Truyện ngắn xoay quanh một sự kiện (biến cố) lớn nhất, đó là người con gái phát hiện ra người cha mình ngoại tình, vụng trộm với “một người nó (người kể chuyện – đứa con gái lớn) không hề có một tý khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp”.
1. Truyện ngắn xoay quanh một sự kiện (biến cố) lớn nhất, đó là người con gái phát hiện ra người cha mình ngoại tình, vụng trộm với “một người nó (người kể chuyện – đứa con gái lớn) không hề có một tý khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp”. Theo đó, hình tượng: “Tờ giấy thông hành ấy nhỏ bằng hai bao diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã,…” có mãnh lực phá vỡ những “lằn ranh” trong được thiết lập ngầm trong truyện, thúc đẩy sự hình thành của cốt truyện. Biến cố ấy có tác động kép tới cả hai đối tượng của diễn ngôn tự sự, “dịch chuyển vị trí các nhân vật qua ranh giới của trường nghĩa” (Iu.Lotman):
Một mặt, nó phá vỡ đi tính gia giáo, mực thước của một gia đình có người cha làm nhà giáo; đồng thời, người cha ấy phải đối diện với nỗi sợ về một cuộc “hạ bệ” của đứa con gái mà bấy lâu ông vẫn quen gò nén trong những khuôn khổ. Nói thế cũng có nghĩa là vỏ bọc đạo đức ngụy trang mà người cha (đối tượng của diễn ngôn tự sự) cố công đắp điếm, chuẩn mực hóa trong suốt phần đời của mình để đẹp đẽ gương-mặt-xã-hội của ông và của gia đình ông có nguy cơ bong tróc, tan rã.
Mặt khác, đối tượng thứ hai của diễn ngôn tự sự (nhân vật “nó”), từ thái độ khép nép, lễ phép ra mặt, phản ứng ngấm ngầm, có cơ hội được xê dịch tới một không gian khác, một cuộc sống khác, đối lập hoàn toàn với không gian “hình hộp”, đóng khung, với cuộc sống “kịch câm” mà người con gái ấy cứ phải “diễn vai” theo sự sắp xếp, dàn dựng, gò ép của người-cha-đạo-diễn: “nó trở nên một người có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do, tự do tiếp bạn bè và chiều tối, thoải mái mà đi chơi và nhất là, nó đã có cái cớ để đổ tội cho những sai lầm nếu có, sau này.” Hơn thế nữa, nếu như người cha phải đối diện với nỗi lắng lo những giá trị nhân cách bị tiêu tan, vị thế trong gia đình suy sút, thì người con gái rơi vào tình trạng thoái trào niềm tin vào sự con người, vào hệ giá trị mà cô đang thiết lập, vào tương lai cô đang ngưỡng vọng.
Như vậy, chính sự kiện này đã đẩy hai nhân vật của câu chuyện vào những bi kịch của sự đổ vỡ: một đổ vỡ vị thế bởi đánh mất đạo đức, một đổ vỡ niềm tin bởi lỉ tưởng đạo đức đã không còn: “ngày này qua ngày khác, không ai biết có hai người khổ sở trong nhà.”
2. Từ hạt nhân sự kiện ấy, cốt truyện được phát triển bằng một chuỗi những chi tiết, tình tiết nối nhau tiếp diễn: Từ việc người con gái đi photo tờ giấy thông hành kia làm hai bản, một bản giữ lại làm bằng, một bản “thỏa mãn” đưa cho bố với “một cái cười ngang hàng, không phải của con dành cho bố” như một sự dằn mặt; đến những việc xảy ra trong những ngày tiếp sau.
Nhưng đặc biệt là trong mảng chi tiết nói về những viêc xảy ra trong những ngày sau đó, người kể chuyện, có thể vô tình hoặc cô ý, có sự thoát li khỏi tuyến cốt truyện nhân quả, hãm hại tính nghiễm nhiên trong sự phát triển câu-chuyện-được-kể ở những “điểm dừng” để khơi sâu diễn biến tâm lí của hai nhân vật trong truyện. Mỗi nhân vật, đến đây, trở thành trung tâm của một “tiểu tự sự”. Cũng chính tại đây, từ hành vi phân lập cốt truyện theo hai mạch đến việc tạo nên nhiều “điểm dừng” hơn trong “tiểu tự sự” mà người con gái làm trung tâm của Vàng Anh là có dụng ý. Tương quan so sánh ấy được thể hiện trong bảng biểu sau:
Sự phát triển cốt truyện trong những ngày tiếp sau
|
Người con gái
|
Người bố
|
- Không sử dụng ngay cái quyền của giấy “thông hành”;
- Ngầm mỉa mai người cha giả tạo trong mỗi sáng bố cắp sách đi rao giảng đạo đức;
- Trông cảnh mẹ gắp thức ăn cho bố rồi thơ ngây nghĩ mẹ thiên vị cho bố;
- Suy ngẫm trong những lần đi chơi hoặc tiếp bạn:
+ ngẫm về sự tự do mình có được một hành động “thừa nước đục thả câu” → hối hận vì nhặt được tờ giấy đó.
+ nghĩ đến cuộc sống gia đình đen tối mà cô sẽ phải có trong tương lai.
+ nghi ngờ người bạn của cô.
|
Diễn biến tâm lí trong những sáng đạp xe đến trường.
|
Có thể nhận thấy rằng, nếu như nhân vật người bố được quan tâm đến phân tích diễn biến tâm lí thì người con gái được tập trung khắc họa bằng những sự việc và những biến thái tế vi trong đời sống nội cảm. Điều đó chứng tỏ, mối quan tâm khắc họa của Vàng Anh trong truyện ngắn này chính là nhân vật người con – một người đáng ra phải sướng vui, thỏa mãn với cơ may trời phú lại hóa ra đau khổ, đứng trước nguy cơ rạn vỡ niềm tin vào con người, cuộc đời. Sự kiện nhặt được tờ giấy thông hành, xét cho đến cùng, tạo nên một “chấn thương” tâm lí nặng nề cho người con.
Sự sắp xếp những sự việc liên quan đến nhân vật người con có thể khẳng định rằng được dựa trên quan hệ nhân quả, tính nghiễm nhiên khi các chi tiết xuất hiện xuôi theo chiều thời gian: từ khi cô gái mừng như hoa nở lợi dụng trò dối trá của bố để được tháo vòng kiềm tỏa cho bản thân đến lúc bàng hoàng nhận ra nỗi đau khổ với trò chơi tai quái hiện tại của mình, và dần hiểu được sự u ám của tương lai. Nhưng sự sắp đặt ấy cũng tự thân nó mang nghĩa khi trải nghiệm vào từng tình huống là một lần người con tái nhận thức về đấng bậc sinh thành, và nhất là về chính bản thân mình nữa. Những sự việc ấy ứng chiếu diễn trình nhận thức của nhân vật mà xuất hiện trong mạch kể vừa như nghiễm nhiên, vừa như “cố tình”.
Đặc biệt, Vàng Anh khéo léo tạo “điểm dừng”, đặt nhân vật trong một sự việc “đắt” (những lần đi chơi hoặc tiếp bạn) để phân tích tâm lí, từ đó làm nổi bật bi kịch của nhân vật. Chính trong sự việc ấy, nhân vật nhận thức lại về mình, để rồi chợt nhận ra mình cũng là một đứa đạo đức giả chẳng kém người bố mà cô từng phải sợ sệt khi “thừa nước đục thả câu”, lại thêm cái tội biến nỗi đau và nước mắt của cha thành trò đùa bỡn cợt của mình. Và hơn hết, không chỉ nghi ngờ về nhân cách, lương tâm bản thân, con người ấy còn ném ánh nhìn nghi ngờ về phía những người bạn trai chơi cùng lâu năm: “nó nhìn những thằng bạn đi bên cạnh như nhìn những tên lừa đảo còn ẩn mình trong cái lá ủ!”
Bi kịch mà nhân vật người con vô tình vướng phải dường như đau đớn hơn bi kịch người cha của cô đáng phải nhận lấy. Bởi lẽ, chẳng có bi kịch nào đau đớn hơn khi hiểu rằng hành động nhặt về và đưa cho bố tờ giấy “thông hành” làm cô tồi tệ, xấu xa đến nhường nhạo. Chẳng có bi kịch nào đau đớn hơn khi sự tự do cô may mắn mới có được lại dẫn cô tới bước đường thoái trào niềm tin đối với tương lai phía trước, với chính những người hàng ngày đối diện với cô. Nhân vật người con đang dần đánh mất mình, đánh mất cả một tương lai sống lạc quan, tràn trề hi vọng, tin yêu vào cuộc đời. Một trật tự mới, một luật lệ mới chết yểu khi chủ nhân của nó nhận thức sâu sắc bi kịch đã và đang đến với bản thân.
Như thế, bi kịch của nhân vật người con gái được tập trung khơi sâu có căn nguyên là bản chất đạo đức giả của người cha. Nhưng, tại sao đến khi truyện ngắn kết thúc, Vàng Anh lại tô đậm nỗi đau đớn của người cha khi mường tượng ra cảnh không thể cứu đứa con vì mặc cảm tội lỗi, vì không đủ tư cách mang đến cho “giọt máu” của mình sự sống? Và đỉnh điểm của niềm đau, niềm hãi sợ mất con đó là hình ảnh đám tang hiện ra trong mường tượng của ông: “[…] một bà vợ, mấy đứa bé mịt mù khóc lóc cùng nhang khói. Chỉ một đứa con gái làm lũi và cương quyết như đang canh gác một phạm nhân.” Nghĩ về đám tang của bản thân mình đã là một tâm trạng bi kịch nhưng nghĩ rằng tới khi chết vẫn chưa được đứa con gái tha thứ thì tâm trạng ấy nặng nề, chất chồng thêm bi kịch. Dường như người đàn ông giả tạo ấy càng đau đớn thì càng cho thấy rằng chính sự giả tạo, thói quen sống trí trá với người thân yêu trong gia đình là một chiếc đòn bẩy khiến con gái càng dễ chạm đến cái “ngưỡng” bi kịch cuộc đời.
Đến đây, Vàng Anh mới có cơ hội làm nổi bật tư tưởng – chủ đề của truyện ngắn: Qua việc khắc sâu bi kịch tinh thần của người con gái mà căn nguyên của nó là thói đạo đức giả người cha giữ suốt bao nhiêu năm trời. Bi kịch gia đình nhà giáo trong truyện là hình chiếu của bi kịch gia đình và xã hội thời kì Đổi mới. Mặt trái của cái gọi là Đổi mới chính là gương-mặt-xã-hội mới của con người (với bản chất là chiếc mặt nạ giấu che, đậy lấp nhiều toan tính, âm mưu, bí mật). Cuộc sống càng hiện đại, con người càng giữ cho riêng mình những bí mật đơn phức khó lòng thấu tỏ. Nguy hiểm nhất là thực trạng ấy xảy đến âm thầm mà thấm thía dưới những nếp nhà tưởng chừng như ấm êm, hạnh phúc. Điều đó làm những thành viên trong gia đình có những khoảng cách vô hình mà kiên cố, dễ tạo nên tình trạng mất phương hướng, mất niềm tin, đánh mất bản thân ở thế hệ trẻ kế cận.
Nhìn một cách tổng thể, chiến lược xây dựng cốt truyện của Phan Thị Vàng Anh trong truyện ngắn Kịch câm có thể hình dung qua lược đồ sau:
Tuyến cốt truyện nhân quả
|
“Nó” nhặt được tờ giầy
↓
Đem đi photo và đưa cho bố
↓
Tuyến cốt truyện trật tự kể
|
Bi kịch tinh thần trong những ngày tiếp theo
Của người con Của người bố
(Trước) (Sau)
Việc Vàng Anh nói riêng và những nhà văn hiện đại nói chung gia công tuyến cốt truyện nhân quả để tạo nên một trật tự kể mang ý nghĩa biểu đạt nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Trật tự kể của phần sau Kịch câm có tính đồng hiện về thời gian nhưng đẩm bảo phân lập về không gian ứng với mỗi nhân vật của truyện. Phá vỡ sự tuyến tính về thời gian trong cốt truyện truyền thống, những nhà văn hiện đại có cơ hội kiến tạo những “điểm dừng” để khám phá những điệu chuyển mình phức tạp trong thế giới nội tâm nhân vật, cũng như ngầm phát tín hiệu mã hóa tư tưởng chủ đề qua cách bài bố chi tiết, sự việc theo dụng ý nghệ thuật.
3. Người kể chuyện (người trần thuật) là một phương diện đặc sắc của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Kịch câm. Vàng Anh đã “diễn vai” trong diễn ngôn tự sự của mình. Nhưng đáng quan tâm hơn cả là “vai diễn” ấy đang trần thuật ở ngôi thứ mấy? Căn cước định vị ngôi trần thuật bị xóa mờ khi người kể chuyện dùng đại từ “nó” để chỉ nhân vật người con gái của ông bố đạo đức giả. “Nó” trong ngữ nghĩa học truyền thống thường trò một người khác được nói tới không xuất hiện trong hội thoại. Nhưng trong ngữ nghĩa học hiện đại, với sự chi phối của hoàn cảnh giao tiếp mới, “nó” đôi khi được dùng để chỉ chính chủ thế của diễn ngôn tự sự, chính người trần thuật. Lúc này, diễn ngôn tự sự tồn tại với hình thức tự truyện. Điều này hoàn toàn đúng khi ta áp vào thực tiễn truyện ngắn Kịch câm.
Đọc phần đầu của truyện với tuyến cốt truyện nhân quả và phần nói về bi kịch tinh thần trong những ngày tiếp theo của nhân vật “nó”, độc giả đều có thể hình dung ra truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể xưng “nó”; bởi lẽ, ở những phần này, nhân vật có thiên hướng được đào sâu về suy ngẫm với hình thức độc thoại nội tâm rõ rệt. Chính sự định hướng nhìn nhận ngôi trần thuật như vậy khiến mọi suy ngẫm của “nó” trở nên hết sức chân thực. “Nó” là sự hóa thân của Vàng Anh đang tự kể chuyện mình, trải lên trang giấy câu chuyện đời mình, thực hiện hành vi giao tiếp với độc giả, thay vì chỉ đơn thuần là một “vai diễn” vận động theo sự điều hành của “người đạo diễn” Vàng Anh. Với ngôi kể này, Vàng Anh cí khả năng bình giá về thực trạng sống giả tạo, trí trá, “đeo mặt nạ”, “diễn kịch câm” của người bố nói riêng và con người thời Đổi mới nói chung một cách khách quan từ cảm quan của “nó” – một người trái nghiệm câu chuyện đau thương ấy. Nhờ vậy, hiệu quả thuyết phục và tiềm năng kích thích cộng cảm, đồng cảm ở người đọc được gia tăng.
Bên cạnh đó, nếu đọc những phần còn lại của truyện, đúng nhất là phần nói về tâm trạng bi kịch của người bố trong những buổi sáng đạp xe đi rao giảng đạo đức ta lại thấy người kể chuyện lúc này như thoát li khỏi “nó” rời đến mảng không gian mà người bố đang tồn tại để bám đuổi từng nét tâm lí của nhân vật. Sự biến mất của “nó” cùng hướng phát triển cốt truyện theo cách thiết lập một “tiểu tự sự” về người bố kia càng giúp ta có thêm cơ sở để khẳng định tính linh động của người trần thuật trong truyện ngắn này. Một mặt, người kể chuyện nhập vai vào “nó”, xây dựng cốt truyện theo hình thức tự truyện; mặt khác, thoát li “nó” đứng ngoài kết hợp miêu tả khách quan với đi sâu phân tích tâm lí nhân vật người bố. Một truyện được trần thuật bằng hai ngôi kết hợp quả là một thành tựu đáng ghi nhận của truyện ngắn hiện đại, một bước tiến mạnh trong nghệ thuật trần thuật so với diễn ngôn tự sự truyền thống.
Thêm nữa, tính linh động, khó định vị của ngôi trần thuật khiến điểm nhìn trần thuật của Kịch câm là sự giao kết, tương hỗ giữa điểm nhìn bên trong với điểm nhìn bên ngoài, giữa điểm nhìn người kể chuyện với điểm nhìn người được kể. Khi điểm nhìn trần thuật đặt ở “nó”, một trong hai người được kể (nếu xét trường hợp truyện trần thuật ở ngôi thứ ba), Vàng Anh đã dồn trọng điểm bình giá vào “nó” – một người con gái trẻ, đại diện cho thế hệ mới bình giá thế hệ đi trước, xét đoán thực trạng xã hội. Từ đó, bằng một cái nhìn trẻ, tư tưởng cởi mở, nhân vật thay lời nhà văn phủ nhận sự cố hữu, cổ hủ của thế hệ đi trước, nhìn nhận khách quan những bi kịch gia đình, bi kịch xã hội nảy sinh trong thời kì Đổi mới. Và hẳn, nếu đặt điểm nhìn từ người cha thì bộ mặt giả dối của ông và vấn đề xã hội được bàn đến sẽ hoặc bị che đậy, thủ tiêu, hoặc đi chệch hướng, hoặc trở nên gượng ép, thiếu sức thuyết phục. Sự thay đổi, chuyển hóa linh hoạt của điểm nhìn trần thuật giúp nhà văn được xuất hiện với tần số tối đa nhưng bình luận lại tối thiếu tạo không khí đối thoại dân chủ với người đọc.