THẦY HOÀNG DUNG


25-01-2022

Tôi được học thầy từ năm thứ ba, khi đó thầy đã có biệt danh “cụ Bá”, chắc là do cái giọng sang sảng rất quyền uy của thầy. Nghe đồn phòng họp nhà hiệu bộ nhiều lần rung chuyển khi ông bí thư Đảng uỷ Khoa Văn Hoàng Dung cất tiếng. Và các vị lãnh đạo trường rất coi trọng những

phát biểu của thầy.

Lớp chúng tôi nhiều sinh viên là lính đi chiến trường về, các anh gọi thầy là nguyên soái Kutuzov. Tôi thấy đó là liên tưởng rất thú vị. Mấy khoá sau chúng tôi, giỏi hài hước hơn, bạo phổi hơn... đã làm vè đùa giỡn các thầy cô của khoa và hình như lại được chính “các cụ” ấy khoái trá đồng tình: “Vừa giảng vừa lườm/ Là thầy Trường Phát/ Vừa giảng vừa quát/ Là thầy Hoàng Dung....”.

Vốn dân quê rặt, khi mới tiếp xúc với thầy, tôi hãi lắm. Oái oăm thế nào lớp lại bầu tôi làm lớp phó học tập kiêm thêm cán sự môn Văn học Việt Nam hiện đại.

Chúng tôi học phần văn học 1900-1945 khi đất nước vừa thống nhất.

Một số thầy cô của khoa được cử đi thỉnh giảng ở các trường đại học phía Nam. Nhân dịp đó, các thầy đã tranh thủ tìm kiếm được những tác phẩm của các tác giả Tự lực văn đoàn, Thơ mới...từ lâu không được xuất bản ở miền Bắc. Buổi lên lớp đầu tiên thầy bảo: “Ai là cán sự bộ môn, đúng sáu giờ tối nay đến nhà tôi lấy cuốn Hồn bướm mơ tiên về tổ chức cho lớp đọc và thảo luận” (Các thầy cô hồi ấy hầu hết sống trong khu tập thể trường, cũng như sinh viên hầu hết ở kí túc xá).

Đúng sáu giờ tối, tôi đứng trước cửa phòng thầy. Năm bảy lần đưa tay lên rồi lại bỏ xuống, run quá, không dám gõ cửa. Mấy phút sau bất ngờ cánh cửa mở tung, chị Trâm con gái thầy, bưng mâm bát vừa rửa ra hành lang. Nhìn thấy tôi, chị hỏi: “Em đến gặp ba chị à? Sao không vào đi, ba chị đang rảnh đấy”. Vẻ thân thiện của chị giúp tôi đủ can đảm bước vào. Thầy đang ngồi bên cái bàn nước thấp, trên bàn ngoài ấm chén, có đĩa nhỏ đựng lạc rang. Tôi vừa xong câu chào, thầy quát luôn: “Tôi hẹn cô 6 giờ, sao giờ cô mới tới?”. Có lẽ thấy tôi xanh mặt, thầy cười, vừa đẩy đĩa lạc về phía tôi vừa dịu giọng: “Ăn lạc và uống nước con”. Đưa tôi cuốn Hồn bướm mơ tiên, thầy lại nghiêm giọng: “Cô phải lấy đầu ra mà đảm bảo với tôi không để mất sách đấy”. Hết hồn!

Khoa chúng tôi rất đông các anh sinh viên là những người anh hùng từ mặt trận trở về. Các anh mang theo vào giảng đường tính kỉ luật và tinh thần hiếu học. Giảng viên trẻ lên lớp phải ý tứ giữ gìn tư thế mô phạm lắm. Nhưng các thầy uy tín đã vững như bàn thạch thì thường có tác phong hết sức thoải mái. Lớp học toàn nhà tranh vách đất lụp sụp, bục giảng lởm khởm, bàn ghế tuềnh toàng. Nhiều phòng học thiếu cả cái ghế tựa chỗ bàn giáo viên, hoặc hôm thì có, hôm bỗng biến mất. Chúng tôi thương thầy cô phải đứng giảng suốt mấy tiếng đồng hồ mà chẳng biết làm thế nào. Một buổi “cụ Bá” Hoàng Dung tay cắp cặp, tay xách cái phích mi-ni, đĩnh đạc bước vào. Treo phích lên cái đinh trên vách (cái đinh này cụ đem từ nhà đến cùng một cây búa nhỏ, tự đóng lên tường), quay lại bàn giáo viên thì không thấy ghế, cụ lắc lắc mái đầu húi cua điểm bạc, ghé mông ngồi luôn lên góc bàn, thản nhiên nhìn xuống hơn 80 đứa sinh viên: “Các anh chị biết không? Ở cái trường này, từ cô đánh máy, anh bảo vệ, đến nhân viên các phòng ban đều có ghế ngồi. Chỉ hai nơi không có ghế ngồi là nhà trẻ và bục giáo viên. Nhưng con nít nó còn có thể ngồi bô...”. Lớp tôi lặng đi mấy giây rồi ào ào vỗ tay. Cụ Dung cứ ngồi thế giảng đến hết buổi. Sáng hôm sau thấy bục giảng lớp tôi có cái ghế tựa khá mới, ở đâu ra thì tôi chịu!

Vào đầu năm học thứ tư, anh Nguyễn Viết Hưng giáo vụ khoa thông báo thầy Hoàng Dung sẽ làm chủ nhiệm lớp cả khối chúng tôi (gồm 8 lớp). Buổi tối, thầy đến kí túc xá A7 thăm sinh viên. Chúng tôi reo hò chào đón. Thầy tỉnh bơ: “Các anh chị phải thấy buồn vì tôi không làm bộ trưởng chứ sao lại vui khi tôi làm chủ nhiệm các anh chị?”. Với tuổi trẻ thời ấy, cái ngang tàng, ít nhiều phá cách khuôn thước mô phạm như vậy được chúng tôi hâm mộ lắm!

Khi tôi được nhận về làm giảng viên môn Văn học Việt Nam hiện đại do thầy làm tổ trưởng (giờ gọi là Trưởng bộ môn), tôi vẫn giữ nguyên nỗi sợ mỗi khi đối diện thầy. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi tham dự mấy buổi họp của bộ môn. Ông tổ trưởng vía cả tiếng sang thế mà cuộc họp nào mọi người cũng no cười. Hoá ra đây là đơn vị dân chủ nhất trong Khoa. Chứng kiến những đối thoại giữa thầy Hoàng Dung với các thầy Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Tôn Gia Các, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Văn Long, cô Trịnh Thu Tiết... tôi dần hiểu ra mình thật may mắn được cùng bộ môn với những con người cá tính mạnh, ghét sự trịnh trọng màu mè, ghét sự gò bó nhưng rất có uy tín trong chuyên môn và cực kì vui tính, nhân hậu. Chả thế mà ở đâu đó người ta ngại, sợ họp hành chứ chúng tôi chỉ mong họp tổ. Cô Thu Tiết có mấy đứa cháu học cấp 2, cấp 3 gì đấy sống cùng, được nghe hóng vài cuộc họp tổ ở nhà cô, khoái quá, lâu lâu lại hỏi: “Bao giờ tổ bác lại họp?”. Rủi mà đứa nào bị trùng buổi đến trường, không được náu trong buồng để hóng hớt là cứ tiếc hùi hụi!

Một vài cuộc họp đầu, có ai đó khuyến khích “các bạn trẻ phát biểu đi”. Tôi và mấy anh chị “lính mới” lúng túng. Thầy Dung lườm tất cả một cái rồi phán: “Ở tổ này trừ thầy Nguyễn Trác, còn lại toàn lưỡi sắc hơn dao cạo. Các bạn trẻ không cần phát biểu. Cứ ngồi nghe đã đủ khôn rồi!”. Quả đúng vậy. Thầy nào cũng tài ứng đối, cũng hóm hỉnh nên ngay cả chuyện chuyên môn học thuật, dù có khi tranh cãi kịch liệt thì không khí chung vẫn cứ vui vẻ, thoải mái. Tranh cãi xong, thầy Dung phán: “Tổ này không chỉ lo nghiên cứu và dạy một ông Nguyễn Tuân đâu mà còn phải quản lý đến mấy ông Nguyễn Tuân nữa cơ!”. Tất cả ôm bụng cười. Thầy Mạnh đùa cũng “ngoa” lắm. Trời nóng, đang họp thì mất điện, thầy Mạnh bảo: “Kiếm lấy vài cái quạt con cóc, gắn vào lưỡi ông Nguyễn Hoành Khung, ông Tôn Gia Các là quạt quay vù vù ngay ấy mà!”.

Tôi học khôn rất chậm nhưng mãi mãi biết ơn các bậc tiền bối đã truyền cho tôi lòng yêu nghề, thích khám phá cái mới, thích sự bình đẳng, trọng những nhân cách tự do, trung thực...;

 

Với thầy Hoàng Dung, càng ngày tôi càng nhận ra vẻ quyền uy, nghiêm khắc chỉ là một phía. Phía khác, thầy giống như một người cha, người bác cực kỳ chu đáo ân tình. Tôi cứ nghĩ giá trong đời mình, có lúc nào được làm sếp, dù be bé hay lơn lớn, mình nhất định sẽ học theo cách ứng xử của thầy: không chỉ lo phân công, giám sát, đốc thúc công việc mà trước hết tìm hiểu để cảm thông với cảnh ngộ, tâm tính, sức khoẻ của thuộc cấp. Và chân thành, sòng phẳng với họ. Tôi cực ghét những thủ trưởng quan liêu, chỉ chăm chú vào thành tích hay khuyết điểm của thuộc cấp mà (chẳng hạn) chả thèm biết nó đã có vợ, có con chưa.

Vừa chân ướt chân ráo nhận quyết định về bộ môn, tôi khổ sở đến gặp thầy tay cầm lá đơn xin chuyển công tác. Như số đông bạn gái thời ấy, lãng mạn và nông nổi, tôi bị người yêu thuyết phục vào Sài Gòn, nơi anh ấy đang công tác và đã cố gắng mãi vẫn không thể xin về Bắc được. Tôi viết trong đơn lý do xin chuyển là “theo chồng chưa cưới” (thú thật lúc viết thế ngượng kinh lên ấy). Thầy lừ lừ nhận đơn, liếc đọc qua rồi hỏi: “Cô có anh em thân thích gì trong Nam không?”. Tôi lí nhí: “Dạ không ạ”. Thầy bĩu môi: “Con ơi, nghe cho kĩ nhé: nếu mày không thích ở lại thì ngay cả mày có tài năng đến mấy thầy cũng không giữ. Không ai giữ người không yêu mình. Nhưng mày thân gái, một mình vào nơi xa lạ, chỉ có chỗ bấu víu duy nhất là chồng chưa cưới thì hơi liều lĩnh đấy. Dào, cưới rồi còn chả ăn ai nữa là sắp cưới! Mà chắc gì mày xin được việc ở Sài Gòn? Nhỡ lại trôi dạt tít tận Cà Mau, Kiên Giang thì cũng vẫn mỗi đứa mỗi nơi. Theo thầy, mày ở lại giả nghĩa Khoa vài ba năm, trong thời gian đó liên hệ Sài Gòn có chỗ nhận chắc chắn rồi chuyển vào...” Tôi ngu xuẩn ra sức nằn nì. Thầy không cáu giận, chỉ nhìn tôi ái ngại, vừa cất lá đơn vào cặp vừa xua tay ý bảo tôi về đi...

Đường đời mấy ai đoán trước được, nhưng tôi biết chắc rằng nếu không có thầy, không phải là thầy, tôi sẽ chịu nhiều lận đận bởi quyết định phiêu lưu khi ấy.

Lấy chồng, sinh con vào đầu thập kỉ 80, lứa chúng tôi ai cũng nhếch nhác, xác xơ. Thỉnh thoảng thầy hỏi nhỏ: “Chồng con thế nào? Sống với mẹ chồng có khó khăn không? Thấy chồng hiền đừng bắt nạt nhé! Nếu có khi nào nó đá thúng đụng nia thì đừng chỉ nhìn nguyên nhân trước mắt. Đàn ông nó không nói thẳng ra cái lý do đích thực khiến nó tức giận đâu...”. Tôi gặp rủi ro chuyện thai sản, thầy đến nhà động viên, an ủi. Thầy đưa cô Thu Tiết 80 đồng (lương tôi lúc đó 64 đồng), nói “Cô đưa cho cái Bình, bảo nó lo ăn uống, thuốc thang cẩn thận mới mong lại sức. Nó bị thế này là mất sức lắm. Cô là phụ nữ, cô đưa nó sẽ không ngại. Bảo nó bao giờ có thì trả, tôi chưa cần đến”...

Thầy luôn chu đáo với mọi người như vậy, ấm áp như vậy. Vợ chồng thầy Khung - cô Hương, thầy Các, thầy Tá... cũng kể nhiều kỉ niệm cảm động về sự quan tâm rất tế nhị và thiết thực của thầy: Thầy vác máy quay phim đến quay đám tang thân phụ thầy Nguyễn Hoành Khung rồi sao ra băng, đem tặng gia đình. Thầy đánh điện tín từ tận châu Phi về chúc mừng con cô Thu Tiết đỗ đại học...

Thầy về hưu đã khá lâu, nghe dư luận ồn ào mấy tác phẩm Thời xa vắng, Đám cưới không có giấy giá thú, Nỗi buồn chiến tranh..., thầy gọi điện đòi tôi mang cho thầy mượn đọc. Đọc rồi thầy trò tranh luận tưng bừng, khéo còn hơn cả trên diễn đàn các hội nghị, hội thảo khoa học ấy chứ. Tôi khờ khạo, dễ dàng bị thầy khiêu khích rồi cứ thế xổ ra tất những ý nghĩ trong đầu, đâu biết rằng thầy muốn thăm dò xem lớp hậu sinh tiếp nhận văn chương có gì khác lớp các thầy...

Tôi và Hạnh Mai lâu lâu hẹn nhau tới thăm thầy. Chúng tôi thường ngồi thật lâu để thầy có cơ hội “khích cho mà nói” đủ chuyện thế sự đa đoan, chuyện văn chương phù phiếm, để ngắm nụ cười luôn hàm vẻ giễu cợt của thầy, để tròn mắt ngạc nhiên nhận ra suốt cuộc chuyện trò, tay thầy hí hoáy dùng con dao nhỏ cắt cái vỏ hộp kẹo/ bánh gập thành 2 hộp nhỏ, xếp bánh kẹo vào đó rồi đưa 2 đứa bảo “Này, cầm về cho trẻ con nó vui”.

Dạo cô nhà thầy bị đột quỵ, thầy sốc nặng. Chúng tôi đến thăm thầy, lặng lẽ chứng kiến giọt lệ ông già nghẹn ngào thương xót người bạn đời vừa thoát hiểm, nghe thầy kể về quá trình chữa chạy cho cô, về lòng hiếu thuận của các con và rất rất nhiều kinh nghiệm chăm người thân nằm viện. Thầy kết luận: lúc trẻ người ta mơ ước đủ thứ. Về già chỉ còn duy nhất một mơ ước thôi, là được chết sao cho nhẹ nhàng. Phải nhiều năm sau tôi mới hiểu những điều thầy chia sẻ, đại loại như: bố mẹ và con cái không nên ở xa nhau nhưng cũng đừng ở cùng nhà, mất tự do là nghĩa tình sứt mẻ. Đừng can thiệp vào chuyện riêng của con cái. Thầy bảo bà Trác là bà có làm sao, tôi muốn ăn quả trứng cũng đã khó...

Cuộc sống bận bịu đôi khi phát chóng mặt. Chúng tôi ít có thời gian đến ngồi với thầy. Thầy về với tiên tổ lâu rồi, mỗi lúc nhớ đến thầy, tôi thấy lòng tràn đầy cảm giác biết ơn và thân thiết. Hầu như những niềm vui, nỗi cay đắng mà tôi nếm trải trong nghề đều khiến tôi nhớ đến thầy.

Tôi, Lê Lưu Oanh, Hạnh Mai hôm nay vẫn hay nói với nhau sự day dứt những lần lỡ hẹn thăm thầy. Thầy ơi, thầy sống hào hùng và độ lượng, chắc thầy

không chấp chúng con đâu thầy nhỉ!

Bình Nguyên

Post by: admin
25-01-2022