Nghiên cứu khoa học

MỐI QUAN HỆ QUYỀN LỰC VÀ DIỄN NGÔN TỪ CÁCH TIẾP CẬN CỦA LÍ THUYẾT PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN PHÊ PHÁN


14-10-2020
Tác giả: Lương Thị Hiền

Bài viết này xem xét một số luận điểm cơ bản xoay quanh mối quan hệ biện chứng giữa diễn ngôn và quyền lực, khả năng ứng dụng của khung phân tích diễn ngôn phê phán trong việc nhận diện quan hệ quyền lực trong diễn ngôn, từ đó phần nào làm sáng tỏ cách thức diễn ngôn có thể dự phần vào đấu tranh xã hội.

MỐI QUAN HỆ QUYỀN LỰC VÀ DIỄN NGÔN

TỪ CÁCH TIẾP CẬN CỦA LÍ THUYẾT PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN PHÊ PHÁN

                                                                      TS. Lương Thị Hiền

1. Đặt vấn đề

Mặc dù phạm trù quyền lực đã được khám phá trong lịch sử tri thức nhân loại từ những triết gia thời cổ đại, các nhà thần học thời trung cổ, các nhà phục hưng, các nhà chính trị học hiện đại, các nhà xã hội học Đức với những tên tuổi lớn như Aristote, K.Dantra, Lesliel Lipson, Hradil, Weber, Scheneider, Ridder, Popitz... song việc trả lời câu hỏi: Quyền lực là gì? chưa bao giờ là điều dễ dàng. Những cách hiểu về quyền lực đôi khi mơ hồ, không tường minh, bởi trong khái niệm này đan cài cả hai mặt pháp luật và tập quán, xã hội và cá nhân. Từ góc độ ngôn ngữ học, với tư cách là một yếu tố có tác động đến hầu hết các hoạt động giao tiếp trong xã hội, quyền lực thu hút sự quan tâm của nhiều hướng nghiên cứu khác nhau: ngữ dụng học thừa nhận bình diện quyền lực như là một mặt quan trọng tạo nên quan hệ liên cá nhân trong tương tác; ngôn ngữ học xã hội định ranh giới và đo lường quyền lực trong quan hệ với các nhân tố xã hội; phân tích hội thoại thể chế xoáy tâm điểm vào quan hệ quyền lực bất bình đẳng trong tương tác... Đối với đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán, quyền lực cũng là một khái niệm cơ bản, then chốt trong khung lí thuyết và ứng dụng.

Với mục tiêu phát hiện những mâu thuẫn xã hội ở dạng hiện thực hóa hay tiềm năng, đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán với những đại diện tiêu biểu như Fairclough, Fowler, Kress, Van Dijk, Wodak... đã chỉ ra tính chất tương tác năng động và gắn kết chặt chẽ giữa bình diện quyền lực và diễn ngôn, đồng thời xây dựng khung lí thuyết phân tích diễn ngôn đa chiều kích một cách hệ thống, chặt chẽ từ điểm nhìn chính trị. Bài viết này xem xét một số luận điểm cơ bản xoay quanh mối quan hệ biện chứng giữa diễn ngôn và quyền lực, khả năng ứng dụng của khung phân tích diễn ngôn phê phán trong việc nhận diện quan hệ quyền lực trong diễn ngôn, từ đó phần nào làm sáng tỏ cách thức diễn ngôn có thể dự phần vào đấu tranh xã hội.

2. Mối quan hệ diễn ngôn và quyền lực theo hướng phân tích diễn ngôn phê phán

2.1.  Quyền lực - khái niệm công cụ của  lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán

a. Những cách hiểu khác nhau về quyền lực

Quyền lực là một khái niệm then chốt, cơ bản trong phân tích diễn ngôn phê phán không được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ quyền lực chính trị giữa một đảng phái chính trị với người dân, giữa người có chức quyền với người không có chức quyền như cách hiểu thông thường; mà được hiểu theo nghĩa rộng bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống. Khi có hai người giao tiếp trở lên thì giữa hai người đó đã hình thành một mối quan hệ xã hội mang màu sắc quyền lực. Đó là một loại quyền chi phối và khống chế giữa người này với người khác, nhóm xã hội này với nhóm xã hội khác hiện diện trong mọi hệ thống và tổ chức xã hội: gia đình (bố mẹ và con cái), trường học (thầy và trò), nơi làm việc (chủ và thợ), các hình thức tổ chức chính trị tập trung hoặc phân chia quyền lực....; là sự kiểm soát của nhóm người có nhiều quyền lực (về của cải, vật chất, địa vị xã hội, tri thức...) hơn đối với nhóm người có ít (hoặc không có) quyền lực. Thậm chí, ngay cả ở những nơi làm việc nêu cao tinh thần dân chủ và thân thiện, nhân tố quyền lực vẫn hiện diện và khẳng định vai trò quan trọng của nó. Một người, khi tham gia vào hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, anh ta đã chấp nhận tham gia vào trò chơi quyền lực: có khi anh ta chủ động biểu lộ quyền lực của mình mà người nghe không nhận biết được, cũng có khi anh ta sử dụng quyền lực một cách không ý thức nhưng người nghe vẫn nhận ra. Sự bất bình đẳng về quyền có vai trò làm nền tảng trong bất cứ xã hội nào, các mối quan hệ quyền lực khác nhau trong xã hội đã điều chỉnh các quyết định lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ với những cách thức và mức độ khác nhau.

Có thể thấy, quan niệm về quyền lực trong phân tích diễn ngôn phê phán (có khi được gọi “quyền”) bao hàm những giá trị rộng lớn, phong phú hơn về nghĩa và phạm vi áp dụng. Hệ quả là phân tích diễn ngôn phê phán chấp nhận nhiều cách hiểu về quyền lực. Theo Brown và Gilman, quyền “là mối quan hệ giữa ít nhất hai cá thể... người này có quyền với người kia khi anh ta có khả năng kiểm soát được hành vi của người kia”. Quyền có khi được hiểu một biểu hiện trực tiếp của sự bất bình đẳng trong ứng xử ngôn ngữ của nam giới, nữ giới theo quan niệm của những người đấu tranh cho sự bình đẳng nam nữ (Lakoff, 1974), cũng có khi được hiểu như một sự chênh lệch vị thế giữa những người thuộc các vị thế xã hội khác nhau (Conley và O’Barr, 1990), giữa những người thuộc các giai cấp khác nhau (Bernstein, 1970), giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau (Hill, 1993). Quyền được coi là điểm mấu chốt của mối quan hệ vị thế giữa những phương ngữ nhất định trong một ngôn ngữ (Bourdieu, 1977), giữa những ngôn ngữ nhất định trong môi trường đa ngữ (Harries, 1988) v.v... (dẫn theo [2]).

V.Dijk (1993) (dẫn theo [7; 29]) phân biệt hai cấp độ quyền lực gồm quyền lực xã hội (social power) và quyền lực cá nhân (personal power): 1) Quyền lực xã hội bao hàm sự kiểm soát của một nhóm xã hội này đối với một nhóm xã hội khác trên các phương diện hành động hay suy nghĩ; vì thế mà kiểm soát sự tự do hành động của người khác hoặc tác động đến tri thức, thái độ và hệ tư tưởng của họ. Những nhận thức liên quan đến quyền lực của các nhóm xã hội chủ yếu được xác lập và thay đổi trong quá trình giao tiếp trên nền những đổi thay của lịch sử và xã hội. Khái niệm quyền lực xã hội trong khuôn khổ lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán liên quan chặt chẽ đến khái niệm thống trị (dominance) thể hiện qua định nghĩa của V.Dijk: "Việc thực hiện quyền lực xã hội của giới thượng lưu, tổ chức hoặc nhóm dẫn đến sự bất bình đẳng xã hội, bao gồm cả chính trị, văn hóa, giai cấp, dân tộc, chủng tộc và bất bình đẳng giới.". 2) Quyền lực cá nhân liên quan mật thiết đến quyền lực xã hội, hiện thực hóa của quyền lực nhóm xã hội. Quyền lực cá nhân được hình thành dựa trên quyền tiếp cận của cá nhân đối với những nguồn tài nguyên xã hội quan trọng như "của cải, thu nhập, vị trí, địa vị, sức mạnh, thành viên của nhóm, giáo dục hoặc tri thức". Một ví dụ về quyền lực cá nhân hiện thực hóa quyền lực nhóm xã hội là tổng thống Mỹ. Một cá nhân hầu như không có khả năng trở thành tổng thống Mỹ nếu thiếu sự liên kết chặt chẽ và sự hỗ trợ ở mức độ cao từ một trong hai đảng chính trị lớn của nước này. Cho đến khi được bầu, tổng thống vẫn là một đại diện của nhóm chính trị đó. Diễn ngôn của mỗi chủ thể do đó không tách rời ý chí của tổ chức và các chủ thể đó thường thông qua hoạt động giao tiếp để đạt được những hiệu quả bên ngoài và đằng sau ngôn ngữ. Quan điểm của Van Dijk là một khuôn khổ quan trọng trong việc lí giải quan hệ diễn ngôn và quyền lực theo lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán.

b. Quyền lực, hệ tư tưởng và diễn ngôn

Lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán thường đặt quyền lực trong mối quan hệ với hệ tư tưởng (ideology). Đứng trên quan điểm đấu tranh giai cấp của Marx, song các nhà phân tích diễn ngôn phê phán không đồng ý với Marx khi Marx cho rằng hệ tư tưởng theo nghĩa tiêu cực chỉ là công cụ để giai cấp thống trị điều khiển xã hội. Họ chấp nhận một cách hiểu tích cực và khách quan hơn, cho phép người ta nhìn nhận khái niệm này một cách linh hoạt và ở một trường tư tưởng rộng lớn hơn. Định nghĩa của Fairclough (1989) xác định: “hệ tư tưởng là những giả định phổ biến, những quy ước xã hội mà con người khi tương tác bằng ngôn ngữ không tự ý thức được”; định nghĩa của V.Dijk (1995) cũng chia sẻ những điểm chung với Fairclough: “Hệ tư tưởng là những mô hình cơ bản của nhận thức xã hội được chia sẻ bởi một nhóm xã hội, có thành phần là những giá trị văn hóa - xã hội tổ chức thành khung lược đồ tư tưởng giúp con người tự định nghĩa bản thân mình thuộc một nhóm. Bên cạnh chức năng duy trì nhóm, hệ tư tưởng còn có chức năng đại diện cho nhận thức xã hội (thái độ, tri thức...) của nhóm và do đó gián tiếp giám sát thực hành xã hội liên quan đến nhóm và văn bản và phát ngôn của các thành viên trong nhóm” (dẫn theo [5]). Theo những cách hiểu này, quyền lực có mối quan hệ mật thiết với hệ tư tưởng của các nhóm xã hội.

Trong khi con người tương tác bằng ngôn ngữ, hệ tư tưởng và niềm tin đã gắn trong các hình thức ngôn ngữ được thừa nhận một cách mặc nhiên. Hệ tư tưởng liên kết với quyền lực, bởi lẽ chúng là phương tiện tồn tại hợp pháp của những quan hệ xã hội và sự cách biệt về quyền lực. Thông qua sự xuất hiện của hệ tư tưởng trong cách thức con người giao tiếp hàng ngày, những quan hệ xã hội, sự bất bình đẳng quyền lực cũng được thừa nhận một cách mặc nhiên. Đồng thời, hệ tư tưởng liên kết với ngôn ngữ, bởi lẽ việc sử dụng ngôn ngữ là hình thức phổ biến nhất của hoạt động xã hội.

2. 2. Quyền lực trong diễn ngôn và quyền lực sau diễn ngôn

Xuất phát từ quan điểm các loại diễn ngôn đều mang dấu ấn quyền lực của chủ thể diễn ngôn, Fairclough (2001) phân biệt hai bình diện chủ yếu của quyền lực: quyền lực trong diễn ngôn (power in discourse) và quyền lực sau diễn ngôn (power behind discourse).

 a.  Quyền lực trong diễn ngôn

Quyền lực trong diễn ngôn được Fairclough (2001) hiểu là quyền “điều khiển và yêu cầu phần đóng góp của những nhân vật giao tiếp không có quyền lực” [4;38-39], mức độ điều khiển và yêu cầu ít hay nhiều tùy thuộc loại hình diễn ngôn. Các loại hình diễn ngôn rất đa dạng như diễn ngôn trực tiếp, diễn ngôn giao văn hóa, diễn ngôn truyền thông..., là nơi quan hệ quyền lực hình thành và là nơi những hoạt động đấu tranh giành quyền lực diễn ra. Quan điểm này tương đồng với những nhận định trước đó của Harris (1987): “Quyền lực của người tham gia diễn ngôn tương quan với khả năng điều khiển ngôn ngữ. Người tham gia diễn ngôn có địa vị cao, quyền lực lớn có thể điều khiển ngôn ngữ của người có địa vị thấp. Việc điều khiển diễn ngôn còn nhấn mạnh địa vị quyền lực trong tổ chức xã hội” và Wodak (1995): “Người có quyền lực quyết định của đề và quá trình giao tiếp” (dẫn theo [10]).

Quyền điều khiển và yêu cầu phần đóng góp của những nhân vật giao tiếp không có quyền lực được Fairclough [4] cụ thể hóa trên bốn điểm chính: 1) Về nội dung (contents) giao tiếp, chủ thể giao tiếp quyền lực cao được phép áp đặt cho đối tác giao tiếp quyền lực thấp được phép nói hoặc không được nói những nội dung nhất định; 2) Về quan hệ (relations) giao tiếp, giữa chủ thể giao tiếp và đối tác giao tiếp tồn tại một quan hệ liên cá nhân bất bình đẳng; 3) Về lập trường của chủ thể (subject positions), chủ thể giao tiếp quyền lực cao có quyền áp đặt quan điểm, nhận thức, tư tưởng của mình cho người khác và 4) Về hình thức ngôn ngữ (language form), chủ thể giao tiếp quyền lực cao nắm quyền chủ động trong việc lựa chọn kênh giao tiếp, lựa chọn phong cách ngôn ngữ quy thức hay phi quy thức, sử dụng phương ngữ... trong ngữ cảnh và tình huống giao tiếp nhất định. Chẳng hạn: Trong diễn ngôn trực diện, người có quyền lực sẽ điều khiển tương tác (phân chia lượt lời, lựa chọn chủ đề chung và chủ đề cụ thể trong từng giai đoạn và toàn bộ quá trình giao tiếp); đảm nhiệm vai giao tiếp cao hơn trong quan hệ liên cá nhân và hoàn toàn chủ động thao túng tư tưởng, ý chí của người khác theo lập trường cá nhân. Thực chất quyền lực trong diễn ngôn hình thành dựa trên quan hệ bất bình đẳng về mức độ tự do trong lời nói của các chủ thể tham gia diễn ngôn.

b. Quyền lực sau diễn ngôn

Quyền lực sau diễn ngôn còn được Fairclough (2001) gọi là quyền lực ẩn gồm nhiều loại khác nhau như quyền lực của giai cấp thống trị, quyền lực của tầng lớp giàu trong xã hội, quyền lực tôn giáo, quyền lực của nhóm người làm nghề này đối với những nhóm người làm nghề khác Chủ thể diễn ngôn nắm quyền lực có thể kiểm soát những diễn ngôn công luận (public discourse), dẫn dụ cách nghĩ của cả xã hội, áp đặt sự kì thị về giới, chủng tộc, quốc gia dân tộc, tôn giáo... của mình cho người khác. Tâm điểm của việc nghiên cứu quyền lực sau diễn ngôn là phải chỉ ra được những quan hệ quyền lực đã cấu thành và định hình nên cách thức giao tiếp khác biệt trong các nhóm, tổ chức và thể chế xã hội. Sự áp đặt giữa chủ thể diễn ngôn và đối tác tiếp nhận không chỉ là quan hệ giữa cá nhân mà còn là quan hệ mang tính quy ước giữa các nhóm xã hội, gây ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc của những diễn ngôn cụ thể. Sự áp đặt mang tính quy ước xã hội đó cũng được xem xét trên ba phương diện: 1) Về nội dung giao tiếp, chủ thể diễn ngôn có quyền áp đặt những tri thức và niềm tin cho xã hội; 2) Về quan hệ xã hội, chủ thể diễn ngôn chủ động xác lập kiểu quan hệ bất bình đẳng giữa nhóm xã hội của mình và những nhóm xã hội khác; và 3) Về lập trường của chủ thể, chủ thể diễn ngôn chủ động xác lập trật tự xã hội để bảo vệ tổ chức, thể chế mà chủ thể diễn ngôn thuộc về. Nói một cách ngắn gọn, cấu trúc của diễn ngôn phản ánh cấu trúc của xã hội; là hệ quả của những quyền lực sau diễn ngôn.

Có thể nhận thấy, lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán dành mối quan tâm lớn đến loại hình diễn ngôn báo chí, truyền thông, quảng cáo, văn học...Những loại hình diễn ngôn này mang tính một mặt bởi sự phân chia rõ rệt chủ thể giao tiếp và đối tác giao tiếp, người tạo lập và người tiếp nhận; những người tham gia diễn ngôn ở những không gian, thời gian hoàn toàn khác biệt nhau. Do đó, quan hệ quyền lực sau những diễn ngôn này thường không rõ ràng, dễ bị che lấp hoặc đánh lạc hướng phát hiện. Để tìm hiểu quyền lực ẩn đó, nhà phân tích diễn ngôn phê phán phải đặt ra một hệ thống câu hỏi có thể phần nào hé lộ những quan hệ quyền lực còn ẩn giấu: Ai là người có quyền xác định lấy và loại bỏ thông tin? Ai là người được chủ động lựa chọn từ ngữ, hình thức ngữ pháp, trình bày văn bản? Những hình thức diễn đạt khác nhau phản ánh quan điểm, hệ tư tưởng nào của người tạo lập diễn ngôn về sự kiện được nói đến? Người tạo lập diễn ngôn đã “truyền thông hóa” quan hệ bất bình đẳng giữa người nắm quyền lực và số đông ra sao?...

Xem xét một số ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: Quyền lực sau diễn ngôn quảng cáo

Quảng cáo thương hiệu bột giặt ABBA trên kênh truyền hình VTV (Việt Nam) mở đầu bằng phát ngôn của một phụ nữ khi gặp một nhóm bạn gái: “Ồ! Đến rồi! Chị lo các em tới trễ vì phải hoàn thành nội trợ, nhất việc giặt giũ mất nhiều thời gian”. Cũng trong một quảng cáo khác của thương hiệu này, một nhóm bạn gái trách móc một người phụ nữ trong nhóm: “Em đó nha! Em đó nha! Ăn hiếp chồng! Bao nhiêu việc nhà dồn hết cho chồng”. Đi kèm với những phát ngôn đó là hình ảnh người phụ nữ đang giặt đồ hoặc làm những công việc nhà khác nhau đi chợ, lau nhà... Từ góc nhìn về giới theo quan điểm nữ quyền (feminism) của Phương Tây, có thể thấy những quảng cáo này đã củng cố sự phân công lao động trong gia đình, đặt nặng trách nhiệm công việc nội trợ lên vai người phụ nữ, phái nam hoàn toàn không có trách nhiệm gì hoặc không bị đòi hỏi phải có trách nhiệm cả. Diễn ngôn quảng cáo này củng cố cho sự bất bình đẳng về quyền lực giữa giới nam và giới nữ.

Ví dụ 2: Quyền lực sau diễn ngôn chính trị

Những diễn ngôn chính trị trong thời kì đầu chinh phục thuộc địa của Pháp, chẳng hạn như: Diễn văn của Jules Ferry ngày 28/7/1883[1]; diễn văn của Pierre Pasquier - Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp, ngày 15/10/1930[2]; diễn văn của Sarraut tại Hà Nội năm 1912, Sarrau [3]... đã nhấn mạnh địa vị thượng đẳng và bổn phận khai hoá văn minh của người Pháp, đối lập với vị thế hạ đẳng và mông muội của  xứ thuộc địa Đông Dương (dẫn theo [3]). Ngôn từ trong những diễn ngôn chính trị củng cố một cái nhìn bất bình đẳng về văn minh, văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, đóng vai trò làm bàn đạp ủng hộ cho những tham vọng chính trị của các cường quốc phương Tây trong việc chiếm đóng, mở rộng chế độ thực địa, đế quốc.

Một câu hỏi đặt ra là phân tích diễn ngôn phê phán coi “diễn ngôn là một thực tiễn xã hội”, vậy quyền lực sau diễn ngôn đã góp phần kiến tạo nên thực tiễn như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần tìm ra những cơ chế áp đặt người tiếp cận diễn ngôn. Wodak (1999) và Fairclough (2001) đều tìm cách lí giải những cơ chế để những thực hành diễn ngôn củng cố trật tự xã hội thêm chặt chẽ. Fairclough [4:75] phân chia ba loại cơ chế: 1) Cơ chế Tự nhiên hóa (naturalization) gồm những thực hành diễn ngôn cần thiết phải được chấp nhận như lẽ tự nhiên, phổ biến vì không còn lựa chọn nào khác, giống như cần phải tắm giặt và chăm sóc thân thể nếu muốn giữ sức khỏe; 2) Cơ chế Ghi nhớ (inculcation) gồm những thực hành diễn ngôn cố “tự nhiên hóa” việc thực thi, duy trì quyền lực thống trị ẩn giấu sau diễn ngôn, ví dụ: Trong diễn ngôn quảng cáo, người nắm quyền lực kinh tế cố tự nhiên hóa việc thực hiện chăm sóc thân thể để điều khiển việc chăm sóc này, nhằm đạt hiệu quả kinh tế; 3) Cơ chế Giao tiếp (communication) là quá trình giao tiếp, tranh luận duy lí nhằm đạt đến sự phổ biến của trật tự xã hội, ví dụ: một tranh luận công khai ở những diễn ngôn công luận để khẳng định vấn đề cần thiết hay không cần thiết phải giữ vệ sinh thân thể? Ruth Wodak [9:8] cho rằng hoạt động diễn ngôn cấu tạo xã hội bằng nhiều cách bao gồm:1) hoạt động diễn ngôn làm nảy sinh, hình thành và cấu trúc nên những điều kiện xã hội đặc biệt (tương tự cơ chế Tự nhiên hóa); 2) hoạt động diễn ngôn cấu thành, hợp pháp hóa và tương đối hóa hiện trạng xã hội, đồng thời cũng giữ gìn và sản sinh hiện trạng xã hội (tương tự cơ chế Ghi nhớ); 3) hoạt động diễn ngôn ảnh hưởng đến sự thay đổi, phá hủy hoặc tiêu diệt hiện trạng xã hội (tương tự cơ chế Giao tiếp). Fairclough tập trung vào cơ chế Ghi nhớ và Giao tiếp. Mặc dù những áp đặt, kiểm soát về nội dung, quan hệ và chủ thể dường như đã được chấp nhận thông qua cơ chế Ghi nhớ; song trong tương lai, tâm điểm của cuộc đấu tranh xã hội bằng diễn ngôn có lẽ sẽ còn là đề tài gây tranh cãi. Đó cũng là tâm điểm của phân tích diễn ngôn phê phán.

3. Quyền lực trong khung phân tích diễn ngôn phê phán

Fairclough (2001) trong cuốn “Ngôn ngữ và quyền lực” [4] đề xuất mô hình phân tích diễn ngôn ba chiều kích lồng ghép từ nhỏ đến lớn. Các chiều kích của diễn ngôn và phương pháp phân tích tương ứng có thể được hình dung qua sơ đồ sau đây:  

 

- Chiều  thứ nhất- Phân tích văn bản hay miêu tả diễn ngôn: Phân tích diễn ngôn với tư cách là văn bản, sử dụng những công cụ phân tích của ngữ pháp chức năng như: phân tích nguồn lực từ vựng, các quá trình chuyển tác, những phương tiện tình thái... để làm sáng tỏ cách thức diễn ngôn tạo ra những tri thức và niềm tin về thế giới (chức năng kinh nghiệm), tạo những quan hệ liên cá nhân (chức năng liên nhân) và tạo ra lập trường cho người tiếp nhận (chức năng tư tưởng).

- Chiều thứ hai - Phân tích tích thực hành diễn ngôn hay tìm hiểu quá trình diễn ngôn: Phân tích thực hành diễn ngôn tập trung vào hoạt động của diễn ngôn bao gồm hoạt động của những hành động ngôn ngữ, cách thức sử dụng của những chiến lược lịch sự, liên kết nội dung và hình thức toàn diễn ngôn, liên văn bản...Ở chiều kích này, việc phân tích tập trung vào những đặc điểm ngữ cảnh cụ thể, khi những tương tác về quan hệ quyền lực trong giao tiếp đang diễn ra; khi những chủ thể tạo lập (nói, viết) và tiếp nhận (đọc, nghe) diễn ngôn.

- Chiều thứ ba - Phân tích thực tiễn xã hội hay giải thích diễn ngôn: Phân tích thực tiễn xã hội làm sáng tỏ hệ tư tưởng và mối quan hệ quyền lực của các chủ thể tham gia diễn ngôn. Chiều kích này giải thích  những điều kiện lịch sử- xã hội đã đưa đến việc tạo lập và tiếp nhận diễn ngôn ở trên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ba chiều đo này không tồn tại độc lập mà phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, nhà phân tích diễn ngôn phê phán khi ứng dụng khung phân tích này sẽ phải sử dụng cả ba thao tác miêu tả diễn ngôn, tìm hiểu diễn ngôn và giải thích diễn ngôn. Trong ba chiều kích phân tích trên, mối quan hệ diễn ngôn và quyền lực xuất hiện ở chiều thứ hai và và ở chiều thứ ba.

4. Quyền lực, diễn ngôn và mục tiêu đấu tranh xã hội của phân tích diễn ngôn phê phán

Phân tích diễn ngôn phê phán là một hướng phân tích văn bản và ngôn bản (text and talk) được hình thành dựa trên cơ sở xã hội gồm những lí thuyết xã hội của K.Marx, A. Gramsci, M.Foucault, P.Bourdieu…, trong đó nổi trội hơn cả là quan điểm đồng nhất diễn ngôn với hoạt động thực tiễn của Foucault và quan điểm về tình trạng bất bình đẳng, áp bức trong xã hội của chủ nghĩa Marx. Nền tảng cho khung lí thuyết của phân tích diễn ngôn phê phán là lí thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday và Firth. Các nhà phân tích diễn ngôn phê phán xác định trọng tâm của phân tích diễn ngôn nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ giữa quyền lực, hệ tư tưởng và ngôn ngữ. Wodak (1999) xác định chủ đề của phân tích diễn ngôn phê phán như sau: “ Diễn ngôn nói và viết được coi như là một hình thức thực hành xã hội (as a form of social pratice). Phân tích diễn ngôn phê phán cho rằng có một mối quan hệ biện chứng giữa những hoạt động diễn ngôn cụ thể và tình huống, thể chế, cấu trúc xã hội mà chúng gắn vào: ngữ cảnh tình huống, thể chế và xã hội hình thành và ảnh hưởng đến diễn ngôn, và ngược lại những diễn ngôn ảnh hưởng đến thực tế chính trị-xã hội. Nói cách khác, diễn ngôn cấu thành thực tiễn xã hội và đồng thời được cấu thành cũng bởi thực tiễn xã hội” [9:8].

“Đấu tranh xã hội cho quyền lực” đã là mối quan tâm hàng đầu của các nhà phân tích diễn ngôn phê phán bởi trong xã hội hiện đại, những hình thức thực thi quyền lực thông qua hoạt động của ngôn ngữ rất đa dạng. Chia sẻ mối quan tâm đối với các nhà xã hội học, chính trị học về tình trạng bất bình đẳng giai cấp trong xã hội, các nhà phân tích diễn ngôn phê phán nhận thấy quan hệ bất bình đẳng xã hội được tái hiện, sản sinh trong diễn ngôn.  Để củng cố lí thuyết về sự sản sinh hệ thống giai cấp bất bình đẳng qua diễn ngôn, Fairclough (2001) đề cập đến khái niệm “vốn văn hóa” của Bourdieu. Bourdieu (dẫn theo [1]) đã dựa theo hình thức chiếm hữu, sử dụng và ra đời của vốn (capital) trong các xã hội khác nhau để miêu tả quyền lực. Thuật ngữ vốn chỉ mọi nguồn lực xã hội mà cá nhân tích lũy được và được cá nhân ấy sử dụng  trong cạnh tranh xã hội để giành được lợi thế. Vị thế của mỗi cá nhân trong không gian xã hội không tồn tại tự nó, mà tồn tại trong sự so sánh với số lượng vốn do các cá nhân khác sở hữu. Ông phân biệt bốn loại vốn chính: vốn kinh tế (gia sản, các nguồn lợi); vốn xã hội (mạng lưới quan hệ xã hội) và vốn văn hóa với ba dạng: hội nhập vào bản thân mỗi con người (kiến thức, kĩ năng v.v.), khách quan hóa (sở hữu các vật thể văn hóa) và thể chế hóa (bằng cấp, danh vị v.v); cuối cùng là vốn tượng trưng chỉ mọi dạng vốn (văn hóa, xã hội, kinh tế) được sự thừa nhận đặc biệt của xã hội. Bourdieu cho rằng vốn tượng trưng sẽ chuyển hóa thành quyền lực. Trong số những loại vốn kể trên, sự chênh lệch khoảng cách về vốn kinh tế giữa người giàu và người nghèo luôn luôn song hành với khoảng cách chênh lệch về vốn văn hoá (trong đó vốn giáo dục chiếm phần lớn). Vốn văn hóa được con người tích lũy thông qua việc tiếp cận và sở hữu những sản phẩm văn hóa như giáo dục, sử dụng ngôn ngữ, nắm giữ vị trí nghề nghiệp trong các thể chế xã hội nói chung… Nhìn chung, các giai cấp không bình đẳng trong việc tiếp cận những sản phẩm văn hóa này: tầng lớp tư sản, tầng lớp trung lưu và tầng lớp trí thức có nhiều điều kiện hơn. Họ là những người giàu hơn về vốn văn hóa. Chính hệ thống giáo dục và những thể chế xã hội được xây dựng dựa trên quan hệ giai cấp đã dẫn đến bất bình đẳng triền miên trong xã hội.

Tuy nhiên, quan hệ xã hội bất bình đẳng này, đặc biệt là quan hệ quyền lực trong ngôn ngữ có thể thay đổi. Phân tích diễn ngôn phê phán cho rằng quyền lực không bao giờ được nắm giữ cố định bởi một người hay một nhóm xã hội. Quyền lực có thể được thực thi và cũng có thể mất đi trong đấu tranh xã hội. Và ngôn ngữ chính là phương tiện nguyên cấp của đấu tranh quyền lực. Fairclough (2001) chia tổ chức xã hội ra 3 cấp độ: tình huống, thể chế và xã hội; tương tác với ba loại hình đấu tranh xã hội sử dụng phương tiện ngôn ngữ được biểu diễn như sơ đồ nhân - quả  dưới đây:

tình huống (situational)

è

đấu tranh tình huống (situational struggle)

thể chế (institutional)

è

đấu tranh thể chế (institutional struggle)

xã hội (social)

è

đấu tranh xã hội (social struggle)

Bất kì một mảnh đoạn diễn ngôn nào cũng có thể trở thành tác nhân kích thích đấu tranh xã hội: từ đấu tranh tình huống đến đấu tranh thể chế và ở cấp độ cao nhất là đấu tranh xã hội (gồm cả đấu tranh giai cấp). Đấu tranh ở cấp độ tình huống chính là để đạt được quyền lực trong diễn ngôn; còn đấu tranh ở cấp độ thể chế và xã hội là để đạt được quyền lực đằng sau diễn ngôn. Trong mối quan hệ diễn ngôn và quyền lực, có thể hiểu rằng: Đấu tranh ở mức độ tình huống tạo ra những nỗ lực để đạt quyền lực trong diễn ngôn mới chỉ là bề nổi của “tảng băng” đấu tranh quyền lực. Đấu tranh ở mức độ thể chế, xã hội để đạt quyền lực sau diễn ngôn mới là cốt lõi trong đấu tranh quyền lực.

5. Kết luận

Như vậy, lí thuyết của phân tích diễn ngôn phê phán về mối quan hệ giữa việc sử dụng ngôn ngữ và quyền lực mang giá trị lí thuyết và giá trị thực tiễn sâu sắc. Về mặt lí thuyết, nó cung cấp một phương pháp phân tích phân tích chính trị đối với văn bản. Về mặt thực tiễn, nó góp phần thay đổi nhận thức, đánh giá thấp của xã hội đối với tầm quan trọng của ngôn ngữ trong sản sinh, duy trì và thay đổi quan hệ xã hội. Đồng thời, nó cũng củng cố ý thức của mỗi người về khả năng dự phần của ngôn ngữ đối với sự điều khiển của cá nhân này đối với cá nhân khác trong xã hội, mà ý thức chính là bước đi đầu tiên hướng đến sự giải phóng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập II- Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

2.      Lương Văn Hy (chủ biên) (2000), Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3.      Nguyễn Thị Ngọc Minh (2010)Diễn ngôn về xứ thuộc địa trong tiểu thuyết Người tình của M.Duras, Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP Hà Nội, số 5, 23-32

4.      Fairclough N.(2001), Language and Power, Edinburgh: Pearson Education Limited.

5.      Guang Shi (2008), A Critical Analysis of Chinese Courtroom Discourse, Ph.D Dissertation, Nanjing Normal University, China.

6.      Mills Sara (2002), Discourse, New York: Routledge.

7.      Suzie Lauritzen, Malene Fisker (2009), Power in discourse - A Critical Discourse Analysis of the Concluding Democratic Presidential Debates 2008, Aalborg University, website: projekter.aau.dk/projekt.

8.      Teun A. van Dijk (1989), Structures of discourse and Structures of power. In J.A. Anderson (Ed.), Communication Yearbook 12, pp. 18-59. Newbury Park, CA: Sage.

9.      Wodak, Ruth (1999), The Discursive Construction of National Identity. Chapter two, 7-10. In: Wodak, Ruth (et al.): The Discursive Construction of National Identity. Edinburgh.

10.  .吕万英 (2011), 法庭话语权力研究,  北京:中国社会科学出版社

[Lv Wan-ying (2011), Quyền lực trong diễn ngôn xét xử, NXB Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh]

 


[1] Bài diễn văn của Jules Ferry ngày 28 tháng 7 năm 1883 có đoạn: “Tôi lập lại rằng các chủng tộc ưu việt có một quyền, bởi vì họ có một bổn phận. Họ có nhiệm vụ khai hóa văn minh cho các chủng tộc hạ đẳng”, “nước Pháp cần một thứ lý tưởng chính trị khác nữa: rằng nó không thể chỉ là một xứ sở tự do, rằng nó còn phải trở nên một đất nước vĩ đại, hành xử tất cả ảnh hưởng chính đáng của nó trên định mệnh của Âu Châu, rằng nó phải truyền bá ảnh hưởng này trên toàn thế giới và chuyên chở đến mọi nơi mà nó có thể đi đến ngôn ngữ của nó, phong tục của nó, ngọn cờ, vũ khí và tài năng của nó”.

[2] , Bài diễn văn của Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp, ngày 15 tháng Mười năm 1930 có đoạn: “nước Pháp sẽ nhìn thấy trên mảnh đất Á Châu này sự đâm chồi nảy lộc của một trong những cành cây xinh đẹp nhất mọc ra từ tinh thần của nó [tức nước Pháp, chú của người dịch] và những mục đích mà trong sự hòa hợp và thống nhất mọi con dân của nó sẽ chứng thực cho tính chất bền bỉ của sự hiên diện của nó”

[3] Bài diễn văn của Sarraut  tại Hà Nội năm 1912, Sarrau có đoạn: “Tôi đã nhìn thấy những gì nước Pháp đã thực hiện tại Đông Dương, và tôi lấy làm hãnh diện về đất nước chúng ta…  Chúng ta đã đến nơi đây để đảm đương một sứ mệnh khai hóa vĩ đại; chúng ta đã giữ đúng đắn các lời hứa của chúng ta”.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020