Các hoạt động

Mấy vấn đề về nghiên cứu văn học dân gian qua văn bản


08-11-2024

* Hồ Quốc Hùng

In trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7.2011, tr.38-45

         Nghiên cứu văn học dân gian (VHDG) đương nhiên phải xem tác phẩm VHDG là đối tượng khảo sát chính. Nhưng tác phẩm VHDG tồn tại dưới dạng thức nào, phạm vi, giới hạn ra sao và liệu văn bản có phản ánh trung thực các dạng thức hiện tồn của nó hay không là điều đáng suy nghĩ. Về mặt lý thuyết, những vấn đề như vậy được các nhà Folklore học đặt ra từ lâu. Riêng ở nước ta, vấn đề này thực sự được chú trọng từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Dường như ai cũng thấm nhuần nguyên lý: tách văn học dân gian ra khỏi môi trường sinh hoạt là tước mất linh hồn của nó. Dù vậy, trên thực tế người nghiên cứu vẫn phải bám vào yếu tố ngôn từ của tác phẩm thông qua văn bản. Hướng nghiên cứu này được xem là tiếp cận ngữ văn học đối với Folklore.

         Nó có mầm mống từ thời cổ đại ở Trung Quốc, La Mã, Ấn Độ… Đến giữa thế kỷ XX nhà Folklore học người Nga V. Ia. Prop đã nhấn mạnh Folklore là lĩnh vực của “những sáng tạo tinh thần, hơn nữa chỉ là những sáng tạo ngôn từ”(1). Những thành tựu gặt hái được trong nghiên cứu VHDG qua nhiều thập niên đã chứng tỏ vai trò quan trọng của văn bản tác phẩm VHDG. Tuy nhiên, vấn đề cần trao đổi ở đây là độ tin cậy của văn bản, sự sống động của ngôn ngữ VHDG được thể hiện như thế nào trong văn bản – điều mà các nhà nghiên cứu thường ít quan tâm. Thực tế cho thấy, người nghiên cứu phần lớn dựa vào các văn bản sưu tầm của người đi trước mà ít quan tâm đến chất lượng của nó, vì vậy, trong một số trường hợp khó tránh khỏi những nhận định sai lạc.

1. Về vấn đề văn bản hóa tác phẩm văn học dân gian

Một trong những nguyên tắc ghi chép văn học dân gian qua điền dã là phải tôn trọng sự tồn tại khách quan của tác phẩm. Sự ghi chép này tùy thuộc vào trình độ người thực hiện và bị chi phối bởi ý thức của mỗi thời đại, trình độ phát triển khoa học nhân văn của các dân tộc. Từ thời phong kiến ở nước ta, việc ghi chép mang nhiều tính chất chủ quan. Các học giả thời đó không giấu diếm việc gọt đẽo trong quá trình ghi chép văn học dân gian. Sang đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu của ta đã thực sự làm công tác văn bản hóa đúng nghĩa của lĩnh vực này. Những người tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan… để lại nhiều công trình sưu tập có giá trị khoa học cho đến tận bây giờ. Một số bài học kinh nghiệm về việc ghi chép, bước đầu xây dựng được những nguyên tắc văn bản hóa đáng lưu ý. Từ thập niên 70 thế kỷ XX trở lại đây, tốc độ văn bản hóa tác phẩm diễn ra ồ ạt với sự tham gia của nhiều đối tượng và trong số đó không ít người xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống để thực hiện chứ chưa phải là người chuyên nghiên cứu Folklore. Đó là điều đáng khích lệ nhưng đã để lại khoảng trống về độ tin cậy của văn bản. Tính trung thực, khách quan của văn bản VHDG được xem xét trên nhiều góc độ: cấu trúc ngôn từ, hình thức chính tả, phương ngữ, cách hành ngôn… của dân gian. Điều đáng nói là từ trước đến nay, việc văn bản hóa tác phẩm đều được các nhà nghiên cứu chú trọng ở tính phổ thông nhằm truyền bá cho nên việc chọn lọc trở nên nghiệt ngã, thậm chí còn được phóng tác khiến cho bộ mặt văn học dân gian được lưu trên văn bản mang màu sắc trang trọng và nhiều khi rất tân thời. Mọi đánh giá khoa học đều dựa vào thực trạng này của văn bản văn học dân gian nên ít nhiều khó tránh khỏi cách nhìn lệch lạc và phiến diện. Đó là cách xây dựng văn bản thiên về tinh hoa văn học dân gian hơn là đời sống thực tại của nó. Chưa kể quá trình ghi chép, chọn lọc không tránh khỏi hạn chế do năng lực người thực hiện và những lý do khách quan.

Xin nêu một số trường hợp về tình trạng bất cập trong văn bản hóa, dẫn đến những suy diễn, ngộ nhận đáng tiếc.

Trường hợp thứ nhất. Khi làm tuyển tập cuốn Thơ ca dân gian Bến Hải(2) từ nguồn tư liệu sưu tầm ở vùng đất “Ô Châu ác địa”, nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi chỉ tuyển chọn được gần 2000 đơn vị tác phẩm từ 10.000 đơn vị tác phẩm sưu tầm được. Bất chợt thấy câu ca rất quen, nhưng rất lạ:

Sầu lê mê lụy nhỏ uông uông

Trai mô (nào) trai không thương vợ cũ,

gái mô (nào) gái không buồn chồng xưa.

“Lê mê” là gì? “uông uông” là gì? Là từ mới sáng tạo hay từ Việt cổ? Hay chỉ là hiện tượng biến âm? Chúng tôi có thử điều tra lại trong một dịp khác, khi hỏi thì người trong vùng thừa nhận có sử dụng hay ít ra không phản ứng, nhưng lý giải thì chịu. Nghĩa là nhiều khi sự tồn tại của một số yếu tố trong tác phẩm mất hẳn nghĩa đích thực và tồn tại như một quy ước chứ không nhất thiết được cắt nghĩa rạch ròi. Hiện tượng này khá phổ biến. Giống như vậy, gần đây chúng tôi có hỏi một số chuyên gia về Folklore và một số nhà ngôn ngữ học có uy tín về nghĩa lý của từ “tẻ” trong “cơm tẻ, mẹ ruột”. Ai cũng bảo “tẻ” là gạo để phân biệt giữa gạo tẻ với nếp! Vậy “nếp tẻ” là gì? Theo tôi, “tẻ” là từ Việt cổ = “đẻ” = “mẹ”. Người Mường phát âm “đẻ” là “tẻ” và vẫn gọi “mẹ” là “đẻ”. Như vậy, cơm “tẻ” = cơm “mẹ”. Ăn gì thì ăn cuối cùng phải lấy cơm là chính. Cách giải thích này có thể gây tranh cãi, song ít nhất nó cũng khẳng định sự tồn tại hữu lý của các dị bản trong VHDG. Trở lại câu ca trên, vì người tuyển không hiểu nghĩa lý của các từ như đã nêu nên không đưa vào tuyển tập. Có bao nhiêu tác phẩm như vậy bị bỏ quên do “cuộc chơi” văn bản hóa? Bỏ quên do người sưu tầm kém cỏi hay do tác phẩm “dị dạng xấu xí”?

Trường hợp thứ hai. Vào thập niên 60 thế kỷ trước, Xuân Diệu đã từng bình tán một câu ca dao ở miền Trung rất tài tình. Câu ca dao lưu hành ở Hà Tĩnh hay Quảng Bình gì đó:

     Trèo đèo hai mái chân vân,

Lòng về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình.

Xuân Diệu cho rằng “chân vân” là từ sáng tạo. Tâm trạng “phân vân” nửa muốn đi, nửa không của người phụ nữ từ nhà mẹ ở Hà Tĩnh hướng về nhà chồng ở Quảng Bình, dùng dằng trên lưng đèo, tụ xuống bàn chân “chênh vênh” nên trở thành “chân vân”. Đấy là ngộ nhận tài hoa. Sai lầm này bắt nguồn từ văn bản (hoặc do khả năng thẩm âm của tác giả) đã ghi sai cách phát âm trong vùng bị lệch giữa nguyên âm “ê” và “â” khiến cho “chênh” thành “chân”, “vênh” thành “vân”. Có bao nhiêu sai lầm tương tự như vậy khi tiếp cận một tác phẩm VHDG được văn bản hóa?

Trường hợp thứ ba. Có một nghiên cứu sinh rất chăm chỉ, nghiêm túc, dành hẳn một chương cho luận án Tiến sĩ nhằm giải quyết việc văn bản hóa truyền thuyết. Tác giả đã phê phán không thương tiếc cách hành ngôn của nhân dân khi kể lại truyền thuyết vùng Nam bộ và cách ghi chép của người đi trước rồi từ đó đề xuất phương án văn bản hóa cho sáng rõ hơn. Trong những thao tác đó, tác giả đã dùng cấu trúc “tuy – nhưng”, “mặc dù – vẫn”, v.v…

Đây là một kiểu sai lầm khác nữa. Cấu trúc câu sử dụng quan hệ từ trên đã được tác giả đưa vào truyền thuyết thuộc tư duy khoa học chính xác, trong lúc dân gian nhiều khi bất chấp logic này, tạo ra một quy ước riêng trong lối biểu đạt. Nguy cơ biến câu chuyện truyền thuyết vốn hồn nhiên mang thêm yếu tố luận đề là điều khó tránh khỏi. Trước đây Đặng Văn Lung đã đề cập đến “vấn đề logic mờ trong truyện kể dân gian” và Trần Thị An trong luận án tiến sĩ của mình cũng quan tâm đến vấn đề này trong văn bản truyền thuyết.

 

Các ví dụ trên đây cho thấy công việc văn bản hóa tác phẩm văn học dân gian dễ mắc vào tính chủ quan, máy móc thậm chí tắc trách của người ghi chép. Thậm chí, có những người tự cho phép mình “đồng sáng tạo” một cách chủ quan tùy tiện, khiến cho tác phẩm có gì đấy xa lạ với đời sống đích thực của nó.

Trường hợp thứ nhất rất tiêu biểu cho tình trạng bỏ sót các dị bản VHDG trong khi sưu tầm, ghi chép, chú giải,… do không thực sự hiểu biết về phương ngữ.

Trường hợp thứ hai tiêu biểu cho quan niệm xem tác phẩm VHDG không khác gì tác phẩm văn học viết, và thưởng thức theo lối bình tán, nặng về cảm tính.

Trường hợp thứ ba tiêu biểu cho lối áp đặt tư duy và hình thức cú pháp của diễn ngôn hiện đại vào diễn ngôn VHDG.

Các ví dụ trên đây có thể khác nhau về hoàn cảnh, mục đích, mức độ sai lầm, song, chung quy đều có thể xem là hiện tượng “ngụy dân gian”. (Khốn thay, không ít người nghiên cứu lại cứ đinh ninh đó là VHDG đích thực!).

 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập, ngộ nhận, sai lầm trong việc ghi chép, chú giải VHDG. Trong các nguyên nhân ấy, chúng tôi muốn nhấn mạnh một nguyên nhân quan trọng: Phiến diện hoặc thiếu tính định hướng trong sưu tầm, nghiên cứu, dẫn đến việc lựa chọn phương pháp và thao tác sưu tầm, nghiên cứu không đúng đắn, thích hợp.

Theo chúng tôi, có hai hướng nghiên cứu chính sau đây tác động đến sự hình thành và sử dụng văn bản VHDG:

– Thứ nhất, để nghiên cứu cấu trúc, thi pháp của văn học dân gian và tinh hoa văn hóa, người ta chú trọng tinh lọc, lấy những văn bản có giá trị nghệ thuật cao, trong đó không loại trừ việc phóng tác làm cho tác phẩm hoàn thiện hơn.

– Thứ hai, để tìm hiểu diện mạo đời sống đích thực của VHDG, người nghiên cứu phải sử dụng văn bản ghi chép trung thực các hình thức hiện tồn của tác phẩm trong cuộc sống. Chỉ có ở đấy, văn học dân gian mới được cụ thể hóa trong nhiều trạng huống khác nhau và có những tác dụng thiết thực đối với cuộc sống. Cách ghi chép này ít chú trọng “khâu chế biến”. Hướng sử dụng văn bản này hiện rất ít được quan tâm.

Vì vậy việc văn bản hóa đòi hỏi người ghi chép phải có hiểu biết và có kỹ năng. Đành rằng người ghi chép bao giờ cũng dựa vào đặc điểm ngôn ngữ của thời đại mình. Song vẫn phải tôn trọng trạng thái ngôn ngữ của tác phẩm văn học khi nó ra đời để đưa vào văn bản là một sự tính toán khoa học. Ở đây, cần sự phối hợp tri thức của nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, không phải ai nghiên cứu VHDG cũng đều tham gia công tác điền dã và không phải người điền dã nào cũng đều là nhà Folklore học. Cho nên sai lầm trong quá trình văn bản hóa là điều khó tránh khỏi. Như đã nói, việc nghiên cứu từ trước đến nay ở nước ta thường chú trọng đến hướng sử dụng loại văn bản thứ nhất. Trên cơ sở đó, các nhà Folklore đã xác lập được kiểu cấu trúc tác phẩm thể loại, tìm hiểu đặc tính dân tộc ẩn chứa dưới các công thức ổn định. Nói cách khác, người ta đã mô tả được thi pháp thể loại và xa hơn là khám phá được sự vận động của các kiểu cấu trúc ấy qua các thời đại để chỉ ra thi pháp lịch sử của nó. Đấy là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên khuynh hướng hàn lâm hóa trong nghiên cứu VHDG này ở nước ta ít nhiều đã qua các tác giả sách giáo khoa, thâm nhập vào chương trình VHDG các cấp học phổ thông, từ hơn 30 năm trở lại đây, xen với khuynh hướng xã hội học thuần tuý, dung tục trong dạy và học suốt một thời gian dài đã biến tác phẩm và công việc tìm hiểu tác phẩm thành những khuôn mẫu cứng nhắc, nhưng lại nhân danh giá trị truyền thống văn hóa… Tình trạng đó là có thể hiểu được, song bản chất nghệ thuật dân gian vốn sinh động, độc đáo chứ không thuần túy nằm ở công thức, khuôn mẫu dân gian như thi pháp miêu tả mà ta đã biết. Do vậy, hướng nghiên cứu loại văn bản thứ hai sẽ cho ta một cái nhìn toàn diện hơn về đời sống của VHDG. Trước đây, người ta vẫn quan tâm đến hình thức diễn xướng và mối quan hệ giữa tác phẩm với môi trường sống chứ chưa quan tâm xem xét nó trên bình diện văn bản, đúng hơn là việc văn bản hóa các hoạt động đó. Ở góc độ này, ngôn từ của VHDG vừa hoàn thiện vừa thô mộc và cả lệch chuẩn, điều mà người làm công tác điền dã thường thấy. Từ nhận thức trên, nên chăng cần phải xem lại các khái niệm “tinh tuyển”, “thô mộc” của tác phẩm VHDG như các nhà sưu tuyển vẫn làm theo hướng thứ nhất? Việc tồn tại, lưu hành VHDG trong trí nhớ và hành ngôn của dân gian khá đa dạng. Mỗi hình thức tồn tại ở dạng hành ngôn cá thể dù ở mức độ nào cũng đều có giá trị thực tiễn của nó. Nếu ghi lại được trung thực các dạng thức hành ngôn ấy, người nghiên cứu sẽ thấy được nhiều thông điệp có giá trị về bản chất của quá trình vận động VHDG. Vì vậy việc tước bỏ đi hàng loạt tác phẩm trong quá trình sưu tầm vì lý do nào đi nữa cũng đều là một sự lãng phí ghê gớm. Do đó, theo chúng tôi, về mặt nguyên tắc cần tôn trọng các văn bản ghi nhận trung thực khách quan dạng thức tồn tại tác phẩm để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khác nhau. Muốn vậy, cần phải xem tác phẩm VHDG dưới góc độ hành động ngôn từ chứ không chỉ dừng lại ở quan niệm yếu tố ngôn ngữ thuần túy trong văn bản.

2. Tác phẩm văn học dân gian xét từ góc độ là sản phẩm của hành động ngôn từ

 

Khi xét yếu tố ngôn ngữ trong văn bản tác phẩm VHDG sẽ thấy phổ biến hiện tượng biến thể mà các nhà Folklore gọi là dị bản. Tuy vậy, trên thực tế số lượng dị bản được văn bản hóa lại rất có hạn so với dị bản tồn tại trong thực tế. Chính các biến thể sinh động từ đời sống tạo nên sức sống cho VHDG. Việc văn bản hoá vì thế cần thể hiện đúng các hình thức hành ngôn ấy và hơn thế là hành động tổng hòa các tri thức với cách hành xử trong tình huống cụ thể. Hành động ấy biến hóa trong tình thế, khoảnh khắc và thăng hoa nhờ sự giao tiếp. Ta thường nêu các thuộc tính như tính tập thể, tính nhân dân của VHDG và xem đấy là hoạt động sáng tạo mà ít để ý đến vai trò cá nhân trong việc thể hiện cái hồn tác phẩm qua hành ngôn. Vấn đề ở đây cũng không đơn thuần là công việc cá nhân khởi xướng và tập thể lưu giữ mà cần phải hiểu đó như là kết quả sự tương tác giữa cá thể sáng tạo với tập thể qua hành động giao tiếp bằng ngôn từ. Theo quan niệm của các nhà ngữ học thì sử dụng ngôn ngữ, từ trong bản chất, là một hành động. Khi nói ra một câu nói, người nói thực hiện một hành động, ta gọi đó là hành động ngôn từ. Hành động đó gắn với một ngữ cảnh cụ thể với tất cả sự phong phú và sinh động của nó. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rõ hơn hành động ngôn từ trong VHDG là loại hành động nặng về tính biểu diễn và tác động, khác với ngôn ngữ miêu tả hay ngôn ngữ biểu đạt. Lâu nay, vấn đề này không phải không được đề cập đến, nhưng sự thực người ta chưa chú ý đến khoảnh khắc thăng hoa, trạng thái tâm lý và hiệu ứng nghệ thuật của hành động ngôn từ ấy trong một ngữ cảnh cụ thể. Ngay từ đầu thế kỷ XX, lý luận trình thức truyền miệng hay là thi pháp truyền miệng của John Miles Foley đã khởi xướng cho một khuynh hướng tiếp cận VHDG qua hình thức diễn ngôn. Ông cũng đã đề cập đến ý nghĩa biểu đạt của biểu diễn và văn bản. Hướng nghiên cứu hành động ngôn từ này theo ông không đối lập với nghiên cứu văn bản. Về sau, Socolop trong công trình Folklore Nga theo khuynh hướng này đã cố gắng giải thích việc các nghệ nhân tái tạo truyền thống thơ ca dân gian theo cảm xúc và khiếu thẩm mỹ riêng của mình. Tuy nhiên cách hiểu này chỉ dừng lại ở cái gọi là cá thể hoá trạng thái cá nhân trong khoảnh khắc không gian và thời gian nhất định mà vẫn chưa xem các khoảnh khắc hành ngôn là đối tượng khảo sát chính. Theo tôi cần phải xác định lại rằng văn bản VHDG là sự chuyển thể từ diễn ngôn sang văn bản. Cho nên một diễn ngôn chỉ tương đương với một trạng thái hành ngôn. Diễn ngôn VHDG chỉ là trạng thái hành động ngôn từ cụ thể của cá nhân hình thành từ tương tác với cộng đồng. Ở đó hành động ngôn từ hình thành trên nền trạng thái tâm lý, cảm xúc và quy ước về kiểu tư duy, biểu đạt giữa cá nhân với cộng đồng. Nhờ sự tương tác đó mà hành động ngôn từ được thăng hoa, thể hiện sinh động sự cảm nhận về thế sự và cảm xúc thẩm mỹ… vì vậy, vượt ra khỏi khuôn khổ các công thức truyền thống. Do đó, tiếp nhận VHDG không thể thuần túy qua ngữ nghĩa trong ngôn từ của văn bản mà phải từ sự cọ xát trong giao tiếp, ứng xử. Ở đó ngôn ngữ được xem là sản phẩm của hành động để tạo nên hiệu ứng nghệ thuật cho tác phẩm. Cho nên có thể nói nếu văn bản VHDG chỉ đóng khung trong một số yếu tố ngôn từ được tinh lọc gọt giũa của văn bản mà không được xét qua hành động ứng xử sẽ không thấy hết giá trị đích thực của nó. Từ đấy, vấn đề đặt ra cho người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy VHDG là không thể không tiếp cận với VHDG trong đời sống thực của nó để hiểu thấu đáo cái phần ngôn ngữ sinh động ẩn đằng sau văn bản. Người nghiên cứu cần ghi chép các hình thức hành ngôn của các lứa tuổi, nghề nghiệp thuộc từng vùng văn hóa, địa phương để thấy tính đa dạng, khả năng tạo nghĩa của nó. Ít nhất qua hoạt động này, ta sẽ cảm thụ đúng hơn bản chất trạng thái sống của tác phẩm ngoài văn bản. Trên cơ sở đó, theo chúng tôi, các văn bản được ghi chép dù tinh lọc hay còn thô mộc đều bình đẳng trong tư cách là đối tượng nghiên cứu. Có văn bản hoàn chỉnh, có văn bản thô mộc… Tất cả sẽ cho ta bức tranh sống động về sự tồn tại và vận động của các thể loại VHDG. Những vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi những người nghiên cứu cần chủ động văn bản hóa tư liệu từ chính việc sưu tầm, khảo sát của mình. Mỗi văn bản thể loại VHDG sẽ tương ứng với những điều kiện và nguyên tắc ứng xử cụ thể mà trong phạm vi bài viết này chưa thể nêu hết được. Dĩ nhiên để làm được việc này cũng như đi sâu khám phá nội dung, chiều sâu của tác phẩm còn cần nhiều tri thức khác.

Gần đây người ta đề cao phương pháp nghiên cứu liên ngành, đó là một hướng tiếp cận cần thiết và có nhiều ưu thế.

Nghiên cứu VHDG theo hướng tiếp cận ngữ văn học (?), nói rõ hơn là tiếp cận từ góc độ hành động ngôn từ, giúp người nghiên cứu, một mặt, nắm bắt đúng đặc trưng thẩm mĩ, bản chất các diễn ngôn văn học dân gian; mặt khác, xác lập được các nguyên tắc, các hệ thống thao tác văn bản hóa tác phẩm một cách chuẩn xác, cũng như hiểu sâu hơn ý nghĩa của việc văn bản hóa tác phẩm một cách khoa học(3).

Theo chúng tôi hướng tiếp cận này là rất hữu ích và đầy triển vọng đối với việc nghiên cứu văn học dân gian, nhất là nghiên cứu văn học dân gian theo vùng địa lý – văn hóa – lịch sử1

 

_____________

 

([1]) Dẫn theo Văn hóa dân gian – mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2006.

(2) Thơ ca dân gian Bến Hải. Sở Văn hóa – Thông tin Bình-Trị-Thiên Xb, 1985.

(3) Tham khảo: – Bogatyrev P. và Jakobson R.: Folklore với tính cách một hình thức sáng tạo đặc biệt. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2005.

– Chu Xuân Diên: Văn hóa dân gian – mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2006.

– Chu Xuân Diên: Nghiên cứu văn hóa dân gian – Phương pháp, lịch sử, thể loại. Nxb. Giáo dục, H, 2008.

– Đỗ Hữu Châu: Đại cương ngôn ngữ học – Tập 2: Ngữ dụng học. Nxb. Giáo dục, H, 2001.

– Guxep: Mỹ học Folklore (Hoàng Ngọc Hiến dịch). Nxb. Đà Nẵng, 1999.

– Tuyển tập V.Ia. Prop. Nxb. Văn hóa dân tộc. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, H, 2004.

– Vũ Minh Chi: Nhân học văn hóa – con người với thiên nhiên, xã hội với siêu nhiên. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004.

Post by: Khoa Ngữ văn
08-11-2024