Trong tháng 3/2019, HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn phát động cuộc thi Viết về Mẹ với tên gọi "Lời con chưa nói". Những tác phẩm của các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn gửi đến BTC cuộc thi đã đong đầy biết bao tình cảm của những người con dành đến cho "Người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình". Sau đây, kính mời quý thầy cô cùng các bạn độc giả cùng đến với Tản văn "Trang nhật ký của mẹ" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lan và bạn Lê Đỗ Tuấn Hùng - Sinh viên lớp CLC K66
Dưới đây là một đoạn trích nhỏ, đã ngủ yên trong trang nhật ký của mẹ tôi.
"21h36, 41 ngày mẹ mất.
... Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Mẹ sinh chúng con trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đất nước ở vào thời kì gian khổ. Bố con là một người lính nên quãng tuổi thanh xuân của mẹ gắn với tảo tần công việc của một người công nhân, và một tay mẹ chăm sóc đàn con thơ dại. Lúc con nhận thức được mọi việc, con vẫn nhớ câu chuyện đầu tiên con hỏi mẹ là tại sao mẹ đặt tên con là Ngọc Lan. Mẹ cười âu yếm và nói rằng bên cạnh phòng hộ sinh nơi mẹ sinh con ở bệnh viên quân y 108 có một cây hoa Ngọc Lan cổ thụ, hương hoa bay lan tỏa khắp phòng. Vì vậy, mẹ mới đặt tên con là Ngọc Lan. Những ngày sống trong thời kì bao cấp, mẹ nhận gia công hàng may mặc, suốt những đêm đông giá buốt hay những trưa hè oi bức, mẹ vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu cũ kỹ cọc cạch may từng đường kim. Con luôn nằm sau lưng mẹ, tay phải vòng qua bụng mẹ. Chỉ có như thế, con mới chịu yên giấc. Cuộc sống ngày ấy khó khăn lắm, mà thật ấm áp, tràn ngập niềm hạnh phúc.
Rồi đến một ngày hè nắng chói chang năm con 14 tuổi, biến cố đột ngột xảy ra với nhà mình. Bố đã vĩnh viễn rời xa mấy mẹ con, để lại gánh nặng gia đình chất lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Con nhớ mãi hình ảnh mẹ gục xuống sau khi lo xong công việc cho bố. Sức khỏe mẹ suy giảm nghiêm trọng đến nỗi mấy chị em con lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ rằng mẹ cũng sẽ bỏ chúng con mà đi. Nhưng có lẽ, trên trời cao bố linh thiêng đã phù hộ gia đình, khiến mẹ thoát khỏi cơn nguy kịch và tiếp thêm sức mạnh để mẹ chèo lái con thuyền gia đình cập bến bờ hạnh phúc trong suốt hơn 30 năm trời. Mẹ vừa là mẹ, vừa là bố, chăm lo cho chị em con ăn học nên người, có công ăn việc làm và quan trọng hơn, mẹ dạy chúng con biết cách trở thành người có đạo đức. Mẹ dắt tay từng người trong bốn chị em con đến với những tổ ấm của riêng mình. Tám đứa cháu của mẹ, lúc chào đời, đều được đôi bàn tay ấm áp của bà ngoại chở che và bế bồng.
Đối với con, mẹ luôn là người đặc biệt nhất trong cuộc đời. Bố mất, con ở với mẹ thêm 9 năm đến khi lên xe hoa theo chồng về nhà mới. Mẹ lại bước vào cuộc sống vò võ một mình. Việc trở dạ của con gặp nhiều khó khăn, mẹ vẫn ở bên con suốt từ sáng sớm đến tận đêm khuya, chờ cho đến khi biết chắc chắn cái Lan nhà mình mẹ tròn con vuông, mẹ mới an lòng. Sau này, ông trời lại xếp đặt thế nào, để cho con được ở bên mẹ trong đêm cuối cùng, trước ngày mẹ ra đi. Pha cho mẹ cốc sữa, nắn tay, bóp chân cho mẹ. Nào con có hay đó lại là đêm cuối cùng con được ngủ bên mẹ. Mẹ ơi... Ai ngờ được đâu, sáng hôm sau trước khi con đi làm, mẹ còn nói mấy hôm nữa bệnh viện lại cho mẹ về thôi. Về để còn gói nốt mấy cái bánh chưng, còn ăn Tết với con cháu, còn hương khói cho bố vào đêm giao thừa. Ánh mắt mẹ lúc ấy tinh anh, giàu sức sống lắm. Ấy thế mà, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, chị cả tức tốc gọi điện cho con. Con về đến viện thì mẹ đã không còn tỉnh lại nữa. Mẹ ơi, sao mẹ không chờ để gặp mấy chị em con lần cuối? Sau hơn 30 năm, mẹ đã về bên bố, trong một ngày đông ấm áp, để lại bốn chị em con bơ vơ trên thế gian này.
Con viết những dòng này khi đang ngồi cạnh di ảnh mẹ, bồi hồi nhớ lại những khoảng thời gian khi mẹ còn sống. Mấy năm nay, mẹ yếu đi nhiều, nay ốm mai đau. Chúng con sang ngủ bên cạnh mẹ, mẹ lại bảo mấy cô cứ về nhà lo cho chồng con đi, mẹ không sao đâu mà. Mẹ là vậy. Suốt một đời tần tảo chỉ lo lắng cho con cái, luôn giành những phần thiệt thòi cho bản thân. Con nhớ mẹ biết chừng nào. Nhớ như in những ngày cuối, buổi chiều chủ nhật cuối cùng con về thăm mẹ sau giờ làm, và hình ảnh mẹ ngồi đó một mình trong căn nhà thân thuộc - nơi bốn chị em lớn lên và trưởng thành dưới bàn tay yêu thương của mẹ."
***
Khi gõ những dòng này giúp mẹ tôi, tôi cũng không thể kìm nén được sự xúc động. Bà ngoại tôi ra đi ngay trước khi xuân Kỷ Hợi gõ cửa từng ngôi nhà. Tôi nhớ mãi giọng nói đẫm nước mắt của mẹ trong điện thoại: "Hùng ơi. Đến bệnh viện ngay đi con. Bà... bà có thể không qua được ngày hôm nay nữa đâu... Đến nhanh lên, con nhé". Tôi tức tốc bỏ hết tất cả những gì đang dang dở, chạy thật vội vào bệnh viện, với hi vọng mong manh là các bác sĩ sẽ cứu chữa thành công cho bà. Để bà được đón thêm một cái Tết nữa cùng con cháu. Nhưng, ông trời không cho bà thêm thời gian. Bà trút hơi thở cuối cùng trong sự đau xót vô hạn của cả gia đình.
Mẹ tôi là con út. Lúc ông ngoại mất, mẹ mới chỉ học cấp 2. Gia cảnh ngày ấy vất vả vô cùng, bởi ông ngoại vốn là trụ cột lao động chính của gia đình. Một tay bà ngoại, với sự tháo vát và chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, đã chèo lái con thuyền gia đình đang chông chênh bởi giông bão cuộc đời đi đến bến bờ của sự viên mãn. Mẹ tôi sau này là người vất vả nhất trong số những người con của bà. Tôi cũng cảm nhận được tình yêu thương của bà dành cho mẹ tôi, kể cả khi mẹ đã yên bề gia thất. Có lẽ từ rất lâu trước ngày tôi ra đời, bà đã biết cuộc đời mẹ tôi sẽ gặp nhiều vất vả hơn các bác.
Tối Ba mươi Tết, mẹ tôi đã bật khóc trong lúc đài truyền hình phát sóng chương trình Táo quân. Có lẽ vai diễn của NSND Lan Hương đã làm dậy trong tâm trí mẹ tôi những cảm xúc mãnh liệt. Phải rồi, đây là cái Tết đầu tiên vắng bóng bà ngoại...