Nghiên cứu khoa học

NGHĨA TÌNH THÁI CỦA PHÁT NGÔN THUỘC NGÔN NGỮ NHÂN VẬT TRONG HAI ĐỨA TRẺ (THẠCH LAM)


14-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Nhung

Nghiên cứu muốn phần nào trả lời được câu hỏi "Điều gì tạo nên sức hấp dẫn của truyện ngắn "Hai đứa trẻ"? " trên từ góc độ những phát ngôn của nhân vật trong truyện và nghĩa tình thái của các phát ngôn đó.

NGHĨA TÌNH THÁI CỦA PHÁT NGÔN THUỘC NGÔN NGỮ

NHÂN VẬT TRONG HAI ĐỨA TRẺ (THẠCH LAM)                                                                                                    

                                                                                     TS. Nguyễn Thị Nhung

Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên

 

1. Nghĩa tình thái là tất cả những gì mà người nói thể hiện kèm theo nội dung mệnh đề khi thực hiện một hành động phát ngôn (PN). Nó biểu thị ý định, nhận thức, thái độ, trạng thái tâm lí tình cảm, sự đánh giá của người nói với nội dung PN, quan hệ của nội dung PN với hiện thực khách quan và quan hệ của người nói với người nghe.

Trước hết, cần phân biệt hai thứ tình thái khác nhau về bình diện: tình thái của hành động PN (thuộc bình diện dụng học) và tình thái của lời PN (thuộc bình diện nghĩa học). Trong tình thái của lời PN có thể biệt nghĩa tình thái hướng về sự việc và nghĩa tình thái hướng về người nghe. Nghĩa tình thái hướng về sự việc lại bao gồm 2 nhóm: nhóm tình thái khách quan và nhóm tình thái chủ quan. Trong PN tiếng Việt, nghĩa tình thái thường là nội dung đi kèm nội dung mệnh đề, nhưng cũng có khi nó là nội dung duy nhất của PN.

Ngôn ngữ nhân vật là một thuật ngữ văn học dùng để chỉ “lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch”. [2, 147]

Hai đứa trẻ là một truyện ngắn không có chuyện của Thạch Lam – một cây bút thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Thông thường, truyện ngắn hấp dẫn người đọc bởi cốt chuyện, tình tiết. Vậy mà Hai đứa trẻ lại không có cốt chuyện. Không có chuyện mà tác phẩm vẫn góp phần quan trọng giúp tên tuổi Thạch Lam vượt lên trên các tên tuổi khác trong nhóm Tự lực văn đoàn về khả năng vững vàng trước thử thách của thời gian. Vậy, cái gì đã tạo nên sức hấp dẫn lâu bền của Hai đứa trẻ? Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm câu trả lời cho câu hỏi này từ phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật miêu tả, giọng văn của tác giả. Với bài viết này, chúng tôi muốn phần nào trả lời được câu hỏi trên từ một góc độ khác – góc độ những PN của nhân vật trong truyện và nghĩa tình thái của các PN đó.

2. Trong Hai đứa trẻ, các nhân vật đã sử dụng 24 lượt lời (chuỗi đơn vị ngôn ngữ được một nhân vật hội thoại nói ra kể từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc để nhân vật hội thoại khác có thể nói) với 29 PN. Đó là số lượt lời và số PN thật ít ỏi. Nhưng xét các PN này ở nghĩa tình thái, chúng ta có thể thấy tương đối đủ và rõ những vấn đề mà nhà văn Thạch Lam đặt ra cho tác phẩm của mình.

Trước hết, hãy xét những lời nói của  nhân vật Liên. Sau khi nghe em hỏi: – Em thắp đèn lên chị Liên nhé, nhân vật này đã có lượt lời đầu tiên:

– Hẵng thong thả một lát nữa cũng được (1). Em ra ngồi đây với chị kẻo ở trong ấy muỗi (2).

Ở phương diện hội thoại, hai PN trên đồng thời là hai tham thoại, tức là hai PN đã tham gia vào hai cặp thoại khác nhau: PN 1 là tham thoại hồi đáp cho câu hỏi của An, PN 2 là tham thoại dẫn nhập cho một cặp thoại mới mà tham thoại hồi đáp là hành động cùng chị ra ngoài chõng ngồi của An. Hai PN này đều mang nghĩa tình thái biểu thị hành động điều khiển. PN thứ nhất, Liên dùng để từ chối đề nghị đồng thời cũng ngăn cản hành động thắp đèn của em (lúc đó, tay An đã cầm sẵn bao diêm). Lời từ chối này đã không làm An có chút khó chịu nào, em chẳng phản ứng gì mà nghe chị bỏ bao diêm xuống bàn. Vì sao vậy? Có lẽ bởi nội dung của PN chỉ là sự từ chối ở phương diện thời gian, và hình thức biểu đạt thì thật nhẹ nhàng, dễ nghe. Liên không dùng cách nói áp đặt (chưa được thắp đèn) mà dùng cách nói như là cho người nghe được tự lựa chọn (qua cũng được). Và điều thú vị là cái được lựa chọn đó lại là điều ngược lại ý định ban đầu của người đưa ra tham thoại dẫn nhập. Cùng với điều đó là cách chọn từ mang phong cách thân mật, dân dã (tỉnh lược chủ ngữ, dùng hẵng), cách nói dịu hoá (một lát). Tất cả những điều này đều thể hiện rằng Liên là người chị rất tôn trọng em nhưng cô đồng thời cũng là một người chủ đĩnh đạc của ngôi hàng nhỏ. Ở PN sau Liên tiếp tục đưa ra một đề nghị khác và cũng được chấp thuận ngay. Bởi lợi ích của đề nghị đó thuộc về người nghe đã đành, còn bởi cách xưng hô chị, em thật tình cảm, cách đưa đề nghị nhẹ nhàng không cần những động từ, phó từ chuyên dụng (như cần, nên, phải, hãy) và bởi cách nói chắc gọn. Cô đưa ra đề nghị thì có giải thích vì sao đưa ra đề nghị đó, cô không phàn nàn dài dòng về muỗi mà chỉ nói cách để tránh được muỗi. Liên còn chọn lối nói tỉnh lược (trong ấy có nhiều muỗi thành trong ấy muỗi) và ngôn từ thật mộc mạc (kẻo thay cho ). Cách nói kiệm lời bao giờ cũng giàu uy lực.

Như vậy, nghĩa tình thái của hành động nói ở hai PN là điều khiển, nghĩa tình thái liên nhân là quan hệ trên – dưới, tình cảm thân mật mà tôn trọng. Các nghĩa này góp phần bộc lộ chân dung một người con gái trẻ mà đảm đang chững chạc trong cuộc sống, nhuần nhị trong văn hoá giao tiếp, giàu tình cảm với gia đình.

Ngoài lượt lời trên, Liên còn một số lượt lời nữa dùng trong giao tiếp với người em trai của mình. Lượt lời thứ hai cô dùng để đáp lời An về cái chõng:

– Ừ, để rồi chị bảo mẹ mua cái khác thay vào. (3)

Bé An không phàn nàn, không đòi hỏi, chỉ nói như tâm sự: – Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ? Vậy mà Liên hiểu được và không hờ hững trước mong mỏi của em trai. Lời hồi đáp trên là PN biểu thị hành động cam kết. Nghĩa tình thái này giúp bộc lộ hai phẩm chất nữa ở Liên: nhạy cảm và giàu trách nhiệm.

Tiếp theo là PN giục:

– Vào đóng cửa hàng thôi, không mẹ ra mắng chết. (4)

Rồi PN Liên hỏi An khi kiểm hàng, tính tiền:

– Có phải buổi trưa em bán cho bà Lực hai bánh xà phòng không? (5)

Hai PN này giúp thấy được quan hệ của Liên với công việc mẹ giao. Mục đích nói của PN 4 là điều khiển (qua tình thái từ thôi), nghĩa tình thái chủ quan là muốn điều nêu trong câu xảy ra nhanh (thể hiện bằng ngữ điệu giục, cách nói tỉnh lược cho ngắn gọn, việc đưa ra lí do đáng để phải làm ngay). Những nghĩa này phần nào cho thấy Liên vẫn là một đứa trẻ, có thể quên lãng và biết sợ mẹ, nhưng cô là đứa trẻ ngoan, có trách nhiệm. PN 5 thuộc hành động nói điều khiển, Liên hỏi nhưng không phải để có được thông tin về điều chưa biết mà chỉ để cho rõ hơn thông tin mình đã biết phần nào (dùng cấu trúc có phải… không?). Điều này góp phần thể hiện ý thức và khả năng quán xuyến công việc của Liên. Hai PN 4 và 5 dùng cách xưng hô tỉnh lược và dùng từ xưng gọi em đều thêm phần khẳng định quan hệ liên nhân trên – dưới mà thân mật, trìu mến giữa Liên và em trai.

Tình cảm ấy còn rõ hơn nữa ở hai lượt lời cuối. Khi nghe An dặn với: – Tàu đến, chị đánh thức em nhé, Liên đã hứa ngay với em:

– Ừ, em cứ ngủ đi. (6)

Thực ra, PN trên có 2 hành động nói. Hô ngữ  đã biểu thị hành động cam kết, phần tiếp theo biểu thị một hành động khác – hành động điều khiển (tình thái từ đi thể hiện). Nhờ hành động điều khiển này, Liên đã cho cậu em của mình một trạng thái yên tâm để đi vào giấc ngủ, nó cũng làm cho lời hứa của cô thêm sức nặng. Vậy nên An đã ngủ ngon lành. Và ngủ ngon vậy mà em vẫn: nhỏm dậy, lấy tay dụi mắt cho tỉnh hẳn vào đúng lúc tàu đến nhờ hai PN tiếp theo của Liên:

– Dậy đi, An (7). Tàu đến rồi (8) .

An vừa được ngủ lại vừa được thực hiện nguyện vọng xem đoàn tàu bởi Liên đã gọi em đúng lúc, lại biết gọi bằng cách hiệu quả nhất. Đó là bên cạnh hành động nói điều khiển (có phó từ đi, hô ngữ An ở PN 7) cô đã không quên thêm hành động trình bày (PN 8) để giải thích lí do của hành động nói trước.

Như vậy, chỉ với 11 từ, Liên đã tạo được đến 4 hành động nói, biểu đạt thành công những mục đích giao tiếp của mình.

Liên còn hai tham thoại nữa với em trai – hai tham thoại hồi đáp hết sức kiệm lời, chỉ thể hiện bằng cử chỉ –  là: cầm tay em không đáp (khi An muốn tìm ở chị sự đồng thuận về việc tàu hôm nay không đông) và vỗ vai em, ngồi xuống chõng (khi nghe An đề nghị: – Thôi đi ngủ đi chị) rồi khẽ quạt cho An, vuốt lại mái tóc tơ. Cùng với nghĩa tình thái của các câu 6, 7, 8, hai cử chỉ đồng thuận, đồng ý và cả những cử chỉ chăm sóc dịu dàng này đã góp phần khẳng định hơn nữa ở Liên một sự tôn trọng, thương yêu em rất mực, một tính cách thật bao dung, điềm đạm, một khả năng giao tiếp chuẩn mực.

Cùng những tham thoại dành cho em, Liên còn có những tham thoại dành cho các nhân vật khác trong truyện. Với chị Tí, Liên dành hai PN biểu thị hành động chào và biểu cảm. Khi chị Tí đến, Liên chào chị bằng một câu hỏi:

– Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế ? (9)

Và lúc nghe chị hỏi lại: – Còn cô chưa dọn hàng à? Liên đã có một PN cảm thán thật hồn nhiên:

– Chết chửa! (10)

Nghĩa tình thái liên nhân ở hai PN là quan hệ dưới – trên (ở từ xưng hô), tình cảm tôn trọng mà chân thành, thân mật. Điều ấy thể hiện ở ngay tình thái hành động nói và tình thái chủ quan của PN. Ở PN 9 là: với người trên tuổi, Liên chủ động chào hỏi và đã chào bằng việc hỏi vào một chi tiết chân thực, cụ thể bộc lộ sự quan tâm: dọn hàng muộn. Ở PN 10, đó là tình thái chủ quan: thái độ sửng sốt lo lắng khi bất ngờ nhận ra một việc có thể ảnh hưởng không tốt tới mình. Việc bộc lộ không chút dấu diếm điểm yếu của mình cho thấy Liên thật chân thành và như muốn cám ơn chị Tí về ý nhắc nhở.

Với cụ Thi điên, Liên có 2 tham thoại không lời. Đó là lẳng lặng rót một cút rượu ti đầy đưa cho cụ sau khi nghe câu: A, cô bé làm gì thế? và không nói gì khi được khen: – A, em Liên thảo nhỉ... Rồi Liên cùng em đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối với tiếng cười khanh khách nhỏ dần...

Những tham thoại không lời này biểu thị một kiểu ứng xử, đó là kiểu ứng xử của những người vốn kín đáo, trầm tĩnh, hiểu biết, trong lòng lại nặng nỗi buồn, sợ, và cả nỗi xót xa. Tiếp đó, Liên cũng một lần nữa lặng đi, cầm tay em không đáp trước chuyến tàu thưa vắng người và hình như kém sáng hơn.

Ngoài ra, nhân vật chính này còn có một lời nói rất đặc biệt – lời nói với chính mình. Đó là khi thấy tiền thu được sau một ngày bán hàng chẳng là bao, trong hàng lại nóng và muỗi quá, Liên đã với cái bàn tính lại ngần ngại:

– Thôi để mai tính một thể. (11)

Hành động nói ở PN 11 này cũng là điều khiển – điều khiển chính mình. Thực chất đây là hành động tự cho phép dựa trên những lí do xác đáng. Và những lí do được PN này gợi lên đã góp phần thể hiện điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn, việc kiếm sống hết sức chật vật của chị em Liên nơi phố huyện.

Tóm lại, là nhân vật chính trong tác phẩm, Liên có số PN nhiều hơn các nhân vật khác, nhưng số lượng ấy cũng rất hạn chế. Tuy vậy, bằng các nghĩa tình thái của mình, 11 PN hầu hết rất ngắn gọn này đã góp phần quan trọng vào việc khắc hoạ hình tượng nhân vật cũng như phản ánh hiện thực cuộc sống được đề cập trong tác phẩm. Qua các PN này, Liên hiện lên là một cô bé trầm tĩnh, kín đáo, chững chạc, đảm đang, giàu tình cảm, trách nhiệm, có vốn văn hoá giao tiếp nhuần nhị. Và số phát ngôn ít ỏi này cũng hé mở cho người đọc một thế giới tâm hồn sâu sắc ở nhân vật Liên. Cô nói ít để còn dành thời gian cho những suy tư về mấy đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt rác, về cái buồn man mác của buổi chiều quê, về mùi âm ẩm lẫn với mùi cát bụi quen thuộc thân thương, và nhất là về chuyến tàu đêm, cùng kí ức xa xăm, sáng rực, vui vẻ và huyên náo, cùng một thế giới khác,...

Nhân vật thứ hai trong tác phẩm là An. Nhân vật này được tác giả dành cho 8 lượt lời với 9 PN.

PN đầu tiên là hành động hỏi để xin phép:

– Em thắp đèn lên chị Liên nhé? (12)

Nghĩa tình thái liên nhân ở đây là quan hệ dưới – trên, thân mật, lễ phép (thể hiện bằng các từ xưng hô và tình thái từ nhé). Sau tham thoại này, An còn có hai tham thoại không lời: bỏ bao diêm xuống bàn  cùng chị ra ngoài chõng ngồi. Đây là sự hồi đáp chấp thuận đối với tham thoại (1) và (2) của Liên. Rồi khi thấy cái chõng nan lún xuống và kêu cót két, An không kêu ca hay đòi hỏi, chỉ nói với chị như cho có chuyện:

– Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ? (13)

Đây là PN có mục đích nói trực tiếp là hỏi nhưng mục đích gián tiếp lại là tâm sự. Vậy hành động nói thực chất ở đây là trình bày. Tình thái từ nhỉ ở đây cũng thể hiện nghĩa tình thái liên nhân thân tình. Như vậy, là một đứa em, lại là em trai, được yêu chiều, nhưng An quả rất lễ phép, ngoan ngoãn, không hề lạm dụng địa vị của mình, và rất yêu quý, tôn trọng chị.

Hồi đáp lại hai tham thoại thể hiện bằng PN 4 và 5 của Liên, An có hai tham thoại (thể hiện bằng 3 PN) biểu thị hành động trình bày:

– Hôm nay chưa chắc mẹ có ra không, chị ạ (14). Mẹ còn bận làm gạo cơ mà (15).

– Vâng, bà ta mua hai bánh còn cụ Chi lấy nửa bánh nữa. (16)

PN 14, An dùng để đưa ra một nhận định với nghĩa tình thái khách quan là phủ định bác bỏ. An phủ định điều chị nói, nhưng không hề khiến Liên thấy phật ý bởi cậu đã biết làm giảm sự đối lập bằng việc dùng tổ hợp chưa chắc biểu thị nghĩa tình thái chủ quan là độ tin cậy không cao và dùng hô ngữ chị ạ thể hiện tình thái liên nhân thân mật, lễ phép. Sự thân mật còn được biểu thị bằng trợ từ  ở PN 15 và sự lễ phép còn được thể hiện bằng hô ngữ vâng ở PN 16. Bên cạnh những giá trị bộc lộ đó, các hành động trình bày trên còn cho chúng ta biết thêm một điều về cậu bé đang ở tuổi ăn, tuổi chơi này. Đó là em dường như lớn hơn tuổi của mình bởi rất biết quan tâm đến gia đình, biết chăm lo công việc bán hàng cùng chị. Đây là một phẩm chất của bé An. Nhưng đây cũng là một mảng hiện thực của các phố huyện lúc bấy giờ, đó là: trẻ em dường như không được có tuổi thơ thật đúng nghĩa.

Nhưng dù phải vất vả, trẻ em vẫn là trẻ em. Bé An vẫn rất khao khát sự đông vui. Giữa đêm tối, thấy chấm lửa vàng lơ lửng từ xa, em trỏ tay, nói như reo với Liên:

– Kìa, hàng phở của bác Siêu đến kia rồi. (17)

Phở là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền mà hai chị em không bao giờ mua được. Nhưng An vẫn mong chờ bác phở Siêu để phố đêm bớt phần nào sự cô quạnh. Hô ngữ kìa, chỉ từ kia đã góp phần thể hiện niềm vui mừng – một nghĩa tình thái chủ quan của PN trình bày.

Và cùng với chị gái của mình, cùng chị Tí, bác Siêu..., An còn có một niềm háo hức hơn nữa: đó là được thấy chuyến tàu đêm với những toa đèn sáng trưng như đem tới một chút thế giới khác. Nhưng thức để đợi tàu vốn là thử thách với một cậu bé. Điều đó khiến An phải chọn giải pháp: ngủ tạm một chút rồi dậy. Vì thế nên khi đã gối đầu lên đùi chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống, cậu còn dặn với:

– Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé. (18)

Tình thái từ nhé ở đây vừa thể hiện tình thái hành động nói điều khiển vừa thể hiện tình thái liên nhân thân tình. Các từ xưng hô chị, em góp thêm phần thể hiện sự thân mật, lễ phép.

Rồi khi đoàn tàu đến, được đánh thức dậy, nhưng thấy tàu thưa vắng người và hình như kém sáng hơn, cậu bé đã buột miệng:

– Tàu hôm nay không đông chị nhỉ. (19)

Giống như PN 13, hành động nói thực chất ở đây cũng là hành động trình bày.
Ở PN này, nghĩa liên nhân lễ phép, thân tình vẫn được duy trì (bằng từ xưng gọi chị, tình thái từ nhỉ), và có thêm tình thái khách quan phủ định (biểu thị bằng phó từ không). Như vậy, có chút buồn, chút thất vọng, nhưng cũng như khi nói về chiếc chõng, An chỉ đưa ra một lời như tâm sự, không than thở, chẳng chê bôi. Có lẽ bởi cậu biết chị mình và những người ở đây đã buồn khổ lắm rồi. Xoáy vào mỗi nỗi buồn sẽ chỉ làm mọi người càng thêm khổ. Các câu nói của An đều ngắn gọn mà đủ ý. Đó là những biểu hiện của chất nam tính từ một cậu bé biết suy nghĩ. Nhưng còn là cậu bé thì lúc đêm về, mọi niềm vui, nỗi buồn vẫn phải nhanh chóng nhường chỗ cho cái ngủ. Nên dư âm của đoàn tàu chưa hết, An đã giục chị:

– Thôi đi ngủ đi chị. (20)

Việc sử dụng cho nhân vật An PN 19 cùng PN 20 với hành động điều khiển (biểu thị bằng thôiđi) thể hiện khả năng am hiểu tâm lí nhân vật của tác giả. Với tuổi thơ, thật khó lòng dấu cảm xúc của mình và khó lòng chế ngự cơn buồn ngủ.

Như vậy, với 9 PN, nhân vật An đã thể hiện 1 hành động hỏi, 2 hành động điều khiển, 6 hành động trình bày, thể hiện một số nghĩa tình thái khách quan, chủ quan cùng tình thái liên nhân dưới – trên, thân tình với nhân vật Liên. Tất cả các nghĩa tình thái này đã góp phần khắc hoạ nên một chú bé An ngoan ngoãn, tin yêu chị, có hiểu biết, có khát vọng, có chất nam tính, nhưng vẫn rất trẻ thơ. Việc tạo nên những nghĩa tình thái này còn phần nào cho thấy một mảng hiện thực của xã hội giai đoạn 1930 –  1945 cùng một phần năng lực của nhà văn Thạch Lam.

Trong tác phẩm, nhà văn cũng dành 7 PN cho 3 nhân vật phụ: chị Tí, bác Siêu và cụ Thi điên.

Chị Tí có 3 PN. Sau khi nghe câu chào hỏi của Liên (PN 9), chị để chõng xuống đất, bày biện các bát uống nước mãi rồi mới chép miệng:

– Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì. (21)

Đây là một hành động biểu cảm. Hành động này góp phần cho biết vì sao chị đáp lời Liên muộn vậy. Hô ngữ ối chao thể hiện trong lòng chị có một nỗi buồn chán đến không thể kìm nén. Phần tiếp theo là sự lí giải cho lời thở than. Cách nói tách ghép (sớm với muộn) được dùng để biểu thị ý phủ định (ý nghĩa của giờ ra bán hàng). Điều chị muốn ở đây là nếu chị có đi sớm thì cũng đâu có ăn thua gì. Chán nản vậy mà chị Tí vẫn phải loay hoay kê chõng, bầy hàng. Có lẽ bởi chị chẳng còn cách kiếm sống nào hơn. Và lúc được ngẩng đầu lên, chị mới lại tiếp chuyện với Liên:

– Còn cô chưa dọn hàng à? (22)

Tình thái từ à cho biết hành động nói ở đây là hỏi, từ xưng gọi  thể hiện sự tôn trọng đối với người nghe. Và cũng như câu hỏi – chào của Liên, đây không phải là câu hỏi đơn thuần xã giao, nó xuất hiện trên cơ sở của một sự quan tâm chân tình. Chính nhờ vậy mà Liên mới giật mình nhận ra việc mình đã quên đóng cửa hàng.

Sau một hồi chờ đợi, nhìn những con ruồi bò trên mấy thức hàng, chị phe phẩy cành chuối khô đuổi chúng và chậm rãi nói:

– Giờ muộn này mà họ chưa ra nhỉ? (23)

Ba PN của chị Tí thật rời rạc, uể oải. Nó nói lên rằng chị đã quá buồn chán với cuộc sống quẩn quanh, khổ nghèo này. Từ nhỉ ở PN 23 cho thấy PN này biểu thị hành động hỏi. Nhưng đây là một câu hỏi trống không. Dù rằng nói với những người cùng cảnh ngộ khổ nghèo không cần phải thưa gửi câu nệ, nhưng PN 22 đã cho thấy chị Tí không hẳn là người quá bỗ bã. Vậy có thể hiểu đây là PN mà nỗi khát mong có khách đã khiến chị buột ra mà không thể kiểm soát được. Căn nguyên của sự mong mỏi ấy chính là nỗi buồn bã, cơ cực của chị. Quá buồn bởi cuộc sống đơn điệu nên chị mong có khách để được vui hơn. Quá nghèo nên chị muốn có khách để có thể nhặt nhạnh thêm chút tiền từ bát nước chè, điếu thuốc lào,... Tóm lại, hành động nói gián tiếp ở đây là biểu cảm. Hành động này cho ta thấy rõ hơn hiện thực cuộc sống, cùng tâm trạng của những con người buôn bán nhỏ nơi phố huyện này.

Những lượt lời của chị Tí đã rời rạc, các lượt lời của bác Siêu càng rời rạc, vẩn vơ. PN đầu tiên, bác nói ra được nhờ cái câu hỏi chẳng buồn nhằm vào ai của chị Tí:

– Hôm nay trong ông giáo cũng có tổ tôm (24). Dễ họ không phải đi gọi đâu (25).

Hai PN này thuộc một tham thoại hồi đáp thể hiện hành động trình bày. Điều trình bày của bác Siêu là một nhận định dựa trên một thông tin mà bác nắm được. Từ dễ biểu thị nghĩa tình thái chủ quan: sự phỏng đoán với độ tin cậy không cao. Không... đâu biểu thị tình thái phủ định – một tình thái khách quan của PN. Nếu tham thoại dẫn nhập, chị Tí chủ yếu để nói với chính mình thì tham thoại hồi đáp vẩn vơ này bác Siêu dường như cũng dùng để nói với riêng mình. Nó thể hiện rằng mối quan tâm và sự mong mỏi của bác chẳng khác gì chị Tí – bởi họ cùng cảnh ngộ và đều sống chung trong một bầu không khí ở cái phố huyện nghèo đó.

Và nữa, nếu bé An đã reo lên chào đón bác Siêu thì đến lượt mình, bác lại chào đón chuyến tàu đêm:

– Đèn ghi đã ra kia rồi. (26)

Vậy là bằng 3 PN trình bày, nhân vật bác Siêu đã góp phần khẳng định: cuộc sống nghèo về vật chất, buồn về tinh thần, và một ước mong đổi đời lung linh mơ hồ ở trong lòng là cái chung của các nhân vật trong Hai đứa trẻ.

Tác phẩm còn hai lượt lời nữa. Đó là những lượt lời của cụ Thi điên:

– A, cô bé làm gì thế? (27)

– A, em Liên thảo nhỉ (28). Hôm nay lại rót đầy cho chị đây (29).

PN 27 cụ dùng để chào. PN 28 để khen. PN cuối dùng chứa đựng lí do của hành động khen. Cái đáng nói hơn ở hai PN là nghĩa tình thái chủ quan và nghĩa liên nhân của chúng. Trong khi ở cái phố huyện này, bao người lớn đều buồn bã thở than, trẻ nhỏ cũng trầm tư, chẳng biết đến cười đùa thì một sự vui mừng thái quá (bộc lộ bằng thán từ ở cả hai PN) quả là lạc lõng. Và lạc lõng hơn nữa là thái độ chớt nhả (qua cách xưng hô chị – em) của một cụ bà với một đứa trẻ. Cùng cử chỉ ngửa cổuống một hơi cạn sạch cút rượu, và những tiếng cười giòn giã,  khanh khách, các nghĩa tình thái này tạo nên một tâm lí rờn rợn, ái ngại, bất ổn cho những người nghe và chứng kiến. Nó khiến người ta liên tưởng tới tâm trạng và lối hành xử của những con người đang gặp nỗi đau đến tột cùng. Khi ấy, họ không còn khóc được nữa mà bật ra những tiếng cười ghê rợ. Chuỗi tiếng cười ấy còn đáng sợ, đáng buồn hơn tiếng khóc. Cụ Thi điên có thể coi là biểu tượng cao nhất cho nỗi bế tắc không lối thoát của cuộc sống người dân nơi phố huyện nghèo này.

3. Như vậy, trong Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã dùng 29 PN cho 5 nhân vật của mình. Hai nhân vật chính, tác giả đã dành cho đến 20 PN. Ở các PN này, nghĩa tình thái hành động nói rất linh hoạt, nghĩa tình thái chủ quan, khách quan thì phong phú nhưng nghĩa liên nhân lại rất nhất quán. Cùng với nghĩa tình thái toát lên từ các tham thoại không lời của hai nhân vật, những nghĩa tình thái của các PN nói trên đã giúp hiện lên trong tác phẩm hai cô cậu bé sớm phải bán hàng kiếm sống mà hiểu biết, ngoan ngoãn, điềm đạm, có thế giới tâm hồn tinh tế và phong phú. Những PN còn lại, nhà văn có dụng ý dùng để nhấn mạnh điểm chung của không khí cuộc sống nơi phố huyện nghèo. Cái tài của Thạch Lam là vừa sử dụng những PN có tính trùng lặp, vừa sử dụng những PN rất độc đáo, khác biệt. Số lượng, độ lớn và cách phân bố những PN này cũng đầy dụng ý. Nên hai nhân vật chính trong tác phẩm hiện lên là những cô cậu bé thật kiệm lời, điều nói ra ít hơn điều không nói; còn mấy người lớn thì nói năng cứ rời rạc, vẩn vơ. Những điều này đều  góp phần tạo nên các nghĩa tình thái để biểu đạt thành công một thế giới nhân vật sống động mà vẫn có điểm chung: đó là cuộc sống buồn tẻ, nghèo khổ và khát vọng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Như vậy, nghĩa tình thái của 29 PN đã giúp người đọc vừa có được niềm trân trọng chung với mọi nhân vật trong tác phẩm vừa có được ấn tượng riêng với từng nhân vật. Họ sẽ chẳng thể quên được một cô bé Liên và một cậu bé An rất đáng yêu. Và cũng sẽ còn mãi trong lòng những dư âm cùng ánh sáng từ cái đoàn tàu khát khao của Liên, An, chị Tí, bác Siêu,... Để mà xót thương và cảm thông với các nhân vật. Để mà trân trọng hơn nữa những gì chúng ta đã có được hôm nay. Nghĩa tình thái của các PN đã góp phần khiến tác phẩm trở thành một bài thơ buồn mà đẹp. Cái gì buồn và đẹp cũng thường có sức ám ảnh lớn. Đó chính là một lí do để Hai đứa trẻ cùng tên tuổi Thạch Lam có thể đứng vững với thời gian?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập hai, Ngữ dụng học, NXB GD, H.

2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên – 1992), Từ điển
thuật ngữ văn học
, NXB. GD, H.

3. Nguyễn Văn Hiệp (2007), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB GD, H.

4. Nguyễn Thị Lương (2009), Câu tiếng Việt, NXB ĐHSP.

5. Nguyễn Như Ý (Chủ biên – 1996), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB GD, H.

6. Nhiều tác giả, Ngữ văn 11tập một, NXB GD, H.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020