Tin nóng

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại


18-10-2020

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (còn gọi là Văn học Việt Nam II) là 1 trong 7 bộ môn của khoa Ngữ văn, Trường ĐHSPHN. Bộ môn có nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo về Văn học Việt Nam hiện đại (từ đầu thế kỉ XX đến nay cho các hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh tại Khoa Ngữ văn trường ĐHSPHN, đồng thời nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyên môn nói trên.

BỘ MÔN VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

 (Văn học Việt Nam II)

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (còn gọi là Văn học Việt Nam II) là 1 trong 7 bộ môn của khoa Ngữ văn, Trường ĐHSPHN. Bộ môn có nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo về Văn học Việt Nam hiện đại (từ đầu thế kỉ XX đến nay cho các hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh tại Khoa Ngữ văn trường ĐHSPHN, đồng thời nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyên môn nói trên.

Số lượng giảng viên hiện nay của bộ môn là 10 người, bao gồm:

-        TS. Trần Văn Toàn, (Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, kiêm Trưởng môn)

-         TS. Lê Hải Anh, Phó trưởng môn

-         GS. TS. Trần Đăng Xuyền

-         TS. Chu Văn Sơn

-         TS. Trần Hạnh Mai (Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn)

-         TS. Nguyễn Văn Phượng (đang là giảng viên thỉnh giảng tại Hàn Quốc)

-         TS. Đặng Thu Thuỷ

-         TS. Nguyễn Thị Minh Thương

-         ThS. Nguyễn Văn Hiếu (đang làm nghiên cứu sinh tại Úc)

-          ThS. Đinh Minh Hằng (đang làm nghiên cứu sinh tại Anh)

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại là một trong những đơn vị chuyên môn trọng yếu của Khoa Ngữ văn, có lịch sử hình thành và phát triển cho đến nay đã gần 60 năm, có nhiều đóng góp to lớn trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần vào thành tựu chung của Khoa và của Trường ĐHSPHN.

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại chính thức hình thành từ năm 1958 (trước đó, từ 1951, phụ trách giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại là GS. Trương Tửu). Sau những biến cố ở trường đại học vào những năm 1956 – 1957, đội ngũ giảng viên Khoa Văn ĐHSP có nhiều biến động. Bên cạnh một số giảng viên là những sinh viên mới tốt nghiệp năm 1957, Khoa Văn được bổ sung nhiều cán bộ từ các đơn vị khác, như Ban tu thư của Bộ Giáo dục, Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, một số từ các trường THPT. Ban đầu, chuyên ngành Văn học Việt Nam được phân chia làm 3 bộ môn, trong đó bộ môn Văn học Việt Nam III phụ trách phần Văn học Việt Nam từ 1930 trở đi. Thời kì này bộ môn có các thầy: Hoàng Như Mai, Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Trần Văn Hối, Phan Cự Đệ, do thầy Nguyễn Trác làm Trưởng bộ môn. Những năm 1959 – 1960 khi các thầy Hoàng Như Mai, Phan Cự Đệ chuyển về Đại học Tổng Hợp (nay là ĐHKHXH&NV), thầy Trần Văn Hối vào ĐHSP Vinh, đội ngũ giảng viên của bộ môn được bổ sung các thầy Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Đoàn Trọng Huy, Lê Tố và năm 1961 là thầy Nguyễn Xuân Tự. Những năm 1958 – 1965 là thời kì hình thành và bước đầu xây dựng, củng cố lực lượng của bộ môn. Cùng với việc ổn định chương trình, các cán bộ chủ chốt của bộ môn đã tham gia biên soạn bộ giáo trình Lịch sử Văn học Việt Nam đầu tiên của trường ĐHSP, cũng là đầu tiên của các trường đại học ở ta, cụ thể là các tập V (1930 – 1945) do các thầy Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn; tập VI (1945 – 1962) do các thầy Huỳnh Lý, Trần Văn Hối biên soạn. Bộ giáo trình này đã làm tài liệu học tập chính thức của sinh viên cho đến cuối những năm 80, khi được thay thế bằng những giáo trình mới được biên soạn hoặc chỉnh lý, bổ sung.

Từ 1965 – 1975 là thời kì bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại tiếp tục phát triển và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Năm 1965, Mĩ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, các trường đại học ở Hà Nội và các thành phố khác phải sơ tán về các vùng rừng núi hoặc nông thôn. Khoa Văn sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên), rồi sau chuyển về Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên. Cùng với toàn khoa, các cán bộ của bộ môn đã tham gia tích cực vào mọi hoạt động để giữ vững và phát triển công tác đào tạo giáo viên và các hoạt động khác phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ 1965 – 1969, bộ môn đã được bổ sung một số cán bộ trẻ: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Nhung, Bùi Công Minh, Bùi Đình Thể. Năm 1967, thầy Huỳnh Lý sau 3 năm biệt phái công tác tại ĐHSP Vinh được trở lại tổ và năm 1968, thầy Nguyễn Đăng Mạnh được điều động từ ĐHSP Vinh ra, thầy Trần Hữu Tá từ Trung học Sư phạm Hà Tây chuyển về. Không chỉ đảm bảo công tác đào tạo với quy mô ngày càng mở rộng, trải ra ở nhiều địa điểm sơ tán trong những năm chiến tranh, các cán bộ của bộ môn còn đóng góp nhiều công sức vào các hoạt động chung của toàn khoa và trường như xây dựng lớp học, hầm hào, dân quân tự vệ, phục vụ chiến đấu, tuyên truyền cổ động… Bộ môn đã tham gia và tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho cán bộ và sinh viên đến những vùng tuyến lửa và nhiều địa phương, đơn vị tiên tiến tiêu biểu trong phong trào chiến đấu và sản xuất, như các chuyến đi Hàm Rồng – Thanh Hoá năm 1965, Quảng Bình  - Vĩnh Linh năm 1973, Tây Bắc năm 1974… Các hoạt động ngoại khóa, giao lưu tiếp xúc với các nhà văn, nhà nghiên cứu vẫn được tổ chức khá thường xuyên ngay tại các địa điểm sơ tán.  Phát huy thế mạnh và vị trí của mình, nhiều giảng viên của bộ môn đã tham gia tích cực vào hoạt động phê bình văn học trên báo chí và tại các cuộc hội nghị hội thảo về Văn học. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cùng với nhiều giảng viên và sinh viên của khoa, 2 giảng viên của bộ môn Văn học Việt Nam III đã lên đường nhập ngũ đó là các thầy Bùi Công Minh, Bùi Đình Thể, cô Nguyễn Thị Nhung (đi B). Trưởng bộ môn trong những năm này là PGS Nguyễn Trác (đến 1968)  và PGS Huỳnh Lý, từ 1969.

Năm 1970, theo sự sắp xếp lại tổ chức, chuyên ngành Văn học Việt Nam ở khoa được chia làm 2 bộ môn. Bộ môn Văn học Việt Nam II phụ trách phần Văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX trở đi. Do đó, các cán bộ giảng dạy phần Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của bộ môn Văn học Việt Nam II (cũ) là các thầy Nguyễn Đình Chú, Đào Nguyên Tụ, Tôn Gia Các, Nguyễn Tiệp, Đỗ Đức Tín, cô Trịnh Thị Thu Tiết nhập vào với bộ môn Văn học Việt Nam III (cũ) để thành bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Văn học Việt Nam II mới).

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của toàn ngành Giáo dục cũng như từng đơn vị, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi mỗi người, mỗi đơn vị phải vươn lên mạnh mẽ và nhanh chóng đáp ứng các nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Từ sau 1975 đến những năm đầu thế kỉ XXI là thời kì bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại phát triển mạnh mẽ về mọi mặt thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học vững mạnh, phát huy vai trò và ảnh hưởng rộng lớn trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học giáo dục không chỉ trong khoa, trường mà cả trong ngành giáo dục và ngoài xã hội. Cùng với việc đào tạo hệ đại học được mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại được nhận nhiệm vụ đào tạo hệ Sau đại học ngay từ khóa đầu (1977) và tiếp đó là đào tạo nghiên cứu sinh.

Đáp ứng sự phát triển của ngành giáo dục, nhiều cán bộ của bộ môn được cử đi xây dựng các trường đại học mới hoặc chi viện cho các trường đại học  và Sở Giáo dục các tỉnh vùng mới giải phóng ở miền Nam: Thầy Đào Nguyên Tụ lên ĐHSPHN II, thầy Nguyễn Xuân Tự về Huế, thầy Lê Tố vào Đại học Cần Thơ và thầy Trần Hữu Tá vào ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong nhiều năm có hàng chục lượt cán bộ mỗi năm được mời thỉnh giảng tại các trường đại học khác, đặc biệt là các trường đại học phía Nam, 2 cán bộ đi chuyên gia giáo dục tại Angôla, 3 cán bộ đi làm nghiên cứu sinh và thực tập sinh ở Liên Xô, 1 nghiên cứu sinh ở Cộng hoà dân chủ Đức.

Từ 1978 – 1980, Tổ đã được tăng cường một lực lượng khá đông đảo các cán bộ trẻ: các thầy Trần Đăng Xuyền, Trần Duy Thanh, Đào Thanh Hoá, Nguyễn Quốc Luân, cô Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thu Minh (nhưng các thầy Trần Duy Thanh, Nguyễn Quốc Luân, Đào Thanh Hoá và cô Nguyễn Thu Minh chỉ ở tổ 1 thời gian, rồi chuyển công tác). Trong những năm từ 1985 – 2000, tổ đã tiếp nhận thêm nhiều cán bộ mới: các thầy Chu Văn Sơn, cô Trần Hạnh Mai, cô Nguyễn Thị Thanh Minh, thầy Lê Quang Hưng; thầy Trần Đăng Xuyền sau khi bảo vệ Tiến sĩ ở Liên Xô cũng trở về bộ môn. Ngoài các cán bộ đã chuyển công tác, một số thầy cô được nghỉ hưu (PGS. Huỳnh Lý, PGS. Hoàng Dung, PGS. Nguyễn Trác, thầy Tôn Gia Các, cô Trịnh Thị Thu Tiết), thầy Nguyễn Tiệp từ trần vì bệnh hiểm nghèo. Trưởng bộ môn từ 1976 – 1984 là PGS. Hoàng Dung, từ 1984 – 1994 là GS. Nguyễn Đăng Mạnh và từ 1995 - 2007 là PGS. Nguyễn Văn Long.

Sau hai đợt phong chức danh khoa học của Nhà nước (1980, 1984), bộ môn đã có 5 phó giáo sư là các thầy Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Nguyễn Đình Chú, Hoàng Dung, Nguyễn Đăng Mạnh. Đây cũng là sự công nhận của Nhà nước về năng lực, trình độ và sự cống hiến đáng kể của đội ngũ cán bộ cốt cán trong bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời cũng tạo điều kiện mở ra bước phát triển mới của đơn vị, vươn lên đảm nhận những nhiệm vụ mới, đào tạo Sau đại học và nghiên cứu sinh.

Năm 1992, PGS. Nguyễn Đình Chú và PGS. Nguyễn Đăng Mạnh được nhận chức danh giáo sư, các thầy Nguyễn Hoành Khung và Nguyễn Văn Long nhận chức danh phó giáo sư, tiếp đó 2 PGS được phong năm 1996 là Đoàn Trọng Huy và Trần Đăng Xuyền. Năm 2003 PGS. Trần Đăng Xuyền được phong giáo sư, TS Nguyễn Thị Bình và TS Lê Quang Hưng được phong phó giáo sư.

Từ đầu thế kỉ XXI đến nay là thời kì chuyển giao thế hệ của tổ Văn học Việt Nam hiện đại. Vào những năm đầu thế kỉ XXI, 4 cán bộ lão thành của tổ là GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, PGS. Đoàn Trọng Huy, PGS. Nguyễn Hoành Khung được nghỉ hưu, và trước đó là thầy Tôn Gia Các. Tuy nhiên, nhờ có chiến lược đúng đắn về công tác cán bộ, đội ngũ giảng viên của bộ môn không bị rơi vào sự hẫng hụt về lực lượng. Các giảng viên thuộc đội ngũ kế cận của bộ môn đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nòng cốt trong mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2001 đến nay, bộ môn đã được bổ sung một lực lượng đáng kể: TS. Trần Văn Toàn, TS. Nguyễn Văn Phượng, TS. Lê Hải Anh, TS. Đặng Thu Thủy, ThS. Nguyễn Văn Hiếu và tiếp đó là TS. Nguyễn Thị Minh Thương, ThS. Đinh Minh Hằng. Hiện nay, trừ 2 cán bộ đang đi học NCS tại nước ngoài là Nguyễn Văn Hiếu và Đinh Minh Hằng, các giảng viên trong bộ môn đều có học vị TS, trong đó có 1 GS là thầy Trần Đăng Xuyền. Trưởng bộ môn từ năm 2008 đến 2013 là PGS.TS Nguyễn Thị Bình; từ tháng 8/ 2015 đến nay là TS. Trần Văn Toàn.

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại luôn khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh của bộ môn thuộc loại nhiều nhất trong các bộ môn của Khoa và Trường. Nhiều thành viên của bộ môn chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Trường; số lượng sách chuyên khảo cũng ngày một nhiều. Bộ môn đã biên soạn các giáo trình mới về Văn học Việt Nam hiện đại dành cho hệ chính quy, tại chức, từ xa, Cao đẳng. Nhiều thành viên của bộ môn là chủ biên, tác giả của các sách giáo khoa Ngữ văn THCS, THPT của chương trình đổi mới.

II. ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Đào tạo

- Đào tạo cử nhân: liên tục trong hơn 50 năm qua, bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại đảm nhận nhiệm vụ  đào tạo các hệ đại học chính quy (cử nhân sư phạm và cử nhân khoa học), chuyên tu, vừa làm vừa học, từ xa với tổng số hàng chục nghìn sinh viên (có thời kỳ số lượng sinh viên rất lớn: chỉ tính riêng hệ chính quy đã lên tới 500 đến 600 sinh viên/ năm).

- Đào tạo Sau đại học: Bộ môn văn học Việt Nam hiện đại được giao nhiệm vụ đào tạo Sau đại học ngay từ khoá đầu tiên (1977) và liên tục 13 khoá đến 1990 đã đào tạo trên 150 học viên chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại. Đào tạo Thạc sĩ từ khoá đầu (1991) đến 2015 là 24 khoá, trung bình từ 20 - 40 học viên mỗi khoá (có khoá trên 50 học viên). Số Thạc sĩ đã đào tạo khoảng 700 người.

Đào tạo nghiên cứu sinh: số lượng nghiên cứu sinh của bộ môn văn học Việt Nam hiện đại thuộc vào loại nhiều nhất trong các bộ môn của toàn trường. Hàng năm bộ môn tuyển từ 4 – 6 nghiên cứu sinh. Tính đến nay, bộ môn đã đào tạo hơn 50 TS chuyên ngành. Ngoài các học viên trong nước, bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại còn đào tạo nhiều Thạc sĩ và Tiến sĩ người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc). Một số giảng viên của bộ môn còn tham gia đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho Viện Văn học và nhiều trường Đại học khác. Các luận văn Thạc sĩ và Luận án Tiến sĩ do các thành viên trong bộ môn hướng dẫn đều đảm bảo chất lượng tốt, có nhiều luận án xuất sắc.

2. Nghiên cứu khoa học

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại là một đơn vị mạnh với nhiều cán bộ đầu ngành và những cán bộ trẻ có năng lực vững vàng. Các giảng viên của bộ môn đã cho in trên 300 đầu sách gồm các loại phê bình - tiểu luận, chuyên luận nghiên cứu, tư liệu, hợp tuyển và tuyển tập, sách giáo khoa, giáo trình tham khảo… Số lượng bài báo đã công bố: trên 500 bài.

Bộ môn đã biên soạn và xuất bản các tập giáo trình thuộc chương trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX đến hết thế kỉ XX, được sử dụng làm tài liệu dùng chung cho các trường đại học sư phạm của cả nước.

 Nhiều giảng viên của bộ môn đã tham gia biên soạn chương trình, chủ biên và viết sách giáo khoa trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phân ban, viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ môn đã chủ trì tổ chức và đồng chủ trì nhiều hội nghị khoa học lớn, quy mô toàn ngành, toàn quốc như: Đảng ta, chế độ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền Văn học Việt Nam hiện đại (1979); Giảng dạy thơ văn Hồ Chí Minh (1980); Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy văn học (1990); 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (1995); Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (2005). Các thành viên của bộ môn đã chủ trì hơn 20 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm và hàng chục đề tài KHCN cấp trường, tham gia nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước.

III. THÀNH TÍCH, KHEN THƯỞNG

- 6 năm là tổ Lao động XHCN, từ 1995 – 2005 liên tục là tổ Lao động xuất sắc. Từ 2006 đến nay nhiều năm là tổ Lao động xuất sắc. Năm 1995, bộ môn nhận bằng khen của Chính phủ, năm 2001 được nhận Huân chương Lao động hạng III.

- Nhiều thành viên của bộ môn được nhận Huân chương Lao động hạng II (GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Đăng Mạnh), hạng III (PGS. Nguyễn Hoành Khung, PGS. Nguyễn Văn Long, GS.TS. Trần Đăng Xuyền) và nhiều người được tặng bằng khen của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Bộ môn đã có 5 nhà giáo nhân dân (PGS. Huỳnh Lý, GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, PGS. Nguyễn Văn Long, PGS. Nguyễn Hoành Khung), 3 nhà giáo ưu tú (PGS. Nguyễn Trác, GS.TS. Trần Đăng Xuyền, PGS.TS. Nguyễn Thị Bình). Năm 2000, GS Nguyễn Đăng Mạnh được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học.

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại là một đơn vị chuyên môn mạnh, có truyền thống và nhiều thành tựu cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN và của ngành khoa học Ngữ văn Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển của tổ, nhiều thành viên của bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại đã được tín nhiệm cử giữ những trọng trách ở Khoa và trường (Phó Hiệu trưởng, chủ nhiệm Khoa, phó chủ nhiệm Khoa, Bí thư Đảng uỷ Khoa, Chủ tịch Công đoàn Khoa…)

Post by: Vu Nguyen HNUE
18-10-2020