Nghiên cứu

Nguyễn Hữu Bá – nhân vật chính phản diện trong tiểu thuyết Cát trọc đầu của nhà văn Nguyễn Quang Vinh


13-10-2020
Tác giả: Cao Thị Quỳnh - Lớp CLC K60

Có nhiều vấn đề xung quanh tiểu thuyết được đưa ra tranh luận. Một trong số đó là nhân vật chính – nhân vật trung tâm – Nguyễn Hữu Bá – kẻ hèn của thời đại lấy phụ nữ và chiến tranh làm bàn đạp để tiến thân.

MỞ ĐẦU

Tiểu thuyết Cát trọc đầu được xuất bản mới chỉ khoảng 4 tháng nhưng những tác động và ảnh hưởng của nó đã vô cùng rộng lớn tới bộ phận độc giả trên toàn quốc. Có nhiều vấn đề xung quanh tiểu thuyết được đưa ra tranh luận. Một trong số đó là nhân vật chính – nhân vật trung tâm – Nguyễn Hữu Bá – kẻ hèn của thời đại lấy phụ nữ và chiến tranh làm bàn đạp để tiến thân. Từ sự hấp dẫn của vấn đề, chúng tôi quyết định chọn đề tài Nguyễn Hữu Bá – nhân  vật chính phản diện trong tiểu thuyết Cát trọc đầu của nhà văn Nguyễn Quang Vinh làm đề tài nghiên cứu. Bài viết có sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như phân tích, bình luận, tổng hợp, liệt kê, so sánh, ...

NỘI DUNG

I.                   Vài nét về nhà văn Nguyễn Quang Vinh và tiểu tuyết Cát trọc đầu

1.1.           Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nguyễn Quang Vinh, nhà văn, nhà viết kịch và biên kịch điện ảnh, tổng đạo diễn các sự kiện nghệ thuật.

Đã có 27 tác phẩm điện ảnh, truyền hình, sân khấu được thực hiện từ kịch bản của anh và dành được giải Vàng ở các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế, liên hoan và hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu và phim truyền hình toàn quốc; dành được nhiều giải thưởng về tác giả của các tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh.

Nhà văn cho in gần 10 cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện và ký, ngoài ra còn hàng ngàn phóng sự  báo chí chất lượng cao cùng với hàng  trăm kịch bản các thể loại.

Ngoài ra, anh còn là tác giả của các tác phẩm điện ảnh và sân khấu nổi tiếng: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông, Vú cát, Đặng Thùy Trâm, Hồn trinh nữ, Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ, Âm binh…

Hiện nay Nguyễn Quang Vinh là một trong những tổng đạo diễn sự kiện, chương trình nghệ thuật lớn gây được tiếng vang: Bài ca không quên (sự kiện nghệ thuật lớn truyền hình trực tiếp trên VTV1) và chương trình sân  khấu lớn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản hùng ca Điện Biên (truyền hình trực tiếp trên VTV1).

1.2.           Tiểu thuyết Cát trọc đầu

Cát trọc đầu thực tế đã được nhà văn Nguyễn Quang Vinh đăng trên blog của mình từ năm 2009. Mãi tới tháng 12 – 2012, ông mới quyết định in thành sách, phát hành bởi NXB Trẻ. Cát trọc đầu được Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây của hai dịch giả Đoàn Tử Huyến và Thúy Toàn chọn làm tác phẩm ra mắt mở màn cho năm mới 2013. Buổi ra mắt diễn sách đã diễn ra vào chiều Chủ nhật 6/1/2013 tại Hà Nội.

Theo Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đã qua. Trần trụi, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ chết chóc đau thương. Mà là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả.

Cát, Nguyễn Quang Vinh đã chọn hình tượng này cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. Cát trọc đầu kể về các thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình năm nào. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ về nhan đề của cuốn tiểu thuyết: “Mới đầu, trong bản thảo thứ nhất, tôi đặt tên là Vú Cát, với ý định triển khai một không gian tiểu thuyết rộng lớn, tập trung vào giai đoạn chiến tranh chống mỹ trên đất Quảng Bình khới lửa. Sau đó,tôi thu hẹp lại, thay đổi tên sách thành Cát trọc đầu, tập trung mô tả trong không gian tiểu thuyết giữa hậu phương và mặt trân đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh để có điều kiện khắc họa kỹ hơn các số phận nhân vật”.

Nguyễn Hữu Bá lúc mới ra đời vốn là con của hai vợ chồng người ăn mày làng Vú Cát. Sau được ông Chủ tịch huyện nhận làm con nuôi. Là kẻ trăng hoa, y đã lợi dụng chức cán bộ văn hóa thông tin huyện và vẻ đẹp trai của mình để cướp mất đời con gái của Nụ - cô dân quân làng Vú Cát. Muốn được thăng tiến trong con đường công danh, Bá đã quyết định gây dấu ấn lớn bằng việc tham gia thanh niên xung phong. Do nằm trong diện được ưu tiên nên Bá không được chấp nhận. Hắn đã nghĩ ra kế đi quyến rũ Kim Anh – bác sĩ, để xin được ống tiên chứa vài CC máu. Với lá đơn bằng máu xin ra mặt trận, Bá nhanh chóng được chấp nhận và nổi tiếng. Hắn luôn tìm đủ mọi lí do để có thể tìm cho mình những vị trí an toàn nhất ở ngoài mặt trận: xin ngồi xe sau cùng, xin vào trong cabin để tránh bom, nịnh hót cấp trên để được thăng tiến, để không phải ra mặt trận,... Nụ cũng ra mặt trận vào thời gian ấy. Tại đây, Bá còn quen với Hà – cháu gái ruột của Chính ủy mặt trận, hắn chớp nhanh lấy thời cơ gần gũi để lợi dụng Hà. Bằng việc chiêu đãi Chính ủy món thịt chó nhựa mận được đánh đổi bởi mạng của hai chiến sĩ, hắn được thăng chức. Bên cạnh Bá là những người thanh niên xung phong đào đường phá bom anh hùng, dũng cảm và tốt bụng. Họ không chấp nhận việc Bá được làm Chính trị viên đại đội, nhưng không dám nói ra. Một thời gian sau đó, Kim Anh ra mặt trận để gặp lại Bá. Bá lưỡng lự giữa hai cô gái vì họ đều có thể mang lại cho y danh vọng, trước hết là trong chiến tranh và sau là ở thời bình. Hắn chọn cách lợi dụng cả hai. Sau này khi Chính ủy phát hiện ra âm mưu thăng tiến của hắn, Bá đã khôn khéo chọn cách từ chức trước. Không thể trốn tránh được nữa, Bá phải ra mặt trận, trực tiếp đối diện với chết chóc của bom đạn chiến tranh, bản chất hèn yếu của hắn chỉ có một mình Nụ thấu hiểu. Do mặt trận quá ác liệt, Bá đã bị tâm thần, được đưa vào bệnh xá điều trị. Một thời gian sau Nụ được cử ra Bắc tham dự đại hội chiến sĩ thi đua. Bá cũng hồi phục, được trở ra Bắc để chuẩn bị đi du học nước ngoài. Nụ gặp lại Bá, cô không thể hiểu được tại sao Bá lại được trở ra Bắc. Câu chuyện khép lại trong dấu hỏi lớn này.

Tác giả Nguyễn Quang Vinh đã dựng lại hoặc đúng hơn là “phanh phui” những sự thật tàn nhẫn của cuộc chiến tranh mà lâu nay người ta cố tình quên đi hoặc cố gắng nguôi đi.

II.               Nguyễn Hữu Bá – nhân vật chính phản diện – nét độc đáo của tiểu tuyết Cát trọc đầu

2.1.           Hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật trong tiểu thuyết

Nguyễn Hữu Bá không được tác giả giới thiệu trực tiếp mà được xuất hiện gián tiếp. Trước hết là gián tiếp thông qua nhân vật Nụ. Đọc chương đầu, ta nhầm tưởng Bá chỉ là một nhân vật phụ trong tác phẩm, bởi lời kể chỉ lướt qua mà không giới thiệu rõ ràng. Bá hiện lên trong suy nghĩ của Nụ: Xã đội trưởng đang ngồi với một thanh niên trẻ, đẹp trai lồng lộng, là trưởng ban thông tin văn hoá huyện”, “Người khách nói, em buông tóc ra cho anh xem”, “Anh thanh niên há mồm nhìn mái tóc dài như suốt chảy từ trên đầu Nụ”, “Người khách nói, cô có mái tóc quá đẹp. Rồi người khách quay sang xã đội trưởng nhẹ nhàng”, “Hai ngày sau anh ấy tìm Nụ tại trận địa trực chiến. Chị em hiểu ý nháy mắt nhau đi cả”. Các từ ngữ “một thanh niên trẻ”, “người khách nói”, “anh thanh niên”, “anh ấy” đã làm cho nhân vật hiện lên gián tiếp, mơ hồ, chỉ tham gia một cách đầy ngẫu nhiên vào câu chuyện của nụ vậy. Tuy nhiên, các từ ấy cũng thay đổi dần theo mức độ thân mật hơn, mở đầu là “một anh thanh niên”, sau đó đã trở thành “anh ấy”. Đó là sự thay đổi có chủ đích, biến anh ta từ nhân vật lạ mặt thành nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Xuất hiện gián tiếp thông qua nhân vật bà Phạm và hai vợ chồng người ăn mày. Bà Phạm chính là người đã cho Bá bú mớm từ khi mới mấy tháng tuổi, là người vừa mất đứa con nhỏ của mình khi nó vừa mới ra đời.

 Tác giả không nói rằng Bá là con của hai vợi chồng người ăn mày, mà lại nói rằng hai vợ chồng người ăn mày có một đứa con, người vợ không có sữa, bà Phạm đã tự nguyện ngày ngày đến cho Bá bú mớm, được đặt tên là Nguyễn Hữu Bá, sau trở thành con nuôi ông Chủ tịch huyện. Lối giới thiệu gián tiếp gợi sự tò mò, hấp dẫn nơi người đọc. Nhân vật khiến người đọc tự đặt ra câu hỏi: Có vấn đề gì ở con người ấy không? Với bề ngoài đẹp trai lồng lộng, lại con nhà gia thế, lại với cách tham gia gián tiếp vào câu chuyện như vậy? Liệu có gây ra bước đột phá gì trong cốt truyện của tiểu thuyết này? ... Ở đời, cái gì không trực tiếp, đều mang tới một ảnh hưởng không ngờ. Và nhân vật Bá đúng là một thứ như thế. Bản chất con người hắn làm khuynh đảo nhiều giá trị khác trong tác phẩm, được từ từ bóc tách qua lớp ngôn từ của văn bản.

2.2.           Bản chất con người Bá

“Tiểu thuyết viết về chiến trang chống Mỹ mà chỉ mô tả khía cạnh cao cả không thôi thì không đúng với những gì đã xảy ra”, theo Nguyễn Quang Vinh. Viết Cát trọc đầu, nhà văn chọn nhân vật chính phản diện. Phạm Xuân Nguyên gọi đó là “sự thoái hóa nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình”. Còn tác giả có một cách diễn đạt gọn hơn, “kẻ hèn”.

Người ta bảo Bá là con người hèn hạ, đê tiện, cơ hội, đểu giả, ... hay gắn với tất cả những từ ngữ mang nghĩa xấu khác. Để biết hắn xấu xa, thủ đoạn như thế nào thì cần có những nhân chứng, những hoàn cảnh cụ thể. Để đi tìm hiểu bản chất con người Bá, chúng tôi đi sâu nghiên cứu cách Bá đối xử với phụ nữ và đối xử với chiến tranh. Nhân chứng chính là các nhân vật khác trong tác phẩm, đặc biệt là những người phụ nữ.

2.2.1.     Kẻ hèn trong cách đối xử với phụ nữ

Với Bá, phụ nữ cũng có nhiều loại. Có loại chỉ để thỏa mãn dục vọng cá nhân, có loại có thể lợi dụng được, lại có loại tự nguyện để cho hắn lợi dụng, ... Thế nên, với mỗi loại, anh ta có cách đối xử khác nhau, tùy vào mục đích. 

Trong tác phẩm, ta thấy Bá có hai cấp độ đối xử với phụ nữ. Cấp độ thứ nhất là dùng phụ nữ để thỏa mãn dục vọngĐiều này xảy ra với nhân vật Nụ. Nụ vốn là cô dân quân làng Vú Cát, tham gia trực chiến máy bay. Chỉ lần đầu tiếp xúc với nụ tại văn phòng của xã đội trưởng mà Bá đã lân la tìm đến tán tỉnh, yêu đương với Nụ. Hắn không ngại ngần tâng bốc Nụ lên trời. Nhất là việc Nụ cùng cả đội bắn rơi máy bay, hắn đã bịa đặt một cách trơ tráo thành chuyện một mình Nụ bắn rơi máy bay. Hắn khoác lên mình Nụ cái hào quang giả dối. Hắn lầm tưởng hắn đã làm được một việc khiến Nụ sung sướng. Hắn muốn lấy lòng Nụ để việc chiếm đoạt Nụ được dễ dàng. Hắn chiếm đoạt Nụ ở lò vôi. Nụ ban đầu chống cự về say buống xuôi. Nụ không chống lại được sức hấp dẫn của một gã đẹp trai, lãng tử và điệu nghệ, biết cách làm người khác sung sướng. Nụ đau đớn về chuyện ấy, về cả chuyện hắn lật lọng, bắt Nụ nhận là mình đã nói dối việc một mình bắn rơi máy bay. Nụ bị hắn làm nhục đến hai lần chỉ trong vài ngày. Đối với Bá, Nụ chỉ là kiểu “gái nhà quê”, không đáng lo, không mang lại danh vọng cho hắn được, chỉ là vui chơi qua đường, chán thì vùi dập cho tan nát, cho sướng tay. Hắn cũng giấu đi chiếc quần lót của Nụ, như một chiến tích huy hoàng. Đó là thú vui man rợ của hắn. Với ai, hắn cũng làm thế, chỉ để đếm xem mình tiêu diệt được bao nhiêu con mồi.

Như vậy, hắn là tên trai dâm đãng, lẳng lơ, trăng gió và bạc tình. Muốn trăng gió thì phải bạc tình. Không bạc tình làm sao mà trăng gió? Cướp đời con gái là sở thích là thú vui thú tính của hắn. Chỉ để thỏa mãn dục vọng.

Chuyện này cũng xảy ra với nhân vật Hà. Gặp Hà ở chiến trường, hắn cũng yêu đương, cũng chớp lấy cơ hội mà tán tỉnh, mà thỏa mãn. Bởi Hà yêu hắn. Điều ấy dễ hiểu. Hà sẵn sàng cho hắn tất cả, chỉ cần hắn hứa cưới Hà khi ra Bắc. Điều ấy lại càng đơn giản với hăn. Hứa nhiều nên quen. Ai hắn cũng nói chỉ có mình em thôi. Cứ hứa đã, chiếm đoạt đã, rồi tính tiếp. Chuyện yêu đương với Hà sẽ chẳng thể vượt qua mục đích thỏa mãn dục vọng nếu như Bá không phát hiện Hà là con gái Cục trưởng. Mà khi đã phát hiện ra cái kho tiền tài, danh vọng chói lọi kia, thì hắn đâu dễ dàng bỏ qua. Hắn chuyển Hà sang danh sách những người có thể lợi dụng được.

Nếu chỉ đơn giản là dùng phụ nữ để thỏa mãn cái thú tính trong người thì đã chẳng phải là thằng Bá lừng lẫy thủ đoạn. Mà cấp độ cao hơn trong cách đối xử với họ là hắn dùng phụ nữ để lợi dụng nhằm mục đích tiến thân. Có thể nói mục đích này hắn dùng vào việc với Hà và Kim Anh, vì Nụ thì không có vị thế gì để hắn có thể trông mong lợi dụng được.

Trước hết là hắn quen biết với Kim Anh. Sau đó hắn cần một bức thư thống thiết viết bằng máu để xin ra mặt trận. Kim Anh là một bác sĩ. Còn cơ hội nào tốt đẹp hơn thế. Hắn lại dùng cái tài ăn nói, làm thơ để tán tỉnh, dụ dỗ Kim Anh. Biết nàng đã xiêu lòng, Bá mới lộ ra cái mục đích của mình: Một vài CC máu. Khi đã yêu thì sao có thể từ chối người yêu việc nhỏ như thế, Kim Anh đồng ý ngay. Và hắn có một bức thư bằng máu có một không hai, hắn phải ghi điểm với cấp trên, với mặt trận. Hơn hết, bác ruột của Kim Anh lại đang làm Chính ủy mặt trận, còn cơ hộ nào tốt hơn thế. Một việc làm nhỏ cũng có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn, tội gì mà không tận dụng, tuy là nó có hèn mạt hơn thế đi nữa. Thế là việc lợi dụng phụ nữ để thăng tiến đã bắt đầu được Bá sử dụng công khai.

Với Kim Anh, rồi với Hà. Hà là con gái của Cục trưởng, mà vừa rồi lại được lên Thứ trưởng. Nếu cưới Hà thì tương lai trước mắt không còn gì sáng lạn hơn. Tiền tài, danh vọng mở ra chào đón hắn. Còn gì sung sướng hơn. Bá bắt đầu suy tính thiệt hơn. Kim Anh hay Hà? Một người sẽ giúp ta thăng tiến ở nơi mặt trận, một người sẽ nâng đỡ ta ở con đường tiến thân sau này. Ai cũng không thể bỏ được. Vậy là hắn quyết định giữ quan hệ với cả hai để dễ bề lựa chọn, lừa dối cả hai cô gái vô tội và cả tin.

Nụ sẽ mãi mãi là một cô gái quê mùa không có giá trị lợi dụng nếu như Nụ không có suất ra Bắc. Biết được điều ấy, hắn bằng mọi cách thuyết phục, dụ dỗ Nụ. Hắn lại giở ngón nghề cũ là gần gũi xác thịt với Nụ để dễ dàng cám dỗ. Hắn lừa dối Nụ rằng hắn đang mang căn bệnh hiểm nghèo: ung thư. Trơ trẽn quá. Tưởng thế mà Nụ tin hắn sao. Nụ giờ đây đã không còn tin hắn nữa. Cô biết, cô đã đẩy hắn ra khỏi người mình. Hắn động ấy chứng tỏ sự ngăn cách rạch ròi, phân đôi chiến tuyến với Bá. Tất cả mọi thứ hèn nhát, đểu cáng nhất của Bá, Nụ biết hết, chứng kiến hết, và cô không để mình bị mắc lừa thêm một lần nữa.

Kết thúc của câu chuyện, không hiểu sao Bá cũng được ra Bắc, lại còn chuẩn bị được đi du học nước ngoài. Câu hỏi ấy không sao Nụ trả lời được. Người đọc cũng không sao trả lời được. Chỉ có thể suy đoán mà thôi. Có thể hắn ta lại dựa vào Kim Anh, hoặc Hà, hay có thể là một cô gái mới có vị thế mạnh nào chăng? Hoặc cũng có thể hắn tự tạo ra thành tích nào đó cho riêng mình để lừa dối mọi người xung quanh. Có thể lắm. Bằng cách nào đó, rất hèn hạ, hắn đã được phục viên một cách đường hoàng.

Con người đê tiện, hèn hạ ấy đã không từ thủ đoạn để chiếm đoạt và lợi dụng người phụ nữ cả tin, mù quáng nhằm lót đường tiến thân cho mình. Bá có phải là người duy nhất như thế hay không? Hay là còn nhiều kẻ còn khốn nạn hơn thế. Có thể lắm.

2.2.2.     Kẻ hèn trong cách đối xử với chiến tranh

Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Sự hèn hạn của Bá không chỉ thể hiện qua việc hắn đối xử đê tiện với phụ nữ mà còn qua cách hắn sử dụng chiến tranh như một cái phông nền để tô vẽ cuộc đời mình.

Trước tiên, trong đầu hắn nảy sinh cái tư tưởng là dùng chiến tranh là bước đệm cho tương lai sau này. Tham gia vào chiến đấu, hắn không mang trong mình lí tưởng cống hiến cho đất nước, cho cách mạng chỉ là mang lại cái hào quang để được quyền lựa chọn một vị trí cao cho mình ở tương lại. Vào chiến tranh, hắn mong muốn lấy được những giấy khen, huy chương để tiến thân được dễ dàng. Hắn viết bức thư bằng máu không phải là sống chết đòi ra trận giết giặc, mà là cần phải tô vẽ danh tiếng cho mình từ ngay lúc ấy. Như vậy, Bá đến với chiến tranh với một trái tim trống rỗng hay chí ít là trái tim của một kẻ đầy danh vọng.

Sự giả tạo và đớn hèn của hắn bị lật tẩy dần dần trong từng ngày của chiến tranh.  bỉ ổi, thủ doạn, cơ hội đối với chiến tranh. Vào chiến trường, hắn luôn lựa chọn cho mình những vị trí mà hắn cho là an toàn nhất. Hắn xin ngồi ở xe sau cùng để tránh được rủi ro khi bị địch ném bom. Nhưng hắn có ngờ đâu xe sau lại là xe nguy hiểm nhất, lại là sẽ phải thu hút địch để cho các xe khác vượt lên. Hắn lại xin chuyển vào cabin để bom không rơi trúng mình. Nhưng hắn cũng không biết rằng cabin là nơi nguy hiểm nhất, khó thoát nhất. Sự mù mờ, dốt nát về nhận thức với chiến tranh của Bá xuất phát từ sự căm ghét, thù hận chiến tranh.

Bá cũng không bỏ qua những cơ hội mà chiến tranh đem lại cho mình. Hắn làm mọi cách để có được cái giấy khen của mặt trận. Có giấy khen thì mới được chuyển về làm việc ở nơi an toàn. Sự đê tiện, hèn hạ của hắn được nhà văn khắc họa rất sâu qua chi tiết hắn bằng mọi cách tìm lại chiếc giấy khen mình đã lấy làm giấy vệ sinh. Hắn gột rửa cái bẩn thỉu của nó, cũng chính là đang tự làm mình trở nên bẩn thỉu. Tiếng chửi vu vơ của nhân vật chiến sĩ trong tác phẩm làm cho ta phải nghĩ ngay đến tiếng chửi của nhà văn dành cho hắn: “Thối quá nhỉ...Thôi cậu cất giấy khen đi, tối họp đơn vị...Tiên sư đứa nào thối thế nhỉ”.

Hắn tận dụng cơ hội từng tí một, không từ cả việc lấy lòng cấp trên. Chỉ vì một món thịt chó nhựa mận mà hai chiến sĩ hi sinh trên đường đi tìm chó. Máu chiến sĩ thấm đẫm lên thân con chó, bi thảm khôn xiết. Hắn gia công chuẩn bị sao cho món ăn được hấp dẫn nhất, để thủ trưởng hài lòng nhất. Tất cả cũng chỉ vì muốn xin xỏ. Hắn xin được về làm việc gần các thủ trưởng để học hỏi. Và nguyện vọng của hắn được chấp thuận. Từ chiến sĩ được thăng lên làm chính trị việc đại đội. Sung sướng biết chừng nào. Đê tiện biết chừng nào.

Đến ngay việc giết con hổ cũng chỉ là sự may mắn ngẫu nhiên trong một phút run sợ, hắn cũng biến thành chiến thắng huy hoàng. Bá là người hùng trong mắt mọi người, trong mắt các cô gái. Để từ đó hắn được nể sợ.

Nhưng tất cả mọi sự giả dối, che đậy cũng không giấu được mãi. Sự hèn hạ trong chiến tranh được phơi bày trần trụi. Nhất là lúc hắn phải ra mặt trận để san đường phá bom. Hắn run sợ, sợ sệt, nhát gan. Sợ bom. Sợ hổ. Sợ chết. Chỉ có Nụ mới hiểu hết bản chất con người hắn. Bom rơi xuống, hắn quá sợ hãi đến nỗi chui tọt xuống hầm, mặt cày vào đất không dám ngẩng lên. Phải làm hình mẫu cho phong viên chụp ảnh, phải ngôi trên bom để gỡ bom, hai đũng quần của hắn ướt sũng. Gặp hổ, hắn quá sợ hãi, hai đũng quần cũng ướt sũng, hắn vội vã xin tha. Sự hèn hạ của hắn thật đáng khinh bỉ trước bao nhiêu tấm gương anh hùng khác đang ngày ngày đổ máu xuống chiến trường.

2.2.3.     Phần người ít ỏi trong kẻ hèn

Phần người ở đây được hiểu là bản tính của con người, rất người, rất đời. Nhân vật ấy cũng được nhà văn khắc họa phần người ít ỏi qua chi tiết Bá vội vã thú tội trước con hổ.

Hình tượng nhân vật con hổ là so tác giả sáng tạo ra, để làm tôn thêm một nấc trong sự đớn hèn của Bá, nhưng nó cũng là một yêu tố gợi lên chất người như bao người khác ở kẻ hèn ấy. “Miệng Bá co giãn, lập bập, lúng búng những âm thanh, sau rồi, những âm thanh ấy bật ra thành tiếng, mà chính Bá cũng không biết là mình đang nói gì, chỉ nghe những tiếng nói của Bá, nghèn ngẹn, tức tưởi, run rét bật xô ra ào ào trước mũi con hổ.

- Con lạy ngài, con là Nguyễn Hữu Bá, con là thằng đàn ông khốn nạn, con là thanh niên xung phong, con dại gái, con mê gái, con sợ chết, con nhớ nhà, con không thích chiến tranh, con yêu rừng, con yêu biển, con yêu cát, con 25 tuổi, con còn trẻ....”

Sự sợ hãi của con người với vị chua tể hung dữ của rừng cũng là chuyện bình thường. Sự mê gái, sợ chết, nhớ nhà, ghét chiến tranh,... cũng là rất đời thường. Tới một kẻ bị chiến tranh làm tha hóa như thế cũng biết nói đến câu “con yêu rừng, con yêu biển, con yêu cát,...”.

Chưa bao giờ lời nói của nhân vật Bá lại làm xúc động tâm cam người đọc đến nhu vậy. Bởi Bá là người hèn hạ, đê tiện nên những lời nói ấy được nâng cao giá trị hơn ai hết. Phần người ít ỏi được lóe sáng, nếu không có con hổ thì nhân vật không bao giờ tự thú được. Bá biết tự thú, nghĩa là biết mình sai, rất sai, rất xấu xa, hèn hạ. Con người biết sám hối cũng có nghĩa là phần người chưa chết hẳn.

2.3.           Sự nghi ngờ giá trị tồn tại của cái tốt và cái xấu thông qua nhân vật

Tiểu thuyết đã phơi bày mặt trái của chiến tranh. Chiến tranh là nơi tồn tại của nhiều loại người. Kẻ anh hùng và người đê tiện. Người đê tiện dẫm lên xương màu của kẻ anh hùng để trở về trong ánh hào quang giả dối.

Chiến tranh tàn phá con người. Làm cho những người anh hùng, dũng cảm thực sự phải chịu tang tóc đau thương. Làm cho những kẻ hèn yếu càng trở nên hèn yếu, đê tiện. Có khác gì nhau, khi cả hai cùng bị hủy hoại. Hủy hoại thân thể hay làm tha hóa nhân tính, cái nào đau hơn cái nào, đến nay cần phải được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nụ trở về sau chiến tranh. Bá cũng trở về sau chiến tranh. Bá nói: Anh nhắc lại, từ mặt trận về, một thằng hèn như anh và người gan dạ như em, tất cả đều như những anh hùng. Có thế anh mới được đi học ở nước ngoài. Sau này về nước, biết đâu anh sẽ làm lãnh đạo. Em cứ gan dạ đi, anh hùng đi, tốt thôi, nhưng sau khi giải ngũ biết đâu em lại chỉ là bà nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Anh khác, anh biết cách tận dụng cơ hội. Với em, anh chẳng dấu diếm gì hết, nói ra cả, vì anh biết, chắc chắn, em chằng bao giờ đi nói xấu anh đâu...”

Ừ thì đó là những lời nói trơ trẽn, không hề xấu hổ. Nhưng nghĩ lại thì nó có sai không? Hay nó chính là cái sự thật đúng đến lạnh lùng, đến đau lòng? Đúng là cuộc sống có quá nhiều điều không thể giải thích được. Người hèn nhiều hơn người hùng. Người hèn xấu xa, đểu giả với người hùng. Nhưng người hèn đạt tới cái danh vọng cao sang cũng nhiều hơn người hùng. Biết đâu họ sẽ làm lãnh đạo. Còn người hùng thì an phận dân đen. Đời bạc bẽo. May mắn lại dành nhiều hơn cho những con người xấu xa. Nó thức tỉnh ta, làm ta phải thực sự suy ngẫm về cuộc đời. Phải sống như thế nào? Sống anh hùng hay sống hèn hạ thì tốt hơn? Đúng sai cứ đảo lộn, cho tới khi ta không cón biết đâu là đúng, đâu là sai nữa. Nhân vật Bá đã gợi cho ta quá nhiều câu hỏi? Hỏi rằng sự thật ở đâu?

KẾT LUẬN

Tiểu thuyết Cát trọc đầu đã xây dựng được một hình ảnh nhân vật phản diện rất xuất sắc. Nó hèn hạ, đểu giả từ trong mọi suy nghĩ, hành động, cử chỉ. Nhưng nó lại mang được tầm cao tư tưởng của nhà văn về cuộc đời. Cuộc đời cũng như một cuộc chiến. Có ta và địch. Có kẻ xấu người tốt. Họ sống lẫn lộn với nhau. Tác động đến nhau theo nhiều chiều hướng. Cuộc sống cũng bị đảo lộn bởi giá trị thật giả.

Nhà văn phải phơi bày trần trụi nhân vât ấy, để nhấn mạnh với đời rằng: Con người xấu xa trong chiến tranh thì dễ dàng bị phát hiện hơn trong đời sống hiện tại. Nó bị phơi bày trong mắt người khác dễ dàng. Còn trong hiện tại, có quá nhiều bí mật khủng khiếp xấu xa về bản chất con người mà ta chưa thể biết đến hoặc không bao giờ nhìn thấy được.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Quang Vinh, Cát trọc đầu, NXB Trẻ, H. 2013.

2.      Cát trọc đầu – Một cuốn sách hay (www.tinmoi.vn).

3.      Những cảm nhận về sách Cát trọc đầu (www.nguyenquangvinhnv.wordpress.com).

4.      Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Đời khốc liệt hơn nhiều trang sách” (www.thethaovanhoa.vn).

5.      Phạm Xuân Nguyên, Nhìn cát thấy người, 2012.

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020