Nghiên cứu khoa học

Để khắc phục tình hình phiên âm chưa chính xác các tác phẩm Nôm


15-10-2020

Mấy chục năm qua chúng ta đã phiên chú được một khối lượng đồ sộ các tác phẩm Nôm từ thơ cho đến văn xuôi, đó là một sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, việc phiên chú này không tránh khỏi còn có những chỗ chưa chính xác, chưa hợp lí. Lý do có nhiều: phần vì cách đọc và hiểu chữ Nôm còn có điểm bất cập, việc nghiên cứu chữ Nôm còn có những lĩnh vực chưa đi tới kết luận thống nhất trong học giới ở điểm này điểm nọ, dẫn đến cách đọc không thống nhất một số chữ Nôm; phần vì chúng ta còn thiếu những cuốn sách tra khảo về kiến thức công cụ liên quan đến chữ Nôm cổ như kiến thức về địa lí lịch sử, quan chức chế, khoa cử thư pháp Nôm, âm vận học phân kỳ tiếng Việt… và bao trùm lên tất cả là một bảng tra hoặc một từ điển từ cổ tiếng Việt có phân kỳ cho mỗi từ cổ. Do đó, việc phiên chú một tác phẩm Nôm cụ thể của một nhà khảo cứu nào cũng chỉ khép kín trong vốn tri thức và kinh nghiệm của bản thân nhà khảo cứu đó, không có một tiêu chuẩn nay một tư liệu khách quan nào để thẩm định việc nghiên cứu này là chính xác hay không. Ta chỉ thường dựa vào uy tín học thuật của nhà khảo cứu này để thừa nhận hay bác bỏ. Việc làm như vậy dầu đúng hay sai vẫn mang tính chủ quan và không có ý nghĩa chỉ đường, ý nghĩa sư phạm.

2. Nay thử lấy một số ví dụ trong cách phiên chú Truyện Kiều là sách được nhiều người chú ý và phiên chú nhất để xét xem những ý kiến nêu trên có thật thỏa đáng hay không. Vì Truyện Kiều dài 3.254 câu không thể xét hết, nên một số ví dụ nêu lên chỉ là lấy theo xác xuất:

- Câu 392: Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai. Các bản đều phiên là rẽ, là phiên cho dễ hiểu, các bản Quảng tập, Phúc văn, Quan văn đều viết chữ Nôm là @ (kỹ). Âm đầu /k/ không thể phiên thành /r/ được. /R/ có cách viết phổ biến là /l/, nếu là văn bản cổ lắm thì có thể viết là /s/. Vậy ở đây phải phiên là “ghẽ”, từ này còn thấy trong từ điển của Pigneau de Behaine(1) và Genibrel(2) có nghĩa là “chia rẽ” và “rời khỏi”. Bài phú Cư trần lạc đạo cũng có câu: “Đấng thượng sĩ chứng thật mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị”, Truyền kỳ mạn lục cũng có câu: “chim hồng ghẽ chim yến”.

- Câu 909 Trông vời gạt lệ chia tay. Các bản đều phiên là “gạt”. Nhưng các bản Nôm của Quan văn, Phúc Văn, Liễu văn đều ghi chữ Nôm là @ bạt, nghĩa là nhổ, kéo lên, nhô lên (bạt kỳ tụy) không rõ vì sao các nhà khảo cứu phiên là gạt. Từ bạt còn thấy trong từ điển của PB với nghĩa là lau, chùi (Essuger), ví dụ: bạt hàng châu lụy, Truyền kỳ mạn lục cũng có câu “bèn bạt nước mắt làm chia”, câu khác: “con gái ấy khăm mặt mũi bạt nước mắt rằng”, Truyện Phan Trần cũng có câu: “Vội vàng tay bạt đôi dòng”, ở Kiều câu 1858 “Dứt lời nàng vội bạt đi”. Về cách ghi chữ Nôm ta cũng thấy không thể dùng /b/ để ghi /g/ được.

- Câu 2216: Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong, các bản phiên âm đều ghi là “rong” và chú thích là rong ruổi. Về chữ Nôm các bản Phúc văn, Quan văn, Liễu văn, Kiều Oánh Mậu đều ghi chữ Nôm là chung @ (bộ mịch + đông), theo tiếng Việt lịch sử thì /ch/ sẽ chuyển thành /gi/ và chữ này phải đọc là “giong”. Từ này từ điển PB ghi nghĩa là chạy nhanh (courir vite), trong từ điển của Gén có từ “giong trâu”, giải nghĩa là “buộc trâu phải chạy nhanh” (presser un bufle pour le faire courir). Chinh phụ ngâm cũng có câu “Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn”. Hồng Đức quốc âm thi tập có câu “Khách giong bến nguyệt nối ca thanh”, chú ý “giong” khác với “dong”, “dong” chữ Nôm viết là @ (hỏa + đông) dùng /đ/ ghi /d/ là đúng vì tiếng Việt có xu hướng đ > d. “Dong” có nghĩa là cuốn lên cao, bôc lên cao. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của nêu ví dụ: “ngựa chạy dong đuôi”. Trong Kiều có câu “Buồng thêu viện sách bốn bề lửa dong”, Hồng Đức Quốc âm thi tập cũng có câu: “Rắp rắp và đèn dong đuốc phượng”.

- Câu 1250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân. Đào Duy Anh phiên là dùi và chú rằng: “Chỉ cái thân đau khổ như bị dùi bị mài”. Chữ “Dùi” các bản Kiều Nôm đều ghi là @. Theo các bản Nôm trước thế kỷ 19, nếu ghi là /tr, ch/ thì đọc là /gi/, nếu ghi là /đ/ thì đọc là /d/, cho nên ở đây phải đọc là “giồi”. Vả chăng nếu đọc là “dùi” và chú như cụ Đào thì cũng khó hiểu, còn “giời” theo Alexandre de Rhodes(3) và PB là trang sức, mạ vàng, làm thêm cho đẹp, ví dụ Hồng Đức Quốc âm thi tập có câu: “Giồi thức bạc khi sương rụng”, Truyền kỳ mạn lục có câu: “Trong có một người ít giồi son phấn đỏ, rất giống nàng họ Vũ”. AR đưa ví dụ “Giồi phấn”.

- Câu 256 Đào Duy Anh phiên là “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình” và chú từ “gây” là có mùi hôi khó chịu. Các bản Kiều khác cũng phiên như vậy. Từ này các bản Nôm ghi là @ (bộ tịch + di) thường đọc là “dây”, nếu là “gây” thì ghi bằng chữ cai @. Vậy theo mặt chữ thì đây phải đọc là “dây”. Theo AR và Paulus Của thì “dây” là kéo dài thời gian. Truyền kỳ mạn lục có câu “Dây nửa năm cơm cháo chẳng ngon”. Ngày nay người ta còn dùng các từ “lây dây” hoặc “dây dưa”.

- Câu 492 các bản phiên âm đều ghi là “Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người” thực ra ở các bản Nôm chữ đầu tiên đều là @ (đột), đây là cách ghi âm “dột”, không rõ vì lẽ gì các nhà khảo cứu kể cả Đào Duy Anh đều phiên là “Thiệt”. “Dột” là từ có nghĩa và hợp văn cảnh, PB và Gén giải thích là buồn và lấy ví dụ “ủ dột”. Truyền kỳ mạn lục cũng có câu: “Người thầy đạo dột vậy chẳng vui”.

- Câu 2520: Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa trời, câu này các nhà khảo cứu đều phiên âm đúng nhưng lại chú nghĩa sai. Đào Duy Anh chú là “hình dung vẻ đứng trơ trơ không động”, không lột tả được khí phách anh hùng của Từ Hải chết đứng. Từ điển của Theurel và Gouin giải nghĩa từ ngày là sống động (vivement). Bài phú Cư trần lạc đạo có câu: “Từ thuở ấy chỉn càng linh hiển, phép thần thông biểu hiện nhơn nhơn”. Trong Sãi vãi cũng có câu: “Thuyền bá trôi ngàn thuở hãy nhơn nhơn”, Truyền kỳ mạn lục có câu: “Uy linh nhơn nhơn khắp sông núi”, còn Hoa Tiên thì có câu “Nhơn nhơn chiêng lặng điêu chìm”.

- Câu 1384 Càng sui vẻ ngọc càng lồng màu sen, từ “sui” chữ Nôm viết là @ (su) do có bộ hỏa nên chữ này nên đọc là “xôi”. Taberd giải thích từ “xôi” này là “chỉ một sự vận động vừa nảy ra” (indique un mouvement gui se lève). Hồng Đức quốc âm có câu: “Mặt xôi xuân sắc hoa ngàn đóa”. Tục ngữ ngày nay cũng còn có câu “sinh xôi nảy nở”. Như vậy phiên là “xôi” có cơ sở hơn.

- Câu 1130: Hóa nhi thật có nỡ lòng, làm chi giày tía vò hồng lắm nao, chữ nao được viết bằng bộ nhục + náo (@), vì có bộ nhục cho nên thiết nghĩ nên phiên là “nau”, từ này theo Gén và Paulus Của có nghĩa là đau và tiếng kêu do đau đớn, nó là biến thể của đau cũng như “này” là biến thể của “đây”, “nọ” là biến thể của “đó”. Phạm Công Cúc Hoa “vợ thì hầu đẻ vậy hòa làm nau”, Cung oán ngâm khúc cũng có câu “Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần”. Rõ ràng “nau” có nghĩa là “đau” và từ này hợp hơn.

Trên đây là chỉ mới lẩy ra một số câu trong Truyện Kiều. Nếu lấy thêm các tác phẩm khác thì số ví dụ nêu ra phải nhiều vô kể. Ví như “Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép” mà nghĩa của “xe” hiện nay còn chưa xác định được thì thực ra có nghĩa là: nhiều, tài liệu Mayorica có câu “mẹ yêu con hơn con yêu mẹ xe lắm”. Hoặc câu “dấu người đi là đá mòn” trong Quốc âm thi tập đọc lên rất tối nghĩa, “là đá” vốn phiên âm từ một từ Việt cổ còn mang dấu vết tiền âm tiết, hiện nay vẫn còn gặp trong các ngôn ngữ ở vùng khu IV cũ với dạng “lơta” hay “lata” mà nay để chuyển thành từ “đá” trong tiếng Việt hiện đại. Ta còn gặp từ “là đá” trong các câu như “Là đá từng thê dốc một hòn núi ún vịn một hòn” (Vinh Hoa Yên tự phú) hoặc “lấy những là đá mà xây bốn bề (Việt sử diễn âm).

3. Đọc đến đây chắc có người nghĩ rằng: những tuyệt tác như Truyện Kiều, Quốc âm thi tập lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu đã hay lắm rồi, sao bỗng dưng nay lại đòi sửa đi chữ này chữ nọ cho phiền toái ra. Câu thơ đang hay như “Người lên ngựa kẻ chia bào” sao lại phải đổi là “Người lên ngựa kẻ chia bâu”? hoặc “Góc thành Nam lều một gian” sao lại phải đổi là “Góc thành Nam lều một căn”? Hoặc quá đáng hơn nữa, câu “Vén trúc bước qua lòng suối, tìm mai về đạp bóng trăng” lại phải đọc là “Wén thúc pác qua loòng khluối, sìm mai Wề tạp poóng plang”… Thật tình người viết bài này cũng không hề có ý định, mưu toan sửa lại tất cả những áng thơ Nôm đang được quảng đại quần chúng thưởng thức và học tập. Nhưng với tư cách là những người nghiên cứu thì phải dùng cách nào đấy như chú giải hoặc khảo luận để làm cho tác phẩm văn thơ Nôm xưa giữ nguyên được, về hình thức và nội dung, ý đồ sáng tác của người xưa cũng như màu sắc lịch sử của bản thân tác phẩm. Ví dụ Nguyễn Trãi không thể nói “lều một gian” được, vì âm “gian” chỉ hình thành ở thế kỷ XVII, còn ở thời Nguyễn Trãi chữ @ còn đọc là [kjan] hợp với âm “căn” sau này, cũng như không nên suy luận “bà” là loại từ của ngựa hay giống vật như kiểu bà ngựa, bà cắt v.v.. trong các câu “bà ngựa già thiếu kẻ chăn” (Quốc âm thi tập) hay “Văn chói chói gấm trên bà ngựa” (Thập giới cô hồn quốc ngữ văn) mà phải thấy “bà ngựa” chỉ là phiên âm dạng cổ “mangơ” của từ ngựa. Vậy là đối với nhà Hán Nôm học cần phải tiến tới những phiên bản âm thể hiện được nguyên dạng của tác phẩm về âm đọc, ngữ nghĩa và ý đồ sáng tác của tác giả, từ đó mà chú giải, khảo luận hướng dẫn người đọc hiểu đúng các bản phiên âm hiện hành. Việc này nếu tiến hành đối với từng tác phẩm một thì tốn quá nhiều công sức. Ta có thể biên soạn một cuốn từ điển từ Việt cổ trong đó bao gồm những từ khó hiểu trong tất cả, hoặc hầu hết tác phẩm Nôm mà ngay nay các từ ấy không còn dùng nữa. Để hiểu được đúng nghĩa các từ này cần tiến hành so sánh, đối chiếu các từ này trong các văn cảnh và các tác phẩm Nôm khác nhau, đồng thời kết hợp với việc nghiên cứu các phương ngữ và các từ điền Việt cổ hiện có trong từ An Nam dịch ngữViệt Bồ La của A de Rhodes, Việt Latinh của Pigneau de Behaine, Chỉ nam ngọc âm, Tự Đức thánh chế giải nghĩa ca. Từ điển Việt-Latinh của Taberd và Theurel, Từ điển Việt Pháp của Gouin, Đại Nam quốc âm từ vị của Paulus Của, Việt Pháp của Génibrel. Đây là một công việc công phu và gian khổ nhưng không thể nào lảng tránh được. Với nhận thức ấy, trong mấy năm gần đây chúng tôi đã nỗ lực biên soạn một loại sách công cụ như vậy, tạm gọi là từ điển hoặc Bảng tra từ Việt cổ cũng được, và bước đầu cho ra mắt bạn đọc vào năm 1999. Trên cơ sở tư liệu này, hi vọng các bạn đồng nghiệp sẽ bổ cứu và cải chính để chúng ta trong tương lai, có một tư liệu hoàn hảo hơn.

GS.TS Nguyễn Ngọc San

Chú thích:

1. Từ đây viết tắt là PB

2. Từ đây viết tắt là Gén.

3. Từ đây viết tắt là AR

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020