Nghiên cứu khoa học

Một khảo sát về biểu tượng ngữ âm của thanh điệu ở vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt


14-10-2020
Tác giả: Huỳnh Thị Hồng Hạnh

Vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao là một lớp từ có cấu trúc ngữ nghĩa khá đặc biệt trong tiếng Việt. Về cấu tạo, vị từ loại này thường có hình thức song tiết gồm : một hình vị gốc + một hình vị mờ nghĩa (biểu thị mức độ cao). Chẳng hạn như : chán phèo, cấm tiệt, nhắm nghiền, xanh lè, nhọn hoắt... Bài viết này khảo sát về biểu tượng ngữ âm của thanh điệu ở vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt

         Vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao là một lớp từ có cấu trúc ngữ nghĩa khá đặc biệt trong tiếng Việt. Về cấu tạo, vị từ loại này thường có hình thức song tiết gồm : một hình vị gốc + một hình vị mờ nghĩa (biểu thị mức độ cao). Chẳng hạn như : chán phèo, cấm tiệt, nhắm nghiền, xanh lè, nhọn hoắt... Trong bài viết này, chúng tôi tạm gọi những vị từ  loại này là vị từ dạng Vx (V :hình vị gốc; x : hình vị biểu thị mức độ cao).

            Trong quá trình khảo cứu về lớp vị từ này, chúng tôi thấy rằng hiện nay chưa có sự thống nhất hoàn toàn giữa các nhà nghiên cứu Việt ngữ trong quan niệm về cương vị ngôn ngữ học của yếu tố x. Từ đó , vấn đề đặc trưng ngữ nghĩa của yếu tố x cũng chưa được đánh giá một cách thống nhất. Một số người cho rằng x là những “ngữ vị tự thân không có ý nghĩa” [19;168]; “hình vị mất nghĩa”[3;48]... Một số người khác cho rằng x có “nghĩa phân biệt” [22;114] hoặc “nghĩa khu biệt” [17;16]. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Văn Hành lại đặc biệt nhấn mạnh đến “sắc thái biểu cảm”, “ý nghĩa ấn tượng” của những “trạng ngữ chỉ mức độ tối cao (superlatif) của các tính / động từ đi trước” [6;44] và x thực sự có thể được xem là “những từ có ý nghĩa bị lu mờ” [9;112]

            Đối với một vấn đề mà hiện nay các ý kiến vẫn chưa ngả ngũ, dù chúng tôi có đưa ra bất kì ý kiến nào cũng không nằm ngoài những ý kiến đã có về vấn đề này. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm xem Vx là một vị từ và quan tâm đến vấn đề biểu trưng ngữ âm của thanh điệu trong yếu tố  x của vị từ Vx.

            1. Cơ sở của vấn đề

            Từ  trước đến nay, các nhà nghiên cứu ít đề cập đến tính biểu trưng của các yếu tố ngữ âm vì đây là một vấn đề khá tế nhị , nó động chạm đến một nguyên lý đặc biệt quan trọng : Về bản chất, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong ngôn ngữ là võ đoán. Nhưng trong thực tế , các yếu tố ngữ âm của tiếng Việt, đặc biệt là các yếu tố như phụ âm đầu, khuôn vần và thanh điệu trong từ láy, từ tượng thanh, từ biểu tượng… thực sự có một giá trị biểu trưng nhất định.

Những năm gần đây, trong một số bài báo hoặc một số công trình nghiên cứu, nhiều người đã có sự quan tâm nhất định đến tính biểu trưng của các yếu tố ngữ âm.

            1.1Về giá trị biểu trưng của khuôn vần và phụ âm đầu, trong tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1985, Võ Bình đã có nhận xét : “với ấp - ênh (trong bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh) ta thấy sự diễn tả cái gì không bằng phẳng, không đều đặn, không ổn định, với l -kh (trong lù khù, lờ khờ, lừng khừng, lụ khụ ) ta thấy diễn tả cái gì chậm chạp và không dứt khoát, với ắn (trong vuông vắn, ngay ngắn, tươi tắn, đứng đắn) ta thấy diễn tả cái gì đạt đến tính chất mẫu mực.” [ 1 ; 54-55].

Trong một số công trình nghiên cứu , Phi Tuyết Hinh đã đặt vấn đề tìm hiểu “vấn đề biểu trưng ngữ âm” của các khuôn vần trong “từ biểu tượng tiếng Việt”, đặc biệt là trong từ láy không rõ thành tố gốc. Đây là một vấn đề lí thú nhưng khá tế nhị vì theo như tác giả đã nhận định “mối tương quan âm - nghĩa trong tiếng Việt dường như vẫn bị xem là hiện tượng rời rạc, lẻ tẻ, không có tính quy tắc và tính hệ thống !” [11;10]. Dĩ nhiên, đây chỉ là những nhận xét ban đầu về vấn đề này cho nên tác giả vẫn còn khá dè dặt trong cách tiếp cận và xem đây là những “ấn tượng ngữ nghĩa”  từ mối quan hệ âm - nghĩa của từ biểu tượng trong tiếng Việt.

Mới đây, Tomita Kenji, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ người Nhật đã chứng minh rằng trong tiếng Việt “những từ liên quan đến nhau về mặt nghĩa đồng thời cũng lại có những điểm chung về mặt âm vận” [21;30]. Theo ông, hiện tại chưa có cơ sở để giải thích một cách thoả đáng về những nguyên nhân của hiện tượng này.

            1.2 Về giá trị biểu trưng của thanh điệu, trong luận án PTS.khoa học ngữ văn “Nghiên cứu về chức năng của thanh điệu tiếng Việt (theo phương pháp định lượng)”, PTS. Võ Xuân Hào đã đề cập đến “chức năng gợi tả” [ ; 38-96] của thanh điệu tiếng Việt. Từ kết quả điều tra ngữ cảm ở người bản ngữ, tác giả đã rút ra những kết luận quan trọng chứng minh cho nhận định : “Thanh điệu tiếng Việt ngoài chức năng khu biệt nghĩa còn có chức năng gợi tả”[8; 91]. Trong luận văn, tác giả đã mở rộng phạm vi khảo sát về tính biểu trưng của thanh điệu không chỉ ở từ láy mà ở cả từ đơn tiết.

            Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước đã giúp chúng tôi có thêm sự tự tin để bước vào lĩnh vực này.

            2. Khảo sát về biểu tượng ngữ âm ở thanh điệu của yếu tố x trong vị từ Vx

            Sau khi tiến hành thống kê các vị từ  loại này trong “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên-Viện ngôn ngữ học, Nxb KHXH, Trung tâm từ điển học , Hà Nội, 1994), chúng tôi thu được 649 từ có cấu tạo theo kiểu Vx, chiếm tỉ lệ 1,7% trong tổng số mục từ có trong từ điển (38.410 mục từ). Ngoài ra, chúng tôi còn thu thập được 272 từ thuộc loại này từ các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại (274 tác phẩm) . Và điều đặc biệt là các từ này chỉ được sử dụng phổ biến trong một số vùng phương ngữ nên chưa được đưa vào  từ điển.

            Trước khi tiến hành khảo sát về biểu tượng ngữ âm ở thanh điệu của yếu tố x trong vị từ  Vx, vấn đề đầu tiên mà chúng tôi muốn  đề cập là cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ này.

2.1 Cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ Vx          

            Vị từ  Vx có cấu trúc gồm một hình vị tự do V (free form) và một hình vị hạn chế x (bound form) . Trong cấu trúc Vx, x là hình vị mờ nghĩa.Về phương diện lịch đại, việc xác định nguồn gốc các yếu tố x không phải là không làm được.

Theo một số liệu đã được công bố, trong tiếng Việt “ có khoảng 2800 đơn vị có yếu tố vô nghĩa trong tổng số khoảng 24.500 từ đa âm” [23;178 -185]. Bằng con đường từ nguyên học, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã tìm cách làm sáng tỏ nguồn gốc của một số đơn vị kể trên. Việc làm này cho đến nay chỉ thu được một số kết quả khiêm tốn : chưa đến 100 đơn vị được phục nguyên nghĩa gốc [ dẫn theo 14; 137]. Rải rác trên một số tạp chí, ở một số báo cáo khoa học, các nhà nghiên cứu như Lê Trung Hoa [11]-[12], Phan Ngọc [16], Tô Hùng [14]…  đã cố gắng truy tìm gốc gác của các yếu tố mất nghĩa.

Trong danh sách đó, chúng tôi tìm thấy một số yếu tố thuộc về lớp từ mà chúng tôi đang xét. Nhìn chung, các yếu tố mất nghĩa có thể có những nguồn gốc như sau :

- Một số yếu tố x có nguồn gốc Khmer : Theo Tô Hùng, au (đỏ -) / ch  au  : đỏ đều và đậm, bóc (trắng -)/ k  bok : rất trắng, bong (trắng - ) / p  rông : trắng trên diện rộng, chót (đỏ -)/ x’ oat : đẹp, sạch, cỡn ( nhảy - )/ konh chơng : vui quá mức, lẻm (sắc -)/ x’  lem : sắc và mỏng nhọn, loét (đỏ -)/ t  let : rất đỏ…. [14;137].Về vấn đề này, Phan Ngọc [16 ;302-304] cũng có những ý kiến tương tự.

- Một số khác có thể là gốc Mường hoặc gốc Hán : Theo Nguyễn Tài Cẩn ,“có lẽ xanh lè, trắng bệch, thơm phức trước kia cũng có thời kỳ được nhận thức như thuộc kiểu láy nghĩa là ở vùng Mường Ngọc Lạc (Thanh Hóa) có nghĩa là xanh,  bệch vốn bắt nguồn từ yếu tố bạch (trắng) gốc Hán Việt , phức trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thơm”. [2; 57]

            Như vậy, các yếu tố x có thể có nguồn gốc bản địa gần với các ngôn ngữ ở vùng Đông Nam Á nhưng hiện nay chúng hầu như đã hoàn toàn mất hẳn nghĩa vật chất. Có thể trưóc kia chúng ta những thực từ đơn tiết nhưng trong sự biến đổi và phát triển của từ ngữ theo thời gian nên vỏ ngữ âm của chúng đã bị biến đổi . Các yếu tố x có thể là từ cổ, từ địa phương, từ gốc Hán đã bị biến đổi nhiều về ngữ âm. Ở bình diện đồng đại, các yếu tố x là những yếu tố không độc lập về mặt cú pháp, chỉ là một loại “hình vị mờ nghĩa”. Nó không có cái nội dung minh xác như những hình vị khác mà chỉ có tác dụng khu biệt từ vói những từ khác về phạm vi sử dụng và sắc thái biểu cảm.

            Như trên chúng tôi đã trình bày, x trong vị từ Vx không mang nghĩa vật chất cụ thể, chỉ biểu đạt một sắc thái, một thái độ đánh giá về đặc điểm tính chất, hoạt động được miêu tả ở V. Có người nhận xét : vị từ Vx “có tác dụng biểu thị sự đánh giá chủ quan của người nói đồng thời gợi tả một sắc thái riêng nào đó, một cường độ tuyệt đối trong lời nói.”          [24; 13]. Có thể tạm xem sắc thái nghĩa được biểu thị ở yếu tố x là “ấn tượng ngữ nghĩa” do “ấn tượng âm thanh” ấy mang đến cho người sử dụng trong một quy ước chung nằm trong cảm nhận của người bản ngữ . Hiện nay, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học chưa tìm ra cơ cấu nghĩa của chúng nhưng người bản ngữ lại nhận biết về “ấn tượng âm thanh” của chúng một cách khá nhạy cảm. Đôi khi sự cảm nhận này diễn ra một cách tự nhiên mang tính kinh nghiệm vì thế nên khó có thể giải thích một cách rạch ròi. Người bản ngữ có thể “cảm” được chúng ngay cả khi chưa hiểu rõ chúng. Đây là một hiện tượng bình thường, có trong tất cả các ngôn ngữ khác trên thế giới. Có những từ ngữ mà chỉ có ngưòi bản ngữ mới có thể hiểu đúng và dùng chính xác.

Theo Chu Bích Thu,“ấn tượng âm thanh là âm hưởng do toàn bộ âm tiết hoặc một bộ phận của âm tiết tạo nên, do được sử dụng lặp đi lặp lại mà có khả năng gợi lên những ấn tượng ngữ nghĩa nhất định ở người nói ngôn ngữ ấy. Đó chính là mối liên hệ giữa âm và nghĩa của từ . Về bản chất , ngôn ngữ vẫn là võ đoán và mối liên hệ giữa âm và nghĩa là cái có tính chất văn hoá  chứ không phải là cái có tính chất tự nhiên.”[19; 65] Như vậy,  “ấn tượng âm thanh” hay biểu tượng ngữ âm là vấn đề đã được đề cập từ trước. Trong một số công trình nghiên cứu như trên đã dẫn, các tác giả cũng đã thừa nhận điều này. Tuy nhiên, việc khảo sát “ấn tượng âm thanh” hầu như chỉ trong phạm vi từ láy hoặc một số từ đơn có sự gần gũi về mặt ngữ âm.

Trong vị từ Vx, yếu tố x mà chúng tôi cho rằng có khả năng biểu đạt một sắc thái nghĩa nào đó qua hình thức âm thanh, cụ thể là qua thanh điệu là một yếu tố đã và đang mất dần nghĩa vật chất. Mức độ mờ nghĩa của các hình vị x trong vị từ Vx có sự khác nhau vì sự biến đổi nghĩa của các hình vị diễn ra không đồng đều. Chúng tôi đặc biệt lưu ý những yếu tố x đã hoàn toàn mất nghĩa từ vựng, dùng để biểu đạt một sắc thái nào đó của V. Chẳng hạn như : ngắt (chán ngắt, lặng ngắt, vắng ngắt, xanh ngắt, tím ngắt…), phèo (chán phèo, nhạt phèo), tênh (buồn tênh, nhẹ tênh), le (chát lè, chua lè, xanh lè, vàng lè)…  Trong trường hợp này, nghĩa của yếu tố x rất gần với các hình vị láy trong từ láy sắc thái hoá. Vì vậy, các thành tố ngữ âm đặc biệt là thanh điệu trong yếu tố x có những giá trị biểu trưng nhất định.

Tính biểu trưng của thanh điệu ở yếu tố x được hiểu là những ấn tượng âm thanh do thanh điệu trong âm tiết tạo nên, do được sử dụng lặp đi lặp lại mà có khả năng gợi lên những ấn tượng ngữ nghĩa nhất định ở người bản ngữ. Điều này có nghĩa là có một mối tương quan nhất định  giữa sắc thái nghĩa  và thanh điệu ở yếu tố x .

            Khi xem xét các yếu tố x trong các vị từ dạng Vx ở bình diện khả năng biểu thị sắc thái tình cảm , biểu thị sự đánh giá, chúng tôi tạm chia các yếu tố x thành 3 nhóm:

            * Nhóm biểu thị sắc thái tích cực (positif)

            * Nhóm biểu thị sắc thái tiêu cực (négatif)

            * Nhóm biểu thị sắc thái trung hoà : Theo quan niệm của chúng tôi thì không có yếu tố x biểu thị sắc thái trung hoà nhưng trong thực tế có những yếu tố x chưa ổn định về hứơng biểu cảm, màu sắc biểu cảm không rõ ràng như những yếu tố trong hai nhóm trên nên ở đây chúng tôi tạm phân thành hai nhóm nhỏ hơn :

            - Sắc thái biểu cảm thiên về tích cực

            - Sắc thái biểu cảm thiên về tiêu cực

            Trong thực tế, sắc thái biểu cảm của các yếu tố x trong cấu trúc của vị từ loại này vừa đa dạng, vừa tinh tế, vừa linh hoạt . Hướng đánh giá và sắc thái biểu cảm cụ thể như thế nào là tuỳ thuộc vào nhận thức của người bản ngữ.

2.2 Kết quả điều tra ngữ cảm

            Để khắc phục những hạn chế trong sự đánh giá và nhằm đi đến một nhận thức chân thực hơn về sắc thái nghĩa và tính biểu trưng ngữ âm trong yếu tố x ở vị từ Vx, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm điều tra ngữ  cảm về vấn đề này ở người bản ngữ và kết quả thu được đã góp phần khẳng định những nhận định ban đầu của chúng tôi.

            Trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã tiến hành 2 đợt thực nghiệm :

            Đợt 1 : Điều tra ngữ cảm trên diện rộng

            Chọn 20 từ bất kỳ trong số 649 từ thu được trong “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên,1994 ) để đưa vào phiếu điều tra. Phát phiếu điều tra trên phạm vi rộng ( 450 phiếu ) vào cùng một thời điểm (tháng 11/1996). Kết quả thu được cho thấy, trong nhận thức của người bản ngữ, các vị từ Vx biểu thị những sắc thái biểu cảm khác nhau như trên đã trình bày. 60% trường hợp có sự thống nhất trong đánh giá. Chúng tôi đã trình bày chi tiết kết quả điều tra này trong [10;53-54].

            Đợt 2 : Điều tra ngữ cảm trên diện hẹp

a. Các bưóc tiến hành thực nghiệm.

            Bứơc 1 :  Chọn 50 từ trong đó yếu tố V là những yếu tố không mang nghĩa biểu thái tự thân (yếu tố chỉ màu sắc) trong số 649 từ thu được trong “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên,1994) để đưa vào phiếu điều tra. Các từ  được lấy theo trật tự trong từ điển.

            Bước 2 :  Phát phiếu điều tra trên phạm vi hẹp (100 phiếu ) vào cùng một thời điểm (tháng 11/2000).   

            Mỗi thực nghiệm viên được phát phiếu và thu lại phiếu trong khoảng thời gian 15 phút kể từ lúc bắt đầu phát phiếu.

            Bước 3 : Thống kê và xử lý cứ  liệu thu được, rút ra nhận xét.

b. Đối tượng thực nghiệm

            Thực nghiệm ngữ cảm về các vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt đã được tiến hành với 100 phiếu điều tra ở 100 tham nghiệm viên (dân tộc Kinh chiếm 98%, dân tộc ít người chiếm 2%) là sinh viên năm thứ 1, khoa Ngoại Ngữ, trường ĐHSP Quy Nhơn.

c. Yêu cầu đối với tham nghiệm viên.

            Bạn có cảm nhận gì về sắc thái biểu cảm của những vị từ cho dưới đây ? Xin bạn vui lòng trả lời câu hỏi này bằng cách đánh dấu (x) vào một trong 3 ô theo 3 mức độ : tích cực, trung hoà, tiêu cực sao cho phù hợp với cảm nhận của bạn về nghĩa của những từ  đã cho .

            Lưu ý : Chỉ được đánh dấu (x) vào một trong 3 ô.

d.Kết quả thực nghiệm.

            Kết quả điều tra ngữ cảm được  trình bày trong bảng thống kê dưới đây :

 

          Biểu thị

                        thái độ     

    Từ

Tích cực

Trung hoà   

Tiêu cực

Đánh giá chung

1. đen kịt

1%

24%

75%

Tiêu cực

2. đen lánh

80%

19%

1%

Tích cực

3. đen láy

66%

33%

1%

Tích cực

4. đen nghịt

1%

34%

65%

Tiêu cực

5. đen ngòm

1%

17%

82%

Tiêu cực

6. đen nhánh

91%

7%

2%

Tích cực

7. đen nhẻm

1%

42%

57%

Tiêu cực -> Trung hoà

8. đen nhức

31%

50%

19%

Trung hoà

9. đen sì

1%

3%

96%

Tiêu cực

í0. đen trũi

14%

36%

50%

Tiêu cực -> Trung hoà

11. đỏ au

72%

25%

3%

Tích cực

12. đỏ cạch

3%

28%

69%

Tiêu cực

13. đỏ choé

9%

23%

68%

Tiêu cực

14. đỏ chót

34%

13%

53%

Tiêu cực

15. đỏ đọc

2%

33%

65%

Tiêu cực

16. đỏ gay

2%

45%

53%

Tiêu cực -> Trung hoà

17. đỏ hoét

1%

13%

86%

Tiêu cực

18. đỏ hỏn

28%

63%

10%

Trung hoà

19. đỏ kè

6%

34%

60%

Tiêu cực

20. đỏ khè

0%

29%

71%

Tiêu cực

21. đỏ khé

4%

44%

52%

Tiêu cực -> Trung hoà

22. đỏ loét

2%

9%

89%

Tiêu cực

23. đỏ lòm

2%

18%

80%

Tiêu cực

24. đỏ lừ

12%

27%

61%

Tiêu cực

25. đỏ nhừ

13%

49%

38%

Trung hoà ->Tiêu cực

26. đỏ nọc

3%

37%

60%

Tiêu cực

27. đỏ ối

52%

25%

23%

Tích cực

28. đỏ quạch

4%

40%

56%

Tiêu cực

29. trắng bệch

3%

5%

92%

Tiêu cực

30. trắng bong

59%

40%

1%

Tích cực -> Trung hoà

31. trắng bốp

70%

23%

7%

Tích cực

32. trắng dã

6%

28%

66%

Tiêu cực

33. trắng hếu

14%

18%

68%

Tiêu cực

34. trắng lốp

75%

7%

18%

Tích cực

35. trắng muốt

97%

2%

1%

Tích cực

36. trắng ngần

88%

13%

2%

Tích cực

37. trắng nhởn

3%

33%

64%

Tiêu cực

38. trắng ởn

1%

21%

78%

Tiêu cực

39. trắng phau

86%

13%

1%

Tích cực

40. trắng phếch

10%

31%

59%

Tiêu cực

41. trắng toát

55%

30%

15%

Tích cực -> Trung hoà

42. trắng xoá

72%

26%

2%

Tích cực

43. vàng choé

16%

23%

61%

Tiêu cực

44. vàng ệch

1%

13%

86%

Tiêu cực

45. vàng khè

1%

17%

82%

Tiêu cực

46. vàng khé

4%

40%

56%

Tiêu cực

47. vàng ối

50%

38%

12%

Tích cực -> Trung hoà

48. vàng rộm

62%

36%

2%

Tích cực

49. vàng xuộm

22%

58%

20%

Trung hoà

50. vàng ươm

96%

4%

0%

Tích cực

 

 

 

 

 

            Nhận xét chung :

            Kết quả điều tra đợt 1 cho phép chúng tôi đi đến kết luận : trong cấu trúc nghĩa của vị từ Vx có một sắc thái biểu cảm  khá ổn định . Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa cho biết những sắc thái biểu cảm này xuất phát từ đâu. Trong quá trình điểu tra, chúng tôi nhận thấy một số tham nghiệm viên mặc dù chưa hiểu rõ nghĩa của một số từ trong phiếu điều tra nhưng vẫn có thể xác định chính xác sắc thái biểu cảm của từ .

            Phần lớn sắc thái ngữ nghĩa của từ được xác định là do từ hay xuất hiện trong những ngữ cảnh có chủ đề tương đối đồng nhất. Mặt khác, chúng tôi còn nhận thấy thanh điệu của yếu tố x trong vị từ Vx có sự tương ứng nhất định với một nghĩa biểu cảm nào đó của từ . Vì vậy chúng tôi tiến hành điều tra ngữ cảm đợt 2 với 100 phiếu phát ra, trong đó có 50 từ có ý nghĩa khá gần gũi (V đều là yếu tố chỉ màu sắc, trung hoà về nghĩa biểu cảm), sự khác nhau chủ yếu là ở yếu tố x. Kết quả thu được cho thấy những nhận định ban đầu của chúng tôi là có cơ sở.

            3. Tính biểu trưng của thanh điệu trong cấu trúc vị từ Vx

            Thông thường người ta chỉ nói đến sự hoà phối thanh điệu trong từ láy để tạo ra một ấn tượng ngữ nghĩa nào đó , còn trong từ ghép vấn đề này hầu như không được quan tâm.

            Vị từ dạng Vx có hình thức từ ghép song tiết. Sự thống nhất giữa những vị từ loại này trong cơ cấu nghĩa chung là ở sự mơ hồ về nghĩa của yếu tố x. An tượng ngữ nghĩa mà loại hình vị mờ nghĩa này mang lại rất phức tạp và khó nắm bắt. An tượng ngữ nghĩa của những yếu tố x trong cảm nhận của người bản ngữ  phụ thuộc nhiều vào khả năng và kinh nghiệm giao tiếp ngôn ngữ, vào sự đánh giá chủ quan của người sử dụng và còn phụ thuộc vào vùng phương ngữ. Có một số yếu tố x trong cấu trúc của vị từ Vx chỉ được sử dụng trong một vùng phương ngữ nhất định hoặc chỉ được một cá nhân nào đó sử dụng, có tính chất lâm thời trong một ngữ cảnh cụ  thể. Tuy nhiên, khi được dùng để làm phương tiện giao tiếp, góp phần bộc lộ sự đa dạng trong sắc thái biểu cảm của ngôn ngữ nói thì chúng dễ dàng được chấp nhận trong cộng đồng ngôn ngữ đó và được hiểu nghĩa một cách chính xác.

            Ở đây, không thể phủ nhận vai trò của các thành tố ngữ âm, trong đó có vai trò của  thanh điệu. Thanh điệu “luôn luôn là thành phần bắt buộc phải có mặt của từng âm tiết, cho nên cái quan trọng trong ngữ điệu của câu tiếng Việt là tiết tấu, cường độ và trường độ; tuyến điệu của câu rất bị hạn chế vì một lí do đơn giản : sự lên giọng, xuống giọng -một cách biến hoá về cao độ của ngữ âm - có thể ảnh hưởng đến thanh điệu, làm cho ý nghĩa của từ của câu biến đổi.” [4;45]. Theo Võ Xuân Hào, thanh điệu có khả năng thể hiện “nghĩa gợi tả” [8;39]. Bằng những cứ liệu thống kê cụ thể , tác giả đã chứng minh rằng “ chức năng thể hiện nghĩa cảm tính của thanh điệu tiếng Việt được thể hiện chủ yếu ở nét khu biệt về âm vực và đường nét diễn biến độ cao. Sự  đối lập giữa các thanh điệu có âm vực và đường nét khác nhau đã gây nên những khả năng liên tưởng không hoàn toàn trùng khít nhau, khác nhau và thậm chí đối lập nhau ở những nét gợi tả mà thanh điệu thể hiện  trong các từ  đơn tiết  và song tiết có cùng khuôn âm tiết chỉ khác nhau về thanh điệu.” [8; 96]

            Kết quả khảo sát đợt 2 cho thấy có sự tương ứng về sắc thái biểu cảm ở một số thanh điệu nhất định. Dựa vào bảng1, lấy kết quả đánh giá chung, ta thấy trong 50 từ được đưa ra khảo sát, các thanh điệu của yếu tố x có sự tương ứng với các sắc thái biểu cảm như sau :

            Bảng 2 :

 

Thanh điệu

 

Am vực cao

Am vực thấp

STBC

Bằng phẳng

Không bằng phẳng

Bằng phẳng

Không bằng phẳng

 

Ngang

Ngã

Sắc

Huyền

Hỏi

Nặng

Tích cực

4

0

10

1

0

1

Trung hoà

0

0

2

1

1

1

Tiêu cực

1

2

8

7

3

8

Tổng cộng

5

2

20

9

4

10

 

50

            Từ bảng 2 có thể rút ra một số nhận xét về sự tương ứng giữa sắc thái nghĩa với thanh điệu ở yếu tố x :

            - Cùng là thanh điệu có đường nét bằng phẳng nhưng thanh có âm vực cao (ngang) có xu hướng biểu đạt sắc thái tích cực , còn thanh có âm vực thấp (huyền) có xu hướng biểu đạt sắc thái tiêu cực.

            Ngang : 4/5 (chiếm tỉ lệ 80%) có đánh giá tích cực

            Huyền : 7/9 (chiếm tỉ lệ 77%) có đánh giá tiêu cực

            - Những thanh có đường nét không bằng phẳng, gãy (hỏi, ngã) có xu hướng biểu đạt sắc thái tiêu cực.

            Hỏi : 2/2 (chiếm tỉ lệ 100%) có đánh giá tiêu cực

            Ngã : 3/4 ( chiếm tỉ lệ 75%)   có đánh giá tiêu cực

            - Cùng là thanh có đường nét không bằng phẳng, không gãy nhưng thanh có âm vực thấp (nặng) có tính biểu trưng rõ ràng hơn, thiên về đánh giá tiêu cực. Trong khi đó, thanh có âm vực cao biểu thị mức độ cao ở cả 2 hướng tích cực và tiêu cực.

            Nặng : 8/10 ( chiếm tỉ lệ 80%)   có đánh giá tiêu cực

            Sắc   :  10/20 (chiếm tỉ lệ 50%)   có đánh giá tích cực, 8/20 (chiếm tỉ lệ 40%) có đánh giá tiêu cực.

             Nếu như các thanh ở âm vực cao có xu hướng đánh giá ở cả 2 hướng tích cực và tiêu cực : 14/27 (chiếm tỉ lệ 52%) đánh giá tích cực , 11/27 (chiếm tỉ lệ 40%) đánh giá tiêu cực; Các thanh ở âm vực thấp có xu hướng biểu đạt sự đánh giá thiên về tiêu cực :18/23(chiếm tỉ lệ 77%) đánh giá tiêu cực.

Trong bài viết, chúng tôi chỉ mới đề cập đến tính biểu trưng ngữ âm của thanh điệu trong yếu tố x mà không đề cập đến  tính biểu trưng của âm đầu và vần vì chưa có điều kiện khảo sát tỉ mỉ về các thành tố này.

Trên đây là một vài nhận xét bước đầu qua những số liệu khảo sát cụ thể. Tuy nhiên, những nhận xét mà chúng tôi nêu ra đôi chỗ vẫn còn mang tính chất chủ quan, phiến diện vì chưa có được một số liệu thống kê đầy đủ . Thiết nghĩ, vấn đề này cần phải được kiểm chứng bằng những đợt khảo sát điều tra ngữ cảm khác quy mô hơn và hệ thống hơn. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà nghiên cứu về vấn đề này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Võ Bình - Ở bình diện cấu tạo từ xét các kiểu hình vị tiếng Việt, Ngôn ngữ số 3/ 1985

2/ Nguyễn Tài Cẩn - Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ ), Nxb.ĐH&THCN, 1975

3/ Đỗ Hữu Châu - Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb. Giáo Dục, 1981

4/ Hồng Giao – Thử tìm hiểu một số đặc điểm của tiếng Việt, Ngôn ngữ số 1 và 2 / 1974

5/ Nguyễn Thiện Giáp - Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. ĐH&THCN, 1985

6/ Cao Xuân Hạo - Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng, Ngôn ngữ số 2/ 1985

7/ Cao Xuân Hạo - Một số biểu hiện của cách nhìn Au Châu đối với cấu trúc tiếng Việt”

    (in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông”, 1986)

8/ Võ Xuân Hào - Luận án PTS- Nghiên cứu về chức năng của thanh điệu tiếng Việt, H. , 1996

9/ Hoàng Văn Hành (chủ biên) - Từ tiếng Việt (hình thái-cấu trúc-từ láy-từ ghép-chuyển loại) Nxb. KHXH, 1988

10/ Huỳnh Hồng Hạnh - Một hướng giải nghĩa từ trên cơ sở đối chiếu vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt với các yếu tố tương đương trong tiếng Anh - Thông báo khoa học , Trưòng ĐHKHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh, 1999

11/ Phi Tuyết Hinh – Từ láy không rõ thành tố gốc và vấn đề biểu trưng ngữ âm trong từ biểu tượng tiếng Việt, Ngôn ngữ số 1/ 1998

12/ Lê Trung Hoa – Xác định nguồn gốc một số từ, Ngôn ngữ số 9/1999

13/ Lê Trung Hoa – Hiện tượng đồng hoá trong một số từ ngữ song tiết tiếng Việt – Ngôn ngữ số 4/ 2000

14/ Tô Hùng – Tìm và hiểu thêm về những tiếng được xem là mất nghĩa trong các từ song tiết tiếng Việt hiện đại (qua so sánh với tiếng Khmer), Ngữ học Trẻ 98

15/  Hồ Lê - Cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại, Nxb. KHXH, 1976

16/ Phan Ngọc - Một số từ Việt cùng gốc với từ Khơme, (in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông” , 1986)

17/ Đái Xuân Ninh - Hoạt động của từ tiếng Việt, Nxb. KHXH, 1978

18/ Hoàng Phê (chủ biên) -Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb. KHXH, Trung tâm Từ điển học, 1994

19/ Nguyễn Kim Thản - Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. KHXH, 1996

20/ Chu Bích Thu – Thêm một nhận xét về sự hình thanh từ láy trong tiếng Việt, Ngôn ngữ số 2/ 1998

21/ Tomita Kenji – Một khảo sát về hệ thống sản sinh từ vựng trong tiếng Việt nhằm góp phần nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ số 1/1999

22/ Nguyễn Văn Tu -Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, Nxb. ĐH&THCN, 1978

23/ Phạm Hùng Việt – Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ (tập 2), Nxb. KHXH, H., 1981

24/Hoàng Vũ - Góp thêm những tư liệu về các ngữ vị tình cảm và gợi tả trong phương ngữ Nam Bộ - Ngôn ngữ và Đời sống số 5/ 1995

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020