Nghiên cứu khoa học

Vận dụng quan điểm của Ngôn ngữ học tri nhận vào đổi mới dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài


15-10-2020
Tác giả: Đỗ Phương Thảo

Bài báo đề xuất một phương pháp dạy học thành ngữ dân gian tiếng Việt từ quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận và ứng dụng nó vào việc dạy khẩu ngữ tiếng Việt cho người nước ngoài. Lấy lí thuyết về ẩn dụ ý niệm làm xương sống cho hoạt động dạy học thành ngữ, chúng tôi hi vọng có thể giúp người học hiểu đến tận ngọn ngành mỗi thành ngữ, từ đặc điểm về cấu trúc đến cơ chế tạo nghĩa của chúng. Từ đó, họ có thể vận dụng vào từng hoàn cảnh giao tiếp một cách đúng và hiệu quả.

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN
VÀO ĐỔI MỚI VIỆC DẠY HỌC THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

 

ThS. Đỗ Phương Thảo

Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

I. Mở đầu

1.1. Việc dạy học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai tại trường ĐHSPHN trong thời gian gần đây đang ngày càng được đổi mới theo hướng giao tiếp, đòi hỏi không chỉ giảng dạy các kiến thức về ngôn ngữ mà còn phải tích hợp cả những kiến thức về văn hóa, xã hội… Thành ngữ tiếng Việt là một trong những yếu tố của ngôn ngữ phản ánh rất rõ đặc trưng tư duy – văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, bộ phận ngôn ngữ này chưa được chú ý đúng mức. Thường tồn tại một lối tư duy rằng: Chỉ ở trình độ cao, người học mới có thể học được thành ngữ, một phần là do để hiểu được các thành ngữ tiếng Việt, người học phải có cả vốn ngôn ngữ và vốn sống dày dặn. Trong khi đó, người học dù ở trình độ nào cũng rất muốn tìm hiểu và khám phá những yếu tố ngôn ngữ gắn liền với văn hóa trong ngoại ngữ họ đang học. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại phổ biến hiện tượng dạy thành ngữ tiếng Việt theo phương pháp truyền thống: sử dụng từ điển để tra nghĩa hoặc tranh ảnh để minh họa, dạy ý nghĩa của từng thành ngữ riêng lẻ và mới dừng lại ở ý nghĩa của thành ngữ trong từ điển mà ít gắn liền với bối cảnh văn hóa và hoàn cảnh giao tiếp…

1.2. Ngôn ngữ học tri nhận là một phương hướng nghiên cứu liên ngành kết hợp ngôn ngữ học với khoa học Tri nhận. Ở Việt Nam, ngôn ngữ học tri nhận đã mở ra nhiều hướng ứng dụng trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ. Đặc biệt, nó còn góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Một trong những tác giả đầu tiên nhận ra triển vọng của hướng đi này và có những bài viết đặt nền móng cho việc ứng dụng ngôn ngữ học tri nhận vào giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ là Lý Toàn Thắng. Tác giả nhận định: “Theo quan niệm của ngôn ngữ học tri nhận, chúng ta không thể dạy một ngoại ngữ nào đó (chẳng hạn như tiếng Việt) mà lại không chú ý đến văn hóa và tư duy/nhận thức của học viên người bản ngữ” [8, 122]. Tác giả cũng khẳng định một điều mà chúng ta không thể bỏ qua trong việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ: “trong tiếng mẹ đẻ (L1) của sinh viên và trong ngoại ngữ tiếng Việt (L2) tồn tại không phải chỉ có những sự khác nhau dễ thấy và đã được nói đến nhiều trong sách vở ngôn ngữ học về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; mà quan trọng hơn, thú vị hơn và còn đang ít được nghiên cứu hơn – đó là những cách thức khác nhau trong các quá trình tâm thần như các sự ý niệm hóa, phạm trù hóa hay các thao tác lí giải về các sự vật, hiện tượng của thế giới quanh ta mà người Việt Nam hay người nước ngoài sử dụng trong ngôn ngữ của mình” [8, 122]. Từ đó, tác giả rút ra một kết luận hiển nhiên mà lại rất quan trọng, trở thành mấu chốt trong việc dạy ngoại ngữ, đó là: “Nói một cách khác, có sự khác nhau trong cái cách thức mà chúng ta nhìn và nghĩ về thế giới chung quanh, tức là khác nhau về cái được gọi là “cách nhìn thế giới” (world view), được phản ánh trong ngữ nghĩa (semantics) của bản ngữ L1 và ngoại ngữ L2” [8, 122]. Và mục đích cuối cùng, mục đích chính yếu của việc học tiếng Việt như một ngoại ngữ là sinh viên nước ngoài “cần phải cố gắng nhận ra được, thông hiểu được cái “cách nhìn thế giới” đặc thù của người Việt được thể hiện ra trong tiếng Việt” [8, 123].

Những bài viết của tác giả Lý Toàn Thắng đã cung cấp những luận điểm rất quan trọng, tạo nền tảng cho hướng nghiên cứu ứng dụng ngôn ngữ học tri nhận vào dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Đối với việc dạy học thành ngữ dân gian, chúng tôi muốn vận dụng hướng nghiên cứu này để giúp người học thông qua việc tìm hiểu đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của một nhóm thành ngữ có thể tìm ra một số mô hình ẩn dụ ý niệm như là những công thức tư duy để hiểu và ghi nhớ ý nghĩa của thành ngữ. Từ đó giúp học viên nước ngoài nắm được cách thức tri nhận thành ngữ và đặc trưng tư duy – văn hóa của người Việt. Mục đích cuối cùng là họ có thể vận dụng các thành ngữ này vào giao tiếp một cách đúng và hiệu quả.

1.3. Để tìm hiểu về thành ngữ dân gian, chúng tôi sử dụng cuốn Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành (Nxb KHXH, 2004) làm tư liệu khảo sát. Chúng tôi lựa chọn nguồn tư liệu này vì đây là một công trình nghiên cứu và sưu tập thành ngữ có sự khu biệt khá rạch ròi với tục ngữ nhờ xác định được tiêu chí nhận diện thành ngữ rất rõ ràng. Hơn nữa, điểm khác biệt của công trình này so với các cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ” trước đó là ở cách phân loại thành ngữ. Tác giả Hoàng Văn Hành đã tiến hành sưu tập và phân loại thành ngữ tiếng Việt theo hai cách: căn cứ vào phương thức tạo nghĩa (thành ngữ ẩn dụ, thành ngữ so sánh) và căn cứ vào cấu trúc (thành ngữ đối xứng, thành ngữ phi đối xứng). Cách phân loại này rất phù hợp với mục đích nghiên cứu của chúng tôi: tìm hiểu đặc trưng về cấu trúc và ý nghĩa của thành ngữ để thiết kế công thức tư duy cho người học. Chúng tôi đã lựa chọn một bộ phận thành ngữ có sử dụng lớp từ thuộc trường nghĩa “động vật” làm điển mẫu để nghiên cứu và thực nghiệm. Cơ sở của việc lựa chọn này là tính phổ biến, tiêu biểu của chúng. Lựa chọn những thành ngữ có lớp từ này để tìm hiểu không chỉ là sự giới hạn phạm vi để tập trung nghiên cứu mà còn do đây là lớp từ vựng – văn hóa hứa hẹn nhiều hướng nghĩa biểu trưng mang tính dân tộc, tính lịch sử, tính thời đại rõ rệt. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thống kê được 465/3224 câu thành ngữ sử dụng lớp từ thuộc trường nghĩa “động vật”, chiếm tỉ lệ 14,4%. Đây là một tỉ lệ không nhỏ, khẳng định vị trí của thành ngữ chỉ động vật trong thành ngữ tiếng Việt.

II. Nội dung nghiên cứu

2.1. Cơ chế tri nhận của thành ngữ dân gian tiếng Việt (qua một bộ phận thành ngữ có lớp từ chỉ động vật)

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ẩn dụ và so sánh là hai biện pháp tu từ chủ đạo (ẩn dụ: 339 câu, chiếm 72,9%; so sánh: 126 câu, chiếm 27,1%). Điều này khẳng định phương thức tư duy chủ yếu của tác giả dân gian là bằng ẩn dụ, cụ thể là ẩn dụ ý niệm. Tức là trong thành ngữ dân gian có lớp từ chỉ động vật thường diễn ra một quá trình ánh xạ ý niệm từ miền nguồn là “động vật” tới một miền đích là “con người”:

Phạm trù/miền nguồn

Ánh xạ/Đồ chiếu

Phạm trù/miền đích

ĐỘNG VẬT

 

CON NGƯỜI

Các tác giả dân gian đã sử dụng thế giới động vật để phản ánh tất cả các bình diện của con người như:

- Để miêu tả hình thức bên ngoài của con người, thành ngữ thường sử dụng các từ ngữ miêu tả đặc điểm hình thức của động vật:

Đặc điểm hình thức của động vật à Đặc điểm hình thức của con người

Ví dụ: Vóc dáng của con người: béo như con cun cút, gầy như hạc, cao như sếu, thấp như vịt…; Khuôn mặt của con người: mặt rỗ như tổ ong, mặt xám như gà bị cắt tiết…; Các bộ phận trên khuôn mặt: mắt bồ câu, mắt ốc nhồi, mắt lợn luộc, ti hí mắt lươn, mồm cá ngão, tóc rối như tổ quạ…

- Để miêu tả tính cách, phẩm chất bên trong của con người, thành ngữ thường sử dụng các từ ngữ miêu tả đặc điểm về thuộc tính, tập quán của động vật:

Đặc điểm về thuộc tính, tập quán của động vật à Đặc điểm tính cách của con người

Ví dụ: ngang như cua, dữ như cọp, nhanh như cắt, chậm như rùa, nhát như cáy, được voi đòi tiên (tham lam), thẳng ruột ngựa (thẳng thắn), trâu buộc ghét trâu ăn (đố kị), kiến tha lâu có ngày đầy tổ (kiên trì)…

- Để miêu tả nếp sống, nếp sinh hoạt, sức khỏe của con người, thành ngữ thường sử dụng các từ ngữ miêu tả tính chất sạch hay bẩn của động vật:

Tính chất sạch hay bẩn của động vật à Nếp sống, sinh hoạt của con người

Ví dụ: bẩn như chó, bẩn như trâu đầm, hôi như cú, hôi như chuột chù…

Hoặc mượn các từ ngữ chỉ đặc điểm thể chất của động vật để chỉ đặc điểm thể chất của con người:

Đặc điểm thể chất của động vật à Đặc điểm thể chất của con người

Ví dụ: khỏe như voi, khỏe như trâu mộng, yếu như sên…

- Để miêu tả hoạt động, trạng thái, tình thế của con người, thành ngữ thường sử dụng các từ ngữ miêu tả hoạt động, trạng thái, môi trường sống của động vật:

Hoạt động, trạng thái, môi trường sống của động vật à Hoạt động, trạng thái, tình thế của con người

Ví dụ: Hoạt động: ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; nói như vẹt, nói như khướu, ngủ gà ngủ vịt, chạy như ngựa, học vẹt, kêu như vạc, nhảy chân sáo, mất hút con mẹ hàng lươn…; Trạng thái, tình thế: tự do: cá bể chim trời, như chim sổ lồng…; mất tự do: cá chậu chim lồng, cá nằm trong chậu…; thuận lợi, may mắn: chó ngáp phải ruồi, chuột sa chĩnh gạo, như cá gặp nước…; nguy hiểm, nguy kịch: cá nằm trên thớt, chuột chạy cùng sào…

- Để miêu tả thân phận, địa vị, hoàn cảnh của con người, thành ngữ thường sử dụng các từ ngữ miêu tả đặc điểm bản thể của động vật:

Đặc điểm bản thể của động vật à Thân phận, địa vị, hoàn cảnh của con người

Ví dụ: thân cò cũng như thân chim, thân lươn bao quản lấm đầu, lên voi xuống chó, gà sống nuôi con, rách như tổ đỉa, khỉ ho cò gáy, cơm no bò cưỡi…

Ở đây, cách tri nhận về con vật là phương tiện biểu đạt cho sự tri nhận con người. Sự giống nhau giữa những đặc điểm của con người và con vật là cơ sở cho sự tri nhận từ khách thể (động vật) sang chủ thể (con người). Từ đó, gợi liên tưởng và suy ngẫm ở cả người sử dụng và người tiếp nhận thành ngữ về mối liên hệ giữa con người và thế giới động vật.

2.2. Ứng dụng lí thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc dạy học thành ngữ dân gian tiếng Việt cho người nước ngoài

Đối với hoạt động dạy học bộ phận ngôn ngữ này, phương pháp làm việc mà chúng tôi xây dựng vẫn đi theo đúng trình tự của quá trình nhận thức nói chung (từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp) và quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai của người học ngoại ngữ nói riêng (từ tiếp cận thành ngữ, tìm hiểu nghĩa và ghi nhớ đến đưa vào sử dụng).

2.2.1. Bước1: Tiếp cận thành ngữ

            Đây là giai đoạn đầu tiên của việc dạy và học thành ngữ, có thể ví như bước “sơ chế nguyên liệu” trước khi bắt tay vào chế biến một món ăn. Ở bước này, chúng tôi chủ yếu vẫn sử dụng một số hoạt động truyền thống để người học tiếp cận với từng đơn vị từ, ngữ riêng lẻ trong thành ngữ, ví dụ: tra từ điển để hiểu nghĩa đen của từng từ, đối với một số từ ngữ cổ mà từ điển không có, giáo viên có thể chuyển dịch sang các từ đương thời có nghĩa tương tự; hoặc cũng có thể sử dụng tranh ảnh để minh họa theo kiểu “đuổi hình bắt chữ”… Bước này mới chỉ dừng lại ở việc giúp người học hiểu được nghĩa của từng từ riêng lẻ, là nguyên liệu cho việc tìm hiểu nghĩa của cả thành ngữ trên cơ sở vận dụng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận ở bước 2.  

2.2.2. Bước 2:  Tìm hiểu nghĩa và ghi nhớ nghĩa của thành ngữ

Bước 2 gồm hai hoạt động: hoạt động khái quát nghĩa chung của nhóm thành ngữ  hoạt động phân biệt nghĩa riêng của từng thành ngữ.

2.2.2.1. Hoạt động khái quát nghĩa chung của nhóm thành ngữ

Khác với phương pháp dạy học truyền thống thường giảng dạy riêng lẻ từng thành ngữ, ở hoạt động này, chúng tôi đi theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận trong việc phân tích nghĩa và khái quát thành mô hình cấu trúc ngữ nghĩa của một nhóm thành ngữ có cùng cấu trúc ẩn dụ ý niệm. Phương pháp chủ đạo mà chúng tôi sử dụng là phương pháp phân tích cơ sở ý niệm.

Kết quả khảo sát ở phần trên cho thấy: cơ chế tri nhận của thành ngữ dân gian là dựa trên quan hệ về ý nghĩa, và phương thức tư duy chủ yếu của tác giả dân gian là bằng ẩn dụ, cụ thể là ẩn dụ ý niệm. Từ đó, chúng tôi muốn đề xuất một phương pháp dạy học thành ngữ dân gian cho người nước ngoài dựa trên cơ sở phân tích ý niệm. Cụ thể là chúng ta có thể học theo phương pháp của Lakoff: sử dụng lí thuyết ẩn dụ ý niệm như là xương sống của hoạt động dạy học từ vựng – văn hóa với mục đích chính là giúp người học rút ra các công thức tư duy để hiểu được đặc trưng cấu trúc và ý nghĩa của các thành ngữ, từ đó biết cách vận dụng trong các tình huống một cách phù hợp.

Phương pháp này có thể được thực hiện theo hai hình thức quy nạp hoặc diễn dịch.

a. Hình thức quy nạp

               Theo hình thức quy nạp, chúng ta có thể đưa ra cho người học một số thành ngữ có cùng ẩn dụ ý niệm và yêu cầu họ nhận ra nét nghĩa chung giữa các thành ngữ (các thành ngữ này đều dựa trên ý niệm nào?)

Ví dụ: Các thành ngữ sau có chung điểm gì?

               chó ngáp phải ruồi, chuột sa chĩnh gạo, như cá gặp nước…

(Câu hỏi gợi ý:

+ Chúng đều có các từ chỉ động vật. Đó là những từ nào?

+ Các con vật này đang ở trong trạng thái thế nào? (tốt hay xấu, may hay không may?)

+ Nếu dùng các thành ngữ này để nói về con người thì chúng ta hiểu nó miêu tả tình thế như thế nào của con người?)

            Sau các câu hỏi gợi ý của giáo viên và sự thảo luận của người học, cuối cùng có thể rút ra một ẩn dụ ý niệm, cũng là mô hình tri nhận chung của các thành ngữ này là: Hoạt động, trạng thái, môi trường sống của động vật à Hoạt động, trạng thái, tình thế của con người. Và cụ thể ở đây là tình thế thuận lợi, may mắn của con người. Đây cũng sẽ là mô hình chung được vận dụng để giải thích ý nghĩa của các câu khác, như: cá nằm trên thớt, chuột chạy cùng sào… Có điều, tính chất của tình thế lúc này đã thay đổi: không phải là thuận lợi, may mắn mà là nguy hiểm, nguy kịch. Nhờ mô hình này, khi người học bắt gặp các thành ngữ tương tự có thể tự lí giải để hiểu ý nghĩa của nó.

b. Hình thức diễn dịch

            Theo hình thức diễn dịch, giáo viên sẽ đưa ra ý niệm trước rồi mới cho ví dụ minh họa, từ đó, học viên suy luận và tự chuyển di trường liên tưởng theo mô hình đã có để hiểu ý nghĩa.

Ví dụ: Từ ẩn dụ ý niệm Đặc điểm hình thức của động vật à Đặc điểm hình thức của con người, chúng ta có các thành ngữ: mắt bồ câu, mắt ốc nhồi, ti hí mắt lươn, mồm cá ngão… Học viên sẽ hiểu được các thành ngữ này không phải chỉ một bộ phận nào đó của con vật mà chỉ một đặc điểm hình thức của con người (do có sự tương đồng nào đó với đặc điểm hình thức của động vật). Từ đó, sẽ vừa hiểu được ý nghĩa riêng của từng thành ngữ vừa nắm được ý niệm chung thể hiện đặc trưng tư duy – văn hóa của người Việt Nam. Và nếu gặp những thành ngữ khác kiểu như: chân sếu, mắt ốc nhồi, tóc rối tổ quạ…, người học có thể dễ dàng hơn trong việc hiểu nghĩa.

Phương pháp này sẽ càng phát huy được tác dụng hơn khi chúng ta biết kết hợp nó với phương pháp so sánh để chỉ ra đặc trưng về ngôn ngữ giữa tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ của người học, đặc trưng về tư duy và văn hóa giữa người Việt với các dân tộc khác. Mỗi dân tộc có cách tri nhận khác nhau về thực tại khách quan. Và việc dạy học thành ngữ theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận như trên sẽ góp phần làm rõ những khoảng giao thoa cũng như những khoảng ngoại biên trong bức tranh về thế giới của các dân tộc. Việc so sánh giữa ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ sẽ giúp học viên không chỉ thấy được những điểm tương đồng và khác biệt trong tư duy và ngôn ngữ giữa các dân tộc mà còn khắc sâu hơn mô hình ẩn dụ ý niệm (hay công thức tư duy) như một “câu thần chú” để giải nghĩa các thành ngữ.

            2.2.2.2. Hoạt động phân biệt nghĩa riêng của từng thành ngữ

            Sau khi tìm hiểu nghĩa khái quát của các thành ngữ theo nhóm thông qua các mô hình ẩn dụ ý niệm, việc cần thiết phải làm là trả lại những nét nghĩa riêng cho từng thành ngữ. Bởi vì, một đặc trưng của thành ngữ là tính đa trị. Bên cạnh nghĩa bề mặt (nghĩa đen) của từng từ còn có nghĩa biểu tượng (nghĩa bóng) của cả thành ngữ, bên cạnh nét nghĩa biểu niệm khái quát là những nét nghĩa biểu thái đa dạng và sinh động mà cần phải đặt vào ngữ cảnh giao tiếp cụ thể thì mới bộc lộ ra. Đó thường là những nét nghĩa về tư tưởng, tình cảm, thái độ, cách đánh giá mang đậm màu sắc tu từ, phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Vì thế, giáo viên cần dành thời gian để phân biệt những nét nghĩa riêng này của từng thành ngữ trong một nhóm thông qua việc đặt các thành ngữ này vào một số ngữ cảnh để người học tự nhận ra sự khác biệt về ý nghĩa biểu cảm của chúng.

Ví dụ: Cùng thuộc nhóm thành ngữ chỉ sự may mắn, thuận lợi nhưng ba thành ngữ “chó ngáp phải ruồi”, “như cá gặp nước”, “chuột sa chĩnh gạo” lại được người Việt Nam sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau. Em hãy chỉ ra sự khác nhau của ba cách sử dụng thành ngữ sau:

1.         Anh ta học kém lắm, chẳng qua “chó ngáp phải ruồi” nên mới được điểm cao như thế. (sự may mắn do ngẫu nhiên, tình cờ, thường chỉ những người không có tài năng gì, chỉ vì tình cờ gặp may mà thành công; sắc thái biểu cảm: tiêu cực)

2.         Anh Minh là người có năng lực, lại được giám đốc ưu ái nên “như cá gặp nước”, chẳng mấy chốc sẽ được lên chức. (thường chỉ sự may mắn về công danh, công việc, do gặp được dịp có những điều kiện thuận lợi, hoặc để chỉ những người vốn đã có sức mạnh, lại được giúp đỡ nên càng phát triển mạnh hơn; sắc thái biểu cảm: tích cực)

3.         Cô Hoa lấy được một ông chồng giàu có lắm. Ai cũng bảo là “chuột sa chĩnh gạo”.(may mắn vì bỗng nhiên có được sự đầy đủ về mặt vật chất, ví dụ: một người đang nghèo bỗng nhiên được sống trong một môi trường giàu có, thường chỉ việc lấy được vợ hoặc chồng giàu…; sắc thái biểu cảm: tích cực hoặc tiêu cực)

               Có thể thấy, những sắc thái biểu cảm khác nhau của các thành ngữ là do đặc điểm tri nhận của người Việt về các con vật và đặc tính của con vật mang lại. Ví dụ: đối với người Việt Nam, chuột và chó thường là những con vật thấp kém, mang nhiều đặc tính xấu: “hôi như chuột chù”, “bẩn như chó”, “ngu như chó”, “lên voi xuống chó”… Còn , đặc biệt là cá chép lại là những con vật cao quý hơn, thường là biểu trưng cho công danh thành đạt: “cá chép hóa rồng”, “cá vượt Vũ Môn”… Những đặc trưng tư duy này có thể khác nhau ở các dân tộc, cho nên, trong dạy học thành ngữ, giáo viên cần biết kết hợp việc dạy ngôn ngữ với việc dạy các đặc điểm tri nhận của người Việt Nam để người học nắm bắt được đặc trưng về ngôn ngữ - tư duy – văn hóa vốn được kí tích trong mỗi câu thành ngữ. Những hiểu biết cặn kẽ này sẽ là tiền đề cho việc người học có thể vận dụng các thành ngữ vào hoạt động giao tiếp một cách phù hợp và hiệu quả.

2.2.3. Bước 3: Vận dụng thành ngữ vào hoạt động giao tiếp

            Mục tiêu cuối cùng của việc dạy học từ vựng – văn hóa vẫn là hướng vào hoạt động giao tiếp. Vì thế, sau khi giúp học viên hiểu và ghi nhớ nghĩa của các thành ngữ, giáo viên cần có một số hoạt động để họ nhớ lại và biết tự vận dụng thành ngữ vào ngữ cảnh phù hợp. Ngoài một số dạng bài luyện tập về từ vựng cơ bản để ghi nhớ ý nghĩa của thành ngữ (như: nối thành ngữ với nghĩa của thành ngữ; giải thích ý nghĩa của thành ngữ; thay thế thành ngữ bằng một từ đồng nghĩa…), chúng tôi đề xuất một số dạng bài nhằm giúp cho học viên có thể vận dụng những thành ngữ đã biết và đã hiểu vào trong ngữ cảnh một cách nhuần nhuyễn, như:

* Dạng bài tập 1: Điền thành ngữ vào ngữ cảnh (câu, hội thoại)

Ví dụ: Cho sẵn các thành ngữ cá nằm trên thớt, chuột chạy cùng sào, chó cùng dứt giậu . Điền vào chỗ trống trong những câu văn sau sao cho phù hợp:

1.         Tôi không thích làm việc cho công ty này nhưng vì không thể xin được việc ở nơi khác nên …………………….., tôi đành phải làm ở đây. (chuột chạy cùng sào)

2.         Người đàn ông ấy phạm tội cũng chỉ vì anh ta nghèo túng quá. Đúng là: ……………………. . (chó cùng dứt giậu)

3.         Công ty của anh ấy sắp bị phá sản, anh ấy bây giờ giống như …………………….., đang tìm mọi cách để giải quyết. (cá nằm trên thớt)

* Dạng bài tập 2: Cho sẵn tình huống, hoàn thành câu bằng một thành ngữ

Ví dụ: Cho hai tình huống sau. Hoàn thành đoạn văn bằng một thành ngữ cho phù hợp:

1.         Vợ mất sớm. Anh ấy phải nuôi con một mình. Cảnh ………………. thật là đáng thương. (gà trống nuôi con)

2.         Tháng trước, anh ấy vừa được đưa lên làm Trưởng phòng. Vậy mà tháng này đã bị giáng xuống làm nhân viên bình thường rồi. Thật là ………………….. (lên voi xuống chó)

* Dạng bài tập 3: Đặt câu với thành ngữ

Ví dụ: Hãy đặt hai câu có sử dụng thành ngữ để miêu tả một người trong tình thế nguy kịch và một người trong tình thế thuận lợi, dựa trên ý niệm Hoạt động, trạng thái, môi trường sống của động vật à Hoạt động, trạng thái, tình thế của con người.

            Đây đều là các dạng bài tập yêu cầu sinh viên biết cách vận dụng thành ngữ đúng về ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ cảnh. Dạng bài tập điền thành ngữ vào chỗ trống/hoàn thành câu, đoạn văn bằng thành ngữ giúp người học phân biệt được một số câu thành ngữ có ý nghĩa giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái, màu sắc tu từ, do đó phải được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau. Dạng bài tập đặt câu với thành ngữ dựa trên một ý niệm nào đó giúp học viên không chỉ nhớ lại được thành ngữ mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc thành ngữ, từ đó biết cách tạo lập câu có sử dụng thành ngữ một cách thành thạo. Tùy vào trình độ của người học và thời lượng của bài học, chúng ta có thể lựa chọn kiểu bài cho phù hợp.

3. Kết luận

            Chúng tôi muốn qua bài báo này, đề xuất một phương pháp dạy học thành ngữ dân gian tiếng Việt từ quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận và ứng dụng nó vào việc dạy khẩu ngữ tiếng Việt cho người nước ngoài. Lấy lí thuyết về ẩn dụ ý niệm làm xương sống cho hoạt động dạy học thành ngữ, chúng tôi hi vọng có thể giúp người học hiểu đến tận ngọn ngành mỗi thành ngữ, từ đặc điểm về cấu trúc đến cơ chế tạo nghĩa của chúng. Từ đó, họ có thể vận dụng vào từng hoàn cảnh giao tiếp một cách đúng và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                   Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán, 2010. Phương pháp dạy học tiếng Việt. Nxb Giáo dục VN.

2.                   Thái Duy Bảo, 2012. Sư phạm học Việt ngữ với tư cách là ngôn ngữ hai: Những đổi thay và thử thách, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Những thay đổi và thách thức trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt”, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, trang 12-30.

3.                   Hoàng Văn Hành, 2004. Thành ngữ học tiếng Việt, NXB. KHXH, Hà Nội.

4.                   Nguyễn Lân, 2009. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

5.                   Phạm Thị Hồng Nhung, 2014. Nhìn lại một thập niên nghiên cứu áp dụng ngôn ngữ học tri nhận vào giảng dạy ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 6 (224), trang 16-23.

6.                   Lý Toàn Thắng, 2005. Ngôn ngữ học tri nhận, từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. NXB. KHXH, Hà Nội.

7.                   Lý Toàn Thắng, 2008. Thử áp dụng ngữ pháp học tri nhận vào nghiên cứu một vài hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt, “Ngữ pháp tiếng Việt: Những vấn đề lí luận”, Nxb Khoa học Xã hội, tr.536-573.

8.                   Lý Toàn Thắng, Phạm Hữu Đức, 2012. Ý niệm “lòng” trong tiếng Việt: từ góc nhìn của lí thuyết giảng dạy ngoại ngữ, “Một số vấn đề lí luận Ngôn ngữ học và tiếng Việt”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 122-129.

9.                   Lý Toàn Thắng, Ly Lan, 2012. Teaching Vietnamese as a foreign language from cognitive-linguistic perspective, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Những thay đổi và thách thức trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt”, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, trang 57-70.

10.             Vũ Thị Hồng Tiệp, 2009. Đặc điểm tri nhận về mối quan hệ giữa con người và thế giới động vật qua các thành ngữ có sử dụng lớp từ thuộc trường nghĩa “loài vật” trong tiếng Việt, Khóa luận tốt nghiệp, ĐH Sư phạm HN, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020