Nếu ai đã từng mê đắm những dòng thơ của Nguyên Sa thì không thể không biết tới tên tuổi Ngô Thụy Miên. Nguyên Sa là thi sĩ tình yêu với những vần thơ đẹp nao lòng. Nhưng thơ Nguyên Sa rất sang trọng khó đến được với đông đảo công chúng thời đó mà hầu hết người thưởng thức là những trí thức, sinh viên có học. Và Ngô Thụy Miên chính là người viết tình ca đã đưa thơ Nguyên Sa thăng hoa thật sự trong sự kết hợp giữa âm nhạc và thi ca. Nhạc sĩ đã phổ thơ Nguyên Sa đạt đến đỉnh điểm tâm hồn của ý thơ mà không phải sự kết hợp nghệ thuật nào cũng mang tới những hiệu quả kì diệu như thế. Giữa hai người không chỉ gặp nhau ở tài năng mà trên hết là sự đồng điệu trong mối giao cảm về tình yêu, niềm đam mê dành cho nghệ thuật. Hầu như những bài thơ của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ nhạc đều có sức sống mãnh liệt hơn trong tâm hồn người đọc và cũng từ những bài hát phổ từ thơ Nguyên Sa mà tình ca Ngô Thụy Miên thêm đẹp, thêm nồng nàn đắm say.
Nguyên Sa là một giáo sư triết học nhưng thơ ông không giáo điều triết lí mà chỉ là thơ con người với chữ nghĩa của con tim. Thơ tình Nguyên Sa mang tình yêu thuần phác, hiện sinh, trữ tình thường nhật dành cho một người, một dáng hình cụ thể là người bạn đời-bà Trịnh Thị Nga. Cùng là nhà thơ tình nhưng ở Xuân Diệu là tình yêu chung, không dành riêng cho đối tượng cụ thể, cũng thiết tha, rạo rực nhưng là xúc cảm của chàng thanh niên khao khát yêu và được yêu. Đến với Nguyên Sa, tình yêu của ông trong thơ là lời tình tứ của đôi lứa, lời tâm tình của chồng gửi vợ, lời tỏ bày của tri kỉ, tri âm rất thủy chung, sâu sắc, nồng nàn.
“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...”
(Nga)
Hay những câu thơ trong bài “Gọi em”:
“Tôi bảo rằng: em phải về ngay.
Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.
Em là trăng tôi sẽ là mây
Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.
Còn nếu em là chân trời xa
Tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi
Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo
Tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương.”
Nguyên Sa viết thơ tình rất ngọt ngào và cũng rất đỗi thật thà như thế trong từng lời, từng chữ, từng ý thơ.
Giữa thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không hề có liên hệ nào ngoài sự cảm thông giữa hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ngô Thụy Miên từng nói “Nguyên Sa là một trong những nhà thơ có những bài thơ tình mà tôi ưa thích nhất và kể từ ngày tôi quen biết anh ở Sài Gòn cho đến bây giờ thì trong nhạc của tôi, thơ của anh luôn có chỗ đứng rất đặc biệt”. Trong thời gian đi học, Ngô Thụy Miên đọc thơ Nguyên Sa nhiều nhất và có lẽ vì thế chất thơ ấy đã thấm vào tâm hồn ông. Nhạc sĩ cũng bộc bạch: “ Trong tất cả bốn thập niên viết nhạc của mình thì thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi”. Qủa thật vậy, dù có rất nhiều những nhà thơ tình khác với những tiếng thơ tuyệt vời nhưng cho đến cùng nhạc Ngô Thụy Miên chỉ bén duyên sâu sắc với thơ tình Nguyên Sa mà thôi. Và nhờ mối duyên đẹp đó mà ta có Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Paris có gì lạ không em,… sống mãi với thời gian.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
(Áo lụa Hà đông)
Áo lụa Hà Đông được coi là tác phẩm tiêu biểu, nổi bật nhất trong những tác phẩm được phổ nhạc đánh dấu tên tuổi của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên. Ông đến với thơ Nguyên Sa không phải vì chọn lựa mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát. Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh…”
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bày tỏ: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Vì thế, những tình khúc của ông không hề có mục đích thương mại, thoát ra sự gò bó, o ép của việc dùng âm nhạc và lời ca “làm kế sinh nhai” như nhiều nhạc sĩ khác. Sáng tác của Ngô Thụy Miên, vì thế cũng không nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” mà nó cứ tự nhiên chảy như tiếng lòng của người viết. Còn với Nguyên Sa, ông không viết thơ để kiếm sống mà viết với tất cả con tim. Như vậy cả hai người đều gặp nhau trong niềm giao cảm với tình yêu nghệ thuật. Nhờ sự đồng điệu ấy nên khi họ kết hợp với nhau sự thăng hoa trong âm nhạc và thi ca đã tạo nên thiên tình ca bất hủ sống mãi trong lòng bao thế hệ.