Nghiên cứu khoa học

VÀI NÉT VỀ HÀNH VI CHÊ TRONG PHỎNG VẤN BÁO CHÍ


14-10-2020
Tác giả: Ths. Phạm Thị Tuyết Minh

Trong phỏng vấn, hành vi chê thường không vì mục đích cá nhân mà chủ yếu để thăm dò thái độ, phản ứng hoặc yêu cầu giải thích qua đó làm rõ chân dung người nghệ sĩ hoặc một vấn đề đang gây xôn xao dư luận. Dù là mục đích công việc thì nội dung hành vi chê vẫn có tính đe doạ thể diện người đối thoại và cũng tiềm ẩn khả năng đe doạ thể diện cá nhân người phóng viên. Vì thế, khi đưa ra hành vi chê, nhà báo thường viện tới cách nói giảm nhẹ độ tin cậy của nội dung mệnh đề (như: nghe đồn, nghe nói, có người nói,…) để giảm mức độ vi phạm lịch sự của phát ngôn.

VÀI NÉT VỀ HÀNH VI CHÊ TRONG PHỎNG VẤN BÁO CHÍ

Phạm Thị Tuyết Minh

Nghiên cứu sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Lịch sự trong phỏng vấn báo chí là vấn đề đáng được quan tâm. Nhìn từ góc độ lí thuyết hội thoại, có thể hiểu phỏng vấn là cuộc giao tiếp đặc biệt. Các đối tác tham gia giao tiếp không phải để trao đổi thông tin, tình cảm,… mang tính chất cá nhân, mà nhằm tạo ra một sản phẩm thông tin dành cho một đối tượng thứ ba vô cùng quan trọng, đó là công chúng. Vì vậy, lịch sự trong phỏng vấn có nhiều điểm khác biệt. Nó không chỉ chịu sự chi phối của chiến lược giao tiếp cá nhân hay quy ước xã hội mà còn chịu ảnh hưởng bởi mục đích khai thác và kiến giải thông tin một cách sâu sắc của nhà báo. Trong phỏng vấn, nhà báo phải khéo léo linh hoạt để xây dựng mối quan hệ liên cá nhân tốt đẹp nhưng đôi lúc cũng phải “bất lịch sự” để đào sâu mọi ngóc ngách của vấn đề. Tìm hiểu lịch sự trong phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy trong phỏng vấn, lịch sự thể hiện ở cả hai mặt: mặt tuân thủ và mặt vi phạm nguyên tắc lịch sự. Hành vi ngôn ngữ không thoả mãn tính lịch sự là những hành vi mà khi thực hiện, chúng đe doạ thể diện của các đối tác tham gia giao tiếp hoặc gây cho họ những phản ứng tâm lí không tích cực. Trong phỏng vấn, hai loại hành vi tiêu biểu thể hiện sự không thoả mãn tính lịch sự là hành vi hỏi và hành vi chê. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập một trong những hành vi ngôn ngữ đã vi phạm nguyên tắc lịch sự trong phỏng vấn, đó là hành vi chê.

Nhóm hành vi xưng hô, chào hỏi, cảm ơn, chúc tụng,… được coi là những nghi thức không thể thiếu trong các cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, một bài phỏng vấn nếu chỉ thấy “thái độ cung kính hỏi thăm tin tức hoặc lễ lạt nhạt nhẽo công thức” thì người ta có cảm giác nó “trơn tuột như hòn bi ve” [7, 59]. Một bài phỏng vấn hay là bài phỏng vấn đưa ra được những thông tin có giá trị, khai thác những mâu thuẫn, làm sáng tỏ những góc khuất còn ẩn giấu của sự việc, sự vật, hoặc của nhân vật và đưa ra trước công chúng. Vì thế trong phỏng vấn, bên cạnh những phát ngôn đánh giá tích cực còn có những đánh giá tiêu cực của cá nhân nhà báo hoặc của công chúng (mà nhà báo là đại diện) đặt ra cho đối tượng phỏng vấn để lật đi lật lại một vấn đề, hoặc khám phá một khía cạnh nào đó của chân dung con người. Chúng tôi xếp những phát ngôn thể hiện những đánh giá tiêu cực của nhà báo với người hoặc vật, sự việc trong bài phỏng vấn vào nhóm hành vi chê. “Hành vi chê được SP1 thực hiện khi SP1 nhận xét đánh giá về X. X có thể là vật, việc, đặc điểm thuộc SP1 (người nói) hoặc SP2 (người tiếp nhận) hoặc của ngôi thứ 3 nào đó đã tồn tại trước khi xảy ra hành vi chê. Theo SP1 nghĩ thì X xấu hoặc chưa đạt tiêu chuẩn. SP1 tỏ thái độ không hài lòng về X và nói cho SP2 biết ý kiến của mình về X” [15, 25]. Hành vi chê diễn tả thái độ tiêu cực của người nói đối với một số hoàn cảnh, tình thế nêu ra trong nội dung mệnh đề. Vì thế, đứng ở phương diện hành vi ngôn ngữ, Austin (1962) xếp hành vi chê thuộc nhóm Ứng xử, còn Searl (1975) lại xếp vào phạm trù Biểu cảm. Xét ở phương diện lịch sự, Brown và Levinson quan niệm hành vi chê thuộc nhóm FTA – hành vi đe doạ thể diện.

Phạm vi tư liệu mà chúng tôi khảo sát là các cuộc phỏng vấn trên hai loại báo:

–               Báo Tiền phong: từ tháng 6/2006 đến hết tháng 12/2006

–               Báo Dân trí (điện tử): từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2007

Căn cứ vào đối tượng phỏng vấn, nguồn ngữ liệu được chia thành ba nhóm: Nhóm tư liệu 1 (F1) – đối tượng phỏng vấn là văn nghệ sĩ; nhóm tư liệu 2 (F2) – đối tượng phỏng vấn là quan chức; nhóm tư liệu 3 (F3) – các đối tượng khác. Tổng số hành vi chê xuất hiện trong tư liệu mà chúng tôi khảo sát là 131 hành vi. Tỉ lệ xuất hiện hành vi chê trên ba khối tư liệu được trình bày trong bảng sau:

Tỉ lệ hành vi chê trên tổng lượt lời trong ba nhóm tư liệu

 

F1

F2

F3

Số lượng

94

31

6

Tổng lượt lời

2992

1217

431

Tỉ lệ (%)

3,1

(94/2992)

2,5
(32/1217)

1,4
(6/431)

 

Từ bảng số liệu trên, có thể rút ra nhận xét như sau: Tỷ lệ hành vi chê trên tổng số lượt lời ở ba nhóm tư liệu không lớn: Ở nhóm 1 là 3,1 %, nhóm 2 là 2,5 %, nhóm 3 là 1,4%. Tỉ lệ hành vi chê ở nhóm 1 nhiều hơn so với hai nhóm còn lại.

Hầu hết các hành vi chê trong phạm vi tư liệu khảo sát đều là biểu thức chê nguyên cấp vì: Thứ nhất, các biểu thức ở lời chê không sử dụng động từ ngữ vi chê. Thứ hai, chủ ngữ của phát ngôn này thường không phải là ngôi thứ nhất, số ít (tôi). Biểu thức ngữ vi chê nguyên cấp có dạng tổng quát X – V, trong đó X là cái bị chê, chủ ngữ của nội dung mệnh đề do SP1 nói ra và V là vị từ biểu thị nội dung chê. Ví dụ trong phát ngôn sau X là “các album”, V “không tạo được cú hích mạnh”.

(1)       Các album đều không tạo được cú hích mạnh cho tên tuổi ca sĩ.

                                                                                    (DT 10/1/07)

Chúng tôi nhận thấy, X và V là hai yếu tố thể hiện rõ nhất mức độ đe doạ thể diện của hành vi chê, nên trong phần dưới đây chúng tôi sẽ tìm hiểu kĩ hơn các yếu tố này.

a) X: cái bị chê

Qua khảo sát, X có thể là:

-        Là người:

     Người bị chê là SP2 – người đối tác tham gia vào cuộc phỏng vấn. Ví dụ, SP2 là ca sĩ:

(2)            Một năm qua trên sân khấu Tân Nhàn vẫn chỉ hát những ca khúc cũ.

                                                                                         (DT 4/1/07)

(3)            … Trần Lập trông có vẻ yếu đuối hơn so với Trần Lập những năm 90.

                                                                                         (DT 8/1/07)

SP2 là người chịu trách nhiệm một tổ chức nào đó:

(4)       Có người nói ông thiếu dân chủ trong quản lí? (TP 20/6/T11)

–  Là vật, việc:

Trong phạm vi tư liệu F1, vật bị chê thường là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ như: đĩa nhạc, bài hát, bộ phim hoặc vật sở hữu như: trang phục (đầu tóc, quần áo), xe cộ,… Có thể tạm xếp vào nhóm này một số yếu tố khác như: giọng hát, phong cách biểu diễn. Với văn nghệ sĩ, sản phẩm sáng tạo chính là thước đo tài năng, tên tuổi, phong cách riêng. Chê đĩa nhạc, bài hát, bộ phim, nhân vật,… chính là thể hiện sự đánh giá tiêu cực về trình độ, khả năng của ca sĩ, diễn viên hoặc đạo diễn đó.

(5)       Nhiều ý kiến cho rằng Thuỷ Tiên vol 2 không phải một đĩa nhạc Gothic.

                                                                                                (DT 4/1/07)

(6)       Giọng của Phương Thanh giờ thì không còn được như 10 năm về trước nữa.

                                                                                                (DT 25/1/07)

(7)  Vai diễn đầu tiên trong “Võ lâm truyền kì” của Phương bị đánh giá là quá nhạt, gần như bị chìm lấp so với các bạn diễn.

                                                                                                (DT 30/3/07)

Trong phạm vi tư liệu F2 và F3, X hầu như chủ yếu là việc. Sự việc bị chê là hoạt động đã xảy ra trong quá khứ hoặc vẫn đang tiếp diễn vào thời điểm nói do người được phỏng vấn chịu trách nhiệm hoặc trực tiếp chỉ đạo mà kết quả không tốt, không đạt được yêu cầu đề ra theo đánh giá của công chúng.

(8)       Đề thi và cách chấm thi hôm nay đang biến học sinh thành vẹt.

                                                                                                (TP 12/8/06)

(9)       Nhiều người cho rằng tần suất kiểm tra như vậy là quá thưa. Ngay với cơ sở sữa đậu nành mà các ông bảo an tâm nghe nói cũng có vi phạm.

                                                                                                (TP 21/6/06)

Thực ra, dù chê vật hay việc thì cuối cùng cũng là chê người liên quan đến chúng. Những phát ngôn chê này đe doạ thể diện dương tính của người đối thoại bởi nó đề cập nhiều đến danh tiếng, tài năng, trách nhiệm,… của họ. Mức độ đe doạ của hành vi chê càng tăng lên khi đối tượng này chủ yếu là văn nghệ sĩ và quan chức – những người của công chúng, những người mà sự việc và uy tín của họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi báo chí.

     b) V:

Vị từ trong công thức của biểu thức chê nguyên cấp bao giờ cũng biểu hiện ý nghĩa tiêu cực. Trong phỏng vấn, thành phần này thường là:

     – Động từ, tính từ + từ phủ định (không, chưa, chẳng,…)

(10) Thành công khi hát nhóm, nhưng tách ra solo, có vẻ như anh chưa thực sự ghi dấu ấn?

                                                                                                (DT 27/1/07)

(11) Giọng hát không thật sự đặc biệt và trên sân khấu lại cũng không biết biểu diễn.

                                                                                                (DT 29/1/07)

– Tính từ, động từ mang sắc thái tiêu cực + từ chỉ mức độ (rất, quá, hơi, khá,…). Sắc thái tiêu cực của những từ này được đánh giá theo tiêu chí của cộng đồng, theo một chuẩn mực mà vào thời điểm hiện tại được cả xã hội công nhận. Khảo sát phỏng vấn trong báo chí, chúng tôi nhận thấy nhiều khi nhà báo sử dụng một cách cố ý các danh từ, động từ, tính từ và cụm từ có sắc thái tiêu cực thay vì những từ đồng nghĩa có mức độ giảm nhẹ. Ví dụ, sử dụng từ “con hát” thay cho “ca sĩ” mặc dù hai từ này đều chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn – ca hát:

(12) Gắn cái nghiệp con hát vào thân, những vất vả không phải là ít?

                                                                                                (DT 13/2/07)

Từ “con hát” kèm theo thái độ khinh bỉ của người nói. Đây vốn là một từ cổ. Trong quan niệm xưa, ca sĩ  thường bị coi là “xướng ca vô loài” nên những người theo nghiệp này bị gọi là “con” với ý khinh miệt, giống như “con phe”, “con buôn”.

Trong hệ thống những từ đồng nghĩa thường có sự phân chia thành hai cực, mạnh – yếu, tích cực – tiêu cực. Nhiều trường hợp nhà báo lại chọn những từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực khi hỏi, nhận xét bình luận… đối tượng phỏng vấn. Những từ sau đây có thể xếp vào tập hợp các từ ngữ có tính chất đe doạ thể diện mạnh: lăng nhăng, lai căng, bỡn cợt, lả lơi, ngông nghênh, bảnh choẹ, sính ngoại, háo danh, bon chen, kĩ tính, tham lam,… Ví dụ:

(13) Hỏi một câu, ngoài lề âm nhạc, anh nghĩ gì khi người ta nói Lê Minh Sơn trả lời phỏng vấn rất ngông nghênh, bảnh choẹ?

                                                                                                (DT 17/1/07)

(14) Người ta cũng nói chị háo danh. Bản thân chị thấy mình ra sao?

                                                                                                (DT 9/3/07)

Không chỉ từ, khá nhiều cụm từ cố định được sử dụng trong phỏng vấn cũng mang ý nghĩa tiêu cực: “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” (keo kiệt, bủn xỉn), “đi ngõ tắt luồn cửa sau” (không đàng hoàng, ngay thẳng), “cao không tới thấp không thông” (lỡ cỡ)…

(15) Người ta đồn đại cô nàng ca sĩ diễn viên người mẫu Quách An An có tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”?

                                                                                                (DT 12/2/07)

Trong quan niệm của người Việt, lăng nhăng, háo danh, kiêu căng, keo kiệt, không ngay thẳng,… là những tính xấu đáng bêu riếu phê phán. Vì thế, cách nói trực ngôn như trên chẳng khác nào “vỗ mặt” người đối thoại, nhất là cuộc nói chuyện ấy lại không mang tính chất riêng tư mà được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng trong phỏng vấn đối tượng là quan chức, các vị từ này không nhiều, không phong phú bằng nhóm F1. Sở dĩ có hiện tượng này vì hành vi chê trong F2 chủ yếu là chê gián tiếp bằng cách nhận xét, miêu tả thực trạng của tình hình. Ví dụ: Khi phỏng vấn Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội, phóng viên không trực tiếp đưa ra nhận xét Sở Y tế vô trách nhiệm trong việc kiểm tra các cơ sở sản xuất đồ uống mà chỉ nêu ra hiện trạng:

(16) Hàng trăm cơ sở sản xuất sữa đậu nành dùng ngay hầu như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế cho đến thời điểm này.

                                                                                                (TP 21/6/07)

Với đối tượng phỏng vấn là quan chức, nhà báo đã khôn khéo thực hiện chiến lược chê gián tiếp đề giữ thể diện cho mình.

Trong giao tiếp, hành vi chê nhằm nhiều mục đích khác nhau: chê để kết tội, chê để hạ thấp giá trị của người khác, chê để khuyên dạy, nhờ vả, từ chối, giải toả bức xúc… Trong phỏng vấn, hành vi chê thường không vì mục đích cá nhân mà chủ yếu để thăm dò thái độ, phản ứng hoặc yêu cầu giải thích qua đó làm rõ chân dung người nghệ sĩ hoặc một vấn đề đang gây xôn xao dư luận. Dù là mục đích công việc thì nội dung hành vi chê vẫn có tính đe doạ thể diện người đối thoại và cũng tiềm ẩn khả năng đe doạ thể diện cá nhân người phóng viên. Vì thế, khi đưa ra hành vi chê, nhà báo thường viện tới cách nói giảm nhẹ độ tin cậy của nội dung mệnh đề (như: nghe đồn, nghe nói, có người nói,…) để giảm mức độ vi phạm lịch sự của phát ngôn.

 

KÍ HIỆU VÀ VIẾT TẮT

1.                  CTGT: Chủ thể giao tiếp

2.                  ĐTGT: Đối tượng giao tiếp

3.                  NVGT: Nhân vật giao tiếp

4.                  SP1: Người nói thứ nhất

5.                  SP2: Người nói thứ hai

6.                  FTA: Hành vi đe doạ thể diện

7.                  FFA: Hành vi tôn vinh thể diện

8.                  PTXH: Phương tiện xưng hô

9.                  F1: Nhóm tư liệu 1 – đối tượng phỏng vấn là văn nghệ sĩ

10.   F2: Nhóm tư liệu 2 – đối tượng phỏng vấn là quan chức

11.    F3: Nhóm tư liệu 3 – các đối tượng khác

12.    TP: Báo Tiền phong

13.    DT: Báo Dân trí

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đỗ Hữu Châu (2006), Đại cương ngôn ngữ học – Tập 2, NXB Giáo dục, H.

2.   Vũ Tiến Dũng (1997), Bước đầu khảo sát một số phương tiện tình thái diễn đạt tính lịch sự trong giao tiếp bằng tiếng Việt, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

3.   Vũ Tiến Dũng (2002), Tìm hiểu một vài biểu thức tình thái gắn với tính lịch sự của nữ giới trong giao tiếp, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.

4.   Nguyễn Thiện Giáp (2000), Dụng học Việt ngữ, NXB ĐHQG Hà Nội.

5.   Ngũ Thiện Hùng (2003), Vai trò tính tình thái nhận thức trong các chiến lược lịch sự giao tiếp đối thoại (Qua cứ liệu tiếng Việt), trích Ngữ học trẻ 2002, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, H.

6.   Vũ Thị Thanh Hương (1999), Gián tiếp và lịch sự trong lời cầu khiến tiếng Việt, TC Ngôn ngữ, số 1.

7.   Đinh Văn Hường (2006), Các thể loại báo chí thông tấn, NXB ĐHQG Hà Nội.

8.   Nguyễn Thị Lương (1995), Một số tiểu từ tình thái dứt câu tiếng Việt với phép lịch sự trong giao tiếp, TC Ngôn ngữ, số 2.

9.        Hoàng Phê (Cb) (2004), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, HN – ĐN.

10.    Nguyễn Văn Quang (1999), Một số khác biệt giao tiếp lời nói Việt – Mĩ trong cách thức khen và tiếp nhận lời khen, Luận án Tiến sĩ, ĐH Quốc gia, H.

11.    Nguyễn Văn Quang (2004), Một số vấn đề giao tiếp nội văn hoá và giao văn hoá, NXB ĐHQG Hà Nội.

12.    Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang (2005), Cơ sở lí luận báo chí truyền thông, NXB ĐHQG Hà Nội.

13.    Phạm Thị Thành (1995), Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn chào, cảm ơn, xin lỗi, Luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn, H.

14.    Võ Minh Tuấn (2002), Ngôn ngữ báo chí và giới trẻ nhìn từ phương thức tư duy, trích Ngữ học trẻ 2002, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, H.

15.    Hoàng Thị Hải Yến (2000), Hành vi chê với biểu thức, phát ngôn và tham thoại tiếp nhận chê, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội.

 

NGUỒN NGỮ LIỆU

16.    Báo Tiền Phong, 6/2006 – 12/2006.

17.    Báo Dân Trí điện tử, 1/2007 – 3/2007.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020