Nghiên cứu khoa học

LÍ THUYẾT HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ VỚI ĐOẠN THƠ "TRAO DUYÊN" TRONG TRUYỆN KIỀN


14-10-2020
Tác giả: Bùi Minh Toán

Truyện Kiều (theo bản của Đào Duy Anh trong /1/) là một tác phẩm ưu tú của nền văn học nước ta. Ở đó, Nguyễn Du đã kể lại diễn biến cuộc đời của nhân vật chính là Thúy Kiều trong mối quan hệ với rất nhiều nhân vật khác.

1. Như đã biết, từ sau 1955 khi nhà triết học người Anh là J.L. Austin đề xuất lí thuyết hành động ngôn ngữ với luận điểm nổi tiếng nói tức là làm thì ngôn ngữ học đã ngày càng đi sâu vào bản chất hành động của ngôn ngữ. J. L. Austin phân biệt ba loại hành động ngôn ngữ là: hành động tạo lời (acte locutoire), hành động mượn lời (acte perlocutoire) và hành động ở lời (acte illocutoire). Trong đó hành động ở lời có một vai trò rất quan trọng, đó chính là hành động mà con người thực hiện ngay khi nói ra một phát ngôn và thực hiện bằng chính phương tiện ngôn ngữ. Khi nói năng, con người thực hiện nhiều loại hành động ở lời, như kể, trình bày, hỏi, cầu khiến, mời, khuyên, hứa, cam đoan, thề, xin lỗi, cám ởn, biểu cảm, tuyên bố…

J.L. Austin và nhiều tác giả khác sau ông đã tiến hành phân loại các hành động ở lời. Cho đến nay, hệ thống phân loại các hành động ở lời được chấp nhận rộng rãi hơn cả là bảng phân loại của J. R. Searle. Tác giả đã dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đích ở lời, hướng khớp ghép với hiện thực mà lời đề cập đến, trạng thái tâm lý được thể hiện và nội dung mệnh đề để phân loại các hành động ngôn ngữ thành 5 nhóm. Đó là các nhóm: 1/ Tái hiện (representatives – như các hành động ngôn ngữ: trình bày, kể, miêu tả, trần thuật, nhận định, báo cáo…); 2/ Điều khiển (directives – như ra lệnh, thỉnh cầu, yêu cầu, đề nghị, hỏi, cho phép, mời, rủ…); 3/ Cam kết (commissivers – như cam kết, cam đoan, hứa, hẹn, thề…); 4/ Biểu cảm (expressives – như than, khen, ca ngợi, cảm ơn, xin lỗi, trách…); 5/ Tuyên bố (declarations – như tuyên bố, tuyên phạt, tuyên ngôn, cáo buộc, buộc tội…). Những hành động ngôn ngữ và nhóm hành động ngôn ngữ này là sự đúc kết và khái quát hóa từ thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ hằng ngày. Ngược lại từ thực tiễn ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày lại có thể kiểm nghiệm, làm sáng tỏ và bổ sung cho lí thuyết ngôn ngữ học.

Truyện Kiều (theo bản của Đào Duy Anh trong /1/) là một tác phẩm ưu tú của nền văn học nước ta. Ở đó, Nguyễn Du đã kể lại diễn biến cuộc đời của nhân vật chính là Thúy Kiều trong mối quan hệ với rất nhiều nhân vật khác. Mỗi nhân vật đều tham gia vào câu chuyện bằng rất nhiều hành động được thực hiện bằng các bộ phận cơ thể (như đi, chơi, mua bán, sắm sửa, đánh…), có hành động được thực hiện nhờ phương tiện vật chất bên ngoài (như đi bằng ngựa, bằng xe, bằng thuyền; tra tấn bằng dây trói, bằng gậy gộc…), nhưng mỗi nhân vật đều thường thực hiện nhiều hành động bằng phương tiện ngôn ngữ. Đặc biệt là nhân vật chính Thúy Kiều, gần như không có lần xuất hiện nào mà Thúy Kiều không nói, không phát ngôn, cho dù lời nói của nàng được Nguyễn Du kể lại dưới hình thức dẫn trực tiếp hay gián tiếp. Trong số đó, đoạn truyện thường được gọi là trao duyên của Thúy Kiều cho em gái là Thúy Vân là một đoạn truyện đặc sắc. Xét về phương diện hành động ngôn ngữ thì đoạn truyện này cũng có thể được xem là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho lí thuyết hành động ngôn ngữ trong ngôn gữ học.

2. Trao duyên là tên gọi chung mà các nhà nghiên cứu, phân tích hay giảng dạy văn học đặt cho đoạn truyện này. Đó là tên gọi xuất phát từ đề tài bao trùm cả đoạn từ câu thơ 719 đến câu thơ 756 (37 dòng thơ). Cả đoạn là lời của Thúy Kiều được Nguyễn Du ghi lại dưới dạng lời dẫn trực tiếp. Các bản Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ hiện hành đều dùng dấu ngoặc kép để đánh dấu cả đoạn với tư cách lời nói trực tiếp của Thúy Kiều, thể hiện hành động trong cuộc hội thoại với em gái. Tuy được gọi là đoạntrao duyên, nhưng thực tế cho thấy trong đoạn này, Thúy Kiều đã tiến hành nhiều hành động ngôn ngữ rất đa dạng, thuộc nhiều nhóm hành động ngôn ngữ khác nhau.

Lần theo diễn biến của câu chuyện, ta đều biết sau buổi du xuân, Thúy Kiều và Kim Trọng đã chủ động thổ lộ tình cảm và cùng nhau đính ước. Tuy nhiên, gần như đồng thời với sự đính ước của hai người thì Kim Trọng nhận được tin giữ: người chú mất và chàng phải tức tốc chia tay Thúy Kiều để về quê chịu tang. Về phía gia đình Thúy Kiều, thì cũng gần như đồng thời tai họa bỗng ập đến: do sự vu oan của một kẻ bán tơ mà gia đình nàng bị quan quân vơ vét, cướp bóc của cải, hành hạ, tra tấn cha và em trai Thúy Kiều. Đứng trước tình cảm bức xúc, khốc liệt như vậy, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để cứu cha, em và đảm bảo cho sự tồn sinh của cả gia đình. Đau đớn vì mối tình bị dở dang với Kim Trọng và chua xót vì sự phụ bạc lời thề của chính mình, Thúy Kiều dằn vặt, thổn thức đến canh khuya. Thúy Vân chợt tỉnh giấc và ân cần hỏi han duyên cớ. Đến lúc này thì câu hỏi của Thúy Vân như một tia lửa châm ngòi, làm bùng phát tất cả nỗi niềm của Thúy Kiều. Nàng nói một mạch trong 37 dòng thơ, tuôn trào rất nhiều cung bậc khác nhau của tình cảm, cũng đồng thời tiến hành nhiều hành động ngôn ngữ khác nhau.

2.1 Trước hết, trả lời cho câu hỏi của em gái, Thúy Kiều bộc bạch nội tâm, tái hiệnkhông dấu diếm những gì là sâu kín nhất trong tâm hồn mình:

Rằng: “Lòng đương thổn thức đây,

Tơ duyên còn vưỡng nỗi này chưa xong

Hở môi ra cũng thẹn thùng,

Để lòng thì phụ tấm lòng với ai

Lời Thúy Kiều là lời tái hiện diễn biến nội tâm, lần đầu tiên mở lòng ra với người em gái của mình. Thúy Vân đã từng có mặt trong buổi gặt gỡ đầu tiên với Kim Trọng, cũng là người dễ đồng cảm nhất trong gia đình đối với câu chuyện yêu đương của chị. Đồng thời lời nói đó cũng bộc lộ tình cảm sâu nặng của Thúy Kiều đối với Kim Trọng.

2.2 Nhưng Thúy Kiều không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi đã bộc bạch nỗi niềm sâu thẳm trong nội tâm, nàng đã tiến hành việc quan trọng nhất: thỉnh cầu Thúy Vân thay mình để nối mối tình với Kim Trọng. Nàng đã dùng một động từ mà lí thuyết ngôn ngữ học gọi là động từ ngữ vi cậy. Đây là cách thể hiện trực tiếp hành động ngôn ngữ “thỉnh cầu” (thuộc nhóm điều khiển) bằng một biểu ngữ vi tường minh (nếu dùng hình thức văn xuôi ở dạng đầy đủ thì cần nói là: Chị cậy em… ). Hơn nữa, Thúy Kiều dùng từcậy (mà không phải các từ nhờ, mượn, cầu…), từ này vừa phù hợp với vị thế của nàng vừa thể hiện được sắc thái tin tưởng cao vào người mà mình nhờ vả. Trong tâm thức của Thúy Kiều, mối tình của mình với Kim Trọng là rất cao quý, thiêng liêng, cho nên điều đầu tiên mà nàng yêu cầu ở Thúy Vân là tư thế trang nghiêm (ngồi lên) để cho mình tiến hành một nghi lễ: lạy rồi thưa. Nội dung của hành động thỉnh cầu chỉ được nói ra sau khi đã tạo được bối cảnh trang nghiêm, nhưng lần này nó không biểu hiện bằng thức tường minh (có động từ ngữ vi), mà bằng một biểu thức nguyên cấp, mang sắc thái tế nhị:

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Đây cũng là sự thể hiện lời thỉnh cầu mà không dùng dạng câu cầu khiến, không dùng các từ nếu dấu hiệu cho sự cầu khiến như hãy, đi, nào…

Trong lời nói của Thúy kiều sau đó, hành động thỉnh cầu (nhờ cậy) còn được tiến hành ba lần nữa, nhưng đều dưới hình thức nguyên cấp, không tường minh, không dùng động từ ngữ vi, cũng không dùng các dấu hiệu của lời cầu khiến (hãy, nào, đi…).

Đó là khi nàng thể hiện rõ nội dung điều thỉnh cầu.

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non…

(Từ hãy trong câu này chỉ có nghĩa như từ vẫn).

Hoặc khi trao lại, nhờ cậy và căn dặn em giữ gìn những kỉ vật của mối tính:

Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung…

Rồi cả khi cầu xin em sau này tưởng nhớ đến người chị và thấu hiểu cho nỗi oan trái của mình:

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Tưới xin giọt lệ cho người thác oan.

Như thế chỉ duy nhất một lần, hành động thỉnh cầu của Thúy Kiều được thực hiện bằng biểu thức ngữ vi tường minh với động từ ngữ vi cậy.

2.3 Thông thường, trong một sự kiện lời nói thỉnh cầu hay nhờ cậy (điều khiển nói chung), thì đan xen với hành động chủ hướng là thỉnh cầu thường còn có nhiều hành động ngôn ngữ khác để hỗ trợ cho lời thỉnh cầu đạt được đến đích. Thúy Kiều là người thông minh, sâu sắc, tế nhị nên cũng không chỉ đơn giản nói lời thỉnh cầu. Trước đó nàng đã giãi bày cùng em nỗi niềm tâm sự sâu kín. Sau đó, nàng lại trình bày cặn kẽ cùng em diễn biến của sự kiện bên ngoài để mong em thấu hiểu tình cảm của mình, và cả sự suy tính, cân nhắc của mình giữa bên tình và bên hiếu, từ đó đáp ứng cho lời thỉnh cầu:

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai

Thỉnh cầu cũng thường phối hợp với hành động ngôn ngữ hứa hẹn, cam kết:

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Nhưng có tần số cao nhất ở đoạn này là những hành động ngôn ngữ thuộc nhóm biểu cảm: bộclooj cảm xúc, thái độ của bản thân người nói. Thỉnh cầu người em thay mình thực hiện lời thề thiêng liêng với Kim Trọng, Thúy Kiều trước hết đã bày tỏ một sựcảm ơn sâu sắc. Có điều hành động cảm ơn này cũng được thể hiện một cách gián tiếp thông qua hành động bày tỏ sự hài lòng, mãn nguyện khi được em giúp đỡ, ngay cả khi đã ở thế giới bên kia:

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Rồi cũng như ở trên, trong lời dẫn nhập vào hành động thỉnh cầu, Thúy Kiều còn bộc lộ niềm tin sâu sắc ở tình cảm quý miến và sự giúp đỡ của người em gái, ở sự nâng niu, bảo toàn những kỉ vật thiêng liêng của mối tình:

Dầu em nên vợ nên chồng,

Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Và niềm tin tưởng còn được thể hiện thông qua hành động động viên, an ủi, dự báovề một tương lai gặp gỡ:

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này,

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

2.4 Đến đây có thể coi là sự kiện lời nói thỉnh cầu (với hành động chủ hướng là thỉnh cầu và các hành động phụ thuộc khác như: trình bày, hứa hẹn, biểu cảm…) đã hoàn tất. Nhưng lời Thúy Kiều vẫn chưa chấm dứt. Như một mạch nước tuôn trào, nàng không thể kìm nổi nỗi niềm của mình. Từ chỗ đang đối thoại với người em, nàng như người mất trí: đối thoại với bản thân mình qua một hành động ngôn ngữ than vãn:

Bây giờ trâm gãy gương tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Và trách móc số phận:

Phận sao phận bạc như vôi,

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng,

Từ đó, nàng hướng đến người tình của mình, trước hết, với hành động ngôn ngữ xin lỗi, xin tha thứ về sự không giữ được lời thề xưa:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Rồi kết thúc bằng một tiếng kêu biệt li với người tình và hành động tự lên án sự phụ bạc của bản thân:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Như thế, những hành động ngôn ngữ biểu cảm trong đoạn này rất phong phú, đa dạng: khi thì hướng đến người em, khi hướng vào bản thân mình, khi hướng đến người tình và bộc lộ những sắc thái cảm xúc khác nhau: cảm ơn, động viên, an ủi, tin tưởng, than vãn, trách móc, xin lỗi, biệt li, lên án… nhưng tất cả đều được thể hiện một cách gián tiếp, hàm ẩn, không có động từ ngữ vi tường minh. Người trong cuộc và cả người ngoài cuộc đều lĩnh hội những hành động ngôn ngữ đó qua ngữ cảnh của cuộc hội thoại và văn cảnh cụ thể.

Nếu theo dõi tiếp diễn biến của câu chuyện sau đoạn trao duyên này thì có thể thấy trong một phát ngôn sau đó Thúy Kiều cũng tiến hành một số hành động ngôn ngữ tương tự. Sau khi thốt lên tiếng kêu đau đớn biệt li với Kim Trọng và tự lên án mình ở trên, Thúy Kiều đã ngất đi, bất tỉnh. Cả nhà thức dậy, xôn xao lo sợ và chạy chữa thuốc thang cho nàng, rồi nàng mới tỉnh dần. Thúy Vân kể lại đầu đuôi câu chuyện. Và Vương ông cha nàng rất ân hận vì đã làm lỗi duyên nàng,  hứa sẽ làm đúng lời nàng. Thúy Kiều lại thỉnh cầu cha trả nghĩa tràng Kim, còn mình thì cam kết sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ hi sinh:

Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi

Sá chi thân phận tôi đòi,

Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu”.

3. Tóm lại, trong cùng một lượt lời của cuộc hội thoại về đề tài trao duyên, nhân vật Thúy Kiều đã tiến hành nhiều hành động ngôn ngữ thuộc những nhóm khác nhau: tái hiện, thỉnh cầu, cam kết, biểu cảm và cả tuyên bố (tự lên án mình). Có trường hợp hành đông ngôn được thực hiện trực tiếp theo kiểu câu điển hình, kể cả bằng biểu thức ngữ vi tường minh, nhưng thường được tiến hành bằng phương thức gián tiếp. Mặt khác, hành động ngôn ngữ ở đoạn này xét về phía người nói, đều thuộc về Thúy Kiều (nên không có từ chỉ chủ thể), nhưng xét về phía đối ngôn lại không phải là Thúy Vân (người được trao duyên), mà còn là một nhân vật thứ ba – Kim Trọng – và cả bản thân người nói tự nói với mình. Chỉ riêng về phương diện hành động ngôn ngữ, trong một phần không lớn của văn bản Truyện Kiều, ta đã thấy sự phong phú, sinh động của ngôn ngữ trong lời sống giao tiếp hàng ngày, và càng thấm thía thêm về thiên tài nghệ thuật ngôn ngữ của Nguyễn Du.

Tài liệu tham khảo

1/ Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb KH, 1974.

2/ Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb GD, 1993.

3/ Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, tập 1, Nxb GD, 1998.

4/ George Yule, Dụng học (bản tiếng Việt), Nxb ĐHGD HN, 2003.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020