Các hoạt động

NGUYỄN ĐỔNG CHI - NHÀ SƯU TẦM, KHẢO CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN TỪ THỰC TIỄN ĐẾN LÝ LUẬN


03-07-2024

Tác giả: TS. Hồ Quốc Hùng (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng ban biên tập tạp chí Khoa học Đại học Văn hiến)

Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (119), 2015.

TÓM TẮT

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành folklore học Việt Nam. Để có được thành quả đó, trước hết GS Nguyễn Đổng Chi là một nhà sưu tầm, điền dã nghiên cứu văn học dân gian đạt đến độ mẫu mực. Với ông, việc nghiên cứu văn học dân gian phải bắt đầu với công tác sưu tầm thật bài bản dựa trên nền tảng lý luận vững chãi. Bài viết này phân tích các quan niệm và phương pháp sưu tầm, điền dã nghiên cứu văn học dân gian của GS Nguyễn Đổng Chi - yếu tố quan trọng làm nên sức sống lâu bền trong các tác phẩm của ông. Tác giả bài viết cho rằng, khi tổng duyệt lại những thành tựu của học giả Nguyễn Đổng Chi đối với ngành folklore học Việt Nam, chúng ta cần phải soi xét chúng ở đủ các phương diện khác nhau, theo một trình tự thống nhất: Sưu tầm, hệ thống hóa, phân loại, khảo cứu, và cuối cùng là trình bày hay tái sáng tạo tác phẩm văn học dân gian thông qua văn bản.

ABSTRACT

NGUYỄN ĐỔNG CHI, THE COLLECTOR AND RESEARCHER OF FOLK LITERATURE - FROM PRACTICE TO THEORY

Professor Nguyễn Đổng Chi is one of the leading experts of folklore studies in Vietnam. To obtain that reputation, Professor Nguyễn Đổng Chi must primarily be an exemplary collector, a fieldworker and a researcher of folklore. To him, the study of folklore should begin with the work of collecting documents methodically based on solid foundation for reasoning. This article analyzes his outlook and method of collecting documents and doing fieldwork in folklore studies an important factor creating a long-lasting vitality of his works. The author states that, while carying out an overall review of the achievements of Nguyễn Đổng Chi in folklore studies in Vietnam, it is necessary to scrutinize them in various aspects and in the right order, namely the collection, systematization, classification, and study of folk stories, and finally the presentation or reproduction of works of folk literature in writing.

 

1. Nhìn vào những đóng góp của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cho ngành folklore học Việt Nam, tôi tin là bất cứ ai quan tâm cũng đều nghĩ rằng ông xứng đáng là một trong những chuyên gia hàng đầu ở nước ta. Điều đó gần như hiển nhiên không phải bàn cãi. Tuy nhiên, làm rõ hơn những thành tựu đạt được của ông bắt nguồn từ đâu là điều chúng tôi muốn trao đổi thêm ở đây.

Có lẽ trước nay, do cái bóng đồ sộ của công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam che khuất, một công trình được giới học thuật trong và ngoài nước quan tâm kể từ khi mới công bố dần từng tập, chúng ta đã quên mất rằng, để có thành quả đó, trước hết Nguyễn Đổng Chi là một nhà sưu tầm điền dã đạt đến độ mẫu mực. Hầu như mọi công trình nghiên cứu của ông, nếu tìm hiểu kỹ, đều thấy dấu ấn của quy trình này. Với ông, dường như nghiên cứu văn học dân gian phải bắt đầu từ công tác sưu tầm thật bài bản, với ý đồ khoa học đặt ra từ đầu, chứ không phải là việc tùy tiện, ngẫu hứng, bất kỳ ai làm cũng được. Tiếp cận theo cách nhìn này thì không phải đợi đến Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập ra đời (1958-1982), Nguyễn Đổng Chi mới được khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực folklore học ở Việt Nam, mà ngay những công trình đầu tiên mang nhiều yếu tố xã hội học theo quan niệm bấy giờ, tưởng như không dính dáng gì đến văn học dân gian, cũng đã thực sự bộc lộ phẩm chất khoa học của ông. Vì vậy, khi tổng duyệt lại thành tựu của nhà học giả trong bộ môn folklore học Việt Nam, tôi nghĩ cần phải soi xét chúng ở đủ các phương diện khác nhau, theo một trình tự thống nhất: sưu tầm, hệ thống hóa, phân loại, khảo cứu, và cuối cùng là trình bày hay tái sáng tạo tác phẩm văn học dân gian thông qua văn bản.

Để có cái nhìn toàn cục hơn, ta hãy để ý, trước năm 1945 và cả sau đó nữa, đã có không ít công trình về văn học dân gian công bố, nhưng đa phần vẫn mang tính tự phát, manh mún, dựa trên những văn bản có sẵn hoặc nếu có tự mình sưu tầm thì cách sưu tầm cũng chỉ là được đâu hay đấy, vì thế giá trị thường bị hạn chế. Trong lúc đó, những công trình của Nguyễn Đổng Chi với nhiều mức độ khác nhau, lại cho thấy tầm nhìn và thao tác của tác giả trong việc triển khai đề tài đều khá nhất quán ở tính khoa học và tính chuẩn mực cao, gây được sự chú ý của nhiều người. Điều đó xuất phát trước hết ở cách nhà khoa học xác định đối tượng và phương pháp tiếp cận của mình. Từ những bước đầu tiên đi vào ngành folklore, hình như ông đã linh cảm được những chỗ bất cập của lối nghiên cứu văn học dân gian chỉ dựa vào văn bản có sẵn sau này ông gọi là văn bản chết - nên cố gắng vượt qua nó một cách có ý thức để tìm con đường tiếp xúc trực diện, đúng với bản chất đối tượng hơn. Theo ông: “khác với người nghiên cứu đã có trước mắt mình một đối tượng tương đối ổn định để phân tích, xét nghiệm, người sưu tầm lại luôn luôn phải đuổi theo một đối tượng sống động: cùng một thể loại, thậm chí một tác phẩm nào đó mà ở một vùng, một năm trước và năm sau tình hình đã không giống nhau” (Những chỗ in nghiêng do tác giả nhấn mạnh).(1)

Như vậy, với Nguyễn Đổng Chi, văn học dân gian như nó tồn tại không phải là một lát cắt mà là một quá trình, và để đến với nó phải bắt đầu từ công việc tưởng là tầm thường nhưng lại quan trọng vào hàng số một: sưu tầm. Đây là một quan điểm độc lập, có chủ ý, khá mới mẻ so với cách nhìn truyền thống thời bấy giờ. Trong một bài viết, ông đã phân biệt vai trò của công việc này như sau: “từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường cứ lẫn lộn [nghiên cứu với sưu tầm]. Mà nếu không vạch một ranh giới rõ rệt giữa hai loại công tác khoa học khác nhau ấy, thì người sưu tầm, nhất là sưu tầm khoanh vùng sẽ lấn cấn, khó nhận rõ đâu là đối tượng, mục tiêu và cách thức tiến hành công việc của mình”.(2) Cũng bởi thế “sự phân biệt nhất thiết phải có giữa phương pháp sưu tầm và phương pháp nghiên cứu” (3) là điều dứt khoát phải đặt ra đối với người làm khoa học. Sự phân biệt ấy nhằm chỉ rõ nét đặc thù của việc nghiên cứu văn học dân gian mà vào thập niên 40-50, sang đầu 60 của thế kỷ trước, nhiều người làm folklore ở Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Nói là phân biệt nhưng trên thực tế hai phần việc lại đồng thời tác động, chi phối lẫn nhau trong nhiều loại thao tác, dĩ nhiên sưu tầm phải là khâu tiên quyết.

Khi đã xem đối tượng văn học dân gian như một quá trình vận động thì dân tộc học là một cánh cửa hữu hiệu cho nhà nghiên cứu. Ở trường hợp Nguyễn Đổng Chi, nhận thức ra điều này cũng có thể là ngẫu nhiên, song có lẽ phần chắc ông đã tiếp thu từ lý thuyết châu Âu khá sớm (nếu chưa thì quả là một cách nhìn vượt thời gian, đáng cho ta kính trọng sự mẫn cảm của ông). Cho nên trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Nguyễn Đổng Chi thiên về nghiên cứu dân tộc học và lịch sử, một hướng đi phù hợp với lộ trình khoa học mà không phải ai lúc bấy giờ cũng xác quyết được. Cuốn sách đầu tay viết cùng với anh ruột, Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, cuốn Mọi Kontum, là một bằng chứng cụ thể. Đây là công trình khảo cứu tộc người trên phương diện dân tộc học theo khuynh hướng của các học giả Pháp đã đào xới kỹ ở Tây Nguyên. Nhờ đi sâu vào địa hạt này, ông đã tạo cho mình một vốn sống, vốn tri thức về sinh hoạt văn hóa nhiều mặt của dân tộc Ba-na (Bahnar), làm nền tảng căn bản để về sau tiến tới mở rộng sang việc điền dã folklore ở các vùng đất khác, xây dựng được phương pháp nhìn nhận và xử lý các hiện tượng văn học dân gian trong cuộc sống thực tế, thực địa một cách hệ thống và đầy tự tin.

Cũng nhờ vậy, các công trình của Nguyễn Đổng Chi nói chung không khô khan, công thức, công trình nào cũng giúp người đọc có cái nhìn sống động, đa chiều về đối tượng, vượt khỏi phạm vi thuần túy văn chương/văn bản theo cách nghĩ của người chỉ đến với văn học dân gian từ sách vở; mặt khác - và đây là điều rất đáng nói - chúng chứa đựng những gợi mở lý luận sắc sảo mà nếu có dịp soi chiếu với một số trường phái nghiên cứu folklore trên thế giới, ta thấy nhiều khía cạnh trong phương pháp tiếp cận và lý giải các hiện tượng văn học dân gian giữa ông với họ có không ít điểm tương đồng. Tất nhiên như đã hình dung, nếu thế hệ Nguyễn Đổng Chi từ sớm đã tìm đọc các công trình khoa học xã hội của châu Âu, chẳng hạn dân tộc học, thì chắc hẳn ông và thế hệ ông cũng được tiếp xúc sớm với lý thuyết folklore qua nhiều con đường khác nhau; tuy nhiên ngay cả cách hiểu và vận dụng giữa nhiều người cũng chưa hẳn thống nhất. Với Nguyễn Đổng Chi, ông rất chú trọng những khía cạnh cơ bản của lý thuyết, và có ý thức ứng dụng cao, nhất là từ 18 tuổi đã lăn lộn trong thực tiễn điền dã nên trực cảm khoa học đã tạo ra điểm trội căn bản trong các công trình nghiên cứu so với đương thời, nó thể hiện tính năng động của một học giả có đầu óc tự chủ - từ trong lý thuyết mà ra song lại không quá lệ thuộc vào lý thuyết, vào văn bản của người mình đọc, kể cả lớp người tiên khu ở trong nước, một cách máy móc - và thường đề xuất được những kiến giải riêng.

Ngày nay ta hiểu rằng văn học dân gian là một phức thể văn hóa. Nói như các nhà lý luận folklore: tư liệu folklore là lưu động, lôi cuốn, xuyên văn hóa (trans cultural). Ngay từ khi mới bắt tay thám sát văn học dân gian dưới góc độ dân tộc học, Nguyễn Đổng Chi cũng đã nhận thấy kho văn học dân gian sống của người Ba-na trong thực tế luôn quan hệ chằng chịt với các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa tinh thần khác của dân tộc Ba-na mỗi khi họ đưa ra ứng dụng, chẳng hạn với tín ngưỡng, phong tục, bói toán, du hý, hôn nhân, ma chay, làm lụng, hội họp, tranh kiện, v.v...(4) Bởi vậy bắt đầu từ khâu sưu tầm tư liệu, trong tư cách người sưu tầm, Nguyễn Đổng Chi đã bắt buộc phải có những thao tác đồng bộ, cẩn trọng và có cách ứng xử tinh tường. Tư tưởng chủ đạo này sẽ xuyên suốt các công trình nghiên cứu sau này của ông. Nó giúp ông từ cách góp nhặt và sàng lọc tư liệu cho đến cách thể hiện tác phẩm bằng văn bản đều cố gắng theo hướng giữ nguyên tính nguyên hợp chứ không chia tách chúng ra theo hướng đơn giản hóa, và luôn lý giải nó trong cả hai chiều vận động không - thời gian. Có thể nói, mọi hiện tượng văn học dân gian đều được Nguyễn Đổng Chi thấu cảm như một hiện tượng động chứ không tĩnh, nghĩa là chúng phải được nhận diện trong dạng thái đang biến đổi, chuyển hóa chứ không bao giờ đứng im: “đối tượng nghiên cứu thì tương đối ổn định còn đối tượng sưu tầm thì sống động. Văn học nghệ thuật của quần chúng gắn liền với đời sống của quần chúng cũng sinh sôi nảy nở bất diệt như sự sống. Cho nên, ngay trong một loại hình, có tác phẩm đã phát triển thành một hiện tượng hoàn chỉnh, có tác phẩm chỉ mới là một yếu tố, thậm chí có thể chỉ mới manh nha, chưa rõ hình thù. Lại có tác phẩm đã suy tàn, bị mất mát gần hết, chỉ còn lại một đôi câu đôi đoạn”.(5) Nguyễn Đổng Chi quả rất ít khi dựa vào một cái khuôn có sẵn để phân tích, đánh giá đối tượng của mình một cách hời hợt, dễ dãi. Trong công trình Folklore với thực tại, Vladimir Propp, một đại biểu lỗi lạc của trường phái folklore Xlavơ (Slav) cũng có đề cập: “Chúng ta xem xét mọi hiện tượng (văn học dân gian - HQH) trong sự vận động của nó, bắt đầu nảy sinh, theo dõi quá trình phát triển, sung mãn và có cả sự suy tàn, tan rã biến mất của nó”.(6) Qua phương pháp nhận diện và cách lý giải văn học dân gian trong sưu tầm nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, có thể thấy rõ sự trùng hợp có thể là vô thức của tư tưởng chủ đạo này giữa Propp và ông.

Để đạt được mục tiêu mà mình nhắm tới, Nguyễn Đổng Chi đã kiên trì bằng cách truy tìm đến tận cùng những hình thức biểu hiện khác nhau, các cung đường lưu hành khác nhau, môi trường tiếp xử khác nhau, hoặc các cách ứng diễn khác nhau... của cùng một đơn vị tác phẩm, cốt thâu thái lấy khối lượng xù xì phức hợp mà tác phẩm đó trên đường lưu chuyển giữa cuộc sống cộng đồng đã tích hợp được vào cho nó: “Mục tiêu vươn đến của [người sưu tầm khoanh vùng] là toàn bộ di sản văn hóa của một vùng nhất định. Hơn nữa - điều này mới là quan trọng – anh không phải đứng trước một kho tài liệu đã được phân loại đâu ra đấy mà đứng trước một kho tài liệu đang ở cái dạng hỗn hợp, nguyên chất; các yếu tố, các thể loại còn dính liền chồng chéo với nhau. Cho nên, người sưu tầm khoanh vùng phải xác định cho mình một đối tượng rộng, phức tạp và nhiều mặt hơn cái đối tượng thuần nhất của người nghiên cứu. Không cần phải vội tách bạch tài liệu thành từng khối, từng mảnh, trình tự công việc sưu tầm là khéo léo gỡ dần từng cái nút trong tư tưởng, cũng như trong cách thức diễn đạt của quần chúng, để có thể thâu thái lấy mọi nguồn tài liệu một cách mạch lạc, hệ thống, dưới cái dạng thật là nguyên vẹn, nhằm cung cấp cho mọi bộ môn nghiên cứu về sau”.(7)

Hệ quả tích cực của một phương pháp tổng hợp như trên có thể thấy ngay trong phần Khảo dị của công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đây là một kỳ công ở Việt Nam về mặt tư liệu văn học dân gian, như nhiều người nói, có thể sánh ngang với những công trình nổi tiếng trên thế giới như Truyện cổ Grimm. Cách truy tìm tư liệu “nguyên dạng” và “đến gốc” như vậy giúp Nguyễn Đổng Chi có cái nhìn thấu đáo về thực tại và nắm vững tính đặc thù của truyện cổ tích Việt Nam cũng như một số thể loại khác. Cần phải nói thêm, đây chính là sự vận dụng tài tình giữa phương pháp ghi chép dân tộc học và phương pháp Phần Lan hay còn gọi là phương pháp địa lý lịch sử được ông áp dụng từ rất sớm. Từ công tác điền dã, sưu tầm, ông đã chủ động được nguồn tài liệu và làm chủ lý thuyết công cụ mà không quá phụ thuộc vào nó.

Đặc biệt, dù tiếp thu lý thuyết đến đâu, trong quá trình trải nghiệm, khi nâng lên thành những ý tưởng khoa học, Nguyễn Đổng Chi thường có chủ kiến và giữ vững chủ kiến. Trong vấn đề phân loại truyện cổ tích (trong Phần thứ nhất: Nghiên cứu chung về thể loại, của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam), ông đã lý giải nó bằng một tư duy lý luận độc đáo, có chứng cứ chắc nịch, đủ sức thuyết phục ngay với cả những người chưa hẳn đồng tình trên một số khía cạnh. Quan điểm phân loại của ông vốn bắt nguồn từ công việc điền dã rất lâu dài và khổ công, nghĩa là tựa vững vào thực tiễn mà đề xuất, nên dầu chỉ là đúc kết kinh nghiệm không thôi, vẫn tạo nên những hạt nhân lý thuyết có giá trị, mang tính chỉ dẫn quan trọng. Và nhờ phối hợp gắn bó giữa lý luận và thực tiễn, Nguyễn Đổng Chi đã có khả năng ưu việt hơn người, ở chỗ, nắm bắt được bản chất hiện tượng trong chiều sâu cấu trúc của thể loại tác phẩm, cũng như lý giải vấn đề theo cách riêng của mình, trong đó có không ít điều mới lạ từng gây được sự quan tâm của giới học thuật. Nhiều chuyên gia đánh giá cao công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi là vì thế. Ở đây tôi chỉ lưu ý đến góc nhìn lâu nay vẫn ít được nói tới: chính công tác sưu tầm bài bản dựa trên nền tảng lý luận vững chãi của ông đã dẫn đến những thành công đó.

2. Cái mới trong nhận thức được đúc kết từ khảo sát thực tại, dù ở mức độ nào cũng đều có những phần khả thủ. Bởi vậy mà để đánh giá cho sát đúng, chúng ta nên tìm ra hạt nhân hợp lý từ trong quan niệm - ẩn ngầm hoặc hiển minh - của người viết, chứ không nhất thiết quy chiếu vào những lý thuyết, tiêu chuẩn này kia mà mình coi là kinh điển lâu nay. Tôi muốn nhắc lại vấn đề tiêu chí phân loại cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã từng gây nên những tranh luận khoa học bổ ích. Sau khi Tập 1 ra mắt (1958) một số nhà folklore trong nước bấy giờ chưa hẳn đồng tình, ngay cả Maurice Durand, học giả người Pháp, tiếp xúc với công trình này cũng cho rằng cách Nguyễn Đổng Chi đề xuất đặc trưng thứ nhất là “tính chất cổ của sự việc” trong ba đặc trưng thể loại của truyện cổ tích Việt Nam mà ông đúc kết được, không thật hợp lý. Theo Durand, cái ranh giới giữa “kim” và “cổ” Nguyễn Đổng Chi nêu lên còn hơi mơ hồ, vì không có ranh giới rõ rệt về thời gian. Nhưng nếu nhìn những kiến giải của Nguyễn Đổng Chi dưới góc độ của người trực tiếp sưu khảo thì sẽ thấy khái niệm “cổ” và “kim” mà ông trình bày, dường như nhằm xác lập điều kiện để sàng lọc tư liệu, nhận dạng tác phẩm cổ tích, hơn là để phân loại. Trong mớ hỗn độn của tư liệu sưu tầm được, cái nào là cổ tích đích thực, cái nào là ngụy cổ tích hay cổ tích tân biên? Điều này không thể dựa vào chủ đề, đề tài hay một số dấu hiệu thuần túy hình thức như nhiều người vẫn nghĩ, mà phải lần sâu vào lớp cấu trúc bên dưới để truy tìm cái biểu hiện ra bên ngoài của tác phẩm. Nhưng bắt đầu từ đâu để tiến hành xử lý? Nhìn cách lý giải của Nguyễn Đổng Chi về việc xác định đối tượng cổ tích, dù không xem như là tiêu chí vẫn thấy ông có chủ ý đi vào khảo sát đặc điểm tư duy để từ đó phân định những nét đặc thù trong tổ chức cấu tạo cổ tích Việt Nam. Theo ông, xác định cái “cổ” đích thực trong sáng tác dân gian phải quy về phạm trù tư duy hơn là soi xét trên bình diện lịch sử xã hội. Mà nói tới đặc điểm tư duy cũng tức là bám sát cách nhận thức của dân gian. Dân gian hình dung những câu chuyện đã xẩy ra trong quá khứ bằng một từ mở đầu “Ngày xưa”, trong đó sự việc được quy về những type, những biểu tượng, motif... thông qua đầu óc tưởng tượng rất tượng trưng của họ, chứ họ đâu có khu biệt sự việc này thuộc về hình thái xã hội Lê và sự việc kia là thuộc về hình thái xã hội Nguyễn, v.v... Điều đó chỉ có người thực sự đi sâu khám phá đích thực đời sống văn học dân gian mới nắm vững.

Vậy là rõ, phải ý thức được truyện cổ dân gian như một kiểu nhận thức, một hình thức tư duy về hiện thực trong quá khứ thì mới đủ khả năng khơi sâu vào các phương thức tổ chức cấu tạo tác phẩm để nhận ra cách kể chuyện hay là diễn ngôn mang nét khu biệt của từng thể loại khác nhau. Từ đặc điểm tư duy, ta còn thấy được thế giới quan, vũ trụ quan của tác giả dân gian lưu lại dấu ấn thông qua các yếu tố ly kỳ trong cổ tích mà nhiều người vẫn lấy làm tiêu chí phân loại. Vậy, khái niệm “cổ” do Nguyễn Đổng Chi đưa ra, có thể không xác định được niên đại của đối tượng như một số người nghĩ, nhưng lại có ý nghĩa định hướng cho người sưu tầm khảo cứu nhận diện đúng “bản lai diện mục” của thể loại. Đặt trong bối cảnh thời đại lịch sử của việc nghiên cứu bấy giờ, quan niệm về cái “cổ” nâng lên thành đặc trưng hàng đầu như của Nguyễn Đổng Chi còn có tác dụng nhắc nhở, cổ xúy cho một phương pháp xử lý tư liệu khoa học, nhằm phê phán cách sưu tầm thiếu cẩn trọng và có xu hướng hiện đại hóa tác phẩm, điều mà Nguyễn Đổng Chi rất xa lạ, trong việc lưu giữ, truyền bá di sản tinh thần dân tộc, từng bị ông chỉ trích không phải chỉ một lần, ngay trong bộ sách Kho tàng... và trong một số bài viết khác của mình.

Riêng việc sử dụng khái niệm “thần kỳ” và “thế sự” mà trước đó, Trương Tửu dùng làm tiêu chí chung cho các thể loại tự sự dân gian, thì đến lượt ông, khái niệm ấy lại định vị cho thể loại cổ tích trong phân loại. So với tiêu chí “cổ” - “kim” ở trên thì đây là hai kiểu thao tác khác nhau: một dùng cho việc xử lý tư liệu và một dùng cho phân loại cổ tích. Chính Nguyễn Đổng Chi trong tầm vóc một người bao quát và hệ thống cả một kho truyện, đã rất tâm đắc khi cân nhắc dùng lại hai phạm trù này. Do không hiểu được ý đồ của tác giả nên M. Durand cho rằng Nguyễn Đổng Chi phân loại “cũng hình thức không kém gì những người đi trước ông”(8) là một ngộ nhận đáng tiếc. Hiện nay cách chia này vẫn được các nhà folklore Việt Nam quan tâm. Cho dù một số khía cạnh chưa hẳn thống nhất (như không muốn tách riêng một loại “cổ tích thần kỳ”), nhưng Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên và một số người khác vẫn thừa nhận tính hợp lý của cách phân loại của Nguyễn Đổng Chi. Ngoài ra, nhiều người còn ghi nhận việc Nguyễn Đổng Chi đề xuất thêm tiểu loại cổ tích lịch sử bên cạnh hai tiểu loại thần kỳ và thế sự. Trở lại vấn đề nêu ở trên, nếu đi sâu tìm hiểu thì thực chất việc chỉ ra tiểu loại cổ tích lịch sử của nhà học giả cũng là dựa trên tiêu chí tư duy của loại hình nghệ thuật như đã nói. Propp, khi đề cập đến quan hệ giữa folklore và văn học, có lưu ý: “Trong lĩnh vực ý thức đó là sự giống nhau về các hình thức phạm trù tư duy, quan niệm tôn giáo, sinh hoạt nghi lễ, ngôn ngữ và folklore”.(9) Nghĩa là để phân biệt các loại hình nhận thức, chính Propp cũng dùng đến “phạm trù tư duy”. Quả tình, chỉ có đứng trên góc độ của người điền dã, sưu tầm mới thấy được mối liên hệ sâu xa giữa tư duy và cách biểu đạt, các kiểu tổ chức nghệ thuật: cốt truyện, kiểu nhân vật, motif của các thể loại văn học dân gian qua không-thời gian, để từ đấy phân loại và lẩy ra những khía cạnh đặc thù. Càng thấy rõ hơn, nhà sưu tầm - điền dã Nguyễn Đổng Chi đã nhìn tác phẩm văn học dân gian trong trạng thái vận động, khác cách nhìn phân lập của các nhà lý luận khi soi chiếu tác phẩm văn học dân gian vào loại hình học. Với khả năng quan sát kỹ lưỡng các biến thái cụ thể của đối tượng, Nguyễn Đổng Chi nhận thấy những gì đã diễn ra trong thực tại cổ tích Việt Nam không hẳn trùng khớp với lý thuyết về thể loại, nhất là lý thuyết ở châu Âu vốn được đúc kết từ thực tại của những nền văn hóa có ít nhiều dị biệt so với Việt Nam. Và hình như cũng chính cái khoảng trống tạo ra sự so le giữa hai bên, sự dị biệt về đời sống văn hóa, lịch sử, xã hội khi so sánh truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của các dân tộc khác trên thế giới, đã hướng Nguyễn Đổng Chi tới chỗ tìm tòi sâu, tìm cách lý giải và khai thác đến tận cùng những gì mình phát kiến. Cho nên khi nói: “Truyện cổ tích lịch sử có thể là một thể loại mang đậm nét đặc thù của truyện dân gian Việt Nam, bởi lẽ con người Việt Nam xưa nay, do điều kiện lịch sử... thường xuyên có cái nhìn “lịch sử hóa” đối với mọi hiện tượng sự vật”,(10) là ông đã phân tách được ra trong truyện cổ tích một dạng nhận thức hoài cổ rất đặc trưng của người Việt. Đấy là nét tinh tế trong cảm nhận của Nguyễn Đổng Chi về thể loại cổ tích Việt Nam mà Hy Tuệ đã có nhận xét thích đáng: “Nguyễn Đổng Chi còn tiếp tục đào sâu vào đặc điểm tư duy của người Việt, lấy đó làm chỗ dựa chính để khái quát đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam”.(11) Nói cách khác, bản thân ông khi khảo sát đã cố gắng bám vào cội rễ của thể loại cổ tích Việt Nam, xem xét nó trong mối quan hệ với nền văn hóa đã sinh ra nó. Khám phá này của Nguyễn Đổng Chi được nhiều người khẳng định và xem như một đóng góp mới mẻ về thể loại, vượt ra khỏi khuôn khổ quy ước trong lý thuyết thể loại cổ tích của thế giới đã được nhiều người áp dụng. Nói như Nguyễn Chung Anh: “Nguyễn Đổng Chi khám phá ra một loại hình cổ tích lịch sử mà nhiều nước không có”.(12) Chỉ có người hiểu và sống đến tận cùng nguồn gốc, đời sống đích thực của cổ tích Việt Nam mới phát hiện được đặc tính này. Cho nên bảo rằng do “lăn lộn từ lâu giữa một “kho tàng” cổ tích dân tộc giàu có, lại có điều kiện tham khảo, đối sánh với kho cổ tích nước ngoài, Nguyễn Đổng Chi đã nắm rất vững đặc điểm loại hình của từng kiểu truyện cổ tích và chỉ ra rất đúng ba loại truyện thực sự tồn tại trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”(13) là một sự đánh giá công bằng, sòng phẳng, xác đáng, về nhận thức và thao tác khoa học của ông.

Trở lại với học giả người Pháp, M. Durand, dù không đồng tình với việc phân loại của Nguyễn Đổng Chi nhưng ông lại thừa nhận “Nguyễn Đổng Chi rất thận trọng trong việc minh giải các cổ tích và truyền thuyết, ông không kiến tạo gì cả, không khai thác bằng cứ”.(14) Một cách gián tiếp, Durand đã thừa nhận thái độ cẩn trọng, khách quan của Nguyễn Đổng Chi khi xử lý tài liệu cổ tích để đi đến những nhận định khoa học. Giá trị khoa học ấy trước hết là bài học về vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để tìm nét đặc thù của nó chứ không nhằm dùng thực tiễn để minh họa cho lý thuyết.

Cách tiếp cận theo hướng nhìn vận động còn giúp Nguyễn Đổng Chi nhìn trúng những biến thái tinh vi của đối tượng, cho phép mình thâu nạp thêm vào đối tượng những hình thức biểu hiện sinh động khác nhau mà nếu cứ theo cách phân tích truyền thống, tạm gọi là lý thuyết chay, thì không sao thấy được, hoặc có thấy cũng không đủ bản lĩnh giải quyết theo hướng nào. Chẳng hạn ông chỉ ra: “Truyện Tấm Cám nhiều nơi kể xuôi. Trong đó có một số câu vần vè... nhưng cũng có nơi bẻ truyện ấy thành một bài vẫn vè dài”.(15) Nhờ cách nhìn sống động từ thực tiễn ấy mà các phương pháp tiếp cận của ông rất gần với một số trường phái nghiên cứu folklore đang được thế giới ứng dụng.

3. Vào nửa đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi bước vào tuổi 70, Nguyễn Đổng Chi đã nhiều lần tham gia đăng đàn về vấn đề phương pháp luận điền dã, nghiên cứu văn học dân gian trong các hội thảo khoanh vùng văn học dân gian. Năm 1985, Hội thảo khoa học về văn học dân gian miền Trung lần thứ II tổ chức ở thành phố Quy Nhơn (do Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Quy Nhơn đồng chủ trì), ông đã đọc tham luận và tham gia tích cực vào việc cổ vũ cho phong trào sưu tầm khoanh vùng này. Đây cũng là một lĩnh vực Nguyễn Đổng Chi có nhiều đóng góp về mặt khoa học. Nhiều bài viết của ông được truyền tải trên các diễn đàn khoa học, các tạp chí, gây được sự chú ý của giới nghiên cứu folklore. Việc xác định khoanh vùng văn học dân gian Việt Nam là một trong những hướng sưu khảo thực sự có ý nghĩa, phù hợp với thực tế văn hóa lịch sử Việt Nam. Nó đã góp phần tích cực trong việc bảo lưu giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc suốt thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, trải dài khắp cả nước, được nhiều nhà khoa học quan tâm.

Nói cho đúng, ngay từ thập niên 60, cùng với một số nhà folklore tâm huyết, Nguyễn Đổng Chi đã đề xướng khoanh vùng văn hóa và văn học dân gian. Theo ông, “Phương thức sưu tầm khoanh vùng hẹp là phù hợp với thực tế lịch sử Việt Nam”.(16) Ông còn cho rằng: “Trong thời đại cũ văn học dân gian thường gắn với địa phương nhỏ hẹp: làng xã. Làng xã Việt Nam ngày xưa không đơn thuần là đơn vị hành chính mà còn là đơn vị sinh hoạt xã hội”,(17) và “chỉ có phương thức sưu tầm này mới giúp nhà nghiên cứu có cái nhìn hoàn chỉnh từ gốc đến ngọn”.(18) Cách đặt vấn đề như vậy là một bước tiến khá hiện đại về mặt khoa học. Theo tinh thần đó, tôi nghĩ, Nguyễn Đổng Chi đã hiểu sâu đến cốt lõi lý thuyết của trường phái Phần Lan; ông tạo nên sự khác biệt với nhiều nhà nghiên cứu vốn coi trọng nhiệt tình mà quên đi phương pháp, nên đã sa vào việc: “đem văn học dân gian rập khuôn theo văn học thành văn trong khi sưu tầm nghiên cứu và giới thiệu văn học dân gian. Sẵn đâu làm đấy, tiện đâu làm đấy... nhiều khi chỉ dựa trên một văn bản duy nhất, sẵn có, không chú ý đến hoàn cảnh phát sinh của nó”.(19)

Đắm mình vào hoạt động điền dã, Nguyễn Đổng Chi còn thấm thía văn hóa làng xã là nền tảng và đơn vị xúc tác giữa các thành tố để tạo nên diện mạo văn học dân gian. Theo ông, sự định hình từng thể loại văn học dân gian nhiều khi lại bắt nguồn từ thói quen, sở thích về một số làn điệu đặc biệt của mỗi một địa phương: “Mỗi loại dân ca đều phải trải qua một quá trình phát sinh và phát triển của nó, tạo nên những vùng truyền thống đặc biệt bao gồm một số làng, bản nhất định”.(20)

Đi sâu theo hướng này, ông còn thấy các hiện tượng văn học dân gian lẫn vào trong các thành tố văn hóa khác và chịu sự chi phối của nhiều quy luật vận động. Thậm chí có yếu tố mất đi, suy tàn hay lệch chuẩn v.v... nên công việc của người nghiên cứu đòi hỏi phải nắm bắt tất cả và đưa vào những hệ thống của nó để soi xét. Cách xử lý công việc rốt ráo giúp nhà nghiên cứu không bỏ sót bất cứ hiện tượng nào có liên quan đến văn học dân gian. Nó là điều kiện thuận lợi để người nghiên cứu nhận ra những giá trị đặc thù của thể loại thuộc về một vùng, miền cụ thể; mặt khác cũng bắt buộc người nghiên cứu không được làm việc kiểu thụ động dựa vào tư liệu có sẵn mà phải chủ động tìm kiếm, tôn trọng tính khách quan của đối tượng khảo sát, và biết cách sàng lọc, trích xuất các vấn đề trong đống tư liệu hỗn độn có liên quan mật thiết với nhau để xác định đối tượng nghiên cứu cụ thể cho mình. Đấy là tư tưởng và cũng là phương pháp của các nhà Nhân học văn hóa, một trường phái nổi tiếng trên thế giới. Từ nhận thức tương tự, Nguyễn Đổng Chi chủ trương khi đi sưu tầm phải “chịu khó ghi tất cả những hiện tượng văn học, nghệ thuật dân gian vô luận là của địa phương ấy hay từ địa phương khác đến, phổ biến rộng hay hẹp, tiến bộ hay lạc hậu, thanh tao hay dâm tục, định hình hay sắp định hình, trọn vẹn hay chưa trọn vẹn”.(21) Nói gọn lại là phải thu lượm bằng hết những gì nghe và thấy một cách chính xác, khách quan. Ở đây người nghiên cứu sẽ được nhìn vấn đề toàn diện trong nhiều mối quan hệ phức tạp của văn học dân gian. Định hướng sưu tầm và phương châm làm việc ấy được ông thể hiện trong bài viết “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm” đăng trên tạp chí Văn học số 6 năm 1971. Theo tôi, đây là một công trình có giá trị cao về lý thuyết, do tích hợp từ kinh nghiệm sưu khảo của bản thân tác giả trước đó hàng chục năm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó cho thấy một phương pháp tiếp cận hiện đại, dồn nén nhiều thông tin có ý nghĩa đúc kết lý luận. Người đọc có thể tìm thấy nhiều nhận định trong bài viết có những nét tương đồng với lý thuyết của trào lưu Bối cảnh và nhất là phương pháp quan sát-tham gia rất cơ bản của trường phái Nhân học văn hóa. Hướng đi này như đã nói, ông đã tiến hành từ rất lâu vào thời tuổi còn rất trẻ của mình. Có thể thấy những kinh nghiệm đúc kết trong bài tiểu luận đáng giá kia là được rút tỉa cả từ các thao tác nhập cuộc vào đời sống hát giặm xứ Nghệ xa xưa của tác giả (đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, khi tác giả chuẩn bị vốn liếng cho cuốn sách Hát dặm Nghệ Tĩnh in năm 1944). Khi tìm hiểu công trình Hát Giặm Nghệ - Tĩnh tái bản có bổ sung năm 1962, ta thấy ông đã cùng lúc chú ý đến các bình diện: đặc trưng, hình thức, diễn xướng, tiểu sử, lề lối sinh hoạt của nghệ nhân. Khác với cách nghiên cứu truyền thống chỉ thu hẹp trong văn bản, theo hướng này, người nghiên cứu phải trực tiếp tham gia vào mọi hoạt động của đối tượng khảo sát, thông qua những trải nghiệm của bản thân để lý giải xem “người trong cuộc” hành động và suy nghĩ như thế nào. Đó là cách nhìn được gọi là “cách nhìn emic (emic view)”. Ở đây, Nguyễn Đổng Chi đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ nhân - ông gọi là người “bẻ chuyện” - mà theo tôi là một điểm nhấn quan trọng, phù hợp với lối nghĩ và cách làm thường phụ thuộc vào người khởi xướng, đầu tàu của nhân dân trong các lĩnh vực sinh hoạt. Có lẽ vì vậy mà ông đã thoát ra khỏi “cái tôi” cố hữu của nhà nghiên cứu truyền thống, để hòa vào đời sống của cộng đồng, đúng hơn là đời sống của văn học dân gian. Ông cho rằng: “Trong khi tiến hành công việc, anh ta (chủ thể nghiên cứu - HQH) vượt khỏi sự đơn độc cá nhân bằng cách đưa công việc đó về với quần chúng”.(22) “Và đây cũng là một mối quan hệ biện chứng: khi cái yêu cầu sưu tầm văn học dân gian đã thấm sâu vào trong quần chúng, thì quần chúng sẽ thực hiện yêu cầu đó một cách chủ động và đầy sáng tạo. Trong một tình hình như vậy, người sưu tầm sẽ chỉ còn đóng một vai trò rất thứ yếu. Ấy thế nhưng anh ta đã thành công: anh tự che khuất mình đi, đồng thời anh cũng trả lại cho quần chúng phần việc đầy ý nghĩa nằm trong sự nghiệp... của chính quần chúng”.(23) Muốn làm được vậy, “người sưu tầm dù muốn dù không về mặt tri thức, cũng buộc phải thâm nhập ngày một sâu vào địa phương mà mình chọn làm đối tượng sưu tầm”.(24) Ai dám bảo phương thức trở về tham gia vào sinh hoạt văn nghệ dân gian của quần chúng của Nguyễn Đổng Chi là không có cơ sở khoa học, nếu không nói là rất hiện đại? Nhờ thâm nhập sâu, sống hòa hợp và nhất là rất hiểu nghệ nhân nên không ít chỗ diễn giải trong công trình khiến cho ta có cảm giác như tác giả cũng đã là “người trong cuộc” chứ không còn phải là nhà khoa học đứng bên ngoài quan sát. Không thể không thừa nhận cách tiếp cận văn học dân gian của ông mang được cái nhìn mới mẻ, chứng tỏ ông thực sự là một nhà folklore tiên phong về phương pháp. Điều đó lý giải tại sao vào thập niên 40 thế kỷ trước, khi bắt đầu chọn thể loại hát giặm Nghệ - Tĩnh làm một mũi nghiên cứu, Nguyễn Đổng Chi lại có thể tinh tường trong những lớp cắt khảo sát mà ngày nay đối chiếu với trào lưu Bối cảnh ở Mỹ thì có nhiều điểm không hề xa lạ với nhau.

4. Trường phái Bối cảnh cụ thể (contextual movement) của Mỹ xuất hiện từ cuối thập niên 60 đầu 70 thế kỷ XX và đến Việt Nam khá muộn. Nếu soi rọi từng khía cạnh, ta sẽ thấy sự đúng đắn của việc thám sát tác phẩm văn học dân gian qua công tác điền dã, khảo cứu của Nguyễn Đổng Chi. Phương pháp chính khi dẫn nhập văn học dân gian của trào lưu này là quan sát, tham gia vào thực tại sinh động đời sống tác phẩm. Nó đòi hỏi người nghiên cứu phải lấy thông tin từ các tình huống cụ thể, bối cảnh cụ thể và suy nghĩ như chính đối tượng nghiên cứu (inside). Đấy là một phức thể các quan hệ tạo nên sự tương tác để truy tìm các yếu tố chi phối hành vi ngôn ngữ, hành vi giao tiếp của tác phẩm văn học dân gian. Quá trình thực hiện này đòi hỏi người ghi chép phải dấn mình vào đối tượng mà công cụ hữu hiệu nhất là hành vi ngôn ngữ giao tiếp. Theo đó, cần xem hành vi ngôn ngữ gắn với hoạt động giao tiếp là lợi khí tiếp xử và giải mã văn học dân gian. Dan Ben-Amos, đại biểu xuất sắc của trào lưu này cho rằng: “Việc kể chuyện cũng chính là bản thân câu chuyện; bởi thế người kể chuyện, câu chuyện người đó kể và người nghe câu chuyện đó đều liên quan với nhau như các thành phần của một thể liên tục, đó là sự kiện giao tiếp”.(25) Ông còn nhấn mạnh hơn tính chất giao tiếp của nó và xem nó như là bản chất hiện tượng này: “Để một hành động foklore diễn ra, cần có hai điều kiện xã hội: Cả người trình diễn lẫn khán giả đều phải ở cùng một tình huống... Điều này hàm ý rằng, giao tiếp folklore diễn ra ở một tình huống mà trong đó người ta giáp mặt nhau là liên hệ trực tiếp với nhau”.(26) Chỉ có khảo sát theo hướng trên mới thấy sự biến động của các yếu tố tác phẩm trong những bối cảnh cụ thể. Đối chiếu với các quan niệm trên đây, ta sẽ thấy quan niệm của Nguyễn Đổng Chi, đúng hơn là phương pháp tiếp cận của ông, đã lộ diện hình hài của khuynh hướng này. Cần phải nói rằng ông đã tiến hành phương pháp của mình khi trào lưu Bối cảnh của Mỹ chưa ra đời. Khi thật sự đặt trọn vẹn cảm hứng vào cuộc hát cuộc chơi, Nguyễn Đổng Chi đã phát hiện ra hiện tượng: “Câu láy lại của hát giặm phải chăng là một câu thừa chỉ khiến cho lời văn thêm rườm rà và lích kích. Trên thực tế thì quả đây là một bộ phận “đệm” xuất phát từ nhu cầu nhạc điệu bài thơ mà không phải nhu cầu về phương diện văn học”;(27) ở chỗ khác, ông lại thấy: “Cho nên giữa những đoạn đồng vẫn, nếu có lạc vào một câu khác vẫn thì nghe lại dễ chịu. Những câu lạc vẫn ấy vô tình trở nên phù hợp với quy luật của thơ ca từ Đông sang Tây”,(28) và nữa: “Người hát chú trọng ý nghĩa và giọng hát hơn là đẽo gọt câu văn; nhiều khi có thể đặt sai vần cũng không có gì quan hệ”.(29) Những mô tả trên cho thấy: thứ nhất, chỉ có người trong cuộc mới có cảm nhận đúng đắn về sự phóng túng của lời hát vượt khỏi khuôn khổ phạm vi văn chương; thứ hai, sự sống đích thực của hát giặm không quá lệ thuộc vào văn chương mà nặng về kỹ năng phô bày, trình diễn cá nhân trong một bối cảnh sinh hoạt cụ thể; thứ ba, nhiều yếu tố xuất hiện ngẫu hứng trong những trường hợp cuộc hát đến độ cao trào khiến cho hình thức biểu đạt tác phẩm hiện diện một cách xuất thần với độ co giãn đặc thù về câu chữ mà nếu không xét đến bối cảnh ra đời cụ thể của từng trường hợp thì không thể cảm thụ hết vẻ đẹp của chúng. Tuy tác giả chưa khảo sát so sánh hiện tượng này trong từng hoàn cảnh mà ông thâu nhận được, nhưng khi ông coi yếu tố biến động giữa cuộc hát là một đặc điểm hình thành lời hát thì có thể hiểu đấy là cơ chế động chứ không phải tĩnh của tác phẩm văn học dân gian. Ông lượng tính rất rõ cánh cửa đến với đối tượng phải đi từ lối nghĩ, lối nói bình dân. Chính ở đây ông thể hiện một phẩm chất tuyệt vời hiếm ai có được. Cũng theo Nguyễn Chung Anh: “Nguyễn Đổng Chi là một người biết nói chung một thứ ngôn ngữ với nông dân... Ông hòa nhập thoải mái được với người đối thoại y như đã biến thành một người nông dân thực thụ, một người thợ cày chất phác hiền lành”.(30) Nhờ vậy ông thấu hiểu được cách suy nghĩ, cách biểu đạt ngôn từ của họ. Việc sưu tầm đối với Nguyễn Đổng Chi chính là tham gia, thẩm thấu đến tận cùng chiều sâu lối nói, lối nghĩ của chính người sáng tác. Nói rằng ông đã phát hiện được tầng nghĩa sâu của tổ chức, cấu trúc làn điệu hát giặm xứ Nghệ thực không có gì ngoa. Hãy xem nhận xét sau đây của ông: “Ngày xưa các cụ già Nghệ - Tĩnh sành hát giặm vẫn cho hai vẫn trắc cuối mỗi đoạn (trong đó có câu láy lại), rất quan trọng: Có thể nói đó là tai mắt của bài, hay nói một cách khác, ở hai câu cuối ấy tác giả đã thể hiện được những gì đặc sắc, đã vận dụng những cái dí dỏm, những cái hùng tráng của ngôn ngữ tư tưởng của mình vào đấy”.(31) Đấy không phải là mô tả hiện tượng khách quan thuần túy mà trước hết là cảm nhận của người trong cuộc. Đúng hơn cùng một lúc, ông phát hiện ra sự hòa quyện giữa trạng thái tâm lý, cách dùng kỹ thuật lời nói và sức mạnh của phương ngữ trong lối hát và lời hát một cách tinh tế, khoa học. Hay nói cách khác, tuy không trình bày trên các cấp độ nhưng trong giới hạn nhất định, ít nhiều ông đã chạm đến ba cấp độ khảo sát: văn bản, kết cấu, và bối cảnh. Chính đấy là mô hình phối hợp khảo sát mà Dan Ben-Amos đã đề cập. Do đó trong quá trình nghiên cứu, dù không tạo ra những mệnh đề theo kiểu lập thuyết (nhiều khi là để cho có vẻ mình đang “đề xuất lý luận”), nhưng các lý giải của Nguyễn Đổng Chi lại khá trùng hợp về quy trình tiếp cận đối tượng của trường phái này.

Có thể khẳng định mà không sợ nhầm, phương pháp tiếp cận của Nguyễn Đổng Chi từ rất sớm ít nhiều đã mang tính dự báo khoa học rất có ý nghĩa. Những khám phá mang tính thể nghiệm của ông đã thực sự tạo ra bước đột phá về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam. Những ý tưởng mới do ông nêu ra thường có giá trị đánh dấu về mặt nhận thức, đúng như điều Nguyễn Chung Anh tâm đắc: “Nhận xét của Nguyễn Đổng Chi bao giờ cũng gọn gàng mà làm bật ra cái mới, cái lý thú của tác phẩm”.(32) Đặt trong bối cảnh thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mà nghiên cứu văn học và rộng ra là khoa học xã hội nhân văn bị chi phối khá mạnh bởi phương pháp xã hội học ít nhiều dung tục thì việc thay đổi nếp nghĩ, cách tiếp cận như vậy là một bước tiến khoa học rất có ý nghĩa. Nếu chúng ta nhớ lại trường hợp tranh luận về hiện tượng Mỵ Châu - Trọng Thủy kéo dài suốt những năm đầu thập niên 1960 trên tập san Nghiên cứu văn học của Viện Văn học (1962-1965), thì mới thấy sự lạm dụng của thói quen tư duy chính trị, xã hội học thô thiển khi đánh giá một tác phẩm văn học dân gian để lại hậu quả tệ hại như thế nào. Không phải chỉ riêng trường hợp này mà ngay cả cái cách sưu tầm, bảo tồn vốn văn học truyền thống của dân tộc cũng có nguy cơ bị khuynh hướng trên lạm dụng. Điều đó đã được Nguyễn Đổng Chi mạnh dạn chỉ trích: “Năm 1910, một người Pháp... buộc một số làng xã ở Nghệ An phải trả lời trên một trăm câu hỏi liên quan đến văn học và văn hóa dân gian. Đặc biệt, năm 1938, một cuộc điều tra sưu tầm rộng rãi về thần tích cũng đưa lại một số tư liệu khá phong phú. Tuy nhiên, cái lối sưu tầm bằng vào một số câu hỏi cứng nhắc đưa từ trên xuống bắt chức dịch các làng xã trả lời là một phương pháp có thể đạt nhiều số lượng nhưng ít hiệu suất. Đọc những bản khai hầu hết là của chức dịch các làng xã trả lời theo từng câu hỏi, chúng ta dễ dàng nhận thấy, mặc dầu cũng có những địa phương “khai báo” rất nhiệt tình, nhưng vì không nắm được mục đích ý nghĩa của công việc, nên trong đó không khỏi có sự chấp hành lấy lệ, hoặc thiếu cụ thể sinh động, thậm chí có nhiều chỗ tùy tiện đặt ra để vừa ý bề trên. Không phải là chúng ta bác bỏ phương pháp đặt câu hỏi để thu hoạch kết quả qua câu trả lời của đối tượng đâu. Trái lại, chính phương pháp điều tra sưu tầm khoanh vùng hẹp lại đòi hỏi phải đặt ra nhiều câu hỏi chi tiết và linh hoạt. Nhưng chúng ta khó mà chấp nhận được cái kiểu sưu tầm đầy vẻ mệnh lệnh quan liêu kia. Hiện tượng thiếu tự giác của người trực tiếp sưu tầm cũng như sự cách bức giữa người sưu tầm và đối tượng sưu tầm dễ đưa đến những nhầm lẫn, lệch lạc, làm hại đến bản thân tài liệu. Trong thời gian trước cũng như thời gian gần đây có nhiều giáo viên buộc học sinh phải tiến hành thu thập một vài thể loại văn học dân gian. Điều đó cũng có cái hay về mặt huy động lực lượng, nhưng cũng có cái dở nếu học sinh chạy theo thành tích mà quên mất ý thức tôn trọng, bảo vệ tư liệu [nguyên lành]” (Những chỗ in nghiêng do tác giả nhấn mạnh).(33)

Tóm lại, phương châm của Nguyễn Đổng Chi trong việc sưu tầm, khảo cứu văn học dân gian là tham dự vào đời sống thực tại của tác phẩm. Đời sống đó luôn vận động, đòi hỏi người sưu tầm phải nắm thông tin từ các tình huống cụ thể theo đúng cách nhìn của chính đối tượng nghiên cứu. Trong thực tế, hành vi ngôn ngữ của người sáng tạo văn học dân gian không phải bao giờ cũng chuẩn mực do trí nhớ, do tác động của bối cảnh, thậm chí bị mai một. Nói như Nguyễn Đổng Chi: “có tác phẩm suy tàn, bị mất mát gần hết, chỉ còn lại đôi câu, đôi đoạn. Trước tình hình đó, đừng vội vàng phân loại để gạt ra khỏi đối tượng sưu tầm những gì mình thấy không còn trọn vẹn hay đang dở dang. Bởi vì những tác phẩm dở dang kia có khi không còn thích hợp lắm cho người muốn nghiên cứu toàn bộ nội dung văn chương, nhưng lại rất có ý nghĩa đối với người tìm hiểu lịch sử phát triển của thể loại, đặc biệt biết đâu lại rất tốt cho công tác sử học, dân tộc học, khảo cổ học”.(34) Không thể nói đây là kinh nghiệm thuần túy mà phải xem là những chỉ dẫn quan trọng của một cái nhìn thấu đáo về bản chất hiện tượng folklore và phương pháp liên ngành. Có lẽ không mấy ai ý thức được như Nguyễn Đổng Chi rằng, công việc sưu khảo văn học dân gian gần giống với công tác khảo cổ. Có thể dựa trên một vài vết tích, mảnh vụn để khôi phục lại diện mạo, hình hài của tác phẩm như nó vốn có.

5. Thay lời kết

Học tập rồi ứng dụng, rồi đúc kết và tiếp tục ứng dụng đã trở thành quy trình hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian của Nguyễn Đổng Chi. Không ai phủ nhận, ít nhiều các lĩnh vực nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi đều có chịu ảnh hưởng bởi các thành tựu khoa học chủ yếu từ châu Âu. Cho nên không lạ khi các công trình của ông để lại dấu ấn khá đậm của hệ phương pháp luận này. Tuy nhiên, ta có thể nói chắc, Nguyễn Đổng Chi không chỉ dừng ở đó mà đã vận dụng phương pháp liên ngành khá uyển chuyển với chủ kiến riêng của mình. Ông chú trọng khảo sát sự tác động của các thành tố xã hội, lịch sử vào cấu tạo tác phẩm cũng như cách thể hiện nó bằng giọng điệu phong cách dân gian. Nhờ xác định ranh giới và phối hợp quan sát tỉ mỉ nên trong việc đánh giá các hiện tượng văn học dân gian, ông nhanh chóng nắm bắt được thần thái của nó và đưa ra những nhận xét có sức thuyết phục cao.

Gần nửa thế kỷ đến với văn học dân gian, Nguyễn Đổng Chi là người bước vào thế giới sống động của chính nó, cùng tham gia, chiêm nghiệm về nó. Ông đã tạo được một phương pháp luận tiếp cận phù hợp với thực tiễn văn học dân gian của dân tộc. Khi va chạm vào thực tế, Nguyễn Đổng Chi nhận ra một vấn nạn là vấn đề văn bản học dân gian. Những đề cập của ông coi như đây là vấn đề cần tập trung công sức giải quyết, hoàn toàn có lý: “Từ đây nảy sinh một vấn đề mới đối với chúng ta: vấn đề văn bản học của văn học dân gian. Khi thu thập ca hay vè phải chăng chỉ cần ghi lấy lời mà bỏ nhạc? Khi thu thập tiếu lâm phải chăng chỉ cần chọn lấy những tác phẩm nào [được coi là] thật trọn vẹn?... Đã đến lúc không những chúng ta phải khai trừ dần lối sưu tầm cẩu thả mà còn phải quy định cho nhau một cách chặt chẽ những điều kiện, những yếu tố cần phải có đối với văn bản văn học dân gian. Chẳng hạn, đối với một tác phẩm như Trường ca Đam San, một hiện tượng như chèo Trái hê ở Hà Bắc thì buộc phải ghi, phải miêu tả, phải vẽ, phải chú thích... như thế nào cho đúng tiêu chuẩn”.(35) Tính chất đồng bộ nhất quán trong công tác điền dã, sưu tầm, khảo cứu văn học dân gian xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Đổng Chi và chính nó đã tạo tiền đề khoa học cho các công trình để đời của ông. Đấy là việc nghiên cứu văn học dân gian không dựa dẫm vào những tư liệu có sẵn mà phải đích thân chủ động tìm kiếm, phải khai thác đối tượng thể hiện dưới nhiều dạng thức biểu hiện đa sắc, đa cạnh do mình tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, rồi mới tiến tới đối chiếu, đánh giá để xác định đối tượng khảo sát theo như nó có. Người viết xin được trao đổi những gợi ý hết sức thú vị này vào một dịp khác vì nếu phát triển thêm thì tham luận sẽ quá dài.

Có thể nói, ngoài bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đồ sộ đáng khâm phục về mẫu mực của một công trình khoa học và một số công trình khác, Nguyễn Đổng Chi còn là một tấm gương sáng về thái độ làm việc cần mẫn, cẩn trọng đối với di sản tinh hoa của dân tộc. Điều đáng khâm phục hơn nữa là những suy nghĩ và thao tác khoa học của ông sau hơn nửa thế kỷ vẫn luôn hiện đại, không hề lạc hậu với một số trào lưu của khoa học folklore trên thế giới.

H Q H

CHÚ THÍCH

(1) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, tạp chí Văn học số 6-1971. In lại trong Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học, Tập I Văn học dân gian, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 144.

(2) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã

thí điểm”, Bđd, tr. 150.

(3) Như trên.

(4) Xem Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, Mọi Kontum, Mộng Thương thư trai xuất bản, Huế, 1937; Viện Viễn Đông bác cổ Pháp dịch sang tiếng Pháp và Nxb Tri thức in song ngữ dưới tên gọi Người Ba-na ở Kon Tum, Hà Nội, 2011.

(5) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, Bđd, tr. 151.

(6) V. Propp, “Folklore và thực tại”, Chu Xuân Diên dịch. In trong Folklore thế giới-Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.

(7) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, Bđd, tr. 150-151.

(8) Maurice Durand, Đọc “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” Tập 1 của Nguyễn Đổng Chi (Nguyễn Đổng Chi, Trésor des contes Vietnammiens), BEFEO, N° 1-1964; Nguyễn Từ Chi dịch trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, tái bản trọn bộ lần thứ 7, Viện Văn học, Hà Nội, tr. 496.

(9) V. Propp, “Đặc trưng của Folklore". Trích trong Folklore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 52.

(10) Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, in lần thứ 7, Sđd,

tr. 76-77.

(11) Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ bình diện một công trình nghiên cứu”, tạp chí Khoa học Đại học Văn hiến, số 4-2014, tr. 45.

(12) Nguyễn Chung Anh, “Nguyễn Đổng Chi - Nhà văn, nhà khoa học”, in trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, in lần thứ 7, Sđd, tr. 44.

(13) Hy Tuệ, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ bình diện một công trình nghiên cứu”, Bđd, tr. 44.

(14) Maurice Durand, Đọc “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” Tập 1 của Nguyễn Đổng Chi, Sđd, tr. 498.

(15) Cao Huy Đỉnh - Nguyễn Đổng Chi - Đặng Nghiêm Vạn, Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn, Vụ Văn hóa Quần chúng Bộ Văn hóa xuất bản, Hà Nội, tr. 52-53.

(16) Cao Huy Đỉnh - Nguyễn Đổng Chi - Đặng Nghiêm Vạn, Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn, Sđd, tr. 154.

(17) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, Bđd, tr. 154.

(18) Như trên.

(19) Cao Huy Đỉnh - Nguyễn Đổng Chi - Đặng Nghiêm Vạn, Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn, Sđd, tr. 27.

(20) Như trên, tr.29.

(21) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, Bđd, tr. 156-157.

(22) Như trên, tr.145.

(23) Như trên, tr.146.

(24) Như trên, tr.144.

(25) Dan Ben-Amos, “Tiến tới một định nghĩa về folklore trong ngữ cảnh”. In trong Folkore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Sđd, tr. 218.

(26) Như trên, tr.232.

(27) Nguyễn Đổng Chi, Hát giặm Nghệ-Tĩnh, Tập 1, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, tr.36. Sách này bổ sung, chỉnh lý, nâng cấp cuốn Hát dặm Nghệ - Tĩnh do Nxb Tân Việt xuất bản, Hà Nội, 1944. Đầu sách tác giả tuyên bố: Bỏ bản in lần thứ nhất. Hai tập 2, 3 là sưu tầm, có sự cộng tác của Ninh Viết Giao.

(28) Nguyễn Đổng Chi, Hát giặm Nghệ - Tĩnh, Tập 1, Sđd, tr.36.

(29) Nguyễn Đổng Chi, Hát giặm Nghệ - Tĩnh, Tập 1, Sđd, tr.20.

(30) Nguyễn Chung Anh, “Nguyễn Đổng Chi - Nhà văn, nhà khoa học”, Sđd, tr.39-40.

(31) Nguyễn Đổng Chi, Hát giặm Nghệ - Tĩnh, Tập 1, Sđd, tr.31.

(32) Nguyễn Chung Anh, “Nguyễn Đổng Chi - Nhà văn, nhà khoa học”, Sđd, tr. 36.

(33) Nguyễn Đổng Chi, “Qua việc khoanh vùng sưu tầm văn học dân gian tại một xã thí điểm”, Bđd, tr.155-156.

(34) Như trên, tr. 151.

(35) Như trên, tr. 154.

Post by: Khoa Ngữ văn
03-07-2024