Đây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh của một khu vườn trong trẻo, nguyên sơ, thanh khiết đến lạ lùng nhưng cũng không kém phần lung linh huyền ảo đã sống trong tâm thức Hàn. Thôn Vĩ chính là hiện thân của một vẻ đẹp trắng trong mà suốt đời Hàn khao khát, ước vọng; là sự giao hoà của hai thế giới đặc trưng trong thơ Tử: thế giới trần thế và thế giới huyền diệu; là sự giao duyên tình tứ của những mô típ hết sức phổ biến đã trở thành những ẩn tượng trong tâm thức hàn như: mảnh vườn, dòng nước và người tình xa. Thôn Vĩ còn là sự thành công của lối thơ riêng, đặc trưng của Hàn Mặc Tử: lối thơ “sực nhớ”.
1. Mở đầu
Nếu Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” thì Hàn Mặc Tử được đánh giá là “nhà thơ lạ nhất trong trong các nhà Thơ mới”. Thơ Hàn Mặc Tử, vì vậy, càng ngày càng thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà nghiên cứu. Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Lúc được tuyển chọn vào chương trình và sách giáo khoa phổ thông trung học cũng là lúc Đây thôn Vĩ Dạ lọt vào “mắt xanh” của rất nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đa phần các bài nghiên cứu tập trung vào việc phân tích, đánh giá tác phẩm dưới góc độ văn học.
Chọn vấn đề nghiên cứu Mạch lạc trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, người viết mong muốn được nhìn nhận tác phẩm dưới góc độ liên ngành: ngôn ngữ và văn học. Trên cơ sở lí luận chung về mạch lạc, bài viết muốn đi sâu tìm hiểu mạch lạc trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, tìm ra những yếu tố chi phối mạch lạc trong văn bản, đặc biệt là văn bản thơ.
2. Quan niệm mạch lạc và mạch lạc trong văn bản
Theo nhiều nhà nghiên cứu, “mạch lạc” là thuật ngữ ngôn ngữ học xuất hiện gắn với bộ môn Phân tích diễn ngôn. Xung quanh khái niệm mạch lạc, tồn tại những cách hiểu khác nhau. Tác giả Diệp Quang Ban đã tổng hợp những cách hiểu cơ bản nhất về mạch lạc trong Giao tiếp văn bản – mạch lạc, liên kết, đoạn văn như sau: “a. Một cách dung dị và rất bao quát, có thể hiểu mạch lạc (coherence) là cái tầm rộng mà ở đó các lời nói được tiếp nhận là có ‘mắc vào nhau’, chứ không phải là một tập hợp các câu nói không có liên quan với nhau (D. Nunan, 1993)… b. Cách hiểu có phần chuyên môn hơn, và tất nhiên có phần rắc rối hơn, cho rằng mạch lạc là sự nối kết có tính chất logic được trình bày trong quá trình triển khai một cốt truyện, một truyện kể v.v., lệ thuộc vào việc tạo ra những sự kiện được kết nối với nhau, hơn là những dây liên hệ thuộc ngôn ngữ (như trong liên kết (cohesion))… c. Ngoài cách hiểu mạch lạc theo lối dung dị ở định nghĩa a và cách hiểu cố gắng nêu lên thực chất của hiện tượng mạch lạc như ở định nghĩa b, các nhà nghiên cứu còn đưa ra những định nghĩa khái quát hơn về mạch lạc… mạch lạc là một trong những điều kiện ban đầu hay đặc tính ban đầu của một văn bản: không có mạch lạc, một văn bản không phải là một văn bản đích thực (K. Wales, 1994)” [2, 133 – 136].
Với cách hiểu trên đây về mạch lạc, có thể thấy mạch lạc được phân biệt rõ với liên kết. Liên kết chỉ được hiểu là sự nối kết các câu, các đoạn, các phần của văn bản về mặt hình thức (thông qua các phương tiện liên kết). Trong khi đó, mạch lạc là sự liên kết văn bản ở chiều sâu nội dung ý nghĩa và phải tính đến các yếu tố bên ngoài từ ngữ của văn bản (như ngữ cảnh tình huống…). Mạch lạc, do đó, được coi là “yếu tố quyết định cho việc một khúc lời nói được coi là văn bản” [2, 206]. Trong cách hiểu rộng về liên kết như cách hiểu của Trần Ngọc Thêm trong Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt [7] thì liên kết tương đương với liên kết hình thức, còn “nhiều hiện tượng thuộc về mạch lạc trong văn bản đã được mặc nhiên xem xét” [2, 166] ở phần liên kết nội dung (bao gồm liên kết chủ đề và liên kết logic).
Khẳng định sự tồn tại của mạch lạc, coi mạch lạc là đặc trưng cơ bản nhất của một văn bản (một diễn ngôn), nhiều nhà nghiên cứu vẫn thừa nhận rằng, mạch lạc là một hiện tượng rất mơ hồ. Người ta thường chỉ nhận diện được mạch lạc một cách tiêu cực (trong trường hợp văn bản thiếu mạch lạc) hơn là tích cực (trường hợp văn bản có mạch lạc).
Trong văn bản, mạch lạc được thể hiện đầu tiên và trước nhất ở kết cấu của một văn bản. Bởi kết cấu văn bản là cách tổ chức các bộ phận ngôn từ có nghĩa của văn bản thành một chỉnh thể thống nhất nhằm thể hiện rõ nội dung và chủ đề của văn bản. Lúc đó, mạch lạc của văn bản được thể hiện rõ ở sự sắp xếp các yếu tố, các bộ phận có nghĩa của văn bản theo một trình tự hợp logic. Đó có thể là trình tự thời gian thực tế nhưng cũng có thể là trình tự hồi ức hoặc trình tự tâm lí tồn tại theo kiểu độc lập, riêng rẽ hay phối hợp trong văn bản. Trình tự sắp xếp này có thể thể hiện một cách tường minh trên câu chữ, nhưng trong nhiều trường hợp nó lại nằm ẩn sau bên trong. Người tiếp nhận muốn tìm ra mạch lạc của văn bản một mặt phải dựa vào câu chữ, nhưng mặt khác phải đi sâu tìm hiểu những yếu tố chi phối sự hình thành văn bản (như hoàn cảnh ra đời của văn bản, tư tưởng, phong cách của tác giả…) mới hi vọng tìm ra mạch nguồn xâu chuỗi các yếu tố, các bộ phận của văn bản.
Những hiểu biết khái quát trên đây về mạch lạc là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu mạch lạc trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
3. Mạch lạc trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
3.1. Khái quát về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xung quanh bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là kỉ niệm về mối tình đầu đẹp đẽ, trong sáng với Hoàng Cúc: “Có thể dự đoán không sai rằng Vĩ Dạ… đã hơn một lần có gắn trực tiếp hoặc gián tiếp với thiên diễm tình Hàn Mặc Tử – Hoàng Cúc. Và như thế thì Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ mang rõ dấu ấn một kỉ niệm về mối tình đầu của tác giả” [8].
Cũng có ý kiến khẳng định, Đây thôn Vĩ Dạ không đơn thuần là bài thơ tình thuần tuý, nó chính là một giai điệu của điệu nhạc Hàn về cảnh quê, người quê xứ Huế. Theo Trinh Đường: “Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ toàn bích nhất của anh, đậm đà một màu sắc Huế không lẫn vào đâu, vào bài thơ nào” [5].
Phần đông ý kiến cho rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ có tính hướng nội. Cái chinh phục, lôi cuốn bạn đọc của Đây thôn Vĩ Dạ chủ yếu là những “thâm cung bí hiểm” của nội tâm Hàn.
Có điều kiện đi sâu nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt là thâm nhập sâu vào bài thơ, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của phần đông các nhà nghiên cứu. Theo chúng tôi, được thai nghén, ấp ủ trong thời kì Đau thương, Đây thôn Vĩ Dạ là con đẻ сủa những nỗi đau bất tận đang vò xé tâm linh Hàn. Trong lòng thi sĩ lúc này vừa có nỗi đau của một con người đang bị bệnh tật tàn phá, huỷ hoại, lại vừa có nỗi đau của một kẻ si tình nhưng thất bại trong mối tình đơn phương mơ mộng với Hoàng Cúc. Phủ lên tất cả là sự vò xé, nỗi đớn đau của một con người luôn mặc cảm mình bị người đời xa lánh lãng quên. Điều đó có nghĩa, Đây thôn Vĩ Dạ được đúc kết bằng máu hồn Hàn, bằng cõi tâm linh sâu kín của Hàn. Đây thôn Vĩ Dạ trở thành một trường hợp kết tinh của hồn thơ Hàn Mặc Tử.
Cách nhìn nhận khái quát trên đây về Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là cơ sở cho chúng tôi khám phá và lí giải mạch lạc trong bài thơ.
3.2. Mạch lạc trong Đây thôn Vĩ Dạ
3.2.1. Từ mạch lạc trong câu thơ
Tìm hiểu Đây thôn Vĩ Dạ, chúng ta thấy toàn bài có 12 câu thơ. Về cơ bản, trong từng câu thơ, quan hệ logic – nghĩa giữa các từ ngữ trong câu là khá tường minh, dễ hiểu. Băn khoăn về quan hệ logic – nghĩa giữa các từ ngữ trong câu chỉ tập trung vào những câu thơ sau:
– Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
– Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
– Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
– Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở trường hợp thứ nhất “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây chỉ là một câu tả cảnh đơn thuần: tả cái nắng mới lên của một bình minh, cái nắng chiếu chiếu lấp loáng trên những tàu cau còn uớt đẫm sương đêm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thơ Hàn, chúng tôi thấy, để hiểu mạch lạc của câu thơ không thể hiểu một cách đơn giản như vậy. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta thấy dường như nắng đã trở thành một mô-típ được lặp đi lặp lại trong thơ Hàn. Một con người mà cuộc đời luôn phải hứng chịu những đau đớn, bất hạnh; một con người mà cuộc đời dường như chỉ toàn trong tăm tối lại không lúc nào thiếu ánh nắng trong cõi thơ của mình. Nắng của Hàn đã bắt đầu loé lên từ Gái quê tràn qua Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí để rồi lên cao ở thế giới của Cẩm châu duyên. Hàn đã mang về cho cõi thơ mình một thứ ánh nắng rất riêng. Không phải là ánh nắng tàn lụi, heo hắt mà ta thường bắt gặp trong Thơ mới:“Nắng đã xế về bên xứ bạn” (Huy Cận), “Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (Xuân Diệu). Nắng của Hàn là thứ nắng hết sức mới mẻ, tinh khôi, nguyên sơ, thuần khiết:
– “Trong làn nắng ửng khói mơ tan”
(Mùa xuân chín)
– “Mây hờ không đủ đòi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi”
(Nắng tươi)
Đó còn là một thứ nắng đang cựa quậy, đang vươn lên để khơi nguồn cho sự sống. Bởi vậy, trong con mắt nhà thơ, nắng không được tái tạo dưới dạng tĩnh mà luôn vận động, phát triển:
– Nắng càng cao, lòng ta càng hừng hực
– Nắng ơi, nắng có lên cao
(Cẩm châu duyên)
Điều đó có nghĩa, trong thơ Hàn, nắng bao giờ cũng đồng nghĩa với tình xuân, với sự sống, một sự sống căng tràn như Mùa xuân chín, như Nắng tươi:
Lá xuân sột soạt trong làn nắng
Ta ngỡ em ơi vạt áo hường
Thứ áo ngày xuân em mới mặc
Lòng ta rộn rã nỗi yêu đương
(Nắng tươi)
Về sau, ánh nắng này sẽ hoà cùng ánh trăng tạo thành một nguồn chung là nguồn sáng láng trong thơ Hàn Mặc Tử. Còn giờ đây, nó là thứ nắng tươi đẹp, hiện thân của cuộc sống trần thế.
Hiểu như vậy về nắng trong thơ Hàn để thấy rằng không phải ngẫu nhiên tác giả lại dùng dấu phẩy ngắt đôi câu thơ: “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” để tạo nên thành phần phụ chú trong câu: nắng hàng cau; và lặp lại từ nắng như muốn lưu ý, muốn khắc sâu vào lòng người đọc người nghe một thứ nắng riêng của mình. Như vậy, trùm lên khắp khu vườn thôn Vĩ vẫn là một cái nắng rất quen, cái nắng tinh khôi, trong trẻo, thuần khiết, cái nắng ấp ủ nỗi khát khao muốn níu giữ, muốn chiếm đoạt một vùng sự sống đã nằm ngoài vòng tay của một người khát yêu, khát sống đến mãnh liệt. Câu thơ, vì vậy, không đơn thuần chỉ là câu thơ tả cảnh mà còn chứa đựng một cái gì sâu hơn, thiêng liêng hơn.
Sang trường hợp thứ hai, nên lí giải thế nào về tổ hợp các hình tượng: mây – gió – nước để có thể hiểu được mạch lạc của 2 câu thơ sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau về những câu thơ này. Có tác giả cho rằng qua những hình ảnh ấy, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế đã được khắc hoạ thành công: gió và mây nhè nhẹ trôi, sông Hương nước chảy lững lờ. Tác giả khác lại quan niệm bằng một nhịp điệu khác thường, vô tình, nghiệt ngã thi nhân diễn tả một cái gì chơi vơi của một hồn thơ giữa dòng đời buồn thiu không lẽ sống. Còn có ý kiến cho rằng nó gợi nên một hiện thực phũ phàng về một cuộc tình duyên đã chia lìa, lỡ làng.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng: mây – gió – nước là tổ hợp hình tượng trở đi trở lại trong thế giới thơ Hàn. Chúng ta có thể bắt gặp chúng trong hàng loạt các bài thơ của Hàn như Nhớ Trường Xuyên, Tôi không muốn gặp, Đời phiêu lãng, Bắt chước, Chơi lên trăng. Chẳng hạn:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng
Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi.
(Nhớ Trường Xuyên)
Để cho hoa gió thì thào
Để cho mây nước nôn nao
Quên câu thương nhớ rồi sao
Em ơi thế nghĩa là sao.
(Bắt chước)
Những câu thơ trên cho thấy trong thơ Hàn, mây – gió – nước vốn là của thiên nhiên nhưng chúng dường như không còn là của riêng thiên nhiên nữa. Hình tượng thiên nhiên và hình tượng tâm hồn dường như đã giao thoa với nhau, đã phổ vào nhau. Mây – nước – gió cũng mang tâm trạng, nỗi niềm của con người: lúc thì “lẳng lặng”, lúc lại “nôn nao”… Bởi vậy, hình ảnh “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” không hẳn là để tả sông Hương, để diễn tả nhịp điệu khoan thai của xứ Huế. Ta càng khẳng định được điều đó khi đến với mây – nước – gió ở Tình quê:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước quên trôi đi
Như vậy, không riêng gì Đây thôn Vĩ Dạ mà ở Tình quê, mây – gió cũng chia rẽ: gió có lối đi riêng của gió, mây có đường đi riêng của mây. Và cái “dòng nước quên trôi đi” cũng không khác lắm với “dòng nước buồn thiu” ở thôn Vĩ. Đến đây có thể thấy rằng, không phải mây – gió – nước này là thứ độc quyền của sông Hương. Chúng là tổ hợp hình tượng vẫn hiện diện trong cõi thơ Hàn như những “thành viên” thường trực của cõi thơ ấy. Tổ hợp hình tượng này là hình ảnh của một xứ sở, một miền quê mà giờ đây đang ngày một lùi xa tầm với của Hàn. Thẳm sâu trong những hình ảnh này là một nỗi buồn vô tận – nỗi buồn về sự chia lìa tình đời, tình người của một con người đang bị đẩy ra ngoài cuộc sống của đồng loại để đi dần tới cõi chết.
Đến với Đây thôn Vĩ Dạ, người đọc cũng trăn trở không nguôi bởi mạch lạc trong hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Cũng đã có nhiều cách lí giải cho hình ảnh thơ này. Có người cho rằng đó là cảnh sông Hương thơ mộng dưới ánh trăng. Lại cũng có cách hiểu khá sai lầm: “Con thuyền nan chở khách trên sông trăng. Con thuyền ấy là cách sinh nhai của cuộc đời… Liệu rằng tối nay có kịp rước khách…” [6]. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào câu chữ của văn bản thì thật khó lí giải được mạch lạc của câu thơ. Bởi vì “bến sông trăng” hay thuyền “chở trăng” là những vật, những việc khó có thể xảy ra ở thế giới trần thế.
Không đóng khung ở Đây thôn Vĩ Dạ, đi vào cõi thơ Hàn, may mắn cho ta khi bắt gặp nhiều biến thể của thuyền trăng, sông trăng trong thôn Vĩ:
– Chiếc tàu chở cả một đêm trăng (Ghen)
– Đi trong thuyền chúng tôi có cảm tưởng lí thú là đương chở một thuyền hào quang, một thyền châu ngọc vì luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền (Chơi giữa mùa trăng).
Như vậy, coi thuyền trăng, sông trăng ở đây là đặc quyền của sông Hương và lí giải đó là cảnh thơ mộng của sông Hương dưới ánh trăng là khó thuyết phục. Những dẫn chứng trên đã cho thấy đâu phải chỉ ở sông Hương thơ mộng mới có thuyền chở trăng, sông trăng. Có lẽ đây là sự gặp gỡ giữa một dòng sông vốn chảy trong tâm thức thi sĩ với cái dòng sông có thể được gợi lên từ thôn Vĩ mà thôi. Dòng sông ấy như chất nặng nỗi niềm khắc khoải, chờ mong, khao khát “một người bạn cố tri có vẻ đẹp huyền ảo, vẻ đẹp tuyệt đối” để cứu rỗi một linh hồn bất hạnh. Và “tối nay” cũng chính là buổi tối của khao khát, là tối mà thi sĩ Hàn Mặc Tử sẽ thăng hoa vào xứ sở của cái đẹp vĩnh hằng, vào cõi trăng. “Tối nay” còn là tối “chơi giữa mùa trăng” ảo mộng của người thi sĩ cô đơn luôn luôn khao khát tình đời, tình người.
Trở về với Đây thôn Vĩ Dạ, người đọc cũng không khỏi băn khoăn về mạch lạc trong hình ảnh “Áo em trắng quá, nhìn không ra”. Có người hiểu một cách khá suy diễn “Hình ảnh màu trắng lẫn trong sương khói mơ hồ diễn tả cái biệt li trong gặp gỡ, sự cụt đường trước một đại lộ thênh thang” [3]. Căn cứ vào câu chữ của câu thơ, chúng ta hiểu rằng đây là một câu ghép chính phụ chỉ nguyên nhân – kết quả nhưng không sử dụng từ quan hệ và ẩn chủ ngữ ở vế 2. Như vậy, nhìn không ra là kết quả của việc áo em trắng quá. Nếu hiểu như vậy, có thể suy ra rằng sắc trắng ở áo của em không phải là sắc trắng bình thường mà là sắc trắng phát sáng. Sắc trắng phát sáng ấy đã làm hạn chế thị giác của người nhìn nên mới dẫn đến hiện tượng: nhìn không ra. Vì vậy, “nhìn không ra” ở đây không phải vì nó mờ ảo quá mà vì nó chói quá. Hiểu như vậy để thấy rằng khổ cuối của bài thơ đã mở ra trước mắt người đọc hai vùng không gian khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Đó là một không gian rực rỡ, tươi đẹp, chói loà và tràn trề ánh sáng của “khách đường xa” ở hai câu đầu và một không gian mịt mùng, mông lung, buồn tẻ bị bao phủ bởi màu “sương khói” của một con người sống trong mặc cảm biệt li.
Nếu chịu khó khám phá thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể thấy rằng, màu trắng cũng là một màu ám ảnh thơ Hàn. Hàn Mặc Tử đã đem đến cho thơ mình một sắc trắng rất lạ. Hãy quan sát các câu thơ sau:
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang.
(Mùa xuân chín)
Chết rồi – xiêm áo trắng như tinh.
(Cô gái đồng trinh)
chúng ta sẽ nhận ra một sắc trắng chói lói, một sắc trắng được thể hiện bằng cả màu cả ánh trong thơ Hàn. Bởi vậy, màu trắng trong thơ Hàn thường phát sáng. Đó phải chăng là một màu trắng tuyệt đối thể hiện khát khao của Hàn về một vẻ đẹp trinh bạch trắng trong. Màu trắng ấy có lẽ là “tài sản” riêng của bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí – một con người luôn khao khát cuộc sống trần gian trinh nguyên, thanh khiết vì đang ở bến đợi tàu về cõi chết.
Như vậy, mạch lạc (quan hệ nghĩa – logic) trong từng câu thơ của Đây thôn Vĩ Dạ đã được chúng ta lí giải một mặt căn cứ vào câu chữ trực tiếp trong văn bản nhưng điều quan trọng hơn là dựa trên những yếu tố thuộc về ngữ cảnh tình huống. Có thể thấy không hiểu được hoàn cảnh ra đời của bài thơ, không hiểu được hoàn cảnh đặc biệt của nhà thơ – bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí, không có cái nhìn xuyên suốt về cõi thơ Hàn thì chúng ta không thể hiểu được mạch lạc của từng câu thơ.
3.2.2. Đến mạch lạc toàn kết cấu
Như đã trình bày, mạch lạc trong kết cấu của một văn bản thể hiện trước tiên ở quan hệ nghĩa – logic giữa các từ ngữ trong văn bản. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mạch lạc ở từng câu trong văn bản thì chưa đủ. Văn bản không phải là phép cộng đơn giản giữa các câu. Mỗi văn bản luôn là một chỉnh thể thống nhất nên các phần, các bộ phận của văn bản phải có quan hệ chặt chẽ – logic với nhau góp phần thể hiện một nội dung chủ đề thống nhất. Bởi vậy, khi tìm hiểu mạch lạc của một văn bản còn phải xem xét sự phù hợp về logic – ngữ nghĩa của toàn bộ kết cấu.
Đây thôn Vĩ Dạ là một văn bản thơ, vì vậy mạch lạc trong kết cấu của văn bản sẽ được thể hiện ở sự kết nối nghĩa phù hợp giữa các đoạn thơ, khổ thơ. Bài thơ, như đã biết, сó 12 сâu thơ và được tổ chức theo một trật tự liên kết rất lạ.
Với thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử thoạt tiên đưa ta đắm say trong một thế giới trần thế tươi đẹp, tinh khôi, thanh khiết tràn đầy sự sống:
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
nhưng thế giới ấy, ngay sau đó, vụt biến mất như một giấc mơ. Hàn lại đưa ta đến với một thế giới nửa hư, nửa thực đượm nỗi buồn li biệt:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Và rồi cũng chính Hàn lại dẫn ta tới địa hạt của cõi huyền diệu với những mơ ước khao khát cháy bỏng:
– Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
– Mơ khách đường xa! Khách đường xa!
Áo em trắng quá nhìn không ra
để rồi sau đó lại dẫn ta trở về với thực tại đau buồn, phũ phàng của nhà thơ với những mặc cảm, hoài nghi:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Như vậy, không theo một lớp lang, một trật tự cố định nào, Đây thôn Vĩ Dạ đồng hiện trong Hàn như một chuỗi “sực nhớ” với những ý thơ bất ngờ như những bước nhảy của cảm xúc mà nếu không hiểu tâm linh, cõi lòng Hàn, ta khó lòng lí giải nổi. Vì vậy, có thể thấy chuỗi “sực nhớ” chính là mạch lạc của Đây thôn Vĩ Dạ.
Tuy nhiên, cái chuỗi “sực nhớ” ấy vừa có vẻ phi logic nhưng lại vừa nhất quán. Yếu tố tạo nên tính thống nhất nhuần nhị ở đây là một tâm trạng, một cõi lòng mà những khát khao mê đắm trong trẻo vừa nhen lên thì những ngậm ngùi, ảo vọng, biệt li đã xô về, vây phủ lên tất cả để trả tất cả về cho không khí biệt li: “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt” (Dấu tích). Cõi lòng ấy đã phổ trọn vẹn vào cấu trúc biểu cảm tinh tế của Đây thôn Vĩ Dạ. Đấy là cấu trúc biểu cảm giọng nói. Với cấu trúc biểu cảm giọng nói, thơ thiên nhiên của Hàn Mặc Tử có những nét độc đáo, riêng biệt của mình. Trong bức tranh thiên nhiên của Hàn Mặc Tử, ta luôn bắt gặp một cái TÔI không thể kiềm chế được của một cõi lòng đã bật lên thành một tiếng nói chen vào giữa bức tranh đó. Vì thế mà trong thơ Hàn luôn thấy hai hình tượng khá rõ rệt lồng vào nhau là: hình tượng thiên nhiên và hình tượng tâm trạng. Đọc thơ Hàn, thực tế ta không thể phân biệt nổi đâu là tình, đâu là cảnh nữa. Chúng dường như đã hoà quyện, tan biến vào nhau. Bởi vậy, say sưa bất tận trong vẻ đẹp thôn Vĩ với những câu thơ:
- Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
- Áo em trắng quá nhìn không ra
ta như nghe được tiếng lòng, điệu hồn đau thương của một thi sĩ mà cuộc đời đầy bất hạnh. Câu thơ không đơn thuần là câu thơ tả cảnh nữa mà như một lời than, lời rên xiết, tiếc nuối bật lên từ cõi lòng tác giả. Thôn Vĩ hiện lên dưới mắt Hàn đẹp đẽ, rực rỡ đến vô cùng, vô tận và cũng vì thế mà nỗi buồn của thi nhân cũng là tột cùng. Bởi giờ đây cái thế giới tươi đẹp ấy đã ngoài tầm với của Hàn. Cảnh ngộ của Hàn là cảnh ngộ của một con người bị đẩy ra ngoài cuộc sống của người thường và đang dần đi vào cõi chết. Ta như thấy ẩn trong cảnh vật một nỗi đau đớn quặn thắt, tái tê, một niềm tiếc nuối: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, một cái thảng thốt, mong đợi khắc khoải, ngậm ngùi: “Có chở trăng về kịp tối nay?” cùng một nỗi hoài vọng “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Phải chăng thơ Hàn không còn đơn thuần là một bức tranh tả cảnh, vịnh cảnh nữa mà đã là “tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn”.
4. Kết luận
Mạch lạc, như đã biết, là yếu tố khá mơ hồ, trừu tượng. Tìm mạch lạc trong văn bản văn xuôi đã khó nhưng phát hiện ra mạch lạc trong thơ còn khó gấp nhiều lần vì “thơ là điệu hồn”. Quá trình phân tích mạch lạc trong Đây thôn Vĩ Dạ cho thấy bài thơ chính là nơi kết lắng cao độ hồn thơ Hàn Mặc Tử – một hồn thơ “dị biệt”. Đây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh của một khu vườn trong trẻo, nguyên sơ, thanh khiết đến lạ lùng nhưng cũng không kém phần lung linh huyền ảo đã sống trong tâm thức Hàn. Thôn Vĩ chính là hiện thân của một vẻ đẹp trắng trong mà suốt đời Hàn khao khát, ước vọng; là sự giao hoà của hai thế giới đặc trưng trong thơ Tử: thế giới trần thế và thế giới huyền diệu; là sự giao duyên tình tứ của những mô típ hết sức phổ biến đã trở thành những ẩn tượng trong tâm thức hàn như: mảnh vườn, dòng nước và người tình xa. Thôn Vĩ còn là sự thành công của lối thơ riêng, đặc trưng của Hàn Mặc Tử: lối thơ “sực nhớ”. Như vậy, chính những đặc điểm chung của thơ Hàn đã phổ vào Đây thôn Vĩ Dạ, tạo nên cái mạch nguồn bên trong của bài thơ mà nếu chưa hiểu về chúng, về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, về nhà thơ – bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí thì chúng ta không tài nào lí giải nổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thị Lan Anh (1993), Xung quanh bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Luận văn tốt nghiệp đại học.
2. Diệp Quang Ban (2003), Giao tiếp – Văn bản – Mạch lạc – Liên kết – Đoạn văn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Lê Bảo (1989), Về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Giáo viên nhân dân tháng 11.
4. Hoài Thanh – Hoài Chân (1988), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
5. Trinh Đường (1990), Cảm nhận qua thơ Hàn Mặc Tử, Người Hà Nội 16/12.
6. Lê Đình Mại (1990), Đây thôn Vĩ Dạ – Một tiếng thở dài đáng quý, báo Giáo viên nhân dân tháng 1.
7. Trần Ngọc Thêm (2000), Hệ thống liên kết văn bản trong tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
8. Tạ Hữu Trâm (1989), Mối tình đầu của Hàn Mặc Tử , Tuổi trẻ chủ nhật số 51.
9. Chế Lan Viên (1991), Thơ Hàn Mặc Tử (Tuyển chọn và giới thiệu), NXB Văn học, Hà Nội.