Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960, lớn lên tại một xóm lao động cạnh ga Bình Định, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Đại học, vì yêu thơ Hàn Mặc Tử, ông đã quyết định về Quy Nhơn - nơi Hàn Mặc Tử đã sinh sống và điều trị bệnh phong để tham quan một chuyến.
"...Mải mê bút lửa vẽ tranh
Chép thơ Hàn để mong thành Người Thơ
Quy Nhơn trọn kiếp bây giờ
Thế gian quên cả hững hờ ngày qua."
Đây là những câu thơ mà nhà thơ Đặng Vương Hưng tặng Trương Dzũ Kha - người giữ lửa thơ Hàn. Cầm trên tay cuốn sách "Hành trình đến với Hàn Mạc Tử" của Dzũ Kha, tôi không khỏi trân trọng và kính phục con người này, một con người đã dành gần như cả cuộc đời mình để gắn bó với thơ Hàn, gắn bó bên mộ Hàn Mạc Tử.
Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960, lớn lên tại một xóm lao động cạnh ga Bình Định, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Đại học, vì yêu thơ Hàn Mặc Tử, ông đã quyết định về Quy Nhơn - nơi Hàn Mặc Tử đã sinh sống và điều trị bệnh phong để tham quan một chuyến. Và trong chuyến đi này, ông tâm sự "Sau chuyến đi đó, chuyện đời và chuyện thơ của Hàn Mặc Tử đã ám ảnh tôi, lại đang tự do phiêu lãng, chưa chốn ràng buộc nên tôi quyết định lên đồi Thi Nhân dựng lều và dùng bút lửa để khắc thơ, viết thơ Hàn. Tôi đọc nhiều, thuộc hết thơ Hàn, cũng như tiểu sử cuộc đời và các mối tình của ông. Tôi có thể nói chuyện hàng giờ không chán về Hàn Mặc Tử với du khách ghé thăm Ghềnh Ráng. Hàng năm, tôi tổ chức ngày sinh nhật và ngày giỗ cho Hàn. Tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử và kính trọng ông, nên việc người đời nghĩ tôi bị hâm, bị điên, tôi không cần phải giải thích." Và cứ thế, Dzũ Kha đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Ghềnh Ráng - nơi yên nghỉ của thi sĩ họ Hàn. Hàng ngày, dù nắng hay mưa, ông vẫn luôn ở đây, miệt mài dùng cây bút lửa điệu nghệ và tài hoa cần mẫn chép thơ Hàn lên trên những tấm gỗ thơm làm kỉ niệm,say sưa đọc những bài thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử, nhiệt tình giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ để phục vụ khách du lịch khi ghé thăm khu di tích mộ của nhà thơ. Nghệ sĩ Dzũ Kha đã được mệnh danh là "Từ điển sống về cuộc đời và thơ ca Hàn Mặc Tử", ông như một đệ tử, một tín đồ trung thành của thơ ca Hàn. Dzũ Kha thuộc lòng cả trăm bài thơ Hàn cũng như mọi tư liệu về thân thế, sự nghiệp và các mối tình của người thi sĩ yểu mệnh, ông chính là tri kỷ hậu thế khi đóng vai trò giữ mộ cho thi nhân và đều đặn hàng năm đến ngày 22/9 đều tổ chức lễ sinh nhật cho Hàn Mặc Tử.
Đam mê thơ Hàn Mặc Tử, Dzũ Kha đã nung nấu ý tưởng viết cuốn sách “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” từ năm 2005 với bản thảo đầu tiên chỉ vỏn vẹn khoảng 100 trang. Sau nhiều năm tháng dày công miệt mài chỉnh sửa cho thật tròn trịa, bổ sung nhiều tư liệu và thông tin độc đáo, đến năm 2017, bản in lần thứ 15 của cuốn “Hành trình đến với Hàn Mặc Tử” – Dzũ Kha sưu tầm và biên soạn đã được công ty sách Liên Việt phát hành để đến tay độc giả. Cuốn sách dày 223 trang, mang theo nhiều thông tin, tư liệu rất "độc" về con người, cuộc đời của Hàn Mạc Tử. Ở cuốn sách này, độc giả sẽ được tìm về những dòng hồi ký của ông Nguyễn Bá Tín - em trai của Hàn Mạc Tử kể về những kỉ niệm vào ngày sinh nhật, kể về những đam mê thuở nhỏ của người anh trai mình... Hay đó còn là những lời bình, những dòng tâm sự, những lời thơ của nhóm bạn Tứ linh viết tặng cho Hàn Mặc Tử:
"Ơi Lệ Thanh, ơi Lệ Thanh
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha mùi phú quý
Tài hoa bút trổ nét tinh anh
Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện
Hương tạ trời cao bát ngát tình
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng
Nhớ Hương đưa tạt gió qua mành" (Quách Tấn)
và "Nếu ai đó có lần nghe anh ngâm thơ thì mới thấy hết cái cảm giác kì lạ lần đầu tiên bắt gặp: Nôn nao, nôn nao,... và cộng với lời thơ gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào thế giới có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng. Trông anh như cành liễu mùa đông đang bị cơn gió lạnh tuôn về day trở. (Yến Lan)
"Hành trình đến với Hàn Mạc Tử" lưu giữ lại rất nhiều những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử - những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Nhưng Dzũ Kha không chỉ sưu tầm thơ Hàn Mạc Tử sáng tác, ông còn đưa vào cuốn sách những bài thơ của người yêu Hàn Mạc Tử: Hoàng Hoa Thôn nữ (Hoàng Thị Kim Cúc), Chan chứa (Mộng Cầm), Anh hứa đi anh (Mai Đình). Đọc những vần thơ ấy, chúng ta thêm hiểu về cuộc đời, về con đường tình duyên của Hàn Mạc Tử. Bên cạnh những bài thơ, Dzũ Kha còn ghi lại những bản nhạc phẩm được phổ từ thơ Hàn Mạc Tử. Lật giở những trang sách tiếp theo của "Hành trình đến với Hàn Mạc Tử" người đọc sẽ được ngắm lại rất nhiều những bức ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của người thi sĩ này như ảnh những người ông đã từng yêu: Mộng Cầm, Mai Đình, Trần Thương Thương; ảnh bạn thân của Hàn Mạc Tử: nhà văn Trần Thanh Địch; ảnh khung cảnh ga Quy Nhơn lúc ông vào Sài Gòn làm báo (năm 1934), ảnh mộ Hàn Mặc Tử cải táng từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng (năm 1959)… Những bức ảnh ấy như chiếc cỗ máy thời gian đưa chúng ta trở về quá khứ - thời điểm mà Hàn Mạc Tử đang sống, gợi lại cho chúng ta thấy những bước ngoặt trong cuộc đời mà Hàn Mạc Tử đã trải qua. Những trang sách cuối cùng là những nhận xét, bài phê bình của những nhà thơ, nhà văn viết tặng Bút lửa Dzũ Kha - tác giả của cuốn sách này.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã viết tặng Dzũ Kha rằng: "Có thể nói: Trời sinh ra Hàn Mạc Tử cho Dzũ Kha yêu thương và trân trọng. Nhưng có thể nói: Trời đã sinh ra Dzũ Kha là để tôn vinh Hàn Mạc Tử." Đúng vậy, Dzũ Kha đã không màng danh vọng, ông sống như một ẩn sĩ, với cây bút lửa điệu nghệ, viết thơ Hàn bằng tất cả cả tấm lòng mình với mong muốn giúp du khách thêm yêu thơ Hàn, thêm hiểu những điều Hàn Mạc Tử muốn giãi bày cùng nhân thế. Nếu trân trọng và yêu thơ Hàn Mạc Tử, hãy một lần đến Ghềnh Ráng (Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để có thể cùng Dzũ Kha "đàm đạo" về thơ Hàn, cùng Dzũ Kha say sưa đọc những vần thơ của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Nếu trân trọng và yêu thơ Hàn Mạc Tử, hãy thử cầm trên tay cuốn sách "Hành trình đến với Hàn Mạc Tử" để có thể thêm yêu, thêm hiểu về cả cuộc đời Hàn Mạc Tử và về cả cuộc đời "Bút lửa" Dzũ Kha.