Nghiên cứu khoa học

ĐÔI NÉT VỀ BỨC TRANH VĂN HOÁ VIỆT QUA THÀNH NGỮ CHỨA TỪ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI


14-10-2020
Tác giả: Nguyễn Trung Kiên

Thông qua việc tìm hiểu thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN dưới góc nhìn ngôn ngữ – văn hoá, tác giả mong muốn có thể phác hoạ được đôi nét về bức tranh văn hoá Việt Nam. Đó là nét đặc trưng trong đời sống nông nghiệp trồng lúa nước, là văn hoá trong giao tiếp và đặc biệt là những đặc điểm trong tính cách của người Việt chúng ta.

ĐÔI NÉT VỀ BỨC TRANH VĂN HOÁ VIỆT 

QUA THÀNH NGỮ CHỨA TỪ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI

                                                                                         Nguyễn Trung Kiên

Đại học Tây Bắc

 

1. Đặt vấn đề     

    Ngôn ngữ phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của con người. Vì thế, nó là “chiếc chìa khoá vạn năng” giúp cho con người mở cánh cửa   để khám phá tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ là thành ngữ. “Thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thức – cấu trúc, hoàn chỉnh, bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ [2, 27].

Thành ngữ tiếng Việt không chỉ có số lượng lớn mà còn phong phú, đa dạng về nội dung. Chỉ xét riêng nhóm thành ngữ chứa từ chỉ bộ phận cơ thể người (BPCTN), chúng tôi đã thống kê được 628 đơn vị trong cuốn Thành ngữ tiếng Việt của tác giả Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, NXB Khoa học Xã hội, 2009. Việc tìm hiểu nhóm thành ngữ này dựa trên cái nhìn tổng hợp của lí thuyết về ba bình diện ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng) đã gợi mở cho chúng tôi hướng tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá. 

 “Văn hoá (culture) là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” [4, 8]. Trên dòng chảy của lịch sử, tiếng Việt đã ra đời. Đó là thành quả của một quá trình sáng tạo miệt mài, bền bỉ trong lao động và tiếp giao văn hoá của ông cha ta. Do đó, hiển nhiên tiếng Việt cũng chính là một sản phẩm văn hoá vô giá của dân tộc ta.

Ngôn ngữ và văn hoá không những có mối quan hệ mật thiết với nhau mà chúng còn luôn bảo lưu trong nhau những tinh hoa trên các chặng đường phát triển. Có được điều này do ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp cơ bản nhất của xã hội loài người. Con người xây dựng và cải tạo xã hội thông qua nhiều hoạt động và dường như hoạt động nào cũng cần đến ngôn ngữ. Văn hoá lại nảy sinh từ chính những hoạt động đó của con người. Do vậy, cùng với lao động, văn hoá và ngôn ngữ được hình thành và song hành tồn tại. Nhiều giá trị quan trọng của văn hoá, nhất là những giá trị văn hoá như (phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học,...) được bảo tồn nhờ ngôn ngữ. Ngược lại, trong vốn ngôn ngữ của một dân tộc cũng luôn “in dấu” và “hiện hữu” những giá trị văn hoá khác nhau. Nhóm thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN mà chúng tôi tìm hiểu có thể được xem như một ví dụ.  

2. Đôi nét về bức tranh văn hoá Việt Nam qua thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN

2.1. Nét văn hoá của đời sống nông nghiệp đặc thù 

Văn hoá Việt Nam có nguồn gốc bản địa là chủ yếu. Đó là những giá trị văn hoá được nảy sinh từ nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nền văn minh này nằm trong một khu vực rộng lớn hơn là nền văn minh của những cư dân trồng lúa nước ở khu vực Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu G. Cosde cho rằng: “Về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền” [5, 69]. Tác giả Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở văn hoá Việt Nam đã bổ sung ý kiến trên bằng một nhận xét xác đáng: “Việc trồng lúa và các loại cây như khoai, bầu, bí, trầu, cau; việc thuần dưỡng một số gia súc như trâu, lợn, gà; việc làm nhà ở; việc dùng cây thuốc chữa bệnh” [5, 85]. Tất cả những điều này đều phản ánh nét đặc trưng trong văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp. Mọi mặt của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người đều mang dấu ấn nông nghiệp rất rõ rệt.

Trước kia, sản xuất nông nghiệp ở nước ta là nền sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, công cụ lao động thô sơ, phương thức canh tác lạc hậu. Trong công việc làm đất, cấy trồng, thu hoạch, người Việt dùng sức người và sức kéo của gia súc (trâu, bò, ngựa) là chủ yếu cho nên họ thường phải lao động vất vả. Các thành ngữ như “chân lấm tay bùn, đầu đội vai mang, cổ cày vai bừa, cháy mặt lấm lưng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đầu tắt mặt tối, đầu tro mặt muội, ... đã phản ánh một cách chân thực nỗi nhọc nhằn của người nông dân khi làm ra hạt thóc, củ khoai. Thế nhưng dường như quanh năm suốt tháng, họ vẫn phải sống chung với đói nghèo. Ước mơ về sự no đủ trong cái ăn, cái mặc của người nông dân luôn luôn là một nỗi niềm đau đáu. Các thành ngữ như “nghèo lõ đít, vắt mũi chẳng đủ đút miệng, giựt gấu vá vai,...” đã giúp cho chúng ta thấy rõ điều này. Cũng vì thế, cái đói và miếng ăn đã để lại nhiều dấu ấn trong vốn từ vựng nói chung và thành ngữ nói riêng của tiếng Việt.  

Khi miêu tả ngoại hình con người, thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN đã xuất hiện nhiều hình ảnh quen thuộc và gần gũi với sản xuất nông nghiệp như “mặt ngây như cán thuổng, mặt lưỡi cày, răng to như bàn cuốc, lưng dài như chó liếm cối, mặt méo như bịdùi đục cẳng tay, mắt sắc như dao cau,...”. Các thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN trong sự liên tưởng, so sánh với các hình ảnh chỉ đồ vật,  công cụ lao động thường thấy của đời sống nông nghiệp đã được các nhà văn vận dụng trong các sáng tác văn chương. Ví dụ:  

“Bởi vì chị vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con, cái mắt sắc như dao lại hồng hồng đôi má, bỗng nhiên lại sinh ra vắng chồng, của ngon trờ trờ ngay trước mắt, ai mà nhịn được.” (Chí Phèo, Nam Cao).

Thành ngữ “mắt sắc như dao cau” được sử dụng trong ví dụ trên có dạng biến thể “mắt sắc như dao”. Đây là đôi mắt sắc sảo, hay liếc tình (thường chỉ mắt con gái) [3, 389]. Nam Cao đã rất khéo léo khi dùng một loạt những biểu thức ngôn ngữ để miêu tả về hoàn cảnh của chị vợ Binh Chức như: “chị vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con”, “bỗng nhiên lại sinh ra vắng chồng”. Xen giữa vào những biểu thức đó, tác giả sử dụng thành ngữ “mắt sắc như dao” và biểu thức “hồng hồng đôi má”. Sắp xếp như vậy có tác dụng nhằm nhấn mạnh đến hoàn cảnh “éo le”, “đặc biệt” của một người đàn bà trẻ đẹp, đa tình lại vắng chồng. Đây là một cơ sở đầy tính logic để nhà văn triển khai tiếp mạch truyện khi kể về việc vợ Binh Chức đã “qua lại” với nhiều đàn ông ở làng Vũ Đại mà Bá Kiến là điển hình.

Nhiều loại vật nuôi trong gia đình và các loài động vật gần gũi với đời sống nông nghiệp cũng đi vào các thành ngữ có chứa từ chỉ BPCTN. Chẳng hạn “lúng túng như  mắc tóc, mắt lợn luộc, nhờn chó chó liếm mặt, đầu trâu mặt ngựa, đầu  đầu bướu, mặt chuột kẹp, dạ cá lòng chim, thắt đáy lưng ong, mặt đỏ như mặt gà chọi, mặt xanh như đít nhái, mặt rỗ như tổ ong bầu, mắt bồ câu, mắt cá chày, cổ ngẳng như cổ , lông mày sâu róm, giương mắt ếch, mắt ốc nhồi môi chuối mắn, mồm cá ngão, da mồi tóc bạc...”

Những thành ngữ được chúng tôi liệt kê kể trên đều có một đặc điểm chung là một BPCTN luôn luôn được so sánh hoặc liên tưởng đến một loài vật nào đó. Khi những thành ngữ này được sử dụng trong giao tiếp hoặc trong các tác phẩm văn chương thì nó đã góp phần quan trọng làm tăng giá trị biểu cảm cho tác phẩm ấy. Chẳng hạn, thay vì sử dụng các từ hung hãn, ngang ngược, Nguyễn Du đã dùng thành ngữ “đầu trâu mặt ngựa” trong ví dụ sau:

    “Người nách thước kẻ tay đao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” (Truyện Kiều)

          Các loại thực vật quen thuộc của miền khí hậu nhiệt đới gió mùa gần gũi đối với đời sống và sinh hoạt của những cư dân trồng lúa nước cũng được nhắc đến như “răng chuối tiêu lưỡi núc nác, mắt ốc nhồi môi chuối mắn, tóc cứng như rễ tre, mắt lá răm, mũi dọc dừa, mặt trái xoan, mắt cay như xát ớt, có gan ăn muống có gan lội hồ, đầu óc bã đậu, vú thõng dưa gang, tóc đuôi gà mày lá liễu, há miệng chờ sung, chân như ống sậy, lòng vả cũng như lòng sung,...”. Để thấy điểm độc đáo khi sử dụng những hình ảnh thực vật trong các thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN, chúng ta cùng tìm hiểu bài ca dao sau đây:

           “Những người con mắt lá răm

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.” (Ca dao)

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Từ xa xưa, ông cha đã để lại nhiều kinh nghiệm thuộc về nhân tướng học “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Thông qua ngoại hình, diện mạo có thể đoán biết về nội tâm, tính cách con người. Câu ca dao trên thể hiện sự đánh giá cao đối với những người có đôi mắt và đôi lông mày đẹp. Dựa theo đặc điểm hình dạng của lá cây rau răm, ông cha ta đã đúc kết nên thành ngữ “mắt lá răm”. Đó là đôi mắt cân đối, hơi dài, tròng đen nhiều và cũng cân đối. Những người có con mắt như vậy thì ôn nhu, sáng suốt và thông minh. “Lông mày lá liễu” cũng xuất phát từ sự quan sát về đặc điểm của lá cây liễu. Nhờ việc quan sát này, ông cha ta đã cho rằng những người có đôi lông mày với hình dáng hơi nhỏ, thon gọn, cuối lông mày vòng xuống ôm lấy mắt thì đó là những người quý phái và trung hậu. Gặp bất kì hoàn cảnh nào, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh thì vẫn thủy chung trước sau như một. Để đánh giá cao những phẩm chất tốt đẹp “ẩn” đằng sau đôi mắt, cặp lông mày, ông cha ta đã đi đến kết luận “đáng trăm quan tiền” với hàm ý đây là những người có giá trị cao, khó tìm và cần có thái độ luôn trân trọng họ.       

Một điều đặc biệt là cây lúa đã trở thành hình ảnh thực vật gần gũi nhất, quen thuộc nhất và cũng quan trọng nhất với người Việt chúng ta. Trong thành ngữ nói chung và thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN nói riêng thì hình ảnh cây lúa có tần số xuất hiện nhiều và có tính phổ quát rộng nhất. Người Việt chúng ta đã có cách tri nhận rất sâu sắc và tỉ mỉ về cây lúa thông qua các từ thuộc trường nghĩa chỉ lúa trong thành ngữ như: “mỏng như lá lúa, câm như thóc, chuyện nở như gạo rang, dở hơi như cám hấp, chữ như trấu trát, lằng nhằng như cưa rơm, chết như ngả rạcơm tẻ là mẹ ruột, ngán như cơm nếp nát, méo miệng đòi ăn xôi vò, tháo dạ đổ vạ cho chè, má bánh đúc, vú bánh giầy...”.    

Hạt gạo được làm ra phải trải qua một quá trình lao động một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàngHạt thóc vàng và hạt gạo trắng chất chứa trong đó là biết bao mồ hôi công sức. Sự vất vả của người nông dân thường được nhắc đến qua thành ngữ “chân lấm tay bùn”. Khi đi vào ca dao, hình ảnh ấy không chỉ dừng lại ở ý nghĩa chỉ sự vất vả, nhọc nhằn mà nó còn như một biểu hiện của sự chăm chỉ, cần cù của các cô thôn nữ đã làm mê đắm các chàng trai.

      “Ai đem em đến giữa đồng

Chân bùn tay lấm mà lòng anh say.” (Ca dao)

Câu ca dao có thể xem như một lời tỏ tình của chàng trai với cô gái. Không gian của cuộc gặp gỡ không phải là một đêm trăng thơ mộng, nơi vườn hồng như các bài ca dao khác mà là ở “giữa đồng”, vào thời điểm thanh thiên bạch nhật. Nhân vật “em” được nói đến ở đây không “má phấn môi son”, “chân dép chân giầy” mà là “chân lấm tay bùn”. Cái đẹp không toát lên từ hình hài, diện mạo mà là từ trong lao động vất vả thường ngày. Hẳn là cô gái đã làm cho “lòng anh say” bởi chính cái sự hiền hoà, hay lam hay làm đó. Vẻ đẹp “thắt đáy lưng ong” của người con gái chắc hẳn cũng chính là kết quả của sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó để thu vén cho cuộc sống gia đình.   

    “Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con

      Những cô béo trục béo tròn

Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.”  (Ca dao)       

Cơm gạo là thức ăn chính nuôi sống con người. Cho nên người Việt Nam đã coi hạt gạo trắng như hạt ngọc quý trời ban cho vậy. Tìm hiểu ý nghĩa của thành ngữ “cơm tẻ là mẹ ruột” giúp cho chúng ta thấy được thái độ trân trọng của người Việt Nam đối với hạt gạo, bát cơm. Họ đã chọn ra một hình ảnh thân thương và cao cả là mẹ hiền trong mối quan hệ với con để so sánh làm nổi bật nên vai trò quan trọng của cơm tẻ đối với sự sống của con người. Phép so sánh đó quả là thần tình và sâu sắc. Với thành ngữ “cơm nhà má vợ” cũng vậy, ngoài ý nghĩa chỉ lối sống thu vén, chí thú với vợ con thì hai hình ảnh “cơm nhà” và “má vợ” giúp cho chúng ta thấy được những thứ cho dù đã quá đỗi quen thuộc mà lại không thể thiếu được, hoặc có thiếu thì dù chỉ một ngày cũng cảm thấy bâng khuâng. Đó là thái độ trân trọng những giá trị gần gũi, cơ bản và bền chặt trong một cách quan niệm đầy nhân văn về mái ấm và hạnh phúc gia đình của ông cha ta.

Đất nước có nguồn gốc nông nghiệp như Việt Nam chúng ta lại có “cơ duyên” để tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng lớn của Á Đông thời cổ đại. Đó là hệ tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” với sự hiện hữu cùng lúc những ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Những dấu ấn về sự ảnh hưởng của các tư tưởng này vẫn còn để lại trong nhóm thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN như “khẩu phật tâm xà, trơ như đít bụt, bẻ tay bụt ngày rằm, miệng bồ tát dạ ớt ngâm, tay dài như tay la hán, mũ ni che tai, ăn xôi chùa ngọng miệng, lưng chữ cụ vú chữ tâm, mặt vuông chữ điền,...”

Thành ngữ “mặt vuông chữ điền” là biểu hiện sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hoá Việt Nam. Mặt hình chữ “điền” là khuôn mặt vuông vức, giống như hình dáng của chữ “điền” (). Khuôn mặt này biểu hiện cho sự trung thực, nhân hậu. Hàn Mặc Tử trong nỗi niềm hoài vọng về xứ Huế đã viết nên thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ với những câu thơ:   

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Đây thôn Vĩ Dạ)

Sau sự ngỡ ngàng về vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi và mướt xanh của vườn tược xứ Huế dưới ánh ban mai. Hình ảnh con người đã xuất hiện thấp thoáng. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh hình ảnh “mặt chữ điền”, có ý kiến cho rằng đó là khuôn mặt của một cô thiếu nữ, lại có ý cho rằng đó là hình ảnh khuôn mặt của một chàng trai. Theo chúng tôi, chỉ cần hiểu “mặt chữ điền” trong câu thơ là khuôn mặt của người xứ Huế cũng đủ thấy cái hay, cái đẹp của câu thơ rồi. Hàn Mặc Tử hoài niệm về xứ Huế mộng mơ gắn liền với cái thời sôi nổi, trẻ trung yêu đời của tuổi đôi mươi và một mối tình đơn phương thầm yêu trộm nhớ. Nay không trực tiếp về với Vĩ Dạ thân thương, nhà thơ đã dội lên trong lòng là biết bao tình cảm nhớ nhung với đất với người nơi ấy. Vì thế cho nên hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền” có thể xem là một tín hiệu thẩm mĩ tổng hợp. Nó là vẻ đẹp hài hoà của thiên nhiên với con người xứ Huế. Thiên nhiên tươi đẹp còn con người thì nhân ái, hữa tình.  

2.2. Nét văn hoá trong lời ăn tiếng nói  

Cách đối nhân xử thế thông qua lời ăn tiếng nói được người Việt Nam chúng ta rất coi trọng. Nó là biểu hiện của văn hoá và tư cách con người. Trong giao tiếp, người Việt Nam luôn luôn có xu hướng giữ hoà khí, tránh sự cãi cọ hay to tiếng. Bao giờ họ cũng cân nhắc đắn đo trước khi nói. Sự thận trọng đó được biểu hiện thông qua các thành ngữ như “giữ mồm giữ miệng, có mồm thì cắp có nắp thì đậy”. Trong lúc nói năng, thái độ chân thành, niềm nở, thân thiện, tươi cười bao giờ cũng được đánh giá cao. Chẳng hạn “tay bắt mặt mừng, thơm tay hay miệng, mau mồm mau miệng”. Khi nói năng, cho dù ai đó còn có chút cục cằn, thô vụng thì vẫn dễ được thông cảm và lượng thứ như “khẩu xà tâm phật, bụng ngay miệng thẳng”, còn những kẻ bề ngoài nói năng tử tế, ngọt ngào nhưng trong lòng lại nham hiểm, thâm độc thì luôn bị phê phán như trong các thành ngữ “miệng thơn thớt dạ ớt ngâm, miệng nam mô bụng một bồ dao găm, khẩu phật tâm xà...”.

Khuôn mặt là biểu hiện của thái độ thiện chí hay không thiện chí trong giao tiếp. Vì thế người Việt Nam thường chú ý để nhận ra sự thiếu thiện cảm qua các thành ngữ như “mặt nặng như chì, mặt nặng như đá đeo, nặng mặt sa mày...”. Những biểu hiện thái quá trong giao tiếp cũng thường bị phê phán như “mặt đỏ như mặt gà chọi, khoa chân múa tay, nói xàu bọt mép”. Thái độ trơ lì, bất chấp tất cả, không cần quan tâm đến những người xung quanh cũng là điều được ông cha ta phản ánh trong các thành ngữ như “mặt chai mày đá, mặt trơ trán bóng,...”. Sự luồn cúi, bợ đỡ trong giao tiếp được biểu hiện qua các thành ngữ như “cúi mặt khom lưng, quỳ gối cúi đầu”. Những kẻ có quyền thế hay giàu có thường tỏ một thái độ trịch thượng trong giao tiếp được biểu hiện bằng thành ngữ “khinh người bằng nửa con mắt, nói như đổ mẻ vào mặt, mắng như tát nước vào mặt...”.

Ông cha chúng ta còn đánh giá “nhân tâm” thông qua “nhân diện” khi giao tiếp. Những thành ngữ như “mặt trái xoan, mặt vuông chữ điền” thường là biểu hiện của những con người đẹp người, đẹp nết, hiền lành, nhân hậu, vị tha. Ngược lại những kẻ “mắt sâu râu rậm, mắt lăng mày vược, mắt la mày lét” lại thường ẩn giấu bên trong những bản chất xấu xa như ác độc, gian xảo hoặc tà dâm. Những thành ngữ như “mặt tái xanh tái xám, mặt vàng như nghệ, mặt như chàm đổ” giúp cho chúng ta nhận ra được tâm trạng chất chứa nỗi lo lắng, sợ hãi của người đang giao tiếp với mình. Hẳn là chúng ta còn nhớ những câu thơ miêu tả về tâm trạng của Thúc Sinh trong buổi Kiều báo ân báo oán:

     “Cho gươm mời đến Thúc lang

Mặt như chàm đổ mình dường giẽ run.” (Truyện Kiều)

Thành ngữ “mặt như chàm đổ” đã miêu tả rõ tâm trạng sợ hãi cực độ của Thúc Sinh. Giữa trướng hùm ba quân gươm giáo, sát khí đằng đằng, Thúc Sinh tưởng rằng Thúy Kiều cho mời đến mình để “hỏi tội” về những việc trước kia. Thúc Sinh vốn là người có bản tính nhút nhát, lại cộng thêm với một hoàn cảnh đặc biệt nên tâm lí run sợ đến mức không thể nói lên lời trong ví dụ vừa nêu là một điều dễ hiểu. Ví dụ này cũng là một minh chứng cho nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật thần tình của thi sĩ Nguyễn Du.     

          Văn hoá trong giao tiếp còn được thể hiện ở sự thuyết phục người nghe. Bên cạnh nội dung nói thì cách thức truyền đạt khi nói cũng rất quan trọng. Những người tài trí, thông minh, nói năng rõ ràng, mạch lạc thì những điều nói ra thường như “rót vào tai” người ngheNgược lại, kẻ thô lỗ, thiếu hiểu biết thì “nói như đấm vào tai” người khác.

2.3. Nét văn hoá trong tính cách con người Việt Nam 

Tính cách là tổng thể nói chung những đặc điểm tâm lí ổn định trong cách xử sự của một người, biểu hiện thái độ điển hình của người đó trong những hoàn cảnh điển hình. Bản chất con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Do đó, con người là một thực thể tồn tại trong xã hội linh hoạt và phức tạp nhất. Con người sáng tạo ra ngôn ngữ để phục vụ cho đời sống và cũng chỉ có ngôn ngữ mới có thể thoả mãn được nhu cầu truyền tải những thông điệp, tư tưởng, tình cảm của con người. Thông qua ngôn ngữ nói chung và thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN nói riêng cũng giúp cho chúng ta phần nào hình dung được những đặc điểm về tính cách của người Việt Nam.

Có một điều dễ nhận thấy về đặc điểm tính cách của người Việt Nam được nói đến trong thành ngữ là tồn tại cả những tính cách tốt, tích cực và những tính cách xấu, tiêu cực. Trong đó, nét tính cách xấu được nói đến nhiều hơn. Lí giải về điều này, có nhiều cơ sở khác nhau. Trong đó, có thể kể đến việc dân tộc Việt Nam là một cộng đồng người coi trọng sự giáo dục, ghét cái xấu, cái ác nên thường đề cập đến cái xấu, cái ác một cách thẳng thắn, không che giấu và xem đó như một cách để tự răn mình và dạy người.

Nét tính cách xấu, tiêu cực trong một bộ phận người Việt Nam có thể kể đến là sự lật lọng tráo trở như “mặt tam mặt tứ, trở mặt như trở bàn tay, miệng nam mô bụng bồ dao găm,...”; sự nham hiểm, thâm độc trong cách xử thế như “đâm dao sau lưng, gắp lửa bỏ tay người, độc có lông trong bụng, ném đá giấu tay, ngậm máu phun người...”; sự toan tính, cầu lợi cho riêng mình như “ngậm miệng ăn tiền”; sự hung hăng, lì lợm như “đầu trâu mặt ngựa, mặt trơ trán bóng, mày chai mặt đá...”; sự lấn lướt người khác đến mức không còn nể nang như “được đằng chân lân đằng đầu, xỏ chân lỗ mũi...”; sự hèn kém kiểu anh hùng rơm như “miệng hùm gan sứa, đánh giặc mồm...”; sự lười nhác cũng được nói đến qua các thành ngữ như “vụng miệng biếng chân, mồm miệng đỡ chân tay, há miệng chờ sung...”. Tính cách bợ đỡ, xu nịnh cũng là một tật xấu như “ôm châm liếm gót, quỳ gối khom lưng,...”; tính cách tham lam đến mức “tối mắt tối mũi” trước của cải vật chất mà quên đi tình nghĩa. Nhiều trường hợp là sự dại dột đến mức tự chuốc vạ vào bản thân như “đâm đầu vào tròng, húc đầu vào đá, lấy dây buộc mình...”

Những thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN cũng giúp cho chúng ta thấy được nhiều nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của người Việt Nam. Ở phạm vi rộng của những mối quan hệ xã hội, người Việt luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong mọi hoàn cảnh. Họ đã “chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh, chung sức chung lòng...” khi lao động sản xuất hay trong việc chống lại sự tàn phá địch hoạ, thiên tai. Trở về với đời sống thường ngày, người Việt Nam là những con người bình dị, chất phác. Bản chất hiền lành, lương thiện cùng với một tình yêu lao động thiết tha. Họ là những người “chân chỉ hạt bột, miệng nói tay làm...”. Sự chân thật, thủy chung được thể hiện qua các thành ngữ “lòng ngay dạ thẳng, một lòng một dạ, dạ ngọc gan vàng, lòng son dạ sắt...”. Ông cha ta còn răn dạy con cháu rằng: “Ơn ai một chút chớ quên, oán ai một chút để bên dạ này”. Đây là một thái độ vừa phân minh rạch ròi giữa ân và oán, lại vừa hàm chứa những ý nghĩa nhân văn của sự vị tha. Lời dạy đó là một lời khuyên thật chí lí, chí tình. Khi chịu ơn thì hãy ghi nhớ để trả ơn. Chuyện oán thù thì dù cho không quên được cũng chỉ nên “để bên dạ này”, nghĩa là “cất giấu” mà không hành động, không gây thêm thù, chuốc thêm oán để tránh đi cái vòng luẩn quẩn của thế sự nhiễu nhương. Những thành ngữ như “ghi lòng tạc dạ, ghi xương tạc tuỷ, ghi tâm khắc cốt...” là những ví dụ để giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều đó. Khi giúp đỡ người khác, người Việt chúng ta có thái độ “hết lòng hết dạ”. Sự nhiệt tình đến mức nhiều khi lại mang đến cả sự rắc rối, thiệt thòi khiến cho chính người giúp đỡ cũng phải than phiền là đã làm một việc “ôm rơm rặm bụng”.  Tuy nhiên không phải vì thế mà họ “nhắm mắt làm ngơ” trước những hoàn cảnh bất hạnh, ngang trái ở đời.

          Trong mối quan hệ gia đình, người Việt chúng ta bộc lộ rất nhiều nét tính cách tốt như sự thủy chung của vợ chồng, sống gắn bó yêu thương, đầy trách nhiệm với nhau đến “đầu bạc răng long”. Tình cảm vợ chồng luôn mặn nồng, thắm thiết “đầu gối tay ấp, đầu gối má kề...”. Mối quan hệ anh em trong một gia đình đã được thành ngữ lựa chọn những hình ảnh không thể tách rời nhau để biểu hiện như “máu chảy ruột mềm, như chân với tay, môi hở răng lạnh...”. Ca dao đã vận dụng những thành ngữ về các mối quan hệ gia đình như mối quan hệ vợ chồng thật là ý nghĩa:

        “Vợ chồng đầu gối má kề

 Lòng nào mà bỏ mà về cho đang

         Hồ về, chân lại đá ngang

   Về sao cho đứt cho đang mà về.”

 Câu ca dao là tâm sự của người vợ khi cuộc sống hôn nhân gặp hoàn cảnh trớ trêu, trắc trở. Vì tình nghĩa vợ chồng sâu đậm“đầu gối má kề” mà người vợ đã lưu luyến bước chân chẳng muốn rời xa. Bước chân muốn dứt khoát ra đi mà nghĩa tình phu thê thì như níu giữ. Tình cảm đã lấn át cả lí chí khiến cho người vợ “chân lại đá ngang”. Nỗi lòng băn khoăn “Về sao cho đứt cho đang mà về” cũng chính là ý thức đầy trách nhiệm của một người vợ đối với gia đình. Người vợ có lẽ đã chấp nhận những thiệt thòi về mình để giữ gìn cho tổ ấm được vẹn toàn không tan vỡ.

Một nét đẹp nữa không thể không nhắc tới trong tính cách Việt Nam là sự cần kiệm trong sinh hoạt. Cần kiệm là một nét đẹp của tính cách, nó khác hẳn với sự keo kiệt, bủn xỉn. Thành ngữ “thắt lưng buộc bụng, nhịn miệng đãi khách” đã cho chúng ta thấy một cách hành xử đẹp của người Việt trong những lúc khó khăn thiếu thốn. Họ  sẵn sàng chịu nhận phần thiệt thòi về bản thân mình mà không oán thán kêu ca. Cha mẹ thắt lưng buộc bụng để nuôi con cái ăn học nên người. Hậu phương thắt lưng buộc bụng nhằm tăng cường sức mạnh về vật lực cho tiền tuyến để giành chiến thắng. Đó chẳng phải là những biểu hiện sinh động cho đức hi sinh cao cả đó sao? Phải là một dân tộc giàu nghị lực sống, chiến đấu và xây dựng thì chúng ta mới có thể đương đầu và giành chiến thắng trước những thế lực quên thù hung hãn cũng như luôn bền bỉ, kiên trì, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên từ một xuất phát điểm rất khó khăn. Những thành ngữ phản ánh và ngợi ca những tính cách quý báu đó là “chân cứng đá mềm, tay trắng làm nên, có gan làm giàu...”. Có một bài ca dao đã để lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh người nông dân trong công việc cấy trồng:

      “Người ta đi cấy lấy công

 Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

       Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm

        Trông cho chân cứng đá mềm

Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng”. (Ca dao)

Thành ngữ “chân cứng đá mềm” là sự khẳng định cho đức tính kiên trì, không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng đối mặt với thiên nhiên trong sản xuất để bảo vệ thành quả lao động của mình. Phép nói quá trong thành ngữ “chân cứng đá mềm” đã làm nổi bật ý chí của người nông dân trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên, chinh phục tự nhiên để hướng tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ý thức trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước luôn là mạch nước ngầm thao thiết chảy trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Các thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN cũng góp phần phản ánh đặc điểm này. Tự thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người dân đất việt, họ luôn coi quê hương là nơi “chôn rau cắt rốn”, là mảnh đất thiêng liêng, là cội rễ chở che và nâng bước cho mỗi con người trên dòng đời bôn ba trăm ngả.

3. Kết luận

L.S. Vygotsky cho rằng “A word is a microcosm of human consciousness” (mỗi từ là một tiểu vũ trụ của ý thức con người). Ở đơn vị lớn hơn từ là thành ngữ, Nguyễn Đức Dân quan niệm “Thành ngữ phản ánh lối nói, lối suy nghĩ đặc thù của mỗi dân tộc” [1, 11]. Những quan niệm này thêm một lần nữa minh chứng cho mệnh đề có tính chất chân lí: ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy, của ý thức con người. Thông qua việc tìm hiểu thành ngữ chứa từ chỉ BPCTN dưới góc nhìn ngôn ngữ – văn hoá, chúng tôi mong muốn có thể phác hoạ được đôi nét về bức tranh văn hoá Việt Nam. Đó là nét đặc trưng trong đời sống nông nghiệp trồng lúa nước, là văn hoá trong giao tiếp và đặc biệt là những đặc điểm trong tính cách của người Việt chúng ta.         

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đức Dân (1983), Ngữ nghĩa thành ngữ tục ngữ sự vận dụng, Ngôn ngữ, số 3.

2. Hoàng Văn Hành (2004), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

3.  Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (2009), Thành ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

4. Vũ Dương Ninh (Chủ biên) (2009), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục Việt Nam.

5. Trần Ngọc Thêm (2012), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020