko của Campuchia: Phan Trọng Luận, Nguyễn Tiến Mâu

- Huân, Huy chương hữu nghị và bằng khen của Chính phủ Lào: Nguyễn Quang Ninh, Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Ngọc Diệu, Phan Thị Hồng Xuân

- Nhà giáo nhân dân: Phan Trọng Luận, Nguyễn Thanh Hùng

-  Nhà giáo ưu tú: Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Thanh Hương

- Giải thưởng khoa học Nhà nước: Phan Trọng Luận

- Giải thưởng Salvador Allende của Bộ Giáo dục Cộng hoà dân chủ Đức: Nguyễn Thị Thanh Hương.

- Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ: Nguyễn Thanh Hùng

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Thị Thanh Hương, Trần Phú, Nguyễn Bình Sơn

- Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội: Trần Phú.

- Ngoài ra còn có nhiều Huy hiệu, Kỉ niệm chương và nhiều loại giấy khen khác…

V. MỘT SỐ CÁN BỘ ĐÃ NGHỈ HƯU

GS.NGND. Phan Trọng Luận (1927 - 2013)

  • GS.NGND. Phan Trọng Luận thuộc thế hệ nhà giáo, nhà khoa học đặt nền móng đầu tiên cho chặng đường hình thành, phát triển và khẳng định vị thế của Bộ môn Phương pháp dạy học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy nhiều năm là trưởng Bộ môn, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phương pháp dạy học Văn ở Việt Nam, có công đào tạo, phát triển đội ngũ cho các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và bạn bè quốc tế, là Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông hiện hành (Ban Cơ bản). 
  • GS. Phan Trọng Luận được phong hàm Giáo sư năm 1992, được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000 và phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010, Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất,…
  • Tư tưởng khoa học nổi bật trong các công trình nghiên cứu của GS.NGND Phan Trọng Luận - Học sinh là bạn đọc sáng tạo -  đã phát huy tiềm năng của tuổi trẻ học đường, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới mạnh mẽ trong dạy học Ngữ văn.
  • Một số công trình nghiên cứu nghiên cứu tiêu biểu: Rèn luyện tư duy học sinh qua giảng dạy văn học (1969), Con đường nâng cao hiệu quả văn học trong nhà trường phổ thông (1978), Cảm thụ văn học – Giảng dạy văn học (1983), Phương pháp dạy học văn (chủ biên) (1987), Học sinh – bạn đọc sáng tạo – Con đường đổi mới phương pháp dạy học tác phẩm văn chương ở phổ thông (1996), Xã hội – Văn học – Nhà trường (1996), Văn học Giáo dục thế kỉ XXI (2002), Văn học nhà trường những điểm nhìn (2011),…

 

GS.TS Lê A (1944 – 2018)

  • Thầy là một trong số ít người có công thành lập, khai mở những bước đi đầu tiên, là người lĩnh xướng khoa học, là người đánh dấu bước trưởng thành quan trọng, khẳng định vị thế của chuyên ngành Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Việt Nam, Bộ môn Phương pháp dạy học của khoa Ngữ văn.
  • Tên tuổi của GS.TS Lê A từ lâu đã gắn với những bộ giáo trình Tiếng Việt và Phương pháp dạy học Tiếng Việt từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, gắn với những bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn Trung học mà thầy luôn làm chủ biên phần Làm văn, dù qua nhiều lần thay đổi chương trình.
  • Thầy được công nhận học hàm Giáo sư năm 2003, được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2008, nhiều lần được các cấp khen tặng: Huy chương kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Từ năm 2002, thầy đảm nhiệm thêm cương vị Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, đóng góp đồng thời ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản.
  • Một số công trình khoa học nổi bật: Làm văn, tập 1 và tập 2 (1989), Phương pháp dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc, Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Trung học phổ thông (1995), Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Trung học cơ sở (1996), Tiếng Việt thực hành A, Tiếng Việt thực hành B (2000), Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học (2001), Chữ viết và phương pháp dạy chữ viết (2003), Giáo trình Tiếng Việt 1 và Tiếng Việt 3 (đào tạo giáo viên Tiểu học) (2009)…

 

GS.TS. Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1940)

  • Thầy có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Ngữ văn, thuộc thế hệ đầu tiên biên soạn hệ thống giáo trình của chuyên ngành. Những công trình nghiên cứu tiên phong và chuyên sâu về đọc hiểu, dạy học đọc hiểu của thầy đã đồng hành cùng quá trình đổi mới dạy học Văn ở nước ta theo hướng hiện đại, hội nhập.
  • Thầy bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học Sư phạm CHDC Đức năm 1979, được phong hàm Giáo sư năm 1996, làm Thực tập sinh cao cấp tại CHLB Đức năm 1997. Thầy từng đảm nhiệm các chức vụ: nguyên chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Tâm lí giáo dục; nguyên Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Thầy đã vinh dự nhận được danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất…
  • Một số công trình tiêu biểu: Giáo trình Phương pháp dạy học Văn (viết chung, 1980), Văn học và nhân cách (1994), Văn học tầm nhìn biến đổi (1996), Đọc và tiếp nhận văn chương (2002), Hiểu Văn - dạy Văn (2003), Giáo trình Phương pháp dạy học Ngữ văn ở THCS (2007), Phương pháp dạy học Ngữ văn THPT - những vấn đề cập nhật (2007), Đọc - hiểu tác phẩm văn chương trong nhà trường (2008), Mô hình đọc hiểu tác phẩm văn chương (2011), Kĩ năng đọc hiểu Văn (2011), Lý luận và phương pháp dạy học Văn - Cội nguồn, bản sắc, giá trị (2021)…

PGS.TS. Nguyễn Quang Ninh (Sinh năm 1947)

  • Thầy là một trong số ít người có công thành lập Bộ môn Phương pháp dạy học tiếng Việt. Đóng góp của thầy luôn gắn với những bước đi, với sự trưởng thành của Bộ môn, giúp Bộ môn từng bước khẳng định được vị thế trong khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trong khối các trường đại học sư phạm trên cả nước.
  • Thầy Nguyễn Quang Ninh là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về Phương pháp dạy học Tiếng Việt là một trong ba tác giả của cuốn giáo trình Phương pháp dạy học tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam.
  • Thầy được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1996. Thầy đã từng đảm nhận các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Bộ môn PPDH Tiếng Việt, Chủ nhiệm Bộ môn  PPDH Ngữ văn, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn.
  •  Một số công trình tiêu biểu: Ngữ pháp văn bản và việc dạy học Làm văn (viết chung), NXBGD (1982) Phương pháp dạy học Tiếng Việt (viết chung), NXBGD (1993), Giáo trình Ngữ pháp văn bản, NXBGD (1994). Giáo trình Rèn luyện kĩ năng sử dụng Tiếng Việt, NXBGD (1996), Một số vấn đề dạy ngôn bản nói và viết ở tiểu học theo hướng giao tiếp, NXBGD (1998), Giáo trình Tiếng Việt thực hành, NXBGD (2001, Giáo trình Rèn luyện kĩ năng sử dụng Tiếng Việt và từ Hán Việt (chủ biên), NXBGD (2005), Giáo trình Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học, NXBGD (2007), Giáo trình Quê Việt (Tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, 2010)Nhiều Giáo trình dạy tiếng Việt ở đại học và SGK phổ thông dạy học Tiếng Việt do Bộ Giáo dục Hàn Quốc in ấn và phát hành.

VI. CÁN BỘ ĐƯƠNG NHIỆM

Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn là 1 trong 7 bộ môn của khoa Ngữ văn, Trường ĐHSPHN. Bộ môn có nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo về phương pháp dạy học Ngữ văn cho các hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh tại Khoa Ngữ văn trường ĐHSPHN, đồng thời nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyên môn nói trên.

Số lượng giảng viên hiện nay của bộ môn là 7 người, bao gồm:

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương

 

PGS. TS Trịnh Thị Lan

 

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân

 

TS. Đoàn Thị Thanh Huyền

 

TS. Lê Thị Minh Nguyệt

 

TS. Trần Hoài Phương

 

ThS. Nguyễn Thế Hưng