Nghiên cứu khoa học

Một số vấn đề quan điểm trong vấn đề tên riêng không phải tiếng Việt


15-10-2020
Tác giả: Hoàng Phê
Một số vấn đề quan điểm trong vấn đề tên riêng không phải tiếng Việt
     

GS HOÀNG PHÊ

Thoạt mới nhìn thì vấn đề tên riêng không phải tiếng Việt, mà chủ yếu là tên riêng nước ngoài, là một vấn đề đơn giản. Tên riêng của bất cứ ngôn ngữ nào, khi đã được dùng trong tiếng Việt, cũng đều phải được Việt hoá, theo ngữ âm và chính tả của tiếng Việt; có như vậy quần chúng bình thường mới đọc được dễ dàng. Ngôn ngữ thì trước hết là âm, vậy hợp lí hơn cả là phiên âm, sao cho có được một âm na ná như trong nguyên ngữ. Vấn đề có gì đâu mà phải suy nghĩ nhiều, phải bàn nhiều.

Thế nhưng thực tiễn viết phiên âm tên riêng không phải tiếng Việt trong vài ba chục năm nay đã cho thấy nhiều khó khăn, mâu thuẫn, bất hợp lí.

Một thí dụ: cuối năm 1982 vừa qua, khi các báo đưa tin về Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Á - Phi họp ở nước ta, chỉ trên vài tờ báo lớn ở Hà Nội, nhà thơ Pakistan Faiz Admed Faiz đã có đến năm kiểu tên viết phiên âm tiếng Việt: Pha-ít Ác-mét Pha-ít, Pha-ít Át-mét Pha-ít (báo Văn nghệ, 23-10-1982, tr. 2 và tr. 4), Pha-ít A-mết Pha-ít, Phết A-khơ-mét Phết, Pha-ít A-mét Pha-ít (báo Nhân dân, 20-10, 21-10, và 25-10-1982). Cũng vậy, nhà thơ Ấn Độ Subhash Mukerjee cũng có đến năm kiểu tên Việt hoá: Xúp-bát Mu-kơ-gi, Súp-hát Mu-cơ-gi, Su-ba Sơ-mu-cơ-ghi, Súp-hát Mu-kéc-gi, Sup-hat Mu-kêt-gie.

Một thực tế khác đáng chú ý là ngày càng có nhiều tên riêng không phải tiếng Việt được viết nguyên dạng trên sách báo chúng ta. Trên các báo, thường gặp những tên riêng (dạng viết tắt) kiểu: TASS, UNESCO, ASEAN. Trong những bài viết về Tây Nguyên, thường gặp những tên riêng như: Nahria Ya Đuk, (xã) Ea Tul, v.v. Danh sách đại biểu Quốc hội khoá VII có tên các đồng chí: Ksor Krơn, Y Pah, v.v. Trong các bản tin hằng tuần của Thông tấn xã Việt Nam, rất nhiều tên riêng nước ngoài được viết nguyên dạng, nhất là những tên riêng mới lạ. Và có những tác phẩm viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài một cách nhất quán, như quyển sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam” của Bộ Ngoại giao nước ta, công bố đầu năm 1980, trong đó viết: Paul Doumer, Gutzlaff, (hội nghị) San Francisco, (tàu) La Malicieuse, v.v. Gần đây nhất, “Từ điển tác gia văn học và sân khấu nước ngoài” (Hữu Ngọc chủ biên) viết nguyên dạng (hoặc dạng chuyển tự như Pushkin, Tolstoi) tất cả tên tác gia nước ngoài, riêng với các tác gia Trung Quốc thì có chú dạng Latin hoá bên cạnh dạng gọi là Hán-Việt quen dùng (như chú Du Fu bên cạnh Đỗ Phủ, Li Po bên cạnhLý Bạch).

Thực tế trên đây buộc chúng ta phải suy nghĩ lại, suy nghĩ kĩ hơn về vấn đề này, xem xét nó một cách toàn diện hơn.

Trong các cuộc thảo luận gần đây, nhiều lần những vấn đề quan điểm đã được nêu ra, và có ý kiến cho rằng chỉ có viết phiên âm tên riêng không phải tiếng Việt mới là đứng trên quan điểm dân tộc, quan điểm quần chúng, và cũng mới là thực sự khoa học. Không làm rõ những vấn đề này thì thảo luận có thể kéo dài một cách vô ích, khó đi tới nhất trí.

Quan điểm thường được nêu ra trước tiên và nhiều nhất là quan điểm dân tộc.

Thời đại ngày nay là thời đại mà mỗi dân tộc không thể chỉ nhìn thấy có mình, mà luôn luôn phải nhìn rộng ra ở các dân tộc khác; giữ cái bản sắc, bản lĩnh của mình, nhưng không vì vậy mà không tiếp thu rộng rãi của các dân tộc khác; giữ tính độc lập tự chủ của mình, nhưng không vì vậy mà tự cô lập mình, không hướng các suy nghĩ, hoạt động, thậm chí cả lối sống của mình, theo cùng một quỹ đạo với các dân tộc khác, với nhiều dân tộc khác. Ngay trong cái ăn, cái mặc, cái ở, cái xã giao thường ngày cũng thấy rõ như vậy. Trong ngôn ngữ không tránh khỏi cũng có tình hình tương tự, tuy rằng do đặc trưng của ngôn ngữ mà biểu hiện có khác. Chúng ta bỏ khăn đen áo dài, mặc sơ mi, quần Âu, áo Âu, nhưng chúng ta không bỏ, không bao giờ bỏ tiếng Việt; hơn nữa, chúng ta trân trọng nó, bảo vệ nó, giữ gìn sự trong sáng của nó. Nhưng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là chỉ biết bo bo giữ sao cho nó bao giờ cũng chỉ là nó, đóng cửa lại, không cho bất cứ những gì gọi là “ngoại lai” có thể xâm nhập, bất chấp những yêu cầu phát triển đối với nó do sự tiếp xúc rộng rãi với nhiều ngôn ngữ khác, bất chấp cả những yêu cầu không những riêng đối với nó, mà là đối với nhiều ngôn ngữ nói chung ở thời đại ngày nay. Sự thật là chúng ta có muốn đóng cửa lại cũng không được, khi đã là yêu cầu, xu thế của thời đại thì không ai cưỡng lại nổi. Âm /p-/ vốn không có trong tiếng Việt, âm /r-/ vốn chỉ tồn tại như một âm phương ngữ, thế nhưng khi chúng ta tiếp xúc ngày một nhiều với các ngôn ngữ phương Tây, thì những từ như pin, pôpơlin, apatit, rađiô, rađa... vào thẳng trong tiếng Việt, mang theo với chúng những âm /p-/, /r-/, và ngày nay chúng ta nói /pari/ (Paris) nghe đã quen tai lắm rồi, đến mức không còn ai dám nghĩ là nên nói /bazi/ cho hợp với những âm vốn có của tiếng Việt.

Ngày nay do kết quả và yêu cầu của sự giao lưu văn hoá ngày càng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới mà dần dần đã hình thành, trong các ngôn ngữ, một mảng những từ có tính chất quốc tế: một số không ít thuật ngữ khoa học - kĩ thuật, nói chung các tên riêng, và cả một số từ thường dùng trong sinh hoạt thường ngày. Có người nói rằng khi một ngôn ngữ dùng tên riêng nước ngoài, thì tên riêng này phải được đồng hoá theo quy luật chung, và người ta dẫn các thí dụ Moskva vào tiếng Pháp thành Moscou, tiếng Anh Moscow, tiếng Đức Moskau; Espana vào tiếng Pháp thành Espagne, tiếng Anh Spain, tiếng Italia SpagnaEukleidês vào tiếng Pháp thành Euclide, tiếng Anh Euclid, v.v. Quả có như thế, nhưng đó là giữa hoặc cuối thế kỉ XIX về trước, đó là một kinh nghiệm đã cũ rồi của các ngôn ngữ phương Tây nói chung. Chứ còn ngày nay thì xu hướng chủ đạo là không đồng hoá vào trong ngôn ngữ của mình tên riêng nước ngoài, mà cố gắng tôn trọng cái dạng vốn có ở tiếng nước ngoài của nó, để nhằm đạt tới một sự thống nhất trong phạm vi quốc tế (đối với những ngôn ngữ không có chữ viết ghi âm bằng cùng một hệ chữ cái như nhau, thì sự tôn trọng này biểu hiện ở biện pháp chuyển tự: chuyển từng con chữ ở hệ thống chữ viết này sang con chữ tương đương ở hệ thống chữ viết kia, theo những quy tắc đối ứng chặt chẽ). Chính vì thế mà trong các ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái Latin, các tên riêng của ta như Việt Nam, Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... đều được viết y nguyên như trong tiếng Việt, thường chỉ bỏ đi những dấu phụ mà chữ viết của người ta không có. Sự trung thành này đến mức từ điển Mĩ Webter’s Geographical Dictionary (bản 1971) ghi ba kiểu viết tên nước ta: Viêtnam, Việt-Nam, Việt Nam, phản ánh chính tả thiếu nhất trí của chúng ta.

Là những người đi sau, chúng ta có một thuận lợi: có thể sử dụng kinh nghiệm của những người đi trước. Trong các ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp, Đức... (chỉ nói những ngôn ngữ có chữ viết bằng chữ cái Latin như tiếng Việt), có khá nhiều tên riêng nước ngoài trước kia ít nhiều đã được đồng hoá, cái dạng đồng hoá ấy đã dùng quen rồi, thành truyền thống lâu đời, bây giờ thấy bất tiện, có muốn đổi cũng không dễ gì (điều đáng chú ý là có những từ điển tiếng nước ngoài gần đây, cạnh mỗi tên riêng nước ngoài đã được đồng hoá, có chú hình thức nguyên dạng hoặc chuyển tự, thí dụ (trong một từ điển tiếng Pháp): chú Aristotelês, bên cạnh Aristote; Leonardo da Vinci, bên cạnh Léonard de Vinci; London, bên cạnh Londres; Moskva, bên cạnh Moscou; Beijing, dạng Latin hoá chính thức của Bắc Kinh, bên cạnh Pékin). Trong tiếng Việt, những trường hợp như thế không đáng kể, chủ yếu chỉ là tên một số nước và thành phố lớn, mà muốn sửa đổi thì nói chung cũng không khó khăn lắm (như Gia Nã Đại, Ba Lê đã dễ dàng, nhanh chóng đổi thành Canađa, Pari). Tức là chúng ta có khả năng giải quyết trong tiếng Việt vấn đề tên riêng nước ngoài một cách tốt hơn nhiều so với các ngôn ngữ phương Tây: tiếp thu kinh nghiệm mới nhất của người ta, không viết phiên âm để Việt hoá, tránh tự tạo khó khăn cho mình, mà viết nguyên dạng, hoặc chuyển tự, toàn bộ (trừ một số rất ít ngoại lệ) tên riêng không phải tiếng Việt, theo những nguyên tắc nhất quán ngay từ đầu, tạo ra cho ngôn ngữ của chúng ta một cái lợi đáng kể, không những cho ngày nay, mà còn cho lâu dài về sau.

Thế nhưng, viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, thì người Việt Nam chúng ta làm thế nào đọc được? Nhân dân chúng ta ngày nay phần lớn không biết ngoại ngữ, sẽ rất ngỡ ngàng trước những tên riêng mới lạ. Mà đã không đọc được thì cũng rất khó nhớ. Như vậy chẳng phải là tạo ra một khó khăn rất lớn cho quần chúng đó sao?

Đúng là có những khó khăn như thế. Và có ý kiến rằng chỉ nên viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong tài liệu khoa học - kĩ thuật có tính chất chuyên môn, còn trên sách báo phổ cập thì nên viết phiên âm. Giải pháp này có vẻ hấp dẫn (và bản thân chúng tôi, năm 1962, cũng đã từng đề nghị như vậy). Nhưng thật ra, đó là một biện pháp vá víu, nửa vời. Trong tiếng Việt sẽ hình thành hai hệ thống tên riêng nước ngoài, mỗi tên riêng sẽ có hai dạng, có thể rất khác nhau, và chúng ta bắt buộc phải biết, phải nhớ cả hai dạng ấy. Ranh giới giữa cái phổ cập với cái chuyên môn là một ranh giới không dễ xác định, và sẽ không tránh khỏi có trường hợp hai tài liệu cùng một loại như nhau, nhưng ở đây thì là những tên riêng nước ngoài viết phiên âm; còn ở kia thì cũng là những tên riêng ấy, nhưng viết nguyên dạng.

Vấn đề là cần xem lại và đánh giá cho đúng cái khó khăn ở đây.

Sở dĩ có cái khó khăn “khó đọc, khó nhớ” là do bản thân tên riêng nước ngoài nó như vậy. Đối với một người Pháp, chẳng hạn, có nhiều tên riêng nước ngoài, nhưSzczecin (Ba Lan), Szent Gyorgyi (Hungary), Ngwane (châu Phi), Nguyễn Trãi, Hậu Giang... là lạ mắt, khó đọc, thế nhưng người ta vẫn tôn trọng cái dạng trong nguyên ngữ của những tên riêng ấy, không tuỳ tiện sửa đổi, bởi vì người ta đã có kinh nghiệm rằng: đây là khó khăn không thể tránh được, lẩn tránh nó bằng cách viết khác đi thì sẽ đẻ ra những khó khăn khác, còn lớn hơn nhiều.

Tên riêng là dùng để chỉ một cá thể (một con người cụ thể, một sự vật cụ thể, một tổ chức cụ thể...). Khi cá thể x mang tên riêng A, thì hễ đọc thấy, nghe thấy A là người ta biết rằng đó là nói x, chứ không phải một cá thể nào khác, và hễ muốn nói là người ta dùng A, chứ không dùng một tên riêng nào khác. Ở đây đòi hỏi phải có một sự tương ứng chặt chẽ, một đối một (ít nhất là trên nguyên tắc), giữa A và x, để tránh mọi sự lẫn lộn. Có thể nghĩ rằng một ngôn ngữ nào đó có thể đổi A thành A’ cho phù hợp với ngữ âm và chính tả của mình, và chỉ cần trong ngôn ngữ ấy A’ chỉ dùng cho x mà thôi, không lẫn với một tên riêng nào khác, thì vẫn bảo đảm sự tương ứng chặt chẽ giữa tên riêng (A’) và cá thể mang tên riêng (x). Nhưng đó là nếu chúng ta xét ngôn ngữ ấy như là một ngôn ngữ hoàn toàn cô lập. Một khi đã có sự tiếp xúc rộng rãi với các ngôn ngữ khác, thì lại còn đòi hỏi phải có sự tương ứng chặt chẽ giữa A’ và A, giữa hai hình thức, hai dạng của cùng một tên riêng, trong ngôn ngữ đang xét và trong nguyên ngữ. Và nếu có thêm những ngôn ngữ khác cũng đổi chẳng hạn, A thành A’’, A’’’, thì lại còn đòi hỏi phải có những sự tương ứng chặt chẽ khác nữa, giữa A’ và A’’, giữa A’ và A’’’, v.v., giữa nhiều dạng khác nhau của cùng một tên riêng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tình hình trở nên rất phức tạp. Ở thời đại ngày nay, do sự tiếp xúc trong mọi lĩnh vực giữa các dân tộc ngày một mở rộng, yêu cầu giữ nguyên dạng tên riêng ở một ngôn ngữ này trong các ngôn ngữ khác, để bảo đảm cho nó một tính đồng nhất (một dạng thống nhất) ở các ngôn ngữ khác nhau, đã trở thành một yêu cầu có tính chất quốc tế, ngày một rõ, ngày một tăng. Tên riêng, vì vậy, dễ có tính chất quốc tế, và những tên riêng (nhất là những tên riêng thời nay) ở các ngôn ngữ có chữ viết không phải bằng chữ cái Latin, như Nga, Arập, ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, thường đều có những dạng viết bằng chữ cái Latin (dạng Latin hoá) ít nhiều dùng phổ biến trên thế giới. Và sẽ không phải là nói ngoa nếu nghĩ rằng có thể một ngày nào đó trong tương lai, vấn đề chuẩn hoá và thống nhất tên riêng, bằng chữ cái Latin chẳng hạn, trong một phạm vi quốc tế sẽ được đặt ra, đối với những tên riêng có ý nghĩa quốc tế, như tên các quốc gia, các thành phố lớn, các nhân vật lịch sử thế giới.

Như vậy, cái khó khăn gọi là “khó đọc, khó nhớ” của tên riêng nước ngoài chẳng phải là khó khăn cho riêng gì chúng ta. Có khác chăng chỉ là do chính tả các tiếng như Anh, Pháp đầy rẫy những mâu thuẫn và bất hợp lí, khiến người ta cũng chẳng lấy làm lạ lắm trước hình thức chính tả đặc biệt của một tên riêng nước ngoài nào đó, còn chúng ta thì dễ ngỡ ngàng, do đã quá quen với chính tả tương đối đơn giản và hợp lí của tiếng Việt.

Cũng có ý kiến rằng: trình độ văn hoá chung của nhân dân ta còn thấp, nên tạm thời dùng biện pháp viết phiên âm tên riêng nước ngoài, chờ sau này khi nào trình độ văn hoá chung được nâng cao, nhân dân ta phần đông ít nhiều đều cũng có làm quen với các ngoại ngữ rồi hẵng hay. Giải pháp này về thực chất không khác giải pháp phân biệt hai loại tài liệu: phổ cập (viết phiên âm tên riêng nước ngoài) và chuyên môn (viết nguyên dạng). Nó sẽ dẫn đến việc tạo ra hai hệ thống tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt, ở hai thời đại khác nhau, ngày nay và ngày mai. Nó sẽ để lại nhiều khó khăn cho tương lai, bởi vì những tên riêng viết phiên âm một khi đã dùng quen rồi thì không dễ gì thay đổi được hàng loạt. Chúng ta sẽ tự tạo cho mình những khó khăn mà các ngôn ngữ phương Tây đã có kinh nghiệm là nên tránh.

Thật ra, nhân dân ta cũng đã có tiếp xúc, từ lâu rồi, với một số tên riêng nước ngoài, với cái nguyên dạng của nó. Đó là tên một số hãng: ô tô và xe đạp Peugeot, máy khâu Singer, v.v. Mọi người coi đó là chuyện bình thường. Nhiều người chỉ mới biết đọc, biết viết, khi cần cũng có thể nhanh chóng làm quen với những tên riêng như thế, và sẽ là buồn cười nếu có ai đó nghĩ rằng nên viết phiên âm Peugeot thành PƠGIÔ,hoặc BƠGIÔ,cho dễ đọc, dễ nhớ. Trên nguyên tắc không có sự khác nhau gì hết giữa tên riêng hãng Peugeot với những tên riêng nước ngoài khác. Và thật là vô lí nếu dễ dàng chấp nhận (xe) Peugeot, (xe) Ford, (máy khâu) Singer, nhưng lại không chấp nhận Armand Peugeot (người chế tạo kiểu ô tô Peugeot, Henry Ford (người sáng lập hãng ô tô Ford), Isaac Singer (người sáng chế ra máy khâu), mà viết, chẳng hạn: “xe Ford mang tên của Henri Pho”(hoặc “Henri Phót”, như đã gặp trên báo).

Chúng ta cũng đã có được một thực tế: trước ngày miền Nam giải phóng, phổ biến trên sách báo miền Nam là viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, mà cũng không thấy có ai phản ứng gì. Trái lại, có những người miền Nam đã không khỏi ngỡ ngàng, khó chịu, khi sau ngày giải phóng, lần đầu đọc những tên riêng nước ngoài viết phiên âm. Đó là một thực tế đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Cho nên ở đây có một vấn đề: đừng đánh giá quá thấp cái khả năng tiếp nhận của quần chúng, và cũng nên nhận thức cái khả năng ấy một cách biện chứng. Quả là có những người nhất định, trong những trường hợp nhất định, có lúng túng khi lần đầu tiếp xúc với một số tên riêng nước ngoài nào đó. Nếu là những tên riêng sẽ còn gặp nhiều lần thì dần dần người ta sẽ quen đi. Và khi đã quen với những tên riêng này, thì sẽ dễ dàng làm quen với một số tên riêng khác, có hình thức chính tả ít nhiều tương tự.

Còn có vấn đề về mặt khoa học: cái cần được tôn trọng ở một tên riêng là chữ hay là âm? Theo lí luận ngôn ngữ học, thì ngôn ngữ trước hết là ngôn ngữ nói, vậy dựa vào phát âm mà phiên âm sang tiếng Việt chẳng phải là hợp lí hơn sao?

Đúng là ngôn ngữ trước hết là ngôn ngữ nói, và chữ viết là để ghi lại ngôn ngữ nói. Đối với những ngôn ngữ có chữ viết ghi âm, thì quan hệ giữa âm và chữ là ngữ âm quyết định chính tả. Nói chung là như vậy. Nhưng nói chung tức có nghĩa là không phải bao giờ cũng như vậy. Quan hệ giữa âm và chữ là một quan hệ biện chứng, và có những trường hợp ngôn ngữ ở dạng viết lại quan trọng hơn ngôn ngữ ở dạng nói, và chính tả quyết định trở lại ngữ âm.

Chữ viết ra đời là để khắc phục những hạn chế của ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ viết đáp ứng yêu cầu giao tiếp rộng rãi trong các lĩnh vực hoạt động văn hoá, khoa học, kinh tế, xã hội, chính trị... của con người, cả khi con người ở cách xa nhau, hoặc không sống cùng một thời đại với nhau. Chức năng đó đòi hỏi ngôn ngữ viết, khác với ngôn ngữ nói, phải có một tính thống nhất và một tính ổn định rất cao. Phát âm có thể thay đổi, và nhiều khi thay đổi khá nhiều, giữa địa phương này với địa phương khác, giữa thế hệ này với thế hệ khác, nhưng chính tả thì phải thống nhất. Chúng ta phát âm khác nhau: “chần quốc tuấn”, “trầng quấc tuứng”, “trầng guức tứng”..., nhưng viết thì mọi người đều thừa nhận là chỉ có thể TRẦN QUỐC TUẤN. Đó là chuẩn chính tả. Chuẩn chính tả này tác động trở lại ngữ âm, tạo ra một cách phát âm vốn không tồn tại một cách tự nhiên trong tiếng Việt: “trần quốc tuấn”, cách phát âm này được công nhận là chuẩn. Chuẩn chính tả trở thành cơ sở để xác định chuẩn phát âm: chuẩn hoá chính tả thực tế đi trước chuẩn hoá phát âm là điều có tính quy luật. Thí dụ trên đây cho thấy rằng đối với tên riêng trong nội bộ ngôn ngữ, như Trần Quốc Tuấn trong tiếng Việt, chính tả vẫn là quan trọng hơn phát âm, nó là nhân tố chính bảo đảm tính đồng nhất của tên riêng. Đối với tên riêng nước ngoài lại càng như vậy. Người Mĩ viết LOS ANGELES, và nhiều ngôn ngữ trên thế giới cũng viết LOS ANGELES thống nhất với người Mĩ. Nhưng tên cái thành phố Mĩ này, ngay trong bản thân người Mĩ cũng đã có ít nhất bốn cách phát âm khác nhau (các từ điển Mĩ thường chú ba hoặc bốn cách phát âm, mà không ghi chú phát âm nào là chuẩn, tạm phiên âm là: “loxanjơlơx”, “loxanjơlax”, “loxanggơlơx”, “loxanggơliz”), và không ai tính được thực tế trên thế giới còn có bao nhiêu cách phát âm khác nữa (một số từ điển Anh, Pháp chú phát âm: “loxanjiliz”, “loxangghiliz”...). Phát âm có thể khác nhau, thậm chí khác nhau khá nhiều, nhưng chính tả chỉ là một. Nếu coi âm là chính, dựa vào âm, thì biết lấy phát âm nào làm cơ sở?

Tôn trọng một tên riêng thì trước hết phải tôn trọng chính tả của nó. Tôn trọng một tên riêng nước ngoài thì trước hết phải tôn trọng dạng viết của nó ở ngôn ngữ nước ngoài. Không phải là ngẫu nhiên mà ngay những người kiên trì chủ trương dựa vào âm là chính, thường cũng gọi vấn đề đang thảo luận là vấn đề “cách viết tên riêng không phải tiếng Việt”: nên viết nguyên dạng hay là viết phiên âm? Không ai quan tâm mấy đến vấn đề “cách phát âm tên riêng không phải tiếng Việt” (vấn đề này có khác vấn đề “nên đọc tên riêng không phải tiếng Việt viết nguyên dạng như thế nào?”). Khi chủ trương viết phiên âm, chúng ta bằng lòng với cái khái niệm “phát âm na ná như trong nguyên ngữ”. Nhưng thế nào là na ná? Na ná nhiều, na ná ít, na ná theo hướng nào, và bao nhiêu thì vừa? Và có một cơ sở ngữ âm học cho một sự na ná nào đó hay không? Những câu hỏi như thế không hề được đặt ra, và mặc nhiên chúng ta thừa nhận với nhau rằng thế nào cũng được, miễn là “nghe na ná”, tức là cho phép có một sự tuỳ tiện nhất định. Chứng tỏ rằng ở đây âm không phải là chính.

Dựa vào phát âm trong nguyên ngữ mà phiên âm vào trong tiếng Việt, thì không phải là khoa học, mà còn vấp phải những khó khăn trên nguyên tắc không thể khắc phục được. Có nhiều trường hợp rất khó biết, thậm chí không thể nào biết được thật sự phát âm trong nguyên ngữ, nếu nguyên ngữ ở đây không phải là một ngôn ngữ quen thuộc. Có khi biết được rồi, vẫn lúng túng, vì có nhiều biến thể phát âm, không có một chuẩn phát âm xác định rõ ràng và ổn định. Đó là chưa kể có những ngôn ngữ phát âm chưa được chuẩn hoá. Và cũng chưa kể có khi ngay cái việc xác định nguyên ngữ của một tên riêng cũng là cả một vấn đề.

Ngay trong những trường hợp thuận lợi nhất, tức là biết rõ nguyên ngữ và biết chính xác chuẩn phát âm, thì viết phiên âm để có một phát âm na ná sẽ cho phép có nhiều kiểu viết khác nhau. Tên nhà văn Anh (John) Galsworthy, có người đã tính rằng viết phiên âm (na ná) sang tiếng Nga, thì trên nguyên tắc có thể có đến 144 kiểu viết khác nhau (có 4 cách phiên âm - al, 2 cách phiên âm -s, 2 cách phiên âm w-, 3 cách phiên âm -or, và 3 cách phiên âm th-, tổng cộng 4 x 2 x 2 x 3 x 3 = 144). Và trên thực tế, người ta đã ghi lại được đến mười lăm kiểu viết phiên âm tên nhà văn này trên sách báo tiếng Nga [1]. Có lẽ nếu viết phiên âm sang tiếng Việt thì tình hình cũng sẽ tương tự. Nếu chuẩn phát âm trong nguyên ngữ mà có biến đổi (vì phát âm dễ có biến đổi, khác với chữ viết, ổn định hơn, thì trên nguyên tắc dạng viết phiên âm lại cũng phải có sự biến đổi tương ứng, càng tăng thêm tình trạng thiếu nhất trí).

Để khắc phục tình trạng thiếu nhất trí, có thể định một số quy tắc phiên âm. Nhưng những quy tắc này sẽ rất phức tạp, phải dự kiến tất cả trường hợp tên riêng ở tất cả các ngôn ngữ, có chính tả và ngữ âm rất khác nhau. Chỉ để viết phiên âm tên riêng thuộc 20 ngoại ngữ (chỉ riêng các ngôn ngữ châu Âu), có người đã nêu ra đến 280 quy tắc![2] Không nói đến tính chất tuỳ tiện của nhiều quy tắc (chẳng hạn, không hiểu trên cơ sở nào đã chủ trương viết phiên âm các tên riêng tiếng Anh Woking thành Âu kinh, Odets thành Âuđét, Hyde thành Hét, Caird thành Két, Booth thành Bu, Southport thành Xaothơpót, Weigall thành Oaigon, viết phiên âm tên thành phố Ba Lan Przemyst thành Pơsêmưxơn), muốn áp dụng những quy tắc này, trong từng trường hợp cụ thể, lại phải biết đích xác tên riêng là ở ngôn ngữ nào, phát âm ra sao, điều mà, như đã nói ở trên, không phải bao giờ và ai cũng làm được (nhất là với những tên nhân vật đương thời, tên địa phương xa lạ). Và điều cơ bản là từ Hét, Két, Bu, Pơsêmưxơn, dựa vào dạng chữ cũng như vào phát âm, thật rất khó mà khôi phục, khi cần thiết, những tên trong nguyên ngữ Hyde, Caird, Booth, Przemyst. Bởi vì, tương ứng với Hét, không phải chỉ có Hyde, mà còn có Haight, Head..., đó là chỉ mới kể một ít tên riêng trong một tiếng Anh mà thôi. Cho nên, dù cho có đề ra được những quy tắc chặt chẽ, áp dụng một cách nhất quán để viết tên riêng nước ngoài một cách thống nhất đi nữa, thì cũng chỉ có thể khắc phục tình trạng cùng một tên riêng nước ngoài mà có nhiều kiểu viết phiên âm khác nhau, chứ vẫn không thể nào khắc phục được cái tình trạng ngược lại, có nhiều tên riêng nước ngoài khác nhau, nhưng lại viết phiên âm hoàn toàn giống nhau.

Dựa vào chữ viết, giữ nguyên dạng hoặc chuyển tự tên riêng không phải tiếng Việt, thì tránh được những khó khăn nêu ở trên, và tạo được dễ dàng một sự nhất trí không những trên sách báo của chúng ta, mà còn giữa sách báo tiếng Việt với nói chung sách báo nước ngoài, giữa chúng ta với quốc tế, một sự nhất trí không phải nhất thời, mà lâu dài, một sự nhất trí mang lại nhiều tiện lợi cho học tập, nghiên cứu, cho các công tác văn hoá, khoa học, báo chí, xuất bản, công tác thư viện, thư mục, thông tin khoa học, v.v..., nói tóm lại, cho sự nghiệp phát triển văn hoá và khoa học - kĩ thuật của chúng ta.

Điều bất tiện duy nhất là sẽ có những tên riêng khó đọc. Và cùng một tên riêng nước ngoài mà có thể sẽ có nhiều cách phát âm khác nhau. Điều này thật ra cũng không có gì đáng ngại. Chúng ta không ngạc nhiên, không thấy khó chịu khi nghe thấy người nước ngoài phát âm rất lạ tai những tên riêng Việt Nam nào đó. Vậy thì tên riêng nước ngoài, chúng ta phát âm không thống nhất và có khác với người ta thì cũng là chuyện thường. Chúng ta không đòi hỏi mọi người Việt Nam chúng ta đều phải phát âm được Nguyễn Trãi thật đúng chuẩn phát âm của tiếng Việt, thì không có lí gì lại đòi hỏi nhất thiết ai cũng phải biết phát âm Shakespeare cho đúng, hoặc na ná, như người Anh. Vả lại, chúng ta thường đọc bằng mắt hơn là đọc bằng miệng, cho nên có gặp những tên riêng mới lạ mà không biết cách phát âm, thì thực tế cũng không trở ngại gì. Đối với người chỉ gặp một đôi lần tên của Shakespeare, gặp rồi lại có thể quên đi ngay, thì có đọc sai thành “sa-ke-spe-a-re”, thậm chí không đọc được cũng không quan trọng gì. Przemyst (phát âm “na ná” là “psemưxl”) mà có thể đọc theo tên viết phiên âm thành “pơ-sê-mư-xơn”, thì Shakespeare có đọc thành “sa-ke-spe-a-re” cũng không có gì lạ, cũng vẫn là một âm “na ná”. Nhưng đối với những người biết Shakespeare, có nhiều dịp đọc hoặc đọc về Shakespeare, thì viết đúng hay không đúng tên của nhà thơ vĩ đại này không phải là chuyện nhỏ. Mà những người như thế không phải là ít, số lượng lại ngày càng tăng, bởi vì chúng ta đang sống ở một thời đại mà bất cứ người nào gọi là có văn hoá trên thế giới cũng đều không thể không biết Shakespeare.

Dĩ nhiên, nói về nguyên tắc, thì tôn trọng một tên riêng không phải tiếng Việt, tốt hơn cả là không những viết đúng, mà còn biết phát âm đúng như trong nguyên ngữ. Nhưng ở đây cũng có một giới hạn, và không phải lúc nào phát âm đúng như trong nguyên ngữ cũng là tốt. Mỗi ngôn ngữ có những đặc trưng ngữ âm riêng, những đặc trưng ngữ âm này định một giới hạn cho những yếu tố ngữ âm ngoại lai có thể chấp nhận (nghe không chối tai) trong một chuỗi lời nói bằng ngôn ngữ ấy. Từ trong tiếng Việt không có trọng âm như từ trong tiếng Anh, tiếng Nga: nếu nói tiếng Việt mà phát âm Lênin hoàn toàn như trong tiếng Nga: “liê'nhin”, với trọng âm ở “liê”, thì, trừ trường hợp đặc biệt, sẽ rất khó nghe, và chắc là không ai tán thành.

Trên thực tế, đối với những tên riêng nước ngoài thường gặp, thường nghe, dần dần sẽ hình thành những cách phát âm phổ biến. Những cách phát âm này dựa vào phát âm trong nguyên ngữ, nhưng đồng thời cũng có thể chịu tác động của chính tả, và nó hình thành trên cơ sở cái “nền” của phát âm tiếng Việt. Mozart, phát âm trong tiếng Đức là “motxart” nhưng người Pháp quen phát âm là “môza” theo kiểu tiếng Pháp, và coi là chuyện bình thường (trước nay chúng ta thường viết phiên âm MÔDA, chính là theo phát âm của tiếng Pháp). Paris, Robespierre, người Anh có kiểu phát âm của họ, khác với trong tiếng Pháp: “parix”, “rôbzpia” (so sánh Shakespeare, “sêkxpia”). Đó là những kinh nghiệm cần nghiên cứu để dần dần xây dựng trong tiếng Việt những cách phát âm tên riêng nước ngoài thích hợp, và hướng dẫn, phổ biến những cách phát âm ấy.

Trên đây là một số vấn đề quan điểm cần làm rõ trong vấn đề tên riêng không phải tiếng Việt. Nói tách rời từng vấn đề là để tiện cho việc trình bày, chứ thật ra thì các quan điểm cần phải được vận dụng một cách tổng hợp.

Cuối cùng, chung quanh những vấn đề này, gần đây có một số ý kiến dễ gây hiểu lầm, tiện đây cũng nên nói qua.

Phê phán chủ trương viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, có ý kiến rằng: “thực ra báo Nam phong của Phạm Quỳnh trong vài năm đầu và báo chí Sài Gòn thời Mỹ-nguỵ đã viết nguyên dạng”[3]. Những lời đầy ẩn ý ấy được nói rõ ra ở một nơi khác: “Giữ nguyên dạng tên người (...) đã xuất hiện ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu đặt ách cai trị lên một phần lãnh thổ nước ta, tồn tại như một lối viết chủ đạo trên sách báo nước ta suốt thời kì bị đô hộ, và chỉ chấm dứt về căn bản từ sau tháng 8-1945 ở những vùng có chính quyền cách mạng, (...) lối viết nguyên dạng đó được chi phối bởi chính sách ngôn ngữ của đế quốc Pháp (...): bắt dân thuộc địa phải học tiếng của “mẫu quốc” (...). Và cũng rất dễ hiểu vì sao lối nói đó được duy trì ở vùng Mỹ-nguỵ chiếm đóng tại miền Nam nước ta trước đây”. Cho nên không thể không phê phán “thái độ vô trách nhiệm quay lưng lại tuyệt đại đa số nhân dân ta khi đó còn mù chữ” của một số trí thức, dưới chế độ cũ, đã tán thành lối viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, và ngày nay “cơ sở của việc đề ra chủ trương “giữ nguyên dạng” – vì ai? vì sao? vẫn còn đáng cho chúng ta phải suy nghĩ”[4].

Thật ra, viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài không phải bắt đầu từ dưới chế độ thực dân Pháp. Trong các tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ của các cố đạo, người Việt Nam cũng như người nước ngoài, từ cuối thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XIX, nói chung tên riêng nước ngoài đều viết nguyên dạng. Có lẽ cũng chẳng phải là đã có sự nghiên cứu cân nhắc gì, chẳng qua là viết thế cho tiện. Gia Định báo (1865) có viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài thì cũng chỉ là tiếp tục một cái truyền thống thời bấy giờ mà thôi.

Trong một thời kì khá dài trước Cách mạng Tháng Tám, trên sách báo của ta, kể cả sách báo bí mật, phổ biến không phải là viết nguyên dạng Paris, Berlin, Napoléon, Rousseau, Washington, mà là viết Ba Lê, Bá Linh, Nã Phá Luân, Lư Thoa, Hoa Thịnh Đốn, tức là dùng dạng gọi là Hán-Việt của tên riêng nước ngoài phiên âm qua tiếng Hán. Chỉ mãi về sau này, khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nhiều tên riêng các nước phương Tây, mới xuất hiện những kiểu tên viết phiên âm trực tiếp: Vích-to Huy-gô, Lê-nin, Líp-nếch. Sau Cách mạng Tháng Tám, những lối viết như trên đây vẫn còn tồn tại một thời gian khá lâu, nói chung là trong suốt thời kì Kháng chiến chống Pháp. Còn trên sách báo miền Nam vùng Mĩ-nguỵ thì cũng không phải là ngay từ đầu cho đến cuối chỉ có cái hình thức tên riêng nước ngoài viết nguyên dạng. Đó là một sự thật mà ai cũng biết. Không thể nói rằng chủ trương viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài là một cái gì của thực dân, là có tính chất nô dịch.

Nhưng nói cho cùng, dù cho có thật đó là một cái gì của đế quốc đi nữa, thì trong loại những vấn đề như thế này, thái độ của chúng ta đâu có phải là dán cho nó một cái nhãn hiệu “địch”, rồi nhắm mắt gạt bỏ, một mực đối lập lại. Trong lĩnh vực khoa học, có biết bao nhiêu cái của địch thật, nhưng chúng ta phải học tập, tiếp thu, nếu quả nó đúng và vì thế mà chỉ có thể có lợi cho ta.

Một số anh chị em trí thức miền Nam trước kia sống trong vùng Mĩ-nguỵ, đã từng kiên quyết chủ trương viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, sau ngày nước nhà thống nhất vẫn kiên trì cái chủ trương đó. Tiêu biểu là Lê Văn Thới, một trí thức yêu nước, trung thực, cho đến những ngày cuối cùng của đời mình (ông mất tháng bảy năm 1983) đã tỏ ra một nhiệt tình hiếm có đối với các vấn đề xây dựng thuật ngữ, phát triển tiếng Việt, phát triển khoa học ở nước ta. Ngay từ năm 1963, Lê Văn Thới, cùng với một số trí thức miền Nam, đã chủ trương một cách đúng đắn viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài[5]. Cần thấy rằng chính trong hoàn cảnh nước nhà thống nhất, nhờ có những cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến, bàn bạc giữa trí thức chúng ta ở cả hai miền, mà có nhiều vấn đề ngôn ngữ, cũng như nhiều vấn đề học thuật khác, chúng ta đã xem xét được một cách toàn diện hơn, nhờ vậy mà giải quyết được tốt hơn.

Sự thật chỉ có như vậy.

Có ý kiến nhắc đến những bất hợp lí của chính tả một số ngôn ngữ phương Tây, như tiếng Pháp, tiếng Anh, và dẫn lời nhà ngôn ngữ học Pháp Marcel Cohen phê phán rằng những bất hợp lí ấy đến mức “việc nắm vững chính tả có tính chất dấu hiệu giai cấp” (bởi vì chỉ con cái những tầng lớp nào đó mới có điều kiện học hành được đến nơi đến chốn để nắm vững chính tả). Và từ đó lập luận: Viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài thì sẽ viết nhiều tên riêng có chính tả rắc rối, “và như thế thì phải chăng ta sẽ bắt mỗi công dân nước ta hiện nay chuốc lấy cái tai hoạ của người ta làm tai hoạ cho chính mình, và góp phần vào việc tạo ra một “dấu hiệu giai cấp mới” ở nước ta?”.

Thật ra, tên riêng nước ngoài là một chuyện, mà chính tả của chúng ta là một chuyện. Trong một câu tiếng Việt, có một vài tên riêng nước ngoài nghe lạ tai, viết lạ mắt, thì những tên riêng đó vẫn giữ cái sắc thái nước ngoài của chúng, được cảm thụ như là những tên riêng, những từ nước ngoài, không ai nghĩ, không ai nhầm đó là những từ tiếng Việt. Cho nên cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chính tả tiếng Việt. Và, nói cho hết lẽ, đã là tên riêng thì về nguyên tắc cho phép có những hình thức ngữ âm hoặc chính tả lạ, khác thường (bởi vì tên riêng nói chung không có nghĩa, không có quan hệ hệ thống với nhau). Có những tên riêng, viết (de) Broglie, mà phát âm “broi”, viết (Somerset) Maugham mà phát âm “mom”, là chẳng theo một quy tắc nào cả. Người Việt Nam chúng ta cũng có những tên riêng như (Nguỵ Như) Kontum, (Hồ) Dzếnh: không ai nghĩ rằng những tên riêng như thế đã làm rắc rối chính tả tiếng Việt. Cho nên, khi phê phán những bất hợp lí của một chính tả, các nhà ngôn ngữ học, như Marcel Cohen, thường chỉ nói về chính tả những từ “chung” của ngôn ngữ, chứ không nói đến chính tả tên riêng, một bộ phận nhỏ và quá đặc biệt của ngôn ngữ.

Cuối cùng, có người đã dẫn lời Hồ Chủ tịch khi Bác dịch cuốn Tỉnh uỷ bí mật: “Tên Nga thường dài, khó đọc. Ở đây viết ngắn lại, để bà con dễ đọc”. Tức là không những phiên âm, mà còn viết rút gọn lại. Và chúng ta được gợi ý nên suy nghĩ rút ra ở “chủ trương” đó của Bác một “bài học sinh động về thế nào là xuất phát từ quan điểm xã hội - ngôn ngữ học” để giải quyết vấn đề đang bàn.

Hồ Chủ tịch, như mọi người đều biết, dịch Tỉnh uỷ bí mật trong một hoàn cảnh đặc biệt: trong những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác dịch cuốn sách này để làm một tài liệu tuyên truyền - giáo dục rộng rãi và kịp thời, đặc biệt là cho cán bộ, du kích hoạt động trong vùng địch. Bác không dịch, mà đã phỏng dịch một cách rất sáng tạo. Không thể từ việc làm của Bác trong một trường hợp đặc biệt, nhằm một mục đích đặc biệt như vậy, nghĩ rằng đó là một “chủ trương” chung của Bác về vấn đề tên riêng nước ngoài (cũng như về vấn đề dịch tác phẩm văn học nước ngoài).

Mọi người đều biết sự quan tâm của Bác đối với các vấn đề của tiếng Việt. Chắc là Bác cũng có những suy nghĩ và ý kiến về vấn đề tên riêng nước ngoài. Tìm hiểu những ý kiến của Bác đòi hỏi một công tác nghiên cứu ít nhiều công phu, kể cả việc tìm đọc những bản thảo viết tay còn lưu lại của Bác. Chúng tôi không có tham vọng làm việc đó, mà chỉ tiện đây xin dẫn một vài tài liệu để chúng ta cùng tham khảo.

Trong Dường Kách mệnh (1925), tên riêng nước ngoài không được viết theo một nguyên tắc nhất quán. Điều này phản ánh tình hình chính tả của chúng ta lúc bấy giờ. Nhưng đáng chú ý là, trừ một vài trường hợp cá biệt, có thể coi như là ngoại lệ, Bác không dùng những dạng gọi là Hán-Việt của tên riêng nước ngoài phiên âm qua tiếng Hán rất phổ biến trên sách báo của chúng ta thời ấy (như Nã Phá Luân, Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa, Gia Nã Đại, Ba Lê). Hầu hết tên riêng nước ngoài đều là hoặc viết phiên âm trực tiếp (Mong-tês-ki-ơ, Ru-xô, Ca-na-đa,...) hoặc viết nguyên dạng (Paris, Madagascar, Java, Napoléon,...). Riêng Marx có chỗ là Mã-khắc-tư, có chỗ là Các Mác; Lênin, có chỗ là Lê-nin, có chỗ là Lénine.

Cũng thời gian này, có lần Bác có phát biểu trực tiếp ý kiến của mình về vấn đề cách viết tên riêng nước ngoài. Trong một bức thư (trả lời ông H.), viết ngày 9-4-1925, nhân nói về Gandhi, mà thời bấy giờ ta quen gọi là Cam Địa, theo âm Hán-Việt của tên phiên âm sang tiếng Hán, Bác viết như sau: “Người Trung Quốc đọc tên này theo âm Hán là Găngđi, đọc theo âm Việt là Cam Địa, như vậy là không đúng. Nếu cần viết tên một nhân vật hoặc tên một làng nước ngoài bằng tiếng Việt, tôi nghĩ cứ nên viết đúng tên ấy hơn là diễn đạt thông qua tiếng Trung Quốc”[6].

Qua cách viết tên riêng nước ngoài của Bác trong Dường Kách mệnh và qua ý kiến của Bác trên đây, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học tập được một điều: cái nhìn của Bác bao giờ cũng là cái nhìn mạnh bạo về phía trước.

1983

Nguồn: HOÀNG PHÊ - Tuyển tập Ngôn ngữ học.
NXB Đã Nẵng – 2008.

 

[1] x. R.S. Giljarevskij, B. A. Starostin. Inostrannye imena i nazvanija russkom tekste. In  lần thứ hai, Moskva, Nxb. Mezhdunarodnye otnoshenija, 1978, tr. 18-19.

[2] x. Lê Trọng Bổng. Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học kĩ thuật, quy tắc phiên tên riêng thuộc 20 ngoại ngữ. Hà Nội, Báo Khoa học và đời sống xuất bản, 1983.

[3] Lưu Vân Lăng. Vì tương lai con em chúng ta, hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Báo Khoa học và đời sống,1-6-1983, tr. 3.

[4] Nguyễn Kim Thản. Vấn đề viết tên riêng nước ngoài. Báo Khoa học và đời sống,1-8-1983, tr. 3 – Những câu dẫn ở các đoạn sau trong bài này cũng đều là của NKT.

[5] x. Lê Văn Thới và cộng tác viên. Danh từ hoá học Pháp- Việt. Sài Gòn, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1963.

[6] x. Tuyển tập Hồ Chí Minh: Văn hoḠnghệ thuật cũng là một mặt trận, Hà Nội, Nxb. Văn học, 1981, tr. 48.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020