Cô giáo Hiền là cựu sinh viên K41 khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội
Chị Hiền nhận Huân chương Lao động do Chủ tịch nước Lào trao tặng.
(PLO) - “Với tôi, việc được truyền tải những tinh hoa của tiếng mẹ đẻ trên đất bạn vừa là công việc mưu sinh, vừa là niềm đam mê và khao khát cháy lòng. Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã góp một phần công sức để gắn kết hơn tình đoàn kết, hữu nghị của hai nước Việt – Lào anh em” - Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, giảng viên Đại học Quốc gia Lào tâm sự.
Cuộc tình bất chấp không gian của nữ sinh Văn khoa
Nguyễn Thị Hiền sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình (thôn Cẩn Du, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ), nơi có chợ Cầu, chợ Lan, chợ Hới, chợ Huyện - những địa danh thân thuộc từng đi vào thơ ca.
Tính từ ngày rời quê ra Hà Nội học đại học, rồi lấy chồng định cư ở hẳn bên Lào, Hiền như đứa con rời quê là đi biền biệt, đến nay đã ngót ba chục năm trời.
Ký ức quê nhà trong Hiền là hình ảnh người mẹ tảo tần ngày ngày quẩy đôi quang gánh đi bán miến, tan chợ mới trở về với đôi quang gánh kĩu kịt với những gạo, rau, dưa, mắm, muối và không quên những món quà quê nóng hổi dành cho các con khi thì bánh gai, bánh hú, bánh rán thơm lừng...
Những ngày mưa dầm gió bấc, đường đất trơn, lầy lội mẹ vẫn khoác áo mưa gánh hàng đi chợ như thường. Sau này nhà không còn làm miến nữa, mùa màng đến, mẹ lại quày quả hết cấy rồi gặt, làm hết của nhà mình rồi lại đi cấy thuê cho mấy nhà hàng xóm, đổ mồ hôi nước mắt cơ cực mới đổi được bát cơm đầy nuôi đàn con ăn học.
Càng thương mẹ, càng thấm thía cái nghèo, cái khổ, Hiền càng cố gắng phấn đấu ôn luyện và đã thi đỗ vào Khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội.
Nhớ sao những ngày Hiền rời quê ra Hà Nội học đại học, con gái nhà nghèo trọ học xa nhà, thiếu trước hụt sau nên Hiền luôn có ý thức phải cố gắng đi làm thêm để tự trang trải cho mình, san sẻ phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Ban ngày lên giảng đường, buổi tối Hiền làm bánh quế, đi bỏ mối trứng vịt lộn rồi đi làm gia sư cho các cháu học sinh ở thủ đô. Số tiền lương gia sư kiếm được, Hiền dùng một phần để trang trải tiền ăn học và dành dụm để làm quà cho người thân, để khi về thăm quê, mua tặng cha mẹ đôi màn mới, mua chăn ấm biếu ông bà.
Mừng vì con gái giỏi giang, hiếu thảo nhưng cha mẹ đâu đã hết lo cho Hiền, nhất là khi nhận được tin cô "con gái vàng" của gia đình đã có mối tình đầu sâu nặng và có ý định gắn bó trọn đời trọn kiếp với anh chàng nghiên cứu sinh mang quốc tịch Lào tên là SỤKHĂNTHẠKHẠTỴ (phiên âm tiếng Việt đọc là Xay Nha Sản, ông xã Hiền bây giờ).
Hiền bồi hồi nhớ lại và tâm sự: “Tôi và ông xã yêu nhau, một mối tình kéo dài tới 9 năm mới có thể đơm hoa kết trái. Anh là mối tình đầu và cũng là tình yêu, hạnh phúc duy nhất của cuộc đời tôi.
Tôi là người đã giúp anh kiên cường chèo chống lật ngược thế cờ, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với điểm số xuất sắc. Tuy yêu anh thắm thiết nhưng khi quyết định lấy anh thì tôi không chỉ yêu mà còn rất thương anh nữa, vì quá thương anh nên không nỡ rời bỏ anh.
Chúng tôi làm lễ cưới hết sức giản dị với một khoản tiền rất eo hẹp, giờ nghĩ lại đám cưới của mình mà mắt tôi vẫn thấy cay cay sống mũi...”.
Chị Hiền tình nguyện làm người phiên dịch tiếng Việt tại
Đầu năm 2002, đám cưới của Hiền được tổ chức ở 3 nơi: tại Thái Bình dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, của gia đình, họ hàng nhà ngoại và đại diện của Tham tán Văn hóa Giáo dục, Đại sứ quán Lào; tại Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, Hà Nội dưới sự chứng kiến của thầy cô, bạn bè tại Hà Nội và tại nhà tập thể Trường Đại học Quốc gia Lào, nơi anh Sản công tác.
Cưới xong, anh Sản tiếp tục ở lại giảng dạy tại Lào, còn Hiền về Việt Nam hoàn thành luận văn Thạc sĩ. Cuối năm 2002, sau khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ, Hiền mới chuyển hẳn sang Lào sinh sống cùng chồng.
Tình yêu giúp vững vàng trên đất bạn
Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng là màu hồng lãng mạn. Yêu nhau thắm thiết là vậy nhưng thú thật những ngày, tháng mới bắt đầu cuộc sống chung, Hiền đã suýt bỏ anh để trở về nước với ý định làm lại một cuộc tình khác vì cô không thể ngờ cuộc sống trên đất bạn lại quá vất vả.
Hiền nhớ lại: Hồi đó, trong khi những gia đình xung quanh đều có xe máy, ti vi và tủ lạnh thì vợ chồng Hiền không có gì ngoài căn phòng tập thể đơn sơ. Tài sản trong nhà chỉ có 1 cái giường; 1 cái quạt điện và 1 cái bếp điện dây may-so. Nhà tắm cũng không có, còn nhà vệ sinh tự tạo từ mấy tấm bìa cát-tông quây lại, lụp xụp, thủng nhiều lỗ bằng bàn tay.
Năm đầu Hiền mới về Lào do chưa biết tiếng nên cô phải theo học lớp dự bị tiếng Lào dành cho người nước ngoài tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Nhà không có xe máy, hai vợ chồng phải đi bộ hơn 1km đến trường. Khoảng 2 tháng sau ngày cưới thì mẹ chồng chuyển từ quê lên ở hẳn với vợ chồng Hiền vì cụ nhớ con trai quá.
Hỏi cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu xứ người có “khó ở” lắm không, nhất là khi hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ, khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và cả phong tục tập quán, Hiền cười tâm sự: “Cũng có vài vướng mắc nhỏ nhưng đều giải quyết ổn thỏa vì cả hai người phụ nữ đều dành tình yêu vô bờ bến cho một người đàn ông - đó là ông xã tôi”.
Mẹ chồng Hiền già cả, ít nói, thời gian đầu chung sống mặc dù mẹ rất hiền nhưng cô vẫn luôn có cảm giác có một khoảng cách không thể lấp đầy. Cho đến một ngày, khoảng cách ấy trong cô vỡ òa, cảm động rưng rưng khi mẹ chồng kêu cô lại gần, ngần ngại đưa cho con dâu một gói toàn tiền lẻ, đó là món tiền được bà chắt chiu dành dụm trong nhiều năm ở quê.
Bà bảo: “Con đi chợ mua ít thịt về làm thức ăn vì mẹ thấy con toàn ăn trứng gà công nghiệp, cần phải bồi bổ để sau này còn sinh con”.
Phải hơn 2 năm sau ngày cưới vợ chồng Hiền mới quyết định sinh con. Thêm con, cuộc sống càng ngặt nghèo hơn, cuộc sống của cả gia đình phần nhiều trông vào đồng tiền dạy thêm tiếng Việt của Hiền. Với Hiền, việc truyền tải tinh hoa của môn tiếng Việt đến các bạn Lào không chỉ là nhu cầu mưu sinh mà còn là tình yêu và sự đam mê.
Nhờ dạy Tiếng Việt, Hiền đã có thu nhập tốt, sắm được các phương tiện hiện đại, các trang thiết bị tiện nghi cho “lâu đài tình ái” của mình. Khi mẹ chồng cô ốm liệt giường rồi mất, vợ chồng Hiền đã đứng ra lo toan, mai táng đưa cụ lên chùa hết sức vẹn toàn, chu đáo.
Từ chỗ cuộc sống nghèo khổ, bấp bênh đến nay vợ chồng Hiền đã tạo dựng được một cơ nghiệp khang trang, sự nghiệp vững vàng, ổn định. Hiện tại, vợ chồng cô vẫn ở nhà tập thể nhưng đã tậu được thửa đất và đầu tư xây ki-ốt cho thuê.
Sau khi hoàn vốn, mỗi năm ngoài tiền lương, gia đình cô cũng thu về trên 100 triệu đồng. Giờ đây chuyện sắm xe hơi, nhà lầu không còn là ước mơ xa mà là việc trong tầm tay của vợ chồng Hiền.
Ông xã Hiền hiện là Tiến sỹ Lí luận Văn học của Đại học Quốc gia Lào. Ngoài việc sử dụng thành thạo tiếng Việt, anh cũng đã kịp bổ sung thêm một bằng cử nhân tiếng Anh tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Hiện anh đang phấn đấu học hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền dường như tẹp nhẹp, vô nghĩa với những khát vọng lớn lao mà anh đang ấp ủ. Còn Hiền như con ong chăm chỉ, cần mẫn thu vén để giúp bản thân và gia đình nhỏ vững vàng trụ lại nơi đất khách quê người.
Nhiều lúc nghĩ lại quãng đường đã qua, Hiền cảm thấy tự hào về nghị lực phi thường của cô gái Thái Bình - quê hương 5 tấn. Với phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, Hiền luôn hi sinh bản thân mình để lo lắng, yêu thương, che chở cho chồng con, cho tổ ấm gia đình. Với cô, mái ấm gia đình luôn là chỗ dựa bình yên nhất.
Sau 13 năm hôn nhân, vợ chồng Hiền có 2 cô con gái xinh đẹp, thông minh. Các con của Hiền được cha mẹ dạy để sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ Việt - Lào.
Bên cạnh các con, gia tài của Hiền còn là hành trang tri thức của người “kỹ sư tâm hồn” ngày đêm miệt mài với sự nghiệp truyền tải những tinh hoa của tiếng Việt đến các công dân của đất nước Triệu Voi…
Theo: http://baophapluat.vn/
|
Gia đình chị Hiền |