Nghiên cứu khoa học

ĐẶC ĐIỂM VẾ SO SÁNH TRONG THÀNH NGỮ SO SÁNH TIẾNG VIỆT


14-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Hà Quang Năng

Nghiên cứu vêt so sánh của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt có thể khẳng định rằng vế so sánh phong phú về mặt cấu tạo, đa dạng về giả trị biểu hiện. Những từ ngữ biểu thị cách so sánh (B) thường gợi tả những hình tượng điển hình đậm đà màu sắc dân tộc. Qua vế B của thành ngữ so sánh, chúng ta có thể thấy được bóng dáng của cách nhìn, cách nghĩ, thấy được một phần cái dấu ấn của cảnh sắc thiên nhiên, điều kiện địa lí, đặc điểm một đất nước mang đậm dấu ấn nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thấy được bóng dáng của cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử trong hoạt động lao động, sản xuất, trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam được phản ánh trong ngôn ngữ.

ĐẶC ĐIỂM VẾ SO SÁNH

TRONG THÀNH NGỮ SO SÁNH TIẾNG VIỆT

PGS.TS. Hà Quang Năng

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

 

1. Là một trong những di sản văn hoá rất có giá trị của dân tộc Việt Nam, thành ngữ đã trở thành một đối tượng được quan tâm nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về thành ngữ tiếng Việt đã được công bố. Trong đó thành ngữ đã được nghiên cứu, phân tích từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Do tính chất đặc thù về cấu tạo hình thức và về nội dung ý nghĩa nên thành ngữ thường lưu giữ rất nhiều những đặc trưng phản ánh rõ cách tư duy, đặc điểm lịch sử văn hoá cũng như không gian, môi trường tự nhiên và xã hội của con người là chủ nhân của kho tàng thành ngữ đó.

Theo cách hiểu thông thường, thành ngữ là một loại cụm từ cố định, có hình thái – cấu trúc bền vững, có ý nghĩa hoàn chỉnh, bóng bảy, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ. Như vậy, với tư cách là đơn vị từ vựng, thành ngữ có hai đặc trưng nổi bật.

Đặc trưng thứ nhất là tính cố định, bền vững về hình thái – cấu trúc (thể hiện ở sự ổn định về số lượng và về trật tự của các yếu tố tạo nên thành ngữ trong sử dụng). Đặc trưng thứ hai là tính hoàn chỉnh và bóng bảy về nghĩa (thể hiện ở tính trọn vẹn trong cách biểu thị những khái niệm, các sự vật, các thuộc tính, quá trình hay biểu tượng).

2. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố thì thành ngữ được cấu tạo theo nhiều kiểu khác nhau. Trong đó thành ngữ so sánh là một loại thành ngữ quan trọng trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Theo thống kê của chúng tôi, loại thành ngữ này có khoảng hơn 600 đơn vị. Thành ngữ so sánh là một cụm từ bền vững, được hình thành từ phép so sánh và thường có nghĩa biểu trưng. Ví dụ:

+   Ăn ở như bát nước đầy

+   Chắc như cua gạch

+   Dai như đỉa đói

+   Gắt như mắm tôm

+   Len lét như rắn mồng năm

+   Khéo nép như dâu mới về nhà chồng

+   Là đừ như ông từ vào đền

Trong phép so sánh thông thường thì việc so sánh một sự vật này với sự vật kia chỉ thực hiện được khi giữa hai sự vật này phải có một đặc điểm, thuộc tính nào đó được coi là tương đồng. Nếu trong phép so sánh hai sự vật được đem ra so sánh bao giờ cũng phải thuộc cùng một phạm trù (chẳng hạn, Nam cao bằng Hải, Ngôi nhà này đẹp hơn ngôi nhà kia), thì trong phép so sánh nghệ thuật thì các sự vật, hiện tượng được đem ra so sánh lại không cùng một phạm trù và các đặc điểm, thuộc tính được dùng làm căn cứ so sánh giữa các sự vật hiện tượng... chỉ có tính chất tương đối, lâm thời. Chính “đặc điểm này cho phép so sánh trong nghệ thuật có tính bất ngờ và tính hình tượng” [5, 99].

Theo lí giải của Hoàng Văn Hành, cấu trúc lôgic của phép so sánh là: At1 như Bt2, trong đó t1 là thuộc tính của A, t2 là thuộc tính của B. Cấu trúc lôgic này làm cơ sở cho cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh. Theo ông, giữa hai cấu trúc này không có tương ứng hoàn toàn về thành tố. Trong cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh, t2 không bao giờ xuất hiện dưới dạng hiển ngôn. Do đó, mẫu tổng quát của cấu trúc ngôn ngữ của phép so sánh là At như B với 4 dạng cụ thể như sau:

– At như B

– A như B

– t như B

– Như B (5, 98–99).

"Trong thành ngữ so sánh, thành phần biểu thị quan hệ so sánh và cái so sánh [có thể gọi là cấu trúc so sánh (như B)] là bộ phận bắt buộc và ổn định trên cấu trúc bề mặt cũng như cấu trúc sâu. Nếu phá vỡ cấu trúc so sánh thì sẽ không còn thành ngữ so sánh nữa" [5, 100]. Do tính chất bắt buộc và ổn định như vậy nên việc lựa chọn từ ngữ biểu thị quan hệ so sánh và cái so sánh, theo ý kiến của Hoàng Văn Hành, là "mang tính dân tộc sâu sắc". Trong tiếng Việt, các từ ngữ biểu thị quan hệ so sánh khá đa dạng: như, như thế, như thể là, tày, tựa, tựa như, bằng, là, như là, hơn..., nhưng trong thành ngữ so sánh thì như và tày được dùng nhiều hơn cả.

3. Khảo sát 613 thành ngữ so sánh tiếng Việt chúng tôi thấy vế B có hình thái – cấu trúc khá đa dạng. B luôn luôn hiển diện trong thành ngữ so sánh để cụ thể hoá cho vế A. Kết quả khảo sát, thống kê như sau:

– Vế B được thể hiện là từ có 239 thành ngữ. Ví dụ: hùm, mèo, vôi, rận, vạison, chết... (Ác như hùm, Ăn như mèo, Bạc như vôi, Bình chân như vại, Đỏ như son, Ngủ như chết).

– Vế B được thể hiện là cụm từ có 190 thành ngữ. Ví dụ:

+        Bầy nhầy như thịt bụng

+        Béo như con cun cút

+        Chạy như cờ lông công

+        Cãi như như chém chả

+        Chửi như hát hay

– Vế B được thể hiện là một mệnh đề có 184 thành ngữ, ví dụ:

+        Hùng hục như trâu húc mả

+        Khép nép như dâu mới về nhà chồng

+        Khư khư như ông từ giữ oản

+        Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

+        Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư

+        Như dao cùn cắt thịt bụng

Về phương diện từ loại, trong số 239 từ có mặt trong vế B thì có tới 194 từ thuộc từ loại danh từ, chỉ có 44 từ thuộc từ loại động từ, có 1 đơn vị là số từ và đặc biệt không có đơn vị nào thuộc từ loại tính từ. Trong 190 cụm từ biểu thị vế B của thành ngữ so sánh thì cụm danh từ chiếm số lượng nhiều hơn (109 đơn vị), còn cụm động từ là 81 đơn vị. Có thể hình dung kết quả thống kê khảo sát đặc điểm hình thái – cấu trúc của cái được so sánh (vế B) như sau:

 

Qua bảng trên, chúng ta thấy vế B là từ chiếm đa số với 39,73% trên tổng số thành ngữ so sánh, trong đó các từ thuộc từ loại danh từ chiếm 81,51%, động từ 18,49%, số từ 0,41%. Vế B do cụm từ đảm nhiệm cũng có số lượng lớn, chiếm 30,72% trên tổng số thành ngữ so sánh, trong đó cụm danh từ chiếm 57,37%, cụm động từ chiếm 43,21%. Vế B được thể hiện bằng cấu trúc C – V chiếm 29,55% trên tổng số thành ngữ so sánh tiếng Việt. Như vậy, vế B có cấu trúc không thuần nhất và được thể hiện bằng danh từ, cụm danh từ chiếm số lượng lớn. Danh từ ở vế B đều là những sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam. Chúng ta có thể bắt gặp những danh từ gọi tên con vật như: kiến, trâu, ve, ong, mèo, cóc, quạ, hùm, tôm, tằm...; tên gọi các loài thực vật như: cây lúa, củ khoa, gấc, nhãn, củ súng, tam thất, sung, ngô, sậy, ớt...; các sự vật, hiện tượng như: mưa, sắt, thép... trong vế B. Ví dụ:

+   Ăn như mèo

+   Ăn như hùm

+   Dai như đỉa

+   Béo như con cun cút

+   Cao như sếu

+   Câm như hến

+   Câm như thóc

+   Cao như núi

+   Chấy rận như sung

+   Chua như mẻ

+   Dai như chão

Khi so sánh, việc xác định giá trị tương đương cho một thuộc tính, trạng thái hay tính chất nào đó của sự vật, của đối tượng thường được đặc trưng hoá bằng một đặc điểm nổi bật, điển hình của đối tượng được so sánh. Khảo sát vế B trong thành ngữ so sánh tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy rằng vế B là danh từ gọi tên sự vật chiếm số lượng lớn. Có tới 405 thành ngữ có vế B là danh từ và danh ngữ chỉ tên các vật, sự vật, hiện tượng trong tổng số 613 thành ngữ so sánh tiếng Việt. Cụ thể như sau:

-     Thành ngữ có vế B chỉ tên con vật: 179

-     Thành ngữ có vế B là tên gọi loài thực vật: 60

-     Thành ngữ có vế B chỉ các hiện tượng tự nhiên: 83

-     Thành ngữ có vế B chỉ đồ ăn, món ăn: 23

-     Thành ngữ có vế B chỉ các tôn giáo, tín ngưỡng: 60

Dễ dàng nhận thấy là, số lượng vế B là một danh từ chỉ tên các loài vật chiếm số lượng không nhỏ. Có tới 179 thành ngữ có vế B chỉ tên con vật trên tổng số 612 thành ngữ so sánh tiếng Việt. Chúng đều là những con vật gần gũi với người Việt, như: (ăn) như mèo, (dai) như đỉa, (béo) như con cun cút, (câm) như hến, (chắc) như cua gạch, (chậm) như rùa, (dát) như cáy, (dốt) như , (dữ) như cọp, (đen) như quạ, (gan) như cóc tía, (đông) như kiến, (gầy) như hạc, (hỗn) như gấu... Ngoài tên gọi các loài động vật, tên gọi các loài thực vật, tên gọi các hiện tượng tự nhiên, tên các tôn giáo, tín ngưỡng, tên các món ăn, đồ ăn cũng thường được sử dụng làm đối tượng được so sánh trong vế B của thành ngữ so sánh tiếng Việt. Sau đây là một số ví dụ minh hoạ:

· Vế B chỉ các hiện tượng tự nhiên: (chạy) nhanh như gió, (cao) như núi, (của) như nước, (dài) như sông, (đang lên) như nước thủy triều, (lành) như đất, (lạnh) như băng, (mạnh) như vũ bão, (lơ thơ) như sao buổi sáng, (ngáy) như sấm, (nhanh) như chớp, (nhanh) như gió, (nhạt) như nước ao bèo, (như) mặt trăng mặt trời, (như) sét đánh ngang tai, (như) sao hôm sao mai...

· Vế B là tên gọi các loài thực vật: (nhẹ) như bấc, (ngọt) như mía lùi, (mỏng) như lá lúa, (vàng) như nghệ, (đỏ) như gấc, (lành) như củ khoai, (đen) như hạt nhãn, (đen) như củ súng, (đen) như củ tam thất, (chấy rận) như sung...

· Vế B là tên gọi các sự kiện, hiện tượng liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, như: (ăn khoẻ) như thần trùng, (ăn) như hộ pháp cắn trắt, (chiều) như chiều vong, (đứng) như bụt mọc, (giục) như giục , (giữ) như ông thầy giữ ấn, (khư khư) như ông từ giữ oản, (lảng vảng) như thành hoàng xuất ngoại, (lầm rầm) như thầy bói nhầm quẻ, (lật đật) như ma vật ông vải, (lẩy bẩy) như Cao Biền dậy non, (lừ đừ) như ông từ vào đền, (vắng) như chùa Bà Đanh, (nghịch) như quỷ sứ...

· Vế B là tên gọi các món ăn, đồ ăn, như: (gắt) như mắm tôm, (chán) như cơm nếp nát, (như) cơm bữa, (dẻo) như kẹo, (gắt) như mắm, (ép) như ép giò, (ngọt) như đường phèn, (nhạt) như nước ốc, (nhẵn) như phản hàng thịt, (như) muối bỏ bể...

Vế B là động từ có số lượng không nhiều, chỉ có 44 đơn vị, chiếm 7,18% tổng số thành ngữ, chỉ bằng 1/5 số lượng vế B là danh từ (194 đơn vị, chiếm 31,69% tổng số thành ngữ. Ví dụ: (bắn) như mưa, (chạy) nhanh như gió, (đau) như cắt, (đau) như dần, (đói) như cào, (êm) như ru, (ngủ) say như chết,...

Về lí thuyết, nếu kích thước vật chất của vế giải thích càng lớn thì mức độ rõ ràng, cụ thể sẽ càng cao. Điều này có thể lí giải cho việc vì sao vế B có cấu tạo là cụm từ hay mệnh đề có đến 371 thành ngữ, chiếm 50,27%. Trong đó vế B thể hiện bằng cụm danh từ là 109, chiếm 17,8% tổng số thành ngữ. Ví dụ: (lụ khụ) như ông cụ bảy mươi, (lơ thơ) như sao buổi sáng, (chạy) như cờ lông công, (chị em dâu) như bầu nước lã, (đen) như củ tam thất, (đẹp) như tranh tố nữ, (len lét) như rắn mồng năm... Vế B được thể hiện bằng cụm động từ là 81, chiếm 13,23% tổng số các thành ngữ. Ví dụ: (lúng búng) như ngậm hột thị, (mắng) như tát nước vào mặt, (mừng) như bắt được của, (đắng) như ngậm bồ hòn, (đông) như trẩy hội, (đuổi) như đuổi tà, (ghét) như đào đất đổ đi... Vế B được thể hiện bằng mệnh đề là 181, chiếm 29,57%. Ví dụ: (chấp chới) như quạ vào chuồng lợn, (chắc) như đinh đóng cột, (đủng đỉnh) như chĩnh trôi sông, (lừ khừ) như ông từ vào đền, (hùng hục) như trâu húc mả, (giữ) như ông thầy giữ ấn, (khép nép) như dâu mới về nhà chồng, (lang lảng) như chó cái trốn con, (lầm rầm) như đĩ khấn tiên sư, (mừng) như cha chết sống lại, (oai oái) như Phủ Khoái xin ăn, (dớn dác) như thằng lác té xuống ao,...

Kết quả khảo sát và thống kê cho thấy không có trường hợp nào vế B là tính từ hay tính ngữ. Điều này có thể giải thích từ đặc điểm ý nghĩa của tính từ. Là từ loại thứ ba trong khối thực từ, nhưng tính từ là từ loại thứ cấp so với đối lập danh – động, vốn là “nòng cốt quán xuyến cả hệ thống từ loại tiếng Việt” [1, 131]. Ý nghĩa của danh từ có liên quan chặt chẽ với việc phản ánh thực tại nên danh từ có ý nghĩa sự vật là cơ bản và biểu thị “những khái niệm được người bản ngữ tri nhận một cách độc lập như là những sự vật” [1, 89]. Động từ chỉ ra đặc trưng vận động của tất cả những gì biểu đạt bằng danh từ. Còn tính từ vừa biểu đạt “các đặc trưng đa dạng của thực thể (đặc trưng cho những gì biểu đạt bằng danh từ), lại vừa đặc trưng cho các vận động biểu đạt bằng động từ” [1, 161]. Do đó, xét về bản chất ý nghĩa và cách thức biểu thị đặc trưng, tính từ là đơn vị định danh bậc hai (là tên gọi các đặc trưng cho thực thể và vận động).

4. Về mặt ngữ nghĩa, đặc trưng nổi bật của thành ngữ so sánh là vế B trong cấu trúc so sánh như B “bao giờ cũng có tầng nghĩa đôi” (Hoàng Văn Hành, Thuật ngữ học tiếng Việt, tr.105). Khảo sát các từ ngữ thuộc vế so sánh (vế B), chúng ta đều thấy rằng, như một quy luật, các từ ngữ thuộc vế này vẫn được dùng với ngĩa vốn có của mình, nhưng lại cốt để hàm một ý nghĩa khác của nó. Sên trong chậm như sênrùa trong chậm như rùa thì vẫn là từ con sên, con rùa mà chúng ta đều biết, nhưng trong vế so sánh của các thành ngữ trên thì sên, rùa không chỉ gọi tên con sên, con rùa mà chủ yếu là biểu trưng cho thuộc tính chậm trong hoạt động di chuyển của con sên (rất chậm chạp trong di chuyển với vẻ nặng nề, không linh hoạt), khác với thuộc tính chậm của con rùa (quá chậm chạp trong di chuyển với vẻ khó khăn và nặng nhọc). Ở đây không thể tách bạch được nghĩa đen với nghĩa bóng, không có sự đối lập nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng, mà nghĩa đen là cơ sở để nhận biết nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng của thành ngữ so sánh. Tầng nghĩa đôi của vế B trong thành ngữ so sánh có thể được hiểu rõ hơn nếu đặt trong sự so sánh với các thành ngữ có cùng chung A (cái được so sánh). Về nghĩa mà xét, các từ ngữ biểu thị thuộc tính được so sánh (vế A) không có gì đặc biệt, vì chúng được dùng với nghĩa đen quen thuộc vốn có. Thật vậy, nghĩa của trắng trong trắng như bông, không có gì khác với nghĩa của trắng trong trắng như cước hay trắng như ngà, cũng như trắng trong trắng như trứng gà bóc. Tuy nhiên ngoài nghĩa cơ bản, nghĩa đen của trắng "có màu như màu của vôi, của bông", thì trắng còn dùng ở tầng nghĩa biểu trưng cho một cách nhìn nhận, một thái độ bình giá của người nói (và cũng có tác dụng gây cho người nghe, người đọc một cách nhìn, một thái độ bình giá như thế) đối với thuộc tính trắng. Trắng như bông là trắng ở mức độc cao, với vẻ tinh khiết. Trắng như cước là trắng ở mức độ cao, với vẻ bóng đẹp, mượt mà. Trắng như ngà là trắng với vẻ óng mịn, trông rất đẹp. Trắng như trứng gà bóc là trắng với vẻ mịn màng, nõn nà, trông rất thích mắt.

Kết quả khảo sát vế B của thành ngữ so sánh cho thấy, nếu xét theo phạm vi sự vật, hình ảnh biểu trưng có thể chia ra các nhóm sau đây:

· Hình ảnh biểu trưng là động vật: dát như cáy, đông như kiến, gan như cóc tía, dữ như hùm, hỗn như gấu, đen như quạ, ăn như mèo, (bám) dai như đỉa, béo như lợn, câm như hến, cao như sếu, chậm như sên...

· Hình ảnh biểu trưng là các hiện tượng tự nhiên: nhanh như gió, của như nước, đang lên như nước thuỷ triều, đông như nước chảy, lơ thơ như sao buổi sớm, nhanh như chớp, như cờ gặp gió, như mặt trăng mặt trời, như nước với lửa, như sét đánh, như sao hôm sao mai, cao như núi...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến các loài thực vật: cay như ớt, chân như ống sậy, chết như ngả rạ, đắng như ngậm bồ hòn, đen như củ tam thất, đỏ như gấc, hiền như củ khoai, lanh chanh như hành không muối, lênh đênh như bè muống trôi sông, hứng như hứng hoa, mỏng như lá lúa, như ếch vồ hoa dâm bụt, rẻ như bèo, rối như bòng bong...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến tín ngưỡng đời sống tâm linh: vắng như chủa Bà Đanh, sướng như tiên (Non Bồng), to như Hộ Pháp, tối như cửa địa ngục, vắng như bãi tha ma, (ma lem, ma mút), chiều như chiều vong, giục như giục , giữ như giữ mả tổ, hiền như Bụt, khư khư như ông từ giữ oản, lảng vảng như thành hoàng xuất ngoại, lầm rầm như thày bói nhầm quẻ. (nhấm nhẳng) như chó cắn ma, (nói) như thánh phán...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến con người (bộ phận cơ thể, nghề nghiệp): buồn như cha chết, buồn như đĩ về giàmong như mong mẹ về chợchễm chệ như rể bà goá, giở mặt như giở bàn tay, im ỉm như gái ngồi phải cọclăng xăng như thằng mất khốdớn dác như thằng lác té xuống aolười như hủi, nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến các món ăn, đồ ăn và hoạt động ăn uống: chán như cơm nếp nát, chua như mẻ, dảo như kẹo kéo, chuyện nổ như bắp rang, dẻo như kẹo, đắt như tôm tươi, dửng dưng như bánh chưng ngày tếtép như ép giò, gắt như mắm tôm, gầy như con mắm, khinh như mẻ, láo nháo như cháo trộn cơm, mềm như bún...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến các đồ vật quen thuộc: trơ như mặt thớt, to như bồ sứt cạp, chòng chành như nón không quaichắc như đinh đóng cộtchặt như nêm, chân như ống đồng, coi trời bằng vung, dai như chão, cứng như sắt, dính như keo, dức như búa bổđau như dao cắtđen như mực, đen như cột nhà cháy, đỏ như son, đẹp như tranh, êm như nhung, khô như ngói, vững như kiềng ba chân...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến các điển tích lịch sử văn hoá: chết đứng như Từ Hải, nóng như Trương Phi, nợ như Chúa Chổm, lẩy bẩy như Cao Biền dạy non,  đa nghi như Tào Tháo, giàu như Thạch Sùng, oai oái như Phủ Khoái xin ăn, như vợ chồng Ngâu...

· Hình ảnh biểu trưng liên quan đến các hiện tượng xã hội: lầm rầm như đĩ khấn tiên sư, ấm oái như hai gái chung nhau một chồng, khép nép như dấu mời về nhà chồng, dấm dẳng như chó cắn ma, khinh khỉnh như chĩnh mắm thối, làm như nhà trò giữ nhịp, lang lảng như chó trốn con, luẩn quẩn như chèo đò đêm, lúng túng như gà mắc tóc, như rựa chém xuống nước, như trứng quẩy đầu gậy, như ếch ngồi đáy giếng.

Sự đa dạng và phong phú của thế giới hình ảnh biểu trưng trong thành ngữ so sánh tiếng Việt là tấm gương phản ánh đặc điểm địa lí, đặc điểm thiên nhiên và đặc điểm đời sống sinh hoạt lao động sản xuất cũng như đặc điểm văn hoá của dân tộc Việt Nam. Đó là những hình ảnh rất quen thuộc nhưng rất tiêu biểu và đặc trưng cho đất nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Chính đặc điểm địa lí, đặc điểm thiên nhiên và khí hậu này đã ảnh hưởng rõ rệt và chi phối cuộc sống, chi phối hoạt động lao động sản xuất, chi phối nhận thức của người Việt, được người Việt phản ánh, gọi tên các sự vật, hiện tượng qua các từ ngữ trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Các sự vật, hiện tượng, đối tượng được đem ra so sánh trong thành ngữ so sánh tiếng Việt đã cho thấy rõ điều này.

Trước hết, đó là một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với nhiều mưa bão, sấm chớp, nắng gió: mưa như trút nước, mưa như nước đổ, nắng như đổ lửa, nhạt như nước ốc, bắn như mưa, nhanh như gió, đang lên như nước thuỷ triều, dâng lên như nước vỡ bờ, đông như nước chảy, mạnh như vũ bão, ngáy như sấm, nhanh như chớp, như diều gặp gió, như vịt nghe sấm. Qua vế so sánh chúng ta bắt gặp một đất nước mang đậm dấu ấn nông nghiệp với các vật dụng quen thuộc với nhà nông như cái bồ sứt cạp trong to như bồ sứt cạp, cái vại trong bình chân như vại, cái kiềng trong vững như kiềng ba chân, cái thớt trong trơ như mặt thớt, con dao trong đau như dao cắt, cái búa trong dức như búa bổ. Các món ăn hết sức bình dân và phổ biến như mắm tôm trong gắt như mắm tôm, canh hẹ trong rối như canh hẹ, cơm nếp trong chán như cơm nếp nát, bánh chưng trong dửng dưng như bánh chưng ngày tết, cá mắm trong gầy như cá mắm. Các loại cây, hoa màu, củ quả của vùng nhiệt đới cũng xuất hiện nhiều trong vế so sánh của thành ngữ so sánh, như: rụng như sung, rách như sơ mướp, đen như củ súng, đen như củ tam thất, trắng như bông, cay như ớt, đỏ như gấc, hiền như củ khoai, ngọt như mía lùi, rối như canh hẹ, mỏng như lá lúa, chân như ống sậy, chuyện nổ như ngô rang, chấy rận như sung, đen như hạt nhãn... Các loài gia súc, gia cầm, các loài động vật gắn liền với đời sống người nông dân như trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngỗng... cũng xuất hiện nhiều lần trong vế so sánh của thành ngữ so sánh: khoẻ như trâu, dốt như bò, lạch bạch như vịt bầu, chữ như gà bới, chậm như rùa, chắc như cua gạch, yếu như sên, ăn như mèo, đắt như tôm tươi, có chồng như ngựa có cương, coi mạng người như ngoé, dai như đỉa đói, dát như cáy, dữ như hùm, đen như quạ, câm như hến, đông như kiến, gan như cóc tía, gầy như hạc, giãy lên như bị ong đốt, gầy như xác ve... Các nghề thủ công với dụng cụ thô sơ, cách thao tác đơn giản cũng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc: ngáy như kéo bễ, đen như đồng hun, ăn như thợ đấu, đông như mắc cửi, lật đật như sa vật ống vải, nát như tương (Bần), ngáy như kéo cưa, như tằm ăn rỗi... Những hình ảnh biểu trưng này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng văn hoá vùng Đông Nam Á mà Việt Nam là một tiểu vùng của không gian này: làm ruộng cấy lúa, nuôi gia súc, gia cầm, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền. Đặc biệt, phương thức canh tác của nền nông nghiệp lúa nước và các sản phẩm của nó đã ăn sâu vào lối tư duy, cách làm việc của người Việt thể hiện rõ qua hình ảnh cây lúa nước với nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ: câm như thóc, mỏng như lá lúa, chắc như tên bắn đụn rạ, chết như ngả rạ, chán như cơm nếp nát, buồn như trấu cắn, câm như thóc trẩm ba mùa, chữ như trấu trát, lép như trấu, mềm như bún, muỗi như trấu, láo nháo như cháo với cơm,... Hình ảnh biểu trưng của vế B cho chúng ta thấy đời sống tinh thần mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến nhất ở nước ta: hiền như Bụt, vắng như chùa Bà Đanh, lừ đừ như ông từ vào đền, to như hộ pháp, khư khư  như ông từ giữ oản, lầm rầm như đĩ khấn tiên sư, ăn cắp như ranh, ăn như thần trùng, bối rối như bà sư đẻ, chiều như chiều vong, đuổi như đuổi tà, giữ như thầy giữ ấn, lạy như tế sao. Hình ảnh biểu trưng của vế B không chỉ cho chúng ta thấy đời sống văn hoá tinh thần phong phú của người Việt với nhiều lễ hội: vui như tết, vui như trẩy hội, len lét như rắn mồng năm, đông như trẩy hội, cười như pháo ran, chạy như đèn cù, mà còn cả những dấu ấn những điển tích, điển cố, những câu chuyện lịch sử như nợ như chúa Chổm, lẩy bẩy như Cao Biền dạy non, chết đứng như Từ Hải, nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo, giàu như Thạch Sùng

Khảo sát vế B trong 613 thành ngữ so sánh tiếng Việt chúng tôi thấy rằng người Việt rất ít sử dụng thành ngữ so sánh để khen, để đánh giá những cái đẹp, cái hay cái tốt (kiểu như, đẹp như tiên, trắng như trứng gà bóc, ngọt như mía lùi, đỏ như son, êm như ru, hiền như Bụt,...). Những câu thành ngữ so sánh mang sắc thái trung hoà trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt kiểu như: im lặng như tờ, chạy nhanh như gió, dài như sông, giống nhau như tạc, dễ như chơi,... chiếm số lượng rất nhỏ. Còn lại hầu hết những câu thành ngữ so sánh mà qua vế so sánh đều toát lên sự đánh giá tiêu cực, với hàm ý chê, mỉa mia rất sắc sảo và thâm thúy. Những câu thành ngữ như: ăn như hộ pháp cắn chắt, ăn ở như bát nước đầy, câm như thóc trẩm ba mùa, chấp chới như quạ vào chuồng lợn, ấm oái như hai gái lấy một chồng,  đủng đỉnh như chĩnh trôi sông, lăng xăng như thằng mất khố đều cho thấy điều này. Điều đáng lưu ý là trong nhiều thành ngữ so sánh, người Việt sử dụng các hình ảnh biểu trưng (thể hiện qua vế B) mang hàm ý chê bai, mỉa mai rất mạnh, thẳng thừng, không nể nang, e ngại, nhiều khi thô tục, kiểu như: ngu như lợn, ngu như bò, hỗn như chó hỗn như gấu, chửi như tát nước vào mặt, dai như bò đái, giấu như mèo giấu cứt, béo như con trâu trương, đau như hoạn, mặt ngây như ngỗng ỉa, rầu rĩ như đĩ về già.

5. Nghiên cứu vêt so sánh của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt có thể khẳng định rằng vế so sánh phong phú về mặt cấu tạo, đa dạng về giả trị biểu hiện. Những từ ngữ biểu thị cách so sánh (B) thường gợi tả những hình tượng điển hình đậm đà màu sắc dân tộc. Qua vế B của thành ngữ so sánh, chúng ta có thể thấy được bóng dáng của cách nhìn, cách nghĩ, thấy được một phần cái dấu ấn của cảnh sắc thiên nhiên, điều kiện địa lí, đặc điểm một đất nước mang đậm dấu ấn nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thấy được bóng dáng của cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử trong hoạt động lao động, sản xuất, trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam được phản ánh trong ngôn ngữ. Có thể khẳng định rằng, qua thế giới hình ảnh ở vế B trong thành ngữ so sánh, chúng ta có thể có được những đặc trưng tư duy, đặc trưng văn hoá của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Văn Đức (2010), Các bài giảng về từ pháp học tiếng Việt. Từ loại nhìn từ bình diện chức năng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Nguyễn Thiện Giáp (2005), Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Hoàng Văn Hành (Chủ biên), (1988), Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, T. 1, T. 2, Hà Nội.

4. Hoàng Văn Hành (Chủ biên) (1991), Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, T. 3, Hà Nội.

5. Hoàng Văn Hành, (2004), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Viện Ngôn ngữ học, (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020