Nghiên cứu khoa học

VĂN HOÁ NGÔN TỪ, PHONG CÁCH NGÔN NGỮ THƠ HỒ CHÍ MINH VÀ VIỆC DỊCH BÀI THƠ "CHIỀU TỐI"


14-10-2020
Tác giả: Hữu Đạt

VĂN HOÁ NGÔN TỪ, PHONG CÁCH NGÔN NGỮ THƠ HỒ CHÍ MINH 

                                     VÀ VIỆC DỊCH BÀI THƠ "CHIỀU TỐI"

                                                                 PGS.TS. Hữu Đạt

            1. Trong nửa thế kỷ qua, ở Việt Nam và ở nước ngoài đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Xem thêm [5], [7], [8], [9], [10], [14]... . Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và nước ngoài đã cho thấy, "Nhật ký trong tù" là một tập thơ có giá trị cao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật. Trong đó, nổi bật lên là phong cách của một nhà thơ phương Đông giàu tâm hồn yêu nước, yêu quê hương, thiết tha với lý tưởng cách mạng. Nền tảng chính làm nên phong cách ngôn ngữ của Hồ Chí Minh trong tập thơ này chính là tính uyên thâm, bác học của thể thơ Đường luật kết hợp với cách sử dụng những chất liệu của đời sống thường nhật để đưa vào thơ ca nhằm phản ánh những hiện tượng điển hình trong lao tù Tưởng Giới Thạch. Qua đó, tác giả đã miêu tả một cách sâu sắc bản chất thối nát của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ và nỗi cực khổ của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong chốn nhà lao.
            Một điều dễ nhận thấy là, ngay cả những bài thơ được viết theo lối hài hước châm biếm, ngôn ngữ thơ của Hồ Chí Minh vẫn luôn sắc cạnh, nghiêm túc. Những hình ảnh ta thường gặp ở tập thơ này như: "chiếc răng rụng"," cái nốt ghẻ"," chậu nước nhà pha", "hố xí"…tuy là chất liệu thô mộc của cuộc sống đời thường nhưng khi đi vào thơ Hồ Chí Minh nó không hề làm tầm thường hoá đi thơ Người mà trái lại còn tạo ra một phong cách mới, một sức sống riêng, một "sự phá cách" sáng tạo cái thể thơ vốn thuộc dòng thơ bác học, rất chặt chẽ về cấu trúc, niêm luật và con đường tạo nghĩa văn bản ( Xem thêm [2], [3] ). Có thể nói, dù trong hoàn cảnh nào, thơ Người vẫn là sự vươn tới những giá trị của thẩm mỹ và văn hoá ngôn từ, thể hiện rõ một tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện và tinh tế.
            2. Bài thơ "Chiều tối" trong tập "Nhật ký trong tù" là một bài thơ hay, được tuyển vào chương trình dạy văn ở phổ thông trung học. Nó cũng là bài thơ  thường được chọn làm đề thi tuyển sinh đại học trong rất nhiều kỳ thi, đặc biệt từ những năm của thời kỳ Đổi mới. Điều này chứng tỏ bài "Chiều tối" chẳng những là một trong các bài tiêu biểu nhất của "Nhật ký trong tù"mà còn là bài thơ có vị trí quan trọng trong văn học nhà trường. Nó là một hành trang tri thức quan trọng đối với thanh niên của thời đại ngày nay. Mặt khác, chính bài thơ trên còn là đối tượng nghiên cứu của sinh viên ngữ văn thuộc ngành khoa học xã hội ở bậc đại học. Nó cũng được nhắc đến nhiều trong các khoá luận tốt nghiệp của sinh viên và cả trong một số luận văn sau đại học.
            Bài thơ có dạng nguyên tác:
                                            Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ,
                                            Cô vân mạn mạn đọ thiên không;
                                            Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
                                            Bao túc, ma hoàn lô dĩ hồng.
            Dịch nghĩa:
                                            Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
                                            Chòm mây cô lẻ, lững lờ trôi giữa tầng không;
                                            Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
                                            Ngô xay vừa xong lò than đã đỏ.
            Bài này được dịch thành thơ như sau:
                                            Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
                                            Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;
                                            Cô em xóm núi xay ngô tối,
                                            Xay hết, lò than đã rực hồng.
                                                     (Nam Trân)
            Trước hết, cần phải nói rằng, dịch thơ là một công việc phức tạp không giống như dịch văn xuôi và một số loại văn bản khác. Bởi vì, nói đến thơ ca là người ta nói đến một loại hình văn bản đặc biệt. Trong đó, ngoài vấn đề thông tin hình tượng, thơ ca còn có cách sử dụng riêng các phương tiện liên kết, các qui luật hoà phối âm thanh để tạo nên ngữ điệu, nhịp điệu của thơ ca cũng như đặc trưng về tính nhạc của nó. Như vậy, dịch thơ không thể dịch từng chữ, vì rằng quá câu nệ vào chữ sẽ dẫn đến làm hỏng thơ do chỗ giữa các ngôn ngữ không bao giờ có sự tương ứng hoàn toàn giữa các từ. Chưa kể, giữa các ngôn ngữ còn có những qui tắc, cách thức khác nhau trong việc xây dựng hình tượng. Điều quan trọng là người dịch phải giả mã được hình tượng của văn bản nghệ thuật trong nguyên tác, sau đó mới tìm ra cách thể hiện nhằm truyền đạt được đầy đủ nội dung tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của tác giả. Sự giả mã này cho phép người dịch bộc lộ những khả năng sáng tạo cá nhân theo nguyên tắc của quan hệ " hằng thể và biến dạng". Nghĩa là, một bài thơ hay có thể dịch theo nhiều cách khác nhau. Muốn đạt được điều này, khi tiến hành dịch thơ người dịch phải quan tâm đến một loạt vấn đề như: ngôn ngữ, văn hoá, thói quen của tư duy, phong cách tác giả, đặc điểm thể loại…Nói cách khác, một trong những vấn đề mấu chốt của việc dịch thơ là không được làm mất đi hay biến đổi phong cách của tác giả, đặc biệt là cái nét văn hóa trong sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ ( Xem thêm [4] ). Trong cách nhìn đó, chúng tôi thấy cách dịch bài thơ " Chiều tối" có một vấn đề rất cần  khảo sát lại.
            Trước hết, cần khẳng định, trong các bản dịch hiện có thì bản dịch của Nam Trân vẫn là bản dịch được đánh giá cao hơn cả. Đây cũng là bản dịch được lựa chọn vào trong văn tuyển phổ thông trung học.  Sự sáng tạo trong cách dịch của Nam Trân thể hiện rõ nhất ở sự khai thác mặt nghĩa hình tượng của bài thơ.Điều này bộc lộ ở việc ông mạnh dạn đưa từ "tối" vào câu thơ thứ ba, mặc dù trong nguyên tác không hề có từ này. Sở dĩ người đọc chấp nhận được vì câu này liên quan đến câu thứ nhất: những đàn chim mỏi cánh đi tìm chốn nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn vất vả. Ai cũng biết, đó là lúc hoàng hôn. Trong không gian rộng mở giàu tính tượng trưng theo phong cách thơ Đường, hình ảnh cô gái xay ngô đã tạo nên một bức tranh sống động về đời sống hiện thực nơi xóm núi. Nó mở ra một thế đối lập mới về không gian, thời gian. Nhờ việc đưa từ "tối" một cách hợp lý vào văn bản mà hình ảnh lò than rực hồng vốn là kết quả của một câu tả cảnh đã chuyển sang thành một câu hình tượng. Qua sự đối lập tối- sáng, trong tư duy người đọc nảy sinh  một khả năng liên tưởng, so sánh: một bên là sự tăm tối của thực tại, một bên là hy vọng tươi sáng về tương lai. Đó là cái nghĩa hình tượng được hình thành nhờ vào bối cảnh sáng tác của bài thơ và những đặc điểm chung về phong cách của nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện qua toàn bộ tập thơ "Nhật ký trong tù". Nếu tách bài thơ riêng ra khỏi phong cách chung của toàn tập thì người đọc khó mà hình dung ra mối liên tưởng ấy và việc gán cho nó ý nghĩa hình tượng như trên sẽ trở nên khiên cưỡng và áp đặt. Cho nên, sự thành công cơ bản của bản dịch này chính là khả năng sáng tạo trong cách giải mã nghệ thuật của dịch giả.
             Tuy nhiên, vấn đề đáng trao đổi lại là ở câu thơ thứ ba. Trong nguyên tác, Hồ Chí Minh viết:"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc". Khi dịch "sơn thôn" thành"xóm núi", người dịch đã đạt được yêu cầu trong việc diễn đạt nội dung cơ bản của cụm từ này mà không làm ảnh hưởng đến phong cách của nhà thơ Hồ Chí Minh. Như ta đã biết, "Chiều tối" là một bài thơ được sáng tác theo thể Đường luật. Đặc trưng tiêu biểu của loại thơ này là có tính cân xứng, hài hoà về ngữ âm, có hàm ý sâu sa về chữ nghĩa và trang trọng về phong cách. Tính cân xứng, hài hoà về ngữ âm  thể hiện ở việc hình thành các thế đối lập về bằng-trắc của các thanh điệu. Tính hàm ý về nội dung chữ nghĩa được thể hiện qua việc sử dụng các từ đồng nghĩa, đồng âm, trái nghĩa …thuộc các lớp từ vựng khác nhau. Trong đó có tính đến sự phân bố của các từ Hán-Việt. Sự xuất hiện của lớp từ này tự nó đã mang tính trang trọng vì từ Hán-Việt là lớp từ mang màu sắc phong cách rất rõ. Trong câu thứ ba, cụm từ "sơn thôn" nằm trong quan hệ liên kết với cụm từ "thiếu nữ". Về mặt ngữ âm,  cả câu thơ thứ ba là một kết hợp gồm các thanh điệu: BB TT BBT. Cả bài thơ nằm trong thế phối hợp thanh điệu như sau:
                              TT BB B TT
                                                BB TT TBB
                                                BB TT BBT
                                                BT BB BTB.
     Khi dịch, bài thơ chuyển thành thế phối hợp như sau:

                                                BT BB BTT
                                                BB BT TBB
                                                BB TT BBT
                                                BT BB TTB.
            Như vậy, trong bản dịch có 3 câu thơ là câu thứ nhất, câu thứ hai và câu thứ tư đã có sự thay đổi về thế phối hợp thanh điệu ( Xem thêm [12]. Còn câu thơ thứ ba sự phối hợp thanh điệu vẫn được giữ nguyên. Nhìn toàn cục, âm điệu của cả bài thơ vẫn không thay đổi, bởi xét về mối quan hệ phối âm giữa các dòng vẫn có sự đối ứng khá đều đặn giữa các tiếng bằng và tiếng trắc trong cái thế liên kết của toàn bài. Nhưng xét về mặt ngữ nghĩa, câu thứ ba của bản dịch  lại là câu có vấn đề cho dù, xét về mặt ngữ âm,  cụm "sơn thôn thiếu nữ" được chuyển thành ""cô em xóm núi" là đạt đến độ hoàn hảo so với nguyên tác trong thế phối hợp thanh điệu ( BB TT---- BB TT ). Ở đây, việc dịch "sơn thôn" thành "xóm núi" không gây ra sự phản cảm về phong cách vì hai cụm từ này là hai cụm từ đồng nghĩa hoàn toàn. Nhưng dịch" thiếu nữ " thành "cô em" lại nảy sinh ra một tình thế hoàn toàn khác. Theo lý thuyết nghiên cứu về từ vựng học  … thì "thiếu nữ" là từ Hán Việt, còn "cô em" là thuần Việt. Chúng có thể được coi là đồng nghĩa với nhau ở nét nghĩa cơ bản, nhưng theo góc độ phong cách học thì đó lại là hai cụm từ có quan hệ ngược nghĩa với nhau. Nếu như "thiếu nữ" là một cụm từ Hán- Việt mang tính trang trọng thì cụm từ "cô em" lại mang tính suồng sã, bông lơn. Cụm từ này thông thường chỉ được sử dụng trong tình huống giao tiếp khi muốn biểu thị sự bông đùa hay tán tỉnh. Trong trường hợp người phát ngôn muốn biểu thị sự nghiêm túc thì dứt khoát không thể sử dụng nó.
            Xét trong hoàn cảnh của bài thơ "Chiều tối", chúng ta không thấy có một lý do nào khiến cho cụm từ "cô em" có thể xuất hiện. Nhìn về mối quan hệ giữa tác giả bài thơ và đối tượng miêu tả, không ai có thể nghi ngờ rằng đó là mối quan hệ khách quan trong phản ánh. Còn xem xét đặc điểm về phong cách thì không những bài thơ "Chiều tối" mà cả các bài thơ khác, tác giả Hồ Chí Minh chưa một lần nào biểu thị thái độ suồng sã, bông lơn. Ngay cả những bài thơ tự giễu như các bài "Bốn tháng rồi", "  Ghẻ lở ", " Rụng mất một chiếc răng "… thơ Hồ Chí Minh vẫn là tiêu biểu cho một phong cách nghiêm túc, tuy ngôn ngữ  trong các bài này có mang tính hài hước, châm biếm. Bài "Chiều tối" về bản chất là bài thơ tả cảnh, qua đó nhà thơ bộc lộ tâm trạng nỗi buồn của một người mất tự do. Nhưng nỗi buồn ấy không sầu bi mà trái lại được sưởi ấm bằng một trái tim đầy lạc quan yêu đời. Chính nhờ có sự lạc quan, thiết tha yêu cuộc sống mà con mắt của nhà thơ đã vượt qua được cái không gian ảm đạm của cảnh chiều hôm đến với cuộc sống của người lao động bình dân nơi xóm núi. Vì thế, bài thơ tuy chỉ có bốn câu nhưng nó là một bức tranh khái quát khá phong phú về cảnh, về người. Nếu như hai câu thơ đầu, tác giả bộc bạch nỗi niềm tâm sự về cảnh mất tự do và sự khát khao về một cuộc sống bình dị theo cái qui luật thông thường thì hai câu thơ sau lại là ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng của người tù khi vẫn cảm thấy cuộc sống của mình luôn gắn liền với nhịp sống của đời thường xung quanh.
            Rõ ràng, sự gần gũi trong cảm giác của nhà thơ với cảnh vật, với con người ở đây không hề chứa đựng một thái độ bỡn cợt, suỗng sã nào. Bài thơ đi từ thủ pháp ước lệ tượng trưng ở hai câu thứ nhất và thứ hai đến hiện thực ở câu thứ ba và thứ tư. Trong đó câu thứ tư là câu kết đã đẩy tính hiện thực qua miêu tả trở thành sự vận động của hình tượng thơ. Việc dùng"cô em" để dịch "thiếu nữ" đã phá vỡ tính nghiêm túc, trang trọng của bài thơ và làm thay đổi hẳn cấu trúc hình tượng của bài thơ này. Để có thể thấy được sự thay đổi về ngữ nghĩa của một số từ và cụm từ trong quá trình dịch bài thơ "Chiều tối", chúng ta hãy quan sát bảng so sánh sau: 


       Từ và cụm từ 
         
                Ý nghĩa và sắc thái phong cách
          cô                                                 từ xưng gọi, sắc thái trung tính
          em                    từ xưng gọi, sắc thái thân mật
         cô em                    từ xưng gọi, sắc thái suồng sã
         thiếu nữ                      danh từ, sắc thái trang trọng

             Qua quan sát trên bảng có thể thấy,  "thiếu nữ' là một từ Hán-Việt có sắc thái trang trọng rất phù hợp với phong cách thơ Đường. Nó được nhà thơ Hồ Chí Minh chọn làm đối tượng miêu tả cho câu thứ ba chứ không phải với tư cách là một từ xưng gọi. Trong khi đó, cụm từ "cô em" lại là cụm từ được ghép lại bởi các từ xưng gọi trong tiếng Việt theo phong cách khẩu ngữ. Cụm từ này thường chỉ được dùng trong văn xuôi, trong khẩu ngữ đời thường , trong một số bài của thể thơ tự do và cũng chỉ được dùng khi tác giả có thái độ bỡn cợt, bông lơn. Sự khác nhau về ý nghĩa phong cách trong cách dùng hai từ này phản ánh một đặc trưng khu biệt về văn hoá ngôn từ trong giao tiếp.
            Để có thể giúp cho người đọc hiểu đúng cái cốt lõi của văn hóa ngôn từ và phong cách hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh, chúng tôi đề nghị dịch bài thơ này như sau:
                                      Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
                                      Chòm mây lơ lửng giữa từng không
                                      Có cô xóm núi xay ngô tối
                                      Xay hết lò than đã rực hồng.
            Với cách dịch này, ta thấy cụm từ " có cô xóm núi" thể hiện được đúng ý thơ và hình tượng mà Hồ Chí Minh muốn truyền đạt. Đồng thời nó cũng thể hiện được tính khách quan trong thái độ phản ánh thực tế của nhà thơ.
            Quả như người xưa nói"sai một ly đi một dặm". Việc dùng sai một từ ở câu thơ thứ ba trong bản dịch như đã trình bày đã làm biến đổi hẳn phong cách của nhà thơ và làm cho hình tượng thơ trong bài "Chiều tối" bị khúc xạ hẳn. Đó là nguyên nhân mà trong các kỳ thi đại học, nhiều học sinh đã hiểu sai và đi đến tán tụng dông dài về nội dung tư tưởng của câu thơ này.
            Những điều vừa chỉ ra ở trên cho thấy, khi chọn lọc và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông trung học một số bài thơ của Hồ Chí Minh cần có sự phân tích kỹ lưỡng mối quan hệ giữa nguyên tác và các bản dịch. Đặc biệt không nên tuỳ hứng gán cho văn bản những điều chưa có đủ căn cứ. Chẳng hạn, trong đáp án của kỳ thi đại học môn văn năm 2001, người soạn đáp án đã căn cứ vào sách giáo khoa cho rằng bài thơ "Chiều tối" là bài thơ được Hồ Chí Minh sáng tác trên đường chuyển lao. Khi thảo luận đáp án, nhiều giáo viên đã tranh luận sôi nổi và coi đó là sự áp đặt, khiên cưỡng. Trên thực tế, chẳng ai có thể đoán biết được bài thơ này nhà thơ Hồ Chí Minh viết vào lúc nào? Bởi lẽ, hoạt động sáng tạo nghệ thuật là một con đường phức tạp, không theo một qui luật cụ thể. Người viết trên đường giải lao hay khi đã ở trong nhà lao mới? Đó không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng hơn cả chính là cái thực tế mà Người đã trải qua, đã rung động để biến nó thành thơ. Nói cách khác, quan trọng nhất chính là hiện thực đã tạo ra cảm hứng cho việc sáng tác bài thơ này. Hiện thực trên đường chuyển lao là sự khơi mạch, là sự khởi phát, là nguồn cảm hứng chủ đạo tạo nên sự thành công của bài thơ. Còn việc bài thơ được Bác viết trong lúc đang trên đường chuyển lao hay sau đó thì chỉ có Bác mới biết. Nếu khi gợi ý phân tích, ta chỉ cần tuỳ hứng một tý, khiên cưỡng một tý thì qua học sinh hình tượng thơ sẽ bị biến dạng đi rất nhiều.Trên thực tế  có không ít học sinh đã bám vào sự gợi ý rằng, bài thơ được sáng tác trên đường chuyển lao nên đã tán tụng lung tung, mà không phân tích được nội dung tư tưởng chính và hình tượng cao đẹp của bài thơ.
            3. Đôi điều kết luận.Khi tìm hiểu và phân tích thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh nói chung và "Nhật ký trong tù" nói riêng, việc xem xét ngôn ngữ của bản dịch và văn bản gốc có một ý nghĩa rất quan trọng. Có những bản dịch hay, đạt được đầy đủ những yêu cầu về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, việc phân tích sẽ không gặp những trở ngại và khó khăn. Ngược lại, có những bản dịch tuy đáp ứng được những yêu cầu về hình thức nghệ thuật nhưng nội dung tư tưởng lại chưa lột tả hết được đặc điểm về phong cách và văn hoá ngôn từ của tác giả thì việc phân tích rõ cái hay của bản gốc và những hạn chế của bản dịch sẽ là vô cùng cần thiết. Nó chẳng những giúp cho người học hiểu được hình tượng đích thực của văn bản nguyên tác mà còn có tác dụng điều chỉnh những sự so lệnh giữa ngôn ngữ dịch thuật và ngôn ngữ của bản chính văn nhằm tiếp cận đúng đắn tầm cao tư tưởng của tác giả trong một bài thơ cũng như trong toàn bộ những bài thơ chữ Hán của Người.

           TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb GD, Hà Nội.
2.      Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb ĐHQG Hà Nội.
3.      Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
4.      Hữu Đạt (2000), Văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt, NxbVHTT, Hà Nội.
5.      Hà Minh Đức (1979), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà thơ lớn của dân tộc, Nxb KHXH, Hà Nội.
6.      Nguyễn Thiện Giáp  (1998), Cơ sở ngôn ngữ học, NxbKHXH, Hà Nội.
7.      Một số bài giảng thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh  (1984), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8.      Nguyễn Đăng Mạnh (1981), Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ tịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9.      Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh (1979), NxbKHXH, Hà Nội.
10.  Hoàng Xuân Nhị (1980), Chung quanh việc dịch thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.
11.  Nhiều tác giả (1990), Hồ Chí Minh danh nhân văn hoá, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
12.  Nguyễn Thị Phương Thùy (2004), Vần thanh điệu, nhịp điệu trong câu thơ mới bảy chữ, Tạp chí. Ngôn ngữ số 11.
13.  Hoàng Tranh (Trung Quốc) (1992), Chú thích về tập thơ trong tù của Hồ Chí Minh, Nxb Quảng Tây.
14.  Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù (1995), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020