Nghiên cứu khoa học

TỪ HƯƠNG TRONG TRUYỆN THƠ NÔM VÀ TRUYỆN KIỀU


14-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Nhàn

Khảo sát từ “hương” qua sáng tác truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều, giúp hiểu thêm cách nhìn nhận về con người, quan niệm về cái đẹp của các cây bút thời trung đại. Ở đấy, vẻ đẹp tính nữ lên ngôi – một vẻ đẹp thấm đượm hương sắc, có “quyền năng" và quyến rũ; vẻ đẹp đối thoại cái nhìn chính thống, trân trọng, khảng định giá trị sắc tình của nữ nhân. Thời nào cũng vậy, phía sau chữ nghĩa là câu chuyện văn hoá của một thời, là tấm lòng của người làm văn chương.

TỪ HƯƠNG TRONG TRUYỆN THƠ NÔM VÀ TRUYỆN KIỀU

 TS. Nguyễn Thị Nhàn

Đại học Sư phạm Hà Nội 2

 

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Không giống những loại hình nghệ thuật khác như hội hoạ, kiến trúc…, chất liệu làm nên tác phẩm văn học chính là ngôn ngữ. Qua ý tưởng, tài năng của nhà văn, cuộc sống được tái hiện. Ở đó, các kí hiệu ngôn ngữ đã chuyển hoá thành ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy cũng chính là “cuộc hành trình của các con chữ” để chúng giúp người nghệ sĩ hoàn thành tác phẩm.

Xưa nay, tiếp nhận văn chương có những con đường khác nhau. Song, dù chọn lối nẻo nào thì độc giả cũng quan tâm tới giá trị đích thực của sáng tác nghệ thuật. Những giá trị đó hàm chứa trong cái biểu đạt (hình thức) và cái được biểu đạt (nội dung). Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức là quan hệ biện chứng tất yếu. Cuộc tìm kiếm không cùng và kì vọng của người nghiên cứu nghệ thuật là tri nhận một cách sâu sắc logic ấy.

Ngôn từ thuộc yếu tố hình thức. Ở mỗi nhà văn, mỗi thể loại, mỗi tác phẩm khác nhau, người nghệ sĩ ngôn từ lại có cách lựa chọn và cách sử dụng riêng vốn liếng từ ngữ để chúng biểu đạt tốt nhất ý nguyện nghệ thuật của mình. Chẳng hạn, ở thơ ca trữ tình, ngôn ngữ có đặc trưng riêng. Đó là dạng thức ngôn ngữ có “nhiều tu từ, ẩn dụ, nhiều tỉnh lược, định ngữ […]. Ngôn ngữ trong thơ thường phá vỡ logic kết hợp thông thường của ngôn từ để tạo thành những kết hợp mới bất ngờ theo nguyên tắc lạ hoá” (1). Ngôn ngữ văn xuôi tự sự và đặc biệt là ngôn ngữ trong tiểu thuyết lại đậm đặc chất đời thường. Thậm chí cả thứ ngôn ngữ “xô bồ”, “nhai đàm hạng ngữ”, tiếng chửi, tiếng lóng,… cũng có thể “lên ngôi” nghệ thuật. Tìm hiểu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là câu chuyện khoa học quen thuộc của người mến mộ văn chương..

1. Truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều thuộc loại hình tự sự thời trung đại. Đó là những truyện được kể bằng hình thức văn vần. Bởi vậy, chúng giàu chất trữ tình. Đặc trưng của truyện và đặc trưng của thơ ca kết hợp hài hoà tạo nên hương sắc riêng thể loại. Ngôn ngữ truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều vừa bộc lộ khả năng trần thuật lại vừa quyến rũ bởi chất lãng mạn, sóng sánh, trữ tình trong tâm hồn nghệ sĩ. Ngôn ngữ có thể miêu tả “chi tiết, cụ thể” cuộc sống lại vừa chau chuốt, gợi cảm, nhiều ẩn dụ, tu từ… Bạn đọc đến với thế giới nghệ thuật truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều vừa chứng kiến những cảnh đời, những phận đời lại vừa được thưởng lãm những bức tranh thiên nhiên, những rung động thẩm mĩ, những tâm tình, những cung bậc xúc cảm,… Ngôn ngữ thơ ca, bút pháp ước lệ có ưu thế riêng, góp phần đem đến cho truyện của người xưa một “phong cách thể loại”.

Khảo sát 50 truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy khá rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả khi khắc hoạ thế giới nhân vật. Quan niệm về con người, quan niệm về cái đẹp cũng được chủ thể sáng tạo gửi gắm, bộc lộ qua hình tượng nhân vật.   

Bài viết này khảo sát từ “hương” hiện diện trong các truyện thơ Nôm và Truyện Kiều. Chúng tôi sẽ xem xét tần số xuất hiện của từ “hương” trong văn mạch tác phẩm;  nghĩa gốc của từ “hương”; sự chuyển nghĩa và giá trị biểu cảm, giá trị thẩm mĩ của nó trong mạch truyện. Đặc biệt là chủ ý nghệ thuật của ngòi bút khi khắc hoạ chân dung nhân vật nữ.

Trước tiên, hãy xét nghĩa gốc của từ “hương”. Từ điển Hán Việt cắt nghĩa: 1. “Hương” là hơi cơm, hơi lúa, mùi thơm của thóc gạo; 2. Thơm (2); 3. Phàm thứ cây cỏ nào có chất thơm đều gọi là “hương”; 4. Lời khen (3), Từ điển Tiếng Việt khi giải nghĩa từ “hương” cũng có hai nét nghĩa tương đồng với Từ điển Hán Việt: 1. Mùi thơm của hoa; 2. Phẩm vật làm từ nguyên liệu có tinh dầu, khi đốt toả mùi thơm (4). Như vậy, nghĩa gốc của từ “hương” chính là mùi thơm.

Trong đời sống nhân loại, hương thơm được sử dụng rất sớm và không ít trường hợp, hương thơm chính là những biểu tượng văn hoá. Cổ xưa, con người dùng hương thơm trong các nghi lễ tôn giáo. “Hương thơm dễ chịu được nói đến trong lễ điển Thiên Chúa giáo, là một trong những đồ cúng dâng, nhằm xin Chúa Trời chấp nhận. Các chất thơm có vai trò đặc biệt trong các nghi lễ của người Do Thái cổ. Cũng thế, trong các nghi lễ tôn giáo của người Hi Lạp và người La Mã, hương thơm được sử dụng rộng rãi: người ta rắc hương thơm lên các bức tượng Thần, các thi hài được tẩm hương thơm, trong các mộ, người ta để các lọ hương và cũng xát hương vào cấc tấm bia. Ở Ai Cập, các tinh hương thơm được chưng cất và đem trộn với nhau trong các đền thờ, các nữ thần được coi như làm lu mờ hết mọi phụ nữ cõi trần nhờ có hương thơm ấy” (5). Ngoài ra, theo giới nghiên cứu, hương thơm còn liên quan đến “sự nhận thức của lương tâm”, đền tâm lí và kích thích những xúc cảm của con người (6).

Hãy quay lại với câu chuyện về chữ “hương” trong những thiên truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều của người xưa. Sơ bộ thống kê, chúng tôi nhận thấy từ “hương” xuất hiện chủ yếu trong những sáng tác thuộc đề tài tình yêu và một số truyện khai thác đề tài hôn nhân hoặc đề tài tôn giáo. Có 16/50 (32%) truyện thuộc diện khảo sát đặc tả mùi hương khi nhân vật nữ xuất hiện (Song Tinh, Hoa tiên, Phương Hoa, Nữ tú tài, Thạch Sanh, Bạch Viên –  Tôn Các, Chuyện Ỷ Lan, Tiên Hương Thánh Mẫu, Nguyễn Đạt – Nguyễn Sinh, Sơ kính tân trang, Truyện Kiều, Hoàng Trừu, Ngọc – Kiều – Lê, Tây sương, Nhị độ mai, Bích Câu kì ngộ). Hương thơm trở thành một ngôn ngữ riêng mang đặc trưng giới. Tuy nhiên, hương thơm dường như chỉ là quà tặng cho các giai nhân/ nhân vật nữ chính diện. Nhân vật nữ phản diện không được sở hữu nó. 

Hương thơm tạo nên điểm nhấn của ngòi bút khắc hoạ ngoại hình nữ nhân và đời sống tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chính hương thơm đã tạo nên hương vị nữ tính quyến rũ nồng nàn. Điều thú vị, tinh tế nhạy cảm này làm nên nét độc đáo của hình tượng nhân vật. Như thế, miêu tả ngoại hình còn là một tín hiệu nghệ thuật để phân biệt giới.

Hương vị nữ tính đặc trưng toát lên từ thân thể nữ nhân (thể hương), từ nữ trang và hoà quyện trong không gian nữ nhân có mặt. Nhiều từ ngữ đặc tả ý vị này: “phòng hương”, “lò hương”, “khói hương”, “xạ hương”, “buồng hương”, “hơi hương”, “hương cung”, “áo quần hây hẩy hơi hương”, “nhà hương”, “xe hương”.

Đơn cử, nàng Nhụy Châu (Song Tinh) xuất hiện trong hương thơm, sắc màu đài trang vấn vít:

                                         Nàng ta bước ngọc ru rê,

     Áo hừng màu thắm, quần lè thức xanh.

                                        Xạ hương dòng gió đưa thanh,

Lồng tay hoàn bội, rỡ mình trân châu.

(D. 321 – 324)

Nàng Bạch Viên (Bạch Viên – Tôn Các) ghé xuống cõi trần gian này cùng với nhan sắc trời cho là xạ hương đắm say lòng người:

                                     Hương xông, xạ ướp thơm tho,

                              Da ngà mắt phượng chẳng thua Ả Hằng.

                                                                                 (D. 77 – 78)

Nàng Công chúa (Hoàng Trừu) sau khi “phấn đánh gương soi” thì hoàn toàn không còn bóng dáng của đứa hầu đèn:

                                 Vào nhà phấn đánh gương soi,

                             Áo quần trang điểm ngát mùi hương hoa.

                                                                                 (D. 1229 – 1230)

Cảm hứng trân trọng của người kể chuyện thể hiện khá rõ qua bút pháp khắc hoạ chân dung nhân vật nữ. Họ là hương thơm của đất, của trời. Thậm chí, nhân vật có thể thua kém nhan sắc, nhưng ở họ vẫn có cái duyên riêng bởi  hương thơm đặc biệt của khách quần thoa. Vô Diệm trong Ngọc – Kiều – Lê là một dẫn dụ như vậy:

                                Hương trầm thoang thoảng bay rơi,

                           Lược đầu sáng ngọc, hoa tai chói vàng.

                                                                                 (D. 395 – 396)

Nàng Hạnh Nguyên (Nhị độ mai) kiên trinh nhưng cái vẻ “tha thướt” yêu kiều, những nữ trang sang trọng và hương thơm quyến rũ vẫn làm nên một dung nhan nữ nhi vừa kiêu sa vừa lãng mạn:

                              Lập loà mớ đính, mớ thay,

                       Sắc xiêm hoa dệt, nét giày phượng thêu.

                            A hoàn một lũ nối theo,

                     Quạt tha thướt phảy, lò dìu dặt mang.

                           Xa xa thoang thoảng mùi hương,

                                                                        (D. 679 – 683)

Không chỉ những thiếu nữ tuổi xuân thì, những mệnh phụ phu nhân cũng được làm sang nhờ mùi thơm đặc biệt. Giang Bà (Song Tinh) đã được miêu tả như thế:

                                   A hoàn hầu dõi năm ba,

                             Xạ hương mùi nức, ỷ là thức phau.

                                                                               (D. 481 – 482)

Không gian nhân vật nữ xuất hiện cũng lan toả hương thơm khó dấu. Những nơi họ đến, họ lướt qua và buồng khuê nữ dường như được “hương thơm hoá”. Những con đường, những vườn hoa bỗng biến thành “vườn thơm”, những “lối thơm”; những khuê phòng trở thành “phòng hương”.

Truyện Hoa tiên nhiều lần nói tới những không gian thi vị khi nhân vật xuất hiện:

                            – Lối thơm mở rộng la đình,

                        Xạ đâu thoang thoảng lọt mành phôi pha.

                                                                             (D. 85 – 86)

                     – Vườn thơm thoắt lại dè chừng lần ra.

                            Ba đình bóng lọt sương pha,

                        Xạ xông trận gió, sen loà dấu in.

                                                                            (D. 210 – 212)

Từ “hương” được sử dụng trong truyện thơ Nôm còn chuyển nghĩa khi kết hợp với từ khác để tạo nên nghĩa mới. Đó là trường hợp “thiên hương”/ “hương trời”, “lửa hương”/ “hương lửa”.

Để tôn vinh nhan sắc giai nhân, người xưa thường ví họ như sắc nước, hương trời. Đấy cũng là cách diễn đạt quen thuộc của bút pháp trung đại. Con người được đối sánh với thiên nhiên trong cảm quan vũ trụ. Những tinh hoa của đất trời hun đúc và kết tinh nên con người phi thường, những mẫu người lí tưởng. Những motip, những công thức được “chuyển  dịch”, được “lắp ghép” cho nhiều hình tượng khác nhau. Các giai nhân trong sáng tác văn chương trung đại cũng được ngợi ca trong dòng mạch hứng khởi đó. Họ thăng hoa trong bức tranh rộn ràng hương sắc. Nhuỵ Châu (Song Tinh) là “Người quốc sắc sánh tày thiên hương” (D. 1122); Quỳnh Nga (Thạch Sanh) khiến “Hoa nhường, nguyệt thẹn mặn nồng thiên hương”; Hồng Ngọc (Ngọc – Kiều – Lê) cũng xứng danh “Sắc nước hương trời” (D. 1985); Giáng Hương (Bích Câu kì ngộ) khi xuất sinh đã là “giống hương trời” (D. 217), …

Trong câu chuyện tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, người xưa thường lấy việc hai người thề bồi có thần linh, đất trời chứng giám cho mối tình son sắt, mặn nồng mãi mãi. Người ta đốt hương lên để hành lễ rồi thề nguyền. Bởi vậy, mới có chuyện dùng biểu tượng “hương lửa” để chỉ tình yêu nam nữ gắn kết sâu nặng. Còn nữa, theo sách Truyền đăng lục chép: Có người nằm mộng thấy một vị lão tăng, ở trước mặt  vị ấy có tia khói rất nhỏ. Vị tăng ấy nói: Đó là khói hương của một người đàn việt kết nguyện. Người đàn việt đã trải ba kiếp mà khói hương vẫn còn”. Do điển ấy, lại có lớp nghĩa mới của cụm từ “hương lửa ba sinh”: “Hương lửa ba sinh” chính là hương lửa con người dùng để thề nguyền, có hiệu lực đến ba kiếp. Trong gặp gỡ yêu thương nam nữ, trong  chuyện ái ân, “hương lửa” còn diễn tả tình cảm nồng đượm, dâng trào. Chẳng hạn, chàng Hoàng Trừu (Hoàng Trừu) sau bao tháng ngày “giả gái” đã được thoả nguyện cùng Công chúa nên duyên vợ chồng. Những khát khao ấy được diễn tả qua ẩn dụ “hương lửa”:

                                    Đào lan quế huệ sum vầy tốt tươi.

                                        Lửa hương khuya sớm nồng hơi,

                                                                     (D. 440 – 441)

Nàng Phi Nga và Đỗ Tử Trung trong Nữ tú tài vì quá yêu nhau mà không thể cầm lòng. Họ làm lễ tơ hồng ngay ở kinh đô mà không cần sự cho phép của cha mẹ. Tình cảm mãnh liệt, nồng cháy ấy được ví như  hương lửa:

                                  Giục lòng hương lửa tung bừng,

                           Tạm khuyên nguyệt lão xích thằng xe dây.

                               Găng giăng, gió gió, mây mây,

                          Kẻ yêu quốc sắc, người say văn tài

                                                                           (D. 573 – 576)

2. Truyện Kiều là kết tinh thể loại truyện thơ Nôm. Dường như Nguyễn Du nhận về mình những kinh nghiệm, những thành tựu của tiền nhân để làm nên một thiên truyện kiệt tác. Từ một sáng tác tiểu thuyết chữ Hán của ngừời Trung Hoa, Nguyễn Du đã tái tạo một thế giới nghệ thuật mới. Làm nên trứ tác truyện thơ của dân tộc trong dòng văn chương chữ Nôm, không thể không nhắc tới tài sử dụng ngôn ngữ của thi nhân. Khi Chế Lan Viên đã thốt lên rằng: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”, hẳn hậu thế đã chiêm bái vẻ đẹp của bức tranh ngôn từ nghệ thuật do họ Nguyễn sáng tạo.

Chúng tôi khảo sát, thống kê, Truyện Kiều có 45 lần xuất hiện chữ “hương”.  Riêng chữ “hương” liên quan đến mùi thơm là 37 lần. Cũng qua thống kê còn cho ta con số khá thú vị: 27/37 lần chữ “hương” gắn với nhân vật Thuý Kiều, 4 lần gắn với nhân vật Đạm Tiên, 2 lần liên quan đến Hoạn thư. Những chữ “hương” xuất hiện rải rác từ dòng thơ 60 tới dòng 3189 của cuốn truyện. Ý nghĩa và sắc thái biểu hiện của chữ “hương” cũng khá đa dạng.

“Nối điêu” các bậc tiền nhân, Nguyễn Du đã “lần giở trước đèn”  để tìm đến một pho “cảo thơm” (phương cảo) “phong tình cổ lục”, để tái tạo một thế giới nghệ thuật xứng danh lưu phương muôn đời.

Nói đến chữ/ từ  “hương” trong Truyện Kiều, thật cũng có nhiều sắc vẻ! Ở đây, chúng tôi khảo sát chữ/ từ “hương” theo mạch trần thuật và gắn với từng nhân vật. Nếu tính theo thứ tự mạch kể thì chữ “hương” gắn với linh hồn người mệnh bạc kĩ nữ Đạm Tiên xuất hiện sớm nhất trong văn mạch Đoạn trường tân thanh (4 lần).  “Hương” gắn với Đạm Tiên có bốn nét nghĩa. Nghĩa thứ nhất, “hương” là để chỉ nén hương (nhang) dùng để thắp lên khi hành lễ. Thuý Kiều thắp hương trước mộ Đạm Tiên:

                       –   “Mà sao hương khói vắng tanh thế mà,”

                       –  “Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.”

                                                          (D. 60; 92)

Nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba, “hương” vừa là mùi thơm toả từ cây nhang, nhưng cũng là hương hồn – hương tâm linh người ca nữ mệnh bạc hoá thân quấn quýt khói hương đó và linh hiển, rất khó phân biệt trong ngôn từ nghệ thuật Nguyễn Du diễn tả:

                      –  Phút đâu trận gió kéo cờ đến ngay.

                        Ào ào đổ lộc rung cây,

                         Ở trong dường có hương bay ít nhiều.

                                   –  Hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây.

                                                          (D. 121 – 123; 216)

Cũng về câu chuyện tâm linh này, Sách Biểu tượng văn hoá Thế giới cho biết: “Các hương thơm là tên gọi các Gandharva, tức là sinh linh trên trời, không những không toát ra mà lại sồng bằng chất thơm. Chúng có quan hệ khi thì với sôma (thân thể), khi với hơi thở hay sinh lực” (7).                           

Tại bãi tha ma trong chiều tà ma mị ấy, khi Thuý Kiều thắp hương khấn lạy người dưới mộ thì “trận gió” “Ào ào đổ lộc rung cây,/ Dấu giày từng bước in rêu rành rành” của Đạm Tiên đã trở về dương thế. Đạm Tiên là một ca nhi chết lúc tuổi đời còn xuân trẻ (Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương). Đấy là cái chết không thuận xuôi như vòng đời sinh học (sinh, lão, bệnh, tử). Theo quan niệm xưa nay, người chết như thế rất linh thiêng. Linh hồn người ca nữ ấy vẫn “ấm ức” muốn quay về trần gian này để cật vấn nhân thế? Tâm thức này cũng được Nguyễn Du tái hiện khá sâu sắc trong Văn tế thập loại chúng sinh.

Nét nghĩa thứ tư của chữ “hương” gắn với Đạm Tiên là  để chỉ sắc đẹp – nữ sắc: “cành thiên hương” (Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương – D. 66). Bởi vậy, khi Đạm Tiên chết, nàng cũng vẫn là hương hoa. Hương hoa của người con gái kết tinh cái đẹp của trời đất. Sau buổi chiều định mệnh tại nơi mộ địa, đêm về, Thuý Kiều lại mơ thấy Đạm Tiên. Mặc dù, lúc bấy giờ không hề có nén hương nào được thắp lên mà hương thơm phảng phất cứ bao trùm căn phòng khuê nữ (Hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây – D. 216). Hương thơm và  bóng ma nữ chập chờn, quấn quýt, biến ảo. Những người con gái như Đạm Tiên đã lìa cõi thế mà hương hồn chẳng tuyệt. Hương hồn ấy quyến luyến, tiếc nuối, ngậm ngùi nỗi nhân sinh! Khi sống họ là “cành thiên hương”, thì khi chết rồi, linh hồn cũng cứ muốn góp chút hương cho cõi thế này!

Thứ đến là chữ “hương” xuất hiện 27 lần, liên quan tới Thuý Kiều. Nếu theo vị trí có mặt của chữ “hương” cùng với nhân vật thì hương để chỉ hương vị tình yêu lứa đôi quấn quýt xuất hiện sớm nhất: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (D. 256). Đó là khi Kim Trọng mơ tưởng đến Thuý Kiều. Tiếp đến là “Hoa hương càng tỏ thức hồng” (D. 497) khi chàng trai và cô gái bên nhau, tình cảm đắm say. Khi Kim trọng và Thuý Kiều giao duyên, người con gái ý vị, giữ gìn, nàng lại “nhắc khéo” chàng trai về câu chuyện “gìn vàng giữ ngọc”. Nàng ngại ngần, sợ phôi pha tình cảm nồng đượm: “Mái tây để lạnh hương nguyền,/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng” (D. 517 – 518). Khi dứt tình, phải trao duyên cho Thuý Vân, Thuý Kiều than cho duyên phận mỏng và xót thương thân, xót tình yêu chung thuỷ, nhân vật đã thốt lên: “Tái sinh chưa dứt hương thề,/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (D. 707 – 708).

Chữ “hương” gắn với Thuý Kiều cũng mang nét nghĩa chỉ sắc đẹp của nàng (thiên hương, hương trời):

                              – “Đã nên quốc sắc thiên hương”,

                              –“Than ôi! Sắc nước hương trời,”

                              – Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi.

                                                      (D. 825; 1065; 2637)

Thuý Kiều hay Đạm Tiên và những người con gái tuyệt sắc được tôn vinh là “hương trời”, là hoa sắc. Người ca nữ La Thành (Điếu La Thành ca giả) cũng được Nguyễn Du chiêm ngưỡng như vẻ đẹp thanh khiết từ cõi khác ngoài phàm thế xuất hiện đột ngột giữa nhân gian: “Một cành hoa xinh từ cõi tiên sa xuống trần gian” (Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh). Hương còn là hương thơm luôn vương vất, bao bọc quanh nữ nhân Thuý Kiều. Những nữ trang, những không gian khi người con gái ấy xuất hiện đều có hương thơm. Nơi không gian vườn đào khi Thuý Kiều không còn ở đó mà Kim Trọng vẫn nhận ra “Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh” (D. 292). Thậm chí, cành kim thoa của nàng ấy, chàng Kim có được, cầm trên tay, đêm về “Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai” (D. 300). Có thể thấy, hương nữ tính đã níu giữ trái tim chàng trai. Tình yêu hướng về người con gái toả hương. Ngay cả xiêm áo lụa là của nàng ấy cũng quấn quýt, rộn mùi hương khó giấu: “Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng” (D. 454). Nơi Thuý Kiều ở cũng thơm: “hương khuê”, “phòng hương” (D. 1280, 1661). Đọc đến đây, tôi chợt nhớ về nơi suối nguồn nhân dân – nhớ một lời ca dao đẹp và lạ. Đấy là nghệ sĩ dân gian tôn ngợi vẻ đẹp của người thôn nữ trong công việc trồng hoa:

Hoa thơm, thơm lạ, thơm lùng,

Thơm gốc, thơm rễ, người trồng cũng thơm.

Dường như có thi điệu của đồng quê thân thương trong hồn thơ họ Nguyễn! Tố Như đã từng lắng trong thẳm sâu lời ca của người nghệ sĩ đồng quê, học lời ăn tiếng nói của người quê kiểng trồng dâu, trồng gai (Thôn ca sơ học tang ma ngữ – Thanh minh ngẫu hứng). Nguyễn lại tiếp thu nền “văn hoá quý tộc”, “văn hoá giới tính” của người Trung Hoa, hoà quyện chất hào hoa Thăng Long, “như con ong hút nhụy”, người thơ tài hoa ấy đã đem về cho đời vị mật ngọt để mê đắm lòng người.  

Chút hương nữ tính kia đã làm nên đặc trưng nghệ thuật trong cảm nhận tinh tế, sự nâng niu trân trọng của Tố Như và cái nhìn hướng dương nữ nhân của những cây bút khác khi miêu tả vẻ đẹp của giới nữ.

Chữ “hương” đi cùng Thuý Kiều còn là hương gắn với duyên chồng vợ để diễn tả những cung bậc tình cảm khác nhau. Đấy là quãng sống hạnh phúc chung đôi chồng vợ giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều trong những tháng ngày xuân trẻ, nàng vừa được Thúc Sinh cứu ra khỏi lầu xanh (Hương càng đượm lửa càng nồng – D. 1383); đó cũng là cuộc sống vợ chồng đang nồng đượm giữa Thuý Kiều và Từ Hải trong thời gian ngắn ngủi, bỗng dở dang, Từ Hải “thoắt” ra đi (Nửa năm hương lửa đang nồng, Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương – D. 2213 – 2214) .

Hoạn thư xuất hiện cùng chữ “hương” hai lần. Nàng về thăm Hoạn phủ bằng “xe hương” (Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh – D. 1606). Nơi nàng ở cũng là “Nhà hương cao cuốn bức là” (D. 1804). Rõ ràng, chữ “hương” chỉ xuất hiện cùng Hoạn tiểu thư ở những phương tiện để nàng ấy đi lại và phủ các nơi nàng ấy ở. Hương ở đây không nhằm tô điểm vẻ đẹp nữ sắc mà quy tụ về hương vị cuộc sống quyền quý cao sang luôn bao bọc người phụ nữ danh giá. Hương là để tôn vinh vẻ đài các của nhân vật danh gia vọng tộc.

Những dẫn dụ từ “hương” trong Truyện Kiều vừa quen, vừa lạ. Những nét nghĩa không mới so với các cây bút truyện thơ Nôm thể hiện, song Nguyễn Du vẫn đem lại cho chúng những ý vị riêng. Có lẽ nhờ sự “cụ thể hoá” đối với từng nhân vật nữ, từng tình huống trữ tình, nhờ sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn thi nhân,…!

3. Thay lời kết

Vẻ đẹp văn chương là vẻ đẹp ngôn từ. Văn chương vốn đa nghĩa và luôn có biên độ mở dành cho người tiếp nhận. Khảo sát từ “hương” qua sáng tác truyện thơ Nôm/ Truyện Kiều, giúp hiểu thêm cách nhìn nhận về con người, quan niệm về cái đẹp của các cây bút thời trung đại. Ở đấy, vẻ đẹp tính nữ lên ngôi – một vẻ đẹp thấm đượm hương sắc, có “quyền năng”(8) và quyến rũ; vẻ đẹp đối thoại cái nhìn chính thống, trân trọng, khảng định giá trị sắc tình của nữ nhân. Thời nào cũng vậy, phía sau chữ nghĩa là câu chuyện văn hoá của một thời, là tấm lòng của người làm văn chương.

 

 

CHÚ THÍCH

(1). Trần Đình Sử (Chủ biên), Lí luận văn học, Tập 2, NXB Đại học Sư phạm, 2010, tr.269.

(2). Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2002, tr.512.

(3). Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt, Sđd, tr.696.

(4). Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1995, tr.457.

(5). Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng Văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng – Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.461.

(6). Xin xem: Jean Chevalier, Alain Gheẻrbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá Thế giới, Sđd (mục “Hương  thơm”), tr.461– 462.

(7). Jean Chevalier, Alain Gheẻbrant, Từ điển biểu tượng Văn hoá thế giới, Sđd, tr.462.

(8). Nguyên văn trong Từ điển biểu tượng Văn hoá thế giới viết như sau: Các thí nghiệm về những hình ảnh trong tâm trí của các bác sĩ Fretigny và Virel đã chứng minh rằng, các hương thơm và mùi có một quyền năng đối với tâm lí con người”… tr.462.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020