Nghiên cứu khoa học

HỆ THỐNG THỂ LOẠI TRONG TÁC PHẨM HOÀNG VIỆT VĂN TUYỂN CỦA BÙI HUY BÍCH


15-10-2020

NGUYỄN THỊ HIỀN

Viện Thông tin Khoa học xã hội

1. Vài nét về tiểu sử Bùi Huy Bích

Bùi Huy Bích 裴輝璧 (28.8.1744 - 25.5.1818) hiệu là Tồn Am 存庵, Am Bệnh Tẩu 庵病叟, Tồn Ông 存翁, tự Am Chương 庵章 hay Hi Chương 希章, là học trò của Bảng nhãn Lê Quý Đôn 黎貴惇.

Gia tộc họ Bùi 裴làng Thịnh Liệt hay họ Bùi làng Sét (tên Nôm) là dòng họ nổi tiếng về tài văn chương và có nhiều danh nhân. Bùi Huy Bích là cháu năm đời của Tiên quận công Bùi Bỉnh Uyên, là cháu ba đời của Bùi Xương Trạch. Ông nội Bùi Huy Bích là Bùi Xương Tự, làm Tham nghị ty thừa chính Thái Nguyên, thị nội trong triều, sau giữ chức Liêm công đại phu rồi Hàn lâm Thị độc đại phu, được phong tước Bá. Cha ông là Bùi Dụng Tân, hiệu Trúc Viên cư sĩ, không ra làm quan, dạy học ở nhà. Tuy thuộc dòng dõi hiển đạt, cao khoa nhưng Trúc Viên cư sĩ nhà nghèo phải xuống tận Hải Dương dạy học kiếm tiền.

Năm 17 tuổi, Bùi Huy Bích theo học Nguyễn Bá Trữ (Tiến sĩ khoa Giáp Tuất - 1754). Năm 19 tuổi, ông thi đỗ Hương cống, nhưng năm sau trượt thi Hội. Sau đó, ông theo học Lê Quý Đôn, nhưng bất mãn với xã hội nên không thi Tiến sĩ. Mãi đến năm 25 tuổi (1770), ông đỗ thi Hội rồi thi Đình, đỗ Hoàng giáp - hạng Tiến sĩ thứ tư sau Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Sau khi thi đỗ Hoàng giáp, ông được lần lượt giữ chức Hàn lâm Viện hiệu lý, Thị chế (1771), Thiêm sai phủ liêu tri hộ phiên, Đông các hiệu thư, Đốc đồng Nghệ An (1777), Hiệp trấn Nghệ An kiêm Tham chính (1778), Thập nhị Bồi tụng (1781), Hành quyền Tham tụng kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Kế liệt hầu (1782).

Quãng đời từ khi cáo quan về tới lúc mất kéo dài hơn 30 năm (1785 - 1818), Bùi Huy Bích sống trong nghèo khổ. Thú vui duy nhất của ông là dạy học, làm thơ, viết sách. Về già, Bùi Huy Bích thường mượn thơ văn thể hiện niềm ưu thương, để lại cho người đời nhiều áng thơ văn bất hủ. Di cảo của ông thể hiện cảnh ngộ, tâm trạng thời vãn niên.

Bùi Huy Bích là nhà Nho học lớn thế kỷ XVIII. Ông được bồi dưỡng và trung thành với Nho giáo cho đến hơi thở cuối cùng bởi Nho giáo đã đưa ông tới đỉnh cao danh vọng: thi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Tể tướng. Trung thành với học thuyết Nho giáo, ông đề cao đạo trung hiếu. Cái nôi Nho học của gia đình không những nuôi dưỡng tâm hồn văn chương mà còn thúc đẩy ông sáng tác, trở thành nhà ngữ văn học nổi tiếng thời trung đại và cả ngày nay cho đến đời sau.

Bùi Huy Bích (裴輝璧)có sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Thời thế không cho phép ông toại nguyện về hoạt động chính trị nên ông đã để tâm vào sáng tác, biên khảo văn học. Ông đã để lại cho đời 20 tác phẩm có độ dày, nội dung lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều có giá trị về nhiều mặt văn học, lịch sử, triết học và giáo dục. Hiện những bài văn trong hoạt động chính trị (biểu, tấu, khải, thư, trát) cũng như trong đời sống xã hội (bi kí, câu đối, bài tựa, bài bạt, văn tế) của ông vẫn còn được lưu trong nhiều sách in hay viết tay.

Bùi Huy Bích có công lớn trong việc sưu tập những áng thơ văn tiêu biểu từ thời Lý đến đời Lê. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có Hoàng Việt thi tuyển (黄越詩選), Hoàng Việt văn tuyển (黄越文選), Tồn Am thi cảo (存庵詩稿), Tồn Am văn tập (存庵文集), Tồn Am thi tập (存庵詩集), Lữ trung tạp thuyết (呂忠雜說),…

Hoàng Việt văn tuyển (黄越文選) là tuyển tập văn từ đời Trần đến đời Lê do Tồn Am Bùi Huy Bích (存庵裴輝璧) tuyển chọn và viết lời dẫn; Nguyễn Tập (阮集), Đốc học Trấn Sơn Nam biên tập và viết tựa năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), in tại Hi Văn đường (希文堂).

Hoàng Việt văn tuyển tuyển tất cả 113 tác phẩm từ thời Lý đến thời Lê, thuộc 8 thể loại lớn, chia thành 8 quyển.

2. Hệ thống thể loại trong Hoàng Việt văn tuyển

Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với nền văn hoá Hán, nền văn hiến Trung Quốc với nhiều thể loại cũng theo đó thâm nhập vào nước ta, trong đó có cả các thể loại văn học. Trải qua nhiều thế kỷ, cha ông ta đã để lại một kho tàng thư tịch viết bằng chữ Hán, trong đó phần lớn là các văn bản viết bằng văn xuôi chữ Hán với nhiều thể văn khác nhau. Việc phân chia các thể loại trong văn học Việt Nam thời trung đại cũng tiếp nhận và chịu nhiều ảnh hưởng của cách phân chia các thể loại văn học Trung Quốc.

Ở Việt Nam, có lẽ hình thức phân loại đầu tiên của các thể loại văn học được bắt đầu với sự xuất hiện của các thi tập, văn tập. Tuy vậy, sự phân biệt giữa thi tập với văn tập chỉ mới là manh nha của công việc phân loại các thể văn. Việc làm thi tập, văn tập của cổ nhân trước hết là nhằm bảo tồn và lưu truyền văn hiến. Các bậc tiền bối như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Nguyễn Huệ Chi... đã mở đường cho sự phân chia thể loại văn chữ Hán trong văn học Việt Nam thời trung đại.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng, “văn học Việt Nam thời trung đại là văn học song ngữ..., văn chữ Hán có thể chia làm hai loại biền văn và tản văn”(1). Theo Trần Đình Sử, biền văn gồm cáo, chiếu, biểu, bi, hịch, luận, phú, văn tế, câu đối, trần tình... Tản văn gồm tựa, bạt, ký, lục, thư, luận, thuyết, ngữ lục.

Văn tuyển bao gồm các bài văn xuôi chữ Hán được viết bằng biền văn, vận văn  tản vănVận văn là loại văn xuôi có vần nhưng không phải thường được sử dụng trong phú, minh, tụng, tán… Tản văn là văn xuôi tự do, không được dùng trong tựa, bạt, ký, lục… Biền văn là một lối hành văn đặc biệt, có phương thức biểu đạt khác với tản văn, được dùng trong hầu hết các thể văn chữ Hán.

Tiêu Thống được coi là ông tổ của Văn tuyển Trung Quốc đã cố gắng tạo nên một bộ hợp tuyển văn học có tính nghệ thuật đầu tiên theo quan điểm của ông và ông gọi đó là Văn tuyển. Ông đã đưa vào tuyển tập của mình 39 kiểu loại. Trật tự sắp xếp các thể loại trong Văn tuyển cho thấy Tiêu Thống đề cao phú. Trong cách sắp xếp thể loại, Tiêu Thống đưa phú lên đầu tiên, sau đó đến thi, nhạc phủ, tạp thi, tao, thất, chiếu, sách, lệnh, giáo, sách phong, biểu, thượng thư, khải, đàn sự, tiên, tấu, ký, thư, di, hịch, nan, đối vần, thiết luận, từ, tự, tụng, tán, phù mệnh, sử luận, sử luận tán, luận, liên châu, châm, minh, lỗi, ai, văn bia, mộ chí, hành trạng, điếu văn, tế văn. Kết thúc Văn tuyển của Tiêu Thống là thể loại văn tế miêu tả cuộc đời và việc làm của người đã chết.

Hoàng Việt văn tuyển tuyển 113 tác phẩm văn xuôi chữ Hán thuộc thể phú, ký, minh, văn bia, chí, lục văn tế, chiếu, chế, sách, biểu (đối nội), tạ, khải, tản văn, biểu (đối ngoại), tấu, công văn từ thời Lý, Trần đền thời Lê Trung Hưng. Điều đó cho thấy, Hoàng Việt văn tuyển rất phong phú về tác phẩm, thể loại, xứng tầm với quy mô của một bộ Văn tuyển quốc gia.

Thể phú

Quyển 1 của Hoàng Việt văn tuyển có 15 bài cổ phú. Thể phú trong Hoàng Việt văn tuyển được viết theo thể cổ văn, dùng nhiều chữ và điển cố xa lạ, có gieo vần nhưng không ấn định, không đối chọi, rất trúc trắc, khó hiểu. Đó cũng là hiện tượng thường thấy trong cách hành văn xưa. Ông cha ta hay dùng điển tích, điển cố, kín đáo thể hiện ý tưởng nhưng phần chú thích có phần sơ sài. Tất cả 15 bài phú trong Hoàng Việt văn tuyển được trích trong Quần hiền phú (群賢賦), bao gồm các bài phú đời Trần, Hồ, Lê, tổng cộng hơn 100 thiên.

Thiên Hưng trấn phú của Nguyễn Bá Thông được viết theo thể biền phú. Biền phú tìm kiếm sự cân đối, hài hòa trong câu đối ngẫu và âm tiết trầm bổng. Biền phú thường không dài, toàn bài đối ngẫu, hai câu một liên kết rất chặt chẽ.

Ngọc tỉnh liên phú được Mạc Đĩnh Chi làm “trong lúc tranh giải khôi nguyên. Vì khi ấy vua thấy tướng mạo ông xấu xí nên không muốn ông đỗ Trạng nguyên. Ông bèn làm bài phú này để ví mình như hoa sen trên giếng ngọc”(2).

Những bài phú trong Hoàng Việt văn tuyển đã nêu cao tinh thần quật khởi dân tộc. Bạch Đằng giang phú được coi là bài có giá trị nhất trong Hoàng Việt văn tuyển. Đây là bài phú cổ thể hiện lòng yêu nước, ý thức dân tộc, có thể sánh ngang với một áng thiên cổ hùng văn. Tác giả của bài phú là Trương Hán Siêu (? - 1354), tự là Thăng Phú, là bậc danh sĩ nổi tiếng đương thời. Bạch Đằng giang phú khắc họa cảnh đẹp dòng sông Bạch Đằng lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt, thể hiện niềm tự hào dân tộc. Đoạn hay nhất trong bài phú là đoạn miêu tả cảnh sắc sông Bạch Đằng, thể hiện cảm hứng trước thiên nhiên của tác giả. Cuối bài phú là một sự sáng tạo với nhân vật trữ tình “khách”, thể hiện cảm hứng thiên nhiên, lịch sử. Bạch Đằng giang phú thể hiện tư tưởng tiến bộ của Trương Hán Siêu về vinh nhục, thắng bại, tiêu vong và trường tồn...

Chí Linh Sơn phú của Nguyễn Mộng Tuân đã so sánh Lê Lợi với Câu Tiễn và Lưu Bang. Xương Giang phú của Lý Tử Tấn nhắc lại chiến công oanh liệt lấy thành Xương Giang do quân Minh chiếm đóng.

Thể ký

Thể  nằm trong quyển 2 của Hoàng Việt văn tuyển, gồm 15 bài ký đời Trần, Lê, trong đó có 9 văn bia và các bài ký về đình đài, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán như: Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký, Thanh Hư động ký, Nhạo Nhạo đình ký, Quảng Văn đình ký; ký sự có Tượng đầu đoán tụng ký; tạp ký có Hải Dương phong tục ký... Nhiều bài ký trong Hoàng Việt văn tuyển đã thể hiện tư tưởng thời đại. Trương Hán Siêu là một Nho sĩ xuất sắc đương thời, đã thể hiện tư tưởng chống Phật giáo qua bài Khai Nghiêm tự bi ký. Hai bài ký được soạn vào năm 1484 niên đại Hồng Đức thứ thứ 15 tại Văn miếu (Hà Nội) là Đại Bảo tam niên Tiến sĩ đề danh ký của Thân Nhân Trung; Quang Thuận tứ niên Quý Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký của Đào Cử đều thể hiện rõ nội dung tư tưởng, tôn sùng Nho giáo, ca ngợi nhà nước phong kiến, mở đầu cho việc khắc đá đề tên những người đỗ đạt nhằm khuyến khích người hiền tài giúp nước.

Có lẽ, Bùi Huy Bích là bậc túc Nho nên rất thán phục bậc đại Nho Chu Văn An. Theo lời dặn dò của Bùi Huy Bích, năm 1784, Tiến sĩ Lê Duy Đán cho dựng tấm bia tại nơi ẩn cư cũ của Chu Văn An. Trên tấm bia có khắc bài Chu Văn Trinh miếu bi ký của Nguyễn Công Thái. Bài ký này ca ngợi khí tiết của người hiền tài, ghi lại dấu tích bậc danh nho Chu Văn An.

Bài ký Văn Điển từ chỉ bi ký của Bùi Huy Bích soạn năm 1803 cũng được khắc trên bia đá hình trụ tại đền thời Chu Văn An ở xã Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Bài ký có những câu nêu rõ tầm quan trọng của việc nêu gương tiền nhân, giáo dục hậu thế. Gương sáng của bậc tiên hiền sẽ có tác dụng thúc đẩy bước tiến của con cháu mai sau. Tư tưởng quan trọng mà Bùi Huy Bích thể hiện trên văn bia là học vấn và dân trí của dân xã Văn Điển từ thuở ban đầu đến thời Cảnh Hưng và cả sau này.

Các bài ký trên đá của các cây bút có văn chương truyền tụng một thời như Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký của Trương Hán Siêu, Thanh Hư động ký của Nguyễn Phi Khanh đã luận thuyết về tôn giáo, khuyến khích khoa cử, khuyến giáo mọi người làm điều thiện, ca ngợi cảnh đẹp của non sông đất nước. Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký là bài ký nổi tiếng được khắc đá và được truyền tụng lâu đời. Trương Hán Siêu đã kết hợp chặt chẽ tự sự với nghị luận, nhân sự để bày tỏ nỗi niềm với cách viết sinh động, đầy cảm xúc. Thanh Hư động ký nói về việc tạo dựng động Thanh Hư, nơi ẩn cư của Trần Nguyên Đán. Toàn văn viết khéo léo, ý tứ sâu sắc, nghị luận khúc chiết, chặt chẽ, miêu tả cảnh vật và thể hiện cảm xúc vô cùng tinh tế.

Nhạo Nhạo đình ký của Phạm Nguyễn Du có cái nhìn độc đáo về vẻ đẹp sơn thủy, luận bàn về nghĩa lý sâu xa của thú vui sơn thủy.

Có thể thấy, những bài ký về đình đài không những miêu tả cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình mà còn mang nội dung tư tưởng và ý nghĩa xã hội phong phú.

Tượng đầu đoán tụng ký ghi chép về một vụ xử kiện ở Nghệ An năm 1752. Tác giả không những tường thuật lại tỉ mỉ sự việc mà còn bộc lộ tình cảm và thái độ với nhân dân.

Tạp ký của Phạm Đình Hổ có nội dung phong phú với lối viết lôi cuốn, phản ánh trung thực cuộc sống. Tác giả không những cung cấp thông tin mà còn thể hiện nỗi lòng, hoài bão, phê phán xã hội, gửi gắm cảm khái.

Thể minh, văn bia, chí, lục

Tuy tiêu đề là thể minh, nhưng thực ra nằm trong quyển 3 của Hoàng Việt văn tuyển gồm 9 bài văn bia, minh, chí và lục, trong đó có 6 bài văn bia; 2 bài chí; 1 bài lục. Các bài này đều do các Trạng nguyên Tiến sĩ thời Lê Mạc soạn thảo.

Văn bia tiêu biểu trong Hoàng Việt văn tuyển có Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh của Thân Nhân Trung, Trung Tân quán bi minh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đáng chú ý là Trung Tân quán bi minh: “bia được dựng năm 1543 ở quán Trung Tân, Liên An, Vĩnh Bảo, Hải Phòng nhưng đến nay đã không còn”, nhưng vẫn còn trong Hoàng Việt văn tuyển. Nội dung bài văn bia đề cập đến quan niệm của Nho giáo về trung, hiếu, thuận, tín.

Văn tế

Trong số 9 bài văn tế trong quyển 4 của Hoàng Việt văn tuyển, có bài được viết theo thể Tứ lục (câu trên 4, câu dưới 6), nhưng cũng có bài được viết theo thể phú cổ, lời văn trang trọng đúng với tinh thần văn tế.

Những bài văn tế của Bùi Huy Bích thể hiện sự ám ảnh và nỗi lòng của một nhà Nho thời loạn lạc, sống không gặp thời, trong đó tiêu biểu có bài văn tế thầy học Lê Quý Đôn (năm Giáp Thìn Cảnh Hưng thứ 45, 1784), bài văn tế chị (mùa thu năm Tân Dậu 1801), bài văn tế con là Bùi Cư (năm Kỷ Tỵ Gia Long thứ 2, 1809), bài văn tế Đản Trai tức Bùi Trực (năm Ất Hợi Gia Long thứ 14, 1815). Hầu hết những bài văn tế của ông được làm khi về già, lời lẽ chân thành, cảm động, thể hiện tư tưởng và tình cảm lành mạnh.

Chiếu, chế, sách

Thể loại chiếu, chế, sách nằm trong quyển 7 của Hoàng Việt văn tuyển, bao gồm 26 bài, trong đó có 5 bài chiếu, 10 bài chế, 11 bài sách.

Những bài Thượng Ý Tông thụy sách văn, Thượng Hiến từ Hoàng thái hậu sách văn của Lê Quý Đôn, Tiết chế Tĩnh quốc công tấn phong Tĩnh Đô vương sách văn của Nguyễn Nghiễm, Truy tôn Chiêu tổ Khang Vương kim sách văn, Hoàng tự tôn kim sách văn, Tấn tôn kim sách văn, Truy phong Triệu Khánh Kiều công ngân sách văn trong Hoàng Việt văn tuyển đều là mẫu mực của thể văn sách.

Có lẽ, Bùi Huy Bích tuyển những bài văn chế, sách vào Hoàng Việt văn tuyển nhằm mục đích bảo tồn các thể văn của triều đại xưa, để cho người đời sau có tư liệu khảo cứu.

Tiêu biểu cho thể loại chiếu trong Hoàng Việt văn tuyển  Tỉ đô Thăng Long chiếu徙都昇蘢詔,  Nhân Tông di chiếu李仁宗遺詔, Dụ thiên hạ hào kiệt chiếu 諭天夏毫傑詔. Một điểm cần chú ý ở đây là Bùi Huy Bích xếp Bình Ngô đại cáo vào thể loại chiếuBình Ngô đại cáo được viết theo lối biền văn. Có lẽ, theo Bùi Huy Bích thì cáo là một trong những thể loại thuần văn chương, tức có giá trị nội dung và nghệ thuật cao độ. Hơn nữa, theo ghi chép trong Kinh Thư, chiếu ngang với cáo.

- Biểu (đối nội), tạ, khải

Thể loại biểu, tạ, khải gồm 22 bài, nằm trong quyển 6 của Hoàng Việt văn tuyểnBiểu ở quyển 6 thuộc loại biểu đối nội.

Trừ gián nghị đại phu tam quán sự tạ biểu của Nguyễn Trãi là bài viết dâng lên vua để tạ phong chức. Đây là bài biểu được viết uyển chuyển chân thành, đậm chất trữ tình, thể hiện nỗi lòng của bề tôi tận trung với nước.

Thời Lê - Trịnh thịnh hành khải vănKhải văn là loại văn ứng dụng được mở rộng. Văn khải dùng biền thể hay tản văn, lời lẽ ngắn gọn, nghiêm túc, giản dị nhẹ nhàng.

Các bài biểu, khải trong Hoàng Việt văn tuyển do các bậc Trạng nguyên Tiến sĩ soạn, thường dùng điển cố điển tích khô khan, đọc lên trúc trắc, khó hiểu.

- Tản văn

Thể loại tản văn nằm trong quyển 7 của Hoàng Việt văn tuyển, bao gồm nhiều tiểu thể loại như tựa, hịch, lời nói về thể lệ, đánh giá tác phẩm, báo cáo nơi Thái miếu, bài văn ghi công, bài biện giải về tên hiệu, bài mừng người trí sĩ..., trong đó có bài Ma nhai ký công văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn khắc trên văn bia Ma nhai ký công bi văn, niên đại Khai Hựu thứ 7 (1335) ở sườn núi Trầm Hương (Nghệ An). Ma nhai ký công văn thể hiện phong cách thể loại đặc biệt của nền văn học tiểu sử truyền thống văn hóa vùng, đã ghi lại sự kiện lịch sử khi vua Trần Minh Tông thân chinh đi đánh giặc.

Tiêu biểu có bài Trung Tân quán bi minh của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ phản ánh tâm sự của tác giả mà còn phản ánh sự suy tàn của chế độ.

Văn tự bạt gồm tự, bạt, thi tự, tăng tự, tống tự, thọ tự, tự ký. Toàn Việt thi lục lệ ngôn là bài tự quý giá để tìm hiểu quan niệm, lý luận về thơ của cổ nhân.

Tự thuyết có từ thời Tiên Tần. Tự thuyết còn được gọi là văn tạp thuyết. Trong Hoàng Việt văn tuyển có Phạm huynh Dữ Đạo tự thuyết.

- Biểu (đối ngoại), tấu, công văn.

Thể loại biểu tấu nằm ở quyển 8, gồm 6 bài. Biểu (đối ngoại), tấu, công văn là thể loại mang tính chất hành chính. Bùi Huy Bích đã có lý khi tách riêng biểu (đối nội) với biểu tấu (đối ngoại) bởi lẽ những bài biểu và công văn đối ngoại tuy cũng để cảm ơn như biểu tạ nhưng lời văn khác hẳn với lối viết thông thường.

Sáu bài biểu, tấu, công văn được tuyển trong Hoàng Việt văn tuyển dùng trong ngoại giao với nhà Minh. Tuy vậy, Hoàng Việt văn tuyển vẫn còn thiếu những bài biểu, tấu đối ngoại nổi tiếng thời Trần, Tây Sơn. Trong Văn chương duyên khởi, Nhâm Phảng chia biểu thành hai loại: báo cáo và báo cáo lên trên (Thượng biểu).

Tóm lại, qua tìm hiểu hệ thống thể loại trong Hoàng Việt văn tuyển, chúng ta thấy Bùi Huy Bích đã đi theo phương pháp san định Văn tuyển truyền thống, đề cao phú giống như Tiêu Thống. So với các tập Văn tuyển cùng thời và thời kỳ sau này, thể loại văn xuôi trong Văn tuyển của Bùi Huy Bích đa dạng, tầm cỡ và phong phú hơn nhiều.

Chú thích:

(1) Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. tr.105.

(2) Bùi Huy Bích (1972), Hoàng Việt văn tuyển, tập 1, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, tr.26.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, tập 1, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1972.

[2] Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, tập 2, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1972.

[3] Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, tập 3, Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn. 1972.

[4] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Bộ giáo dục Quốc gia xuất bản, 1950.

[5] Lê Trí Viễn: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1996.

[6] Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1999.

[7] Trần Nho Thìn: Văn học Việt Nam trung đại dưới góc nhìn văn hóa, Nxb. Giáo dục, H. 2003.

[8] Trịnh Khắc Mạnh: Đặc điểm thể loại văn bia Việt NamTạp chí Hán Nôm, số 4/1993.

[9] Trịnh Khắc Mạnh: Bước đầu tìm hiểu những giá trị của văn bia Việt Nam đối với việc nghiên cứu tư tưởng chính trị xã hội nước ta thời phong kiếnTạp chí Hán Nôm, số 2/1998.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.354-365

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020